Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Học phí đại học tăng : thêm gánh nặng cho các bậc phụ huynh

Mai Lan, VNTB, 19/05/2022

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, từ năm học 2022 – 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 – 3,5 triệu đồng/tháng (50 – 150 USD/tháng).

hocphi4

Học phí trường công tăng mạnh từ niên khóa sắp tới đây. Tranh minh họa

So với năm học 2021 – 2022 thì mức trần học phí năm học 2022 – 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng (62 USD) sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng (105 USD). Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.

Đơn cử, năm học 2022-2023, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến thu học phí 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025-2026 là 48 triệu đồng.

Tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021, học phí của trường đã tăng thêm 24%.

Lý giải về mức tăng này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay bắt đầu từ khóa tuyển sinh 2022-2023, các trường đại học phải xây dựng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, nhà trường đã xác định học phí của chương trình đào tạo. Mức học phí này đã được hội đồng đánh giá, nghiệm thu và phê duyệt từ cơ quan chủ quản là Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí của chương trình đào tạo chuẩn dao động 22 – 28 triệu đồng/năm (950 – 1.210 USD), chương trình ELiTECH dao động 40 – 45 triệu đồng/năm (1750 – 1.942 USD).

Chương trình đào tạo khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin Việt – Pháp, logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học phí dao động 50 – 60 triệu đồng/năm (2.160 – 2.590 USD), chương trình tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động 45 – 50 triệu đồng/năm ; chương trình đào tạo quốc tế dao động 55 – 65 triệu đồng/năm (2.375 – 2 805 USD/năm), chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) khoảng 80 triệu đồng/năm.

Theo lãnh đạo nhà trường, đề án học phí của trường theo cơ chế giá, căn cứ vào chi phí đào tạo. Với một chương trình riêng lẻ học phí tăng không quá 10% một năm so với chương trình hiện hành và mọi thu chi đều được nhà trường thông báo tới người học.

Năm học tới, hệ đại trà của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.

Một đại học khác có mức tăng học phí khá mạnh là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2022, trường thực hiện đổi mới, tự chủ về học phí, vì vậy, mức thu học phí của trường dự kiến tăng lên từ 16-60 triệu đồng/năm.

Cụ thể, học phí nhóm ngành khoa học xã hội từ 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học ; học phí nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch từ 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm học. Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.

Tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022 dự kiến 64-72 triệu đồng/năm (tùy ngành).

Trong khi đó, tại Trường Đại học Hoa Sen (đây là trường của tư nhân), học phí năm học 2022 với 33 ngành và 10 chương trình đào tạo bậc đại học chính quy sẽ dao động từ 80-85 triệu đồng/năm học. Riêng chương trình song bằng sẽ có mức phí trung bình 85,5 triệu đồng/năm ; Hoa Sen Elite sẽ có mức học phí 115-120 triệu đồng/năm.

hocphi1

Đối với hầu hết bậc phụ huynh thì học phí tăng đồng nghĩa với việc tăng áp lực tài chính, chồng chéo thêm nhiều nỗi lo. Đặc biệt, đối với các gia đình ở nông thôn, học phí cho con sẽ là khoản chi tiêu quá sức.

Người viết cho rằng tổng định mức đào tạo cho một sinh viên thường từ 3 nguồn : Chi phí hỗ trợ từ nhà nước và các nguồn tài trợ ; học phí ; vay tín dụng.

Như vậy thì chiến lược phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dựa chủ yếu vào học phí như của người học theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, là không ổn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành một thời gian dài khiến kinh tế nhiều gia đình đang kiệt quệ, chưa kể nhiều học sinh – sinh viên đã mất mẹ, mất cha vì Covid, nay lại đối mặt nỗi lo tăng học phí.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 19/05/2022

************************

Tăng học phí trường công vì ngân khố… cạn tiền ?

Mai Lan, VNTB, 16/05/2022

Một nghị định được phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành cho phép tăng học phí trường công lập theo mức tối đa 15%/năm.

hocphi2

Việc tăng học phí này có thể giúp các trường cân đối nguồn thu để tổ chức các hoạt động đó bên cạnh việc xã hội hóa giáo dục.

Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, thì, "Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm" – trích điều 5.2.

Điều 9.2 ghi :

Khung học phí năm học 2022 – 2023

a) Khung học phí (mức sàn – mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau :

hocphi3

Đơn vị : nghìn đồng/học sinh/tháng

Từ căn cứ pháp lý trên, theo dự thảo về chuyện tăng học phí do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang đưa ra lấy ý kiến, thì ở bậc mầm non, trẻ thuộc địa bàn các quận tại Thành phố Hồ Chí Minh lớp nhà trẻ sẽ nâng học phí từ 200.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, mức tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng ; trẻ thuộc các huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm nhà trẻ giữ nguyên mức học phí 120.000 đồng/học sinh/tháng ; trẻ ở các quận Thành phố Hồ Chí Minh các lớp mẫu giáo sẽ tăng học phí từ 160.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tức tăng 140.000 đồng/học sinh/tháng ; trẻ mẫu giáo ở các huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giữ nguyên mức học phí 100.000 đồng/học sinh/tháng, không tăng.

Dự thảo cũng đưa ra mức học phí dự kiến hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học thuộc các quận và TP Thủ Đức là 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với các học sinh đang học tại các trường tư thục trên địa bàn chưa đủ trường công lập và những đối tượng thuộc đối tượng được miễn giảm học phí theo quy định.

Và mức hỗ trợ dự kiến tương tự cho học sinh tiểu học thuộc các huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh là 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Ở bậc trung học cơ sở, học sinh bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên trung học cơ sở ở các quận sẽ đóng mức học phí từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước ; học sinh bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên trung học cơ sở thuộc các huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đóng học phí từ 30.000 đồng/học sinh/tháng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.

Ở bậc trung học phổ thông, học sinh thuộc các quận Thành phố Hồ Chí Minh bậc trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trung học phổ thông sẽ tăng từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng ; học sinh thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ bậc trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trung học phổ thông sẽ tăng học phí từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Theo văn bản giải trình về đề xuất tăng học phí như trên, phía Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nêu nguyên nhân từ ba vấn đề. Thứ nhất là thêm nguồn tiền để cải cách tiền lương cho giáo viên, phục vụ lộ trình tăng lương cơ bản vùng của giáo viên. Thứ hai nhằm tăng phần tự chủ của các trường, và thứ ba là phục vụ chương trình mới giúp trường tổ chức các hoạt động giáo dục.

Theo đó, nhà trường được giữ lại 40% học phí để làm nguồn cải cách tiền lương cho giáo viên, phần còn lại để hỗ trợ các hoạt động của trường. Yêu cầu của chương trình mới ngày càng cao hơn nên việc tăng học phí này có thể giúp các trường cân đối nguồn thu để tổ chức các hoạt động đó bên cạnh việc xã hội hóa giáo dục.

So với khung tại Nghị định 81/2021, thì học phí dự kiến của Thành phố Hồ Chí Minh ở mức sàn, là mức thu thấp nhất. Tuy nhiên, so với học phí của các năm học trước, mức thu học phí mới dự kiến tăng cao gấp 5 lần.

Ghi nhận phản ứng ban đầu của phụ huynh trước tin tức tăng giá học phí :

– "Rất là ngạc nhiên, vì từ xưa đến nay, từ đông sang tây, đã gọi là trường công lập thì hoàn toàn không phải đóng bất cứ khoản phí nào".

– "Nhìn các nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông miễn phí xong nhìn lại nước ta thấy nhói lòng".

– "Thành phố với tiềm năng kinh tế hãy tiến tới miễn học phí để khuyến khích các em học tập sau này xây dựng phát triển thành phố tốt đẹp hơn".

– "Bình thường bây giờ phụ huynh đã gánh rất nhiều loại phí cao hơn cả tiền học phí, bây giờ tăng học phí thì càng thêm gánh nặng".

