Trả lời một phóng viên ngày 30/4/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định có bằng chứng cho thấy siêu vi corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc tại Vũ Hán. Chủ nhân Nhà Trắng đồng thời cho biết ý định áp dụng lại các biện pháp thuế quan để trừng phạt Bắc Kinh.
Ảnh : Thông báo của Cộng đồng Tình báo Mỹ về nguồn gốc của Covid-19 trên twitter ngày 30/4
Khi được hỏi liệu có bất cứ bằng chứng nào khiến Mỹ tin chắc rằng Viện Virus học Vũ Hán là nguồn gốc gây bùng phát dịch bệnh Covid-19 hay không, Tổng thống Donald Trump trả lời : "Vâng, tôi có", song không tiết lộ thêm thông tin liên quan.
Tổng thống Trump phát biểu trước các phóng viên tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 30/4 rằng các cơ quan Mỹ đang điều tra làm thế nào SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên và cách xử lý của Trung Quốc như thế nào để ngăn dịch Covid-19 lây lan phần còn lại của thế giới.
Ông nói : "Và tôi nghĩ Tổ chức Y tế Thế giới nên xấu hổ vì bản thân họ giống như một cơ quan quan hệ công chúng cho Trung Quốc".
Sau đó, khi được đề nghị làm rõ nhận định của mình, ông nói : "Tôi không thể nói với quý vị điều đó. Tôi không được phép nói với qúy vị điều đó".
Ông cũng nói với các phóng viên : "Liệu họ [Trung Quốc] đã phạm sai lầm, hay liệu việc này đã bắt đầu như một sai lầm và sau đó họ đã phạm phải một sau lầm khác, hay ai đó đã cố tình làm gì đó ?"
Ông đưa ra thắc mắc : "Tôi không hiểu vì sao mà mọi người không được phép vào phần còn lại của Trung Quốc, nhưng họ được phép vào phần còn lại của thế giới. Điều đó thật tồi tệ, đó là một câu hỏi khó để họ có thể trả lời".
Tổng thống Trump nói thêm Mỹ có thông tin về những gì xảy ra tại Trung Quốc và ông sẽ sớm có bản báo cáo về vụ việc này "trong tương lai không xa".
"Lẽ ra họ có thể đã ngăn chặn được nó", Tổng thống Trump nói, đề cập việc Trung Quốc không nhanh chóng hủy các chuyến bay quốc tế ra khỏi đất nước.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump còn cho biết ông có thể xem xét áp đặt thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc nếu tính đến các biện pháp trả đũa Bắc Kinh.
Ngay trước thời điểm ông Trump phát biểu thì Cộng đồng Tình báo Mỹ kết luận virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc nhưng không phải do con người tạo ra.
"Toàn bộ Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) liên tục cung cấp thông tin hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách và quan chức chịu trách nhiệm công tác ứng phó đại dịch Covid-19 vốn xuất phát từ Trung Quốc. IC đồng tình với các nhà khoa học rằng SARS-CoV-2 không phải là do con người tạo ra hoặc biến đổi gen", theo thông báo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ nhấn mạnh : "IC sẽ tiếp tục kiểm tra và thu thập thông tin tình báo để xác định xem liệu rằng Covid-19 bùng phát là do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm SARS-CoV-2 hay đó là kết quả của một vụ tai nạn tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán".
Đó là phản ứng rõ ràng đầu tiên từ tình báo Mỹ lật tẩy các thuyết âm mưu – cả từ Mỹ và Trung Quốc – rằng virus corona là vũ khí sinh học.
Nhưng khả năng virus corona có thể vô tình bị rò rỉ từ một cơ sở nghiên cứu vẫn chưa được chứng minh.
Theo Hãng tin AFP, ông Trump đưa ra lời chỉ trích này trong bối cảnh Mỹ mất hơn 30 triệu việc làm trong 6 tuần khi các biện pháp phong tỏa gây thiệt hại kinh tế lớn cho xứ cờ hoa.
Dù đã đạt được lệnh "ngừng chiến" vào tháng 1 năm nay trong cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều năm, thuế quan vẫn được áp lên 2/3 lượng trao đổi thương mại giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhiều tháng qua, chính quyền Trump đã thúc đẩy cộng đồng tình báo Mỹ (IC) xác định nguồn gốc chính xác của việc bùng phát Covid-19, để theo đuổi một lý thuyết chưa được chứng minh rằng "đại dịch bắt nguồn vì một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc", nhiều nguồn tin nói với CNN.
Bất chấp cảnh báo từ các nhà khoa học và chuyên gia tình báo rằng Mỹ có thể không bao giờ biết nguồn gốc chính xác của virus, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo vẫn tiếp tục thúc đẩy cộng đồng tình báo để điều tra chi tiết chính xác về nguồn gốc của Covid-19. Ông Mike Pompeo từng yêu cầu Trung Quốc cho phép chuyên gia tới phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng đã bị từ chối.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley đã khẳng định hôm đầu tuần : "Như tổng thống đã nói, Mỹ đang điều tra kỹ lưỡng vấn đề này… Hiểu về nguồn gốc của virus không chỉ là điều quan trọng để giúp thế giới đối phó với đại dịch mà còn có ích cho các hệ thống ứng phó nhanh với các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai".
Trước đó, gần 25.000 email và mật khẩu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Quỹ từ thiện Gates và Viện Virus học Vũ Hán bị đánh cắp.
