Elon Musk, tổng thống "trong bóng tối" của nước Mỹ
Minh Phương, RFI, 22/12/2024
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua, 21/12/2024, thông báo luật tài chính liên bang cho quý I/2025. Luật đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua, bất chấp việc tổng thống tân cử Donald Trump yêu cầu các dân biểu đảng Cộng Hòa tẩy chay thỏa thuận. Tuy nhiên, lý do khiến ông Trump can thiệp như vậy là vì tỷ phú Elon Musk, đứng đầu bộ Hiệu quả Chính phủ trong chính quyền mới, đã kịch liệt chỉ trích văn bản này.
Tổng thống tân cử Donald Trump cùng Elon Musk, tân bộ trưởng bộ Hiệu quả Chính phủ và phó tổng thống tân cử JD Vance tại một trận bóng đá giữa lục quân và hải quân tại Sân vận động Tây Bắc ở Landover, Mỹ, ngày 14/12/2024. AP - Stephanie Scarbrough
Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của tân bộ trưởng gây khó chịu cho nhiều nghị sĩ trong đảng Dân chủ và thậm chí cả trong đảng Cộng Hòa. Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết cụ thể :‘Tổng thống Musk’, ‘Phó tướng’, ‘cánh tay đắc lực của Trump’, ‘bản sao của Trump’... đó là cách mà hiện nay một số người ở Washington và trên các chương trình truyền hình gọi Elon Musk.
Như chúng ta đã biết, ông chủ của Tesla đã được ông Donald Trump chỉ định làm lãnh đạo bộ Hiệu quả Chính phủ. Nhưng trên thực tế, Musk cũng giữ vai trò cố vấn cho tổng thống đắc cử. Elon Musk hầu như có mặt trong tất cả các cuộc họp, các bữa ăn tối ... Và hôm thứ Tư, chỉ cần doanh nhân này đăng khoảng mười dòng tweet chỉ trích dự án ngân sách mà các thành viên đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đang thương lượng, Donald Trump đã ra lệnh cho các nghị sĩ trong đảng của ông bác bỏ văn bản đó, gọi nó là ‘một đạo luật nực cười’.
Điều này đã cho chúng ta một cái nhìn sơ bộ về nhiệm kỳ tổng thống của Trump trong tương lai khi Elon Musk giữ vai trò cố vấn. Ông chủ Tesla là người giàu nhất thế giới và có hơn 208 triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Các nghị sĩ đảng Dân Chủ trong tuần này đã chỉ trích gay gắt ảnh hưởng của vị tỷ phú. Thậm chí, một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa dám thách thức các chỉ thị của Donald Trump cũng tuyên bố rằng họ, xin trích, ‘phục vụ cho người dân Mỹ, chứ không phải cho Elon Musk’".
Ngoài ra theo mục xã luận của tờ Le Monde, tỷ phú Elon Musk không chỉ giới hạn hoạt động của mình trong phạm vi nước Mỹ mà còn phải đối mặt với các cáo buộc can thiệp chính trị khi liên tục công khai ủng hộ các đảng cực hữu ở Ý, Vương Quốc Anh và giờ đây là Đức. Tờ báo nhận định sự hiện diện khắp nơi và khả năng gây bất ổn của ông thậm chí còn vượt xa Donald Trump.
Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống tân cử Donald Trump đã bổ nhiệm ông Mark Burnett, nhà sản xuất serie phim truyền hình The Apprentice về cuộc đời ông Trump, làm đặc phái viên tại Vương Quốc Anh trong tân nội các.
