Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'cách mạng màu'

BBC, 02/09/2024

Sau hơn một tháng hứng chịu các cuộc tấn công mạng và cáo buộc 'cách mạng màu', Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã thông báo sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra chiến dịch đưa tin sai sự thật, thậm chí mang tính bạo lực nhằm vào trường và các sinh viên của trường.

fuv1

Một lễ tốt nghiệp của Đại học Fulbright Việt Nam

Ngày 30/8, Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã đăng thư ngỏ của Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen trên website chính thức và trang Facebook chính thức, trong đó có xác nhận FUV thời gian qua đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công ác ý trên mạng xã hội.

Theo Giáo sư Fritzen, các cuộc tấn công này thường sử dụng ngôn ngữ xúc phạm - thậm chí có lời lẽ đe dọa đối với sinh viên, giảng viên, nhân viên, người thân và bạn bè của FUV - xoay quanh cáo buộc rằng FUV tham gia vào những hoạt động ươm mầm cho một cuộc "cách mạng màu" ở Việt Nam.

Thứ hai, FUV khẳng định tính chính danh của trường, với việc trường được thành lập theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ông Fritzen liên tục nhấn mạnh "Trường Đại học Fulbright Việt Nam là một trường đại học Việt Nam", chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và trường vẫn cho sinh việc học các môn bắt buộc về lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục quốc phòng và an ninh. Điều này còn thể hiện qua bài viết Facebook ngày 1/9, khi FUV đăng hình ảnh sinh viên đi học quân sự.

fuv2

Thư ngỏ của Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen được đăng vào ngày 30/0/2024

Bên cạnh đó, tính chính danh của Fulbright còn thể hiện qua có vai trò quan trọng của trường này mối quan hệ Việt-Mỹ, nằm trong ba Tuyên bố chung liên tiếp của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ : Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama vào năm 2013, Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama vào năm 2015 ; và Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joseph Biden vào năm 2023.

Cuối cùng, hiệu trưởng FUV nhấn mạnh trường sẽ "không chấp nhận là nạn nhân thụ động" mà sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để điều tra về chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe dọa có tính bạo lực. Chưa kể, những thông tin sai lệch, theo ông Fritzen, còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương Việt-Mỹ trong bốn thập kỷ qua.

Trang Facebook chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam gần đây thường xuyên chia sẻ hình ảnh sinh viên đi học quân sự, hát quốc ca dưới cờ đỏ sao vàng và những bài viết của báo chính phủ, báo Nhân dân - Cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 21/8, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã có phóng sự video về FUV với nhan đề Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục và lấy "lễ tốt nghiệp không có quốc kỳ Việt Nam" là một trong những biểu hiện của "cách mạng màu". Tuy nhiên, vào ngày 23/8, video này sau đó đã bị gỡ khỏi kênh Quốc phòng Việt Nam.

Trên website chính thức, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam tự giới thiệu là "cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam". Do đó, có thể hiểu rằng nội dung mà kênh này phát phản ánh quan điểm của quân đội, của Đảng cộng sản Việt Nam.

Giáo sư Alex-Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech (Mỹ) nói với BBC News tiếng Việt ngày 2/9 rằng sự tấn công đối với Trường Đại học Fulbright từ cấp các bộ và phản ứng khác nhau giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cho thấy rằng Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một khối chính trị đơn nhất, mà là thực thể của nhiều phe nhóm quyền lực và lợi ích khác nhau.

Cách mạng màu là gì ?

Cách mạng màu là những phong trào phản kháng với đặc điểm nổi bật là dùng phương pháp phi bạo lực nhằm lật đổ chế độ độc tài hoặc tham nhũng, hoặc đòi hỏi sự cải cách chính trị, dân quyền, dân chủ.

Theo kênh truyền hình tin tức tiếng Ả Rập Al Jazeera, "cách mạng màu" hoặc "cách mạng hoa" liên quan đến các biểu tượng thường được các phong trào đối lập sử dụng, những biến động này đã chứng kiến việc lật đổ các nhà lãnh đạo thời Liên Xô mà sự cai trị của họ bị người dân xem là trì trệ, tham nhũng và quá thân Nga.

Trong nhiều trường hợp, một thế hệ lãnh đạo mới đã lên nắm quyền và đưa đất nước đó xa rời Moscow và xích lại gần phương Tây hơn.

Một điểm đáng chú ý là phe chỉ trích cách mạng màu thường quy kết cho Mỹ là bên đứng sau và tài trợ cho các phong trào này, nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại của riêng họ ở các nước thuộc Liên Xô cũ.

Từ cuối thập niên 1980 và đầu 1990, trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Đảng cộng sản Việt Nam đã lập tức tung đội quân tình báo sang các nước này để tìm hiểu nguyên nhân.

Những báo cáo tình báo sau đó đã giúp các lãnh đạo Đảng đúc kết bài học, rằng cách mạng màu sẽ manh nha từ các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức có yếu tố nước ngoài (NGO)… Điều này đã được chính cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể lại trong cuốn sách Người thầy của ông. Từ các phát hiện và nhận thức đó, trong hơn hai thập niên qua kể từ khi Liên Xô tan rã, Đảng cộng sản Việt Nam luôn cực kỳ cảnh giác trước các tổ chức xã hội dân sự, NGO, các tổ chức khoa học, giáo dục, từ thiện, viện trợ có yếu tố nước ngoài.

Gần đây, sau những gì xảy ra ở Bangladesh, với việc một chính phủ chuyên quyền bị sinh viên lật đổ, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã ngay lập tức trở thành đối tượng tấn công như một kiểu "đánh phủ đầu".

Năm 2022, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung.