Ảnh : Tin tức hàng chục ngàn email của các tổ chức liên quan đến đại dịch Covid-19 bị rò rỉ ra bên ngoài
Ngày 21/4/2020, máy chủ của WHO, Quỹ Bill Gates cùng Viện Virus học Vũ Hán bị hack, toàn bộ 25.000 email, số điện thoại, dữ liệu đang và sẽ được công bố. Dữ liệu rò rỉ cho thấy Bill Gates biết trước về virus Vũ hán, cũng như danh sách quan chức Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ CDC, Ngân hàng Thế giới WB nhận tiền của Trung Quốc.
Quỹ Gates, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Viện Virus học Vũ Hán là ba tổ chức bị nghi ngờ liên quan đến đại dịch Covid-19 và hàng ngàn email, mật khẩu và tài liệu, thông tin liên quan đến đại dịch khởi nguồn từ Vũ Hán có nguy cơ bị công bố trên mạng.
Thông tin về vụ tấn công vì sự thật, vì đại nghĩa này được đăng trên tin chính của Bloomberg, The Washington Post và nhiều tờ báo lớn khác.
Nhiều người đặt niềm tin rằng những thông tin chấn động liên quan đến Tedros Adhanom – Tổng giám đốc WHO, Viện Virus học Vũ Hán, Quỹ Gates và đại dịch sẽ được hé lộ trong thời gian tới. Nhiều sự thật sẽ được phanh phui. Virus ác tính bắt đầu từ đâu và được bao che như thế nào sẽ không còn là bí mật đối với quốc tế.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1/5 tuyên bố muốn tham gia cuộc điều tra của chính phủ Trung Quốc về nguồn gốc của virus Corona chủng mới gây bệnh Covid-19.
Phát ngôn viên WHO Tarik Jasarevic nói với AFP ngày 1/5 rằng : "WHO muốn làm việc với các đối tác quốc tế và được chính phủ Trung Quốc mời tham gia cuộc điều tra nguồn gốc động vật của virus Corona chủng mới".
Ông Jasarevic cho biết Trung Quốc đang tiến hành nhiều cuộc điều tra để hiểu hơn về nguồn gốc Covid-19 nhưng WHO chưa được mời tham gia.
Phát ngôn viên WHO nói rằng các cuộc điều tra này tập trung xem xét các ca bệnh có triệu chứng vào thời điểm cuối năm 2019, phân tích mẫu xét nghiệm lấy từ các khu chợ và nông trại nơi các ca bệnh đầu tiên được xác định.
Bên cạnh đó, giới điều tra được cho là còn phân tích dữ liệu chi tiết về nguồn gốc và chủng loại các loại động vật hoang dã, động vật nuôi được bán tại các khu chợ. Theo ông Jasarevic, nghiên cứu này sẽ cung cấp kiến thức giúp ngăn ngừa khả năng virus lây lan từ động vật sang người.
Theo trang tin Đông Phương Hồng Kông, trong một diễn biến bất ngờ, ngày 30/4, Trưởng đại diện WHO tại Bắc Kinh đã chỉ trích Trung Quốc không cho phép tham gia điều tra về nguồn gốc virus Corona mới và bày tỏ nghi ngờ việc Trung Quốc che giấu số liệu thật về dịch bệnh.
Cơ quan truyền thông Anh Sky News ngày 30/4 đã công bố một đoạn video về cuộc phỏng vấn Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Bắc Kinh, trong đó ông này tuyên bố Trung Quốc đã nhiều lần từ chối cho phép WHO tham gia điều tra nguồn gốc của virus Corona mới.
Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về tính chính xác của số liệu "trong suốt thời gian từ ngày 2/1 đến ngày 16/1, vẫn chỉ có 41 người được chẩn đoán bị bệnh" mà Trung Quốc cung cấp.
Tiến sĩ Gauden Galea nói, ông biết rõ là phía Trung Quốc đang điều tra nguồn gốc của virus, nhưng WHO không được mời tham gia trong khi WHO luôn nộp đơn lên Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đề nghị cùng tham gia điều tra, nhưng yêu cầu này không hề được phía Trung Quốc trả lời. Ông Gauden Galea cho rằng Trung Quốc không có lý do gì để từ chối Tổ chức Y tế Thế giới, họ cũng nên điều tra nguồn gốc của virus và hiểu sự tiếp xúc giữa người và động vật. Chỉ có cố gắng tìm hiểu virus càng nhiều càng tốt mới tránh được sự tái bùng phát dịch bệnh.
Ông chỉ ra rằng việc điều tra dịch bệnh thời kỳ từ ngày 2 đến 16/1 năm nay là rất quan trọng ; Trung Quốc cần trả lời câu hỏi về số người được chẩn đoán và công bố nhật ký phòng thí nghiệm virus Vũ Hán để giúp hiểu toàn cảnh về dịch bệnh.
Khi được hỏi liệu có lý do hợp lý nào để Trung Quốc không cho phép WHO tham gia điều tra hay không, ông Gauden Galea nói : "Theo quan điểm của chúng tôi, không !".
Ông cũng nói rằng dựa trên các bằng chứng có sẵn, WHO cho rằng virus này bắt nguồn ở Vũ Hán và nó có nguồn gốc từ thiên nhiên chứ không phải do con người tạo ra.
Vẫn thường có câu : Thời gian luôn là ông thầy công minh nhất. Theo thời gian sự thật sẽ dần được hé lộ.
Cho tới thời điểm này, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để cùng tìm ra sự thật, hay vẫn muốn tiếp tục một mình một đường để tiếp tục giấu diếm, bưng bít mọi thông tin, dẫn đến tai họa nối tiếp tai họa cho người dân của mình và các nước trên thế giới.
