Joe Biden, Phạm Đình Bá, VNTB, 27/03/2022
"Đừng sợ !" (*)
Đây là lời mở đầu trong bài diễn văn công khai đầu tiên của Đức Giáo hoàng Ba Lan Gioan Phaolô John Paul II sau khi ông được phong chức vào tháng 10 năm 1978. Đức Giáo hoàng về sau nỗi tiếng từ hai chữ nầy. Những chữ có thể thay đổi thế giới.
Phát biểu của Tổng Thống Hoa Kỳ ở Warsaw, Ba Lan ngày 26/03/2022
Gioan Phaolô đã mang thông điệp "Đừng sợ" đến ở đây – Warsaw trong chuyến về nước đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng vào tháng 6 năm 1979. Đó là thông điệp về sức mạnh, sức mạnh của niềm tin, sức mạnh của sự kiên cường, sức mạnh của con người. Trước một hệ thống chính quyền cộng sản độc tài toàn trị độc ác và tàn bạo, đó là một thông điệp giúp chấm dứt sự đàn áp của cộng sản Liên Xô tại vùng đất trung tâm ở Đông Âu cách đây 30 năm.
Đó là một thông điệp rằng chúng ta sẽ vượt qua sự tàn nhẫn và tàn khốc của cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Khi Giáo hoàng Gioan Phaolô đưa ra thông điệp đó vào năm 1979, cộng sản Liên Xô đã cai trị bằng một quả đấm sắt của độc tài toàn trị đằng sau bức màn sắt. Sau đó một năm, phong trào nghiệp đoàn Đoàn kết diễn ra ở Ba Lan.
Mặc dù tôi biết ông ấy không thể ở đây tối nay, nhưng tất cả chúng tôi ở Mỹ và trên toàn thế giới đều biết ơn nhà lãnh đạo nghiệp đoàn Đoàn kết Lech Walesa. Nó làm tôi nhớ đến câu nói của triết gia Kierkegaard, "Niềm tin nhìn rõ nhất trong bóng tối".
Mười năm sau, cộng sản Liên Xô sụp đổ và Ba Lan, Trung và Đông Âu sớm được tự do. Không có gì về cuộc chiến giành tự do đó là đơn giản hay dễ dàng. "Đừng sợ" là một khẩu hiệu dài và đau đớn. Chiến thắng không phải 1 ngày và 1 tháng mà là hàng năm và hàng thập kỷ.
Nhưng chúng ta đã đứng lên một lần nữa trong cuộc chiến lớn vì tự do. Một trận chiến giữa tự do dân chủ và độc tài toàn trị. Giữa tự do và đàn áp. Giữa một trật tự dựa trên pháp quyền và một trật tự tạo dựng bởi bạo lực. Trong trận chiến này, chúng ta cần phải sáng mắt. Trận chiến này sẽ không phân thắng bại trong 1 ngày hay 1 tháng. Chúng ta cần phải rèn luyện bản thân cho một cuộc chiến dài phía trước.
Ngài Tổng thống, Ngài Thủ tướng, Ngài Thị trưởng, các thành viên quốc hội, các vị khách quý, và người dân Ba Lan, và tôi nghi ngờ một số người dân Ukraine cũng đang ở đây. Chúng ta đang tụ họp ở đây tại lâu đài Hoàng gia ở thành phố này, nơi giữ vị trí thiêng liêng trong lịch sử không chỉ của Châu Âu mà còn là cuộc tìm kiếm tự do không ngừng nghỉ của loài người.
Trong nhiều thế hệ, Warsaw đã đứng ở nơi mà quyền tự do đã bị thách thức và rồi tự do đã chiếm ưu thế. Trên thực tế, chính tại Warsaw, khi một người tị nạn trẻ tuổi trốn khỏi quê hương của mình từ Tiệp Khắc dưới sự thống trị của cộng sản Liên Xô, đã trở lại đây để nói và đứng chung về tình đoàn kết với những người bất đồng chính kiến. Tên cô ấy là Madeleine Korbel Albright. Cô trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho nền dân chủ trên thế giới. Cô ấy là một người bạn mà tôi đã phục vụ chung. Nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ.
Cô ấy đã qua đời cách đây ba ngày. Cô ấy đã chiến đấu cả đời cho các nguyên tắc tự do dân chủ. Và bây giờ trong cuộc đấu tranh lâu dài cho dân chủ và tự do, Ukraine và người dân của họ đang ở tiền tuyến trong một cuộc chiến tranh gần đây nhất.
Chiến đấu để cứu quốc gia của họ và cuộc kháng chiến dũng cảm của họ là một phần của cuộc chiến lớn hơn cho các nguyên tắc dân chủ thiết yếu đoàn kết tất cả những người yêu chuộng tự do. Pháp quyền, bầu cử công bằng và tự do, tự do nói, tự do viết và tự do hội họp. Quyền tự do thờ phượng mà mỗi người lựa chọn. Quyền tự do báo chí. Những nguyên tắc này rất cần thiết trong một xã hội tự do.
Nhưng những quyền căn bản nầy của con người luôn luôn bị bao vây và tấn công bởi độc tài toàn trị. Những quyền nầy là nguồn gốc của nhiều xung đột. Mọi thế hệ đều phải đánh bại những kẻ thù của nền dân chủ. Đó là cách vận hành, vì thế giới là không hoàn hảo, như chúng ta biết. Nơi mà ham muốn và tham vọng của một số ít muốn độc tài toàn trị mãi mãi tìm cách thống trị cuộc sống và quyền tự do của nhiều người.
Thông điệp của tôi tới người dân Ukraine là thông điệp mà tôi gửi hôm nay tới bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Ukraine, những người mà tôi tin rằng có mặt ở đây tối nay. Chúng tôi sát cánh cùng bạn ! Chắc !
Cuộc chiến ngày nay ở Kyiv và Melitopol và Kharkiv là trận chiến mới nhất trong một cuộc đấu tranh lâu dài. Hungary, 1956. Ba Lan, 1956, và sau đó nữa, 1981. Tiệp Khắc, 1968. Xe tăng cộng sản Liên Xô đã đè bẹp các cuộc nổi dậy dân chủ, nhưng cuộc kháng chiến vẫn tiếp tục cho đến cuối cùng vào năm 1989, khi bức tường Bá Linh và tất cả các bức tường do cộng sản Liên Xô thống trị, chúng đã sụp đổ. Chúng đã ngã ! Và người dân đã thắng thế.
Nhưng cuộc chiến giành dân chủ không thể dừng, và không thể kết thúc với chiến tranh lạnh. Trong 30 năm qua, các thế lực chuyên quyền độc tài toàn trị đã hồi sinh trên toàn cầu. Dấu hiệu nhận biết của độc tài toàn trị là những biểu hiện quen thuộc – khinh thường pháp quyền, khinh thường tự do dân chủ, khinh thường chính sự thật.
Ngày nay, chế độ độc tài ở Nga đã bóp nghẹt nền dân chủ và tìm cách làm như vậy ở những nơi khác, không chỉ ở quê hương của họ. Dưới những tuyên bố sai lầm về tình đoàn kết dân tộc, có những quốc gia láng giềng bị vô hiệu hóa. Putin rất khủng bố khi hắn nói rằng hắn đang ‘hạ bệ’ Ukraine. Đó là một lời nói dối. Nó chỉ là tục tĩu, hắn biết như vậy nhưng vẫn nói láo.
