Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong bài "Donald Trump sau một tháng" chúng tôi đã trình bày các hư chiêu mà Donald Trump đã đưa ra trong tháng vừa qua. Chúng tôi gọi là "hư chiêu" vì đó là những thứ gần như không có một giá trị thực tế nào ngoài việc "biểu dương khí thế" hay tung hỏa mù để đánh lừa quần chúng. Có người cho rằng Donald Trump đang vận động bầu cử năm 2020 hơn là đang lãnh đạo một chính phủ.

russia3

Tổng thống Donald Trump

Trên tạp chí Politico ngày 18/2/2017, bình luận gia Jon Finer đưa ra các luận chứng cho thấy rằng "Trump không có chính sách đối ngoại" (Trump has no foreign policy), còn báo Le Monde của Pháp số ra ngày 24/1/2017 nói rằng "Với Donald Trump, Hoa Kỳ không còn có chiến lược lớn"... 

Nếu đứng trên vị thế và quyền lợi của nước Mỹ thì những nhận xét này hoàn toàn đúng. Nhưng nếu đứng trên vị thế và quyền lợi của các nhóm tài phiệt đang lãnh đạo nước Mỹ thì những nhận xét này chỉ mới mô tả được mặt nổi của vấn đề, còn mặt trái đàng sau, tức các kế hoạch mờ ám của các nhóm tài phiệt, vẫn chưa nói đến, mặc dầu rất quan trọng. Trước khi nói về các kế hoạch mờ ám này, chúng tôi xin nhắc lại bản chất của các siêu quyền lực để đọc giả có thề thấy tại sao họ đã hành động như vậy.

Bản chất của tài phiệt

Một bản nghiên cứu do hai trường đại học Princeton và Northwestern phối hợp thực hiện năm 2014, đã đưa đến kết luận :

"Mỹ không còn là một nền dân chủ - không bao giờ quan tâm đến cộng hòa dân chủ như các Tổ Phụ Sáng Lập đã hình dung. Thay vào đó, nó chuyển qua con đường của giới thượng lưu và trở thành một quốc gia được dẫn đầu bởi một giai cấp thống trị nhỏ gồm các thành viên có quyền lực thực hiện quyền kiểm soát toàn dân - một chế độ tài phiệt (oligarchy)".

Carrol Quigley, Giáo sư Georgetown University, nhận định : "Lý luận rằng hai đảng đại diện cho những tư tưởng và chính sách đối nghịch, một có thể là của Cánh hữu và một là của Cánh tả, chỉ là một tư tưởng điên rồ, chỉ các nhà tư tưởng hàn lâm và giáo điều chấp nhận mà thôi ! Thay vì thế, hai đảng chỉ là một !".

Như vậy, Cộng hòa hay Dân chủ, Cánh tả hay Cánh hữu, Cấp tiến hay Thủ cựu… chỉ là những chiêu bài được dùng để lường gạt cử tri khi tranh cử. Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, người thắng cử dù thuộc phe nhóm hay đảng phái nào cũng đều phải đặt quyền lợi của giới tài phiệt lên trên hết.

Như chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần, tài phiệt là một thế lực vô tổ quốc : Nơi nào có thể làm ra tiền là nó đến. Nơi nào không còn kiếm được tiền thì nó đi… Nó chẳng cần phân biệt bạn hay thù, dân chủ hay độc tài, cộng sản hay tự do. Mục đích tối hậu của nó là TIỀN. Cho nên, lắm khi vì tiền mà nó hy sinh mạng sống đồng bào của nó, chà đạp lên xác chết của nhân loại, hy sinh cả một quốc gia mà trước đó nó là Đồng minh – thậm chí phản bội Dân tộc và Tổ quốc của chính nước nó".

Những tài phiệt đứng sau Trump

Qua các phát biểu của Donald Trump từ khi bắt đầu tranh cử cho đến bài diễn văn đọc trước Quốc hội lưỡng viện hôm 28/2/2017, chúng ta thấy rất rõ có hai nhóm tài phiệt đang đứng đàng sau chỉ đạo Trump, đó là tài phiệt quốc phòng và tài phiệt dầu mỏ. Trước hết, chúng tôi xin trình bày những khái niệm tổng quát về hai nhóm tài phiêt này, sau đó chúng tôi sẽ đi vào một số kế hoạch quan trọng.

1. Tài phiệt quốc phòng

Khi chiến tranh lạnh chấm dứt, cái mà Tổng thống Dwight Eisenhower gọi là "tổ hợp công nghiệp quân sự" cũng chấm dứt theo. Trong hơn 10 năm qua, các công ty quốc phòng Mỹ đã luôn xếp hạng sau rất nhiều các công ty thương mại lớn về đầu tư cho công nghệ. Hiện nay, còn có 5 đại công ty quốc phòng Mỹ nắm các vai trò chủ chốt, đó là Lockheed Martin, General Dynamics, Northrop Grumman, Boeing và Raytheon.

