Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Trump sẽ đến Việt Nam dự thượng đỉnh APEC (RFA, 20/04/2017)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC vào tháng 11 năm nay.

trump1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP tại Nhà Trắng hôm 23 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Tin này mới vừa được Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence loan báo cách đây vài tiếng đồng hồ khi đến thăm văn phòng tổng thư ký ASEAN tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

Phó tổng thống Pence cho biết, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump có kế hoạch sang thăm Philippines và dự thượng đỉnh ASEAN vào tháng Mười Một tới đây. Trước đó ông Trump sẽ ghé thăm Việt Nam và dự thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC.

Nói với báo chí sau khi đến thăm Văn Phòng Tổng Thư Ký ASEAN ở Jakarta, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ đánh giá cao quan hệ giữa nước Mỹ với ASEAN, gọi đó là mối quan hệ mang tầm chiến lược, giúp phát triển, xây dựng an ninh, để cả đôi bên đều có lợi.

Nhắc lại, chuyện Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có đến Việt Nam tham dự APEC 2017 đã từng được chính phủ Việt Nam đề cập đến ngay từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Lời mời ông Trump sang Việt Nam dự APEC đã từng được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong cuộc điện đàm chúc mừng ông Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng 11/2016.

***********************

Mike Pence : 'Tổng thống Trump sẽ đến Đà Nẵng' (BBC, 20/04/2017)

trump2

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới dự hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam trong tháng 11, theo thông báo của phó tổng thống Mike Pence.

Ông Pence cho biết khi đang ở thăm thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 20/4.

Ông cũng nói ông Trump sẽ dự cả hội nghị Asean và hội nghị Đông Á ở Philippines, cũng trong tháng 11.

Theo ông Pence, Mỹ sẽ tập trung cho các vấn đề an ninh, thương mại, tự do đi lại trên Biển Đông.

Được biết đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump đến Việt Nam trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Điều chắc chắn là nước chủ nhà và thành phố đăng cai hội nghị APEC sẽ phải chú ý về cách đón vị khách 'đặc biệt' này.

Tính cách tám điểm của Donald Trump

Hồi tháng 10/2016, báo New York Times cho đăng tải bài tổng kết của nhà báo Michael D'Antonio nhận định về tính cách tỷ phú Donald Trump, người sang tháng 1/2017 đã lên nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ.

Theo nội dung ký giả D'Antonio nêu thì có tám đặc điểm về ông Donald Trump tỷ phú, đó là :

Trump không thích nói về quá khứ

Khi ông Trump bị dồn dập hỏi tại sao ông "luôn luôn nói đến hiện tại", ông trả lời nhà báo rằng : "Tôi không thuộc về quá khứ, tôi là người luôn hướng tới tương lai. Tôi học được từ quá khứ nhưng không quá đặt nặng vào quá khứ và điều này là một bài học rất quan trọng".

Trump thích đấu đá

"Tôi là loại người ưa tranh đấu", ông Trump nói như vậy khi kể về thời niên thiếu của ông ở quận Queens, New York.

"Thành thực mà nói, tôi không thích nói về chuyện này. Nhưng tôi là một người nổi loạn và làm theo ý mình.

"Mọi hình thức tranh đấu. Bất cứ loại nào tôi cũng thích, kể cả đấm đá".

Trump miễn cưỡng chấp nhận thất bại

Mặc dù gặp biết bao lần vỡ nợ, ông Trump vẫn nói trong cuộc phỏng vấn rằng : "Tôi chưa từng thất bại vì tôi luôn chuyển bại thành thắng".

Trump thích thấy tên mình được in trên báo

Thấy tên mình được in trên báo lần đầu tiên trong đời (lúc ông là cầu thủ trẻ chơi bóng chày đầy triển vọng), ông

Trump nghĩ chính trị giỏi là bán hàng giỏi

"Để trở thành một chính trị gia bạn phải là một người bán hàng giỏi, phải thế không ?" ông Trump đã từng nói như vậy.

Trump nghĩ thành thực chỉ gây rắc rối

"Tôi nghĩ sự thành thực của tôi khiến tôi gặp rắc rối. Tôi nghĩ tôi thành thực quá khiến người ta không thích tôi", ông nói.

Trump nghĩ mình có tài bẩm sinh chơi golf

trump3

Tỷ phú Trump ở sân golf Balmedie, Scotland. Hiện chưa rõ ông có định chơi golf khi đến Đà Nẵng tháng 11 này không

Ông kể với D'Antonio rằng : "Thể thao là một ẩn dụ rất hay về mọi việc trong đời. Bạn đã biết trong môn chơi golf có những người rất giỏi khi đặt bóng hoặc có những người rất giỏi khi đánh bóng hoặc có những người rất giỏi cả hai".

"Tôi là người rất giỏi về chuyện chọn chỗ đặt bóng ; đó là tài năng thiên bẩm".

Trump không thích người khác hơn mình

D'Antonio nói vợ cũ của ông Trump, Ivana kể lại ông đã bực bội khi đi trượt tuyết ở Colorado lúc mới quen.

Ông Trump lúc đó không biết bà Ivana là một người trượt tuyết giỏi đổ dốc.

Bà Ivana kể với ký giả rằng : "Tôi lộn trên không trung trước ông rồi mất hút. Ông Trump lúc đó giận lắm, ông tháo đôi giày ủng và đi một mạch vào nhà hàng. Ông không chấp nhận được chuyện đó - chuyện người khác hơn mình".

