Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiến pháp Dân chủ là một trong số các định chế quan trọng nhất của chính thể dân chủ. Xét trên khía cạnh mặc định về phương thức tổ chức xã hội, tức là sau khi đã có sự lựa chọn chế độ chính trị và mô hình dân chủ, hiến pháp là định chế quan trọng nhất. Tất cả phương thức xây dựng thể chế dân chủ đều tuân theo và được định hướng từ hiến pháp.

hienphap0

Hiến pháp vừa như một chiếc la bàn định hướng, lại vừa như  bản thiết kế để xây dựng ngôi nhà dân chủ - Ảnh minh họa (iStock)

Hiến pháp vừa như một chiếc la bàn định hướng, lại vừa như  bản thiết kế để xây dựng ngôi nhà dân chủ, cũng đồng thời là hải trình của con thuyền quốc gia trên biển. Một định chế quan trọng như vậy, chúng ta cần có sự thấu hiểu về hiến pháp dân chủ.

1. Khái niệm và các nội dung của hiến pháp dân chủ

Hiến pháp là một hệ thống các nguyên tắc chính trị căn bản để kiến thiết và xây dựng chính quyền cũng như dẫn dắt cuộc sống và tiến hóa của một cộng đồng quốc gia. Hiến pháp là một đạo luật cơ bản của quốc gia, nó thể hiện ý chí và nguyên vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Nói một cách dễ hiểu, hiến pháp là một thỏa ước cho một hiện tại và tương lai của người dân trong cùng một quốc gia.

Tất cả những ưu tư và ưu tiên trong nội dung xây dựng thể chế dân chủ đều được thể hiện trong hiến pháp. Nghiên cứu về hiến pháp của các quốc gia, chúng ta thấy mỗi bản hiến pháp thường có bốn nội dung sau.

- Lời nói đầu hay mục tiêu chung quốc gia. Đây là những nội dung tuyên bố của quốc gia về chính thể của họ, đồng thời cũng là tuyên bố về những giá trị tốt đẹp mà quốc gia đó cam kết theo đuổi.

- Các điều khoản về quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Những điều khoản này xác quyết các quyền con người và quyền công dân của mỗi quốc gia. Nói chung, những quyền con người ở các quốc gia thường có giá trị phổ quát và không khác nhau nhiều lắm. Công ước quốc tế về quyền con người chính là văn bản đầy đủ nhất về các quyền con người và quyền công dân phổ quát. Có quốc gia đã sử dụng bản Công ước quốc tế về quyền con người làm tiêu chuẩn xác định các quyền con người của công dân nước mình là một sự vận dụng rất sáng tạo và đúng đắn.

- Các điều khoản về tổ chức nhà nước. Trong các điều khoản này, vấn đề quốc gia đó theo chế độ nhất thể hóa hoặc tản quyền (hình thức nhà nước liên bang), mô hình nghị viện hay tổng thống, bán tổng thống... đều được đề cập. Cùng với đó là các nguyên tắc xây dựng một nhà nước dân chủ, mối quan hệ giữa các thành tố của xã hội, sự phân chia quyền lực giữa các nhánh của chính quyền...

- Các điều khoản đặc biệt. Đây là những điều khoản đặc biệt của các quốc gia. Có thể đó là những ưu tư của riêng quốc gia đó trong bối cảnh đặc biệt, cũng có thể đó là những thỏa thuận cần hàn gắn trong quá khứ. Mỗi quốc gia có một điều đặc biệt và không giống nhau.

2. Tâm lý tôn sùng và gánh nặng của hiến pháp

Chúng ta đều biết được vai trò của hiến pháp trong xây dựng thể chế dân chủ và dẫn dắt đời sống người dân. Khi có quan niệm đúng, xác định chính xác thể chế dân chủ cần xây dựng, hiến pháp phát huy tác dụng và đem lại những lợi ích to lớn. Nhưng trường hợp ngược lại, tức là quan điểm về nội dung dân chủ cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ chưa được chuẩn xác, thì hiến pháp ngoài việc không giúp ích gì cho con người có tự do mà còn là gánh nặng, gây khó khăn rất lớn cho những thay đổi cần thiết.

Bài viết : "Một cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ" có đề cập, trong số 150 quốc gia có thể chế dân chủ, mới chỉ có chưa đầy 30 quốc gia người dân được tự do, còn 120 quốc gia có thể chế dân chủ, nhưng người dân chưa được tự do. Như vậy, giả sử rằng, nếu như 120 quốc gia này có những nhận thức khác, thay đổi quan điểm về nội dung và cách thức xây dựng thể chế dân chủ, thì với hiến pháp hiện hành, việc thay đổi đó có được thực hiện thuận lợi, dễ dàng hay không ? Câu trả lời là không vì chính các bản hiến pháp, hay nói đúng hơn, là vì tâm lý tôn sùng hiến pháp.