Đáng chú ý, so với các tuyên bố chung năm 2015 và 2017 thì tuyên bố chung năm 2022 có điểm khác biệt lớn là lần đầu tiên, Trung Quốc và Việt Nam  đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu".

Tương tự, tuyên bố chung Việt - Trung trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ 18-20/8 vừa rồi cũng có nói đến "cách mạng màu". Cụ thể là hai nước "tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống 'cách mạng màu', cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ".

Điều này phần nào cho thấy, Việt Nam đang tăng cường học hỏi từ Trung Quốc cách phòng chống "cách mạng màu" khi Trung Quốc là quốc gia từ lâu đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn "cách mạng màu" tràn vào trong nước, bao gồm chiến lược kiểm duyệt, kiểm soát internet, đàn áp xã hội dân sự, trừng phạt người biểu tình và bất đồng chính kiến.

Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'mầm mống cách mạng màu'

Những tuần qua, các cụm từ như "cách mạng màu", "diễn biến hòa bình", "thế lực thù địch" ngày càng trở thành từ khóa phổ biến, gắn liền với trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Thực ra, đây không phải là lần đầu mà Trường Đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc những điều như trên. Nhiều năm qua, cứ tới mỗi kỳ tuyển sinh, thường có hai đợt là mùa thu (vào tháng 8) và mùa xuân (vào tháng 1) thì trường sẽ hứng lãnh những cuộc tấn công mạng nhỏ lẻ. Nhưng chiến dịch tấn công năm nay lại có quy mô rộng lớn, nhất quán hơn và phủ khắp mọi mạng xã hội gồm Facebook, TikTok, Threads và X (Twitter).

Những đồn thổi, quy chụp Fulbright Việt Nam là "ổ cách mạng màu" bắt đầu từ nhiều sự kiện, trong đó có lễ tốt nghiệp của trường và phát ngôn của cựu Chủ tịch sáng lập Đàm Bích Thủy về Chiến tranh Việt Nam.

Những trang Facebook như Tifosi và Đơn vị Tác chiến Điện tử Comrade Commissar, đều có hơn 300.000 người theo dõi, đã tấn công FUV hoặc các cá nhân liên quan tới trường đại học này.

Trên Đơn vị Tác chiến Điện tử Comrade Commissar, việc Fulbright tổ chức diễu hành tốt nghiệp với lá cờ Không sợ hãi (Fearless) mà không phải là quốc kỳ Việt Nam đã bị đem ra chỉ trích.

Phía dưới bài đăng là các bình luận : "Trường đào tạo Việt gian", "Cách mạng màu luôn len lỏi trong đất nước, nhất là giáo dục", "Tập duyệt để làm cách mạng màu đấy".

Phóng sự Không để Cách mạng màu đổi màu giáo dục của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đăng ngày 21/8 đã nhắc đích danh bà Đàm Bích Thủy về việc cho sinh viên xem phim Chiến tranh Việt Nam.

fuv3

Video trên kênh của Quốc phòng Việt Nam đã lấy ví dụ lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Fulbright Việt Nam là biểu hiện của "cách mạng màu"

Cụ thể, phóng sự này thuật lại rằng trong một video, bà Đàm Bích Thủy kể lại sau khi cho các sinh viên của mình xem một tập bộ phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam thì nhiều bạn đã khóc nức nở và xúc động về câu chuyện mà họ đã xem, với đại ý là họ chưa từng biết rằng người Mỹ cũng đã phải chịu đựng nhiều như vậy.

Từ lời nói này của bà Thủy, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã đặt câu hỏi :

"Khi phát ngôn điều này, liệu bà Thủy có biết bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, bao nhiêu người Việt Nam đã thiệt mạng, bao nhiêu người đang chịu đựng hậu quả chiến tranh để lại như bom mìn, chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra ?"

Sau đó, video có đoạn lên án những tư tưởng, suy nghĩ này là nằm trong "phong trào ngụy sử, lật sử", một phần của chiến lược diễn biến hòa bình của các "thế lực thù địch".

Tuy nhiên, video này đã bị gỡ bỏ khỏi kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam mà không rõ nguyên do.

Không chỉ có kênh của quân đội, Bộ Công an từ lâu nay đã nhấn mạnh, cảnh báo việc thông qua giáo dục để thực hiện "cách mạng màu". Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, khi đó còn là Thứ trưởng Bộ Công an đã phát biểu như sau :

"Qua công tác đảm bảo an ninh quốc gia của Bộ Công an cho thấy âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo để tạo ra lớp người có quan điểm, tư tưởng không phù hợp với những đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta".

fuv4

Hình ảnh bà Đàm Bích Thủy trên video Không để Cách mạng màu đổi màu giáo dục của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Video này đã bị gỡ.

Về việc Trường Đại học Fulbright Việt Nam bị quy là điển hình của "cách mạng màu", một nhà bình luận giấu tên nói với BBC rằng nền chính trị Việt Nam thời gian gần đây đã có những biến động lớn về nhân sự, đặc biệt là sự ra đi của một người gác đền chủ nghĩa xã hội như ông Nguyễn Phú Trọng có thể đã dẫn đến nỗi sợ chế độ bị lung lay.

"Để củng cố tư tưởng và lập lại trật tự an ninh trên mạng, ta thấy những đợt tấn công Fulbright Việt Nam, phong sát những nghệ sĩ từng hát dưới cờ vàng ba sọc đỏ. Bên cạnh đó là phong trào vẽ quốc kỳ lên mái nhà, cửa nhà được cổ vũ mạnh mẽ".

