Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 26 janvier 2024 21:51

Hiệp định Paris tháng 1/1973

Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Luxembourg, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ.

paris01

Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.

"Người ta thường hỏi tôi lúc nào tôi đã xúc động nhất trong cuộc đời công vụ của mình", Kissinger viết trong hồi ký "White House Years’ (trang 1345-6), "Giờ phút làm tôi cảm động nhất phải là buổi sau trưa ngày Chủ Nhật mát dịu vào mùa Thu năm ấy, khi bóng rợp bao trùm lên thành phố Paris êm đềm...". Hôm ấy là Chủ Nhật, ngày 8/10/1972.

Cuộc họp với ông Lê Đức Thọ dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Danh tiếng của Kissinger nổi lên như sóng cồn. Và ông nhận được trao Giải Nobel Hòa bình 1973 (cùng với ông Lê Đức Thọ, nhưng ông Thọ không nhận).

Ngày 10/12/1973 là ngày trao giải thưởng. Vì không thể có mặt tại Oslo vào ngày này, Kissinger nhờ ông Thomas R. Byrne, Đại sứ Mỹ tại Na Uy đọc bài diễn văn thay ông. Rất hùng biện về ý nghĩa của Hòa Bình. Bài diễn văn mở đầu :

"Giải thưởng Nobel Hòa bình là một giải thưởng cho một mục đích cũng như giải thưởng cho một cá nhân. Hơn cả thành tựu về hòa bình, nó tượng trưng cho chính sự đi tìm kiếm hòa bình".

Phát biểu như vậy là Kissinger đã nói dối với cả thế giới, với lịch sử. Và điều này thì chính Ủy Ban Nobel cũng đã nghi ngờ khi quyết định trao giải thưởng.

Ngày nay nhìn lại

Mới đây, ngày 12/1/2023 – theo Reuters thì hồ sơ về các đề cử cho Giải Nobel Hòa Bình 1973 đã được giữ bí mật trong 50 năm theo quy định, cho nên bây giờ mới được tiết lộ. Hồ sơ này cho biết Ủy ban Nobel vẫn trao giải Hòa bình 1973 cho nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ của Bắc Việt Nam.

paris1

Lê Đức Thọ (bìa phải) nói chuyện với Henry Kissinger qua người phiên dịch (giữa) tại Paris năm 1972

Nhưng đây là một trong những giải gây tranh cãi nhất trong lịch sử của giải này. Ủy Ban vẫn trao giải dù khi đã biết rõ rằng Chiến tranh Việt Nam khó có thể kết thúc sớm.

Stein Toennesson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, người đã xem xét các tài liệu liên hệ nói với Reuters :

"Bây giờ tôi thậm chí còn ngạc nhiên hơn lúc đó, rằng ủy ban có thể đưa ra một quyết định tồi tệ đến như vậy". Lúc ấy hai trong số năm thành viên của Ủy ban Nobel đã từ chức để phản đối.

Sở dĩ như vậy là vì Kissinger đã "đi tìm kiếm hòa bình" trong gian dối và với "mục đích" – một phần không nhỏ là phục vụ quyền lợi riêng của mình – như tác giả Robert Dallek đã viết lại trong cuốn Partners in Power – Nixon and Kissinger (2007) :

"Tổng thống Ricard Nixon và Tướng Alexander Haig tin chắc rằng ‘Henry được thúc đẩy mạnh mẽ về tất cả những sự việc này là vì muốn rằng – sau cùng – thì chính mình là người đã mang lại hòa bình. Hai người cho rằng đây là một vấn đề lớn vì do vậy mà Kissinger đã cố gắng thúc đẩy cho bằng được để có một hiệp định". (Henry is strongly motivated in all this by a desire for pesonnaly being the one to finally bring about the final peace settlement". They saw this as "a major problem in that it’s causing him to push harder for a settlement").

