Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong nỗ lực uốn nắn chế độ Iran theo ý mình, về cơ bản, chính quyền Trump đã làm suy yếu một trong những nguồn lực và ảnh hưởng toàn cầu chính của Mỹ. Với việc Hoa Kỳ không còn được tin tưởng trong việc giám sát dòng tài chính toàn cầu, các mạng lưới liên kết mới đang xuất hiện để giúp các quốc gia thay thế đồng đô la.

post1

Hoa Kỳ đang nắm giữ tiền tệ dự trữ chính yếu của thế giới và tận hưởng vai trò trung tâm trong các mạng tài chính toàn cầu. Nhưng nó đang sử dụng vị thế đó để theo đuổi các mục đích trong chính sách đối ngoại. Việc làm này có khả năng làm suy yếu vai trò trung tâm và sức mạnh đòn bẩy của Mỹ trong dài hạn.

Trên thế giới ngày nay, việc truy cập vào các mạng toàn cầu là nguồn lực quan trọng, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau cũng có thể tạo ra những lỗ hổng nguy hiểm. Quyền lực đến từ trung tâm, là cái trục chính nối kết với tất cả (hoặc hầu hết) các mạng khác. Bị đe dọa từ chối truy cập vào các trung tâm như vậy có thể là một hình phạt nặng nề đối với các tác nhân xấu. Nhưng, nếu quyền lực đó bị lạm dụng – nếu quan hệ phụ thuộc bất đối xứng và bị đe dọa bẳng vũ khí – thì những người tham gia một mạng kết nối có thể quyết định tạo ra các mạng thay thế của riêng họ.

Đó là sự rủi ro Hoa Kỳ hiện đang đối mặt. Quốc gia này nắm giữ tiền tệ dự trữ chính yếu của thế giới và tận hưởng vai trò trung tâm trong các mạng tài chính toàn cầu. Nhưng nó đang sử dụng vị thế đó để theo đuổi các mục đích trong chính sách đối ngoại. Việc làm này có khả năng làm suy yếu vai trò trung tâm và sức mạnh đòn bẩy của Mỹ trong dài hạn.

Ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng đang gia tăng với Iran, bắt đầu vào tháng 5 năm 2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tên gọi chính thức là Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA). Tồi tệ hơn nữa, Mỹ đã áp đặt quyết định của mình lên các bên ký kết khác – Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Liên minh Châu Âu – bằng cách đe dọa trừng phạt thứ cấp đối với các bên thứ ba tôn trọng JCPOA.

Trên lý thuyết, các bên còn lại tham gia JCPOA lẽ ra vẫn có thể tiếp tục làm ăn với Iran. Nhưng Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận hợp tác với EU, nguyên thủy được soạn ra cho cuộc chiến chống al-Qaeda, nên có thể thực thi các biện pháp trừng phạt thứ cấp, thông qua Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - SWIFT) có trụ sở tại Bỉ.

Dưới áp lực của Mỹ, SWIFT đã phải ngăn chặn các ngân hàng Iran tham gia hệ thống thanh toán toàn cầu mà họ có quyền giám sát, loại Iran ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu một cách hiệu quả và hạn chế khả năng tiến hành kinh doanh của Iran ngay với các quốc gia không thừa nhận lệnh trừng phạt.

Giống như nhiều công ty Châu Âu, SWIFT hiện diện hợp pháp và có một trung tâm dữ liệu tại Hoa Kỳ. Nếu không tuân thủ lệnh trừng phạt, công ty có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt đáng kể, mất thị thực Hoa Kỳ cho nhân viên của mình hoặc bị từ chối tiếp cận với đô la Mỹ.

Pháp, Đức và Vương quốc Anh sau đó đã công bố kế hoạch làm ra một phương tiện có mục đích đặc biệt mang tên Instrument in Support of Trade Exchanges (INSTEX) để kết nối xuất khẩu và nhập khẩu, cho phép hàng hóa lưu thông giữa Châu Âu và Iran mà không cần dòng tiền song phương trực tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch của INSTEX chỉ giới hạn vào các mặt hàng nhân đạo vốn không chịu sự trừng phạt của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã đóng băng hiệu quả việc tham gia trong thỏa thuận.

Nhưng cho dù Hoa Kỳ có thành công trong việc uốn nắn Iran theo ý mình muốn hay không – một kết quả hiện nay có vẻ rất khó xảy ra – chính quyền Trump đã tạo động cơ cho các nước khác tìm cách vượt qua toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ.