Tổng thống Zelenskyy được bầu lên một cách dân chủ. Anh ấy là người Do Thái. Gia đình của cha anh đã bị chết trong công trình diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã. Và Putin cũng rất táo bạo, giống như tất cả những người độc tài toàn trị chuyên quyền trước hắn, để tin vì hắn nói chính quyền Ukraine là quốc xã mới thì rằng điều đó sẽ đúng. Không phải vậy !
Tại chính đất nước tôi, một cựu tổng thống tên là Abraham Lincoln đã lên tiếng bày tỏ tinh thần đối lập để cứu liên minh của chúng tôi giữa cuộc nội chiến. Ông ấy nói chúng ta hãy tin rằng sự thật tạo nên sức mạnh. Chân lý là sức mạnh. Hôm nay, chúng ta hãy tạo dựng lại niềm tin đó. Chúng ta hãy quyết tâm vận động sức mạnh của sự thật từ các nền dân chủ để ngăn chặn các âm mưu của chế độ chuyên quyền độc tài toàn trị.
Chúng ta hãy nhớ rằng bài kiểm tra của thời điểm này là bài kiểm tra của mọi thời đại. Một tên tội phạm muốn miêu tả sự mở rộng của NATO như một dự án đế quốc nhằm gây bất ổn cho Nga. Đó không phải là sự thật. NATO là một liên minh phòng thủ. Nó chưa bao giờ tìm kiếm sự sụp đổ của Nga. Trước cuộc khủng hoảng hiện tại, Hoa Kỳ và NATO đã làm việc trong nhiều tháng để thương thảo với Nga nhằm ngăn chặn chiến tranh. Tôi đã gặp trực tiếp với Putin, nói chuyện với hắn ta nhiều lần qua điện thoại.
Chúng tôi hết lần này đến lần khác đưa ra các đề xuất ngoại giao thực tế và cụ thể nhằm củng cố an ninh Châu Âu, nâng cao tính minh bạch, xây dựng lòng tin ở tất cả các bên. Nhưng Putin đã đáp ứng từng đề xuất mà không quan tâm đến bất kỳ cuộc đàm phán nào, với những lời nói dối và tối hậu thư.
Nga đã muốn dùng bạo lực ngay từ đầu. Tôi biết không phải tất cả các bạn đều tin chúng tôi khi chúng tôi liên tục nói rằng, quân Putin sẽ vượt qua biên giới, họ sẽ tấn công. Putin liên tục khẳng định rằng chúng không quan tâm đến chiến tranh, đảm bảo với chúng tôi rằng chúng sẽ không xâm lăng. Liên tục nói rằng hắn ta sẽ không xâm lược Ukraine. Liên tục nói rằng quân đội Nga dọc theo biên giới đã đến đó để huấn luyện. Tất cả 180.000 người trong số họ chỉ đến biên giới để tập trận.
Đơn giản là không có sự biện minh hay khiêu khích nào cho sự lựa chọn chiến tranh của Nga. Đó là một ví dụ, một trong những phản xạ lâu đời nhất của con người, sử dụng vũ lực và thông tin sai lệch để thỏa mãn khao khát quyền lực và sự kiểm soát tuyệt đối. Đó không gì khác hơn là một thách thức trực tiếp đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được thiết lập kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Và nó có nguy cơ quay trở lại hàng thập kỷ trở vào thời kỳ khi chiến tranh tàn phá Châu Âu trước khi trật tự dựa trên luật lệ quốc tế được tạo dựng.
Chúng ta không thể quay lại thời đó. Chúng ta không thể. Mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ Putin là lý do tại sao phản ứng của phương Tây nhanh chóng và mạnh mẽ đến mức thống nhất, chưa từng có và áp đảo. Phản ứng nhanh chóng và chi phí trừng phạt là điều duy nhất khiến Nga thay đổi hướng đi của mình.
Trong vòng vài ngày sau cuộc xâm lược của Putin, phương Tây đã cùng nhau áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga. Ngân hàng Trung ương Nga hiện đã bị phong tỏa khỏi các hệ thống tài chính toàn cầu, từ chối quyền truy cập của Điện Kremlin vào quỹ chiến tranh được lưu trữ trên toàn cầu. Chúng tôi đã nhắm đến trọng tâm của nền kinh tế Nga bằng cách ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga sang Hoa Kỳ.
Cho đến nay, Hoa Kỳ đã trừng phạt 140 nhà tài phiệt Nga và các thành viên trong gia đình họ, thu giữ những khoản lợi bất chính của họ, du thuyền, căn hộ sang trọng, biệt thự của họ. Chúng tôi đã trừng phạt hơn 400 quan chức chính phủ Nga, bao gồm cả những kiến trúc sư chủ chốt của cuộc chiến xâm lược này. Những quan chức và nhà tài phiệt này đã thu được lợi nhuận kếch xù từ vụ tham nhũng có liên quan đến Điện Kremlin. Và giờ họ phải chia sẻ nỗi đau.
Khu vực tư nhân cũng đã hành động. Hơn 400 công ty tư nhân đa quốc gia đã rút khỏi hoạt động kinh doanh ở Nga. Bỏ đi hoàn toàn từ nước Nga. Từ các công ty dầu mỏ đến McDonald’s. Kết quả của các biện pháp trừng phạt chưa từng có này, đồng rúp của Nga gần như ngay lập tức bị biến thành đồng nát. Nhân tiện, nền kinh tế Nga – đó là sự thật, cần khoảng 200 rúp mới tương đương 1 đô la.
Nền kinh tế Nga đang trên đà bị cắt giảm một nửa trong những năm tới. Nền kinh tế Nga được xếp hạng nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới trước cuộc xâm lược này. Nó thậm chí sẽ sớm không được xếp hạng trong hàng đầu 20 nước trên thế giới.
Tổng hợp các biện pháp trừng phạt kinh tế này là một sức mạnh gây ra thiệt hại tương đương với những sức mạnh quân sự. Các lệnh trừng phạt quốc tế này đang làm mất đi sức mạnh, khả năng bổ sung quân đội và khả năng phát huy sức mạnh của Nga. Và đó là Putin, chính Vladimir Putin là người đáng trách. Không ai khác !
Đồng thời, cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế này, thế giới phương Tây đã cùng nhau cung cấp cho người dân Ukraine những hỗ trợ nhân đạo, kinh tế và quân sự với mức độ đáng kinh ngạc.
Trong những năm trước khi xâm lược, chúng tôi, Mỹ, đã gửi hơn 650 triệu đô la vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả thiết bị phòng không và chống thiết giáp. Kể từ khi Putin xâm lược, Mỹ đã đầu tư thêm 1,35 tỷ đô la cho vũ khí và đạn dược. Và nhờ lòng dũng cảm và sự quả cảm của người dân Ukraine, các thiết bị mà chúng tôi đã gửi và các đồng nghiệp của chúng tôi gửi đã được sử dụng để bảo vệ đất liền và không gian Ukraine.
