Việt Nam đang đứng trước nhiều bài toán lớn và hóc búa trong lúc đương đầu và xử lý dịch viêm phổi do virus Covid-19 hay virus corona chủng mới gây ra, trong đó có việc nên chấp nhận việc nối lại tự do đi lại với người Trung Quốc qua các cửa khẩu, biên giới Việt – Trung và có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường hoc hay không.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Lào hôm 19/02/2020
Về bài toán thứ nhất liên quan quan hệ Việt – Trung, hôm 20/2, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại một diễn đàn khu vực về hợp tác ứng phó dịch bệnh tại Vientiane, Lào, đã hối thúc các nước ở Asean, trong đó có Việt Nam, dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với người Trung Quốc qua các cửa khẩu hay biên giới với Trung Quốc.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện độc lập về chính sách xã hội và y tế, sức khỏe, bình luận :
"Đứng về phía đề nghị của Trung Quốc, chúng ta thấy xuất phát trên cơ sở để Trung Quốc cố gắng bình thường hóa nỗi lo về tình hình dịch ở Trung Quốc đối với các nước xung quanh, bởi vì nếu như tiếp tục các biện pháp có tính chất ngăn ngừa sự giao thương, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc và có thể gây nên những hệ lụy rất là nặng nề thêm khác. Cho nên vấn đề Trung Quốc đề nghị, tôi nghĩ rằng cũng có lý do phù hợp.
Thế còn về phía Việt Nam chấp nhận hay không, trường hợp này đúng là một bài toán đòi hỏi phải có sự cân nhắc rất là mềm dẻo giữa vấn đề gọi là tính dịch tễ học và khả năng chống dịch của Việt Nam với tình hình thực tế.
Chúng ta hiện nay còn thiếu thông tin, chưa rõ được số lượng người dân Trung Quốc sang đây là như thế nào. Thứ hai là hệ thống hoạt động hữu hiệu của bộ phận tại các cửa dịch, chúng ta (Việt Nam) làm tốt đến đâu.
Điểm thứ ba nữa, chúng ta cũng đều biết rằng là dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay chưa kiểm soát xong và tính lây của dịch bệnh này là lây cả trong giai đoạn mà chưa có biểu hiện lâm sàng, tức là trong thời gian ủ bệnh.
Cho nên việc Việt Nam tổ chức thế nào để giám sát tại các cửa khẩu, đồng thời tiến trình sau đó giám sát được các đối tượng vào ở các vị trí, nếu như cho vào.
Nếu như không có triệu chứng lâm sàng mà cho vào, thì sau đó tiến trình giám sát mang tính báo cáo với bên y tế về vấn đề tự giám sát các triệu chứng lâm sàng để phát hiện tiếp những trường hợp có nguy có đã nhiễm mà vào Việt Nam, thì tôi cho rằng việc này hoàn toàn trong nội bộ Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc.
Nếu như hệ thống của anh thực sự tốt và kiểm soát được chặt chẽ tất cả các đối tượng vào, thì lúc đó có thể đặt bài toán ra trong vấn đề gọi là xét mối quan hệ với bên Trung Quốc, một nước láng giềng mà tôi cho rằng vẫn còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác.
Còn nếu như hệ thống phòng chống dịch của chúng ta (Việt Nam) mà không đảm bảo được các yếu tố đó, thì tôi cho rằng lại trở thành các mối nguy. Tại sao ? Bởi vì lúc đó nỗi lo của người dân lại từ trong chính Việt Nam, tức là nỗi lo của xã hội và lại có thể dẫn đến một tình trạng bất lợi khác".
Tại Seoul, Hàn Quốc lúc 12h ngày 22/02 : Hàng ngàn người biểu tình đòi tẩy chay Trung Quốc, tính đến 23/2 tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên trên 600 và 5 ca tử vong
Việc thông thương giữa hai nước cũng đang dần tốt lên, ví dụ một tuần trước Việt Nam vẫn còn giải cứu Thanh Long với giá từ 5-10 ngàn đồng/kg, thì trong vòng vài ngày gần đây thì giá Thanh Long đã tăng trở lại ở một vài cửa khẩu mà Trung Quốc và Việt Nam đã thông thương.
