Ngày 10/12/2019, mạng báo trong nước đưa tin có 164 sinh viên học ngoại ngữ tại Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Incheon bất ngờ "biến mất", trong đó có 161 người đến từ Việt Nam.
Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc - Ảnh minh họa
Những sinh viên này đăng kí khóa học tiếng Hàn trong một năm nhưng sau khi sang Hàn Quốc học tập được 3-4 tháng thì bất ngờ nghỉ học và mất tích gần một tháng nay.
Ngày 12/12, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, thông báo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang làm việc với Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc để xác minh xem những em học sinh này đã đi đâu.
"Trào lưu" du học để kiếm việc làm
Bà Thụy An, hiện đang theo học chương trình tiến sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Hàn Quốc nói với RFA rằng truyền thông Hàn Quốc khẳng định 161 du học sinh ngôn ngữ Việt Nam đã trốn ra ngoài để làm việc bất hợp pháp.
Cũng theo bà An, hiện nay, số lượng người Việt Nam sang Hàn Quốc để làm việc với visa du học sinh học ngôn ngữ là rất nhiều :
"Ở Hàn Quốc này chắc là phải tới 99% du học sinh ngôn ngữ đều bỏ ra ngoài bài để đi làm hết. Các em này đi làm có thể theo hai dạng là bất hợp pháp và vừa học vừa làm".
Theo tìm hiểu của phóng viên RFA, thực trạng du học sinh Việt làm việc "chui" không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc mà nó còn rất phổ biến ở các nước Châu Á phát triển khác như Đài Loan hay Nhật Bản.
Vy Nguyễn, người vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đài Loan xác nhận rằng ở Đài Loan, tình trạng này là không hề ít :
"Họ lấy danh là đi qua bên Đài Loan học tiếng, thì học buổi sáng xong rồi buổi tối họ đi làm chui. Thường thì họ có người quen để giới thiệu những công việc làm ở trong những công xưởng. Đó là cách họ kiếm tiền hoặc là hiện tại thì cũng có những dạng du học sinh đi qua vừa học vừa làm".
Những du học sinh đi theo diện vừa học vừa làm sẽ được nhà trường hỗ trợ chỗ ở và việc làm. Tuy nhiên, áp lực phải đảm bảo việc học và kiếm tiền chi trả học phí, sinh hoạt phí khiến nhiều sinh viên khó khăn về kinh tế phải trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Bà Vy Nguyễn cũng lí giải nguyên do của việc ngày càng nhiều người chọn hình thức sang nước ngoài làm việc bằng visa du học thay vì xuất khẩu lao động : Thứ nhất là chi phí làm hồ sơ để du học ngôn ngữ rẻ hơn, chỉ từ 2.000 đến 2.500 đô la Mỹ. Trong khi xuất khẩu lao động phải đóng từ 5.000 đến 7.000 đô la Mỹ, và mỗi tháng còn phải đóng một khoảng tiền cho mô giới.
Thứ hai là thủ tục xin visa du học ngôn ngữ khá đơn giản và dễ dàng được chấp nhận hơn.
Thứ ba là dù làm việc bất hợp pháp nhưng họ có thể tự chọn lựa công việc có mức lương cao hơn là công nhân làm việc trong xí nghiệp và không phải đóng các khoản phí cho mô giới mỗi tháng.
Hậu quả của việc du học sinh bỏ trốn
Ảnh hưởng đến bản thân người bỏ trốn
Bà Thụy An khẳng định rằng việc bỏ trốn đi làm bất hợp pháp để lại nhiều hậu quả, đầu tiên cho chính bản thân và gia đình của người du học sinh :
"Hậu quả thì nhiều lắm. Các em đó thì còn trẻ mà, ở tuổi đó thì nên phát triển bản thân nhiều hơn sơn là đi làm và lao động kiếm tiền để mưu sinh. Hàng ngày hàng đêm phải đi học, đi làm đến 12 giờ đêm mới về, mất hết thời gian cho bản thân, không thể học thêm được cái gì, cũng không thể giao lưu, không thể đi ra ngoài tìm hiểu thêm văn hóa lối sống ở bên đây. Một thời tuổi trẻ vài năm như vậy chỉ làm việc trong nhà hàng để kiếm tiền thì rất lãng phí.