Bốn năm mật đàm là hư vô

Dù trong thời gian 2016-2023 một số tài liệu về Hiệp định Paris đã được giải mật nhưng toàn bộ hồ sơ liên hệ tới mật đàm của ông Kissinger vẫn chưa được tiết lộ. Đó là vì Kissinger đã giấu nhẹm hồ sơ này đi và nó không còn nằm ở Hội đồng An Ninh Quốc Gia tại Tòa Bạch Ốc nữa.

Thật may mắn là hồ sơ vẫn còn được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cất giữ thật kín và chúng tôi đã được ông trao cho và giữ lại cho lịch sử. Về bối cảnh chung quanh câu chuyện này thì chúng tôi đã ghi lại trong cuốn sách "Bức Tử Việt Nam Cộng Hòa - Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm" sắp được xuất bản vào Hè 2024.

Thật là gian dối, với tài ba lỗi lạc và mưu lược nham hiểm, Kissinger đã đánh lừa được Tồng thống, Quốc hội Hoa Kỳ và cả thế giới là đã mang lại hòa bình và danh dự cho Miền Nam Việt Nam.

Nhưng ông đã không đánh lừa được Tổng thống Thiệu.

Trở lại buổi họp Kissinger – Thọ ngày 8/10/1972 : họp xong Kissinger bay về Washington báo cáo cho Tổng thống Nixon là ông Thọ đã nhượng bộ hoàn toàn và thuyết phục ông Nixon cho phép ông bí mật bay đi Hà Nội để ký tắt vào bản sơ thảo hiêp định, kế hoạch là vào ngày 24/10/1972. Ký xong thì trở về Washington, và lúc ấy thì mới tiết lộ về hòa bình. Theo kịch bản này thì sự tiết lộ về chuyến đi Hà Nội chắc chắn sẽ gây chấn động hơn là việc Tổng thống Nixon tiết lộ về việc ông Kissinger đã mật đàm tại Paris và việc ông đi Bắc Kinh hồi tháng 7/1971.

Nhưng vì ngày bầu cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống Nixon (20/11/1972) đã gần kề, ông e ngại rằng ông Thiệu sẽ phản thùng (không ký) giống như hồi bầu cử tháng 11/1968 (do chính ông Nixon xúi để phá vỡ hình ảnh hòa bình do ứng cử viên Đảng Dân Chủ là Hubert Humphrey đưa ra, giúp Nixon thắng cử) thì ảnh hưởng lại bất lợi cho Nixon vào lúc này. Vì vậy, ông chỉ thị Kissinger phải ghé Sàigòn để thuyết phục ông Thiệu trên đường đi Hà Nội.

"Tôi sẽ không ký"

Kissinger tới Sàigòn ngày 18/10/1972 và họp với Tổng thống Thiệu tại Dinh Độc Lập ngày hôm sau. Hết sức thân mật, niềm nở, ông trao cho ông Thiệu một lá thư của Tổng thống Nixon đề ngày 16/10/1972. Lời lẽ lâm ly thống thiết, bức thư thật dài đã giải thích cặn kẽ về kết quả tốt đẹp của việc đàm phán tại Paris qua bản sơ thảo Hiệp Định, và nói "Đây quả là một sự đảo ngược quan trọng về lập trường của Bắc Việt". Thêm vào đó là những hứa hẹn đủ điều. Để tăng mức độ tin cậy, ký thư xong, Nixon còn viết tay thêm vào là :

"Đề nghị này thỏa mãn được điều kiện tuyệt đối của tôi là Việt Nam Cộng Hòa phải tồn tại như một quốc gia tự do".

Cái đau đớn cho ông Thiệu là phải ngồi nghe Kissinger thao thao bất tuyệt : "Đây là lúc thuận lợi để đi tới một hiệp ước với Bắc Việt vì dù sao chăng nữa, Việt Nam Cộng Hòa cũng đã có một quân lực trên một triệu người và đã kiểm soát được 85% dân số rồi".