"Đây có thể là dạng đấu tố thời mạng xã hội vì bản chất nó không khác gì thời Cải cách Ruộng đất, thời Nhân Văn-Giai Phẩm, thời hậu chiến tranh với việc nỗi nghi ngờ gieo rắc toàn xã hội, mọi người dòm ngó và chỉ điểm nhau, không có sự tin tưởng và bao dung. Nghiêm trọng hơn là nhiều người vì sợ mình là mục tiêu của đấu tố mà phải đấu tố người khác, hoặc sốt sắng chứng minh mình thuộc hàng ngũ dư luận viên, hoặc bản thân cũng giống dư luận viên.

"Đó là bi kịch khi chúng ta không làm gì sai những vẫn sợ và không dám lên tiếng cho sự khác biệt, bởi lẽ tình yêu nước mỗi người là khác nhau, việc đấu tranh cho một xã hội, đất nước tốt hơn cũng là yêu nước, không phải cứ ca ngợi và ru ngủ nhau với những hô hào yêu nước", nhà quan sát từ Việt Nam nói với BBC ngày 1/9.

BBC đã liên hệ với Trường Đại học Fulbright Việt Nam từ ngày 23/8 nhưng không nhận được phản hồi.

Một sinh viên giấu tên đang theo học tại FUV thì trả lời BBC News Tiếng Việt vào ngày 1/9 rằng tuy đã có tiếng nói từ Bộ Ngoại giao nhưng dư âm của đợt tấn công vẫn còn âm ỉ :

"Thời điểm ban đầu, nhiều bạn bị những tài khoản không rõ danh tính ùa vào nhắn tin, bình luận chửi bới trên Facebook, gọi tụi tôi là phản động và tung tin sai sự thật khiến nhiều bạn phải khóa Facebook vì quá sợ hãi. Lúc chiến dịch tấn công này mới nổ ra thì trên các hội nhóm của trường bình luận rất nhiều, đa phần các bạn sinh viên đều lo lắng, bất an.

"Một vài người bạn của tôi muốn đăng ký học Fulbright Việt Nam nhưng cũng e dè vì lo lắng cho an nguy của bản thân. Nổi bật nhất là nhiều bạn lo sợ các công ty trong nước sẽ không nhận sinh viên tốt nghiệp từ Fulbright Việt Nam. Chúng tôi đi dự hội thảo cũng bị hỏi những câu như : 'Ồ trường dính bê bối phản động à ?' hay 'Trường là ổ cách mạng màu hả' ?" sinh viên này thuật lại với BBC.

Kết quả của quan hệ Việt - Mỹ

Lần đầu tiên Trường Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra tuyên bố chính thức trước những cáo buộc là vào ngày 14/8.

FUV viết rằng trường "lên án mạnh mẽ việc cố tình lan truyền thông tin sai lệch này và những tổn thương do hành động này gây ra cho các cá nhân hữu quan". Đồng thời, thông báo cho biết nhà trường đã gửi công văn tường trình đến các cơ quan chức năng để yêu cầu điều tra và hỗ trợ.

Bài viết này trên Facebook của Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã nhận tới hơn 10.000 biểu cảm giận dữ và làn sóng tấn công vẫn tiếp diễn.

Đến ngày 26/8, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng về sự việc :

"Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.

Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".

Một vài sinh viên FUV nói với BBC rằng, trước khi trường chính thức lên tiếng trên website và mạng xã hội thì các sinh viên đã nhận được email của chủ tịch Fulbright trấn an rằng trường không làm gì sai cả và khuyên tất cả mọi người nên giữ bình tĩnh.

fuv5

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Theo website chính thức của Fulbright Việt Nam thì đây là trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận và hoạt động theo mô hình giáo dục khai phóng đầu tiên tại Việt Nam, được tài trợ 100% từ Mỹ.

Dự án xây dụng Fulbright lần đầu tiên được đề cập một cách chính thức trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama hồi cuối tháng 7/2013 và sau đó được khẳng định lại một lần nữa trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tháng 12/2013.

Đến ngày 3/6/2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký công văn 821 đồng ý chủ trương đầu tư Dự án thành lập Đại học Fulbright Việt Nam theo loại hình trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.

Vốn đầu tư thực hiện dự án Đại học Fulbright Việt Nam tổng cộng là 70 triệu USD. Trong đó, mức đầu tư ban đầu đến năm 2016 là 5,3 triệu USD, giai đoạn 2017-2020 là 20 triệu USD và giai đoạn ba từ 2020-2030 là 44,7 triệu USD.

Trong cuốn hồi ký Không gì là không thể, tác giả Ted Osius, người làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2014-2017, đã kể rằng trong quá trình đàm phán về Fulbright Việt Nam thì một trong những khâu khó khăn nhất đó là đảm bảo trường có được tự do học thuật. Đây chính là một yếu tố mà phía chính phủ Việt Nam rất khó chấp nhận, vì hệ thống giáo dục Việt Nam phải nằm dưới sự quản lý toàn diện của Đảng cộng sản. Do đó, việc Việt Nam đồng ý cho phép FUV ra đời được coi là một bước đột phá.

Giáo sư Alex-Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech nói với BBC News Tiếng Việt rằng trung tâm của ông cũng có những hợp tác với Trường Đại học Fulbright Việt Nam nên theo ông, Fulbright Việt Nam đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ ngày càng mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời kỳ hậu chiến, minh họa cho cách mà giáo dục có thể đóng vai trò như một cầu nối cho ngoại giao và sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ và hợp tác giữa hai quốc gia.