Với quyết tâm của Mỹ, Úc và nhiều nước Dân chủ, Tự do trên thế giới thì dù cố che giấu và tung tiền làm truyền thông hòng làm mờ đi hình ảnh nguồn gốc của vius Vũ Hán, thì việc tìm ra nguồn gốc của virus nguy hiểm này chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Hoàng Trung (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 28/04/2020
Thị trường chứng khoán Mỹ chỉ nhích lên chút đỉnh trong ngày thứ Sáu, 13/12/2019, khi cuộc hưu chiến mậu dịch Mỹ-Trung được công bố. Lý do vì thị trường đã lên hôm trước rồi ; nhưng cũng vì kết quả rất khiêm tốn đối với nền kinh tế Mỹ.
Sau 17 tháng chiến tranh mậu dịch leo thang, các trại chủ ở Mỹ đã thiệt hại 11 tỷ USD. (Hình : Jorge Guerrero/AFP via Getty Images)
Trung Quốc hứa sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong hai năm tới, con số quá nhỏ so với sản lượng nước Mỹ. Những hứa hẹn của Bắc Kinh về bảo vệ tác quyền các sản phẩm trí tuệ và mở cửa thị trường cho các công ty dịch vụ Mỹ cũng phải chờ nhiều năm mới thể hiện được, nếu Trung Quốc thực tâm muốn làm.
Tình trạng khả nghi biểu lộ ngay trong cách Trung Quốc công bố tin tức. Trong khi Tổng thống Donald Trump báo trước sắp có "thỏa hiệp giai đoạn một" nhiều lần và chính phủ Mỹ nêu chi tiết nhiều điểm hai bên đã thỏa thuận thì Trung Quốc chỉ loan báo kết quả đại cương.
Các báo, đài ở Bắc Kinh không coi đây là một tin quan trọng để bình luận. Ngày thứ Bảy, chỉ có một tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo viết một bài mô tả bản thỏa hiệp là một "bước đầu" trong cuộc thương thuyết mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ còn nói trong tương lai "phải chờ xem hai nước có tiến thêm bước nào nữa không".
Trong bản thỏa hiệp do phía Mỹ công bố, Trung Quốc sẽ mua 50 tỷ USD nông phẩm, có thịt và đậu nành. Về phía Trung Quốc, các báo, đài không nói đến các con số 200 tỷ USD hay 50 tỷ USD trên đây. Năm ngoái Trung Quốc nhập cảng 137 tỷ USD nông phẩm, mua của Mỹ 9,2 tỷ USD trong khi mua thêm của nhiều nước khác. Trong quá khứ nước Tàu mua nhiều nông phẩm Mỹ nhất vao năm 2012 cũng chỉ có 25,9 tỷ USD. Hiện nay nông phẩm Brazil, Argentina đang chiếm thị trường Trung Quốc để thay thế hàng Mỹ. Trong năm qia Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la xây dựng hạ tầng cơ sở ở hai nước này để vận chuyển và tiếp thị nông sản nhanh hơn.
Các viên chức Trung Quốc họp báo không xác định con số nào, nhưng lại nói rằng phía Mỹ hứa sẽ mua thêm nông phẩm của Trung Quốc. Họ còn nói việc mua hàng hóa "cao cấp" của Mỹ sẽ dựa trên "số cầu trong thị trường" và tuân theo các luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Nếu mai mốt không mua như đã hứa, họ có thể lấy cớ trong nước không có nhu cầu, hoặc sợ bị các nước khác thưa kiện với WTO vì mua hàng Mỹ với giá cao hơn hàng nước khác ; hoặc viện ra cả hai lý do đó.
Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại của chính phủ Mỹ, nhấn mạnh đến trách nhiệm của đối phương khi thi hành thỏa hiệp, ông nói rằng, "Cuối cùng, tất cả bản thỏa hiệp có được thể hiện hay không là tùy thuộc những người quyết định ở Trung Quốc chứ không phải ở Mỹ. Nếu phe bảo thủ cứng rắn ở Bắc Kinh quyết định thì kết quả này, nếu phe cải tổ quyết định thì lại khác".
Ông Lighthizer đã có kinh nghiệm cay đắng về phe thủ cựu trong Bộ Chính trị Trung Quốc. Trong năm qua Tổng thống Trump đã đe dọa tăng quan thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc rồi ngưng không thi hành tất cả bốn lần, để hy vọng tiến tới thỏa hiệp, nhưng vô hiệu. Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hai lần rút lại các thỏa hiệp đã gần xong chỉ vì bị phe bảo thủ ngăn cản.
Tháng Tư vừa qua, hai phái đoàn Mỹ, Trung đã thỏa thuận một bản thỏa hiệp, nhưng vào phút chót phải xé bỏ vì ông Tập Cận Bình bị các tay cứng rắn trong Bộ Chính trị phê bình. Ông Tập phải rút lại việc giảm trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước như Mỹ yêu cầu. Tháng Mười, một thỏa hiệp cũng gần hoàn tất, nhưng phe diều hâu trong Bộ Chính trị phản đối vì khi đó chính phủ Mỹ không bỏ bớt một thứ thuế quan nào đã đánh trên hàng Trung Quốc. Đối với họ, không giảm bớt thuế quan, không thỏa hiệp.
Cuối cùng phe bảo thủ trong Đảng cộng sản Trung Quốc thắng thế. Chính phủ Mỹ đã ngưng không đánh thuế trên 160 tỷ USD hàng nước Tàu dự định vào ngày 15/12, và cắt một nửa thuế quan từ Tháng Chín đánh trên 120 tỷ USD hàng hóa khác.
