Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tinh giản biên chế là cụm từ được truyền thông trong nước nói đến nhiều từ năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020. Chương trình này được chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020.

bienche1

Một thành viên của phái đoàn Việt Nam ngủ gật tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 25 tháng 9 năm 2018. AFP

Trọng tâm của chương trình là cải cách thể chế ; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao ; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2019 vào sáng 15/1/2019, Bộ Nội vụ dự kiến năm 2019 sẽ giảm 44.000 biên chế hưởng lương.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn nhận định con số 44.000 thực ra rất khiêm tốn so với con số mà Nhà nước dự định giảm cho đến năm 2020, và còn nhỏ hơn nữa so với con số biên chế hiện nay ở Việt Nam. Ông cho rằng việc giảm biên chế là đúng vì nhân sự quá nhiều, quá tốn ngân sách Nhà nước mà làm việc không hiệu quả :

"Lý do để giảm biên chế, thứ nhất là số lượng công chức viên chức đã phình ra kinh khủng, chiếm đến gần 3 triệu người và cực kỳ mất cân đối so với nhu cầu hành chính và quản lý dân số xã hội. Hiện tượng bộ máy công chức ngồi chơi xơi nước chiếm một tỷ lệ rất cao. Đã có những con số ước đoán ngay trong nội bộ đưa ra ước đoán khoảng 1/3 số công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về và vẫn lãnh lương.

Lý do thứ hai là tỷ lệ chi lương cho bộ phận công chức viên chức là quá cao, hiện chiếm tới khoảng 74% tổng chi ngân sách, trong khi ở các nước con số này chỉ khoảng 50%. Như vậy đây là tỷ lệ rất cao và gây ra phản ứng phẫn nộ của người dân với việc người dân phải nai lưng ra đóng thuế để nuôi một đội ngũ ăn không ngồi rồi và chẳng được tích sự gì cả".

Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, cũng có cùng nhận định :

"Vấn đề nó quá rõ rồi, bởi vì một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được".

Liệu có khả thi ?

Mục đích của mọi cuộc tinh giản biên chế từ bao nhiêu năm nay được cho là nhằm tạo ra được bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả với số lượng nhân sự phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Ngay khi đưa ra chương trình tinh giản biên chế 8 năm trước, Chính phủ cũng xác định đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội.

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ mục tiêu này của Chính phủ. Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu lên ý kiến của mình với RFA rằng, việc này không dễ dàng thực hiện vì sẽ thừa ra rất nhiều lãnh đạo :

"Thu gọn lại thì ảnh hưởng đến chức vụ. Thí dụ trước đây có ba, bốn cấp trưởng, năm, sáu cấp phó. Bây giờ chỉ còn một cấp trưởng, hai cấp phó thì không dễ dàng thực hiện được… Lâu nay trên Diễn đàn Quốc hội và trong dư luận cũng ca thán là bộ máy cồng kềnh, thuế lại nuôi bộ máy đó, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thứ hai, bộ máy cồng kềnh làm cho hiệu quả phục vụ nhân dân giảm sút".

Không có gì cải thiện

Tại hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế đầu năm 2016, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Tổ chức biên chế thuộc Bộ Nội vụ cho hay, trong năm 2015 và số đăng ký 6 tháng đầu năm 2016, có trên 9.000 công chức, viên chức bị tinh giản biên chế. Phần lớn số người tinh giản được hưởng chính sách về hưu trước tuyển, một số cho thôi việc ngay.

Với kế hoạch giảm 44.000 biên chế trong năm 2019 được Nhà nước đưa ra, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tỏ ra không tin việc này sẽ thành hiện thực. Ông lấy "thành tích" đạt được trong giai đoạn giảm biên chế từ 2011 đến 2015 để dẫn chứng :

"Năm 2016 khoe khoang thành tích giảm ba ngàn công chức trong tổng số ba triệu công chức. Nhưng thực tế giảm được ba ngàn công chức thì lại tăng 123 ngàn viên chức, cũng là biên chế nhà nước.

Công chức thì thuộc khối quản lý nhà nước và viên chức thì thuộc khối sự nghiệp có thu, tức là những đơn vị thuộc các bộ ngành trung ương mà có hoạt động công ích hoặc hoạt động kinh doanh nhưng không phải là đơn vị doanh nghiệp độc lập. Nhìn vào thành tích như vậy để thấy là không có gì cải thiện. Đó là giai đoạn từ 2011 đến 2016".