Minh Phương
*************************
Mỹ tránh được "shutdown" trong gang tấc
Thu Hằng, RFI, 21/12/2024
Cuối cùng, tình trạng "tê liệt" ngân sách chính phủ Mỹ đã không xảy ra. Ngày 21/12/2024, Quốc Hội Mỹ đã thông qua luật tài chính liên bang cho tới giữa tháng 03/2025. Không chỉ bảo đảm chi trả lương cho công chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, luật này còn có 100 tỉ đô la hỗ trợ cho các vùng bị thiên tai ở Mỹ.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Mike Johnson, dân biểu đảng Cộng Hòa, ngày 20/12/2024 tại Capitole, Washington, Mỹ. © Jose Luis Magana / AP
Văn phòng Nhà Trắng chịu trách nhiệm tuyên bố tình trạng "shutdown" đã không tuyên bố "tê liệt" ngân sách vì biết rằng Thượng Viện sắp thông qua luật tài chính cho dù cuộc bỏ phiếu đã diễn ra sau thời hạn ấn định là nửa đêm (5 giờ GMT ngày 21/12). Sau 48 tiếng hỗn loạn do tổng thống tân cử Donald Trump cùng Elon Musk - đứng đầu bộ Hiệu quả Chính phủ trong tân chính quyền - kêu gọi nghị sĩ Cộng Hòa tẩy chay, cuối cùng văn bản đã được thông qua và không bao gồm biện pháp mà Donald Trump đòi hỏi.
Thông tín viên RFI Loubna Anaki tại New York cho biết thêm :
"Tổng thống tân cử Mỹ đã ra lệnh cho các nghị sĩ Cộng Hòa phá dự thảo ngân sách lưỡng đảng được công bố vào giữa tuần bởi vì ông muốn một văn bản phải nhắc đến hoặc phải xóa mức trần nợ. Do đó, ông Donald Trump đã kêu gọi các thành viên của đảng bỏ phiếu chống mọi văn bản không đáp ứng yêu cầu của ông, bất chấp việc đó có thể dẫn đến tình trạng tê liệt ngân sách. Ông Donald Trump còn viết "Thà để shutdown xảy ra dưới thời tổng thống Biden hơn là dưới nhiệm kỳ của tôi".
Nhưng sau khi Hạ Viện bác một văn bản được tổng thống tân cử ủng hộ, dân biểu Cộng Hòa Mike Johnson, chủ tịch Hạ Viện, đã quyết định tốt hơn là nên tránh shutdown. Do đó, một văn bản được rút gọn, nhưng cũng không nhắc đến bất kỳ biện pháp nào về mức trần nợ, đã được thông qua hôm qua (20/12) để bảo đảm ngân sách cho chính phủ đến tháng 03/2025.
Trên tổng số 219 dân biểu Cộng Hòa ở Hạ Viện, 170 người đã bỏ phiếu ủng hộ. Hành động này có thể sẽ khiến Donald Trump tức giận vì ông không muốn đàm phán về mức trần nợ khi lên cầm quyền và cho dù dân biểu Mike Johnson khẳng định vẫn thường xuyên liên lạc với ông Donald Trump, người mà theo ông, "hài lòng về kết quả"".
Thu Hằng
***************************
Musk phô diễn ảnh hưởng với Quốc hội trong vở kịch đóng cửa chính phủ Mỹ
Anthony Zurcher, BBC, 20/12/2024
Một điều khá vui nhộn xảy ra trên đường hướng tới thỏa thuận lưỡng đảng nhằm chu cấp cho hoạt động của chính phủ Mỹ và tránh tình trạng phải đóng cửa một phần trong tuần này.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và Elon Musk đã ngăn chặn dự luật chi tiêu tạm thời với sự phản đối quyết liệt
Các nghị sĩ bảo thủ tại Quốc hội - được tỷ phú công nghệ Elon Musk khích lệ - đã phá hỏng.
Đảng Cộng hòa đã nỗ lực tập hợp lại vào chiều thứ Năm, đưa ra một gói ngân sách mới, tinh gọn hơn, để tài trợ cho chính phủ. Nỗ lực đó đã thất bại, vì 38 đảng viên Cộng hòa và hầu hết thành viên phe Dân chủ bỏ phiếu chống.