Doanh nghiệp nhà nước là vấn đề khúc mắc nhất. Chính phủ Trump đã yêu cầu Trung Quốc phải giảm trợ cấp cho các xí nghiệp quốc doanh, vì họ có thể bán giá rẻ, cạnh tranh dễ dàng với các doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ. Nhưng phe cứng rắn Trung Quốc đã phản đối, coi đó là xâm phạm vào chủ quyền kinh tế của nước Tàu. Cuối cùng, vấn đề này không hề được nhắc tới trong bản thỏa hiệp sắp ký, một thắng lợi lớn cho phe bảo thủ bên Tàu.
Trong quá khứ, Trung Quốc luôn luôn trợ cấp các xí nghiệp của họ để loại bỏ các đối thủ quốc tế. Cách trợ cấp đơn giản nhất là các ngân hàng của nhà nước cho vay với lãi suất rất thấp. Có một lúc hầu hết các bản tiếp nhận ánh sáng mặt trời để tạo ra điện trên thế giới đều mua từ nước Tàu, vì các nước khác không thể cạnh tranh giá cả.
Bây giờ, phe bảo thủ Trung Quốc đã thừa thắng xông lên. Họ không muốn ngừng trợ cấp các ngành kỹ thuật cao, sẽ cạnh tranh với các công ty Mỹ và quốc tế trong những công nghiệp tân tiến nhất. Trung Quốc đã bỏ ra hàng trăm tỷ đô la để thúc đẩy các ngành viễn thông, tin học, trí khôn nhân tạo, cho đến máy bay và xe chạy điện, vân vân, với mục tiêu sẽ đứng đầu thế giới.
Một doanh nghiệp nhà nước đang mở 110 nhà kho lớn ở ngoài Thượng Hải, với các văn phòng hoàn toàn vi tính hóa, nhắm chế tạo máy bay để sẽ cạnh tranh với Boeing. Hàng chục thành phố trợ cấp các nhà sản xuất chế ra những chip điện tử có khả năng cạnh tranh với Mỹ, Đài Loan và Nam Hàn. Họ muốn thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào các hàng kỹ thuật cao của các nước này, vì đã đi xa trước nước Tàu hàng chục năm. Phe bảo thủ ở bên Tàu không muốn từ bỏ giấc mộng đứng đầu thế giới trong mọi ngành kỹ thuật trong 20 năm tới.
Ông Tập Cận Bình đã chịu theo phe bảo thủ, hoặc ông ta cũng bảo thủ như họ. Ngay cả khi Trung Quốc nhượng bộ Mỹ, chấp nhận mua 50 tỷ USD, thì việc mua bán, tồn kho, tiếp thị số nông sản này cũng do các doanh nghiệp nhà nước đảm trách. Vì trong thị trường tư nhân không ai có thể ấn định ngay số hàng mua trước khi biết giá cả ! Nước Mỹ đang giúp cho vai trò kinh tế quốc doanh ở nước Tàu mạnh hơn.
Bản thỏa hiệp sẽ được ông Robert Lighthizer, và ông Lưu Hạc – phó thủ tướng Trung Quốc – ký vào đầu năm 2020, vào lúc Thượng Viện Mỹ có thể đang biểu quyết không kết án Tổng thống Trump trong vụ đàn hặc ; Tổng thống Trump sẽ tuyên bố đại thắng.
Khi công bố tin về thỏa hiệp thương mại, Tổng thống Trump vui mừng nói, "Các trại chủ sắp đặt mua các máy cày và nông cụ lớn hơn !". Trong năm qua số các nông trại khai phá sản đã tăng 24% và số nợ của các nông gia đã lên tới 416 tỷ USD, mức nợ cao nhất kể từ gần 40 năm qua. Thỏa hiệp mua thêm nông sản Mỹ sẽ xoa dịu tâm lý các nhà nông ở vùng Trung Tây, họ có thể sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Trump tái đắc cử.
Sau 17 tháng chiến tranh mậu dịch leo thang, các trại chủ ở Mỹ đã thiệt hại 11 tỷ USD. Trong năm qua công quỹ đã phải xuất ra 28 tỷ USD để bù cho các nhà nông bị thiệt hại vì chiến tranh mậu dịch. Sang năm, Trung Quốc hứa sẽ mua 20 tỷ USD nông phẩm, lên bằng con số năm 2017. Các nhà nông sẽ tăng số bán cho Trung Quốc lên 40 hay 50 tỷ USD !
Ông Tập Cận Bình có một thỏa hiệp, tạo một không khí hòa hoãn, ít nhất giúp cho dân Trung Quốc yên tâm trước khi về quê ăn Tết. Nhưng không thể biết liệu ông ta sẽ thi hành bản thỏa hiệp như thế nào, vì ngoài mấy con số 200 tỷ và 50 tỷ USD, các điều khác đều chưa đủ chi tiết. Việc thi hành và thương thuyết các thỏa hiệp khác trong thời gian sắp tới sẽ khó khăn, vì đụng tới những vấn đề mà phe bảo thủ ở Bắc Kinh quyết không nhượng bộ.
Bản thỏa hiệp cũng nói Trung Quốc hứa sẽ không ép các công ty Mỹ chuyển giao kỹ thuật, không âm mưu hạ giá đồng nhân dân tệ. Hai bên hứa sẽ thiết lập các cơ cấu để giải quyết những điều tranh tụng khi thi hành thỏa hiệp.