– "Dù dịch bệnh đã qua nhưng thời điểm ‘giá’ như hiện nay học phí dù tăng thêm ít cũng phải cân nhắc, chứ tăng nhiều như vậy rất khó cho phụ huynh. Mỗi tháng tăng lên một ít góp phần làm cho các loại chi phí của mỗi gia đình tăng lên rất nhiều"…

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 16/05/2022

***********************

Phản biện chính sách tăng học phí

Phú Nhuận, VNTB, 16/05/2022

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng dự thảo nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ.

hocphi8

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng học phí mầm non, phổ thông.

Theo dự thảo, ngoài bậc tiểu học không thu học phí thì các bậc học khác sẽ tăng học phí.

Dưới đây là ghi nhận ý kiến phản biện của một nhà báo từng có thời gian làm thầy giáo ở Sài Gòn.

Trong tình hình hậu quả của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tại thành phố thời gian vừa qua vẫn còn để lại nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đồng thời các vấn đề biến động về chính trị – xã hội trên thế giới như chiến tranh, lạm phát… cũng tác động nhiều đến giá cả, chi phí sinh hoạt như xăng dầu, nhiên liệu, thực phẩm… tăng giá, do đó việc đề xuất tăng học phí tại thời điểm này là vấn đề hết sức nhạy cảm chính trị.

Năm học 2021-2022, thành phố giữ nguyên khung mức thu học phí không thay đổi so với năm học 2020-2021. Tuy nhiên, do tác động bởi dịch Covid-19 học sinh cấp học mầm non, tiểu học, trung học tạm dừng đến trường, kinh tế người dân ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong học kỳ 1 và học kỳ 2 năm học 2021-2022.

So sánh năm học 2022-2023 với năm học trước thì mức thu học phí năm học 2022-2023 tăng ở tất cả các cấp học, cụ thể như sau :

Mức học phí trường ngoài công lập được xây dựng theo nguyên tắc thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh người học nhưng thực tế trong tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 vừa qua là chưa có tiền lệ, các trường phải chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến (online), dẫn đến phát sinh vấn để thay đổi mức học phí.

Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng của quận-huyện đã cố gắng phối hợp giải quyết theo quy định pháp luật nhưng vẫn phát sinh những tranh chấp do không thể đảm bảo hài hòa được lợi ích của các bên trong quan hệ dân sự này.

Ngoài ra các đơn vị ngoài công lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên mức thu học phí phải đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, tuy nhiên cần thấy rằng ở đây đang đồng thời chưa có kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng để phân định rõ sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho người học thông qua chính sách đất đai, thuế, tín dụng mà người học được hưởng phần hỗ trợ của nhà nước để bù trừ trong giá học phí.

Như vậy việc thực hiện triển khai chủ trương ở một số cấp học phổ thông và đặc biệt đối với bậc học mầm non khi xác định các mức thu chỉ tính đến yếu tố kinh tế để thu học phí của học sinh sẽ gây khó khăn cho bộ phận dân nhập cư, công nhân lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Ghi nhận tính đến thời điểm hiện tại thì theo thông báo ở trường phổ thông Quốc tế Đức (IGS), năm học 2022-2023, cấp trung học từ lớp 7 đến lớp 9 có mức học phí là 426,5 triệu đồng/năm. So với năm 2021-2022, mức học phí này tăng thêm khoảng 12 triệu đồng. Cũng trong năm học tới, học phí cho học sinh các lớp 1 đến lớp 4 là 333,5 triệu đồng/năm, lớp 5 đến lớp 6 là 356,5 triệu đồng/năm. Các mức phí này đều cao hơn năm học 2021-2022 khoảng 10 triệu đồng.

Ở trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA), năm học 2021-2022, học phí từ lớp 1 đến lớp 12 ở các chương trình khác nhau dao động từ 436,517 triệu đồng/năm đến 655,757 triệu đồng/năm. Đến năm học sau 2022-2023, mức học phí này dự kiến sẽ tăng thêm từ 13-33 triệu đồng tùy khối lớp. Cụ thể, học phí lớp 1 chương trình PYP sẽ tăng lên khoảng 449,612 triệu đồng/năm, trong khi lớp 12 chương trình DP chạm mức 688,544 triệu đồng/năm.

