Hồng Ngát – Con dê tế thần
Thạch Đạt Lang, 17/10/2019
Cuốn phim Everest, Người Tuyết Bé Nhỏ – một phim hoạt họa được trình chiếu vào ngày 04/10/2019 tại Việt Nam đã gây nên một làn sóng căm phẫn trong dân chúng, chẳng những ở trong nước mà còn cả ở hải ngoại.
Phim Everest - Người Tuyết Bé Nhỏ có 4 cảnh xuất hiện bản đồ Đường Lưỡi Bò phi pháp do DreamWorks Animation Studio phát hành, ra mắt công chúng Việt Nam vào đúng lúc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đang công khai, trắng trợn thăm dò dầu khí sâu trong vùng lãnh hải của Việt Nam đã mấy tuần qua.
Ảnh hưởng của cuốn phim này vào tâm thức, suy nghĩ hời hợt của đám dư luận viên, công an, đảng viên, cán bộ cộng sản Việt Nam…, những kẻ sẵn sàng bán rẻ lương tâm, lòng tự trọng, tinh thần yêu nước cho ngoại bang như thế nào, không ai biết được vì khó tổng kết, đánh giá.
Sau khi chiếu được 10 ngày, bị người dân phản đối dữ dội vì đã "bỏ sót" không kiểm duyệt, xóa bỏ chi tiết nói trên, dù chỉ kéo dài vài giây nhưng gây tác động, ảnh hưởng vô cùng tiêu cực trong tình hình căng thẳng hiện nay ở bải Tư Chính giữa Việt Nam-Trung Quốc. Phim đã bị thu hồi và ngưng chiếu tại Việt Nam.
Đã có quá nhiều bài báo – trên mạng cũng như báo giấy - lên tiếng phê bình, chỉ trích bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, một thành viên trong hội đồng kiểm duyệt phim tơi bời khói lửa. Bà Hồng Ngát bị ném đá không thương tiếc chỉ vì dại dột lên tiếng than phiền rằng : "Chỉ có mấy giây thôi mà mọi người cứ làm quá lên".
Hầu hết các bài báo chỉ nhằm đánh vào cá nhân bà Hồng Ngát là chính. Ít có người đặt câu hỏi : Hội đồng kiểm duyệt phim gồm có bao nhiêu người, ai chịu trách nhiệm chính ?
Chế độ cộng sản Việt Nam kiểm soát truyền thông, báo chí vô cùng chặt chẽ. Một cuốn phim được ra mắt khán giả, chắc chắn phải qua nhiều tầng kiểm duyệt gắt gao, nghiêm ngặt. Không thể có chuyện để lọt một chi tiết động trời như việc Đường Lưỡi Bò xuất hiện trong phim đến 4 lần cho dù rất ngắn ngủi, tổng cộng chỉ có vài giây.
Nhà làm phim, đạo diễn chắc chắn đã phải phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau khi đưa cảnh có bản đồ Đường Lưỡi Bò vào trong phim. Đó là một sự kiện hoàn toàn có chủ trương, mục đích hẳn hòi, được chỉ thị từ khi mới có cốt truyện, cho dù phim chỉ là loại hoạt họa.
Hội đồng kiểm duyệt phim chắc chắn không thể sơ sót khi để một chi tiết cực kỳ quan trọng như thế hiện diện trong phim, khi tranh chấp về tính hợp pháp của Đường Lưỡi Bò dang điễn ra gay gắt. Đừng quên rằng 2 nhà chi tiền làm cuốn phim, một là của Trung Quốc (Pearl Studio, trụ sở chính nằm ở Thượng Hải), một trên danh nghĩa là của Mỹ (DreamWorks Animation Studio - nhưng thực chất cũng đã bán cho Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay ở biển Đông, tại kỳ họp thứ 74 của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dầu tháng 10 vừa qua, bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không dám nói thẳng đến tên kẻ thù là Trung Quốc, đang công khai xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà chỉ kêu gọi chung chung là giải quyết mọi bất ổn theo luật biển 1982 thì loại cóc nhái như Hồng Ngát làm sao có đủ thẩm quyền để loại bỏ những hình ảnh Đường Lưỡi Bò trong phim Everest – Người Tuyết Bé Nhỏ ?