Nhưng tất cả chỉ là những lời hứa.
Chúng ta có thể nhớ lại Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam còn đi xa hơn những điều cam kết trong thỏa hiệp ngưng chiến mậu dịch này. Bản Hiệp Định Paris được các cường quốc ký bảo đảm, từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Mỹ, vân vân. Các nước ký kết đồng ý thiết lập một cơ cấu kiểm soát đình chiến quốc tế và cả một "Ủy Ban Bốn Bên" gặp nhau mỗi ngày để theo dõi việc thi hành. Kết quả ra sao ai cũng biết rồi.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 17/12/2019
Cuối cùng thì ông Donald Trump không còn đủ kiên nhẫn với Tập Cận Bình. Hi vọng tìm được thỏa hiệp để ngừng cuộc thương chiến giữa Mỹ và Tầu từ cuối tháng 31/03/2019 đã tiêu tan khi Trump đe dọa sẽ áp thuế 10% vào các mặt hàng hóa của Tầu chưa bị áp thuế vào ngày 01/09/2019.
Donald Trump không còn đủ kiên nhẫn với Tập Cận Bình.
Thị trường chứng khoán Dow Jones giao động mạnh trong khoảng 900 điểm vào ngày thứ hai 05/08/2019 đầu tuần vừa qua sau khi Quỹ Dự Trữ Liên Bang (FED) hạ lãi suất 0,25% và tuyên bố áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc của Tariff Man Donald Trump.
Dù đã nhiều lần đánh-rút, rút-đánh như vụ ZTE, Huawei... để cảnh cáo họ Tập nên khôn ngoan, nghiêm chỉnh ngồi vào bàn đàm phán, tìm thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại do Trump khai pháo từ đầu năm 2018, dường như Tập Cận Bình chẳng coi những đòn phép của Donald Trump có chút trọng lượng nào.
Lời hứa mua nông sản, đậu nành của Tập với Trump sau khi gặp nhau bên lề hội nghị G-20 ở Osaka cuối tháng 06/2019 hầu như không hề được thực hiện. Ngược với những giòng Tweet đầy hồ hởi, phấn khởi, lạc quan của Trump, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc nói ông Tập không hứa gì hết.
Những phát ngôn đe dọa của Trump - nếu không đạt được thỏa thuận để ngừng cuộc thương chiến trước ngày 31/03/2019 thì tất cả các mặt hàng còn lại của Trung Quốc nằm trong danh sách chưa bị áp thuế sẽ bị đánh 25% khi nhập vào Mỹ - quá hạn đã 4 tháng rưỡi cho thấy Trump hoàn toàn không hề chuẩn bị hay có chiến thuật, chiến lược nào rõ ràng trong cuộc thương chiến.
Vậy phải làm sao ? Chẳng lẽ cú đập nhứ, dằn mặt, nặng ngàn cân của ông Trump nhắm vào công ty Huawei chưa đủ sức mạnh hay tác động để Tập "quan ngại" ? Ngay sau khi Tariff Man hăm dọa áp thuế 10% vào 01/09/2019, Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đáp trả :
"Nếu Mỹ nhất định thông qua các mức thuế đó, Trung Quốc sẽ phải áp dụng các biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ các lợi ích căn bản và cốt lõi của đất nước".
Điều này chứng tỏ những đòn chém gió của Donald Trump không hề làm cho Trung Quốc nao núng, sợ hãi. Ngay cả những tuyên bố lấy lòng họ Tập, ca ngợi việc đàn áp thô bạo cuộc biểu tình bất bạo động của người dân Hồng Kông, gọi họ là bọn phá hoại của Trump cũng không hề khiến cho Tập hay Bắc Kinh có thêm cảm tình với Trump và nội các trong chuyện đàm phán.
Tuần lễ trước, Larry Kudlow chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của Donald Trump tuyên bố rằng nền kinh tế của Trung Quốc đang tan vỡ từng mảnh, Trump đã chờ đúng thời điểm để ra đòn. Chẳng biết kinh tế Trung Quốc suy thoái đến mức nào, đòn của Trump tác động ra sao, chỉ thấy trong ngày thứ hai 05/08/2019 chỉ số Dow Jones giao động dữ dội, có lúc sụt gần 900 điểm.
Nếu chịu khó theo dõi giữa lời nói và việc làm của Trump, không khó để thấy cho dù Trump liên tiếp nhượng bộ, chủ ý của Tập rõ ràng là kéo dài cuộc đàm phán càng lâu càng tốt theo sách lược trì hoãn chiến.
Mặc dù ông Trump từng tuyên bố không có gì gấp gáp trong cuộc thương chiến với Trung Quốc, họ Tập trước hay sau sẽ phải ký hòa ước chấm dứt thương chiến theo những điều kiện của Trump nhưng ai cũng nhận ra là càng ngày Trump càng lún sâu vào vũng lầy và dần dần mất kiên nhẫn với một địch thủ khôn ngoan, lì lợm, mưu mô, xảo trá, sẵn sàng chơi cho đến lúc khô máu.
Họ Tập vừa nhìn Trump nóng nẩy, la hét, dương Đông, kích Tây vừa cười mỉm sap chi.
Hơn ai hết, họ Tập biết Trump phải có một vài thành quả nào đó để có thể lấy được niềm tin cho những người từng ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, nhất là những nông dân ở các tiểu bang miền trung tây nước Mỹ, nơi cuộc chiến thương mại đang gây khốn đốn cho họ hơn 1 năm qua.