Đáp trả lại các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, sau khi can thiệp vào Ukraine năm 2014, Nga đã giảm bớt các lỗ hổng nguy hiểm ở bên ngoài. Đây là thị trường quan trọng mới nổi duy nhất có thặng dư tài chính và tài khoản vãng lai, nợ chính phủ thấp và dự trữ cao. Nó không còn lo sợ mất quyền truy cập vào thị trường tài trợ toàn cầu. Nga cũng củng cố mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Hai nước gần đây đã công bố một hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới để giải quyết thương mại song phương bằng đồng Nhân dân tệ và Rúp, với các giao dịch ban đầu được lên kế hoạch cho năm nay. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia.

Trong khi đó, Ấn Độ và Nhật Bản đã có hệ thống thanh toán nội bộ độc lập và Nga đã đưa ra hệ thống thanh toán thẻ để phá vỡ các mạng lưới tín dụng có trụ sở tại Hoa Kỳ. Tương tự, tại Trung Quốc, các ứng dụng thanh toán di động như Alipay của Alibaba và Tencent của WeChat Pay cho phép người tiêu dùng từ bỏ hoàn toàn thẻ tín dụng, thanh toán trực tiếp bằng điện thoại thông minh của họ. Không bị tụt hậu, Facebook tuyên bố đã tạo ra một loại tiền điện tử mới, có lẽ sẵn sàng dành cho tất cả người dùng của mình, vốn sống ở ngoài Hoa Kỳ nhiều hơn trong nước Mỹ.

Những động thái như vậy từ các đối thủ của Mỹ có thể dự đoán được, nhưng ngay cả Châu Âu cũng đang tìm giải pháp thay thế. Một số quốc gia Châu Âu duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga, và một số nước đã đăng ký tham gia "Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường "của Trung Quốc. Liên kết với hệ thống thanh toán Nga-Trung có thể là cách tự vệ tốt nhất trước việc Hoa Kỳ nỗ lực xử phạt các dự án rất quan trọng đối với lợi ích của Châu Âu, chẵng hạn như đường ống dẫn khí Nord Stream 2 giữa Nga và Đức.

Hơn nữa, EU đã trở nên quyết đoán hơn trong việc tuyên bố chủ quyền kinh tế của mình, và đã mời các đối tác khác trong JCPOA tham gia INSTEX. Quan điểm chính thức của EU từ lâu là không khuyến khích hay ngăn cản vai trò quốc tế đối với đồng euro. Nhưng Ủy ban Châu Âu gần đây đã phác thảo các đề xuất mở rộng việc sử dụng đồng euro trong khối cư dân ngoài EU, bao gồm cả trao đổi thương mại trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm và hàng không vũ trụ. Mong muốn giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính Mỹ của Châu Âu có thể tạo động lực cho việc hội nhập tài chính và tiền tệ sâu sắc hơn, đặc biệt là đến năm 2020, khi các nhà lãnh đạo mới của EU nhậm chức và Brexit của Anh hoàn tất.

Như Barry Eichengreen tại Đại học Berkeley ở California đã chỉ ra, việc tái cân bằng quyền lực bên trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể xuất phát từ thảm họa lịch sử, như chiến tranh thế giới, hoặc từ những thay đổi thể chế. Việc thành lập Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã chuyển trung tâm tài chính toàn cầu từ Anh sang Mỹ là một ví dụ.

Lần này, người chơi chính trong hệ thống đang lạm dụng vị trí của mình, theo những cách khiến những người khác – gồm cả các đồng minh của chính mình – phát triển các mạng thay thế. Trong một thế giới kết nối, nơi sức mạnh kinh tế buộc phải phụ thuộc vào các mạng lưới kết nối cụ thể, thì bản thân các kết nối là nguồn tài nguyên quý giá. Nhưng chúng không phải là những tài nguyên thiên nhiên ; chúng phải được xây dựng và duy trì thông qua việc quản lý có trách nhiệm. Chính quyền Trump không nên coi các kết nối tài chính luôn dành cho Mỹ và luôn phục vụ ý muốn của Hoa kỳ.

Anne-Marie Slaughter, Elina Ribakoval

Nguyên tác : Post American Networks, Project Syndicate, 22/07/2019

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

(10/08/2019)

Published in Diễn đàn