"Có thể lập luận rằng sự hình thành của Đại học Fulbright Việt Nam, với sự hậu thuẫn của chính phủ Việt Nam và hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ, đại diện cho một thử nghiệm táo bạo trong giáo dục đại học tại Việt Nam, với mục đích khuyến khích tự do học thuật và nguyên tắc giáo dục khai phóng trong một quốc gia xã hội chủ nghĩa".

fuv6

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tháng 8/2015 trong cuộc gặp về việc thành lập Đại học Fulbright ở Việt Nam

Giáo sư ALex-Thái Võ bình luận thêm rằng tuy chưa rõ và cũng có thể không bao giờ biết được ai là người đứng sau những cáo buộc và nỗ lực tấn công FUV nhưng điều này phơi bày tình hình chính trị hiện tại. Ông cho rằng sự qua đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại khoảng trống quyền lực và điều này đã dẫn đến sự tranh giành giữa các phe phái :

"Theo tôi, sự tấn công đối với Fulbright Việt Nam từ cấp các bộ và phản ứng khác nhau giữa các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, và Bộ Ngoại giao cho thấy rằng Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một khối chính trị đơn nhất, mà là thực thể của nhiều phe nhóm quyền lực và lợi ích khác nhau đang tranh giành và củng cố vị thế của mình trong khoảng trống chính trị mà ông Trọng để lại.

"Đây là sự tranh giành đằng sau bức màn nhung, nhưng đã dần phơi bày cho thấy chính trị Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ, nhằm phân chia và nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp diễn và phơi bày rõ hơn cho đến Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 14, dự kiến vào quý 1 năm 2026".

Nguồn : BBC, 02/09/2024

*****************************

Cáo buộc sai trái về trường Fulbright : Động cơ và hệ lụy

Lê Quốc Quân, VOA, 01/09/2024

Kể từ đầu tháng Bảy, các YouTubers và Dư luận viên đưa lên mạng xã hội nhiều bình luận sai trái, vu khống cho trường Fulbright Việt Nam nhiều vấn đề, trong đó gắn liền cơ sở giáo dục này với việc đào tạo nhân sự làm "cách mạng màu".

Một cái nhìn về Đại học Fulbright Việt Nam – Tổ quốc chọn Fulbright ?

Ngày 14/8 Trường Fulbright đưa ra thông báo trên Facebook nói rằng các tuyên bố được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội là những "thông tin sai lệch với mục đích thao túng".

"Cây AK47 chúng tao vẫn thủ sau lưng"

Chiến dịch "đánh phá" dường như đã được lên kế hoạch kể từ sau lễ tốt nghiệp của Trường vào đầu tháng Sáu. Sau đó được tăng dần về số lượng, cường độ và những gán ghép khi cách mạng "đường phố" ở Bangladesh diễn ra.

Trong một bình luận có chủ đích nhằm phản đối lại lời phát biểu của Thầy giáo hiệu trưởng trường Fulbright trong dịp lễ khai giảng năm học 2024, một nick có tên là Lý Cai, trích một "sưu tầm", trong đó có lời nói với một người bạn Mỹ : "Dân tộc tao luôn cảnh giác cao độ, cây AK47 chúng tao vẫn thủ sau lưng… Mọi âm mưu diễn biến hòa bình, phá hoại Việt nam qua cách mạng màu chúng tao luôn cảnh giác và diệt trừ".

Thậm chí có kẻ còn đe doạ "vật lạ sẽ rơi xuống đầu" nếu Thầy cô tham gia cùng sinh viên trong đoàn biểu tình để làm cách mạng màu.

Những bình luận và thông tin đó xuất hiện cùng thời gian với những kênh YouTube tấn công đại học Fulbright, trong đó có thể kể đến kênh //www.youtube.com/@MrTVHChanelOfficial">Tuyền Văn Hoá, với hơn 2 triệu người đăng ký.

Những YouTubers này hoạt động theo mục đích, tung hứng và bổ sung cho nhau. Một trong những phương cách của họ là đưa ra những thông tin rất cũ, cắt khỏi ngữ cảnh, gán ghép và chuyển tải thông điệp tấn công phương tây. Ví dụ lần này họ trích lời nói của bà Đàm Bích Thuỷ (5 năm trước); những tranh cãi về ông Bob Kerry (9 năm trước) hoặc Nghiên cứu về Covid ( 2 năm trước) để lên tiếng tấn công trường Fulbright.

Cùng giai đoạn này, ngày 21/8 Kênh truyền hình quốc phòng Việt Nam đăng một phóng sự Video với nhan đề "Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục". Mặc dù ngôn ngữ có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng trực tiếp nhắm vào Trường Fulbright và gắn kết hoạt động của Trường với những khả năng về những cuộc "cách mạng màu" đã và đang xảy ra trên thế giới.

Chỉ 5 ngày sau đó Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải đưa ra một thông báo ca ngợi các hoạt động của Đại học Fulbright và sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau đó thì Video trên Truyền hình Quốc phòng đã bị gỡ bỏ và một số video trên các kênh YouTube khác cũng bị gỡ bỏ.

Tại sao lại là Fulbright và vào thời điểm này ?

Đại học Fulbright là một trường của Việt Nam. Ý tưởng xây dựng Trường bắt nguồn từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) từ giữa những năm 1990s, đã trải qua một thời gian rất dài với sự đồng thuận và ủng hộ của hai chính phủ Việt Nam và Hoa kỳ, mới chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016.

Những lãnh đạo cao cấp nhất như cựu thủ tướng Phan Văn Khải, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hay cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều công khai ủng hộ trường.

Chương trình học tập của Trường đại học Fulbright còn được đưa vào trong Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa kỳ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm ngoái, trong đó có đoạn : "Hai nhà Lãnh đạo (Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) chúc mừng việc khởi động Chương trình Hòa bình tại Việt Nam và kỷ niệm 31 năm Chương trình Fulbright Việt Nam. Hai bên hoan nghênh hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) và việc FUV ngày càng phát huy được vai trò là một trung tâm của khu vực về đào tạo chính sách công".