Published in Việt Nam

Trên thế giới hiện tại, số tỷ phú đô la giàu nhất và đông nhất ai cũng biết là người Mỹ. Nhưng những tỷ phú này gồm những tỷ phú được công bố công khai, nguồn gốc tài sản của họ cả thế giới đều biết, có thể biết. Họ là những người kiếm được tiền và trở thành tỷ phú không bằng con đường buôn bán thuần túy.

typhu1

Những tỷ phú này là những người kiếm được tiền không bằng con đường buôn bán thuần túy.

Phần đông họ là những nhà sáng chế, những nhà phát minh, khởi nghiệp bằng những phát kiến thiên tài. Chỉ có rất ít trong số họ là những nhà buôn. Và những nhà buôn công khai mang quốc tịch Mỹ không phải là những nhà buôn ghê gớm, bởi vì, dẫu họ không thiếu thông minh, thói quen tôn trọng pháp luật và thói quen tôn trọng văn hóa, ở một quốc gia ra đời bằng tuyên ngôn tự do nhân quyền, dân quyền, có bề dày hàng trăm năm, đã cướp mất của họ những phẩm chất cần thiết cuả nghề buôn là tính lươn lẹo. Bởi thương trường thường là nơi thi thố những tiểu xảo, bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, đạt được lợi nhuận. Công cụ điều chỉnh duy nhất là hiệu lực của pháp luật.

Bởi vậy, dù cũng là con buôn, nhưng con buôn ở một thế giới dân chủ thực thụ, nơi luật pháp là một thiết chế quyền lực độc lập và được luật pháp bảo đảm tính độc lập, không giống với loại con buôn trong chế độ chuyên quyền cộng sản.

typhu2

Donald Trump là một tay buôn bất động sản tài ba

Và nhất là người Mỹ, ngay cả khi người Mỹ này là một tay buôn bất động sản tài ba như ông Donald Trump, tân tổng thống, thì trong đầu, ông ta có lẽ chưa từng tự đặt ra câu hỏi, "buôn cái gì có lợi nhất" và được trả lời rằng, "châu ngọc có thể lợi trăm lần, nhưng buôn Vua thì lợi không thể tính được". Donald Trump thậm chí có thể không biết trong lịch sử thế giới từng tồn tại một nhà buôn có tên là Lã Bất Vi. Nhà buôn này là người Tàu - tổ sư của nghề buôn Vua từ hơn hai nghìn năm.

typhu3

Lã Bất Vi là tổ sư của nghề buôn Vua từ hơn hai nghìn năm trước

Ông Tập Cận Bình, và toàn bộ Trung Nam Hải là hậu duệ của Lã Bất Vi, những Lã bất Vi thời nay, thời điện tử, tin học, thời hiện đại. Có thể cái gien con buôn sau hàng nghìn năm đã đạt tới sự hoàn hảo. Nếu Lã Bất Vi đã dùng tiền bạc để chiếm đoạt giang sơn nhà Tần, thì tập đoàn Trung Nam Hải có thể đang mưu toan dùng tiền để chiếm đoạt thế giới.

Bắc Triều Tiên là một thứ quốc gia sống bằng tiền bạc Trung Quốc và múa may hò hét theo hiệu lệnh Bắc Kinh, đóng kịch lòe bịp thiên hạ. Đúng ngày 19/03, khi Rex Tillerson, bộ trưởng ngoại giao Mỹ đang thảo luận những điều kiện cho cuộc gặp thượng đỉnh Tập-Trump với bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị, thì Triều Tiên tiến hành thử tên lửa mang đầu đạn xuyên luc địa và tuyên bố có khả năng tới Mỹ. Nhưng ngay mẫu quả tên lửa vừa được phóng đi đó, có tin đồn vừa được vận chuyển đến từ Trung Quốc bằng đường ngầm xuyên núi hai nước và tiền chi cho cuộc phóng thử cũng đến từ Trung Quốc.

typhu4

Kim Jong-un chỉ là con rối của Bắc Kinh

Mặc dù Triều Triên luôn hung hăng làm như độc lập, thậm chí còn cả gan công khai phê phán Trung Quốc "theo chân ma quỉ", nhưng dư luận và các nhà phân tích đều biết rất rõ rằng, chỉ cần Trung Quốc "rút ống thở" chế độ Triều Tiên lập tức sụp đổ. Người ta thậm chí còn phỏng đoán rằng, chẳng có cuộc thử hay tiến bộ "công nghệ tên lửa" nào xảy ra trên đất Triều Tiên. Tất cả đều là tên lửa được đưa đến từ Trung Quốc, muốn ở mức nào thì mang sang mức ấy, nhiên liệu và kinh phí đều do Trung Quốc. Tất nhiên là ngày giờ tiến hành thử đều do Trung Quốc quyết định. Người Triều Tiên chỉ hò hét đóng kịch.

Những chuyện gây rối ngang ngược của Triều Tiên chỉ để nói rằng, "không có Trung Quốc thì cả Mỹ, cả Nhật, cả thế giới sẽ chẳng làm được gì. Muốn hãm Triều Tiên, hãy thỏa thuận và mặc cả với Trung Nam Hải" (!).
Ngoài Triều Tiên, vài quốc gia Đông Nam Á khác, vốn là anh em sinh đôi, sinh ba với Việt Nam, chỉ vì miệng ngậm tiền của Tàu mà bây giờ quay lại tráo trở. Đương nhiên là không phải tất cả cái được gọi là quốc gia ấy được ăn tiền của Tàu, mà chỉ có cá nhân những kẻ đứng đầu quyền thế quốc gia. Họ ăn tiền của Tàu, hay bị bẫy phải ăn tiền của Tàu rồi quay lại phản bội anh em, bạn bè, thậm chí phản bội lại lợi ích dân tộc. Người Tàu là bậc thầy của hối lộ và mỹ nhân kế.