Với trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS), trong năm học 2022-2023, học phí lớp 10 và 11 là 242,8 triệu đồng/năm. Lớp 12 là 247,2 triệu đồng/năm. Mức phí mới này tăng khoảng 20 triệu đồng so với niên khóa trước đó. Cụ thể trong năm học 2021-2022, mức học phí của khối trung học phổ thông theo biểu phí được tính chung cho 3 lớp (10, 11, 12) là 226,8 triệu đồng/năm.

Tương tự trong năm 2022-2023, học phí khối trung học cơ sở cũng tăng nhẹ từ 183,6 triệu đồng/năm (năm học 2021-2022) lên mức 196,8 triệu đồng/năm (từ lớp 6 đến lớp 8) và 200,4 triệu đồng/năm (lớp 9).

Phú Nhuận

VNTB, 16/05/2022

**********************

Thành phố Hồ Chí Minh tăng học phí gấp năm lần : thêm áp lực kinh tế lên gia đình thu nhập thấp

RFA, 17/05/2022

Dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh đang được lấy ý kiến. Theo đó mức học phí dự kiến có thể sẽ tăng cao nhất là gấp năm lần.

hocphi5

Từ năm học 2022-2023, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng học phí cấp THCS từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, các cấp học khác tăng 70.000-180.000 đồng/tháng, tùy khu vực.
Ảnh : Nguyệt Nhi

Gánh nặng cho phụ huynh

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người lao động phổ thông trong tình cảnh cạn kiệt tài chính sau nhiều tháng không được đi làm do dịch Covid-19. Giờ đây, đại dịch vừa giảm nhiệt, những người này bắt đầu đi làm trở lại thì lạm phát tăng cao. Giá xăng từ ngày 11/5 đã tiến sát mốc 30 ngàn đồng/lít, cao kỷ lục từ trước đến nay, điều này kéo theo giá cả hàng loạt mặt hàng khác đều tăng.

Một số phụ huynh nói với RFA rằng nếu học phí tăng thêm gấp năm lần thì đó sẽ lại là một gánh nặng lớn cho mặt bằng chung các gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh :

"Nếu học phí mà tăng lên gấnăm lần thì cuộc sống sẽ rất chật vật, không chị đối với gia đình tôi, mà tôi nghĩ đối với tất cả mọi người !" - Chị T, một người dân làm nghề buôn bán cho biết.

"Nhà tôi có hai cháu, một mới xong tiểu học, một sắp vào đại học. Nếu tăng học phí như thế thì rất là căng ! Tăng học phí mà lương thì đâu có tăng !" - Ông Sơn, một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA.

Theo chị T, với công việc buôn bán ngoài chợ, mỗi tháng chị kiếm được tám triệu đồng. Đó cũng chính là mức lương của công nhân, hay thậm chí là giáo viên tiểu học và mầm non hiện nay. Nếu sắp tới mà học phí tăng thì chắc chắn là một gia đình hai vợ chồng sẽ không đủ nuôi hai con ăn học.

Bà L, một giảng viên hiện đang ở Đồng Tháp cảnh báo rằng, nếu tăng mức học phí trong thời điểm này, có thể khiến cho học sinh ở các vùng ven, hay các tỉnh nghèo phải bỏ học giữa chừng :

"Tăng học phí như thế mà ở nông thôn, vùng ven có nhiều gia đình nghèo thì con cái sẽ bỏ học sớm và nhiều. Đó là điều chắc chắn".

Chất lượng đào tạo có tăng theo học phí ?

Theo dự thảo Nghị quyết này, học phí ở nhóm Trung học Cơ sở sẽ tăng mạnh nhất, từ 60 ngàn đồng/tháng lên đến 300 ngàn đồng/tháng. Nhóm Trung học phổ thông tăng từ 120 ngàn đồng/tháng lên 300 ngàn đồng mỗi tháng.

