Trại giam nói Bùi Văn Thuận đồng ý không cần luật sư, gia đình không tin
Tuấn Khanh, RFA, 27/10/2021
Những tin tức liên tiếp nhận được từ gia đình của anh Bùi Văn Thuận cho thấy, tình hình tạm giam và bị cô lập với bên ngoài của anh Thuận đang có biểu hiện hết sức khắc nghiệt. Chị Trịnh Thị Nhung, vợ của anh Thuận đã làm đơn xin thăm nuôi, gửi thuốc và yêu cầu phải được nói chuyện với anh Thuận, để biết anh đang ở trong tình trạng như thế nào, nhưng không được phía công an hồi đáp.
Ảnh minh họa facebooker Bùi Văn Thuận
Vào ngày 8 Tháng Mười, gia đình chị Nhung nhận được thông báo của Công an tỉnh Thanh Hóa, nói đã chuyển anh Bùi Văn Thuận vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa do có triệu chứng là "Gút – viêm gan nhiễm độc – viêm mô bào bàn chân hai bên". Thư thông báo ký tên bởi đại tá Lê Bá Chinh, giám thị trại tạm giam, nói anh Thuận đã được đưa về trại và chữa trị theo đơn thuốc của bệnh viện.
Tuy nhiên, điều gia đình của anh Thuận lo ngại là nội dung ngắn ngủi nói trên, không mô tả hết được tình hình, đồng thời không rõ chuyển biến của tình trạng bệnh ra sao. Chị Nhung, vợ của anh Thuận, nhận định rằng trước khi bị bắt thì tình hình sức khỏe của anh Thuận hoàn toàn ổn định. Thông báo nào làm cho chị thật sự hoang mang.
Dựa trên các chi tiết của thư từ trại giam, bạn bè của anh Thuận cũng nhờ các bác sĩ dự đoán thêm, nhưng hầu như bế tắc, vì thông tin cung cấp cũng không có gì rõ ràng.
Thư xin thăm nuôi, gửi thuốc và yêu cầu được tìm hiểu thêm về bệnh trạng của anh Thuận cũng không được phía công an hồi đáp. Viện vào lý do trong thời gian điều tra vụ án, công an cộng sản Việt Nam có quyền ngăn mọi cuộc tiếp xúc với luật sư và người thân, kể cả thăm nuôi.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị bắt và chịu án tù tại Việt Nam, nhận định rằng "Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, đối với các vụ án an ninh quốc gia thì luật sư chỉ có thể tiếp cận với hồ sơ vụ án và gặp thân chủ từ khi kết thúc điều tra thôi. Điều đó trái với Hiến pháp. Bởi vì trong Hiến pháp thì không phân biệt đối xử giữa an ninh quốc gia hay là thường phạm. Hiến pháp nói rằng khi một người bị bắt bị tạm giam thì có quyền gặp luật sư của mình, luật sư cũng có quyền bào chữa cho thân chủ. Thế nhưng mà trong Bộ Luật Tố tụng hình sự thì họ lại nêu điều đó là trái với Hiến pháp của Việt Nam".
"Thời gian tạm giam để điều tra không được gặp luật sư chính là lúc mà những điều tra viên và quản giáo áp chế tinh thần của những người bị tạm giam, buộc phải nhận tội hoặc phải khai theo ý muốn của điều tra viên", ông Nguyễn Văn Đài nói thêm.
Mới đây, gia đình của anh Thuận đã bàn bạc, và mời 2 luật sư bào chữa cho anh Bùi Văn Thuận. Một người từ Sài Gòn, là luật sư Đặng Đình Mạnh. Một người khác là ở Hà Nội, nhưng chưa tiện nêu tên.
Tuy nhiên, khi Luật sư Đặng Đình Mạnh làm đơn thông báo mình đã được gia đình mời bào chữa, thì ông nhận được rất nhanh thư trả lời của trại giam, nói anh Bùi Văn Thuận đã từ chối, quyết không cần luật sư. Đây cũng là một trong những tin tức thật bất ngờ, vì công an nói rằng anh Bùi Văn Thuận đã làm đơn xin không mời luật sư. Nhưng gia đình lại không nhận được bất sự xác nhận nào của anh Thuận, kể cả chữ ký dưới thư thông báo của công an trại giam.
Thậm chí điều tra viên, trung tá Đậu Việt Dũng, người phụ trách vụ án của anh Bùi Văn Thuận cũng chưa hề thông báo chuyện này với gia đình.
Hồi đầu Tháng Mười, đài truyền hình An ninh TV đã cử người đến tìm cách quay hình và phỏng vấn gia đình của chị Trịnh Thị Nhung để dùng làm tư liệu tuyên truyền và bôi nhọ về hoạt động xã hội, suy nghĩ chính trị của anh Thuận. Đáng nói là nhân cơ hội đó, một người của nhóm quay phim đã bất ngờ gợi chuyện và khuyên chị Nhung đừng mời luật sư cho anh Thuận, vì cảnh báo rằng rất tốn kém và gây khó khăn của gia đình.
Được biết anh Bùi Văn Thuận bị bắt, vào lúc các bài viết của anh phân tích về tính vô hiệu của vắc xin Trung Quốc đang được nhiều người theo dõi và chia sẻ. Công an đã nhiều lần triệu tập anh Thuận để khuyên anh ngừng viết về chủ đề này.