Những tai nạn xảy ra trong lao động thì không được chi trả. Có những tai nạn rất là nặng như đột tử, đột qụy hoặc là những tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng thì phải bỏ ra một số tiền cực lớn để chi trả thì bảo hiểm không thể chi trả được bởi vì đâu có đóng bảo hiểm đâu. Cho nên nếu điều không may mắn xảy ra, gia đình những em này phải gánh hậu quả rất lớn, có nhiều gia đình đến mức phải phá sản".
Phương Nguyễn, một kỹ sư đang làm việc tại Nhật Bản nói rằng những người làm việc bất hợp pháp mà ông biết luôn phải sống trong nỗi lo sợ :
"Mình thấy thiệt hại cho các bạn đó. Cho dù các bạn đó có bị bệnh như thế nào cũng không thể đến bệnh viện được, sống trong nơm nớp lo sợ, lúc nào cũng sợ là cảnh sát bắt.
Ví dụ như các bạn lên mạng xã hội cũng không dám cho biết mình đang ở đâu. Trong khoảng thời gian đó, các bạn sống không được tự do".
Còn theo Vy Nguyễn, một khi những người này bị cảnh sát bắt thì họ và cả người thân trong gia đình rất khó có cơ hội được quay lại Đài Loan :
"Trong trường hợp làm việc bất hợp pháp thì khi mà họ bị phát hiện thì họ sẽ bị phạt và trường sẽ đuổi về luôn. Mà khi đã về Việt Nam như vậy rồi thì họ sẽ khó qua lại Đài Loan".
Ảnh hưởng chung đến người Việt Nam
Ngoài những hậu quả trước mắt đối với du học sinh bỏ trốn, người Việt nói chung không liên quan gì đến chuyện lao động bất hợp pháp cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Bà Thụy An nói :
"Bây giờ sinh viên xin visa sang Hàn rất là khó. Có quá nhiều trường hợp sang đây bất hợp pháp. Người ta xem xét lại chỉ tiêu hoặc giới hạn số lượng visa được sang đây hoặc người ta kéo dài thời gian xin visa thêm.
Cái danh dự của người Việt ở bên này cũng bị nhắc nhiều lắm. Người Hàn kiểu như họ kì thị, người ta có cái nhìn không có thiện cảm về người Việt Nam".
Bà Vy Nguyễn cho biết những người dân địa phương, thiểu số ở Đài Loan thường xuyên khiếu nại với Chính phủ vì tình trạng lao động bất hợp pháp "cướp" mất việc làm của họ.
"Nếu như vậy quá nhiều thì có thể Đài Loan sẽ hạn chế lao động từ Việt Nam hoặc là gây khó khăn hơn về Visa đi qua đi lại, hoặc là không cấp nhiều học bổng cho du học sinh Việt Nam. Thay vào đó họ sẽ cấp cho các nước khác như Indo - Thái Lan, còn Việt Nam thì sẽ bị hạn chế số lượng lại".
Theo ông Nguyễn Phương, chính vì tình trạng du học sinh Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp quá nhiều nên công ty mà ông từng làm việc đã ngưng tuyển lao động Việt Nam :
"Công ty thì sẽ không dám nhận những bạn người Việt Nam nữa. Nó sẽ ảnh hưởng đến những người sau muốn đến Nhật làm việc. Như công ty của mình hiện nay họ không nhận người Việt Nam nữa, thì nó ảnh hưởng rất là nhiều".
Hồi tháng 3/2019, Trường Đại học Phúc lợi Xã hội Tokyo, Nhật Bản thông báo có 700 sinh viên trốn học từ tháng 4/2018, đa số trong họ là du học sinh Việt Nam.