Viện Khảo Cứu Hòa Bình Quốc Tế ở Stockholm (SIPRI) cho biết trong năm qua, doanh thu về quốc phòng đã gia tăng do các xung đột ở Trung Đông, căng thẳng ở Biển Đông và đe dọa của Nga đối với các quốc gia láng giềng. Hoa Kỳ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 33% tất cả vũ khí xuất khẩu trong năm 2016, kế đến là Nga, và Trung Quốc đứng hạng ba.

Hiện nay ngân sách quốc phòng Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, gấp 3 lần Trung Quốc và gấp 9 lần Nga, nhưng trong bài diễn văn ngày 28/2/2017, Tổng thống Trump lại muốn đưa ngân sách quốc phòng Mỹ tài khóa 2016-2017 từ 549 tỷ USD lên 604 tỷ, tức tăng 54 tỷ. Ông cho biết sẽ đưa số tàu chiến và tàu ngầm Mỹ từ 276 chiếc lên 350 chiếc. Nhiều người đã đặt câu hỏi : nước Mỹ và thế giới đang ở trong thời bình, tăng ngân sách quốc phòng để làm gì ?

Câu trả lời có lẽ cũng giản dị : Để làm gia tăng số doanh thu cho các công ty quốc phòng Mỹ. Vì thế tờ The Diplomat đã viết : "Ngành công nghiệp vũ khí thông thường và hạt nhân đang trông thấy một tương lai sáng, nhưng đây hoàn toàn không phải là tin vui với nhân loại".

2. Tài phiệt dầu mỏ

Hiện nay Mỹ đã trở thành quốc gia có trữ lượng dầu nhiều nhất thế giới, với khoảng 264 tỉ thùng. Đứng đầu ngành dầu mỏ Hoa Kỳ là Exxon Mobil, rồi đến Chevron và Texaco. Hãng nghiên cứu Rystad Energy, có trụ sở ở Oslo, Na Uy, cho biết một nửa trữ lượng dầu mỏ của Mỹ là dầu đá phiến. Do đó nhiều công ty Mỹ quay qua tìm kỹ thuật mới để khai thác dầu đá phiến với giá giá thành khoảng 60 USD/thùng, tức giảm khoảng 40 USD/thùng.

Nhưng cơn sốt dầu đá phiến ở Mỹ chính là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của giá dầu trên thế giới. Thấy giá dầu của Mỹ hạ xuống, Saudi Arabia và các công ty dầu mỏ khác ở Trung Đông quyết định bán dầu với giá thấp hơn Mỹ khoảng 10 USD/thùng, kéo giá dầu Brent từ mức 115 USD/thùng vào giữa năm 2014 xuống dưới 30 USD/thùng vào đầu năm 2016. Kết quả, trong 10 công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ đã có đến 9 công ty phải khai phá sản.

Nhận thấy rằng giá nhân công của Mỹ quá cao, không thể cạnh tranh được, Exxon Mobil quyết định "hợp tác kinh doanh" với Nga để khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Tây Siberia rồi chuyển bằng đường ống qua bán ở các nước Châu Âu với giá rẽ hơn giá của Saudi Arabia và các nước Trung Đông. Donald Trump được đưa ra làm con rối.

Ngoài ra, Donald Trump còn chủ trương phối hợp với Nga để thanh toán ISIS ở Iraq và Syria rồi đưa Exxon Mobil đến làm chủ các mỏ dầu ở Iraq, nơi có sản lượng dầu đứng thứ ba thế giới.

Với kế hoạch này, Exxon Mobil sẽ cạnh tranh được với các quốc gia Trung Đông và thu về những mối lợi rất lớn, nhưng kế hoạch đó sẽ phương hại rất nghiêm trọng đối với nền an ninh Mỹ và thế giới, nhất là phá vỡ kế hoạch "Một Trung Đông Mới" đang làm khối Hồi giáo suy yếu, nên các tổ chức chính trị Mỹ cũng như thế giới đang tìm mọi cách ngăn chặn, làm Donald Trump nổi điên lên.

Kinh doanh dầu mỏ với Nga

russia2

Cơ hội làm ăn với Nga dưới thời Donald Trump

1. Triển vọng dầu mỏ ở Nga

Nga có trữ lượng dầu thô khoảng 80 tỷ thùng và khí đốt thiên nhiên khoảng 48 tỷ mét khối. Trước khi bị cấm vận, trong năm 2014 Nga đã sản xuất khoảng 7,3 triệu thùng/ngày. Khoảng 72% dầu thô của Nga được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, đặc biệt là Đức, Hà Lan, Belarus và Ba Lan. Và 26% xuất khẩu sang Châu Á, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản. Doanh thu từ xuất cảng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu trong năm 2013 chiếm 54% tổng doanh thu xuất khẩu của Nga.