Khi ông Thiệu hỏi tại sao trong hiệp định không có đoạn nào nói tới việc Bắc Việt rút quân khỏi Miền Nam thì Kissinger trả lời : "Chúng tôi đã thảo luận điều đó với Bắc Việt nhưng họ không chấp nhận, cho nên chúng tôi nghĩ rằng không nên để nó vào (văn bản) để khỏi làm hỏng bầu không khí !" Không chế ngự được nữa, ông Thiệu đã phản ứng mạnh và đã có những cuộc đối thoại gay gắt trong hai ngày tiếp theo.

Từ Sàigòn, ngày 21/10/1972, Kissinger đánh điện về Washington yêu cầu Tổng thống Nixon cứ cho ông đi Hà Nội mặc dù Sàigòn chống đối hiệp định. Hôm sau, Kissinger lại báo cáo thêm : "Những yêu sách của ông Thiệu gần như là điên khùng" (His demands verge on insanity). Chỉ còn vài tuần lễ nữa là tới ngày bầu cử. Nixon lưu ý Kissinger là nếu hấp tấp quá mà không có sự đồng ý của ông Thiệu thì sẽ là một trở ngại chính trị.

paris2

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (bìa phải) họp với Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin trong những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975

Dù sao, Kissinger hy vọng là cuối cùng thì với những cam kết chắc chắn của Tổng thống Nixon, Tổng thống Thiệu sẽ đồng ý ký.

Khi nói chuyện với chúng tôi về giai thoại này, Tổng thống Thiệu tâm sự : "Kissinger đến với mình không như một chiến hữu mà là đến để biện hộ cho lập trường của Bắc Việt..". Tâm trạng ông như vậy nên ta có thể hiểu được câu kết luận của ông vào cuối buổi họp khi Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker (cùng đi với Kissinger) đặt câu hỏi :

- "Vậy thì, thưa Tổng thống", "lập trường chót của Ngài là không ký, phải không ?"

- "Vâng, đó là lập trường cuối cùng của tôi", ông Thiệu đáp", Tôi sẽ không ký và xin Ngài thông báo cho Tổng thống Nixon biết như thế. Xin quý vị trở về Washington và nói với Tổng thống Nixon rằng tôi cần được câu trả lời".

Tại sao Tổng thống Thiệu không ký ?

Đó là là vì ông Kissinger đã thất bại hoàn toàn trong việc đàm phán với ông Lê Đức Thọ nhưng lại báo cáo với Tổng thống Nixon ngược lại và thuyết phục ông ép Tổng thống Thiệu chấp nhận ký kết hiệp định trên căn bản là "phía Cộng sản đã nhượng bộ hoàn toàn".

Thay vì đi vào chi tiết từng điểm của Hiệp định, như vậy sẽ quá dài, nên đơn giản và gọn gàng nhất là ta cứ so sánh kết quả của những sự việc theo phương pháp ‘trước và sau’ đàm phán.

Bắt đầu đàm phán, lập trường của hai bên là như thế nào ?

Lập trường của Bắc Việt :

Ngày 9/5/1969, phía Cộng sản đưa ra lập trường ‘10 Điểm của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam’ (Mặt trận Giải phóngMN) căn bản là đòi hỏi (1) quân đội Mỹ rút toàn bộ khỏi Miền Nam ; và (2) đang khi chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ ở Miền Nam, tất cả các phe phái chính trị Miền Nam sẽ đàm phán để thành lập một chính phủ liên hiệp tạm thời.

Lập trường của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa :

Ngày 14/5/1969, Tổng thống Nixon tuyên bố lập trường chung của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa : thay vì đòi quân đội Bắc Việt phải rút 6 tháng trước khi quân đội Mỹ bắt đầu rút (như lập trường của Tổng thống Lyndon Johnson), ông Nixon đưa ra đề nghị là ‘cả hai bên cùng rút một lúc.’ Rồi ông tóm lại trên đài truyền hình cho cả thế giới nghe :

"Chúng tôi đã gạt bỏ ra ngoài hoặc là việc rút lui khỏi Việt Nam một cách đơn phương, hoặc việc chấp nhận tại Paris bất cứ giải pháp nào có tính cách như một thất bại ngụy trang...