Các đồng minh và đối tác của chúng tôi cũng đã tăng cường. Nhưng như tôi đã nói rõ, các lực lượng Mỹ đang ở Châu Âu – không phải ở Châu Âu để tham gia xung đột với lực lượng Nga. Lực lượng Mỹ ở đây để bảo vệ các đồng minh NATO. Hôm qua, tôi đã gặp các binh sĩ đang phục vụ cùng với các đồng minh Ba Lan của chúng tôi để tăng cường khả năng phòng thủ tuyến đầu của NATO.
Lý do chúng tôi muốn làm rõ là sự xâm lược của Putin trên Ukraine – đừng bao giờ nghĩ đến việc xâm lấn một phân của lãnh thổ NATO. Chúng ta có nghĩa vụ thiêng liêng. Chúng tôi có nghĩa vụ thiêng liêng theo NATO Điều 5 là bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ NATO bằng toàn bộ sức mạnh tập thể của chúng tôi.
Và sớm hôm nay, tôi đã đến thăm sân vận động quốc gia của các bạn, nơi hàng nghìn người tị nạn Ukraine hiện đang cố gắng trả lời những câu hỏi hóc búa nhất mà một con người có thể hỏi. Chúa ơi, điều gì sẽ xảy ra với tôi ? Điều gì sắp xảy ra với gia đình tôi ? Tôi thấy nhiều nước mắt của các bà mẹ khi tôi ôm họ vào lòng. Những đứa con nhỏ của họ, những đứa con thơ của họ, không biết nên cười hay nên khóc.
Một cô bé nói, thưa Tổng thống – cô bé nói được một chút tiếng Anh – anh trai tôi và bố tôi, họ sẽ an toàn chứ ? Tôi sẽ gặp lại họ chứ ? Thiếu đi chồng của họ, cha của họ. Trong nhiều trường hợp, anh chị em của họ đã ở lại chiến đấu vì tổ quốc.
Tôi không cần phải nói ngôn ngữ hay hiểu ngôn ngữ để cảm nhận được cảm xúc trong mắt họ, cách họ nắm chặt tay tôi, những đứa trẻ nhỏ bám vào chân tôi, cầu nguyện với hy vọng khôn cùng rằng tất cả chỉ là tạm thời. Sợ rằng họ có thể sẽ mãi mãi xa nhà của họ. Gần như một nỗi buồn suy nhược mà điều này lại xảy ra liên tục.
Nhưng tôi cũng bị ấn tượng bởi sự hào phóng của người dân Warsaw – đối với vấn đề đó, tất cả người dân Ba Lan – đối với sâu thẳm của lòng trắc ẩn, sự sẵn sàng vươn tới và mở rộng trái tim của họ. Tôi đang nói với Ngài Thị trưởng, các bạn đang mở rộng trái tim và ngôi nhà của các bạn chỉ đơn giản là để giúp đỡ những người tỵ nạn Ukraine.
Tôi cũng muốn cảm ơn người bạn của tôi, đầu bếp vĩ đại người Mỹ Jose Andres, và nhóm của anh ấy đã giúp nuôi sống những người tỵ nạn đang khao khát được tự do. Nhưng giúp đỡ những người tị nạn này không phải là điều mà Ba Lan hay bất kỳ quốc gia nào khác nên gánh vác một mình. Tất cả các nền dân chủ trên thế giới có trách nhiệm giúp đỡ. Tất cả mọi người. Và người dân Ukraine có thể tin tưởng vào Hoa Kỳ để đáp ứng trách nhiệm của mình.
Tôi đã thông báo hai ngày trước, chúng tôi sẽ chào đón 100.000 người tị nạn Ukraine. Chúng tôi đã có 8.000 người Ukraine mỗi tuần đến Hoa Kỳ với các quốc tịch khác. Chúng tôi sẽ cung cấp gần 300 triệu đô la hỗ trợ nhân đạo, cung cấp hàng chục nghìn tấn thực phẩm, nước uống, thuốc men và các vật tư cơ bản khác.
Tại Brussels, tôi đã thông báo Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp thêm hơn 1 tỷ đô la viện trợ nhân đạo. Chương trình Lương thực Thế giới nói với chúng tôi rằng bất chấp những trở ngại đáng kể, ít nhất một số cứu trợ đang đến được các thành phố lớn ở Ukraine. Nhưng không phải Mariupol vì các lực lượng Nga đang ngăn chặn hàng cứu trợ.
Nhưng chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở bất cứ nơi nào cần ở Ukraine và cho những người đã rời Ukraine. Bất chấp sự tàn bạo của Vladimir Putin, không nghi ngờ gì rằng cuộc chiến này đã là một thất bại chiến lược đối với Nga. Bản thân mất con, tôi biết đó không phải là niềm an ủi cho những người Ukraine mất gia đình. Nhưng Putin nghĩ rằng người Ukraine sẽ lăn đùng ra và không chiến đấu. Putin không phải là một học sinh hiểu nhiều về lịch sử.
Thay vào đó, các lực lượng Nga đã đối mặt với sự kháng cự dũng cảm và cứng rắn của Ukraine. Thay vì phá vỡ quyết tâm của Ukraine, các chiến thuật tàn bạo của Nga đã củng cố quyết tâm của họ. Thay vì khiến NATO tách rời, phương Tây giờ đây mạnh mẽ và đoàn kết hơn bao giờ hết.
Nga muốn NATO ít hiện diện hơn ở biên giới của mình nhưng giờ đây Putin đã đối mặt với một sự hiện diện mạnh mẽ hơn, một sự hiện diện lớn hơn với hơn 100.000 lính Mỹ ở đây cùng với tất cả các thành viên khác của NATO. Trên thực tế, Nga đã cố gắng gây ra một điều gì đó mà tôi chắc chắn rằng Putin không bao giờ có ý định. Các nền dân chủ trên thế giới được hồi sinh với mục đích và sự thống nhất được tìm thấy trong nhiều tháng mà trước đây chúng ta đã từng mất nhiều năm để hoàn thành.
Không chỉ những hành động của Nga ở Ukraine đang nhắc nhở chúng ta về sự phù hộ của nền dân chủ. Đó là đất nước của Putin, Điện Kremlin, Putin đang giam cầm những người biểu tình. Hai trăm nghìn người được cho là đã rời đi. Nước Nga đang chảy máu chất xám. Tắt tin tức độc lập. Truyền thông nhà nước đều là tuyên truyền. Kiểm duyệt và phong tỏa những hình ảnh về tấn công các mục tiêu dân sự, hố chôn tập thể, chiến thuật bao vây bỏ đói dân các thành phố của quân Nga ở Ukraine.