Bà M, một giảng viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn hai mươi làm việc trong môi trường giáo dục, nói với RFA rằng bà không đồng tình chuyện tăng học phí trong thời điểm hiện nay :

"Trong thời điểm này mà tăng học phí tôi thấy là không hợp lý. Bởi vì chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay không có gì thay đổi so với giai đoạn trước. Khi mà chất lượng không thay đổi thì không có lý do gì để mà tăng học phí hết, thế mà lại đòi tăng học phí đến năm lần thì đó là điều vô lý".

Theo lý giải của Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì mức thu học phí thấp và không tăng trong suốt sáu năm qua. Mỗi năm thành phố này dành 20% ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo. Nhưng cũng chỉ đảm bảo cơ bản chế độ cho đội ngũ, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, cho nên phải giải quyết từ học phí mới có thể đáứng được yêu cầu đổi mới, phát triển.

Bà M, đánh giá rằng việc tăng học phí chưa hẳn đã làm tăng chất lượng giáo dục. Cụ thể, bà nêu ví dụ là nơi mình đang làm việc, trong hai năm qua, trường đại học này mở ra chương trình gọi là "đào tạo chất lượng cao". Theo đó, sinh viên nào muốn theo học chương trình này sẽ phải đóng tiền cao hơn. Nhưng sau hai năm, bà M, cho rằng chất lượng giảng dạy vẫn vậy, và lương giáo viên cũng không được tăng theo học phí mà sinh viên đóng :

"Trong hai năm nay họ đặt ra một cái chế độ chất lượng cao để thu tiền cao hơn rất nhiều so với trước đó, nhưng trên thực tế thì chất lượng dạy học vẫn vậy. Và về cơ bản lương của giáo viên vẫn không thay đổi, có chăng thì phúc lợi sẽ được chia cho những người ngoan ngoãn, những người trong nhóm lợi ích sẽ được hưởng".

Lương giáo viên không đủ sống

Cả hai giảng viên mà Đài Á Châu Tự do phỏng vấn trong bài viết này đều khẳng định rằng lương cơ bản của giáo viên, giảng viên hiện giờ không thể đủ sống, dù là ở thành phố lớn hay ở tỉnh thì thực tế là nhiều giảng viên có cuộc sống rất chật vật. Bà M, nói :

"Lương cơ bản hiện nay của giáo viên là không đủ sống. Tôi là một giảng viên đại học công tác hơn 20 năm trong ngành giáo dục mà lương của tôi chắc chắn là thấp hơn một người thiếu uý trong lực lượng công an. Lương của tôi thực ra nó cũng chỉ nhỉnh hơn những người công nhân nhà máy lp ráđiện tử khoảng 20 phần trăm mà thôi. Chỉ vậy mà thôi, hoàn toàn là không đủ sống !"

Thậm chí, giảng viên tên L, còn khẳng định lương giảng viên và giáo viên đúng là "thấp so với mặt bằng chung của xã hội, thuộc diện thu nhập thấp. Do đó, chính nhà giáo cũng rất áp lực".

Bà L, cho rằng để tăng chất lượng giáo dục đào tạo, một trong các tiêu chí là lực lượng giảng dạy phải được tăng lương và mức lương phải đủ sống. Tuy nhiên, tiền tăng lương sẽ không phải là từ nguồn thu do tăng học phí :

"Để tăng chất lượng giáo dục thì lương giáo viên phải được tăng lên cũng là một trong những tiêu chí, nhưng không được lấy nguồn tiền từ học sinh để tăng lương cho giáo viên, mà phải lấy từ các nguồn khác. Có nghĩa là nhà nước phải trích thêm nguồn ngân sách cho giáo dục chứ không phải lấy tiền học của học trò để tăng lương cho giáo viên".

Theo bà M, nghịch lý ở Việt Nam là ngân sách được chi cho Bộ Công an lớn hơn gấp nhiều lần so với chi cho y tế, giáo dục :

"Các trường công lập là phải được sử dụng tiền trong ngân sách quốc gia để xây dựng cơ sở vật chất, thế mà phụ huynh học sinh vẫn phải đóng tiền để xây dựng trường và đủ các loại phí khác.

