Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 07 juillet 2019 22:05

Duyệt binh và diễn hành

Một trong những vấn đề của những đài truyền hình tin tức 24/24 là làm sao trám cho đầy thời giờ.

duyetbinh1

Xe thiết giáp của quân đội Mỹ chuẩn bị tham gia cuộc diễn hành "có nhiều yếu tố quân sự hơn bình thường". (Hình : Getty Images)

Không một hệ thống thông tin nào, ngay cả thế giới vụ đại BBC, cũng có thể có đủ tường thuật của các phóng viên ở khắp nơi để trám vào cho đầy 24 giờ một ngày. Vì thế các đài truyền hình tin tức này, ngoài những cuộc phỏng vấn, thường mời các nhà bình luận vào để cho đỡ tẻ nhạt. Tuy thường họ cũng chỉ có một số những nhân vật quen thuộc tùy theo đề tài, nhưng cũng có đôi khi họ tìm được một nhà bình luận lý thú.

Hôm lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4 tháng Bảy vừa qua, đài BBC đã có một nhà bình luận khá đặc biệt. Vì Tổng thống Donald Trump đã chọn đưa thêm những yếu tố quân sự vào ngày Lễ Độc Lập, đài BBC đã mời một vị sử gia chuyên về quân sử. Ông chỉ ra là truyền thống phi quân sự của Hoa Kỳ khi các cha già dân tộc Hoa Kỳ như Tổng thống Thomas Jefferson chẳng hạn lên án "sự độc tài của Vua George III đã áp đặt một quân đội chuyên nghiệp lên trên 13 lãnh địa" với một lời lên án "Nhà vua đã tìm cách làm cho Quân đội độc lập và đứng cao hơn Quyền lực Dân sự".

Trong khi theo dõi những đoạn video về ngày Lễ Độc Lập của Tổng thống Trump, ông sử gia nọ đã nhận xét "Đó không phải là một cuộc duyệt binh mà tổng thống muốn, đó là một cuộc diễn hành mà người Mỹ vẫn làm trong những ngày lễ, chỉ có nhiều yếu tố quân sự hơn bình thường một chút". Ông đã dùng chữ "military parade" và "normal parade". Thật tiếc tiếng Anh không có sự phân biệt của tiếng Việt chúng ta vì "duyệt binh" thật là khác hẳn với "diễn hành".

Rồi ông thêm "The Americans are martial, but not militaristic". Chúng tôi xin tạm dịch là "Người Mỹ thượng vũ nhưng không hiếu chiến".

Thật chí lý lắm thay. Quả thật vậy, người Mỹ "trọng võ" nhưng không "hiếu chiến". Mà điều đó còn đúng hơn nữa với quân đội Hoa Kỳ.

Chả thế mà địa chỉ Military.com, địa chỉ dành cho các quân nhân để chỉ cho họ những quyền lợi mà họ được hưởng, đã viết hôm 20 tháng Sáu một bài với tựa đề "Tổng thống Trump sau cùng đã có được cuộc duyệt binh vào ngày 4 tháng Bảy".

Theo bài này, Bộ trưởng Nội vụ David Bernhard, vốn đứng đầu Tổ chức Dịch vụ Công viên Quốc gia, cho biết là cuộc parade ngày Lễ Độc Lập dọc theo đại lộ Constitution từ 7th Street đến 17th Street NW sẽ có ban nhạc diễn hành, ban nhạc fife and drum cổ truyền, xe hoa, các đơn vị quân đội, những bong bóng, các toán biểu diễn ngựa và đồng diễn và hơn nữa…".

Phác họa lúc đầu đó của ông Bernhard sau thêm một số đơn vị đại diện cho các binh chủng, hai thiết vận xa được chở tới để dàn hai bên khán đài, và trên đầu có những chuyến bay qua của các phi cơ quân sự kể cả đội biểu diễn nổi tiếng Blue Angels của Hải quân.

Nhưng Military.com còn nhắc lại là "Theo lịch sử mà nói, các tổng thống trước đây hoặc là tổ chức ở Tòa Bạch Ốc, hay đi ra khỏi thủ đô cho ngày 4 tháng Bảy, theo một thống kê dài của Cơ quan Dịch vụ Công viên.

Năm 1791, Tổng thống George Washington đọc bài diễn văn ở Lancaster, Pennsylvania và rồi sau đó đi bộ quanh thành phố, Cơ quan Công viên ghi nhận.

Tổng thống Dwight Eisenhower trải ngày 4 tháng Bảy năm 1953 ở Trại David, ở Maryland, nơi nghỉ ngơi của tổng thống và đi chơi golf ở sân gần đó, Cơ quan Công viên viết.

Năm 2008, Tổng thống George W. Bush đã chủ trì một nghi lễ tuyên thệ công dân ở Tòa Bạch Oc cho 72 công dân mới của Hoa Kỳ đến từ 30 quốc gia.

Năm 2010, Tổng thống Barack Obama chủ trì một bữa barbecue ở sân cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc cho 1.200 quân nhân và gia đình".

Military.com đã tỏ khá rõ lập trường của họ về Ngày Lễ Độc Lập nên được ăn mừng như thế nào.

