Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đứa bé gái vô danh 6 tuổi bị tách rời khỏi người mẹ thân yêu vừa khóc vừa nói với nước Mỹ và thế giới. Con có số điện thoại của cô. Xin gọi cho cô để đón con về. Con hứa sẽ rất ngoan. Con bé dường như được mẹ đem đến biên giới Hoa Kỳ từ Nam Mỹ.

khoc2

Đứa bé gái vô danh 6 tuổi bị tách rời khỏi người mẹ thân yêu vừa khóc vừa nói với nước Mỹ và thế giới.

Chính sách của nước thiên đàng Hoa Kỳ nhân từ bao dung ngày nay là đem bỏ tù mẹ và cho trẻ con vào trại tập trung. Đứa bé vô tư không hiểu được hoàn cảnh của di dân Nam Mỹ đến từ các quốc gia địa ngục sau 2 tháng vạn lý trường chinh tìm đường vào Hoa Kỳ. Nó tưởng rằng vì không ngoan, không nghe lời nên mẹ đã bỏ con. Người mẹ đã tiên đoán những đau thương có thể xảy ra nên dạy con nhớ điện thoại của cô nó, có thể cũng đang là dân hợp lệ hay dân ở lậu tại nơi nào trên đất Mỹ. Đứa bé tiếp tục khóc thảm thiết. Con sẽ rất ngoan, xin gọi cho cô đón con về.

Tiếng khóc của đứa bé Nam Mỹ khốn khổ đã nghe được từ Texas, từ DC và từ NY. Các đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đều nghe thấy. Bà Bush ở Texas, bà Obama ở District of Columbia và bà Clinton ở New York. Thậm chí bà Trump ở Bạch Cung (Washington) cũng nghe thấy. Chẳng cần biết là Cộng Hòa hay Dân Chủ, chẳng cần nghiên cứu xem luật di dân và hiến pháp Hoa Kỳ đã quyết định ra sao, lương tâm nước Mỹ cũng sao xuyến rung động cùng các bà tổng thống. 

Trong khi đó, hai vị bộ trưởng trung thành với tổng thống Hoa Kỳ dứt khoát nói rằng phải bỏ tù tất cả các thành phần xâm nhập biên giới và tách rời con trẻ ra khỏi vòng tay các bà mẹ. Kể cả những đứa con chưa đủ một năm tuổi. Hai vị chính khách anh hùng đó là ông bộ trưởng tư pháp và bà bộ trưởng an sinh. Cả hai vị này ngày thường vẫn được ngài tổng thống chửi bới như gia nhân trong nhà.

Cùng với vị tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, các quan chức đều nói rằng việc bỏ tù dân vượt biên lậu là chuyện rất bình thường. Đồng thời cũng vì lý do rất nhân đạo, nước Mỹ là quốc gia thượng tôn pháp luật nên không thể bỏ tù trẻ con vô tội. Việc tách các trẻ em ra khỏi gia đình là công việc hợp lý và rất bình thường. Vì không thể trục xuất ngay đám tù di dân bất hợp lệ nên phải tạm giam. Rồi sẽ đem xử vài năm tù, sau đó vẫn tiếp tục tạm giam vì không biết bao giờ mới trục xuất được. Trong hoàn cảnh như vậy, nước Mỹ hết sức nhân đạo nên đã giải quyết trẻ em chia cách khỏi gia đình như đám trẻ mồ côi vô thừa nhận. Chia đám trẻ vô tội này cho các gia đình nhận con nuôi, số còn lại tiếp tục ở trong các trại tập trung với tương lai vô định.

Tổng thống vĩ đại cùng với hai ông bà bộ trưởng anh hùng trực tiếp trong vụ nầy hết lòng bênh vực cho cách giải quyết chia cách gia đình trong thời gian vừa qua. Đã có trên 3 ngàn trẻ em được tách rời và nhiều em đã được giao cho các gia đình cha mẹ nuôi khắp nước Mỹ. Báo chí đã đặt ra câu hỏi về tình trạng hết sức đặc biệt, một vấn nạn về pháp luật mà quốc gia thượng tôn luật pháp hoàn toàn bế tắc.