Họ Tập có thể vừa nhẩn nha uống trà hay uống rượu Mai Quế Lộ vừa nhìn Trump nóng nẩy, la hét, dương Đông, kích Tây vừa cười mỉm sap chi.
Những phát ngôn mới đây của Trump trong khi đi vận động tranh cử cho thấy rõ sự bấn loạn tinh thần cũng như chứng hoang tưởng của Trump càng ngày càng nặng khi tuyên bố là sẽ xóa sổ bệnh liệt kháng AIDS cũng như chữa dứt bệnh ung thư của trẻ em.
Đàm phán về cuộc thương chiến Mỹ-Trung chắc chắn sẽ còn kéo dài chưa biết tới lúc nào, nhưng hi vọng Donald Trump đánh sập Trung Quốc về kinh tế của những người Việt ủng hộ ông Trump càng ngày càng mờ nhạt.
Đáng buồn thay, nhiều người Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại không nhận ra điều đó và vẫn tiếp tục hi vọng, chờ đợi ngày sụp đổ của Trung Quốc để chế độ cộng sản Việt Nam chết theo. Bên cạnh đó những biến động về tình hình chính trị ở Hồng Kông vẫn không làm thức tỉnh họ.
Chuyện Hồng Kông rồi cũng sẽ được Trung Quốc ở Bắc Kinh giải quyết theo cách này hay cách khác. Máu người dân Hồng Kông đã bắt đầu đổ và sẽ đổ thật nhiều khi Bắc Kinh thấy tình hình ở Hồng Kông đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của họ.
Hồng Kông tất nhiên sẽ không giống như Thiên An Môn nhưng nếu Tập Cận Bình mạnh tay, chắc chắn Trump sẽ dững dưng đứng nhìn hoặc lên án người dân Hồng Kông bằng những phát biểu vô cảm nếu không muốn nói là sẽ kết tội người dân ở đó gây ra hỗn loạn xã hội.
Tin tức mới nhất cho biết quân đội của Bắc Kinh đang chuẩn bị tiến vào Hồng Kông và Donald Trump đã gửi Tweet như sau : "Mọi người nên bình tĩnh và được an toàn" - Everyone should be calm and safe". Làm cách nào để mọi người nên bình tĩnh và được an toàn thì không thấy Trump nói thêm – Một lời nói rỗng tuếch.
Xin hãy căng mắt nhìn về Hồng Kông trong những ngày sắp tới và đừng hi vọng hão huyền, mong đợi tự do, dân chủ vào một con người bất tài, hành động thô lỗ, côn đồ, tính tình gian xảo, lưu manh, nói dối như cuội... đánh gục kẻ thù cho mình.
Thạch Đạt Lang
(15/08/2019)
Trump-Tập : "The Art of Deal" đấu với Binh thư Tôn Tử
Donald Trump và Tập Cận Bình dự dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 09/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Chuyến công du Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump được tất cả nhật báo Pháp quan tâm. La Croixchơi chữ "Hoàng đế Tập tiếp ông chủ Trump như một ông hoàng". Le Figaro nhận xét "Bắc Triều Tiên là trung tâm cuộc đọ sức Trump-Tập". Tương tự với Les Echos "Tại Trung Quốc, ông Trump tìm kiếm những nhượng bộ về thương mại và Bắc Triều Tiên". Paradise Papers với những nhân vật tên tuổi dính líu, nạn nghèo khó tăng lên, thâm hụt thương mại của nước Pháp, viện bảo tàng Louvre Abu Dhabi… đó là những đề tài được báo Pháp chú ý hôm nay.
Binh pháp Tôn Tử đối đầu "The Art of Deal"
La Croixmô tả, chủ tịch Trung Quốc đã tiếp đón tổng thống Mỹ tại Tử Cấm Thành, xưa kia là cung điện của các hoàng đế Trung Hoa, có diện tích đến 720.000 mét vuông. Đây là cả một biểu tượng, trong khi mùa xuân năm ngoái ông Donald Trump tiếpTập Cận Bình tại dinh cơ riêng ở Mar-a-Lago rộng 5.000 mét vuông, tại tiểu bang Florida. Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình, theo binh pháp Tôn Tử, hiểu rõ kẻ thù và biết cách làm cho ông ta lóa mắt, dẫn đến chiến thắng mà không phải động binh. Nhà tỉ phú Mỹ vốn tự hào với "Nghệ thuật thương lượng",dùng cách tiếp cận tình cảm, hết lời ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa thắng lợi vẻ vang trong Đại hội Đảng.
Theo tường thuật của thông tín viên Les Echos, trong khi dùng trà, ông Trump đã rút chiếc máy tính bảng, đưa cho "ông bạn" Trung Quốc xem một video, trong đó cháu gái Arabella Kushner của ông hát và đọc một bài thơ bằng tiếng quan thoại. Ông Tập nhận xét những tiến bộ của cháu bé, bảy tháng sau cuộc gặp ở Florida. Rồi con người hét ra lửa ở Bắc Kinh trở thành hướng dẫn viên du lịch, đích thân dẫn tổng thống Mỹ và phu nhân tham quan Tử Cấm Thành, xem ca kịch truyền thống và dùng bữa tối.
Hai nhân vật quyền lực nhất thế giới, mỗi người có một cách riêng để khuyến dụ nhau. Donald Trump mong muốn có được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Trung Quốc, vốn chiếm đến 95% trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên, trong cuộc thập tự chinh của ông với Bình Nhưỡng. Nhưng tuy Bắc Kinh đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đối với Tập Cận Bình, không có chuyện làm cho chế độ Kim Jong Un bị lung lay, và tất nhiên không ủng hộ các đe dọa chiến tranh của ông Trump. Về chủ đề này, La Croix dự báo tất cả những lời ngon lẽ ngọt của Donald Trump sẽ không lay chuyển được Bắc Kinh.