Toàn bộ màn kịch chính trị này chỉ là một chút hương hoa của tình trạng hỗn loạn và khó lường có khả năng xảy ra khi đảng Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát tại Washington vào năm tới.
Diễn viên chính của vở kịch tuần này không nắm giữ chức vụ hay có vai trò chính thức nào trong chính phủ cả. Tuy nhiên, thứ mà Elon Musk có là hàng trăm tỷ đô la, một nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn, và là người được lắng nghe - không chỉ từ tổng thống Hoa Kỳ mà còn cả các nghị sĩ bảo thủ trong Quốc hội.
Sáng thứ Tư, ông trùm công nghệ này đã viết trên X, mạng xã hội mà ông đã mua với giá 44 tỷ đô la cách đây hai năm, chỉ trích thỏa thuận mà Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thuộc đảng Cộng hòa đã đạt được với đảng Dân chủ nhằm tạm thời chu cấp cho các hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ đến giữa tháng 3.
Khi số lượng bài đăng của ông về thỏa thuận được đề xuất này tăng lên ba con số, đôi khi khuếch đại các cáo buộc sai sự thật do các nhà bình luận bảo thủ đưa ra, sự phản đối thỏa thuận này trong Quốc hội ngày càng tăng.
Và đến tối thứ Tư, Donald Trump – có lẽ cảm thấy đến lúc mình cần phải đứng ra giương cao ngọn cờ nổi dậy đang ngày càng gia tăng của phe bảo thủ – đã công khai tuyên bố ông cũng phản đối dự luật về gói chi tiêu cho chính phủ.
Ông cho biết dự luật này chứa trong đó các chi tiêu lãng phí và các ưu tiên của đảng Dân chủ, đồng thời yêu cầu Quốc hội thực hiện bước đi nhạy cảm về mặt chính trị là tăng - hoặc thậm chí xóa bỏ - trần nợ công mới thông qua, mức mà nước Mỹ sẽ chạm trần vào mùa hè tới.
Sự ủng hộ dành cho dự luật chi tiêu tạm thời sau đó đã sụp đổ, buộc Johnson và nhóm lãnh đạo của ông phải vật lộn để tìm một giải pháp thay thế.
Trong khi đó, Musk ăn mừng, tuyên bố "tiếng nói của người dân đã chiến thắng".
Tuy nhiên, nói một cách chính xác thì chỉ có tiếng nói của Musk mới chiến thắng.
Nhưng sự tham gia của Musk có thể không được một số nhà lập pháp đón nhận nồng nhiệt. Các đảng viên Dân chủ trong Hạ viện đã chế giễu về "Tổng thống Musk", trong khi thậm chí một số đảng viên Cộng hòa cũng phàn nàn công khai.
"Ai cơ ?" Glenn Thompson, đảng viên Cộng hòa bang Pennsylvania trả lời khi được hỏi về Musk. "Tôi đâu có thấy ông ấy trong Quốc hội".
Đa số trên danh nghĩa
Musk có thể là người khơi mào, nhưng cuộc khủng hoảng về vấn đề ngân sách của Quốc hội để tài trợ cho các hoạt động của chính phủ phản ánh điều đã - và có thể sẽ tiếp tục - là một thách thức đối với thế đa số mỏng manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Trong hai năm, phe Cộng hòa tại Hạ viện đã vật lộn cho việc giữ được một mặt trận thống nhất trong một đảng mà các thành viên, ít nhất là một bộ phận, là các chính trị gia tỏ thái độ khinh miệt rõ rệt đối với chính phủ mà họ đang giúp điều hành.
Những chia rẽ nội bộ đã khiến cuộc bầu ông Kevin McCarthy làm chủ tịch Hạ viện bị trì hoãn vào tháng 1/2022 và dẫn đến việc ông bị cách chức - lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ - vào năm sau đó. Johnson cuối cùng đã thay thế ông, nhưng chỉ sau nhiều tuần không có người lãnh đạo.