Gỡ đứa nhỏ từ tay bà mẹ trao cho người khác là tội ác hay bỏ tù đứa bé cùng bà mẹ là tội ác. Số cử tri đã từng ủng hộ và tiếp tục thương yêu tổng thống đã trả lời với 68% đồng ý tách rời trẻ con. Lý do đơn giản vì làm như vậy sẽ chấm dứt các gia đình đem con nhỏ xung phong vào nhà tù Hoa Kỳ. Trong khi đó các cử tri Dân Chủ tiếp tục không yêu thương ông Trump trả lời với 76% chống việc chia cắt gia đình. Không ai có giải pháp tiếp theo. Nếu không tách trẻ con ra khỏi tay bà mẹ thì phải cho mẹ con tự do hay cho cả hai vào tù.

khoc1

Tranh minh họa tách trẻ em và đoàn tụ gia đình

Nước Mỹ vẫn là quốc gia tiền tiến nên nuôi một người tù tốn kém gấp đôi nuôi một người thất nghiệp bên ngoài. Nuôi hai mẹ con trong tù thì lại tốn kém gấp 4 lần. Toàn thể nội các Hoa Kỳ cùng với hàng trăm nhà lập pháp và hàng chục ông bà tối cao pháp viện đều không nghĩ ra giải pháp. Tổng thống vẫn tự cho là nhà lãnh đạo tài ba và thông mình số một đang đưa Hoa Kỳ trở lại địa vị cao cả nhất hành tinh. Xem ra ông cũng lúng túng. Ông tự cho rằng đã bỏ được trọn gói những quả bom nguyên tử của Triều Tiên trong túi nhưng không giải quyết được việc trẻ con tỵ nạn.

Sau cùng những đứa bé vô tội từ các xứ ngục tù Nam Mỹ, bằng tiếng khóc và bằng những hình ảnh ngây thơ đứng ôm chân mẹ đã làm thay đổi luật pháp Hoa Kỳ. Một nhiếp ảnh gia chụp những tấm hình đứa bé ốm yếu nhỏ như cây kẹo đứng ngó lên bà mẹ đang bị cảnh sát tra vấn. Trong cuộc vạn lý trường chinh từ các quốc gia Nam Mỹ, bà mẹ ôm con ra đi vào chốn hãi hùng đã dỗ ngon dỗ ngọt các con ra sao. Chúng ta sẽ đi vào xứ thần tiên, sẽ không bao giờ bị bom đạn. Sẽ không bao giờ bị đói khổ. Sẽ rất nhiều kẹo bánh. Mẹ con sẽ ở với nhau. Trong những ngôi nhà mát mẻ và ấm áp. Những đứa con gọi cha là Papa và gọi mẹ là Mami. Mami không bao giờ bỏ con. Nhưng con phải rất ngoan. Phải luôn nghe lời mẹ. Khi có cảnh sát đến con không được khóc. Phải nín thinh. Nhưng con phải nhớ điện thoại của cô. Nếu mẹ bị lạc không ở bên con, con xin người ta gọi cho cô. Cô sẽ đến đón con. Cuối tuần qua, đứa con gái tưởng là nó không ngoan nên mẹ bỏ đi. Nó đã vừa khóc vừa nói rằng xin gọi cho cô đến đón con . Từ nay con sẽ rất ngoan. Để mong mẹ nó trở về. Tiếng khóc của nó đã động đến trời xanh. Hình ảnh của chúng nó đã làm lay động lương tâm Hoa Kỳ. Chuyến đi từ quê hương địa ngục trải qua bao nhiêu gian khổ đến nước thiên đàng, nếu thành công thì cũng là dân ở lậu. Nhưng khi qua biên giới bị bắt đã thành tội nhân. 

Những đứa con ngây thơ nhỏ bé như thiên thần vốn là ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời, nay đã bị bóc đi như bóc da bóc thịt. Vì vậy những cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi. Quốc hội vẫn còn trong tay đảng Cộng Hòa đa số quyết định không chia cách các gia đình. Sẽ bỏ phiếu thuận.