Nga có dự án ống dẫn khí đốt Nam Hải lưu (South Stream) dài 3.600 km, chạy từ Nga qua Hắc Hải, tới Bulgari, Serbia, Hungary, Slovenia, rồi chạy vào Ý, Áo. Tổng chi phí dự án lên tới 32 tỷ euro.

2. Exxon Mobil nhảy vào

Gặp khó khăn ở Mỹ, Exxon Mobil thấy Nga là miếng mồi ngon nên nhảy vào. Ngày 30/8/2011, tập đoàn Exxon Mobil ký hợp đồng khai thác dầu khí với Nga ở khu vực Bắc Băng Dương sau khi tranh giành với công ty dầu khí khổng lồ BP của Anh. Ngày 16/6/1012 tập đoàn Exxon Mobil và tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã ký thêm hiệp ước khai thác "vàng đen" ở khu vực Tây Siberia. Vladimir Putin mô tả đây là "Một chân trời mới đang mở ra…".

3. Miếng ngồi ngon bị chặn lại

Để chận đứng sự phát triển của Nga về cả quân sự lẫn kinh tế, Hoa Kỳ đã tạo ra biến cố Ukraine rồi cùng với Liên Hiệp Châu Âu ban hành lệnh cấm vận Nga có hiệu lực kể từ 12/9/2014, bao gồm việc hạn chế giao thương về dầu khí và quốc phòng, chặn vốn vay đối với 5 ngân hàng nhà nước... Exxon Mobil bị buộc phải rút khỏi 10 liên doanh với công ty Rosneft của Nga, trong đó có một dự án trị giá 3,2 tỷ USD ở biển Kara.

4. Tiếng đầu lòng con gọi Putin !

Nhân cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, các tập đoàn dầu mỏ Mỹ quyết định đưa Donald Trump lên làm Tổng thống để hủy bỏ cấm vận cho Nga và trở lại hợp tác với Nga khai thác dầu mỏ và dầu khí.

Người ta không ngạc nhiên khi thấy thành phần tham dự ban vận động bầu cử cũng như nội các của Trump gồm nhiều người thân Nga hay có liên lạc với Nga, trong đó có cả Rex Tillerson, cựu Giám đốc điều Hành của Exxon Mobil. Hôm 21/2/2017, Donald Trump chối bai bải rằng không ai trong nhóm của ông có liên lạc với Nga. Ngay lập tức báo chỉ Mỹ liệt kê một bản dài những người của Trump có liên hệ với Nga, với những bằng chứng không chối cãi được, như Bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions, con rể Cố vấn Jared Kushner, cựu Cố vấn an ninh Michael Flynn, con trai Donald Trump Jr., cựu quản lý chiến dịch Paul Manafort, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, cựu Cố vấn Carter Page, v.v. Donald Trump đành phải câm họng.

Chính Donald Trump lại là người rất tôn sùng Putin. Tuy chưa bao giờ đọc thơ Tố Hữu ca tụng Stalin, Donald Trump cũng theo Tố Hữu làm thơ ca tụng Putin :

"Ông ấy là một nhà lãnh đạo giỏi hơn tổng thống của chúng ta (ông Obama). Tôi nghĩ tôi sẽ có mối quan hệ rất tốt với ông Putin và đồng thời có mối quan hệ rất tốt với Nga".

"Tôi luôn luôn biết ông ấy rất thông minh !" (I always knew he was very smart !).

Ngày xưa Tố Hữu viết : "Yêu biết mấy nghe con tập nói, Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin !". Nay Trump đổi lại : "Tiếng đầu lòng con gọi Putin !".

Donald Trump bị trúng kế nặng

Ngoài chủ trương bỏ cấm vận cho Nga, Donald Trump còn muốn phá vỡ Liên Âu và NATO để có thể dễ dàng thương lượng với từng quốc gia trong Liên Âu về việc phân phối dầu lửa và khí đốt. Trong cuộc phỏng vấn của báo Times của Anh và báo Bild của Đức ngày 16/1/2017, Donald Trump tuyên bố NATO đã "lỗi thời" và Liên Hiệp Châu Âu sẽ tan rã... Nhưng không ai để cho Donald Trump lộng hành như vậy.