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học và quan sát bang giao Việt – Trung bình luận :
"Trong bối cảnh 80 quốc gia đang đóng cửa với công dân Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đều phải đóng cửa biên giới, Trung Quốc đang lâm vào thế bị cô lập, thập diện mai phục, khó khăn nhiều bề, không lạ khi ngoại trưởng Vương Nghị gây sức ép, đề nghị Bộ trưởng Phạm Bình Minh khôi phục hoặc nới rộng tự do đi lại với công dân Trung Quốc, mở đột phá khẩu cho công dân trong nước để giải toả bớt áp lực trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, nguy cơ xét nghiệm âm tính giả, nguy cơ virus có trong nước tiểu hay các chất thải, ô nhiễm qua đường nước thải hay các con đường mà y tế hiện vẫn chưa khám phá hết.
Việc các bác sĩ Trung Quốc cũng bị lây nhiễm và tỷ lệ tử vong không nhỏ đặt ra những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dịch SARS hay thậm chí cả dịch Ebola, mọi động thái thận trọng trong chính sách đều không thừa, sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ cả cộng đồng trong nước lẫn quốc tế, các quốc gia liên quan phụ thuộc vào nhau rất nhiều.
Trung Quốc cũng không thể trách cứ Việt Nam nếu Việt Nam có lựa chọn giống 80 nước còn lại, an toàn của người dân và của nền kinh tế là trên hết sau đó mới tính đến chuyện "đột phá khẩu" hay nghĩa vụ quốc tế.
Hành khách xếp hành chờ đến lượt kê khai tờ khai y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai
Mở rộng vấn đề thêm, nhà nghiên cứu này nói :
"Đi kèm theo đề nghị này là đề xuất xả nước thủy điện để cứu sông Mê Kông đang khô hạn nặng ở hạ nguồn, thể hiện hình ảnh "nước lớn có trách nhiệm".
Tuy nhiên việc xả nước thủy điện này theo đánh giá của chuyên gia không hề có tác dụng trong việc cứu đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô hạn, trong khi nguy cơ của việc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc không bối cảnh hiện nay mang lại mối nguy hại quá lớn.
Sức ép của Trung Quốc đối với chính phủ Việt Nam sẽ là rất lớn, tuy nhiên theo tôi chỉ nên nới lỏng về giao thương hàng hoá và vẫn cần áp dụng nghiêm ngặt biện pháp cách ly và hạn chế đối với công dân Trung Quốc vì cơ sở hạ tầng về y tế của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thời gian vừa rồi khống chế tốt được dịch chủ yếu do chính sách của chính phủ và nỗ lực của toàn dân, hàng triệu gia đình đã phải cho con nghỉ học ở nhà".
Chốt kiểm tra Cách ly tại vùng dịch Sơn lôi Bình xuyên Vĩnh phúc
Về bài toán thứ hai là liệu Việt Nam có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường học hay không, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, nói :
"Theo tôi tháng 3/2020, các trường Đại học và trường phổ thông chỉ có thể mở lại khi vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và cách ly 14 ngày đến 24 ngày với công dân Trung Quốc và công dân Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác đến từ các tâm dịch.
Nếu nhà nước có muốn có các động thái nới lỏng để phục hồi sản xuất, kích cầu các ngành hàng không, du lịch hay có các động thái "hữu nghị" với Trung Quốc thì nên cho các cháu học sinh cấp I (Tiểu học), cấp II (Phổ thông cơ sở) nghỉ nốt tháng Ba theo đề xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh để giữ an toàn sức khoẻ tính mạng cho các cháu và đảm bảo sự an tâm cho các gia đình.
Các cháu học sinh lớp 9, học sinh cấp III (Trung học Phổ thông) và đại học có thể cân nhắc nhập học trong tháng Ba để kịp chương trình.
Tôi nghĩ các chính sách ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và chính sách mở cửa trường học trở lại liên quan mật thiết đến nhau.
Kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy chỉ cần một, hai cháu lây nhiễm là sẽ có nguy cơ rất lớn cho việc dịch bệnh bùng phát trở lại, không nên mạo hiểm trong lúc này, chỉ có thể chọn một trong hai, mở cửa trường học hoặc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc.
Theo tôi, không nên cho tất cả trứng vào cùng một giỏ.
Nhiều cuộc thăm dò ý kiến dư luận vẫn cho thấy khoảng 65% phụ huynh vẫn do dự chưa muốn cho con đến trường vào đầu tháng Ba".