Phải hiểu rằng, phim Người Tuyết Bé Nhỏ chỉ là một phép thử phản ứng của đảng cộng sản với người dân, đồng thời cũng là thủ đoạn tinh vi để minh họa một cách gian manh, cho rõ ràng hơn về tính hợp lý và hợp pháp của Đường Lưỡi Bò mà Đảng cộng sản Việt Nam và cộng sản Tầu đang cố gắng bằng mọi cách tuyên truyền, cài cắm vào đầu óc, suy nghĩ của những người ngoại quốc thờ ơ hay không hiểu gì về địa chính trị, lịch sử, thực tế ở Biển Đông.
Nguyễn Thị Hồng Ngát chỉ là thành viên trong hội đồng kiểm duyệt phim, chịu đứng ra làm con dê tế thần cho chế độ. Hồng Ngát không lên tiếng nói câu : "Chỉ vài giây thôi mà mọi người làm quá" thì cũng sẽ có một người khác nói thay.
Hội đồng kiểm duyệt phim chọn Hồng Ngát để tế thần sau khi đạt được mục đích làm vừa lòng chủ nhân ông Pearl Studio vì Ngát là phụ nữ, dễ có được sự cảm thông, tha thứ hơn nam phái, nhưng câu nói của Ngát lại quá vụng về nên lãnh hậu quả tai hại, Ngát bị công kích, ném đá không thương tiếc.
Tuy nhiên, chỉ trích, phê phán, lên án, kết tội Hồng Ngát mà quên đi những kẻ đứng sau lưng giật dây, những kẻ chủ trương nằm trong hội đồng kiểm duyệt phim ảnh, cao hơn nữa là cục trưởng Cục diện ảnh, trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng như toàn thể ủy viên bộ chính trị dảng cộng sản Việt Nam là một việc vô vùng thiếu sót, đập rắn ở đuôi.
Phim đã ngưng chiếu, áp phích, tranh ảnh quảng cáo đã được thu hồi tại Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục được phổ biến trên thế giới. Đừng hi vọng chế độ cộng sản Việt Nam sẽ có biện pháp gì để phản đối cuốn phim này – Chuyện nhỏ như con thỏ.
Thạch Đạt Lang
(16/10/2019)
****************
Để lọt phim có hình "đường lưỡi bò": Trách nhiệm thuộc về ai ?
Thu Hòa, VOV, 18/10/2019
Trong bối cảnh vấn đề Biển Đông rất nóng thì các cấp, các ngành, mọi lĩnh vực phải nêu cao trách nhiệm và đặc biệt cảnh giác.
"Everest : Người tuyết bé nhỏ" là phim hoạt hình hướng đến khán giả nhỏ do hãng DreamWorks của Mỹ hợp tác sản xuất với công ty Pearl của Trung Quốc. Phim kể về chuyến hành trình của 3 cô cậu nhỏ tuổi và loài sinh vật chỉ có trong huyền thoại. Nhân vật chính của phim là Yi (Chloe Bennet) - một cô bé sống tại Thượng Hải nung nấu mơ ước chu du khắp Trung Quốc.
Không lâu sau về việc để phim "Điệp vụ Biển Đỏ" có những hình ảnh nhạy cảm về chủ quyền biển, đảo ra rạp, mới đây phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" chứa hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" lại được công chiếu tại CGV.
Hình ảnh đường lưỡi bò trong phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ".
Từ cuối tháng 9, bộ phim hoạt hình "Everest" đã được quảng bá rầm rộ tại Việt Nam. Hình ảnh "đường lưỡi bò" trên tấm bản đồ Trung Quốc xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim. Tuy nhiên, phải đến khi công chiếu tại rạp, khán giả mới phát hiện chi tiết nhạy cảm đó và đến 13/10, CGV mới thu hồi bộ phim này.
Ngay sau đó, ngày 14/10, đơn vị phát hành phim Everest - Công ty CJ CGV Việt Nam đã ra thông cáo báo chí nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim, nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước.