Tóm lại, Trường Fulbright được coi là một ví dụ sinh động và là biểu tượng quan trọng của hợp tác về giáo dục giữa hai nước Việt-Mỹ, rộng hơn là cả quan hệ Việt Mỹ trong hiện tại và tương lai. Cho nên, tấn công vào Trường Fulbright được coi là tấn công vào mối quan hệ Việt Mỹ.

Việc chủ ý tấn công có vẻ đã âm ỉ từ lâu nhưng nó bắt đầu được kích hoạt khi có những biến động gần đây ở Bangladesh với người tạm đứng đầu chính phủ Bangladesh hiện tại là ông Muhammad Yunus, vốn là một cựu sinh viên Fulbright.

Wikipedia và sự giằng co chỉnh sửa

Một điểm rất thú vị là chúng ta thấy rõ sự giằng co giữa những điều đúng và sai, tốt đẹp và xấu xa đang diễn ra hằng ngày trong đời sống chính trị và xã hội Việt Nam, vốn chủ trương một nền "ngoại giao cây tre", đi dây giữa các cường quốc.

Khi các YouTuber và Tiktoker trên mạng xã hội bắt đầu tấn công trường Fulbright thì trên trang Wikipedia liên tục có những chỉnh sửa. Nếu như chúng ta xem lại lịch sử chỉnh sửa của trang thì thấy rõ cuộc giằng co chỉnh sửa lịch sử rất nhiều. Cụ thể ngày 10/8 đã có 2 chỉnh sửa, và đỉnh điểm là đến 17/8 đã có đến 8 chỉnh sửa trong một ngày. Rất nhiều thông tin đã được thêm vào rồi lại bị lấy ra bởi các bên khác nhau, cùng thời gian với các YouTuber và Tiktoker xuất hiện tấn công Trường.

Đó chính là sự giằng co giữa hai lực lượng "tiến bộ" và "phản động", cấp tiến và bảo thủ, trong tư duy xây dựng mối quan hệ giữa Việt nam và Hoa kỳ.

Trong khi hàng triệu người từ cả hai phía đang nỗ lực từng ngày hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng tương lai tốt đẹp thì vẫn còn hàng triệu kẻ khác cố tình khoét sâu quá khứ, kích động hận thù, chia rẽ tương lai mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Lần này đã có một sự "lỗi nhạc" trong dàn đồng ca, thể hiện sự bất nhất trong lãnh đạo của các ngành khác nhau bên quân đội, giáo dục và ngoại giao. Lịch sử cho thấy đã từng có nhiều sự việc "khen rồi chê", "ngợi ca rồi đánh phá", "đăng lên rồi lại hạ xuống"… bởi vì tính chất bị động, thiếu nhất quán giữa các lãnh đạo.

Người đọc không thể không liên tưởng đến việc một số nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu "không phù hợp" bị báo chí trong nước phản đối gần đây. Cũng như việc sơn cờ đỏ lên mái nhà và nhiều công trình khác… thể hiện sự bất nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Sâu xa hơn, việc tấn công vào trường Fulbright có thể là một cuộc "thăm dò" từ cấp cao nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương về khả năng và phản ứng của các bên về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong quá trình đấu tranh giữa các phe nhóm sau sự ra đi của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy vậy, sự phản ứng của Bộ Ngoại giao trong vụ việc vừa qua là chiến thắng của những người vì tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam.

Nên kiên quyết ngăn chặn

Ngày 30/8, Hiệu trưởng trường Fulbright Việt Nam là Scott Adrew Fritzen đã đưa ra một thư ngỏ khẳng định những sự thật và nguyên tắc cơ bản của trường. Trong đó có đoạn ghi rõ : "Những cáo buộc trên không gian mạng đã gây ra những hậu quả nghiệm trọng khi cộng đồng Fulbright chúng tôi bị xúc phạm uy tín và tổn thương tin thần một cách bất công".

daihoc01

Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen của Đại học Fulbright Việt Nam công bố thư ngỏ hôm 30/8/2024.

Trường Fulbright cũng khẳng định đã "hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để điều tra về chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe doạ có tính bạo lực".

Có lẽ đã đến lúc cộng đồng tiến bộ phải đứng lên cùng trường Fulbright nêu rõ những sai phạm của các cá nhân trong vụ việc kể trên để cảnh tỉnh những kẻ "thiếu hiểu biết" nghe theo sự xúi dục của thế lực bảo thủ, làm điều sai trái, bất lợi cho quan hệ Việt Mỹ và tương lai đất nước.

Trước mắt, trường có thể lấy lại các video và các bình luận xuyên tạc, ác ý để làm bằng chứng tố cáo họ vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự hoặc ít nhất cũng phải bị xử phạt theo Tiết a, Khoản 1, Điều 101 - Nghị Định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020.

Lê Quốc Quân

Nguồn : VOA, 01/09/2024

******************************

Đại học Fulbright, cờ vàng : Ai rải đinh trên đường Tô Lâm sang Mỹ ?

Gió Bấc, RFA, 29/08/2024

Gần đây, "cộng đồng mạng" bùng lên hai cuộc chiến chụp mũ đại học Fulbright và phong sát, truy sát các nghệ sĩ từng dính vào khung hình hát có cờ vàng dù cờ vàng.

fulbright1

Lễ Tốt nghiệp Đại học Fulbright Việt Nam, Khóa 2024 (30/07/2024)

Với đại học Fulbright, cái nón nặng ký nhất là tội đào tạo tác nhân làm cách mạng màu. Cái này nghe hơi hướng gần xa dễ dính vô tội hình sự âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Lai lịch của các đời chủ tịch, lãnh đạo của trường này được lôi ra và sơn phết sắc màu đen đúa. Chuyện diễu hành của sinh viên cũng bị xét nét về slogan và không mang cờ đỏ sao vàng. Có lẽ các tác giả này quá quen cổ súy lòng yêu nước kiểu thanh niên đi bão sau các trận đá banh và tốt nghiệp từ các lớp tại chức kiểu Thích Chân Quang nên chẳng hiểu có tí ý niện gì về tự do học thuật và đại học tự chủ.