Tôi tôi đang sống trong một xã hội độc tài, và những người lãnh đạo đang muốn duy trì quyền lực thì họ phải nuôi bộ máy công an.

Bổng lộc được rót vào cho bộ máy công an để duy trì quyền lực cho lãnh đạo, vì thế cho nên y tế và giáo dục sẽ bị đưa xuống dưới rất thấp, khác với nhiều nước khác là giáo dục và y tế phải được đưa lên ưu tiên hàng đầu trong xã hội".

Trong Nghị Quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Tổng số tiền dự kiến chi cho Bộ Công an là hơn 96.100 tỷ đồng, gấp khoảng 13 lần Bộ Giáo dục. Bộ này chỉ được rót về hơn 7100 tỷ đồng trong năm 2021.

******************

Lương giáo viên vẫn quá thấp so với thiên chức "trồng người"

Diễm Thi, RFA, 17/05/2022

Đầu năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21 tháng 2 cùng năm, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.

hocphi6

Ảnh minh họa. Hình ảnh cô và trò ngày khai giảng năm học mới tại 1 trường học ở Hà Nội.

Mức lương giáo viên cũng là vấn đề được nhiều người trong ngành giáo dục nói đến từ lâu. Có người cho rằng, muốn thay đổi hay vực dậy ngành giáo dục có quá nhiều tiêu cực trong những năm qua, điều đầu tiên cần làm là tăng lương cho giáo viên.

Cố Giáo sư Hoàng Tụy, lúc sinh thời giữ chức Viện trưởng Viện Toán học, từng nói thẳng rằng, nếu không tăng tiền lương cho thầy cô giáo thì mọi hô hào cải cách giáo dục đều vô nghĩa. Cải cách giáo dục phải bắt đầu bằng chuyện, người làm nghề giáo ít nhất phải sống được một cách đàng hoàng bằng lương, không phải lo lắng gì chuyện mưu sinh.

Đến nay, qua nhiều lần cải cách giáo dục, mức lương căn bản của giáo viên vẫn bị coi là quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu. Thầy giáo Ngọc Sơn ở Sài Gòn nhận định nguyên nhân qua ứng dụng Facebook Messenger với RFA :

"Theo mình nghĩ có hai nguyên nhân. Thứ nhất, đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam rất thấp. Thứ hai, giáo viên là viên chức Nhà nước nên lãnh lương cũng theo quy định lương công chức viên chức mặc dù có thêm các khoản phụ cấp ưu đãi nhưng nhìn chung cũng khó đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống. Vì vậy, ban giám hiệu muốn khá thì tìm cách bòn rút ngân sách, lạm thu, ăn chặn tiền của giáo viên lẫn học sinh (gọi chung là tiêu cực). Còn về phía giáo viên, giáo viên muốn khá phải dạy thêm tràn lan thậm chí ép học sinh học thêm. Cả hai trường hợp trên đều rất ít bị xử lý (báo chí phát hiện làm rùm beng một thời gian rồi đâu cũng vào đấy). Có thể hiểu ngầm đây là một đặc ân để câu lòng trung thành với chế độ".

Nhiều người cho rằng, với mức lương quá thấp không đủ sống, một số giáo viên đã ‘sa ngã’ khi tìm cách kiếm thêm thu nhập không xứng với chức danh cũng như sự kính trọng mà xã hội dành cho họ bấy lâu nay.

Có thể nêu vài ví dụ : Đầu tháng 1 năm 2021, một giảng viên của Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam 'vòi vĩnh', nhận tiền của 44 sinh viên với tổng số tiền hàng chục triệu đồng. Hội đồng Nhà trường đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với giảng viên này, buộc trả lại tiền cho học sinh. Một tháng sau, một giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh của Trường đại học Hoa Sen đã chủ động gợi ý sinh viên đóng mỗi người 500.000 đồng để được nâng điểm thi học kỳ môn này.