"Và đó là phác họa về một giải pháp mà chúng tôi muốn đàm phán ở Paris. Nguyên tắc căn bản của nó là đơn giản : triệt thoái cả hai bên bất cứ quân đội nào không phải là quân đội Miền Nam ra khỏi Miền Nam Việt Nam và dành quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam" (xem ‘Khi Đồng Minh Tháo Chạy,’ trang 646)

Henry Kissinger vào cuộc

Ngày 4/8/1969 (năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Nixon), ông Kissinger giả bộ đi Paris gặp Tổng thống Georges Pompidou nhưng thực ra là để gặp hai ông Xuân Thủy và Mai Văn Bộ tại nhà ông Jean Sainteny không xa phố sang trọng Rue de Rivoli.

Ông mở đầu bằng câu phát biểu : "Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về lập trường ‘10 Điểm của Mặt Trận Giải Phóng’, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rằng nó giống như Mười Điều Răn Chúa, nó đã được khắc vào bia đá, không thể điều đình được". (We were prepared to discuss the Ten points of the National Liberation Front, but we could not accept that like the Ten Commandments they were graven in stone and not subject to negotiation).

paris3

Tổng thống Richard Nixon chỉ vào Campuchia trên bàn đồ Đông Dương khi họp về chiến sự ở Nam Việt Nam. Cố vấn Henry Kissinger sau đó đã ra lệnh cho Không quân Hoa Kỳ ném bom rải thảm ở Campuchia nhằm "chặn tiếp viện của Bắc Việt Nam vào miền Nam", giết chết nhiều người dân ở Vương quốc láng giềng.

Kết thúc mật đàm, lập trường của hai bên ra sao ?

Kết thúc mật đàm là Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973. Hiệp định này rất phức tạp, gồm 23 điều, mỗi điều khoản gồm nhiều tiểu điều, dài dòng văn tự. Ngay từ 1973, chúng tôi đã bỏ ra nhiều công sức tìm kiếm những lập trường đàm phán để so sánh, vì ít người còn nhớ hay quan tâm đến lập trường của hai bên đàm phán vào năm 1969. Khi xem xét toàn bộ hồ sơ tại Dinh Độc Lập thì chúng tôi cũng không tìm thấy văn kiện nào về sự so sánh này. Người dân và truyền thông Hoa Kỳ thì cũng chỉ biết được những gì do hai ông Kissinger và Nixon tuyên bố, phân tích.

Kết quả sự nghiên cứu của chúng tôi là 10 điều khoản vắn gọn do Mặt Trận Giải Phóng đưa ra ngày 9/5/1969 đã được gói ghém trọn vẹn và còn được liệt kê ra cho rõ chi tiết, cặn kẽ trong 23 điều khoản dài dòng của Hiệp định Paris ký ngày 17/1/1973.

Trong cuốn Bức tử Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi đã có bản so sánh chi tiết về hai lập trường này và kết luận rằng : Hiệp định Paris còn nhượng bộ nhiều hơn là đòi hỏi của Mặt trận giải phóng đưa ra năm 1969. Tóm gọn là như thế này : chỉ có hai vấn đề quan trọng nhất cần đàm phán, đó là : (1) quân đội Bắc Việt tiếp tục đóng lại ở miền Nam, và (2) một chính phủ liên hiệp giữa các phe nhóm Miền Nam.