Le Figaro nói thêm, người Trung Quốc vốn rất gắt gao về nghi thức, vẫn phải "cầu nguyện" cho nguyên thủ Mỹ không đưa ra những tuyên bố nảy lửa, làm cho các lãnh đạo Bắc Kinh phải bối rối. Các viên chức Bắc Kinh lo lắng theo dõi những tin Twitter của ông Trump, mạng xã hội bị cấm đoán tại Trung Quốc, nhưng riêng tổng thống Mỹ thì có quyền "vượt tường lửa".
Les Echos cũng nhận định, các nước Châu Á cũng phần nào nhẹ nhõm. Thay vì tung ra những cú sốc mới gây nguy cơ xung đột, rốt cuộc ông Donald Trump đã đóng tốt vai một nhà lãnh đạo chín chắn, nghiêm túc theo những bài diễn văn mà các cố vấn đã soạn sẵn. Tại Tokyo, Seoul và Bắc Kinh và trên mạng Twitter, ông Trump chưa có vấp váp gì.
Về một hồ sơ gai góc khác là thương mại, tổng thống Mỹ với khoảng 30 chủ doanh nghiệp tháp tùng, rất muốn giảm bớt số thâm hụt khổng lồ trong trao đổi song phương, có thể lên đến 370 tỉ đô la trong năm nay. Theo hãng tin kinh tế Bloomberg, hai bên ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá 250 tỉ đô la. La Croix cho rằng như vậy ông Trump đã được "dỗ dành", nhưng đến bao lâu ? Vòng công du Châu Á của Donald Trump, cho đến nay rất ổn thỏa, rất có thể chỉ là bề ngoài, che giấu một chiến lược tương lai hiếu chiến hơn.
Xâm nhập thị trường cần hơn cán cân thương mại
Theo Les Echos, các nhà quan sát tỏ ra hoài nghi, không tin rằng các hợp đồng này có thể thực sự thay đổi thế trận. Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng không lạc quan về những tiến triển trong việc mở cửa thị trường Hoa lục.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo kinh tế Pháp, nhà nghiên cứu Hoàng Dục Xuyên (Yukon Huang) của Carnegie Endowment for International Peace tại Washington, cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định "Điều quan trọng thực sự không phải là thâm hụt thương mại Mỹ, mà là xâm nhập được thị trường Trung Quốc".
Chuyên gia này cho biết, cán cân thương mại không phải là chỉ số tốt nhất để ấn định chính sách kinh tế. Một nước có thể bị thâm hụt thương mại lớn, nhưng tăng trưởng mạnh và thất nghiệp ít. Hoa Kỳ vẫn bị thâm hụt thương mại trước khi Trung Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu. Hơn nữa, chú tâm vào chỉ số này chẳng có ý nghĩa gì trong thời buổi toàn cầu hóa chuỗi giá trị : các sản phẩm xuất khẩu được lắp ráp tại Trung Quốc từ các bộ phận do Hàn Quốc sản xuất chẳng hạn. Thâm thủng thương mại của Mỹ chủ yếu phản ánh một nền kinh tế tiêu thụ nhiều hơn là sản xuất ra.
Theo ông Hoàng Dục Xuyên, việc ít hiểu biết về cơ chế kinh tế dẫn đến các quyết định chính trị sai lầm. Tổng thống Donald Trump không có đủ các cố vẫn kỹ trị giỏi, hoặc là có nhưng ông không chịu nghe họ. Tuy nhiên, dư luận Mỹ đứng về phía ông Trump, tin rằng Hoa Kỳ xuống dốc là do Trung Quốc giành mất việc làm. Hoa Kỳ vẫn là đại cường hàng đầu thế giới về kinh tế lẫn quân sự, nhưng công dân Mỹ không nhìn ra điều đó.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất thế giới, nhưng chỉ có 2% tổng đầu tư của Mỹ là vào Trung Quốc. Quá ít, so với Châu Âu. Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào nông sản thực phẩm, một số dịch vụ và công nghệ cao, không cần đầu tư nhiều vào người khổng lồ Châu Á. Các chuỗi cửa hàng Starbuck và McDonald hiện diện khắp nơi ở Trung Quốc, nhưng thông qua nhượng quyền kinh doanh. Và tuy iPhone, iPad được sản xuất tại Trung Quốc nhưng Apple không đầu tư trực tiếp vào, mà qua các nhà thầu khác. Làm thế nào người Trung Quốc có thể mua nhiều hàng Mỹ hơn, trong khi họ đã sản xuất ra được nhiều loại hàng tiêu dùng, và nhập từ Châu Âu các loại hàng cao cấp ?
Ông Hoàng Dục Xuyên cho rằng đôi bên có thể cùng có lợi nếu Bắc Kinh chịu mở cửa thêm lãnh vực dịch vụ (tài chính, y tế, giải trí…) cho các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy chẳng những việc làm ở Mỹ không bị đe dọa, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho cả hai phía.
Bắc Triều Tiên nắm được công nghệ nguyên tử nhờ Pakistan
Quay lại với hồ sơ Bắc Triều Tiên, thông tín viên Le Figaro tại New Delhi cho biết, "Pakistan là đối tác quyết định đối với dòng họ nhà Kim trong cuộc chạy đua nguyên tử". Chế độ Bình Nhưỡng không thể tiến nhanh như vậy nếu Islamabad không cung cấp công nghệ làm giàu chất uranium.