Triết lý "những gì không thể mua bằng tiền, có thể mua được bằng rất nhiều tiền", có xuất xứ từ Hội Tam Hoàng Hồng Kông, nhưng nhiều người nói, có từ hồi Tam Quốc (?).

Trong chuyến đi Trung Quốc, được hứa hẹn vay ưu đãi 24 tỷ USD, ông Duterte tuyên bố : "Tôi không cần Mỹ nữa", "Philippines không phải là người em bé nhỏ của Mỹ", "good bye Hoa Kỳ"...

Và để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ vào đầu tháng Tư tới, Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Chung Sơn đến "Phi" ngày 06/03, cấp cho "Phi" 3,4 tỷ USD đầu tư các dự án hạ tầng. Một tuần lễ sau, ngày 16/03, Phó thủ tướng Uông Dương sang và hứa cấp 6 tỉ USD cho các dự án đường sắt và thủy điện.

Sau tất cả những động thái này, ngày 19/3, theo AP, vào đúng giờ mà Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Tillerson họp báo với Vương Nghị tại Bắc Kinh, Tổng thống Phi Duterte tuyên bố :

"Chúng ta (Philippines) không thể ngăn chặn Trung Quốc làm những gì họ muốn. Người Mỹ còn chẳng ngăn được họ.

Thưa các ngài, tôi có thể làm được những gì ?

Tiến hành một cuộc chiến tranh chống Trung Quốc ? Tôi có thể, nhưng toàn bộ quân đội và cảnh sát của chúng ta sẽ biến mất trong ngày mai, và đất nước chúng ta sẽ bị phá hủy".

Ngày 12-15/01/2017, ông Tập mời ông Trọng sang thăm đột xuất, một tuần trước ngày Donald Trump chính thức vào Nhà Trắng lãnh đạo nước Mỹ, "khẳng định tình anh em" với 15 hiệp định hợp tác chiều sâu, trị giá nhiều chục tỷ USD.

Tiền của Trung Quốc có thể đã đảo lộn trật tự cái góc nhỏ này của thế giới ? Tiền của Trung Quốc có thể đã đảo lộn đạo đức, đảo lộn tình người, đảo lộn chân lý ?

Trước chuyến đi Trung Quốc của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ, có vẻ như Mỹ đã huy động tối đa để gây áp lực cho các đàm phán.

Ngày 7/03 Mỹ đưa máy bay không người lái và khởi động việc lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc với hệ thống radar có tầm phủ tới 3.000km.

Ngày 14/03, chiếc tàu sân bay trực thăng lớn nhất của Nhật Bản được dự kiến sẽ huấn luyện cùng hải quân Mỹ ở Biển Đông và, theo Reuters, động thái này sẽ là màn phô diễn lực lượng hải quân lớn nhất của Tokyo kể từ Thế chiến 2.

Ngày 15/03 Thượng viện Mỹ đưa ra dự luật trừng phạt nhằm vào các cá nhân , tổ chức Trung Quốc liên quan các vi phạm luật quốc tế tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Mỹ Hàn Nhật tuyên bố tập trận chung tại quần đảo Tinian, tây Thái Bình Dương, vào tháng 5/2017 có sự tham gia của tàu Mistral, chiến hạm hiện đại nhất của Pháp và nhiều trực thăng quân sự của Anh.

Ngày 14/03, Tump viết trên Twitter " Người Trung Quốc vẫn chẳng làm gì "

Ngày 15/03, Rex Tilerson đã tới Nhật Bản và sau đó tới Hàn Quốc. Ở Tokyo và Seoul, Tillerson tuyên bố, "sự kiên nhẫn chiến lược của Mỹ đối với Triều tiên đã kết thúc", "2 thập kỷ nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã thất bại", "Mọi phương án đều được đặt lên bàn". "Mỹ phải hành động".

Ngày 17/03, trong lúc Tillerson đang chuẩn bị từ Hàn Quốc bay sang Bắc Kinh, ông Trump viết trên Twitter "Triều Tiên đang hành xử rất tệ. Họ đang "chơi" nước Mỹ nhiều năm nay. Trung Quốc chẳng giúp được gì”.

Người ta cũng không thể không nhớ đến những tuyên bố của Rex Tillerson, ứng viên Bộ trưởng ngoại giao trước Quốc Hội Mỹ ngày 11/01: “Chúng ta sẽ phải gửi cho Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng, thứ nhất, việc xây dựng đảo phải dừng lại, và thứ hai là Mỹ không cho phép Trung Quốc tiếp cận".

Mỹ tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc, nhưng không có gì "cản trở việc Mỹ có quyền bán vũ khí cho Đài Loan".

Tất cả những động tác này nhằm gửi tới Trung Nam Hải thông điệp gì.

- Với THAAD lắp đặt tại Hàn Quốc, hệ thống tên lửa của cả Trung Quốc và Nga đã bị vô hiệu hóa.

- Liên minh của Mỹ không phải chỉ có Nhật và Nam Hàn, Úc vẫn luôn trung thành, và còn có thêm Pháp và Anh.

- Triều Tiên sẽ bị tiêu diệt bằng vũ lực, nếu thượng đỉnh thất bại.

- Biển Đông và biển Hoa Đông đã có bảo đảm.
Trump và Tillerson đã chuẩn bị cho Trung Quốc một cú đấm "thôi sơn", tính tới chuyện hạ "knockout" Trung Quốc?!

Nhưng sau khi gặp Tập Cận Bình, thiên hạ mới ngã ngửạ ra rằng, chẳng có cú đấm nào cả. Tillerson đột nhiên "nói tiếng Trung Quốc", dùng đúng những ngôn từ của Trung quốc để tuyên bố " Hai quốc gia tôn trọng lợi ích của nhau" và không một lời đả động tới Triều Tiên, biển Đông và biển Hoa Đông, không một lời tới Tự do hàng hải và luật pháp quốc tế; không một lời động tới Đài Loan.