Một số nghị sĩ Cộng hòa hy vọng với việc Trump được bầu làm tổng thống, các thành viên của họ, dù vẫn chiếm đa số nhưng mỏng hơn khi Quốc hội mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng tới, sẵn sàng ủng hộ mạnh mẽ và nhất quán hơn đối với chương trình nghị sự của tổng thống mới. Và một số đã làm như vậy.
"Tôi nghĩ Tổng thống Trump đã phác thảo kế hoạch khá rõ ràng rồi nên tôi không biết các cuộc thảo luận sẽ về vấn đề gì nữa", nữ dân biểu bang Florida Anna Paulina Luna trả lời các phóng viên sau cuộc họp nội bộ của đảng Cộng hòa vào chiều thứ năm.
Tuy nhiên, điều được tiết lộ trong tuần này là tổng thống đắc cử có thể không phải lúc nào cũng đưa ra chỉ thị rõ ràng, nhất quán mà phía lập pháp yêu cầu.
Chẳng hạn, việc khăng khăng đòi tăng trần nợ công đã khiến nhiều người trong chính đảng của ông bất ngờ. Rồi các ảnh hưởng bên ngoài, chẳng hạn như từ Musk hoặc những nhân vật khác, có thể gây thêm bất ổn cho quá trình này.
Rồi những gì tuần này cho thấy (một lần nữa) là kiểu thỏa hiệp chính trị cần có để giúp thúc đẩy nhiều thành viên Cộng hòa quay lưng với đảng của mình.
Đảng của Trump sẽ phải đối mặt với thách thức là phải tự mình điều hành đất nước một cách hiệu quả – nhưng lại cũng có thể không muốn chịu cảnh điều hành đất nước có sự giúp đỡ của đảng Dân chủ.
Nếu đảng Cộng hòa không thể đạt được sự nhất trí gần như tuyệt đối tại Hạ viện, họ sẽ phải tìm cách giành được sự ủng hộ của đảng Dân chủ nếu muốn đạt được bất kỳ thành công nào về mặt lập pháp.
Nếu không có cân bằng chính trị trong Hạ viện, những ưu tiên lập pháp tham vọng hơn của Trump có thể gặp rủi ro, ngay cả trước khi ông nhậm chức.
Đảng Cộng hòa vẫn chưa thể tìm ra phương cách ngõ hầu tránh cho chính phủ phải đóng cửa kéo dài bằng việc thông qua một nghị quyết ngân sách tạm thời, và dù sức ép ban đầu từ Trump thì kết quả cũng là thất bại đáng xấu hổ khi không giành đủ sự ủng hộ trong chính đảng của ông.
Tuy nhiên, đối với Johnson, thiệt hại có thể đã xảy ra. Quyền lực của ông đối với Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bị suy yếu - đầu tiên là bởi Musk và sau đó là do Trump - chỉ vài tuần trước khi ông tái tranh cử với tư cách là chủ tịch Hạ viện.
Một đảng viên Cộng hòa, Thomas Massie của Kentucky, đã tuyên bố ông sẽ không ủng hộ Johnson tái cử. Những người khác, gồm cả các thành viên trong ban lãnh đạo của Johnson, vẫn chưa đưa ra cam kết. Marjorie Taylor Greene, nữ nghị sĩ nổi tiếng cứng rắn đại diện cho bang Georgia, từng không thành công trong nỗ lực bãi nhiệm Johnson hồi tháng Năm, đã đề xuất Musk làm chủ tịch.
Trong khi đó, Trump - người duy nhất có thể ném cho Johnson một chiếc phao cứu sinh - lại tỏ ra lưỡng lự, nói với Fox News rằng Johnson vẫn có thể "dễ dàng" giữ chức chủ tịch nếu ông "hành động quyết đoán và cứng rắn".
Tuy nhiên, quyết đoán có thể vẫn chưa đủ, khi mọi hướng đi dành cho vị chủ tịch Hạ viện này dường như đều dẫn đến ngõ cụt.
Anthony Zurcher
Nguồn : BBC, 20/12/2024