Về phía Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, dù thừa nhận sai sót trong việc thẩm định và duyệt bộ phim này, nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - một thành viên của Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia lại hồn nhiên cho rằng : "Đây là phim thiếu nhi, hoạt hình, thần thoại, hình ảnh "đường lưỡi bò" chỉ xuất hiện có mấy giây nên khó phát hiện... Tất cả hội đồng ngồi xem theo dõi rất kỹ từ nhân vật, lời thoại… nhưng đây là bức vẽ nên không phát hiện ra. Hội đồng cũng nhận khuyết điểm. Bây giờ hãng phim lớn của Mỹ đều bán cho Trung Quốc nên hội đồng bảo nhau là phải xem xét cẩn thận hơn".
Năm 2018, dư luận không khỏi bức xúc khi bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" (tựa gốc Operation Red Sea)
Lời biện minh trên khó có thể chấp nhận. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên, hình ảnh "đường lưỡi bò" trên tấm bản đồ Trung Quốc xuất hiện trong phim được công chiếu tại Việt Nam. Năm 2018, dư luận không khỏi bức xúc khi bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" (tựa gốc Operation Red Sea), do Trung Quốc sản xuất, với đoạn cuối lồng ghép tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, nhưng vẫn được duyệt, rồi CJ CGV phát hành và công chiếu. Sau đó, Cục Điện ảnh lên tiếng khẳng định, cả hội đồng duyệt phim lẫn Cục đều làm đúng quy trình, tuy nhiên vẫn xin "rút kinh nghiệm". Và cuối cùng cũng không có ai chịu trách nhiệm về sự việc này.
Hai vụ việc nêu trên cho thấy, cơ quan duyệt phim đang "mất cảnh giác" trầm trọng. PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng: "Trách nhiệm thuộc về bên duyệt phim vì chúng ta không thể hy vọng một công ty Hàn Quốc lo lắng cho vấn đề của Việt Nam. Chúng ta có hẳn bộ phận thẩm định duyệt phim mà vẫn bỏ sót sự việc nghiêm trọng".
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đây là điều không thể chấp nhận. Việc quan trọng hàng đầu của Hội đồng duyệt là duyệt ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm. Hội đồng duyệt phải xem xét tính tư tưởng của phim ấy, nhất là phim nhập ngoại có xâm hại gì đến lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia hay không. Sở dĩ những sai sót như thế này lặp đi lặp lại vì các vụ việc trước đó đã được xử lý không nghiêm. Theo GS. Giang, đây là vấn đề chủ quyền quốc gia, nhưng rất tiếc cơ quan hữu trách đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Trong bối cảnh vấn đề Biển Đông rất nóng thì các cấp, các ngành, mọi lĩnh vực phải nêu cao trách nhiệm và đặc biệt cảnh giác vì âm mưu tuyên truyền của nước ngoài ngày càng tinh vi hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một vụ việc nghiêm trọng. Bởi, Trung Quốc chưa bao giờ thôi ý định tuyên truyền ra khắp thế giới về cái gọi là chủ quyền của họ theo "đường lưỡi bò" do họ tự vẽ ra chiếm gần trọn Biển Đông. Hiện chưa tính đến chuyện trách nhiệm thuộc về ai, nhưng chúng ta không thể cứ chạy đuổi theo vụ việc. Mỗi người với chức năng và nhiệm vụ của mình cần tỉnh táo để nhận diện và đấu tranh với những ý đồ và chủ đích tuyên truyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thu Hòa
Nguồn : VOV, 18/10/2019
*****************
"Lưỡi bò" trong phim Abominable : Trung Quốc bị gậy ông đập lưng ông
Trọng Nghĩa, RFI, 17/10/2019
Kể từ hôm 14/10/2019, rất nhiều phương tiện thông tin quốc tế đã đồng loạt đưa tin : Việt Nam đã cấm chiếu bộ phim hoạt hình Abominable (Everest: Người Tuyết bé nhỏ) của hãng phim Mỹ Dreamworks vì một cảnh trong phim cho thấy tấm bản đồ có "đường chín đoạn" – gọi nôm na là "đường lưỡi bò" - mà Trung Quốc vẽ ra để đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Poster quảng cáo cho phim Abominable (Everest: Người Tuyết bé nhỏ) của hãng DreamWorks bị gỡ xuống ở một rạp chiếu phim tại Hà Nội (Việt Nam) ngày 14/10/2019. Reuters/Thinh Nguyen
Báo chí đã không quên nhắc lại một diễn biến tương tự mới đây khi kênh thể thao Mỹ ESPN cũng đưa lên truyền hình tấm bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò trong một chương trình nói về bóng rổ Mỹ tại Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là các hãng truyền thông Mỹ đã vô tình hay cố ý quảng bá cho yêu sách chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông vốn đã bị Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye phán quyết là không có cơ sở pháp lý – tức là phi pháp – vào năm 2016.