Trung Quốc có phép mầu hay là ảo thuật gia thượng thặng?!. Tillerson hùng hổ lúc đầu đã biến mất. Trên sân khấu chỉ còn thấy một Tillerson hiền lành, chân tình và có phần nhân ái.

Ông Tập Cận Bình ca ngợi ông Rex Tillerson "đã có rất nhiều nỗ lực" để đạt được một "sự chuyển đổi trơn tru" trong kỷ nguyên mới của quan hệ Trung - Mỹ. Ông còn nói:

"Ngài nói rằng quan hệ Trung - Mỹ chỉ có thể thân thiện. Tôi đánh giá cao điều này".

Reuters bình luận: "Trung Quốc và Hoa Kỳ dường như đã đạt được một số tiến bộ". Tờ Giáo Dục viết " Mỹ - Trung đã đạt được "cái gì đó" sau khi ông Tillerson gặp ông Tập Cận Bình ".

Nhưng rồi Giáo Dục lại bình tiếp "Đây là cuộc chơi của hai siêu cường, và không thể loại trừ khả năng lợi ích của các nước nhỏ có liên quan sẽ trở thành những món hàng trao đổi của các nước lớn".

Không ai biết những gì đã xảy ra tại Bắc Kinh trong ngày 19/03/2017, hay có thể nói cho rõ hơn là những gì đã xảy ra phía sau sân khâú, hay phía dưới gầm bàn.
Có điều, có thể khẳng định rằng, cho dù Tillerson, cựu chủ tịch Exxil Mobil, cho dù Donald Trump tỷ phú trùm bất động sản, những nhà buôn thực thụ của Mỹ, đứng bên cạnh những con buôn Trung Hoa, hậu duệ của Lã Bất Vi, các ông có thể chỉ là những "con tép".
Thử hỏi ông Donald Trump rằng buôn gì lãi nhất. Ông là trùm buôn bán bất động sản và nước Mỹ trong tay ông là một thứ bất động sản vô giá, có thể dùng để buôn được.

Paris, 22/03/2017

Bùi Quang Vơm

Published in Quan điểm
vendredi, 03 février 2017 20:27

Có thể chờ đợi gì ở Donald Trump ?

 

 

Sự rã rượi của phong trào dân chủ Việt Nam chỉ chứng tỏ rằng phong trào dân chủ Việt Nam đang trải qua một giai đoạn xét lại đau nhức nhưng rất cần thiết để đánh tan những ngộ nhận và tiến lên sau đó.

chodoi2

Xây dựng tổ chức là điều rất khó, không thể ngày một ngày hai, không thể một vài tháng, cũng không thể một vài năm, mà phải là một cố gắng kiên trì trong nhiều năm.

Lời giới thiệu : Năm Đinh Dậu đến với những ẩn số chính trị lớn. Tại Hoa Kỳ Donald Trump vừa nhậm chức tổng thống với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Đàng sau khẩu hiệu này là chủ trương cắt giảm chi phí cho những quan hệ đồng minh với Nhật và Châu Âu, rút lui khỏi những thỏa ước hợp tác quốc tế và không quan tâm tới các giá trị dân chủ và nhân quyền.

Đối với Trung Quốc, chủ trương của Trump là giao thương với Trung Quốc phải được xét lại vì cho tới nay nó chỉ gây thiệt hại cho nước Mỹ. Quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ gay go vào giữa lúc mà Trung Quốc đang có những dấu hiệu suy thoái rõ rệt.

Chế độ duy nhất mà ông Trump muốn gia tăng hợp tác là chế độ mafia của Putin tại Nga. Thái độ của chính quyền Trump đang làm cả thế giới tự hỏi tương lai sẽ ra sao ?

Năm Đinh Dậu sẽ là một năm đầy ẩn số chính trị cho thế giới và cho Việt Nam.

Đối Việt Nam điều chắc chắn là chính sách ve vãn của Obama trong những năm qua sẽ nhường chỗ cho một thái độ vừa lạnh nhạt vừa cứng rắn của Hoa Kỳ. Liệu trong tình huống đó ban lãnh đạo cộng sản có bị cám dỗ bởi chọn lựa chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc hơn nữa để duy trì chế độ cộng sản hay không ?

Nhà báo Trần Quang Thành đã có cuộc trò chuyện sau đây với ông Nguyễn Gia Kiểng, ủy viên thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Sau đây là bản lược ghi của Thông Luận.

Độc giả có thể nghe toàn bộ cuộc nói chuyện này theo link dưới đây :

*********************

 

Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Ngày 03/02/2017

Trần Quang Thành : Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng.

Nguyễn Gia Kiểng : Xin chào ông Trần Quang Thành.

TQT : Tháng 01/2017 nước Mỹ đã có một tổng thống mới, đó là nhà tỷ phú Donald Trump trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ với khẩu hiệu "nước Mỹ trước hết". Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì khẩu hiệu này sẽ làm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ xoay chuyển như thế nào ?

NGK : Trước hết nhân dịp đầu năm, xin chúc ông Thành và quý vị thính giả một năm Đinh Dậu an khang hạnh phúc. Sau đó, vì ông nói tới thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua nên xin ông cho phép tôi có vài lời về cuộc bầu cử này.