Ông cho rằng ở Việt Nam, chuyện ‘nước chảy chỗ trũng’ hay ‘đánh bùn sang ao’ là cực kỳ phổ biến, và mối quan hệ chằng chịt giữa các quan chức với nhau và người nhà quan chức đã sinh ra tình trạng chạy ghế quan chức, và khi giảm biên chế thì xin chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Cuối cùng là chẳng giảm được ai cả.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Ban Tổ chức Trung ương khẳng định vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Theo ban này, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị ban hành ngày 17/4/2015, tổng biên chế cả nước đã tăng thêm hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra kết luận về việc Nhà nước tiếp tục đưa ra kế hoạch tinh giản biên chế cho năm 2019 :

"Tất cả những điều đó chỉ là trò mị dân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, là những người nai lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy hành là chính".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 17/01/2019

Published in Diễn đàn

Trong những ngày trung tuần tháng 5 năm 2017, thông tin Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên để hướng tới xóa bỏ biên chế ngành giáo dục gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

bienche1

Một giáo viên ở Hà Nội dẫn các học sinh của mình qua đường. AFP photo

Xóa bỏ biên chế ngành giáo dục ?

Với số lượng 11 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương, theo số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), là gánh nặng khổng lồ cho ngân sách nhà nước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tinh giản biên chế hồi tháng Tư năm 2015 được dư luận đặc biệt quan tâm.

Đài Châu Á Tự Do ghi nhận rất nhiều người dân lên tiếng ủng hộ Nghị quyết vừa nêu vì nó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cơ cấu lại đội ngũ công viên chức một cách hiệu quả qua nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông còn trong cương vị Phó Thủ tướng rằng đội ngũ công chức của Việt Nam chỉ có khoảng 30% đáp ứng được nhu cầu công việc.

Tuy nhiên mới đây nhất, thông tin thông tin Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên để hướng tới xóa bỏ biên chế ngành giáo dục lại gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Tại buổi làm việc, vào chiều ngày 20/05/2017, với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, liên quan Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập của ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ tổ chức, sắp xếp lại nguồn nhân lực của ngành không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà nhằm để đào tạo theo hướng thị trường lao động với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đó vào ngày 18/05/2017, tại buổi tiếp xúc với cán bộ quản lý ngành giáo dục của thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, ông Phùng Xuân Nhạ nói Bộ Giáo Dục sẽ có lộ trình để thực hiện từng bước việc chuyển đổi cơ chế định biên đối với giáo viên sang chế độ hợp đồng và có đãi ngộ lớn.

Một số người cho rằng chủ trương này là đúng đắn và cấp thiết để chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Họ lập luận với cách thức giáo viên ký hợp đồng giảng dạy được hưởng lương tùy theo trình độ và năng lực sẽ là động lực giúp cho các kỹ sư tâm hồn có sự sáng tạo và phát triển chuyên môn trong công việc "trồng người". Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến chủ trương này có thể sẽ là tai họa nếu không được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng vì những lãnh đạo phụ trách việc tuyển dụng mà thiếu sự công minh thì ngành giáo dục sẽ đối mặt với hậu quả khôn lường.

Chia sẻ với RFA, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết hiện trạng phân bổ giáo viên không đồng đều ở thành phố lớn và vùng sâu vùng xa rất khác biệt. Nơi thì quá thừa như tại thành phố Hà Nội, còn nơi thì lại thiết hụt giáo viên như ở khu vực miền núi. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa kể lại ông nghe nhiều giáo viên than phiền phải mất nhiều tiền để được vào biên chế với hy vọng được hưởng phúc lợi khi về hưu và còn các thầy cô giáo dạy hợp đồng thì dù có người gắn bó hơn 10 năm nhưng đồng lương vẫn còm cõi, khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ suy nghĩ của ông trước thông tin Bộ Giáo dục-Đào tạo từng bước tiến hành bỏ biên chế trong ngành :

