Nhiều ý kiến hồ hỡi nói rằng để Việt Nam có thể hưởng lợi từ EVFTA, buộc phải thay đổi thể chế. Thế nhưng ít ai đề cập rõ là sức ép cải cách thể chế ở đây là đang muốn nói đến thể chế gì ?
Hội thảo Thương mại tự do VN-EU : ngụ ý chính sách và đôti mới thể chế
Phải chăng đó là thể chế chính trị ? Để làm được điều đó, cần thay đổi Hiến pháp ; hoặc chí ít là làm rõ về tính pháp lý ở Điều 4, Hiến pháp 2013 về cách hiểu pháp lý thế nào là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" ? Đó có phải là ‘lực lượng’ có quyền đứng trên cả Quốc hội và ‘lực lượng’ này không cần đến lá phiếu của cử tri ?
Theo quan niệm của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) : Thể chế có thể được hiểu là cái tạo thành khuôn khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác ; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ (*)…
Như vậy, thể chế hiểu theo nghĩa trên là những nguyên tắc (không phân biệt hình thức của nguyên tắc) về cách cư xử trong xã hội, được hình thành từ thực tiễn trong các phạm vi quan hệ của con người, được xã hội chấp nhận và chỉ dẫn cho mối quan hệ qua lại của con người. Đây có thể coi là một khái niệm chung nhất về thể chế.
Cách hiểu trên có nghĩa thể chế là những nguyên tắc xác định mối quan hệ xã hội, định hình cách thức ứng xử của các thành viên trong những phạm vi, quy mô tổ chức xã hội và điều chỉnh sự vận hành của tổ chức xã hội đó.
Các chủ thể thực hiện và quản lý sự vận hành xã hội (bao gồm nhà nước, cộng đồng cư dân, các tổ chức xã hội dân sự) trên cơ sở của hệ thống pháp luật, các quy tắc xã hội điều chỉnh các mối quan hệ và các hành vi được thừa nhận của cộng đồng, quốc gia. Cùng với sự thay đổi và phát triển liên tục của các dạng quan hệ xã hội, các thế chế có thể thay đổi theo thời gian.
Tất cả lập luận ở trên cho thấy áp lực cải cách thể chế mang tính nguyên tắc trong các cam kết FTA của Việt Nam, là phải xác định rõ ở Việt Nam việc hoạt động của đảng phái chính trị được điều chỉnh cụ thể theo luật nào của quốc gia ? Bởi, thế chế chính trị là hình thức thể hiện các thành phần của hệ thống chính trị với vai trò và ảnh hưởng lẫn nhau của thành phần trong hệ thống đó. Điều này luôn cần đến hành lang pháp luật cần thiết.
Cũng có thể hiểu thể chế thiên về Nhà nước hơn là các tổ chức khác. Thể chế được hiểu như là hệ thống các quy định do Nhà nước xác lập trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước, và được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh và tạo ra các hành vi và mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, và các tổ chức nhằm thiết lập trật tự kỷ cương xã hội. Lâu nay trên truyền thông khi đề cập với sức ép cải cách thể chế từ các FTA, chủ yếu là nói về ‘cải cách thể chế Nhà nước’.
Điều này cho thấy sẽ thuyết phục hơn, minh bạch hơn và sòng phẳng hơn trong mọi quyết sách, là cần phải làm rõ ‘thể chế chính trị’ có cần được cải cách hay không ? Nếu trả lời ‘cần’, thì điều luật nào cho phép việc thực hiện các đòi hỏi cải cách đó ? Nếu trả lời ‘không’, thì có điều luật nào ràng buộc trách nhiệm trong cải cách Nhà nước với mối quan hệ với đảng phái chính trị được Hiến định là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" ?
Người dân có quyền đòi hỏi làm rõ những băn khoăn nói trên, vì đây cũng chính là vấn đề nhân quyền mà các FTA đã đề cập đến.
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 27/02/2020
Chú thích :
(*) Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF : Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2009, 2010.