Phải nói rằng cho tới nay nhiều người trong đó có tôi vẫn chưa hiểu được việc Donald Trump, một người thô lỗ và hoàn toàn không có một kiến thức hay kinh nghiệm chính trị nào, cũng chưa từng là đảng viên đúng nghĩa của một chính đảng nào có thể đắc cử tổng thống Mỹ và trở thành nhân vật có quyền lực chính trị lớn nhất thế giới. Đó là một trong những nghịch lý của thời đại này mà mọi người có quan tâm tới tương lại của thế giới và đất nước mình phải suy nghĩ.

Có một lý do mà các nhà phân tích chính trị đã nhắc tới. Đó là bản chất bệnh hoạn của chế độ tổng thống. Chế độ tổng thống đòi hỏi những thường dân thiếu hiểu biết về chính trị bầu cho một người có thể rất mới thay vì một chính đảng đã được biết tới qua nhiều thế hệ và một khuynh hướng chính trị đã được biết tới. Trong trường hợp đó, người ta chỉ có thể bầu theo hình ảnh của nhân vật đó mà thôi. Lý do thứ hai là sự xuống cấp liên tục của văn hóa chính trị Hoa Kỳ trong gần ba thập niên qua, trong đó chính trị thay vì là một trách nhiệm lớn để bảo vệ các giá trị đạo đức, tương lai của đất nước và tương lai của thế giới đã trở thành một trò trình diễn, và người ta bầu cho một người làm tổng thống không phải vì tài đức hay công lao mà vì hình ảnh trẻ đẹp, giầu có, hay có một sự ngược đời nào đó được dư luận và báo chí thường xuyên nhắc tới.

Tuy vậy việc thắng cử của ông Trump cũng có lý do thời đại của nó, đó là ông ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của những người Mỹ có cảm tưởng bị gạt ra ngoài lề xã hội do sự chuyển hóa nhanh chóng về kỹ thuật. Chúng ta biết là tại miền trung tâm nước Mỹ có rất nhiều nhà máy sản xuất cổ điển bị đóng cửa làm rất nhiều công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp. Trước đây họ đã có cuộc sống ổn vững trong nhiều thế hệ, họ là công nhân của những công ty tưởng như vững chắc nhưng giờ đây phải ngưng hoạt động. Cuộc khủng hoảng 2008 tuy đã phục hồi trên mặt thống kê, thu nhập trung bình của người Mỹ đã trở lại mức độ năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống dưới 5%, nhưng những nạn nhân của nó không phải là những người được phục hồi, họ vẫn thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội và họ đã bầu cho Donald Trump vì ông này không giống những chính trị gia đã làm họ thất vọng.

Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi đã nhận định rằng thế giới ngày nay đã bước vào một thời đại chuyển hóa nhanh chóng, tại mỗi quốc gia luôn luôn có những ngành nghề tiến phát trong khi những ngành nghề khác suy thoái, luôn luôn có những thành phần dân tộc may mắn trong khi một số thành phần khác thiệt thòi, do đó từ nay hòa giải và hòa hợp dân tộc đã trở thành một triết lý điều hành quốc gia và mọi chính quyền đều phải coi hòa giải dân tộc như một yếu tố thường trực trong chính sách của mình. Giai cấp chính trị Hoa Kỳ hình như đã không hiểu điều này.

Trở lại câu hỏi của ông về khẩu hiệu "nước Mỹ trước hết". Về nội dung đây là một khẩu hiệu rỗng nghĩa. Chính quyền Mỹ nào từ trước đến nay không lo cho nước Mỹ trước hết ? Chính quyền nào trên thế giới không lo cho nước mình trước hết ? Điều quan trọng là nó đã được nói ra một cách sống sượng như Donald Trump đã nói. Cũng giống như khi một người nói trước mặt bạn bè : tôi chỉ biết quyền lợi cá nhân của tôi thôi. Nói như thế chỉ gây phản cảm. Vô ích, vô duyên và chỉ có hại.

Trong chiều sâu thái độ sống sượng này có nghĩa là các giá trị đạo đức quốc tế, dân chủ và nhân quyền sẽ không quan trọng, hay chỉ có giá trị thứ yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong bốn năm sắp tới, nếu Donald Trump được tự do làm tất cả những gì mà ông muốn làm. Chỉ có quyền lợi, và quyền lợi kinh tế, được quan tâm thôi. Nhưng Donald Trump sẽ nhanh chóng nhận ra là ông không thể làm tất cả những gì ông muốn làm. Có lẽ Donald Trump không ý thức được rằng tổng thống Mỹ chỉ có một quyền lực giới hạn thôi. Quốc hội Mỹ có quyền hơn tổng thống. Báo chí và xã hội dân sự cũng rất mạnh. Vì thế luôn luôn có một sự liên tục nào đó trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Điều chắc chắn là chính quyền Donald Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong quan hệ đối ngoại vì thái độ và ngôn ngữ thiếu văn hóa của ông. Một thí dụ là ông sẽ không thể xiết chặt quan hệ hợp tác hữu nghị với Nga dù rất muốn. Quan hệ giữa hai nước có thể cải thiện nhưng Donald Trump sẽ không thể coi chế độ Putin như một đồng minh, vì chế độ Putin bị xã hội Mỹ và tất cả báo chí Mỹ cũng như Châu Âu lên án như một chế độ độc tài mafia. Hơn nữa, trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ thấy chính sách của Putin sẽ biến nước Nga thành kẻ thù của Hồi Giáo. Nếu sáp lại với Nga các quyền lợi của Hoa Kỳ sẽ trở thành đối tượng thù ghét của tất các lực lượng Hồi Giáo trên thế giới. Chính giới tài phiệt Mỹ sẽ không để Trump làm như vậy. Trump cũng sẽ không quét sạch được lực lượng khủng bố Hồi Giáo trên mặt đất như ông hứa. Tất cả các chính quyền Mỹ từ trước đến nay đều đã cố hết sức nhưng vẫn chưa tiêu diệt được chúng. Donald Trump sẽ còn không làm được như các vị tiền nhiệm của ông vì thiếu hậu thuẫn quốc tế do thái độ xấc xược của ông.