Về câu hỏi này, báo mạng Quartz, có trụ sở tại New York (Mỹ) và Luân Đôn (Anh) ngày 15/10/2019 đã cho rằng trong trường hợp của đài truyền hình ESPN, đó có thể là một "sai lầm ngớ ngẩn", nhưng trong trường hợp của Dreamworks, thì việc đưa bản đồ "lưỡi bò" ở Biển Đông lên màn bạc là một hành động cố ý.
ESPN đã "sử dụng nhầm" tấm bản đồ lưỡi bò ?
Quartz đã giải thích cho suy đoán của mình bằng phản ứng của ESPN khi được hỏi về vụ tấm bản đồ. Theo phóng viên tờ báo, phát ngôn viên của kênh thể thao Mỹ dù không bình luận, nhưng đã gợi lên một bản tin ngắn ngày 10/10 trên tờ báo Mỹ Sports Business Daily Issues, cho rằng ESPN đã "sử dụng nhầm – mistakenly used" tấm bản đồ.
Theo Sports Business Daily Issues, trước các phản ứng bất bình về việc trương lên tấm bản đồ "lưỡi bò", kênh ESPN đã không bình luận về việc sử dụng đồ họa gây tranh cãi, nhưng vào trước đó, trong chương trình SportsCenter của Scott Van Pelt cũng trên kênh ESPN, một tấm bản đồ Trung Quốc hoàn toàn khác đã được sử dụng, không bao gồm các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Theo tờ Sports Business Daily Issues, tân chủ tịch của ESPN kể từ năm ngoái Jimmy Pitaro, đã nhấn mạnh rằng khi phát sóng, các phóng viên hay người dẫn chương trình của đài phải tránh thảo luận về chính trị trừ phi có liên quan trực tiếp đến thể thao.
Việc sử dụng hai tấm bản đồ với những phản ứng tất yếu đi kèm theo, theo Sports Business Daily Issues, đã minh họa cho việc tại sao ông Pitaro và các nhà điều hành ESPN khác lại muốn đứng ngoài chính trị mà chỉ tập trung trên thể thao.
Đối tác Trung Quốc của DreamWorks cố ý đưa "lưỡi bò" vào phim
Còn về trường hợp tấm bản đồ có đường lưỡi bò trong phim Abominable, Quartz cho rằng đó là một hành động cố ý, đến từ đối tác Trung Quốc của Dreamworks trong bộ phim.
Đối với Quartz, khó có thể nghĩ rằng việc đưa tấm bản đồ lưỡi bò vào trong phim Abominable là một nhầm lẫn của nhà sản xuất. Là phim hoạt hình đầu tiên của Hollywood mà các nhân vật thuộc một gia đình Trung Quốc ngày nay, bộ phim là một công trình hợp tác giữa hãng phim Mỹ DreamWorks và công ty sản xuất Trung Quốc Pearl Studio, trụ sở tại Thượng Hải, thuộc sở hữu của China Media Capital, một nhà đầu tư có ảnh hưởng của Trung Quốc vốn nuôi tham vọng xây dựng một đế chế truyền thông toàn cầu.
Và bộ phim được thiết kế tỉ mỉ cho hợp với khán giả Trung Quốc : ngay cả phần hội thoại cũng đã được dịch sang tiếng Hoa sao cho cách máy môi sẽ đồng bộ với kịch bản gốc tiếng Anh ban đầu, trong lúc các chi tiết hình ảnh được đưa vào sao cho đúng nhất với thực tế tại Trung Quốc.
Căn cứ vào mức độ chú ý đến từng chi tiết đó, có rất nhiều khả năng là quyết định đưa tấm bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò vào phim rõ ràng đã được tính toán cẩn thận.
Lợi dụng quan hệ kinh doanh để quảng cáo ý đồ chính trị
Theo báo Quartz, Trung Quốc hiện đang tung toàn bộ sức lực vào việc truyền bá thông điệp dân tộc chủ nghĩa của họ ra ngoài biên giới bằng biện pháp tuyên truyền và trong trường hợp này, thông qua quan hệ đối tác kinh doanh.