Có gì ngạc nhiên khi tôi đã nói rằng 200.000 người Nga đã rời khỏi đất nước của họ trong một tháng. Một sự chảy máu chất xám đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Điều đó đưa tôi đến thông điệp của tôi với người dân Nga. Tôi đã làm việc với các nhà lãnh đạo Nga trong nhiều thập kỷ. Tôi ngồi bên kia bàn đàm phán từ thời Liên Xô với Alexei Kosygin để nói chuyện về việc kiểm soát vũ khí ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Tôi đã luôn nói chuyện trực tiếp và trung thực với các bạn, những người dân Nga. Hãy để tôi nói điều này, nếu bạn có thể lắng nghe. Bạn, nhân dân Nga, không phải là kẻ thù của chúng tôi. Tôi từ chối tin rằng bạn hoan nghênh việc giết chết những đứa trẻ và ông bà vô tội, hay bạn chấp nhận bệnh viện, trường học, khu hộ sinh và vì Chúa bị vùi dập bởi tên lửa và bom của Nga. Hoặc các thành phố bị bao vây bởi quân đội Nga để dân thường không thể chạy trốn. Nguồn cung cấp bị cắt và quân Nga cố gắng để bỏ đói khiến người Ukraine phải đầu hàng.
Hàng triệu gia đình đang phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có một nửa số trẻ em Ukraine. Đây không phải là những hành động của một quốc gia vĩ đại. Đối với tất cả mọi người, bạn, người dân Nga, cũng như tất cả những người dân trên khắp Châu Âu vẫn còn nhớ về một hoàn cảnh tương tự vào cuối những năm 30 và 40.
Tình hình Thế chiến thứ hai vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều ông bà trong vùng. Dù thế hệ của bạn đã trải qua điều gì, cho dù nó đã trải qua cuộc vây hãm Leningrad hay đã nghe về điều đó từ cha mẹ và ông bà của bạn. Các ga xe lửa tràn ngập các gia đình sợ hãi chạy trốn khỏi nhà của họ. Những đêm trú ẩn trong các tầng hầm. Buổi sáng sàng lọc đống đổ nát trong nhà của bạn. Đây không phải là những ký ức của quá khứ. Không còn nữa. Bởi vì đó chính xác là những gì quân đội Nga đang làm ở Ukraine lúc này.
Ngày 26 tháng 3 năm 2022, chỉ vài ngày trước khi chúng ta 21 tuổi – bạn đã là một quốc gia của thế kỷ 21, với những hy vọng và ước mơ mà mọi người trên khắp thế giới dành cho bản thân và gia đình của họ. Giờ đây, sự hung hăng của Vladimir Putin đã khiến bạn, người dân Nga, tách khỏi phần còn lại của thế giới, và nó đang đưa nước Nga trở lại thế kỷ 19.
Đây không phải là con người của bạn. Đây không phải là tương lai bạn xứng đáng dành cho gia đình và con cái của bạn. Tôi nói thật với các bạn, cuộc chiến này không xứng đáng với các bạn, nhân dân Nga. Putin có thể và phải chấm dứt cuộc chiến này. Người dân Mỹ sẽ sát cánh cùng bạn, và những công dân dũng cảm của Ukraine, những người mong muốn hòa bình.
Thông điệp của tôi tới phần còn lại của Châu Âu, cuộc chiến giành tự do mới này đã làm rõ một vài điều. Đầu tiên, Châu Âu phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Và chúng tôi, Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ. Đó là lý do tại sao mới hôm qua tại Brussels, tôi đã thông báo kế hoạch với chủ tịch Ủy ban Châu Âu để đưa Châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng tức thời.
Về lâu dài, vì vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và sự tồn tại của hành tinh, tất cả chúng ta cần phải chuyển sang năng lượng sạch, tái tạo càng nhanh càng tốt. Và chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để giúp hoàn thành điều đó để những ngày của bất kỳ quốc gia nào phải chịu sự thay đổi bất chợt của một bạo chúa vì nhu cầu năng lượng của mình đã qua. Họ phải kết thúc. Họ phải kết thúc.
Và thứ hai, chúng ta phải chống lại nạn tham nhũng đến từ Điện Kremlin để mang lại cho người dân Nga một cơ hội công bằng. Và cuối cùng, khẩn cấp nhất, chúng ta phải duy trì sự thống nhất tuyệt đối, giữa các nền dân chủ trên thế giới. Nó không đủ để nói bằng những lời nói khoa trương về dân chủ, về tự do và giá trị. Tất cả chúng ta, kể cả ở đây ở Ba Lan, phải thực hiện công việc dân chủ chăm chỉ mỗi ngày – đất nước của tôi cũng vậy.
Đó là lý do tại sao tôi đến Châu Âu một lần nữa trong tuần này với một thông điệp rõ ràng và kiên quyết cho NATO, cho G7, cho Liên minh Châu Âu, cho tất cả các quốc gia yêu tự do – chúng ta phải cam kết tham gia cuộc chiến này lâu dài. Chúng ta phải thống nhất ngày hôm nay, ngày mai và ngày kia. Và trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tới. Nó không có dễ dàng đâu. Sẽ có chi phí tổn thất. Nhưng đó là một cái giá mà chúng ta phải trả vì bóng tối thúc đẩy chế độ chuyên quyền độc tài toàn trị rốt cuộc không thể sánh được với ngọn lửa tự do thắp sáng tâm hồn của những người tự do ở khắp mọi nơi.
Lịch sử hết lần này đến lần khác cho thấy điều đó. Đó là từ những khoảnh khắc bóng tối mà sự tiến bộ lớn nhất được tạo thành sau đó. Và lịch sử cho thấy đây là nhiệm vụ của thời đại chúng ta, nhiệm vụ của thế hệ này. Hãy nhớ lại cú búa giáng xuống bức tường Bá Linh, sức mạnh vén bức màn sắt cộng sản không phải là lời nói của một nhà lãnh đạo duy nhất, mà chính là người dân Châu Âu, những người đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để giải phóng chính mình.
Sự dũng cảm tuyệt đối của họ đã mở ra biên giới giữa Áo và Hungary cho cuộc Dã ngoại Liên Âu. Họ đã chung tay vì Con đường Baltic. Họ đã ủng hộ sự đoàn kết ở đây ở Ba Lan. Và chung quy lại đó là một lực lượng không thể nhầm lẫn và không thể phủ nhận của những con người mà cộng sản Liên Xô không thể chống lại được. Và hôm nay chúng ta lại thấy điều đó một lần nữa khi những người dân Ukraine dũng cảm cho thấy rằng sức mạnh của nhiều người của họ lớn hơn ý chí của bất kỳ một nhà độc tài nào.
Vì vậy, trong giờ phút này, hãy để những lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô được cháy sáng rực rỡ như ngày hôm nay. Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng. Không bao giờ nghi ngờ. Không bao giờ mệt mỏi. Đừng bao giờ nản chí. Đừng sợ !
Một nhà độc tài cố gắng xây dựng lại một đế chế sẽ không bao giờ đủ để xóa bỏ tình yêu tự do của người dân. Sự tàn bạo sẽ không bao giờ làm suy giảm ý chí được tự do của họ. Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga, vì những người tự do từ chối sống trong một thế giới vô vọng và tăm tối.
Chúng ta sẽ có một tương lai khác, một tương lai tươi sáng hơn, bắt nguồn từ nền dân chủ và nguyên tắc, hy vọng và ánh sáng. Của sự đàng hoàng và nhân phẩm và tự do và những điều có thể xảy ra và khả năng cho tương lai. Putin không thể tiếp tục cầm quyền !
Thần ban phước cho tất cả các bạn. Và cầu Chúa bảo vệ tự do của chúng tôi, và xin Chúa bảo vệ quân đội của chúng tôi. Cảm ơn sự kiên nhẫn của bạn. Cảm ơn bạn. Cảm ơn bạn.