Với giới nghệ sĩ. Từ chuyện Đàm Vĩnh Hưng bị truy phạt tiền vì mang huy hiệu lạ khi đi diễn hồi tháng 5, "cộng đồng mạng" ấy săm soi đấu tố hàng loạt ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn ở nước ngoài. Dù chuyện đã xảy ra hồi năm nẳm hay trong khung hình có dính cờ vàng ba sọc đỏ dù hình ảnh ấy ngay trên sân khấu hay thấp thoáng ở xa. Báo chí lề đảng cũng lên đồng hòa giọng tạo áp lực thông tin hù dọa, mắng mỏ. Báo Công Thương liên tiếp có hai bài trước là dạy dỗ : "Loạt nghệ sĩ biểu diễn dưới cờ ba sọc : Tiền rất quý nhưng đừng đánh mất lòng tự tôn dân tộc" (1).

Ngay sau khi các nghệ sĩ tự nguyện dù không có tội vẫn phải "cúi đầu nhận tội" như các "địa chủ" bị quy chụp thời cải cách ruộng đất, báo chí đảng vẫn chưa tha. Báo truy kích "Loạt nghệ sĩ biểu diễn trước cờ ba sọc : Đừng tùy tiện xin lỗi là xong" (2).

Ngược lại trang VNTB của Hội Nhà Báo Việt Nam Độc Lập đã phản biện "Nghệ sĩ đua nhau xin lỗi vì cờ vàng, lỗi gì mà xin ?". Bài viết nêu lý lẽ rất hùng hồn là "Điều 315 Bộ Luật hình sự 2015 có quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, nhưng không có quy định về những tội danh liên quan đến quốc kỳ của một quốc gia hay thể chế khác.

Bộ Luật hình sự cũng không có các quy định cấm người dân không được chụp hình, quay phim hay hiện diện ở những nơi có treo hay trưng bày cờ vàng. Những người chủ động treo cờ vàng thì bị xử lý tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật Hình sự. 

Như vậy việc các ca sĩ "lỡ" hát hay sinh hoạt nơi có treo cờ vàng đều không vi phạm pháp luật. Vậy tại sao họ lại phải xin lỗi khi làm những việc mà pháp luật không cấm ?" (3).

 Không chỉ có vậy, các cơ quan truyền thông quốc tế như BBC, RFA, VOA, RFI, các cơ quan ngôn luận của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đồng loạt lên tiếng phản ứng với cuộc lên đồng trấn áp nặc mùi tố khổ này.

Sự chụp mũ của "cộng đồng mạng" với Đại học Fulbright, báo chí lề đảng không lên tiếng tham gia. Ngược lại trước luồng dư luận vu vơ không nguồn gốc nhưng được phát tán quy mô, rầm rộ như vậy, Bộ Ngoại giao Việt Nam phải đứng ra lên tiếng khẳng định là "Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.

"Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ" (4).

Việc phát tán hàng chục clip nội dung sai trái, bịa đăt bôi xấu một chủ thể là thành quả hợp tác giáo dục Việt – Mỹ, ảnh hưởng đến quan hệ Việt Mỹ là hành vi quá nguy hiểm. Việt Nam vốn có luật An ninh mạng, luật Hình sự chặt chẽ, nghiêm khắc. Chỉ cần nói ông sư Nhặt Tiền ngu như bò, cụ Tùng Vân và đệ tử phải lãnh án hàng chục năm tù. Thế nhưng chưa thấy cơ quan nào sờ gáy bọn tội phạm này.

Tác giả Hạo Nhiên đã bức xúc lên tiếng trên trang Báo Tiếng Dân đề nghị "vụ việc đáng tiếc này, có lẽ cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời cũng xem xét lại luôn sự tồn tại của lực lượng đông đảo dư luận viên, về những điều tai hại mà họ có thể đã gây ra bấy lâu nay cho đất nước, cũng như lần này họ đã dám "đâm sau lưng chiến sĩ" (5) !

Tác giả Hạo Nhiên cũng như nhiều người khác đã thấy ra vấn đề là cái được gọi là "cộng đồng mạng" ấy chính là các dư luận viên. Chỉ có họ mới thoát ra khỏi vòng kim cô luật An ninh mạng, tha hồ tác yêu tác quái. Đây là lực lượng tinh nhuệ thuộc Quân ủy trung ương.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa trong thời kỳ còn là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã cho biết hiện lực lượng này (gọi là lực lượng 47 - theo chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ (6).

Điều đáng nói là cả hai luồng dư luận nói trên đều được tung ra trong thời điểm rất nhạy cảm. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến đi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ dự hội nghị Liên Hiệp Quốc và có nhiều khả năng sẽ gặp Tổng Thống Biden để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hai bên vào tháng 9 này.

Việc chụp mũ, bôi đen đại học Fulbright hẳn nhằm làm xói mòn lòng tin, phủ mây mù cho thành tựu hợp tác. Việc phong sát ca sĩ hát với cờ vàng nhằm kích hoạt sự phản ứng của cộng đồng người Việt ở Mỹ và nước ngoài nói chung. Sự thù hận cờ vàng, khủng bố ca sĩ nhằm một lần nửa làm bằng chứng cho đồng bào hải ngoại càng vững tin rằng Nghị quyết 36 chỉ là miếng pho mát thơm ngon trên bẫy chuột. Người Việt được tăng động lực để biểu tình "chào đón" Tô Lâm.