"Có thể nói giảm biên chế lúc này là đánh trực tiếp vào giáo viên, là những người dân đen khó khăn nhất, bởi vì họ cũng chỉ là những người thụ động. Họ muốn có một cái nghề, bỏ tiền ra học để được đào tạo, rồi lại phải bỏ tiền ra để chạy việc. Bây giờ chạy một suất giáo viên, ở nhiều địa phương cho biết giao động từ 200 đến 400 triệu mới vào được làm giáo viên. Bây giờ đùng một cái mà giảm biên chế thì cũng không tránh khỏi sự lo lắng cho đội ngũ các thầy cô, đặc biệt tại những trường được giao chỉ tiêu là phải giảm số lượng bao nhiêu giáo viên thì những thầy cô không được lòng hiệu trưởng, có ý kiến độc lập và tinh thần đấu tranh rất dễ bị đuổi ra khỏi biên chế trước. Bằng chứng như tôi đã bị Hiệu trưởng Lê Xuân Trung làm đủ trò bẩn thỉu để gạch mình ra khỏi trường".

Có hiệu quả hay không ?

VIETNAM-THEME-EDUCATION

Một giáo viên đang giải thích về bệnh tay, chân, miệng cho học sinh dân tộc Hmong ở Yên Bái năm 2012. AFP photo

Trong khi đó, dư luận cũng ồn ào với thắc mắc vì sao việc tinh giản biên chế chỉ mỗi Bộ Giáo dục-Đào tạo thí điểm thực hiện mà không dàn trải đồng loạt trong toàn bộ các ban ngành của bộ máy nhà nước, trong khi giáo dục là quốc sách ? Chúng tôi nêu vấn đề với Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội Việt Nam và được Giáo sư cho biết nhận định của ông :

"Bây giờ đây, gánh nặng của ngân sách không chịu đựng được nữa, việc giảm trước tiên thì họ phải chọn đối tượng nào thấp cổ bé miệng nhất và đông nhất. Lực lượng trong ngành giáo dục và ngành y tế là lực lượng đông nhất trong bộ máy biên chế hành chính sự nghiệp. Vì họ thấp cổ bé miệng và họ không có gắn với bộ máy quyền lực nào để từ đó họ có thể chống trả được thì việc đầu tiên là họ phải bị gạt bỏ. Điều này cho thấy đây là một chính sách cực kỳ tàn nhẫn, vô nhân đạo của chế độ toàn trị phản dân chủ này".

Từ 20 năm trước đây, các chuyên gia kinh tế Việt Nam từng khuyến cáo Hà Nội nên bỏ hẳn biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng ngân sách nhà nước không thể nuôi nỗi bộ máy ăn lương lên đến 11 triệu người ; trong số đó cán bộ, công chức, viên chức xấp xỉ 2,8 triệu, nếu kể cả những người nghỉ hưu và các đối tượng nhận lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước chiếm 8,3% dân số, tương đương 7,5 triệu người. Đồng quan điểm đó, Giáo sư Tương Lai cũng nhât trí giảm biên chế là một giải pháp để tiết kiệm ngân sách, nhưng nếu Chính phủ chỉ tập trung vào giảm biên chế đối với những người trực tiếp lao động, sản xuất thì không bao giờ mang lại hiệu quả. Giáo sư Tương Lai nói :

"Đây tôi nói về bộ máy hành chính của đảng và hành chính của nhà nước thì (nhân viên) bám vào biên chế với đồng lương không cao nhưng ai cũng muốn bám lấy biên chế vì bên cạnh lương thì còn bổng. Bổng đã lớn nhưng còn dựa vào quyền để đục khoét của dân thì tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa. Vì vậy, bộ máy biên chế càng ngày càng phình ra, không có cách nào giảm được đâu. Giảm chỗ này thì sẽ phình sang chỗ khác".

Năm 2016, Bộ Tài chính công bố công khai trên website của bộ này số liệu tổng chi cho các cơ quan trung ương của các 6 tổ chức chính trị-xã hội, bao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lên đến hơn 1,6 triệu tỷ đồng, theo Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng có nghiên cứu với ước tính chi phí kinh tế-xã hội cho các tổ chức, hội đoàn này hàng năm tương đương 1-1,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Một số người dân trong nước cho Đài RFA biết câu hỏi mà họ muốn nêu ra cho Chính phủ Việt Nam liệu có nên thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về tinh giản biên chế khởi xướng từ những tổ chức, hội đoàn kể trên để đánh giá hiệu quả ban đầu như thế nào trước khi dàn trải trong toàn bộ hệ thống biên chế của quốc gia ?

Hòa Ái, 23/05/2017

Published in Việt Nam