1. Trump bị Obama gài bẫy ?

Biết trước sau khi đắc cử, Donald Trump sẽ bỏ cấm vận cho Nga để Exxon Mobil có thể làm ăn với Nga, ngày 29/12/2016 Tổng thống Obama tuyên bố tăng thêm một số biện pháp cấm vận Nga vì Nga đã nhúng tay vào việc lũng đoạn cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2016, trong đó có quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Ngay trong ngày đó, Tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh của Trump, đã liên lạc với Đại sứ của Nga tại Mỹ là Sergey Kislyak đến 5 lần để thảo luận về vấn đề này. Tài liệu tiết lộ cho biết Flynn đã nói với Đại sứ Nga : "Chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo để giúp hồi sinh mối quan hệ Nga-Mỹ dựa trên các chính sách mà chính quyền của Trump sẽ theo đuổi".

Ngày 30/12/2016, Tổng thống Putin thông báo sẽ không trả đũa vụ trục xuất một loạt nhà ngoại giao Nga do tổng thống Obama ban hành. Để đáp lại, lúc 11:41 sáng ngày 30/12/2016, Donald Trump viết trên Twitter ca ngợi Putin : "Great move on delay (by V. Putin) - I always knew he was very smart !" (Thật tuyệt về sự trì hoãn của V. Putin - Tôi luôn luôn biết ông ấy rất thông minh).

2. Trump và Pence đều là chính phạm ?

Lúc đầu Tướng Flynn chối cãi không có cuộc nói chuyện đó. Sau khi biết đã bị thu băng, Flynn đòi truy tố kẻ đã tiết lộ bí mật. Đạo luật Logan Act năm 1799 liền được đưa ra. Đạo luật này cấm các tư nhân không được quyền tự ý đại diện nước Mỹ đi thương lượng với các nước khác và đưa ra các cam kết. Vi phạm luật này có thể bị phạt đến ba năm tù. Sợ bị truy tố, Flynn đành bỏ của chạy lấy người. Nhưng để bảo vệ Trump và Phó Tổng thống Pence, Flynn cho rằng hai nhân vật này không biết chuyện ông làm và ông đã báo cáo không đầy đủ cho Pence.

Không ai tin như vậy. Tướng Flynn không bao giờ dám làm chuyện đó nếu không có lệnh của Trump hay Pence. Nếu Trump hay Pence đã chỉ thị cho Flynn, hai người này mới là chính phạm.

Trump chơi trò tháu cáy

Nghe tin các cuộc họp của bộ tham mưu Trump đã bị thu băng, sáng 4/3/2017 Trump đã phóng lên Twitter : "Thật khủng khiếp. Mới phát hiện ra ông Obama 'nghe lén tôi' tại Trump Tower ngay trước chiến thắng của tôi". Sau đó Trump viết : "This is Nixon/Watergate. Bad (or sick) guy" !

Các cơ quan truyền thông, FBI và một số dân biểu và nghị sĩ Mỹ yêu cầu Trump đưa ra bằng chứng thì Trump không trả lời được và lại yêu cầu Quốc hội mở cuộc điều tra !

Trump chẳng biết một chút gì về luật pháp Mỹ, nên tưởng rằng cứ ghép cho Obama tội nghe lén như Nixon là xong ! Trump không biết rẳng ở Mỹ có đạo luật "Foreign Intelligence Surveillance Act 1978" (Luật Giám sát tình báo nước ngoại). Luật này cho phép các cơ quan tình báo dùng mọi biện pháp cần thiết để theo dõi sự liên lạc giữa các "quyền lực ngoại quốc" (foreign powers) với các nhân viên tình báo của ngoại quốc (kể cả các công dân Hoa Kỳ). Do đó khi thấy có sự liên hệ giữa bộ tham mưu của Trump với tòa Đại sứ Nga, FBI có quyền đặt máy nghe lén để theo dõi. Không ai tin ông Obama đã ra lệnh này.

Nếu FBI trình bày trước Ủy ban Đặc biệt về tình báo của Thượng viện các cuốn băng ghi lại các chỉ thị của Trump và Pence cho Tướng Flynn liên lạc với Tòa Đại sứ Nga ngày 29/12/2016 thì đó là một thảm họa. Trump liền chơi trò tháu cáy.

Lúc 3 giờ 52’ sáng 4/3/2017, Trump đã phóng lên Twitter : "Tôi có thể đánh cuộc một luật sư giỏi có thể tạo ra một vụ án lớn từ sự kiện Tổng thống Obama ghi âm điện thoại của tôi vào tháng 10, ngay trước cuộc bầu cử" !

Lúc 6 giờ 28’ cùng ngày, ông Ben Rhodes, một cựu viên chức của Cơ quan Chiến lược truyền thông dưới thời Obama đã phản pháo lại : "Không. Họ không thể. Chỉ có một kẻ nói dối có thể làm điều đó". (No. They couldn't. Only a liar could do that).

Ngày 9/3/2017

Lữ Giang

Published in Diễn đàn