TQT : Trong suốt cuộc tranh cử cũng như sau đó Donald Trump luôn luôn đưa ra chiêu bài chống Trung Quốc. Một trong những điều không có tiền lệ là Donald Trump đã nói chuyện điện thoại với bà tổng thống Đài Loan. Như vậy quan hệ Mỹ-Trung sẽ căng thẳng lên hay hòa dịu đi ?

NGK : Trên một điểm tôi tán thành Donald Trump. Đó là việc ông nói chuyện điện thoại với bà tổng thống Đài Loan. Tôi nghĩ đã có một sự giả dối lớn trong chính sách của Hoa Kỳ từ nhiều năm nay. Đài Loan gần như là tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ. Rất nhiều người Đài Loan mang tên Thiên Chúa Giáo như Peter, John v.v. Đài Loan cũng là một nước dân chủ chân chính tại Châu Á. Đài Loan trong tương lai sẽ là một quốc gia riêng, một quốc gia nhỏ nhưng phồn vinh. Như vậy việc một tổng thống Mỹ nói chuyện với tổng thống Đài Loan là bình thường, và tôi tán thành.

Trở lại quan hệ Mỹ-Trung. Ý thức hệ quyết định chính sách đối ngoại. Ý thức hệ của Trump là sự pha trộn hỗn tạp của nhiều thành tố, có chủ nghĩa cá nhân, có chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi hiểu theo nghĩa đóng cửa lo cho mình, có chủ nghĩa đề cao kinh tế và chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc đề cao người da trắng. Nói chung là một ý thức hệ phức tạp khó định nghĩa nhưng rất trái ngược với chủ nghĩa Mác-Lênin. Do đó Trump chắc chắn là ghét chủ nghĩa cộng sản nhưng phải nhấn mạnh rằng ông không chống Trung Quốc vì chủ nghĩa cộng sản mà vì lý do thương mại.

Chắc chắn Trump sẽ tìm mọi cách để giảm thiểu mức thâm thủng mậu dịch từ 350 đến 380 tỷ USD của Hoa Kỳ, cũng là thặng dư của Trung Quốc. Về điểm này thì Donald Trump có lý. Tuy vậy hành động đầu tiên của ông là từ bỏ Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Hành động này rất có lợi cho Trung Quốc vì TPP chủ yếu là một dự án của chính quyền Obama và Nhật nhắm cô lập Trung Quốc. Donald Trump vừa bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách giải tỏa cho Trung Quốc một đe dọa lớn. Cho nên vào giờ này tôi nghĩ Trung Quốc đang hài lòng trước khi phải đương đầu với những khó khăn mới trong việc thương thuyết lại quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Một lý do khác khiến tôi nghĩ là sẽ không có xung đột là vì muốn có xung đột thì phải có hai người sẵn sàng xung đột, nhưng chính sách của Trung Quốc hiện nay, với Tập Cận Bình, là muốn mở ra với thế giới vì họ ý thức rằng kinh tế của họ dựa trên xuất khẩu và do đó sẽ sụp đổ ngay nếu có xung đột.

Trung Quốc đang tìm mọi cách, chấp nhận mọi nhẫn nại, để mở ra với thế giới. Hiện nay Trung Quốc đang có một chương trình rất lớn được gọi là chương trình "một vành đai, một con đường" trong đó Trung Quốc muốn sử dụng khả năng xây dựng thặng dư rất lớn so với nhu cầu nội địa do quy hoạch sai để đấu thầu xây dựng tất cả những đường sá tại Châu Âu. Cho nên chính sách hiện nay của Trung Quốc là nhân nhượng, dù với một bề ngoài hung hăng. Có lẽ chỉ trừ trường hợp của Biển Đông. Nhưng ngay cả trên Biển Đông sau phán quyết của tòa án quốc tế Den Haag chắc họ cũng dịu lại. Chúng ta cũng đừng quên rằng trong bốn tháng nữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc sắp phải thay thế 5 trong số 7 thành viên Ban thường trực Bộ chính trị, nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất, trong lúc những đấu đá nội bộ vẫn chưa chấm dứt. Họ còn quá nhiều việc phải làm, nhất là vào lúc này Trung Quốc đã tích lũy quá nhiều khó khăn về kinh tế, về sự suy sụp của ngoại thương, về sự bất mãn của các địa phương.

Tôi không nghĩ là họ sẽ chấp nhận đương đầu với Donald Trump. Có nhiều triển vọng là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đạt tới một thỏa hiệp - thành văn hay bất thành văn - có lợi hơn cho Hoa Kỳ và bất lợi hơn cho Trung Quốc. Điều mà chúng ta có thể chắc chắn là mặc dù Donald Trump không quan tâm tới thế giới nhưng ông ta không thể không quan tâm tới Biển Đông. Quá phân nửa hàng hóa của trao đổi thương mại quốc tế được vận chuyển qua đó. Hoa Kỳ không thể chấp nhận bất cứ một thách thức nào của Trung Quốc trên Biển Đông và trong cố gắng này Hoa Kỳ sẽ được cả thế giới ủng hộ.

TQT : Ông vừa nói tới quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bây giờ chúng ta trở lại với quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Như ông vừa nói Donald Trump trước hết quan tâm đến kinh tế Mỹ chứ không quan tâm lắm đến Việt Nam. Như vậy tình hình Việt Nam sẽ ra sao ? Liệu phong trào dân chủ Việt Nam còn có thể phát triển mạnh mẽ như dưới thời tổng thống Obama không, hay là cộng sản Việt Nam sẽ lợi dụng cơ hội để gia tăng đàn áp phong trào dân chủ ? Ông bình luận thế nào ?

