Khôi nguyên Giải Nobel Xanh : Hãy hỏi Formosa khi nào tôi ngừng tuyệt thực, tôi ở đây vì ngư dân Việt Nam
Bắt đầu từ hôm 31/10/2023, bà Diane Wilson, Khôi nguyên Giải Môi trường Goldman năm 2023, đã bắt đầu lãnh đạo cuộc tuyệt thực ngay phía trước nhà máy của Tập đoàn Formosa ở Texas, Hoa Kỳ, để yêu cầu tập đoàn toàn cầu này bồi thường trực tiếp cho ngư dân Việt Nam trong thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra vào năm 2016 ở Việt Nam.
Bà Diane Wilson (thứ 2 từ trái sang), bà Nancy Bùi (đại diện Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa, bên trái) và một số người dân Texas trước khi cuộc tuyệt thực bắt đầu hôm 31/10/2023. Bà Nancy Bùi
Giải Môi trường Goldman là giải thưởng toàn cầu danh giá nhất cho các nhà hoạt động môi trường. Giải thưởng này thường được ví là Giải Nobel Xanh. Bà Diane Wilson trở thành Khôi nguyên của Giải thưởng này năm 2023, do bà đã lãnh đạo một cuộc đấu tranh pháp lý yêu cầu Formosa Texas đền bù cho ngư dân và người dân trong vùng vì những hậu quả môi trường do nhà máy của Formosa ở Texas xả thải ra vịnh Texas và môi trường xung quanh. Hiện nay, bà tiếp tục đấu tranh với Formosa bằng cách tuyệt thực trước nhà máy để yêu cầu tập đoàn toàn cầu này làm điều tương tự với ngư dân Việt Nam.
RFA phỏng vấn bà Diane Goldman khi cuộc tuyệt thực bắt đầu.
-----------------
RFA : Xin bà cho biết mục đích của cuộc đấu tranh tuyệt thực này ?
Diane Wilson : Mục đích của việc tiến hành cuộc tuyệt thực này là để buộc Formosa phải làm điều đúng đắn và bồi thường cho ngư dân Việt Nam đã bị hủy hoại cuộc sống vì Formosa. Formosa đã hủy hoại cuộc sống của họ. Chúng tôi muốn Formosa bồi thường cho họ.
Chúng tôi muốn Formosa không chỉ dọn dẹp những thứ ô nhiễm môi trường mà họ gây ra. Hơn thế nữa, chúng tôi muốn Formosa phải giải quyết những tác hại về sức khỏe do những ô nhiễm đó gây ra. Chúng tôi muốn họ thực hiện một cuộc khảo sát, điều tra về thảm họa, minh bạch về thông tin, muốn họ thể hiện tinh thần trách nhiệm bằng cách vận động trả tự do cho tất cả những người đã phải vào tù vì đấu tranh với họ hoặc vì cố gắng lấy thông tin về những gì đã xảy ra vào năm 2016 với cơ sở Formosa ở Việt Nam.
Mục tiêu của chúng tôi là làm cho tất cả những nơi khác nhau mà Formosa đã kinh doanh có thể đến với nhau. Bằng cách đến với nhau, chúng ta có thể mạnh mẽ hơn, hơn là khi mọi người bị chia cắt ở những nơi riêng biệt.
Chúng tôi biết ngư dân Việt Nam đã đấu tranh cho công lý từ năm 2016 nhưng Formosa đã làm ngơ họ. Chúng tôi ngay lúc này đây hiện đang ở trong xe bán tải của tôi. Có nhiều xe hơn đang đi vào và chúng tôi hiện đang ở cạnh con mương ngay trước Formosa Plastics.
Con đường ngay trước mặt tôi đang đứng bây giờ là nơi ban lãnh đạo Formosa, Texas và Tập đoàn Formosa Plastics từ Đài Loan đi qua. Vì vậy họ sẽ nhìn thấy chúng tôi. Tôi tin đó là điều bạn phải làm. Bạn phải đến gần và nhìn thẳng vào mặt họ nhất có thể. Tôi tin điều này. Tất cả chúng tôi từ những nơi khác nhau đang đến với nhau. Điều này sẽ tạo nên sự khác biệt, sự thay đổi.
Chúng tôi tin tưởng chắc chắn vào điều đó. Mọi người hỏi chúng tôi sẽ ở đây bao lâu. Tôi nói rằng hãy hỏi họ chúng ta sẽ ở đây bao lâu. Bạn biết đấy, chúng ta sẽ ở đây. Tôi biết rõ như vậy.