Không phải sự tình cờ trùng hợp mà hai đòn song kiếm hợp bích vào đúng thời điểm này rõ ràng nằm trong chiến thuật rải đinh trên đường ông Tô Lâm đi Mỹ. Ai đứng sau kích hoạt ? Chắc chắn không có thế lực thù địch nào làm đươc chuyện này !

Gió Bấc

Nguồn : 29/08/2024

1. https://congthuong.vn/loat-nghe-si-bieu-dien-duoi-co-ba-soc-tien-rat-quy-nhung-dung-danh-mat-long-tu-ton-dan-toc-341380.html

2. https://baomoi.com/loat-nghe-si-bieu-dien-truoc-co-ba-soc-dung-tuy-tien-...

3. https://vietnamthoibao.org/vntb-nghe-si-dua-nhau-xin-loi-vi-co-vang-co-l...

4. https://baochinhphu.vn/nguoi-phat-ngon-bo-ngoai-giao-len-tieng-ve-hoat-d...

5. https://baotiengdan.com/2024/08/29/du-luan-vien-pha-hoai-dat-nuoc-nhu-the-nao

6. https://tuoitre.vn/hon-10-000-nguoi-trong-luc-luong-47-dau-tranh-tren-ma...

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt, Lê Quốc Quân, Gió Bấc
Published in Diễn đàn

Cáo buộc Fulbright Việt Nam là "ổ dạy làm cách mạng màu" - Cựu sinh viên nói gì ?

"Lò đào tạo phản động", "âm mưu thực hiện cách mạng màu"… là những cáo buộc mà các trang mạng xã hội thân chính phủ đã tấn công trường đại học Fulbright trong tuần qua. Một người từng tham gia vào chương trình đào tạo của Fulbright Việt Nam khẳng định : "…nói Fulbright hướng tới để tạo ra cách mạng là sai". 

fulbright1

Bà Hilary Clinton, lúc bấy giờ là Ngoại trưởng Mỹ, phát biểu trong buổi chào mừng kỷ niệm 10 năm chương trình Fulbright tại Việt Nam ở trường Đại học Ngoại thương Hà Nội vào ngày 10/7/2012. Reuters

Lò đào tạo "phản động" ? 

Ngày 14/8, trường Đại học Fulbright Việt Nam đăng tuyên bố chính thức trên trang Facebook của mình, nơi có hơn 100 ngàn lượt thích và 112 ngàn người theo dõi (có dấu tích xanh) nêu rõ, đã có một số tuyên bố sai lệch và gây kích động về Trường Đại học Fulbright Việt Nam và cộng đồng Fulbright đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với ngôn ngữ xúc phạm những ngày qua.

Trang Facebook chính thức của trường đại học này không nói cụ thể các thông tin đó là gì. Tuy nhiên, khi lướt qua một số trang Facebook hoặc một số website như Tifosi, Diễn đàn chống phản động... thì có thể thấy một loạt các status, bài viết trong thời gian qua liên tục chỉ trích trường đại học này như : "không chỉ là một cơ sở giáo dục, mà còn là một công cụ của Mỹ nhằm đào tạo và nuôi dưỡng những người có khả năng trở thành "tay sai" cho các cuộc cách mạng màu, làm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam".

Anh M., (giấu tên vì lý do an toàn) từng tham gia chương trình đào tạo của Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng trước tiên, phải xác định rằng chương trình học của Fulbright đã được chính phủ và Bộ giáo dục Việt Nam chấp thuận : 

"Họ cấp cho mã ngành, tức là về mặt chính danh, chính thống thì nó là một chương trình thuần túy để phát triển kinh tế".

Chị T. (giấu tên vì lý do an toàn), cũng là một cựu sinh viên trường Fulbright, cho biết trường Fulbright ưu tiên đào tạo những người làm chính sách công ở trong khu vực công, giúp cho sinh viên ở đây được phát triển tối đa năng lực của mình. Và trên thực tế, có rất nhiều cán bộ đang làm việc trong bộ máy nhà nước đã và đang là sinh viên của trường này :

"Việc mà Fulbright đang làm là đào tạo ra những con người tự do, giúp cho con người phát triển. Fulbright đã làm rất là nhiều việc để đóng góp nguồn nhân lực cao cấp cho khu vực công của Việt Nam và cho đất nước nói chung và cái điều đấy là vô cùng quan trọng. Thế nên nói rằng Fulbright hướng tới để tạo ra cách mạng là sai". 

Thùy Linh, nghiên cứu sinh ngành "Hòa bình và xung đột", từng theo học bậc cao học ở đại học Fulbright Việt Nam cho biết, Fulbright cố gắng mô phỏng một cộng đồng thu nhỏ của Việt Nam, để từ đó có những thảo luận học thuật về chính sách thực tế nhất, vì tính đặc thù của thể chế chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam.

"Nếu Fulbright mà có ý đồ gì thì chả dại gì lại cho công an, và các công nhân viên chức nhà nước, Đảng viên vào học cả. Nếu là người biết tư duy, không chụp mũ thì chỉ cần nhìn qua là biết".

Lo ngại "theo bước" Bangladesh

Chiến dịch chỉ trích Fulbright lần này diễn ra trong bối cảnh Bangladesh đang nổ ra các cuộc biểu tình, ban đầu được lãnh đạo bởi sinh viên chống lại chính sách hạn ngạch tuyển công chức bị cho là thiên vị những người có quan hệ với đảng cầm quyền. Biểu tình sau đó lan rộng ra các tầng lớp khác, phản đối các chính sách quản trị kinh tế - chính trị trong xã hội.