NGK : Trước hết có một điều tôi không đồng ý lắm với ông Thành đó là phong trào dân chủ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ dưới thời Obama. Obama chắc chắn là một người dân chủ coi trọng các giá trị nhân quyền nhưng ông cũng theo chủ thuyết không can thiêp. Ngay trong bài diễn văn nhậm chức ông đã nói với các chế độ độc tài bịt miệng những người dân chủ rằng "quý vị làm như vậy là sai nhưng nếu quý vị thân thiện với chúng tôi thì chúng tôi cũng vẫn thân thiện với quý vị". Điều này có nghĩa là can thiệp bênh vực dân chủ của Obama không đi quá can thiệp bằng lời. Vì thế mà tôi không thấy phong trào dân chủ Việt Nam mạnh lên dưới thời Obama.

Có một lúc phong trào dân chủ Việt Nam đã mạnh lên một phần nhờ những lúng túng và đấu đá nội bộ của Đảng Cộng Sản trước thềm đại hội 12 và "nhờ" - chữ nhờ ở đây phải đặt trong nháy nháy - một thảm họa kinh khủng chưa từng có, thảm họa Formosa, làm chết biển miền Trung tới nay vẫn chưa hồi phục. Do sự phẫn nộ sau thảm kịch đó và sự lúng túng của Đảng cộng sản, phong trào dân chủ Việt Nam đã phát triển nhưng không phải do chính sách của Obama.

Bây giờ trở lại với chính sách của Donald Trump. Donald Trump chắc chắn là không quan tâm gì nhiều đến việc nhân dân Việt Nam có tự do và dân chủ hay không, nhưng, như tôi đã nói ở phần trên, luôn luôn có một sự liên tục trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong trường hợp đặc biệt của Việt Nam thì Hoa Kỳ lại càng phải quan tâm hơn vì tầm quan trọng của Biển Đông. Điều này chính giới Hoa Kỳ đã ý thức được. Nếu Việt Nam thuộc hẳn vào quỹ đạo Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ kiểm soát được gần như toàn bộ Biển Đông, một điều mà không một chính quyền Hoa Kỳ nào có thể chấp nhận. Cho nên dù muốn hay không chính quyền Donald Trump - cũng như bất cứ một chính quyền Hoa Kỳ nào - cũng vẫn phải có một quan tâm nào đó đối với Việt Nam. Nhưng có lẽ khác với cách quan tâm của Obama. Obama muốn dân chủ cho Việt Nam nhưng không muốn can thiệp. Donald Trump trái lại sẽ lạnh lùng với chính quyền cộng sản Việt Nam và sẽ luôn luôn tìm mọi cơ hội để gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa hai nước.

Chúng ta đừng nên quên rằng ngày hôm nay quan hệ thương mại Việt - Mỹ có thể tóm tắt trong hai con số : Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ một số hàng hóa trị giá 39 tỷ USD và nhập khầu từ Mỹ 9 tỷ USD. Như vậy trong quan hệ thương mại với Mỹ Việt Nam được một số thặng dư là 30 tỷ USD, nghĩa là gần 30% GDP và quá phân nửa, gần 60%, tổng số chi ngân sách. Cho nên nếu quan hệ thương mại với Hoa Kỳ suy sụp thì kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ tức khắc. Đó là điều không một chính quyền cộng sản Việt Nam nào muốn.

Chúng ta đều đã biết những tính toán của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nếu phải lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc để giữ nguyên chế độ toàn tri thì chắc chắn họ sẽ làm. Họ đặt tương lai của Đảng cộng sản lên trên tương lai của đất nước. Nhưng thực tế sẽ không cho phép họ làm như vậy. Họ vẫn phải nể nang và không dám làm những điều họ muốn làm.

Nhiều người đang lo ngại rằng đàn áp sẽ gia tăng dưới thời Donald Trump. Có thể là như vậy, nhưng thực ra đàn áp đã gia tăng ngay dưới thời Obama. Nguyễn Văn Đài, Trần Anh Kim và hàng trăm người dân chủ khác đã bị bắt dưới thời Obama. Chính sách của Obama đã không có lợi cho phong trào dân chủ Việt Nam như nhiều người tưởng và chính sách của Trump cũng sẽ không có hại cho phong trào dân chủ như nhiều người đang lo ngại. Giữa sự quan tâm kiểu Barack Obama và sự không quan tâm kiểu Donald Trump, khó có thể nói chính sách nào có lợi cho phong trào dân chủ Việt Nam hơn. Trong bốn năm sắp tới của Donald Trump, người Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn là muốn có dân chủ và tự do thì chính chúng ta phải tranh đấu để có. Freedom is not free. Tự do không cho không. Chúng ta phải tranh đấu, và tranh đấu dựa vào làn sóng dân chủ đang trào dâng trên khắp thế giới chứ không nên mất thì giờ để trông đợi vào sự yểm trợ của một cường quốc nào, dù là Hoa Kỳ.                      

TQT : Như ông vừa nói trong chính sách đối với Việt Nam, chính quyền Donald Trump hình như sẽ không quan tâm đến dân chủ và nhân quyền. Trên thực tế thì trong một năm qua phong trào dân chủ Việt Nam đã chững lại và vai trò của các trí thức trong cuộc đấu tranh cho dân chủ cũng mờ nhạt đi. Ông bình luận thế nào ?

NGK : Tôi nghĩ chúng ta cần một suy nghĩ thận trọng nhưng không nên thất vọng. Đối lập dân chủ Việt Nam đang ở trong một giai đoạn xét lại quan trọng.