Trong hai điều đó, điều (1) có ý nghĩa quan trọng nhất : Hiệp định Paris đã nhượng bộ hoàn toàn về vấn đề này. Điều (2) : chỉ có một cái tên được thay đổi : "Hội đồng hòa giải và hòa hợp dân tộc" được sử dụng thay vì ‘Chính phủ Liên Hiệp’. Tuy nhiên, sự khác biệt là không đáng kể vì Hội đồng này bao gồm tất cả các chức năng chính của một chính phủ Liên Hiệp như được những người Cộng sản định nghĩa vào năm 1969.

Hiệp định Paris đã gói trọn những điều mà Kissinger gọi là "10 Điều Răn Của Chúa, nó đã được khắc vào bia đá". Thí dụ như điều khoản quan trọng nhất là về quân sự, hiệp định này lại còn nhượng bộ hơn là đòi hỏi ban đầu của Mặt trận Giải phóng : vì còn thêm vào là quân đội Mỹ và đồng minh phải rút "nội trong 60 ngày", và quy định việc rút đi một cách chặt chẽ, đầy đủ hơn nhiều :

Điều 2 của '10 Điểm' do Mặt trận Giải phóng đưa ra năm 1969 chỉ đòi là :

"Chính phủ Hoa Kỳ phải triệt thoái khỏi Miền Nam Việt Nam tất cả quân đội, vũ khí và vật dụng chiến tranh của Hoa Kỳ và của tất cả các quốc gia thuộc phe Hoa Kỳ, mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào".

Điều 5 của Hiệp định Paris năm 1973 :

"Nội trong 60 ngày, sau khi bản Hiệp định được ký kết, tất cả quân đội, cố vấn quân sự, và nhân viên dân chính làm việc cho quân đội, bao gồm nhân viên kỹ thuật làm việc trong các chương trình bình định, vũ khí, và đạn dược, và vật dụng chiến tranh của Hoa Kỳ và của các quốc gia khác, đã dẫn ở Điều Ba, phải được hoàn toàn triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam. Các cố vấn cho các tổ chức bán quân sự và cảnh sát thuộc các quốc gia nêu trên cũng phải triệt thoái trong thời hạn nêu trên".

Kết quả mật đàm là như vậy, cho nên khi ông Nixon nghe lời của Kissinger mà ép ông Thiệu phải chấp nhận, ông đã tuyệt vọng đến mức phải viết thẳng cho Tổng thống Nixon trong thư ngày 11/11/1072 :

"Thưa Tổng thống, nếu như Hiệp định này cho phép quân đội Bắc Việt đóng lại ở Miền Nam Việt Nam thì những công lao tranh đấu và bao nhiêu hy sinh chúng ta đã gánh chịu trong qúa nhiều năm đều trở thành vô nghĩa !".

Những hy sinh phải gánh chịu bao gồm từng trăm ngàn mạng sống của những chiến sĩ và người dân Việt Nam ở hai miền cũng như sự tàn phá khôn lường của chiến tranh.

Những hy sinh mà chính Hoa Kỳ phải gánh chịu là 15.000 sinh mạng quân nhân Mỹ, 100.000 người bị thương và 62 tỷ đô la, cộng với những chi phí khác mà xã hội Mỹ phải gánh chịu chỉ trong suốt 4 năm đàm phán bí mật 1969-1972 của Henry Kissinger. Tổn thất của Hoa Kỳ trong cả cuộc chiến Việt Nam còn cao hơn nữa.

Như vậy, Henry Kissinger đã thực sự đánh lừa cả thế giới về "hòa bình và danh dự". Và ông đã phản bội cả Việt Nam Cộng Hòa lẫn Hoa Kỳ.

Nguyễn Tiến Hưng

Nguồn : BBC, 26/01/2024

Bài của tác giả Nguyễn Tiến Hưng trích từ sách và các nghiên cứu của ông. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, từng giữ chức Tổng trưởng (Bộ trưởng) Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Hoa Kỳ.

Additional Info

  • Author Nguyễn Tiến Hưng
Published in Diễn đàn