Ngày 31/10/2019, Đại sứ quán Nhật Bản thông báo đình chỉ đại diện xin cấp visa đối với 90 cơ sở tư vấn du học ở Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam "ngó lơ" khi du học sinh gặp nạn
Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất mà cả ba người được phỏng vấn đều đồng quan điểm đó là một khi đã chọn cách trốn học, chấp nhận sống bất hợp pháp, các bạn du học sinh sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nếu xảy ra tai nạn lao động hay bệnh tật.
Khi đó, họ chỉ biết nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt chứ Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại cũng "ngó lơ".
Bà Thụy An nói rằng Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc rất khó để liên lạc được :
"Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc người dân bình thường không thể liên lạc được. Tôi liên lạc rất nhiều lần qua điện thoại hotline nóng, không biết vì sao người ta không bao giờ nghe điện thoại hết. Dù có nên thẳng lãnh sự quán cũng không thể nào dễ dàng gặp được lãnh sự nữa.
Mình phải đến rất sớm để bốc số thì mới có thể gặp được nhân viên. Mỗi ngày họ chỉ làm việc từ 9 giờ 30 cho đến 12 giờ. Nếu hôm đó đó số của mình chưa tới thì mình phải đợi ngày hôm sau bốc lại một lần nữa để gặp lại họ. Để gặp được lãnh sự quán là không dễ dàng".
Ông Nguyễn Phương thẳn thắn khẳng định Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật tham nhũng nhiều mà còn không giúp được gì cho người dân Việt :
"Nói chung là Lãnh sự quán Việt Nam là những người mà chỉ biết ăn thôi. Nó tồn tại rất nhiều bất công ở trong lãnh sự quán Việt Nam ở Nhật.
Mình nghĩ là nó chẳng bao giờ hỗ trợ đâu, mà cũng không ai nghĩ đến vấn đề nhờ đến Lãnh sự quán cả. Bởi vì người Việt Nam mình đã biết rồi, ở Việt Nam chính ở trên đất nước của mình mà không nhờ được thì làm sao mà ở nước ngoài họ có thể quan tâm đến mình được. Họ nghĩ vậy cho nên họ chả có nhờ cậy gì đến Lãnh sự quán hết.
Rất nhiều trường hợp như người Việt Nam bị chết ở bên này thì họ cũng có quan tâm gì đâu. Bên này tự quyên góp đem xác về chứ Lãnh sự quán đâu có quan tâm gì đâu. Mình chưa thấy trường hợp nào mà Lãnh sự quán quan tâm đến người Việt Nam chết bên này".
Bà Vy Nguyễn thì nói rằng thậm chí, Văn phòng Văn hóa kinh tế Việt Nam ở Đài Loan còn đổ lỗi ngược lại cho nạn nhân :
"Họ không có trách nhiệm trong việc giúp đỡ những người Việt Nam ở Đài Loan. Du học sinh hay lao động hay bất cứ ai cũng vậy, họ phủ bỏ trách nhiệm. Đôi khi còn đổ lỗi và cứ nói là người Việt của mình vi phạm luật lệ".
Bà lấy ví dụ trường hợp của một người lao động bất hợp pháp là ông Nguyễn Quốc Huy bị cảnh sát Đài Loan bắn chết hồi năm 2017.
Bố của nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ của người đại diện Chính phủ Việt Nam ở Đài Loan thì họ nói rằng do con trai ông vi phạm luật pháp, thay vì kiện tụng, ông nên tìm cách hoà giải.
Sau đó, được sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội dân sự tại Đài Loan, cuối cùng người cách sát đó nhận mức án 8 tháng tù giam và phải bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 2 tỷ đồng.
Trở lại câu chuyện du học sinh Việt Nam bỏ trốn đi làm "chui", theo số liệu của Bộ Tư pháp Hàn Quốc vào tháng 5/2018, số lượng du học sinh quốc tế bỏ trốn là 11.142 người, trong đó Việt Nam là cao nhất với 4.457 người, tức là chiếm gần một nửa.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 16/12/2019