Quân đội Hoa Kỳ cũng không có truyền thống đi duyệt binh. Dĩ nhiên trong suốt lịch sử Hoa Kỳ đã có những cuộc duyệt binh nhưng theo địa chỉ của viện nghiên cứu Smithsonian.com thì lần cuối Hoa Kỳ có một cuộc duyệt binh là năm 1991 khi hơn 8.000 quân nhân diễn hành dọc theo đại lộ Constitution trong cuộc duyệt binh chiến thắng chào đón chấm dứt Chiến Tranh Vùng Vịnh. Đã có chiến đấu cơ tàng hình bay qua trong khi xe tăng và hỏa tiễn Patriot lăn bánh trên đường phố thủ đô.

Viện Smithsonian ghi nhận phê bình nói số chỉ có 200,000 đến xem không đáng với cái giá 12 triệu cho cuộc duyệt binh đó. Nhưng đêm đó khi cuộc đốt pháo bông xảy ra thì số người đến xem lên đến 800,000 người.

Phản ứng với cuộc duyệt binh đó lẫn lộn. Một số chỉ trích nói là phí phạm và chỉ có mục đích đề cao cho Tổng thống George H.W. Bush. Nhưng một cựu quân nhân Việt Nam được trích lời nói "Tôi đã hứa với chính mình cách đây 20 năm là nếu bao giờ có một cuộc chiến nữa -ngay cả nếu tôi là người duy nhất tham gia – sẽ có một cuộc parade".

Theo các sử gia thì những cuộc duyệt binh hay diễn hành lớn của quân đội chỉ xảy ra sau các cuộc chiến lớn, một sự ăn mừng chiến thắng. Sau Đệ Nhị Thế Chiến chẳng hạn, những quân nhân chiến thắng ở Âu Châu và Á Châu trở về đã xuống tàu và đi vào các thành phố lớn để được sự chào đón của nhân dân trong bầu không khí ăn mừng với dân chúng xông vào đoàn quân nhân vẫn còn mặc đồ trận ôm hôn bày tỏ sự vui mừng. Và chính vì thế không có duyệt binh chiến thắng cho các cuộc Chiến Tranh Triều Tiên hay Việt Nam, hay ngay cả duyệt binh vinh danh các chiến sĩ tham gia chiến tranh Iraq hay Afghanistan.

Truyền thống ở Pháp thật khác hẳn. Cuộc duyệt binh ngày phá ngục Bastille, ngày Quốc Khánh của nền Cộng Hòa Pháp đã có từ năm 1880 và đã được tổ chức mỗi buổi sáng vào ngày 14 tháng Bảy. Cuộc duyệt binh đi theo đại lộ Elysées từ Khải Hoàn Môn đến Quảng trường Place de la Concorde nơi tổng thống nước Cộng hòa Pháp và chính phủ của ông cùng các đại sứ đứng chờ để "duyệt binh". Phải nói cuộc duyệt binh ngày 14 tháng Bảy đã là cuộc duyệt binh được tổ chức liên tục lâu đời nhất và do đó thực sự là cha đẻ của mọi cuộc duyệt binh ngay cả đến cuộc duyệt binh nổi tiếng ở Quảng Trường Đỏ của Liên Xô mà ngày nay Nga vẫn duy trì, hay cuộc duyệt binh của Bắc Hàn mà hồi trước các quan sát viên thường theo dõi để xem họ có vũ khí mới hay không.

duyetbinh2

Cuộc duyệt binh đi theo đại lộ Elysées từ Khải Hoàn Môn đến Quảng trường Place de la Concorde nơi tổng thống nước Cộng hòa Pháp và chính phủ của ông cùng các đại sứ đứng chờ để "duyệt binh".

Hầu hết các nền dân chủ Tây phương không có một truyền thống nào tương tự như của Pháp.

Anh Quốc, vốn là một nền quân chủ lập hiến lâu đời và có nhiều truyền thống, hàng năm có tổ chức một cuộc duyệt binh nhỏ vào ngày sinh nhật của nhà vua. Truyền thống này đã có từ 260 năm nay. Hiện nay nghi thức này, được gọi là Trooping the Colour, được tổ chức hàng năm vào tháng 6 ở quảng trường của đội ngự lâm quân kỵ binh. Năm nay 1400 quân nhân, 200 con ngựa, và 400 nhạc sĩ tham gia nghi thức chúc tụng nữ hoàng và sau đó khi nữ hoàng đã trở về Điện Buckingham, toàn gia đình hoàng gia ra lan can để chứng kiến không quân bay qua vẽ màu cờ bằng khói màu trên bầu trời London. Thực sự nó chỉ là một sự ăn mừng sinh nhật.

Dầu sao chăng nữa, cả cuộc duyệt binh kiểu Ngày Phá ngục Bastille của Pháp đến cuộc duyệt binh Trooping the Colour của Anh cũng đều không thích hợp với Hoa Kỳ.

Khi Tổng thống Bush bố tổ chức duyệt binh ăn mừng chiến thắng, dân chúng hờ hững, trong khi hàng năm dân chúng Pháp náo nức đi xem duyệt binh. Thành ra, có thể cuộc duyệt binh kiêm diễn hành của Tổng thống Trump cho ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ không hẳn giống như cuộc duyệt binh của Pháp ở Paris, nhưng nó hoàn toàn Hoa Kỳ. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 07/07/2019

Published in Diễn đàn