77777777777777777777

Học sinh trong một lớp tiểu học ở Hà Nội. AP

Trao đổi với RFA về vấn đề tiền lương giáo viên vào sáng 17 tháng 5 năm 2022, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư danh dự của Đại học Liege, nêu quan điểm của ông :

"Với cái số lương hiện nay mà chi cho các giáo sư đại học Việt Nam thì chỉ đủ ăn buổi sáng buổi trưa thôi là hết rồi cho nên nó không hợp lý tí nào và có thể nói là nó bóc lột sức lao động của các trí thức Việt Nam.

Nhớ lại cái thời Việt Nam Cộng Hòa đó thì dạy ở trường trung học hay cả tiểu học thì cũng đủ nuôi cả gia đình. Còn bây giờ các nơi thì phải đi dạy thêm đi dạy ngoài trường tư thục thì mới đủ sống cho nên mà cái số lương mà họ nói họ tăng cường thì chỉ là ve vãn và an ủi thôi, chứ cái số lương chính thức của một vị giáo sư đúng nghĩa có học vị tiến sĩ quốc tế thì không phù hợp, không đủ và rất là tệ hại. Nhà nước có chính sách tăng lương nhưng lương thấp quá cho nên có tăng cũng chả ăn thua gì".

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có buổi làm việc với Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện Bộ Giáo dục đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương.

Đề nghị của ông Nguyễn Kim Sơn không nhận được đồng tình của nhiều người dân và cả một số nhà giáo. Đa số cho rằng, làm như thế thực chất là một hành vi phản giáo dục ; là trái với nguyên lý giáo dục Việt Nam.

Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, thay vì thu học phí cao trường công thì hãy để trường tư làm việc đó với điều kiện trường tư phải được đầu tư đúng cách. Nếu làm được như thế, hệ thống trường tư sẽ hỗ trợ nhà nước rất nhiều trong việc chi trả lương cho giáo viên, giúp họ có thu nhập xứng đáng với vai trò của một người mang kiến thức đến cho xã hội.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải thích :

"Sự thực thì tôi cho rằng cái cách thức phát triển giáo dục ở Việt Nam nó không đồng bộ. Vấn đề lương thì thực sự mà nói thì nó phụ thuộc vào rất nhiều cái phát triển trường tư. Phát triển với hình thức đây là giáo dục chất lượng cao, kinh phí trả rất là lớn thành ra nó bó hẹp lại khu vực trường tư là chỉ cho những nhà giàu chứ nó không có các dạng trường tư cho người có thu nhập trung bình, để nó gánh vác việc giáo dục ở một mức độ phổ cập lớn hơn. Chính vì vậy mà khu vực công phải gánh vác quá nhiều và khi gánh vác quá nhiều, kể cả việc chi lương cho giáo viên thì không kham nổi. Chính vì vậy mà giáo dục ở Việt Nam nó vẫn vướng phải cái vòng luẩn quẩn.

Chính vì vậy, tôi cho cái cấu trúc giữa trường công và trường tư, giữa khu vực chất lượng cao đòi hỏi nhiều tiền với khu vực mà giáo dục có chất lượng trung bình, chi phí chấp nhận được và khu vực công miễn phí hoàn toàn, nhà nước gánh vác hoàn toàn, đảm bảo cho những người nghèo mà quốc tế người ta vẫn làm, thì Việt Nam lại đôi khi có cái tư duy về phát triển trường tư theo kiểu của những đại gia đầu tư vào giáo dục. Tôi cho là không thành công. Hiện nay, việc giải quyết câu chuyện lương cho giáo viên là cực kỳ khó".

Giáo sư Võ cho rằng, nếu Công đoàn giáo dục Việt Nam - một công đoàn có vai vế rất lớn, quyết định nhiều thứ cho giáo dục - lên tiếng mạnh mẽ về chế độ tiền lương cho giáo viên thì mọi việc có thể được thay đổi. Tiếc rằng đến nay, lương giáo viên vẫn thuộc loại thấp, không xứng đáng cho thiên chức "trồng người" của họ.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 16/05/2022

Published in Diễn đàn