Theo giáo sư Cổ Cử Luân (Julian Ku) thuộc trường luật Đại Học Hofstra ở New York : "Vì không biết, hoặc không quan tâm nhiều đến các tranh chấp chủ quyền liên quan đến đường 9 đoạn (ở Biển Đông), các cá nhân và doanh nghiệp ngoại quốc đã tự động chấp nhận những quan điểm tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa (của Trung Quốc) mà không biết nhiều về các quan điểm này".
Giáo sư Cổ Cử Luân cho rằng hai ví dụ mới nhất về việc sử dụng tấm bản đồ "lưỡi bò" rất có thể là đã xuất phát từ việc các doanh nghiệp phương Tây vừa không biết gì, vừa thờ ơ trước những vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Dẫu sao thì theo báo Quartz, thì nhờ sự đồng lõa bất ngờ và có lẽ là không mong muốn của các doanh nghiệp Mỹ, tấm bản đồ mà Trung Quốc dùng để đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông đã đi vào dòng chính của truyền thông.
Gậy ông lại đập lưng ông : "Lưỡi bò" gắn liền với phi pháp
Khi cố tình mượn phim Abominable để phô trương tấm bản đồ "lưỡi bò", Bắc Kinh muốn quảng bá cho chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông. Những phản ứng đầu tiên cho thấy là Trung Quốc đã bị lâm vào tình thế "gậy ông lại đập lưng ông" vì hầu như tất cả các phương tiện truyền thông đều nêu bật tính chất phi pháp của đường lưỡi bò khi nhắc lại phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye.
Báo mạng Quartz chẳng hạn, đã không ngần ngại xác định rằng tấm bản đồ Trung Quốc đã bị "bác bỏ trên bình diện quốc tế - rejected internationally", và giải thích thêm rằng : "Đường (gián đoạn) đó xuất hiện lần đầu tiên trên một tấm bản đồ chính thức của nước Trung Hoa thời những năm 1940, sau đó được chế độ cộng sản Trung Quốc chấp nhận. Vào năm 2016, một tòa án quốc tế phán quyết rằng đường (gián đoạn) đó về căn bản là bất hợp pháp".
Đài CNN cũng không nói gì khác hơn khi nhắc lại : "Vào năm 2016, một tòa án quốc tế đã bác bỏ yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết rằng đường 9 đoạn không có giá trị về mặt pháp lý".
Ngay cả những tờ báo chuyên về phim ảnh như Variety, The Hollywood Reporter, Movie Web cũng nói đến tính chất phi pháp của đường lưỡi bò, hay nhẹ hơn thì gọi đó là một hành động đơn phương của Trung Quốc, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng.
Âm mưu áp đặt đường lưỡi bò
Đài Truyền hình Mỹ CNN ngày 15/10, khi đưa tin về vụ phim Abominable của hãng Dreamworks bị cấm chiếu tại Việt Nam đã không quên nhắc lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm buộc các nước khác phải chấp nhận "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo ghi nhận của CNN, yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đã trở thành một vấn đề tế nhị đối với các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ hoạt động trong khu vực : Nếu không gộp đường chín đoạn vào bản đồ Trung Quốc thì phải đối mặt với sự chỉ trích từ Bắc Kinh, nhưng nều chiều ý Trung Quốc thì vấp phải cơn thịnh nộ từ các láng giềng của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, du khách Trung Quốc chẳng hạn, đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trước vấn đề yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Vào năm ngoái 2018, thông tin báo chí cho biết là một nhóm 14 người đã bị buộc phải cởi bỏ các áo phông bên trên có in tấm bản đồ Trung Quốc với đường 9 đoạn.
Bắc Kinh đã cho in tấm bản đồ gây tranh cãi này trên hộ chiếu Trung Quốc từ năm 2012. Vào năm 2016, một phụ nữ Trung Quốc đã cáo buộc rằng hộ chiếu của bà bị một công an biên phòng Việt Nam viết một chữ thô tục trên hai trang có in tấm bản đồ hình lưỡi bò. Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc, thì lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh đã cực lực phản đối sự cố này.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 17/10/2019