Các hiến pháp dân chủ, thường đến sau các cuộc cách mạng lật đổ, hoặc chế độ độc tài sụp đổ. Nhân dân chỉ nhìn thấy các quốc gia dân chủ hàng đầu trên thế giới với các bản hiến pháp ổn định mấy trăm năm. Việc thuê các chuyên gia hàng đầu, từ chính các quốc gia dân chủ họ mơ ước để viết ra bản hiến pháp càng làm cho người dân yên tâm, và họ mặc định đó là những điều tốt đẹp nhất, không cần phải thay đổi hoặc rất nên hạn chế thay đổi hiến pháp. Không chỉ vậy, rất nhiều người còn có tâm lý, quan niệm rằng, chỉ sửa đổi, thay đổi hiến pháp khi có những biến cố lớn trong đời sống xã hội. Tâm lý tôn sùng và đóng đinh hiến pháp chính là một gánh nặng mà hiến pháp đem lại.

Một trong các lý do hiến pháp khó sửa đổi, thay thế nữa, đó là khi hiếp pháp chưa bao quát hết được những vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất thì nó sẽ tạo ra những lỗ hổng, khoảng trống pháp luật để các nhóm lợi ích, thành phần cơ hội có thể lạm quyền, trục lợi. Quyền và lợi song hành một thời gian sẽ dẫn tới sự câu kết lợi ích. Những cá nhân, nhóm người và tập đoàn khai thác, trục lợi từ chính những thiếu sót, méo mó trong hiến pháp sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi, sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp hiện hành.

Trong các bản hiến pháp dân chủ, việc quy định các điều luật bám sát cuộc sống, sự thay đổi theo từng thời điểm, hoàn cảnh nội hàm các đạo luật là có, và người ta căn cứ vào đó để điều chỉnh cuộc sống và pháp luật. Tuy nhiên, các quy định sửa đổi, thay đổi và thay thế của bản thân hiến pháp, hoặc những đạo luật cơ bản trong hiến pháp lại rất hạn chế và rất ngặt nghèo. Đây là một trong số những bất cập đáng lo ngại nhất của các hiến pháp dân chủ. Hầu như các quốc gia đều ít nhiều chịu đựng những bất cập này. Nếu như trước đây, thoát khỏi ách độc tài đối với nhiều quốc gia đã là một giác mơ lớn biến thành hiện thực. Nhưng ngày càng có nhiều dẫn chứng về việc, một quốc gia thoát khỏi ách độc tài hoàn toàn không đồng nghĩa với việc quốc gia đó đương nhiên có dân chủ, và người dân đương nhiên được tự do. Con số 120 quốc gia có thể chế dân chủ nhưng người dân chưa thực sự được tự do, cùng với những xáo trộn lớn tại các quốc gia này đang ngày càng cho thấy nội hàm dân chủ và cách thức xây dựng thể chế dân chủ ở các quốc gia có vấn đề nghiêm trọng. Như vậy là, với chức năng của mình, mặc nhiên các hiến pháp dân chủ cũng chịu trách nhiệm cho tình trạng này. Nhưng điều đáng lo ngại nhất, không phải là vấn đề trách nhiệm, mà chính là khả năng tự sửa đổi, thay thế của hiến pháp dân chủ ở các quốc gia này.

3. Quan niệm cần thiết về Hiến pháp Dân chủ

Hiến pháp Dân chủ là một trong số các định chế quan trọng nhất của thể chế dân chủ. Nhưng Hiến pháp Dân chủ cũng là một sản phẩm của nhận thức con người về nội hàm và cách thức xây dựng thể chế dân chủ. Nhận thức của chúng ta có thể đúng, có thể chưa đúng, hoặc chưa chính xác. Chúng ta không nên tôn sùng, đề cao vai trò của Hiến pháp quá mức, để rồi chính Hiến pháp sẽ lại là cái ràng buộc lại khi chúng ta cần thay đổi. Chỉ cần thấu suốt quan điểm này, chắc chắn chúng ta sẽ có một bản Hiến pháp đẹp và hiệu quả.