Joe Biden
Nguyên tác : President Biden’s speech in Warsaw on Russia’s invasion of Ukraine, ABC News, 26/03/2022
Phạm Đình Bá dịch
Nguồn : VNTB, 27/03/2022
*************************
(*) Đừng sợ
John Paul II, Trần Quốc Việt dịch, 26/3/2022
Lời giới thiệu : Ngày thứ Bảy qua, Tổng thống Mỹ đã đọc bài diễn văn trước Lâu đài Hoàng gia Warsaw, ở Ba Lan. Trong bài diễn văn ông nhắc lại lời của Giáo hoàng John Paul II : "Đừng sợ". chúng tôi chuyển đến quý độc giả bản dịch bài diễn văn nhậm chức của Giáo hoàng John Paul II với hy vọng độc giả người Việt có thể tìm thấy sự khích lệ và hy vọng như hàng triệu người Đông Âu, đặc biệt người Ba Lan, đã tìm thấy cách đây hơn 40 năm. TQV
Tổng thống Biden bắt đầu bài phát biểu trước Lâu đài Hoàng gia Warsaw, với lời của Giáo hoàng Ba Lan John Paul II: "Đừng sợ". Omar Marques / Getty Images
Quảng trường Thánh Phêrô
Chủ nhật, 22 tháng Mười, 1978
"Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống" (Mátthêu 16:16). Những lời này được Simon, con ông Giôna, ở thành Xêdarê Philípphê, nói ra. Vâng, ông nói ra từ chính miệng mình với niềm xác tín đã sống và trải nghiệm sâu sắc - nhưng lời ấy không khởi nguồn từ trong lòng ông, mà nguồn gốc của lời ấy là : "...vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều này, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên Trời" (Mátthêu 16:17). Những lời nói ra ấy là những lời của Đức tin.
Những lời này đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của Phêrô trong lịch sử cứu chuộc, trong lịch sử của Dân Chúa. Từ thời điểm ấy, từ Tuyên xưng Đức tin ấy, lịch sử thiêng liêng của cứu chuộc và Dân Chúa chắc chắn bắt đầu mang tầm vóc mới : thể hiện mình trong tầm vóc lịch sử của Hội thánh.
Tầm vóc Giáo hội trong lịch sử Dân Chúa có khởi nguồn, đúng hơn được sinh ra, chính từ những lời của Đức tin này, và được gắn bó với người đã thốt ra những lời ấy : "Ngươi là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy".
Vào ngày này và tại nơi này chính những lời này cần phải được thốt ra và được lắng nghe lần nữa : "Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống".
Vâng, hỡi các anh em và các con nam nữ, khởi thủy chính là những lời này.
Nội dung của những lời này khải thị trước mắt chúng ta sự mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống, sự mầu nhiệm mà Đấng Kitô, con của Thiên Chúa đã đưa chúng ta đến gần. Thật sự không có ai đã đưa Thiên Chúa hằng sống đến gần con người và khải thị Thiên Chúa như Đấng Kitô đã làm một mình. Trong tri thức của chúng ta về Thiên Chúa, trong cuộc hành trình của chúng ta hướng về Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn gắn bó với sức mạnh của những lời này : "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha". Thiên Chúa là Đấng vô cùng, huyền nhiệm, khôn tả, đã đến gần với chúng ta qua Đấng Giêsu Kitô, Người con duy nhất của Thiên Chúa được sinh ra, được Đức mẹ Maria đồng trinh sinh hạ trong máng lừa Bê Lem.
Tất cả những ai đang mưu tìm đến Thiên Chúa, tất cả những ai đã vô cùng may mắn tin Thiên Chúa, và tất cả những ai đang bị hoài nghi dày vò : ngày hôm nay tại nơi thiêng liêng này, xin các anh chị em hãy lắng nghe lần nữa những lời được Simon Phêrô nói ra. Trong những lời ấy là đức tin của Hội thánh. Trong chính những lời ấy là chân lý mới, đúng ra, là chân lý cuối cùng và cao quý nhất về con người : con Thiên Chúa hằng sống - "Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống".
Ngày hôm nay Giám mục mới của Rôma long trọng bắt đầu Thánh chức của mình cùng sứ vụ của Phêrô. Thực ra, tại thành phố này, Phêrô đã hoàn tất và đã làm tròn sứ vụ Đức Chúa đã phó thác cho ông. Đức Chúa đã nói trực tiếp với ông những lời này : "...lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý ; nhưng khi về già anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Gioan 21:18).
Phêrô đến Rôma !
Còn điều gì khác hơn nữa ngoài sự tuân theo linh ứng nhận được từ Đức Chúa đã dẫn dắt ông và đưa ông đến thành phố này, trung tâm của Đế quốc ? Có lẽ người dân chài miền Galilê ấy đã không muốn đến đây. Có lẽ ông thích ở lại nơi chốn xưa ấy, trên bờ Hồ Ghennêxarét, với thuyền và lưới của mình. Nhưng dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa, tuân theo linh ứng của Người, ông đã đến đây !
Theo truyền thuyết xưa được lưu truyền (được tái hiện kỳ diệu qua văn chương trong tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz), Phêrô muốn rời khỏi Rôma trong thời bách hại của Nero. Nhưng Chúa đã can dự : Chúa đi gặp ông. Phêrô thưa chuyện với Đức Chúa rồi hỏi. "Quo vadis, Domine ?", nghĩa là "Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu ?". Chúa trả lời ông tức thì : "Ngươi hãy vào thành Rôma để chịu đóng đinh trên thập giá lần nữa". Phêrô liền quay trở lại Rôma và ở lại nơi này cho đến ngày ông bị đóng đinh trên thập giá.
Vâng, hỡi các anh em và các con nam nữ, Rôma là Tòa Thánh của Phêrô. Trải qua suốt qua bao nhiêu thế kỷ những vị giám mục mới không ngừng kế tục ông tại Tòa Thánh này. Ngày hôm nay một giám mục mới đến Tòa thánh của Phêrô ở Rôma, một giám mục mới lòng đầy lo sợ, xét mình thật không xứng đáng. Ai lại không run rẩy trước ơn gọi cao cả này và trước sứ vụ phổ quát của Tòa Thánh Rôma !
Kế vị chức vụ giám mục của Phêrô ngày hôm nay là một giám mục không phải người Rôma. Giám mục là người con của Ba Lan. Nhưng từ giây phút này ông cũng trở thành người Rôma. Vâng - người Rôma. Ông là người Rôma cũng vì ông là con của một nước nơi lịch sử ngay từ buổi bình minh đầu tiên, nơi truyền thống ngàn năm đều in dấu mối liên hệ hằng sống, mạnh mẽ, bền vững, và được cảm nhận sâu sắc với Tòa thánh của Phêrô, một nước mãi mãi trung thành với Tòa Thánh Rôma. Huyền nhiệm thay sự an bài của Thiên Chúa quan phòng !