Ngày 30/12/1993, nữ thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto chính thức viếng thăm Bình Nhưỡng, với mục đích mua hỏa tiễn đạn đạo Nodong kèm theo chuyển giao công nghệ. Pakistan đang chạy đua vũ khí hạt nhân với Ấn Độ, muốn vượt qua đối thủ. Islamabad mua 210 triệu đô la tên lửa, và không giao công nghệ gì cho Bắc Triều Tiên. Mười lăm năm sau, nhà báo điều tra Shyam Bhatia trong một cuốn sách đã thuật lại một câu chuyện khác hẳn.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003, Benazir Bhutto cho nhà báo Bhatia biết, trước khi đi Bình Nhưỡng, bà nhét đầy các túi áo măng-tô những CD-Rom chứa những thông tin về công nghệ làm giàu uranium, để trao cho chính quyền Bắc Triều Tiên. Vào thời đó, chương trình nguyên tử của Kim Il-sung đang tiến triển về hướng plutonium dùng cho mục đích quân sự, nhưng không biết làm giàu uranium, một kỹ thuật mà Pakistan nắm vững.
Chính quyền Pakistan luôn bác bỏ thông tin của nhà báo Shyam Bhatia. Nhưng cũng trong năm 2003, ông Robert Kelly, thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) đến Libya, nơi Kadhafi đã chấp nhận giải trừ hạt nhân. Ông phát hiện ra các vật liệu mà tiến sĩ Abdul Qadeer Khan - nhà khoa học Pakistan từng làm việc cho tập đoàn Hà Lan Urenco chuyên sản xuất máy ly tâm - bán cho Libya.
Ông Kelly kể lại : "Tôi có trong tay kế hoạch sản xuất đầu đạn nguyên tử với tất cả hướng dẫn chi tiết. Ông Khan bán các máy ly tâm, và kế hoạch này được giao theo hợp đồng. Vào thời đó, ông ta cũng làm việc với Bắc Triều Tiên và tôi suy ra rằng Khan cũng giao hàng tương tự". Thanh tra viên kết luận : "Không có công nghệ của Pakistan, chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng không thể tiến triển nhanh đến thế".
Xã hội dân sự Romania nhiều sáng kiến
Nhìn sang Châu Âu, La Croix quan tâm đến việc "Tại Romania, xã hội dân sự luôn trong tình trạng cảnh báo thường trực". Gần 35.000 người vừa xuống đường phản đối dư luật cải cách tư pháp của chính phủ. Từ sau cuộc biểu tình rầm rộ mùa đông năm ngoái, phong trào xã hội dân sự đang lớn mạnh trên đất nước cộng sản cũ này.
Các nhà hoạt động muốn tạo áp lực chính trị, chú ý đến từng hành động nhỏ của các lãnh đạo. Họ còn vượt ra ngoài biên giới để cảnh báo về tình trạng đất nước, với các lá thư gởi cho nguyên thủ các nước Liên Hiệp Châu Âu và NATO. Các sáng kiến công dân nảy nở trên toàn quốc. Một trang web đóng góp tài chính ra đời từ tháng Ba, đã làm đầu mối giúp 880 mạnh thường quân đầu tư 26.000 euro vào một quỹ vì dân chủ. Tám dự án đã được hỗ trợ, chẳng hạn các lớp học dân chủ cung cấp những công cụ giáo dục công dân cho giáo viên, trong khi môn học này không có trong chương trình chính khóa.
Theo nhà chính trị học Cristian Parvulescu, hầu hết các nhà hoạt động là những người trẻ có học vấn thuộc tầng lớp trung lưu, sống ở thành thị, rất tích cực trên mạng xã hội. Nhưng phân nửa dân số còn lại sống ở nông thôn nghèo khó lại không mấy quan tâm. Xã hội dân sự Romania còn một con đường dài trước mặt để có thể trở thành lực lượng đối lập thực sự.
Lần đầu tiên ghép được hầu như toàn bộ da
Trên lãnh vực y tế, Le Figaro cho biết "Thành công trong việc ghép hầu như toàn bộ da cho một bé trai 7 tuổi". Số da được ghép lấy từ các tế bào đã biến đổi gien của chính em bé này.
Bé trai người Syria tị nạn bị một chứng bệnh di truyền hiếm gặp, được đưa vào khoa phỏng của một bệnh viện Đức tháng 6/2015. Gien bệnh trong da khiến biểu bì bên ngoài không dính chặt vào các phần bên trong, khiến một cú sốc nhẹ, một vết trầy xước nhỏ cũng làm cho bệnh nhân bị tuột hẳn da, vi khuẩn tha hồ xâm nhập. Đó là lý do khiến trên 40% trẻ em bị bệnh này không sống qua tuổi thiếu niên. Khi nhập viện, da của bệnh nhân bị bong tróc đến 50% và hai loại virus nguy hiểm đã xâm nhập vào trong cơ thể.
Các bác sĩ Đức đã nhờ một ê-kíp nghiên cứu Ý nuôi cấy các tế bào da còn lành mạnh, chỉ khoảng 6 cm2, sau khi chỉnh sửa gien bệnh, cho đến khi đạt được lượng da đủ để ghép. Tám tháng sau ba cuộc giải phẫu ghép da, nay em bé đã bình phục. Đây là thành công đầu tiên trên thế giới, đã được tạp chí Nature công bố vào ngày 7/11 vừa qua.
Thụy My