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết anh Bùi Văn Thuận, 40 tuổi, trú tại phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, bị khởi tố về tội "tàng trữ tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" – Là một trong những điều luật của Cộng sản Việt Nam bị thế giới lên án về tính mơ hồ cũng như chỉ để đàn áp con người mà thôi.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 27/10/2021 (tuankhanh's blog)
*********************
Facebooker Bùi Văn Thuận "từ chối luật sư", gia đình bị ANTV quay phim trái phép
RFA, 28/10/021
Hôm 28 tháng 10, gia đình của ông Bùi Văn Thuận đăng tải thông tin cho hay, ông làm đơn xin từ chối luật sư bào chữa, chỉ hai tháng sau ngày bị bắt tạm giam và sau khi gia đình bày tỏ lo lắng về những dấu hiệu ông bị tra tấn trong trại giam.
Ông Bùi Văn Thuận thời điểm bị An ninh tỉnh Thanh Hóa bắt tạm giam - TTXVN
Bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận cho biết gia đình chỉ hay tin sau khi được phía luật sư thông báo rằng Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa gửi văn bản báo tin ông Thuận từ chối luật sư trong vụ án của mình.
Trước đó, sau khi ông Bùi Văn Thuận bị bắt thì gia đình đã liên hệ với văn phòng luật sư Đặng Đình Mạnh để làm thủ tục biện hộ cho ông.
Tuy nhiên, trong giấy báo được ký ngày 12 tháng 10, cơ quan công an chỉ báo tin này cho văn phòng luật sư chứ không cho gia đình biết.
Trả lời phỏng vấn của RFA, bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận cho RFA biết thêm tình hình :
"Hiện thì tôi cũng chưa có cái gì để xác minh là anh ấy có thư tay hay chữ ký gì cả, đây mới chỉ là một cái thư từ Cơ quan An ninh Điều tra gửi cho văn phòng luật sư thôi.
Tôi định sẽ làm đơn để gặp anh ấy để hỏi xem lý do tại sao anh ấy lại từ chối luật sư, hoặc tôi sẽ gửi đơn để xem cái đơn mà anh ấy làm. Cái đơn từ chối luật sư có chữ ký của anh ấy".
Việc các bị cáo trong các vụ án chính trị từ chối quyền có luật sư bào chữa không phải là hiếm, một số cựu tù chính trị cho biết họ từng bị dụ từ chối luật sư để đổi lấy mức án nhẹ hơn.
Hôm 15 tháng 10, gia đình bất ngờ nhận được giấy thông báo từ Trại Tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá, nơi ông Bùi Văn Thuận đang bị giam giữ, về việc ông Thuận phải nhập viện để điều trị vì các vấn đề sức khoẻ. Gia đình nghi ngờ ông đã bị tra tấn trong quá trình điều tra.
Hiện gia đình vẫn chưa liên hệ được với ông Bùi Văn Thuận do ông đang trong quá trình tạm giam điều tra nên việc thăm gặp vẫn chưa được phép.
Thông báo của cơ quan an ninh tỉnh Thanh Hóa về việc ông Thuận từ chối luật sư. Ảnh : FB Trịnh Nhung
Trong cuộc phỏng vấn với RFA, và Trịnh Thị Nhung cũng cung cấp thêm thông tin về việc bị quay phim ngoài ý muốn bởi kênh truyền hình An ninh TV, thuộc sở hữu bởi Bộ Công an.
Bà Nhung cho biết chi tiết của vụ việc :
"Mới đầu thì vì có hàng xóm, họ hàng ở đó nên họ không nói là họ đi quay gia đình hay gì cả. Họ giả dạng là người đang đi làm công việc khác, họ vào họ mua bánh của mẹ tôi, khi họ ăn thì họ đặt cái máy quay ở dưới chân, sau rồi có một chị phóng viên nói là chị có vấn đề nên chị xin đi nhờ vệ sinh, thì tôi cho chị ấy đi nhờ.
Nhưng khi tôi đứng ở cửa theo dõi thì tôi thấy anh quay phim này anh ấy chĩa máy quay vào người tôi, thì tôi mới tiến lại gần để kiểm tra xem anh ấy đang làm gì, thì lúc đó tôi mới phát hiện là anh ta đang quay phim rồi tôi yêu cầu anh ta không được phép ghi hình gia đình nữa.
Sau khi hàng xóm và họ hàng đi về hết thì họ mới nói là họ muốn phỏng vấn tôi. Tôi từ chối và mời họ đi. Khi họ ra về thì tôi đứng trước cổng, thì họ đứng ở ngoài đường và vẫn tiếp tục chia máy quay về phía tôi, mặc dù tôi đã giơ tay phản đối rất nhiều. Tất cả những hình ảnh mà họ đưa lên trên phóng sự thì đều không được sự cho phép của gia đình, và đều trái phép hết".
Ảnh chụp màn hình video của đài ANTV quay lén gia đình ông Bùi Văn Thuận
Đoạn phóng sự trên được kênh An ninh TV phát sóng ngày 21 tháng 10, với nội dung quy chụp cho ông Bùi Văn Thuận là "núp bóng phản biện xã hội để chống phá nhà nước".
Ông Bùi Văn Thuận bị bắt vào ngày 30 tháng 8. Trước khi bị bắt thì ông được biết đến với loạt các bài viết trên Facebook, tiết lộ nội tình của chính quyền địa phương các tỉnh ở Việt Nam, được ông đặt dưới tên "sới chọi chó".
Ông Bùi Văn Thuận bị cáo buộc dưới tội danh "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’, theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.