Trong những thế kỷ qua, khi các bậc giám mục kế vị Phêrô cai quản tòa thánh của ông, triregnum hay ngọc miện được đội lên đầu họ. Giáo hoàng cuối cùng được đội ngọc miện là Phaolô VI vào năm 1963, nhưng sau lễ gia miện trang nghiêm ấy ông không bao giờ dùng đến ngọc miện nữa và để cho những bậc kế vị ông tự do quyết định chuyện này.
Giáo hoàng John-Paul I, mà ký ức về người vẫn còn sống động trong lòng chúng ta, đã không muốn dùng ngọc miện ; ngày hôm nay người kế vị ông cũng không muốn dùng đến. Đây không phải là lúc trở lại lễ và vật vốn được coi không đúng là biểu tượng của quyền lực thế tục của các Giáo hoàng.
Thời đại của chúng ta kêu gọi chúng ta, thúc giục chúng ta, buộc chúng ta nhìn chăm chú vào Chúa và đắm mình trong suy niệm khiêm nhường và ngoan đạo về sự mầu nhiệm của quyền năng tối cao của chính Đấng Kitô.
Người được hạ sinh từ Đức mẹ Maria đồng trinh, con của người thợ mộc (như người đời tưởng thế), con của Thiên Chúa hằng sống (được Phêrô xác tín), đã đến để làm cho tất cả chúng ta là "một vương quốc tư tế".
Cộng đồng Vatican thứ hai đã nhắc chúng ta về sự mầu nhiệm của quyền năng này và về sự thật rằng sứ vụ của Đấng Kitô với cương vị Tư tế, Ngôn sứ - Thầy dạy và Vua vẫn tiếp tục trong Hội thánh. Tất cả mọi người, toàn thể Dân Chúa, đều dự phần trong sứ vụ ba cách này. Có lẽ trong quá khứ, ngọc miện, vương miện ba tầng này, được đội lên đầu của Giáo hoàng để qua biểu tượng đó thể hiện kế hoạch của Đức Chúa cho Hội thánh của Người, cụ thể tất cả các phẩm trật của Hội thánh của Đấng Kitô, tất cả "quyền năng thiêng liêng" được thực thi trong Hội thánh, là không có gì khác hơn ngoài sự phụng sự, phụng sự với mục đích duy nhất : đảm bảo rằng toàn thể Dân chúa đều dự phần trong sứ vụ ba cách này của Đấng Kitô và luôn luôn dưới quyền năng của Đức Chúa, một quyền năng có cội nguồn không phải từ quyền lực của thế gian này mà từ sự mầu nhiệm của Thánh giá và Phục sinh.
Quyền năng tuyệt đối nhưng êm dịu ngọt ngào của Đức Chúa đáp ứng với toàn bộ chiều sâu của con người nhân tính, với những nguyện vọng cao đẹp nhất của con người về trí tuệ, ý chí và thương yêu. Quyền năng ấy không nói bằng ngôn ngữ của vũ lực mà thể hiện mình qua bác ái và chân lý.
Người kế vị Phêrô mới ở Tòa Thánh Rôma, ngày hôm nay xin dâng lời cầu nguyện thiết tha, khiêm nhường và tin tưởng : con cầu nguyện Đấng Kitô cho con trở thành tôi tớ và mãi mãi là tôi tớ của quyền năng độc nhất của Người, tôi tớ của quyền năng ngọt ngào của Người, tôi tớ của quyền năng không biết đến chiều tà của Người. Hãy cho con được làm tôi tớ, tôi tớ của những tôi tớ của Người.
Hỡi các anh chị em, đừng sợ đón mừng Đấng Kitô và đón nhận quyền năng của Người. Hãy giúp Đức Giáo hoàng và tất cả những ai muốn phục vụ Đấng Kitô và qua quyền năng của Đấng Kitô phục vụ con người nhân tính và toàn thể nhân loại. Hãy đừng sợ. Hãy mở rộng cửa ra đón Đấng Kitô. Hãy mở ra trước quyền năng cứu rỗi của Người những giới tuyến của các Nhà nước, những hệ thống kinh tế và chính trị, những cánh đồng bát ngát của văn hoá, văn minh và tiến bộ. Hãy đừng sợ. Đấng Kitô biết "có gì trong lòng con người". Chỉ mình Người biết điều này.
Đôi khi ngày nay con người không biết có gì trong lòng mình, trong sâu thẳm tâm hồn mình. Đôi khi con người không chắc chắn về ý nghĩa của cuộc đời mình trên thế gian này. Con người bị hoài nghi dày vò, rồi hoài nghi biến thành tuyệt vọng. Cho nên chúng tôi kêu gọi các anh chị em, với tất cả tin tưởng và khiêm nhường chúng tôi van xin các anh chị em, hãy để Đấng Kitô nói với con người. Chỉ mình Người có lời của sự sống, đúng, lời của sự sống đời đời.
Chính xác vào ngày hôm nay toàn thể Hội thánh đang mừng "Ngày Sứ vụ Thế giới" ; nghĩa là, Hội thánh đang cầu nguyện, suy niệm và hành động để cho lời của sự sống của Đấng Kittô có thể đến với tất cả mọi người và được tất cả mọi người đón nhận như một thông điệp của hy vọng, cứu chuộc, và giải phóng hoàn toàn.
John Paul II
Nguyên tác trích từ Trang nhà của Tòa Thánh Vatican
Trần Quốc Việt dịch
Những đoạn trích dẫn in nghiêng người dịch lấy từ bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên dịch các giờ Kinh phụng vụ.
Người dịch chân thành cảm ơn sâu sắc các dịch giả của nhóm phiên dịch.
************************
Chúng tôi sát cánh cùng các bạn
Joe Biden, Vì Công Lý, 27/03/2022
Warsaw, Ba Lan – Tổng thống Joe Biden nói về Cuộc chiến ở Ukraine Gil chiến đấu trong cuộc đấu tranh cho dân chủ khi anh ta tìm cách tập hợp sự ủng hộ của thế giới đằng sau quốc gia bị bao vây.
"Các nền dân chủ trên thế giới đang được tiếp thêm sinh lực", Biden nói về phản ứng toàn cầu đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Phát biểu từ một lâu đài cũ ở Warsaw trước một đám đông bao gồm Người tị nạn Ukraine , ông Biden đã chỉ trích Tổng thống Nga Putin và kêu gọi người dân Nga chọn một con đường khác cho đất nước của họ. Ông cũng kêu gọi Châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và đoàn kết đứng sau một chiến dịch gây áp lực lên Putin.
"Điều đó sẽ không dễ dàng, sẽ phải trả giá", tổng thống nói, khi đám đông vẫy cờ của Hoa Kỳ, Ukraine và Ba Lan. "Nhưng đó là một cái giá mà chúng ta phải trả. Bởi vì bóng tối thúc đẩy chế độ chuyên chế cuối cùng không thể sánh được với ngọn lửa tự do thắp sáng tâm hồn của những người tự do ở khắp mọi nơi".
Tổng thống Joe Biden có bài phát biểu tại Lâu đài Hoàng gia ở Warsaw, Ba Lan hôm thứ Bảy. Evan Fauci / AFP
"Chúng tôi sát cánh với các bạn", ông nói về Ukraine.
