Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên nói gì về tranh chấp đất đai giữa Giáo hội và chính quyền Hà Nội ?

Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên được Tòa thánh La Mã bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng Giám mục Giáo Phận Hà Nội, thay thế Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, người được Giáo hoàng Phan Xi Cô chấp nhận đơn từ chức và cho nghỉ hưu. Quyết định của Vatican được công bố lúc 12 giờ trưa hôm thứ Bảy 17/11/2018, giờ Rome, tức 6 giờ chiều Việt Nam.

Nhân dịp này, Diễm Thi của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn ngắn với tân Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, Giuse Vũ Văn Thiên, về một số vấn đề liên quan Giáo hội Công giáo Việt Nam và mối quan hệ giữa Hà Nội với Vatican.

tgm1

Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa Courtesy of baoconggiao.net

Diễm Thi : Trước hết Diễm Thi xin chúc mừng Giám mục trong vị trí mới là Tổng Giám mục Hà Nội. Thưa Giám mục, thời quan qua thì Giáo hội Việt Nam có những đóng góp gì cho sự phát triển chung của đất nước ạ ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Trước hết tôi xin chào chị và kính chào quý vị thính giả. Trong suốt bề dày lịch sử truyền giáo tại Việt Nam 400 năm thì đóng góp rất là nhiều cho xã hội Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam.

Trước hết phải nói đến chữ viết mà chúng ta có hôm nay là nhờ sự cộng tác của các giáo sĩ người Châu Âu mà các Ngài muốn đem cho chúng ta nền văn minh mà hôm nay chúng ta được thừa hưởng.

Thứ hai nữa là rất nhiều công việc bác ái và hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực từ thiện và lĩnh vực giáo dục. Trải qua nhiều giai đoạn và bây giờ Giáo hội cũng đang cố gắng để tiếp tục truyền thống ấy. Tuy rằng ở Việt nam thì các nhà dòng và Giáo hội nói chung chỉ có thể có trường mẫu giáo mầm non thôi còn các cấp học cao hơn thì chúng tôi vẫn đang đề nghị với nhà nước và hy vọng trong tương lai chúng tôi có thể có những trường học để có những hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực giáo dục.

Diễm Thi : Hoạt động của Giáo hội có gặp sự trở ngại nào từ chính phủ Hà Nội không, thưa Giám mục ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Như tôi vừa nói thì ngành giáo dục chỉ có thể mở lớp mẫu giáo mầm non thôi. Về bệnh viện công giáo thì chúng tôi cũng chưa thể thành lập dù Giáo hội rất là mong muốn. Trong một vài hoạt động tôn giáo thì chúng tôi vẫn còn những hạn chế. Ví dụ Giáo hội với tư cách là Giáo hội thì không được phép mua đất đai để xây dựng nhà thờ hoặc cơ sở tôn giáo. Đó là một trong những hạn chế rất là lớn.

Và nhìn chung thì những hoạt động tôn giáo như tổ chức lễ hay sửa nhà thờ, xây nhà thờ tại những nơi đã có sẵn thì không gặp khó khăn, nhưng những khu đô thị mới mà muốn xây nhà thờ thì chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn. Và một vấn đề lớn khó khăn hiện nay là đất đai của Giáo hội, của các dòng tu mà nhà nước đã công hữu hóa ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975.

tgm2

Tổng giám mục Giuse cùng Đức Hồng Y Phêrô tiến vào Nhà Thờ Chính Tòa. Courtesy of baoconggiao.net

Diễm Thi : Tháng trước, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội có gửi một đơn kiến nghị khẩn cấp đến chính quyền Hà Nội phản đối việc xây dựng trên khu đất thuộc sở hữu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, là trường Dũng Lạc. Theo Giám Mục thì hướng giải quyết như thế nào ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Ngay hôm nay tôi mới nhận chức tại Hà Nội cho nên tôi cũng chưa tìm hiểu kỹ vấn đề, nhưng nhìn chung thì với tư cách là một người lãnh đạo Giáo hội thì chúng tôi cũng mong muốn là Nhà nước giải quyết cho chúng tôi những phần đất đai thuộc về Giáo hội.

