Chiều 12/05/2018, Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể đã đi kiểm tra toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Người đứng đầu Bộ Giao thông khẳng định ‘tháng 10 sẽ vận hành kỹ thuật, tháng 12 vận hành thương mại’. Nêu cảm nhận sau khi đi thử tàu toàn tuyến (từ Depot Hà Đông đến ga Cát Linh) ông Thể cho biết, tàu đi rất êm thuận do hai bên đường có hệ thống chống ồn.
Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể đi thử tàu điện đường sắt trên cao từ Hà Đông đến Cát Linh ông khen tàu đi êm
Dự án mà ông Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải khen có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD .
Nhìn chung, trong câu chuyện vi hành của ông Thể, thì nổi bật hai điểm : đó là ông khen một hệ thống của thế kỷ 21 êm hơn,… hệ thống đường sắt được chính quyền thực dân đưa vào Việt Nam cách đây 133 năm (1885 - 2018) ; và lời hứa của ông về thời gian đưa tàu điện trên cao khai thác thương mại.
Sự thực thì có chút gì đó ngây ngô ở ông, và nhiều Facebooker đã tỏ vẻ chế giễu ông Thể về sự so sánh không hề mang tính cân xứng này. Nhưng đúng là nếu thử đặt vào vị trí của ông Thể, rằng một dự án trì trệ và đội vốn, dự án từng được hứa hẹn lên xuống nhiều lần nay đã bắt đầu lăn bánh thì cảm xúc có phần ngây ngô đó có thể hiểu được. Nó hệt như sự mừng rỡ và có phần phóng đại về vệ tinh Vinasat từng phóng lên bầu trời không gian, như cách mà Việt Nam lập Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), hay như cách mà mọi thứ vốn dĩ bình thường ở một nước phát triển bỗng dưng,…. vĩ đại đến lạ thường.
Nhiều người cho rằng, ông Bộ trưởng thuộc dàn lãnh đạo thích đùa về mặt ngôn ngữ, ít nhất tuyến đường sắt này đã tiêu tốn 1 tỷ USD (đây chỉ tính riêng tuyến do nhà thầu Trung Quốc xây lắp), chạy tối đa 80km/h và trung bình là 35km/h.
Và vì cái cảm xúc rất quê mùa, có phần mộc mạc đó, nên dân thường cũng thèm được đứng trong một toa tàu mà không có tiếng cành cạch như những chuyến tàu Đổi Mới, Thống Nhất mang lại,… Cái cảm giác thèm được chạm chân vào trong một phần của hệ thống giao thông công cộng hiện đại đã nằm trong người dân Việt Nam hàng thập niên nay.
Và người dân cũng được sống trong cái cảm giác vừa thèm thuồng, lại vừa lo. Bởi chính vì tàu điện trên cao trễ hẹn quá nhiều lần, mặc cho bao lời hứa từ Tổng thầu cho đến các vị Bộ trưởng có liên quan, như ông Đinh la Thăng chẳng hạn. Tính chất bất biến và cố định của đoàn tàu trở thành một biểu tượng ‘kiên cường’ mang tính biểu tượng về tham nhũng và trình quản lý yếu kém của phía Nhà nước – rõ ràng là vậy. Và thời gian lăn bánh càng lâu bao nhiêu, thì cái bánh ngân sách đáng lý ra phải dành chi cho nghiên cứu phát triển, lại rơi vào trạng thái ‘đền bù’ tham nhũng và yếu kém bấy nhiêu.
Người dân cũng mong muốn được đặt chân vào trong cái tàu điện trên cao, cũng một lần muốn trải nghiệm sự êm ái, ngay cả khi cái dàn ray của nó xuất hiện yếu tố ‘cong cong mềm mại’.
Nhưng ở góc cạnh nào đó, người dân cũng muốn sự tương xứng về mặt trách nhiệm trong thời kỳ đốt lò này, và ai gây ra đội vốn, ai gây ra lùi khai thác thương mại với hệ thống công cộng này sẽ không ‘êm ái’ hạ cánh một cách an toàn. Bởi đó là nguồn thuế quốc gia, đó cũng là cách để gắn chặt và bảo đảm tính an toàn của tàu điện này khi được đưa vào khai thác đại trà, với số người sử dụng đa số là… nhân dân (chứ không phải đội ngũ công chức).
Vậy nếu như tháng 10 tới, Cát Linh - Hà Đông vẫn tiếp tục bị treo và thử nghiệm thì sao ? Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải hãy an tâm, mặc dù người dân mong muốn được trải nghiệm ‘êm’ như ông, hay tức giận vì đội vốn/trễ tiến độ,… thì nếu như tiếp tục lùi ngày khai thác thương mại, người dân cũng sẽ sẵn sàng bỏ qua, ít nhất là người Việt luôn giữ trong mình tính lạc quan/ yêu đời – và gần đây, theo báo cáo của công ty đo lường Nielsen cho hay, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á về mức độ lạc quan, sau Philippines và Indonesia.
Đó là vòng tuần hoàn, là món quà ‘êm ái’ cho một nền chính trị và vận hành chính sách công đầy dị thường như Việt Nam – từ dự án cho đến phát ngôn có phần ngớ ngẩn của quan chức.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 14/05/2018