Công an bắt giang hồ thì nể trọng và coi như anh em ; còn bắt đồng chí, đồng đảng thì đối xử như kẻ thù.
Trong ngày 08/3, công an đã bắt 9 cán bộ thuộc 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long do liên quan tới vụ án tập đoàn Phúc Sơn. Đáng chú ý trong đó có bí thư tỉnh Vĩnh Phúc đương nhiệm Hoàng Thị Thuý Lan, cũng là trưởng đoàn đại biểu quốc hội, chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. Hai cán bộ đang tại chức khác là chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc kiêm phó bí tư Tỉnh uỷ Lê Duy Thành và ông Đặng Văn Minh, phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra còn có ông Cao Khoa, cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cũng bị bắt giam trong cùng vụ án.
Dư luận bất ngờ khi công an lập chốt chặn các tuyến đường vào nhà những bị can trên trong thời gian thực hiện khám xét. Mặc dù người bị khởi tố đều là những lãnh đạo cao cấp, nhưng lại bị phong tỏa xét nhà không khác gì tội phạm khủng bố. Lực lượng chức năng bao gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động đã kéo barie, dựng rào chắn, chặn các ngã tư đầu đường vào nhà những cán bộ này để cấm người và phương tiện ra vào.
Trong khi đó, đối với tội phạm nổ súng giết người, công an lại đối xử rất trọng nể. Ví dụ vụ án Cao Trọng Phú nổ súng bắn chết 2 người trước cổng nhà riêng (ở Nghệ An) hồi 30/4/2021. Theo thông tin báo chí lúc đó thì Phú là một tay giang hồ có số má tại địa phương. Còn theo đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thời điểm đó, thì Phú có biểu hiện bị hoang tưởng, ngáo đá.
Trước khi gây án, hắn ta đã nhiều lần tự dùng dao đâm vào xe, đâm giường ở nhà vì nghĩ có người đang lẩn trốn bên trong đó để giết, bắn mình. Hơn nữa, nổ nhiều phát súng giết 2 mạng người tức là Cao Trọng Phú đang tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Đã vậy, sau khi gây án, hắn ta còn ôm súng vào nhà đóng cửa cố thủ.
Thế nhưng trong vụ án chấn động dư luận này, tay sát thủ không hề bị còng tay trong quá trình áp giải ra khỏi nhà. Thậm chí lãnh đạo công an tỉnh Nghệ An còn tận tình mời tên tội phạm nguy hiểm này hút thuốc. Hình ảnh Cao Trọng Phú cầm trên tay điếu xì gà hiên ngang bước ra khỏi nhà khiến người ta dễ nhầm lẫn hắn là một anh hùng hơn là một sát thủ nguy hiểm vừa nổ súng giết chết 2 người cách đó vài tiếng đồng hồ.
Nhắc lại vụ mời sát thủ hút xì gà để thấy cách hành xử bội tình bạc nghĩa của công an với những người mà họ từng gọi là đồng chí. Thậm chí, có những chủ tịch, bí thư vẫn còn là lãnh đạo cấp trên của công an địa phương.
Công an bắt giang hồ thì nể trọng và coi như anh em ; còn đồng chí, đồng đảng thì đối xử như kẻ thù. Điều này cho thấy có sự cạnh tranh gay gắt giữa các đảng viên để đạt được vị trí và ảnh hưởng lớn hơn trong tổ chức. Sự ganh đua về quyền lực và của cải khiến cho người cộng sản ngày càng trở nên tham lam và tàn ác, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để loại bỏ đối thủ.
Việc đốt lò, xử lý những vụ án kinh tế liên quan tới chính trị này đối với ông Trọng là để thanh lý môn hộ, loại bỏ các đối thủ chính trị. Nhưng đối với cấp dưới, đây còn là cơ hội để họ hạ nhục, bôi nhọ đối phương bằng những thủ đoạn bỉ ổi. Tình trạng này không chỉ gây ra lo sợ, oán hận, mất đoàn kết trong nội bộ đảng mà còn làm xấu hình ảnh vốn đã không tốt đẹp gì của đảng trong mắt người dân. Đó cũng là lý do khiến nhiều cán bộ đảng viên phải tìm mọi cách "hạ cánh an toàn".
Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng đảng triệt hạ nhau khốc liệt như hiện nay, hạ cánh 5-10 năm cũng chưa chắc an toàn. Thậm chí xử lý đời cha không được, họ sẽ xử đời con. Chỉ có quay về với chính nghĩa, với nhân dân thì mới được bình yên, được sống và làm việc trong môi trường lành mạnh ; còn cứ đi theo đảng thì phải chuẩn bị tinh thần bị đồng đảng triệt hạ thôi vậy.
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 10/03/2024