Biden đã tấn công Putin vì đã nhiều lần tuyên bố trước cuộc xâm lược rằng ông không có ý định vào Ukraine, và chỉ trích Putin vì sự tàn bạo do ông gây ra từ khi cuộc tấn công quân sự bắt đầu. Ngay trước khi Biden phát biểu, thành phố Lviv của Ukraine, nơi trú ẩn tương đối an toàn trong nước, đã bị tấn công bằng tên lửa hành trình ít nhất ba lần.
"Vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền", Biden nói về Putin.
Một quan chức Nhà Trắng sau đó cho biết tổng thống không kêu gọi sa thải ông Putin. "Quan điểm của tổng thống là Putin không thể áp đặt quyền lực của mình đối với các nước láng giềng hoặc khu vực", quan chức này nói. Ông không thảo luận về quyền lực của Putin ở Nga, hay sự thay đổi chế độ.
Nhưng Biden cũng vẽ ra một bức tranh đầy hy vọng – một bức tranh trong đó tự do ngự trị trên các chế độ độc tài và nơi mà sự đoàn kết giữa các đồng minh phương Tây chưa bao giờ mạnh mẽ hơn.
"Một nhà độc tài muốn xây dựng lại một đế chế sẽ không bao giờ có thể xóa bỏ tình yêu tự do của người dân. Sự tàn bạo sẽ không bao giờ loại bỏ ý chí tự do. Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga, bởi vì những người tự do từ chối sống trong một thế giới đầy rẫy sự lạc hậu, sự tuyệt vọng và bóng tối", Biden nói.
Biden đề cập đến nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng của Ba Lan, chẳng hạn như Giáo hoàng John Paul II và cựu tổng thống Lech Wasa, và nhắc đến những cuộc chiến mà Ba Lan đã phải đối mặt trong nhiều năm để giành tự do.
Đó là một thông điệp gửi tới người dân Ba Lan – những người đã đổ ra đường để nghe những lời của Biden – khi họ thấy mình đang ở chiến tuyến của cuộc khủng hoảng tị nạn và ngày càng lo sợ rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo của Nga.
"Vào giờ này, hãy để những lời của Giáo Hoàng John Paul bừng sáng như ngày hôm nay, đừng bao giờ mất hy vọng, đừng bao giờ nghi ngờ, đừng bao giờ mệt mỏi, đừng bao giờ nản chí. Đừng sợ " (*), Biden nói.
Biden cũng có một thông điệp dành cho người dân Nga, cảnh báo rằng hành động của Putin sẽ khiến ông bị cả thế giới cô lập và "đưa nước Nga trở lại thế kỷ XIX".
"Đây không phải là những gì bạn đang có, đây không phải là tương lai bạn xứng đáng dành cho gia đình và con cái của bạn", Biden nói. "Cuộc chiến này không dành cho các bạn, những người dân Nga. Putin có thể và phải chấm dứt cuộc chiến này".
Trước khi có bài phát biểu, Biden đã gặp gỡ những người tị nạn Ukraine và nhân viên cứu trợ tại một sân vận động thể thao từng tổ chức các buổi hòa nhạc rock và các trận đấu bóng đá. Nó hiện cung cấp nơi ở tạm thời cho những người tị nạn, giúp họ đăng ký đi học và đi làm.
Trong sân vận động, một nhóm phụ nữ và trẻ em Ukraine tị nạn tụ tập xung quanh Biden để kể cho ông nghe những trãi nghiệm mà họ đã chịu đựng, yêu cầu ông cầu nguyện cho những người thân phái nam của họ đang chiến đấu ở Ukraine, và cảm ơn sự hỗ trợ của ông và Hoa Kỳ. Biden ôm một người phụ nữ đang rơm rớm nước mắt và chụp ảnh chung với một bé gái mặc bộ quần áo mùa đông màu hồng. Mẹ của cô gái nói với Biden về việc con gái bà đã trú ẩn trong một tầng hầm như thế nào trước khi đến Ba Lan.
"Thành thật mà nói, tôi luôn luôn ngạc nhiên về cố gắng giữ vững niềm tin trong lòng người Ukraine trước sức mạnh của kẻ thù", Biden nói sau khi gặp những người tị nạn. "Họ là một nhóm người tuyệt vời".
Khi được một phóng viên hỏi về những báo cáo về sự thay đổi chiến lược của Nga, Biden tỏ ra hoài nghi. "Tôi không chắc về điều đó", ông nói. Hôm thứ Sáu, một tướng Nga cho biết quân đội đang rút về phía đông để tập trung "giải phóng hoàn toàn" khu vực ly khai Donbas của đất nước.
Khi được hỏi về ý kiến của ông về hành động của Tổng thống Nga Putin ở Ukraine, ông Biden thẳng thắn. "Ông ta là một người đồ tể", Biden nói.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện diện trong suốt hai ngày Biden ở Ba Lan. Khi chở Biden đến gặp tổng thống Ba Lan vào thứ Bảy, đoàn xe băng qua ga xe lửa Warsaw và gặp một dòng người tị nạn Ukraine vừa đến Ba Lan xếp hàng để mua thực phẩm và các vật dụng cơ bản như giấy vệ sinh. Tất cả yêu cầu được giúp đỡ về nhà ở và phương tiện đi lại.
Trong khi Ba Lan chào đón người tị nạn với vòng tay rộng mở và các dấu hiệu ủng hộ Ukraine đã xuất hiện bao trùm thành phố, các quan chức Ba Lan, bao gồm cả thị trưởng Warsaw, người mà Biden đã gặp hôm thứ Bảy, cho biết họ đang bị đẩy đến bờ vực trong nỗ lực cung cấp nhiều hơn sự cứu trợ. Hơn hai triệu người tị nạn tràn vào đất nước trong vài tuần.
Ông Biden nói với Tổng thống Andrzej Duda trong cuộc họp hôm thứ Bảy : "Chúng tôi nhận ra rằng Ba Lan đang gánh một trách nhiệm to lớn, và tôi không nghĩ đó là nhiệm vụ của Ba Lan. Công tác cứu trợ này phải là của toàn thế giới, là trách nhiệm của tất cả các quốc gia".
Biden cũng đưa ra những lời cam đoan nhiệt thành rằng nếu Nga tấn công Ba Lan, Hoa Kỳ sẽ tự vệ như một phần trong cam kết của mình dưới thời NATO.
Cuộc viếng thăm Châu Âu của Biden giới hạn trong ba ngày, ông đã tiến hành một số gặp gỡ với các nhà lãnh đạo thế giới, tìm cách củng cố sự đoàn kết của họ đằng sau một chiến dịch gây áp lực đang diễn ra chống lại Nga.
Nhà Trắng cho biết họ hy vọng bài phát biểu của Biden sẽ qui tụ sự đoàn kết quanh một kết hợp lớn để ủng hộ người dân và chính quyền Ukraine, quy trách nhiệm cho Nga và coi cuộc xung đột này là một cuộc chiến lớn bảo vệ dân chủ.
Hoa Kỳ đã công bố một số các biện pháp mới đối với Nga và gia tăng sự giúp đỡ cho Ukraine, đó là các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với hơn 400 thực thể của Nga và viện trợ nhân đạo 1 tỷ USD cho Ukraine, tiếp nhận 100.000 người tị nạn Ukraine, và giảm sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga.