Một bài viết trên trang web "trelang" cho rằng, sự kiện tại Bangladesh có thể đã góp phần làm gia tăng sự lo ngại rằng Fulbright có thể đang đóng vai trò tương tự tại Việt Nam. Bởi vì, ông Muhammad Yunus, một cựu sinh viên Fulbright, được chọn là người tạm đứng đầu chính phủ Bangladesh sau khi bà thủ tướng của nước này từ chức và chạy sang Ấn Độ. 

Tuy nhiên, cô Thùy Linh phản bác ý kiến trên đồng thời khẳng định, lập luận vừa nêu là rất "tào lao". Bởi, theo cô Linh, chương trình của ông Yunus là học bổng Fulbright và nó khác hoàn toàn với chương trình thạc sĩ và bậc đại học ở Đại học Fulbright Việt Nam :

"Nói thẳng ra là trước giờ cái chương trình học bổng Fulbright luôn "sang" hơn, và nhiều năm qua, rất nhiều sinh viên, người trẻ ưu tú ở Việt Nam đạt học bổng này. Học bổng này cho phép họ theo học một chương trình cao học ở một trường đại học ở Mỹ, tùy vào lĩnh vực họ theo đuổi.

Trong khi Đại học Fulbright bậc cử nhân thì được thiết kế với giáo án riêng, bậc cao học thì chỉ dạy mỗi chính sách công, mà còn là dạy ở Việt Nam, chỉ giáo trình là được dịch thuật và soạn thảo từ chính chương trình thạc sĩ chính sách công của trường Harvard Kennedy School. Nếu mà được hiểu gộp, đánh đồng với chương trình học bổng Fulbright kia thì quý hóa quá…".

Chị T. cho biết đã theo dõi tình hình Bangladesh rất sát sao và nhận thấy rằng cáo buộc của dư luận viên cho thấy họ không hiểu gì về tình hình Bangladesh. Ông Yunus năm nay đã ngoài 80 tuổi và không có tham vọng quyền lực gì cả. Cô T. nói tiếp :

"Ông là người rất là được tôn trọng một cách rộng rãi ở trong Bangladesh cho nên ông ấy thế chỗ để tạm thời, nắm quyền vào thời điểm này chứ không phải là giành chính quyền gì cho bản thân. Đây hoàn toàn là một bước đi kỹ thuật.

Sự diễn biến thay đổi ở một quốc gia nó phức tạp hơn rất là nhiều so với việc chỉ có thuần túy kết án một vài người lên tiếng phản biện hay là có cái tư duy độc lập".

Anh M. cũng đồng ý kiến, xác nhận Fulbright Việt Nam là một chương trình hợp tác ngoại giao và học thuật và luôn nhận được sự "quan tâm đặc biệt" từ phía nhà nước Việt Nam :

"Nhà nước Việt Nam cũng có những phương pháp để đảm bảo rằng chương trình Fulbright tại Việt Nam là một chương trình hợp tác ngoại giao và học thuật. Với một sự gọi là được quan tâm như vậy thì cơ hội để làm những cái điều mà các bạn dư luận viên nói thì dưới góc nhìn của tôi là một người bên trong thì thấy là dù có muốn cũng không được".

Tranh cãi về lịch sử

Sự tấn công của dư luận viên vẫn tiếp diễn khi ngày 20/8, trang web "trelang" tiếp tục đăng tải bài viết có tiêu đề "Fulbright - cảnh giác không thừa". Nội dung bài viết cho rằng ông Bob Kerrey là người từng gây tội ác trong chiến tranh Việt Nam. Việc ông này được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng tín thác của trường này khi mới thành lập khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự chân thành trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ. 

Trong thực tế, anh M., cho biết, có rất nhiều người hỗ trợ ban đầu cho đại học Fulbright Việt Nam là các cựu binh Hoa Kỳ :

"Họ thực hiện chương trình này vì họ cảm thấy cần phải có một sự đền đáp lại đối với Việt Nam. Nó giống như là một chương trình hàn gắn. Đương nhiên trong cái chương trình đó sẽ có nhân vật này và nhân vật kia ; nhưng tôi nghĩ là ở cấp chính phủ thì họ đã cũng sẽ không nói về việc đấy nữa, họ cũng đã có những cái nhận định, nhận diện một cách chính thức cho chương trình này".

Do đó, theo ông M., lãnh đạo hai nước nên có cách để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, nhằm đạt được mục đích là đào tạo ra một thế hệ học sinh sinh viên và những người có khả năng làm chính sách tốt.

Vào tháng 6/2016, khi ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của Fulbright Việt Nam, Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng – một Giáo sư danh dự của trường Đại học Liège, Bỉ, từng có bài viết gửi cho RFA. Trong đó, ông nhận định về ông Kerry rằng :

"Nguyên là một sĩ quan quân đội Mỹ đã tích cực tham gia một cuộc chiến tàn khốc tại Việt Nam, đã chịu trách nhiệm về việc sát hại 20 người dân Việt Nam nhưng sau đó đã chân thành sám hối, cật lực vận động thành lập và điều hành trường để có ngày hôm nay. Còn tấm gương sám hối tích cực có tính lịch sử nào sinh động hơn ?"

Một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, ông Trần Bang, trong năm 2016, cũng đã đưa ra ý kiến với RFA về việc Việt Nam và Hoa Kỳ cần khép lại quá khứ chiến tranh và hướng đến hợp tác xây dựng, phát triển cho Việt Nam. 

"Tôi ‘bênh vực’ việc hướng đến tương lai, hướng thiện. Tôi cho rằng ngày xưa ông Bob Kerrey tham gia chiến tranh thì cũng như bất cứ vị sĩ quan nào cũng phải thực hiện các mệnh lệnh chính trị".

Nguồn : RFA, 22/08/2024

* Trong bài viết này RFA có ghi tên viết tắt của người phỏng vấn vì lý do an toàn.

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam