Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kể từ khi Trung Quốc áp đặt bộ luật an ninh hà khắc lên Hong Kong, rất nhiều câu chuyện trong bữa ăn tối ở thành phố có khuynh hướng phản kháng này liên quan đến chiến lược bỏ đi của từng người. Đối với tối đa ba triệu người Hong Kong, lối thoát có thể đến dưới dạng hộ chiếu Anh cho người nước ngoài, tức  British National Overseas - BNO.

Họ sẽ thực sự rời đi - thế còn những người ở lại ?

bno1

Khoảng 350.000 cư dân Hong Kong có thể đến dưới dạng hộ chiếu Anh cho người nước ngoài - Ảnh Getty Images

Michael và Serena (*) quyết định rời khỏi Hong Kong để sang định cư tại Anh Quốc, một đất nước mà họ chưa bao giờ đặt chân đến.

Cặp vợ chồng này có BNO - được cấp cho cư dân Hong Kong đăng ký trước khi thành phố được trao trả lại cho Trung Quốc vào tháng 7 năm 1997.

Hộ chiếu BNO về cơ bản là một giấy thông hành được một số hỗ trợ lãnh sự, tính hữu dụng của nó dường như bị nhiều giới hạn, ngoài việc dễ dàng du lịch đến Vương quốc Anh và Châu Âu. Một số người đã chọn giải pháp này. Và tại sao không, nhiều người Hong Kong hiện đang nghĩ thế.

Michael và Serena là hiện thân của gia đình có nếp sống thịnh vượng thoải mái phổ biến ở Hong Kong : Du lịch nhiều, với cô con gái 13 tuổi, cả hai vợ chồng đều là quản lý cấp trung trong một ngân hàng, và họ mua được một căn hộ nhiều năm trước. Đó là khá nhiều thứ phải từ bỏ để ra đi.

Hai người nói rằng Hong Kong đã trở nên một nơi họ không còn nhận ra, trong cách chính quyền xử lý các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng được kích hoạt bởi dự luật dẫn độ, có thể khiến người bị buộc tội bị đưa sang Trung Quốc đại lục. Những gì hai vợ chồng này nhìn thấy là một chính phủ không lắng nghe người dân, và lực lượng cảnh sát rất ít kiềm chế.

Con gái của họ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các cuộc biểu tình, mặc dù gia đình họ không tham gia, vì hai vợ chồng làm việc tại một ngân hàng Trung Quốc, nơi một nhân viên đã bị sa thải vì đi biểu tình.

"Con gái chúng tôi rất tức giận và buồn bã. Cháu cứ hỏi tại sao chính quyền có thể đối xử với chúng ta như vậy ?" Serena nói, thêm rằng cô con gái nói với bố mẹ rằng cô muốn đi du học.

Luật an ninh quốc gia gây tranh cãi, có hiệu lực vào tuần trước, là giọt nước tràn ly.

"Các điều khoản của luật an ninh quốc gia hà khắc một cách thái quá", Michael nói. Serena cho biết cô không tin tuyên bố của Bắc Kinh rằng luật an ninh sẽ chỉ nhắm vào "một số người rất nhỏ".

Anh Quốc hiện muốn cung cấp quyền công dân cho người mang hộ chiếu BNO, sau khi họ ở Anh được sáu năm, cho rằng Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố chung giữa Anh và Trung Quốc khi ban hành luật an ninh quốc gia, vi phạm quyền tự trị cao cấp của thành phố và xâm phạm quyền tự do dân sự của dân Hong Kong.

Thoạt đầu Michael và Serena chỉ định cho con gái đi du học, nhưng giờ đây chuyển cả gia đình đến Anh sống trở thành lựa chọn đầu tiên. Tháng 11 năm ngoái, họ gia hạn hộ chiếu BNO đã hết hạn từ lâu, nghĩ rằng một ngày nào đó họ có thể cần nó - biện pháp thủ thân đối phó với một tương lai bất định.

"Tôi nghĩ rằng Anh Quốc Anh sẽ chỉ cung cấp quyền công dân cho những người mang hộ chiếu BNO như một phương sách cuối cùng. Tôi không ngờ điều đó sẽ xảy ra sớm như vậy, nhưng tất cả những thay đổi lớn bất ngờ đang xảy ra", Michael nói.

Trong tuần lễ kể từ khi Trung Quốc công bố luật an ninh mới, những câu chuyện như của Michael và Serena trở nên phổ biến hơn.

Người không có hộ chiếu BNO

bno2

Hộ chiếu BNO được cấp cho người đã đăng ký trước khi thuộc địa cũ của Anh được trao lại cho Trung Quốc

Hiện giờ tại Hong Kong có khoảng 350.000 người mang hộ chiếu BNO, và chính phủ Anh ước tính có tổng số khoảng 2,9 triệu BNO.

Cư dân Hong Kong sinh ra sau cuộc bàn giao năm 1997 không đủ điều kiện nhận hộ chiếu BNO - và những người không đăng ký trước khi bàn giao giờ đây không được phép đăng ký nữa.

Helen sinh năm 1997 trước khi bàn giao, nhưng bố mẹ đã không xin hộ chiếu BNO cho cô vì lúc đó cô còn quá nhỏ.

"Tôi không chắc mình có muốn đi không. Nhưng đây là quyền của tôi. So với Anh, tôi thích Hong Kong hơn. Nhưng tôi nên có hộ chiếu BNO", cô nói, thừa nhận rằng cô hơi trách bố mẹ đã không đăng ký cho mình lúc đó.

Mẹ của Helen thì nhờ cô giúp gia hạn hộ chiếu BNO mà bà mô tả là "bùa hộ mệnh" trong trường hợp tình hình xuống dốc hơn nữa ở Hong Kong.

Thật khó để ước lượng số cư dân Hong Kong sẽ nhận lời đề nghị của Anh Quốc tại thời điểm này - nhưng quan tâm đang tăng cao, đặc biệt là sau thông báo của Anh hôm 1/7. Hôm đó, ông Raab nói với Hạ viện : " Chúng ta sẽ không bỏ rơi Hong Kong và chúng ta sẽ không trốn tránh trách nhiệm lịch sử của mình đối với người dân Hong Kong. "

Ben Yu, người làm việc cho một công ty tư vấn nhập cư ở Anh, nói : "Đồng nghiệp của tôi ở Hong Kong nhận được 30 đến 40 tin nhắn trên Facebook mỗi ngày. WhatsApp của anh ấy thì nhận được hàng trăm tin nhắn hỏi về việc chuyển đến Anh bằng mọi tuyến đường, bao gồm BNOs và thị thực khác. Các tin nhắn kể từ đó đến không ngừng suốt 24 tiếng một ngày.

Số lượng gia hạn BNO dường như được thúc đẩy bởi những biến động chính trị ở Hong Kong. Năm 2018, khoảng 170.000 hộ chiếu BNO được lưu hành. Năm sau, con số này nhảy vọt lên hơn 310.000.

Trong thời kỳ thuộc địa, Hong Kong luôn được mô tả là cõi đất tạm trong thời gian mượn - và thành phố này không xa lạ gì với làn sóng di tản. Từ năm 1984 đến 1997, khoảng 20.000 đến 66.000 người rời đi mỗi năm.

Làn sóng di tản sắp xảy ra cũng có thể trông sẽ khác với những đợt di tản trong quá khứ. ''Rất nhiều người trong số người ra đi đã quay trở lại Hong Kong trước hoặc sau năm 1997, khi họ đã có được mảnh bùa hộ mệnh khi có hộ chiếu nước ngoài, khi họ thấy rằng cơn ác mộng chính trị đã không xảy ra như dự đoán", Giáo sư Ming Sing, giảng dạy chính trị tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói. "Đối với làn sóng hiện tại, nếu nó xảy ra, tôi đoán chúng ta sẽ thấy tỷ lệ cao hơn trong số những người di tản sẽ là đi không trở lại'', ông nhận định.

"Nhiều người trong số họ thấy rằng luật an ninh quốc gia được áp đặt từ cấp cao nhất không chỉ mang tính chất hà khắc, mà còn phản ánh việc Bắc Kinh không tôn trọng lời hứa của mình, không chỉ thất hứa trong việc bảo vệ các quyền tự do của Hong Kong theo Tuyên bố chung và theo Luật cơ bản ", ông nói và cho biết thêm rằng ông nghĩ rằng nhiều người di tản trẻ tuổi hơn, đa số là giới biểu tình, sẽ rời khỏi Hong Kong.

Chuyện gì sẽ xảy ra ?

Trong thành phố 7,5 triệu dân, khoảng 800.000 người có hộ chiếu Anh, Úc, Canada hoặc Mỹ - bao gồm cả người nước ngoài.

Bắc Kinh đã bày tỏ sự tức giận trước kế hoạch cung cấp quyền công dân cho người mang hộ chiếu BNO ở Hong Kong của Anh Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Lưu Hiểu Minh nói hôm thứ Hai, động thái này là một "sự can thiệp thô bạo vào nội bộ của Trung Quốc".

"Không ai nên đánh giá thấp quyết tâm vững chắc của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh và phát triển của đất nước mình", ông Lưu Hiểu Minh nói.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng nói trong một văn bản rằng tất cả "đồng bào Trung Quốc cư trú tại Hong Kong là công dân Trung Quốc".

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với ITV, ông Raab nói rằng Vương quốc Anh có thể sẽ làm được rất ít nếu Trung Quốc không cho phép cư dân Hong Kong đến Anh.

"Thật khó để dự đoán những hậu quả mà Bắc Kinh đang suy tính. Có lẽ họ sẽ có nhiều biện pháp ngoại giao dưới dạng đối phó, không nhất thiết phải ở dạng tương tự nhưng không phải không tương xứng", Simon Young, một học giả luật pháp tại Đại học Hong Kong nói.

Benedict Rogers, đồng sáng lập và chủ tịch của nhóm vận động Hong Kong Watch, mô tả đề nghị cung cấp BNO của Anh là "hào phóng, can đảm và được chào đón".

Nhưng yếu tố giải cứu nên là giải pháp cuối cùng, ông Rogers nói. "Chúng ta nên cố gắng đảm bảo các điều kiện, qua đó người Hong Kong có thể tiếp tục cuộc sống của họ, với các quyền tự do mà họ đã được cam kết, mà không phải bỏ xứ ra đi. Nhưng thực tế là bây giờ, đối với một số người, đã quá muộn, và họ đang cần một nơi ẩn náu".

Michael và Serena đang chuẩn bị cho một cuộc sống mới ở Anh, nhưng họ không thành công trong việc thuyết phục con trai lớn, người sắp bước sang tuổi 18, cùng rời đi với họ. Cậu bé này sẽ sống với ông bà sau khi những người còn lại trong gia đình đã rời đi.

"Con trai tôi nói rằng nó không muốn rời khỏi Hong Kong, vì nó nghĩ rằng Hong Kong thuộc về mình", Serena nói.

Grace Tsoi

Nguồn : BBC, 12/07/2020

(*) Một số tên trong bài đã được đổi.

Additional Info

  • Author Grace Tsoi
Published in Diễn đàn