RFA : Thông điệp mà bà muốn gửi tới Formosa là gì ?
Diane Wilson : Chúng tôi đang nói với tập đoàn Formosa Plastics rằng hãy làm điều đúng đắn. Họ phải bồi thường cho ngư dân Việt Nam, những người bị họ hủy hoại cuộc sống. Họ phải làm sạch ô nhiễm biển. Họ phải điều tra những thiệt hại về sinh kế, xã hội, môi trường mà họ đã gây ra. Họ phải làm rõ điều này với những người sống ở đó để họ có thể hiểu được.
Họ phải vận động để trả tự do cho những người bị bỏ tù vì đã lên tiếng về thảm họa xảy ra năm 2016 để phản đối họ.
Chúng tôi tin rằng điều đó cần phải được điều tra trước tiên. Đây là điều người ta phải làm, dù cho ở bất kì đâu trên địa cầu này. Chúng tôi yêu cầu Formosa hợp tác để tiến hành một cuộc điều tra như vậy.
RFA : Bà dự định sẽ tuyệt thực trong bao lâu ?
Diane Wilson : Bạn nên gửi câu hỏi này cho Formosa. Hãy hỏi họ chúng tôi sẽ ở ngoài nhà máy này của họ bao lâu. Nếu họ làm đúng thì bạn biết đấy, đừng lo lắng. Một khi họ còn chưa chọn điều đúng để làm, chúng tôi sẽ ở đây. Họ biết chúng tôi khá quyết tâm. Tôi đã đấu tranh ở thị trấn nhỏ bé này của Texas trong 35 năm. Chúng tôi rất cứng đầu. Chúng tôi sẽ ở đây.
RFA : Ồ, vậy ý bà muốn nói là bà không ấn định trước thời gian tuyệt thực mà sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi Formosa phản hồi bà ?
Diane Wilson : Đúng vậy. Đúng vậy.
RFA : Cảm ơn bà. Cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam năm 2016 và Texas ở Mỹ có điểm gì giống và khác nhau ? Bà đã chiến đấu thành công ở Texas như thế nào và bà muốn đạt được kết quả gì trong trường hợp Việt Nam ?
Diane Wilson : Chà, vấn đề là tôi có vụ kiện gần đây. Tôi đã khởi kiện Formosa Plastics, Texas và cả Formosa Plastics, Hoa Kỳ. Và đó là vì tất cả sự ô nhiễm chất thải nhựa của họ, những viên nhựa và bột nhựa mà họ đã thải ra khắp các vịnh và lạch nước nhỏ ở Texas.
Đối với việc xả thải ở Texas, họ chưa bao giờ tuân theo giấy phép họ có theo yêu cầu hợp pháp của tiểu bang và chính phủ liên bang. Họ hoàn toàn phớt lờ nó.
Vì vậy, tôi, với tư cách là một ngư dân đã nghỉ hưu, chúng tôi đã dành hai năm rưỡi để thu thập bằng chứng, đi bộ xuống nước và lấy mẫu vật để xét nghiệm. Bạn tin hay không thì tùy, nhưng các công nhân của nhà máy đã giúp đỡ tôi. Và chúng tôi đã thu thập được 2500 mẫu ô nhiễm nhựa. Chúng tôi kiện họ và khoản tiền bồi thường chúng tôi nhận được là 50 triệu đô la. Tất cả số tiền bồi thường đều thuộc về cộng đồng.
Formosa kinh doanh ngay tại mảnh đất Texas này đây. Số tiền 50 triệu đô la bồi thường đó đã được sử dụng cho tất cả các dự án này. Riêng với ngư dân, chúng tôi đã trao 20 triệu USD cho họ để xây dựng các hợp tác xã đánh cá bền vững. Và vấn đề là Formosa sẽ còn làm nhiều việc.
Chúng tôi đã phải nộp đơn kiện, nhưng vấn đề là Formosa phải chịu áp lực để làm điều đúng đắn. Thật không may, Formosa dường như không tự mình làm điều đúng đắn. Họ dường như không có quan điểm về môi trường, dù cộng đồng xung quanh rất có giá trị và họ cần phải làm điều đúng đắn. Vì vậy, tôi nghĩ việc thúc đẩy họ làm điều đúng là tùy thuộc vào mọi người.
Và điểm khác biệt là Formosa có thể làm điều tương tự ở nước khác, như họ đã làm ở đây với chúng tôi. Họ có thể trả tiền bồi thường. Họ có thể trả lại cho cộng đồng hoặc nhiều tiền hơn để đền bù xứng đáng cho những người mà cuộc sống bị huỷ hoại vì họ xả thải sai trái. Họ sẽ phải thực thi điều đúng. Chúng ta, chính quyền và người dân, có thể giám sát họ. Họ đã dọn sạch những ô nhiễm mà họ gây ra ở Texas. Họ có thể làm điều tương tự ở đây đối với những nơi khác, vì họ là Formosa, Đài Loan. Đó là Tập đoàn Formosa Plastics.
Họ là những người vận hành mọi thứ và họ có thể làm được điều đó ở Việt Nam. Ở Việt Nam, đáng tiếc là họ đã phớt lờ ngư dân ở đó. Đáng tiếc là người dân ở đó không thể làm cho Formosa lắng nghe. Vì vậy tất cả chúng tôi đã cùng nhau đến đây, ở Texas, và chúng tôi đang hỗ trợ lẫn nhau. Tôi tin rằng chúng ta có thể thúc đẩy sự tiến bộ nếu làm điều đúng đắn.
RFA : Ở Texas, Mỹ, bà có thể điều tra độc lập về tình trạng ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, nhưng ở Việt Nam hiện nay, bà không thể làm được điều đó. Vậy làm sao bà có được bằng chứng để nói chuyện với Formosa ?
Diane Wilson : Vấn đề là đã có những người nỗ lực khởi kiện Formosa ở Việt Nam và Đài Loan. Hiện tại cũng đã có một chút chuyển động nào đó. Họ cũng có thể sẽ kiện Formosa ở Mỹ.
Tôi biết rằng khi đưa họ ra tòa, chúng ta có thể khám phá và lấy thông tin cũng như yêu cầu họ cung cấp thông tin mà họ có. Tôi tin rằng một số nhà khoa học đã trao cho Chính phủ Việt Nam nhiều bằng chứng. Họ đã cung cấp thông tin cho chính phủ. Chúng tôi đã nói chuyện với những nhà khoa học đó. Họ nói rằng họ thực sự không được cung cấp nhiều thông tin.
Nhưng khi bạn ra tòa, khi bạn kiện tụng, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều. Toà án là nơi họ phải lật lại thông tin họ có. Nó có lẽ tương tự như những gì đã xảy ra ở Bhopal, Ấn Độ với Union Carbide. Và vì vậy mục đích của chúng tôi ở đây là buộc Formosa phải làm điều đúng đắn. Nếu họ làm đúng thì có lẽ bạn sẽ không cần phải kiện tụng. Nhưng hiện tại, điều quan trọng nhất là họ đã không làm điều đúng đắn và họ hoàn toàn phớt lờ nó. Họ chỉ đang bỏ nó mà đi.
Một công ty thành công là một công ty phải có trách nhiệm. Điều chúng tôi đang cố gắng làm ở đây là cố gắng buộc Tập đoàn Formosa Plastic phải chịu trách nhiệm. Họ rất mạnh. Họ có vòi xúc tu ở khắp mọi nơi. Nhưng tôi tin rằng người dân cũng có sức mạnh. Tôi tin rằng chúng ta có thể làm được bằng cách đối diện trước mặt họ. Chúng ta có thể khiến họ làm điều đúng đắn. Tôi thực sự tin điều đó.
Bà Diane Wilson bắt đầu cuộc tuyệt thực trước nhà máy Formosa Texas. (Ảnh : Bà Nancy Bùi.)
RFA : Formosa đã trả cho Chính phủ Việt Nam cách đây vài năm khoảng nửa tỷ đô la vì thảm họa môi trường ở Vũng Áng. Bây giờ làm sao bà có thể bắt họ tiếp tục trả tiền ?
Diane Wilson : Formosa đã trả tiền, nhưng trả cho Chính phủ Việt Nam. Đúng không ? Họ không đưa số tiền đó cho người dân. Chúng tôi tuyệt thực ở đây là vì ngư dân Việt Nam. Cộng đồng ở đó cần được nhận tiền tiền đền bù. Chúng tôi không ngồi tuyệt thực ở đây để ủng hộ việc Chính phủ Việt Nam nhận được 50 hay 100 triệu USD. Chúng tôi ngồi đây để yêu cầu họ bồi thường cho ngư dân Việt Nam.
Tại sao chúng tôi muốn bồi thường cho ngư dân Việt Nam ?
Vụ việc ở Việt Nam cũng giống như vụ kiện của chúng tôi ở Texas. Những người bị ảnh hưởng ở đây đã nhận được đền bù từ Formosa. Ở Texas, Formosa không trả tiền vào tay Chính phủ Hoa Kỳ. Số tiền 50 triệu đô la đền bù của Formosa được chuyển vào quỹ tín thác của chúng tôi, nơi xử lý số tiền và phân bổ số tiền đó cho tất cả các dự án môi trường khác nhau này. Số tiền đó là để thành lập một hợp tác xã cho ngư dân để họ có chỗ đứng, để họ có thể nỗ lực vực dậy công ty của chính mình. Ý tôi là, số tiền đền bù đó phục vụ cho sinh kế của ngư dân bị ảnh hưởng và chúng rất hiệu quả.Đó chính là điều tôi muốn nói. Vì Formosa đã quay vòng và trả số tiền đó cho Chính phủ Việt Nam. Họ vẫn có nhà máy ở đó. Họ vẫn muốn làm việc ở đó. Họ đã đưa nó cho chính phủ. Họ không đưa nó cho người dân và người dân cũng không nhận được nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi tuyệt thực ở đây, vì ngư dân Việt Nam và cộng đồng nói chung, để Formosa hiểu được điều đó.
RFA : Cảm ơn tinh thần tranh đấu của bà, không chỉ cho người dân Mỹ mà còn cho người dân Việt Nam, cũng như cho mọi người trên khắp thế giới. Hy vọng bà có thể sớm nhận phản hồi từ Formosa và ngưng cuộc tuyệt thực này.
Diane Wilson : Cảm ơn bạn. Chúng tôi thực sự quyết tâm. Tạm biệt.
RFA : RFA xin cảm ơn bà Diane Wilson đã giành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Lý do gây vệt nước đỏ Vũng Áng là gì ? (BBC, 20/02/2017)
Việc nói dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng "là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải", như giải thích của UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là "không thuyết phục", một chuyên gia độc học môi trường Việt Nam bình luận với BBC.
Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết ô nhiễm hữu cơ "không bao giờ là màu đỏ" mà thường có màu đen hay màu xanh đen. "Màu đỏ là màu của oxit sắt 3".
Hai hiện tượng dải nước đỏ
Một vệt nước đỏ dài khoảng 100 m đã xuất hiện tại bờ kè chắn sóng cảng Vũng Áng vào 19/1, truyền thông trong nước đưa tin.
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về hiện tượng một dải nước màu đỏ đục xuất hiện vào sáng 18/2 tại khu vực cảng Sơn Dương thuộc công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Sau đó, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đã đến kiểm tra và lấy mẫu nước đi phân tích.
Đồng thời, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip quay dòng nước màu đỏ chảy ra từ một miệng cống xuống biển.
Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh được trang tin VietnamNet dẫn lời, nói hôm 19/2 về kết quả phân tích nước biển có váng đỏ xảy ra hồi tháng Một ở Vũng Áng : "Theo kết quả phân tích, dải nước màu đỏ ở biển là do ô nhiễm hữu cơ, co con người sinh hoạt, xả thải". Đây cũng là kết quả được Viện Công nghệ và Môi trường gửi cho Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.
Một lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói "hiện tượng vệt nước đỏ xuất hiện ngày 17/2 tại cảng Sơn Dương và Vũng Áng không có gì nguy hiểm", và "hải sản tại khu vực đó vẫn phát triển bình thường", báo Lao động đưa tin.
Hôm 20/2, BBC đã liên hệ qua điện thoại với ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh đồng thời là Trưởng ban Khu kinh tế Hà Tĩnh, nhưng ông từ chối bình luận.
Vệt nước đỏ xuất hiện ở bờ biển Vũng Áng Hà Tĩnh - Ảnh : VĂN ĐỊNH
Nguyên nhân hiện tượng dải nước đỏ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước biển đỏ, Giáo sư Lê Huy Bá nói với BBC.
Chẳng hạn như hiện tượng này có thể xảy ra khi "đất nhiệt đới có mầu đỏ vì chứa nhiều chất sắt, sau khi mưa nước chảy ra biển mang màu đỏ", và trường hợp này, theo ông Bá, là "không đáng ngại".
Một hiện tượng tự nhiên khác có thể khiến nước biển chuyển màu đó là hiện tượng thủy triều đỏ (tảo biển nở hoa). Tuy nhiên, giáo sư Bá khẳng định hiện tượng này thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 chứ "không vào thời kỳ này".
Một nguyên nhân khác có thể có, là do sản phẩm của chất xả thải công nghiệp, nhưng muốn khẳng định được nguyên nhân của hiện tượng này, các nhà khoa học phải được "tận mắt tận tay quan sát", Giáo sư Bá nói.
Ông Lê Xuân Thế, một ngư dân sống cách vùng biển Vũng Áng 3km, nói với BBC ông đi biển tới nay đã hơn 50 năm nhưng "chưa bao giờ thấy hiện tượng dải nước đỏ trên biển".
Chi tiết kết quả xét nghiệm nước biển mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nói đến dường như không được công bố một cách chính thức và rộng rãi.
"Bản thân chúng tôi [các nhà khoa học] rất được muốn biết để hiểu được thực chất của vấn đề một cách khách quan nhưng có được xem đâu", Giáo sư Lê Huy Bá nói, và cho biết mình cũng chỉ biết theo dõi tin trên báo chí.
Tuy nhiên, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, bộ phận trắc quan của Bộ Tài Nguyên Môi trường và đại diện của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa đã kiểm tra các cống xả thải của Formosa và kết luận doanh nghiệp này "không có đường ống xả thải nào như clip phát tán trên mạng xã hội", trang tin Zing tường thuật.
Giới chức tới giờ chưa có bình luận nào về địa điểm có thể của cống xả thải quay trong video clip nói trên.
************************
Dải nước lạ màu đỏ ở cảng Vũng Áng : Tình tiết mới (Đất Việt, 22/02/2017)
Hà Tĩnh khẳng định, ống xả thải màu đỏ lan truyền trên mạng không phải của Formosa. Đặc biệt, nguyên nhân nước đỏ ngày 19/1 là do ô nhiễm hữu cơ.
Cống xả thải nước màu đỏ không phải của Formosa
Liên quan đến đoạn video quay cận cảnh cống nước xả ra dòng nước thải màu đỏ lan truyền trên mạng ngày 19/2 và một số người cho rằng đó là hệ thống xả thải của Formosa ở Hà Tĩnh, tối cùng ngày, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã thông tin cụ thể với báo chí.
Ông Tùng khẳng định, sau khi nắm được thông tin đơn vị này đã cho lực lượng kiểm tra ngay. Tuy nhiên kết quả cho thấy thông tin trên hoàn toàn sai sự thật.
"Đó là thông tin thất thiệt, bởi thực tế ở Dự án Formosa Hà Tĩnh không có cổng xả thải nào nhỏ giống như trong video xôn xao trên mạng", ông Tùng khẳng định với Dân trí.
Hà Tĩnh khẳng định, ống xả thải màu đỏ lan truyền trên mạng không phải của Formosa.
Cũng trong tối 19/2, xác nhận với Infornet, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, hiện tỉnh đã nắm được thông tin có video trên.
"Tôi là người trực tiếp cùng anh em các sở ban ngành đã đi kiểm tra, cho thấy ở dự án Formosa Hà Tĩnh không có cống xả thải nào nhỏ giống như trong video", ông Thắng khẳng định.
Ông Thắng cho biết thêm, sáng 20/2, một đoàn công tác của tỉnh cùng báo chí sẽ chứng thực các cống xả thải của Formosa để dư luận được rõ hơn, tránh hiểu nhầm. Đồng thời Tỉnh này sẽ xác minh về nguồn gốc, động cơ người tung video này để có hướng xử lí.
Trao đổi với PV Infonet chiều 20/2, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định : đoạn clip xả thải đăng tải trên trang mạng xã hội là thông tin hoàn toàn bịa đặt.
Nước biển đỏ ngày 19/1 : Do ô nhiễm hữu cơ
Trong một diễn biến có liên quan, chiều 19/2, xác nhận với Tuổi trẻ, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Viện Khoa học công nghệ đã công bố kết quả hiện tượng dải nước biển đỏ ở khu cảng Vũng Áng ngày 19/1.
Theo đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được xác định là hiện tượng tự nhiên, do sứa vào mùa sinh sản tạo ra.
Ngoài ra, tại khu vực biển này nước ít luân chuyển nên bị ô nhiễm hữu cơ do các nhà hàng, bè nổi xả thải ra biển.
Dải nước màu đỏ dài 50 m tại cảng Vũng Áng Hà Tĩnh đang khiến dư luận xôn xao
Trưa 19/2, trả lời báo chí, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết đã có kết quả phân tích nước biển có váng đỏ xảy ra vào ngày 19/1 tại khu vực bè nổi mực nhảy ở Vũng Áng.
"Theo kết quả phân tích, dải nước màu đỏ ở biển là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt, xả thải", tờ Vietnamnet dẫn lời ông Vĩnh cho biết.
Hà Nam (tổng hợp)