Nguồn : vicongly, 27/03/2022
Phát biểu trên hệ thống truyền hình quốc gia trong ngày thứ Sáu cuối tuần thứ nhì của cuộc chiến, Putin đã hung hăng hăm dọa sẽ theo đuổi cuộc tấn công đến cùng. Có thể là một đòn chiến tranh tâm lý nhằm đe dọa Ukraine và cũng có thể là bước đường cùng, không còn cách thoái lui của một kẻ độc tài, bất chấp hậu quả do mình gây ra. Không ai có thể dự liệu hết âm mưu của Putin cùng khả năng và tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine sẽ chống cự được bao lâu.
Ukraine hiện nay là một đồng minh chiến lược, chưa phải là thành viên khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu
Các nguồn tin tình báo của Mỹ cảnh báo rằng, Nga đang huy động đến 92% khả năng chiến đấu của quân đội trong cuộc xâm lấn lãnh thổ Ukraine lần này và trong những ngày đến, cuộc giao tranh và con số tử vong sẽ càng khốc liệt hơn. Với quân số và vũ lực áp đảo của Nga như vậy, Ukraine dẫu có kiên cường và quyết tâm, cũng như vẫn đang được phe đồng minh tiếp tục ủng hộ, cung cấp vũ khí chiến đấu thì việc Kyiv bị thất thủ chỉ là vấn đề của thời gian, không là điều ngạc nhiên nếu có xảy ra trong cuộc chiến không cân sức này.
Với thái độ hiếu chiến, không nhượng bộ hay lùi bước của Putin thì những biện pháp chế tài và lệnh cấm vận tài chánh mạnh mẽ nhất mà Mỹ và khối đồng minh đã áp dụng dẫu có tạo ra áp lực nặng nề và lâu dài lên Nga, trong hy vọng mong manh là điều này cùng sự phản đối từ hàng ngũ lãnh đạo chính phủ và quân đội nếu có, cũng như chính từ người dân Nga có thể làm thay đổi quyết định của Putin. Bằng không thì sự cấm vận vẫn không đủ để cản bước quân Nga hiện nay, ngoại trừ phe đồng minh trực tiếp can dự về mặt quân sự, chính thức chiến đấu cùng với quân đội Ukraine.
Vậy tại sao Mỹ và phe đồng minh vẫn chưa nhập cuộc ?
Với liên minh và sức mạnh quân sự của mình, khối đồng minh có thừa khả năng chặn đường tiến quân của Nga, giúp Ukraine bảo vệ được nền tự do và đánh bật Nga ra khỏi Ukraine. Nhưng câu trả lời không đơn giản như suy nghĩ của những người không nắm giữ trọng trách với quốc gia và người dân. Bởi chiến thắng nào không có cái giá rất đắt phải trả ?
Khi phe đồng minh đưa quân đội vào Ukraine, không chỉ đưa người lính của nước mình đối đầu sự nguy hiểm mà còn khơi mào cho nguy cơ một cuộc thế chiến với kẻ thù có vũ khí hạch tâm cùng sự gián đoạn một nguồn cung cấp năng lượng đáng kể cho Châu Âu, dẫn đến những hệ lụy cho cả thế giới. Riêng giá dầu thô đã tăng khoảng hơn 20% kể từ khi chiến tranh xảy ra đến nay, tăng đến xấp xỉ 120 đô la một thùng dầu vào cuối tuần. Các chuyên gia kinh tế dự báo có nhiều khả năng có thể sẽ tăng đến 150 đô hay như hãng tài chánh JPMorgan còn cho rằng đến 185 đô la nếu chiến tranh leo thang và kéo dài. Giá xăng dầu đột biến sẽ dẫn đến sự gia tăng giá cả của hầu hết mọi hàng hóa, thực phẩm và dịch vụ, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Mặt khác, Ukraine hiện nay là một đồng minh chiến lược, chưa phải là thành viên khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu nên không có những hiệp ước bảo vệ chung như những quốc gia thành viên trong khối. Ukraine có đầy đủ lý do để bảo vệ và hy sinh cho nền độc lập của mình nhưng rất tiếc là các quốc gia đồng minh không có những lý do như Ukraine, ngoại trừ việc tiếp tục viện trợ tối đa cho Ukraine.
Những đối thủ chính trị của Tổng thống Joe Biden có thể đã và đang chê trách sự yếu đuối của ông cùng nội các đương nhiệm, cho rằng Hoa Kỳ đang bỏ rơi đồng minh. Cũng như Donald Trump và người ủng hộ ông cho rằng nếu ông ta vẫn còn là tổng thống thì Nga sẽ không dám tấn công Ukraine (!?). Với những suy diễn cá nhân, có lẽ cần dẫn lời cựu cố vấn an ninh quốc gia thân cận của Donald Trump là John Bolton, người có thẩm quyền và hiểu rõ chính sách dưới thời Donald Trump hơn.
Trả lời phỏng vấn trên hệ thống truyền hình cực hữu Newsmax, John Bolton bảo Nga không tấn công Ukraine đơn giản là vì chưa sẵn sàng. Họ vẫn còn dự tính đến lúc sức mạnh của NATO và EU sẽ suy yếu đi, mất đi sự hợp nhất dưới chính sách đối ngoại của Donald Trump một khi ông ta tái đắc cử. Còn với Trump, ông ta không biết Ukraine ở đâu và từng hỏi Phần Lan có phải từng thuộc về Liên Bang Xô Viết hay không thì khó có đủ khả năng giải quyết biến động quốc gia hay thế giới.
Trong chuyến công du Châu Âu vài ngày qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đã lên án mạnh mẽ và tố cáo Nga đang sát hại dân lành. Đồng thời, ông cũng tuyên bố rằng, "Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Nga nhưng chúng tôi sẵn sàng cho cuộc xung đột này và sẽ bảo vệ mỗi tấc đất của lãnh thổ NATO". Điều này có thể hiểu rằng, Hoa Kỳ sẽ không động binh cho đến khi buộc phải tham chiến nếu Nga tấn công sang một thành viên NATO nào đó. Ukraine tất nhiên không thuộc về NATO, muốn hay không thì đây là một sự thực trần trụi cần đối diện.
Đưa quân đội vào chiến đấu cùng lính Ukraine xem như chính thức tuyên chiến cùng Nga và chấp nhận những thương vong, thiệt hại cho chính quân đội của mình, sẽ là một chọn lựa bất khả kháng và cuối cùng. Chấp nhận những chỉ trích cá nhân về phần mình với những quyết định đặt quyền lợi quốc gia và người dân lên trên hết không phải là điều dễ dàng và luôn được đồng thuận theo suy nghĩ thông thường của người dân, nhưng đó là một tư chất và bản lãnh của một nhà lãnh đạo quốc gia. Liệu ai có thể dễ dàng phát động một cuộc chiến tranh bất kể xương máu và hậu quả cho người dân, ngoại trừ những kẻ độc tài ?
Bất luận điều gì sẽ xảy ra, xin chúc lành đến giới lãnh đạo cùng những người lính và người dân Ukraine can đảm trong cuộc chiến đấu đầy hào hùng của một dân tộc xứng đáng được hưởng sự tự do này.
Nhã Duy
(05/03/2022)