Và chúng tôi, đương nhiên với tư cách là người lãnh đạo Giáo hội thì chúng tôi cố gắng để bảo vệ tài sản của Giáo hội, bởi vì đó cũng là yêu cầu rất cấp thiết.

Về vụ việc thì tôi chưa nắm rõ bởi hôm nay tôi mới nhận địa phận một cách chính thức, nên tôi chưa thể nói điều gì rõ hơn hay sâu hơn được.

Diễm Thi : Ở Việt Nam có những trường hợp Nhà nước mượn nhà của bên Giáo Hội nhưng lại không trả khi Giáo hội cần. Vậy Giáo hội sẽ phải làm gì, thưa Giám mục ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Trong những lần gặp gỡ các vị đại diện trong chính quyền thì chúng tôi cũng vẫn nói cái điều mà chị vừa nói. Chúng tôi cũng mong muốn làm sao để thể hiện được sự công bằng, bởi vì khi Giáo hội có nhu cầu thì chúng tôi cũng vẫn nhiều lần đề nghị, và chúng tôi hy vọng có sự cảm thông hơn giữa Nhà nước và chính quyền với nhu cầu chính đáng của Giáo hội.

Diễm Thi : Thưa Giám mục, hồi tháng 5, Vatican có cử một tân đại diện không thường trú cho Việt Nam và vị này cũng đã đến Việt Nam. Qua gặp gỡ thì Giám Mục thấy có dấu hiệu tích cực nào giữa Vatican và Việt Nam ạ ?

Giuse Vũ Văn Thiên : Vị đại diện không thường trú bây giờ là vị đại diện thứ hai, kế nhiệm Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli. Tôi đã gặp Ngài rồi và tôi thấy đường hướng của Ngài rất cởi mở, rất là gần gũi, và trong các cuộc trao đổi thì đương nhiên những vấn đề nội bộ chúng tôi cũng không được biết rõ nhưng Ngài cũng cho biết có những tín hiệu lạc quan và chúng tôi cũng hy vọng như vậy.

Diễm Thi : Cám ơn Giám mục đã dành thời gian cho RFA. Kính chúc Giám mục và Giáo hội Việt Nam một mùa Giáng Sinh an lành và một năm mới hạnh phúc.

Giuse Vũ Văn Thiên : Tôi cám ơn chị. Tôi xin gửi đến chị và thính giả những lời cầu chúc tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Một mùa Giáng sinh tràn đầy hồng ân của Chúa, thanh bình và một năm mới hạnh phúc với những điều may mắn tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi xin trân trọng kính chào.

****************

Theo AsiaNews, ngày 19/12/2018, cuộc họp vòng VII Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa thánh Vatican sẽ diễn ra tại Hà Nội. Vatican không cho biết những vấn đề sẽ được bàn thảo tại vòng làm việc lần này là gì nhưng một vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm giữa Tòa thánh và Việt Nam là việc tiến cử các giám mục.

Bên cạnh đó là vấn đề tài sản giáo hội mà chính phủ Hà Nội mượn hay trưng thu trước đây và nay không trao trả với lý do đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý.

Tại Việt Nam, có khoảng 6 triệu giáo dân Công giáo trung thành với Giáo hội Hoàn Vũ dưới sự lãnh đạo của Giáo Hoàng Francis. Giáo hội Công giáo Việt Nam có khác với Trung Quốc là không có hai thành phần gồm giáo hội tuyệt đối trung thành với Vatican, thường được gọi là ‘giáo hội thầm lặng’ và giáo hội do chính quyền Bắc Kinh kiểm soát. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội cũng luôn muốn can thiệp vào hoạt động của giáo hội thông qua tổ chức có tên ‘Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước’.

Diễm Thi thực hiện

Nguồn : RFA, 18/12/2018

Published in Diễn đàn