Trong hai, ba năm qua đối lập dân chủ Việt Nam đã có được một đà phát triển do sự lúng túng của Đảng cộng sản, do thảm kịch Formosa và do ý thức rằng Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc và đang trở thành một bãi rác tiếp nhận những trang thiết bị lỗi thời của Trung Quốc. Từ một năm nay không ai chối cãi rằng phong trào dân chủ Việt Nam đã đi xuống một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Tôi đã trao đổi với một số thân hữu trong nước và họ đều đồng ý rằng phần lớn các tổ chức ra đời cách đây hai hay ba năm đều tàn lụi đi. Hiện tượng này đặt ra những câu hỏi lớn cho nhiều người và nhiều thân hữu tỏ ra thất vọng. Tôi đã nói với họ là không nên thất vọng bởi vì sự rã rượi của phong trào dân chủ Việt Nam chỉ chứng tỏ rằng phong trào dân chủ Việt Nam đang trải qua một giai đoạn xét lại đau nhức nhưng rất cần thiết để đánh tan những ngộ nhận và tiến lên sau đó.

Trong thời gian qua, ngay vào lúc phong trào dân chủ Việt Nam phát triển mạnh nhất, đã có những ngộ nhận lớn.

Ngộ nhận thứ nhất là khuynh hướng cải tổ, cho rằng có thể cải tổ chế độ này. Chúng ta quên rằng kinh nghiệm của các quốc gia đã cho thấy, ở một mức độ nghiêm trọng nào đó một chính quyền tham nhũng không thể cải tổ được nữa, giải pháp duy nhất là thay thế nó bằng một chính quyền khác. Vả lại chính quyền cộng sản cũng không hề muốn cải tổ và kinh nghiệm của các quốc gia cũng chưa hề cho thấy có một chế độ cộng sản nào có thể cải tổ để biến thành một chế độ dân chủ, giải pháp duy nhất cũng chỉ là thay thế nó bằng một chế độ dân chủ. Ngộ nhận về cải tổ đã đưa đến những yêu cầu và kiến nghị và đã khiến nhiều nhân sĩ tuy có thiện chí nhưng đã chỉ làm mất thì giờ và đánh lạc quan tâm của nhiều người dân chủ trong một thời gia khá dài. Gần đây chúng ta đã nhận ra rằng khuynh hướng cải tổ không còn phù hợp nữa.

Ngộ nhận thứ hai là về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự. Chúng ta có thể lưu ý là trong hai ba năm gần đây các tổ chức ra đời đều tự nhận mình là tổ chức xã hội dân sự. Tuy nhiên không phải tất cả các tổ chức này đều hiểu thế nào là một tổ chức xã hội dân sự, đâu là sức mạnh và đâu là giới hạn của nó. Chúng ta phải hiểu rằng một tổ chức xã hội dân sự chỉ tập trung quan tâm vào một vấn đề thôi và do đó tiếng nói của nó có sức mạnh của sự chuyên nghiệp. Một tổ chức xã hội dân sự cũng không hề có tham vọng tranh giành quyền lực và do đó tiếng nói của nó có sức mạnh của sự vô tư. Mỗi tổ chức xã hội dân sự có sức mạnh để đòi cải tiến một khía cạnh nào đó của xã hội, nhưng để đấu tranh thiết lập dân chủ thì các tổ chức xã hội dân sự chỉ có vai trò yểm trợ chứ không thể thay thế các tổ chức chính trị.

Ngộ nhận thứ ba là về phương thức đấu tranh. Về điểm này quý vị nào có đọc dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của chúng tôi đều có thể nhận thấy rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức duy nhất có đề nghị một phương thức đấu tranh để giành thắng lợi cho dân chủ. Theo phương thức này thì cuộc đấu tranh phải đi qua năm giai đoạn trong đó hai giai đoạn đầu là xây dựng một tư tưởng chính trị và xây dựng một đội ngũ nòng cốt. Hai giai đoạn đầu này là cốt lõi và chiếm gần hết thời giờ và cố gắng của cuộc vận động dân chủ. Tuy nhiên phần lớn anh em dân chủ Việt Nam và các tổ chức lại không hiểu như vậy. Họ đi thẳng vào giai đoạn vận động quần chúng. Cũng tốt, nhưng khi chúng ta tranh đấu mà chưa có chuẩn bị lực lượng thì phải hiểu rằng những hành động như thế chỉ có tác dụng hâm nóng tinh thần đấu tranh và giữ khí thế động viên thôi chứ không giải quyết được vấn đề. Vấn đề là phải đấu tranh có tổ chức và tổ chức đó phải được hình thành một cách có phương pháp.

Tôi nghĩ rằng vào giờ phút này đối lập dân chủ Việt Nam đã nhận ra là đấu tranh chính trị không bao giờ có thể là đấu tranh cá nhân cả mà bao giờ cũng phải là đấu tranh có tổ chức. Và xây dựng tổ chức là điều rất khó, không thể ngày một ngày hai, không thể một vài tháng, cũng không thể một vài năm, mà phải là một cố gắng kiên trì trong nhiều năm.

Tôi không bi quan. Tôi cho rằng chúng ta đang trải qua một giai đoạn xét lại quan trọng, một cơn sốt vỡ da cần thiết. Tôi tin rằng sau đó chúng ta sẽ hiểu phải đấu tranh như thế nào và đối lập dân chủ Việt Nam, phong trào dân chủ Việt Nam sẽ thực sự khởi sắc.

Cho nên bắt đầu năm 2017 và năm Đinh Dậu anh em chúng tôi trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cảm thấy lạc quan.

Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 02/02/2017

Published in Quan điểm
Trang 2 đến 2