Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vừa có thêm một bằng chứng rõ ràng cho thấy chiến dịch ‘chống tham nhũng’ của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng còn lâu mới diệt trừ được đám công chức ăn tạp.

oda1

Thủ tướng Phúc và các quan chức cao cấp Việt Nam thường tranh thủ những cuộc gặp ngoại giao để xin tiền từ nguồn vốn ODA.

ODA - nguồn vốn được xem là ‘lộc trời’ và ứng với tục ngữ dân gian Việt Nam ‘của đồng chia ba, của nhà chia hai’.

Trong khi thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Cờ’ Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn say sưa thành tích tăng trưởng nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo của GDP, thực tế giải ngân vốn ODA trong khối bộ ngành và tỉnh thành ở Việt Nam lại toát lộ những con số lạnh lùng : tính đến ngày 31/08/2019, cả nước mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng vốn ODA, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao là 60.000 tỷ đồng.

Trước đó vào gần trung tuần tháng 7 năm 2019, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã một lần nữa họp với đại diện của các nhà tài trợ ODA là Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra-đồng Chủ tịch Nhóm Đại sứ các nước về hợp tác phát triển, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, và Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman. Trong cuộc họp này, bị các nhà tài trợ thúc ép, thậm chí cảnh cáo về tình trạng chậm giải ngân vốn ODA trong các dự án đầu tư công, ông Minh đã phải thừa nhận tình trạng giải ngân vốn ODA quá chậm và phải cam kết sẽ kiểm tra và yêu cầu các bộ ngành báo cáo, không để tái diễn tình trạng chậm trễ trong việc ký kết và tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại.

Tuy nhiên, phía Việt Nam đã không cho biết nguồn cơn sâu xa vì sao các bộ ngành nước này lại giải ngân chậm trễ đến thế.

Hẳn là do bị chính phủ đe dọa ‘kiểm điểm’, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vào sáng ngày 13/9. Trong cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã né được mũi dùi khi thông báo đến thời điểm này, bộ này đã phân bổ được 40.735 tỷ đồng, bằng 68% số được Quốc hội Phê duyệt. Tuy nhiên các Bộ, ngành địa phương giải ngân nguồn vốn này rất chậm, đến nay chỉ đạt khoảng hơn 10% kế hoạch.

Một nguyên nhân nữa là điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Việc điều chỉnh kế hoạch diễn ra liên tục, tuy nhiên thủ tục điều chỉnh kế hoạch rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Ngoài ra còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục cho vay lại, thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn…

Đã có rất nhiều cuộc họp được tổ chức để ‘rút kinh nghiệm’ về tình trạng giải ngân ODA quá chậm, nhưng cho đến nay vẫn không xử được bất kỳ quan chức hay cơ quan nào về nạn ‘ăn ODA’.

với rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những tỉnh thành được nhận vốn ODA để thực hiện loại hình dự án đầu tư công, đã chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi đã cộm lên quá nhiều dư luận về việc thường xuyên phải ‘chạy’ các cửa thì mới có được dự án viện trợ, và tiếp đó lại phải ‘chạy’ không ít cửa nữa thì dự án mới được các bộ ngành rót tiền.

Danh sách các bộ ngành đó là rất quen thuộc như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và những bộ ngành chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.

‘Chạy’ càng nhiều, chi càng ‘đậm’ thì càng nhận được nhiều dự án ODA, giá trị ODA của dự án càng lớn và tiền càng mau được giải ngân. Còn nếu không chạy, dự án dù có sẵn nhưng cứ ì ra đó, bất chấp các nhà tài trợ hối thúc và kêu réo.

Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại quả" ODA còn lên đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010.

Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có "thiện cảm" với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền "ăn của dân không chừa thứ gì".

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 17/09/2019

Published in Diễn đàn