Đối với yêu cầu về sự ổn định của Hiến pháp, chúng ta vẫn cần đáp ứng. Trong số bốn nội dung quan trọng của Hiến pháp (Lời nói đầu hay mục tiêu chung quốc gia; Các điều khoản về quyền và nghĩa vụ công dân ; Các điều khoản về tổ chức nhà nước ; Các điều khoản đặc biệt), chúng ta có thể đóng khung hai nội dung đầu quan trọng. Tại sao lại đóng khung hai nội dung đầu? Bởi vì kiến thức, kinh nghiệm, sự đồng thuận của người dân đối với hai nội dung đầu không khó khăn để đạt được. Mặt khác, phần lớn đó là những mục tiêu cao đẹp một quốc gia hướng tới. Mục tiêu cao đẹp không khó xác định cũng như không khó tìm sự đồng thuận. Chỉ có khó khăn về phương pháp, biện pháp, con đường đi tới mục tiêu mà thôi.

Như vậy, chúng ta còn hai nội dung quan trọng để có thể xác định nội hàm, nội dung cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ. Trước hết, dù nội hàm như thế nào thì về nguyên tắc chúng ta cần xác định không đóng khung các nội dung này, tức là có thể sửa đổi, thay thế khi hội đủ số yêu cầu, điều kiện cần thiết. Các Hiến pháp Dân chủ của các quốc gia hiện tại không phải không thể, không có các quy định về sự thay đổi, thay thế, mà sự quy định quá khó khăn, ngặt nghèo (ví dụ đòi hỏi sự đồng thuận rất cao, 70-75%...) cộng thêm tâm lý tôn sùng Hiến pháp làm cho khả năng có thể thay đổi, thay thế của Hiến pháp vô cùng khó khăn, phức tạp.

Trong mối tương quan với Dự án xây dựng Thể chế Dân chủ Việt Nam theo cách tiếp cận mới mà chúng tôi đề nghị, Hiến pháp Dân chủ cần quán triệt một số vấn đề sau.

- Cần đưa định chế dân chủ cốt lõi Tòa án Nhân quyền vào nội dung các diều khoản về tổ chức nhà nước. Khi cách tiếp cận cũ chưa có định chế dân chủ cốt lõi, định chế trực tiếp bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, hay nói cách khác, bảo đảm và bảo vệ tự do của con người thì Tòa án Nhân quyền chính là định chế bảo đảm các yêu cầu đó. Vì vậy, định chế Tòa án Nhân quyền xứng đáng và cần thiết được đưa vào nội dung các điều khoản về tổ chức nhà nước.

- Hiến pháp dân chủ cần xác định các định chế hỗ trợ để thực hiện định chế cốt lõi, đồng thời xây dựng các định chế khác xoay quanh và phục vụ cho định chế cốt lõi Tòa án Nhân quyền. Hai định chế hỗ trợ quan trọng nhất của định chế Tòa án Nhân quyền là trang bị kiến thức về tự do, dân chủ, nhân quyền đầy đủ cho người dân và định chế về việc miễn phí cho người dân bảo vệ các quyền con người của mình ở Tòa án Nhân quyền.

- Định chế Tòa án Nhân quyền cần được xác lập ở tất cả các cấp: cơ sở, tiểu bang, liên bang và là một hệ thống độc lập với quyền lực tuyệt đối, không phụ thuộc vào tam quyền có sẵn của định chế tam quyền phân lập. Nếu có thể được, hợp lý nhất là các Tòa án Nhân quyền các cấp nằm trong Tòa an Hiến Pháp. Cấp độ cao nhất của Tòa án Nhân quyền, hay Tòa án Nhân quyền quốc gia (liên bang) chính là Tòa án Hiến pháp.

- Một vấn đề quan trọng nữa mà Hiến pháp Dân chủ cần lưu ý, đó là xu thế hội nhập, toàn cầu hóa của các quốc gia hiện nay. Tự do của con người cần tương thích và phù hợp với tất cả các quốc gia.

Hiến pháp Dân chủ với những nội dung được xác định ổn vững và những nội dung cần được bổ sung, sửa đổi, thay thế chính là yêu cầu cần thiết cho bất kỳ quốc gia nào. Khi đã xác định chính xác định chế dân chủ cốt lõi, tức là xác định đúng nội dung dân chủ cần được xây dựng, cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ, chúng ta luôn hi vọng và tin tưởng rằng, Hiến pháp Dân chủ thể hiện được đầy đủ chức năng, vai trò của nó, đồng thời không gây ra những khó khăn, rào cản nào cho bất kỳ một sự thay đổi cần thiết nào, trong các nội hàm của dân chủ khi tình thế và hoàn cảnh thay đổi.

Hà Nội, ngày 28/10/2017

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 28/10/2017 (nguyenvubinh's blog)

Published in Diễn đàn