Con gái yêu của thống thống cũng không chịu được các hình ảnh chia cách trẻ con ra khỏi vòng tay bà mẹ. Cô cũng là bà mẹ có những đứa con. Sau cùng chiều thứ tư, ông tổng thống ký sắc lệnh tượng trưng là ông cũng đồng ý không chia cắt các gia đình. Hai vị công bộc là bộ trưởng tư pháp và bộ nội an vừa ngỡ ngàng vừa bẽ bàng. Nhưng chưa ai biết giải pháp cho sáng kiến không tách rời gia đình tuyệt vời như thế làm sao thực hiện. Cho cả mẹ con tự do hay cho cả hai mẹ con vào tù. Tổng thống anh minh của chúng ta có thể nói rằng trong cái trại tập trung này mẹ sẽ ở tù và con sẽ vào thăm viếng rất dài hạn.

Nhưng đau đớn thay, hiện nay có cả ngàn trẻ em đã được giao cho cha mẹ nuôi khắp nước Mỹ. Các cán bộ xã hội Mỹ đã đánh lừa nói là đem trẻ con đi tắm và khám bệnh rồi đưa lên xe chạy tuốt. Nhiều hồ sơ thất lạc vì tưởng là lệnh tổng thống sẽ không nói đi nói lại. Bây giờ làm sao mà đoàn tụ. Đoàn tụ trong tù ?

Giao Chỉ (San Jose)

Nguồn : Vietbao, 22/06/2018

********************

Sự thật đằng sau trang bìa "Chào mừng đến nước Mỹ" của tạp chí TIME (CaliToday, 22/06/2018)

Tạp chí Time lên tiếng bênh vực trang bìa số báo mới đang bị chỉ trích đã mô tả không chính xác một em bé bị tách khỏi bố mẹ di dân vượt biên bất hợp pháp.

đian1

Trang bìa tạp chí Time - Photo Credit : Time

"Tấm hình bé gái Honduras 2 tuổi chụp vào ngày 12 tháng 6 trở thành biểu tượng rõ nhất về cuộc tranh cãi về di dân đang diễn ra tại Mỹ vì có lý do", Phát ngôn nhân tạp chí Time ghi trong thông báo. "Theo chính sách của chính phủ, trước khi được đảo ngược trong tuần này, tất cả những ai vượt biên giới bất hợp pháp đều sẽ bị truy tố hình sự, dẫn đến hậu quả là việc chia cắt trẻ em khỏi bố mẹ", Time cho hay. "Trang bìa và tường trình của chúng tôi bắt được khoảnh khắc quan trọng này".

Trang bìa số mới nhất của tạp chí có nền màu đỏ, và hình bé gái Honduras 2 tuổi ngẩng mặt khóc, còn Tổng thống Donald Trump đang nhìn xuống bé, kèm theo dòng chữ "Chào mừng đến nước Mỹ".

Hình ảnh trang bìa được lan truyền với tốc độ chóng mặt trong bối cảnh truyền thông liên tục tường trình, bình luận về chính sách tách rời trẻ em khỏi bố mẹ di dân khi họ đang chờ thủ tục truy tố vì đã vượt biên bất hợp pháp. Có khoảng 2300 trẻ em di dân bị ảnh hưởng bởi chính sách này, và vào hôm thứ Tư, ông Trump ký sắc lệnh chấm dứt chích sách chia cắt này nhưng vẫn giữ chính sách "bất khoan dung" đối với di dân vượt biên.

Tuy nhiên, người bố bé gái trong hình trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ 5 lại cho hay, con gái anh ta chưa bao giờ bị tách khỏi mẹ. Vào lúc đó, bé chỉ bị giữ riêng trong chốc lát khi nhân viên biên giới khám xét bố mẹ.

Bên cạnh đó, theo Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế, mẹ bé gái này bị trục xuất vào năm 2013.

Giới bảo thủ lập tức chỉ trích Time, cho rằng đây là một ví dụ của "tin tức giả, và thành kiến cấp tiến, hay truyền thông lường gạt. "Trang bìa gây sốc của Time hoàn toàn là bịa đặt. Không nghi ngờ tại sao người Mỹ không tin truyền thông", Daily Wire giật tít.

Hương Giang (theo The Wire)

Published in Diễn đàn