"Để thể hiện tình hữu nghị của Việt Nam, có thể tiếp tục cung cấp khẩu trang, thuốc men, vật tư y tế, kinh nghiệm và phác đồ chữa bệnh, nhưng sức khoẻ tính mạng của các cháu bé và lòng tin, sự ủng hộ đồng lòng của người dân cần đặt cao hơn lợi ích kinh tế và tình hữu nghị quốc tế", Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng nói.
Việt Nam ứng phó với virus corona thoạt đầu thụ động và khởi động chậm, sau đó lại thái quá không cần thiết, theo nhận định của Bác sĩ – Tiến sĩ Trần Tuấn. Tuy nhiên, ông cho rằng việc thông báo hết dịch với các tỉnh quá 30 ngày không có ca nhiễm mới sẽ có tác dụng giảm căng thẳng xã hội.
Kết quả xét nghiệm một nữ sinh với triệu chứng ho, sốt, khó thở, rất giống với triệu chứng Covid-19, nhưng các báo đưa tin khẳng định là do bệnh lý về não, những bản tin này đã đưa ra trước khi có kết quả xét nghiệm mà dân mạng cho rằng rất đáng nghi này
Nhận định của ông Trần Tuấn được đưa ra khi Bộ Y tế Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa bắt đầu xúc tiến các công việc để chuẩn bị công bố hết dịch Covid-19 tại tỉnh này.
Bộ này nói rằng, đến thời điểm này, quá 30 ngày Khánh Hòa chưa ghi nhận thêm bệnh nhân mới nào bị nhiễm bệnh, tức là tỉnh này đã đủ điều kiện để Khánh Hòa công bố hết dịch.
Trong khi đó, cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, nếu trong vòng chưa đầy một tuần nữa, tỉnh Thanh Hóa nếu không ghi nhận thêm bệnh nhân mới, thì cũng sẽ được công nhận hết dịch.
Câu hỏi được đặt ra là dịch Covid-19 là bệnh mới, hiện còn diễn biến phức tạp, vậy việc công bố hết dịch tại Khánh Hòa, nếu có, liệu có quá sớm và sẽ tạo tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh với người dân và cả các địa phương hay không ?
Ông Trần Tuấn cho rằng đây là điều nên làm trong hoàn cảnh hiện nay, nhất là khi trong xã hội đang có điều mà ông cho rằng lo lắng hơi thái quá về dịch Covid-19 :
"Với những địa phương có số lây nhiễm thấp, đã qua thời hạn có người nhiễm mới theo quy định, đã đến lúc chúng ta có thể tuyên bố hết dịch ở đó, như một yếu tố trấn an và giảm đi sự lo lắng không cần thiết ; đồng thời, tăng sự tự tin của chính quyền trong công tác phòng chống dịch", ông Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi Việt Nam là nước láng giềng, có quan hệ thông thường bằng cả đường bộ, đường biển và hàng không với Trung Quốc, nhưng số ca dương tính phát hiện thấp, trong khi tại Hàn Quốc thì tăng cao. Phải chăng do hệ thống phát hiện dịch của Việt Nam có vấn đề ?
Nhân viên y tế Nhật bản tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên con tàu du lịch Diamond Princess ở cảng Yokohama nay đã có 691 người nhiễm với 2 ca tử vong, chiếc tàu này đã ghé Việt Nam 5 lần suốt quá trình dịch bùng phát mỗi lần có hàng trăm người lên bờ
Ông Tuấn nói rằng, nguồn lây nhiễm của Việt Nam không chỉ bằng, mà có thể cao hơn so với nước khác trong khu vực. Bởi vậy, nguy cơ và số lượng người nhiễm đến Việt Nam chắc chắn nhiều.
"16 trường hợp chỉ là một phần thôi, con số thực tế sẽ cao hơn. Bởi Covid-19 cũng là một loại virus cúm, triệu chứng có phần giống với những dịch cúm thông thường, nên có nhiều trường hợp chưa biểu hiện lâm sàng, hoặc bị nhẹ và tự qua khỏi, nên người dân không để ý.
Ban đầu, phản ứng của Việt Nam chậm và mang tính thụ động. Khi các nước, như Thái Lan, Hàn Quốc đã chặn ngay nguồn vào, tức chấm dứt các chuyến bay xuất phát trực tiếp từ Vũ Hán, thì Việt Nam thời gian đầu chưa làm được như thế. Khi đó, Việt Nam cũng như chưa giám sát và cách ly người từ vùng dịch trở về hay giám sát tại cửa khẩu.
Tiếp đó, sau Tết, các lễ hội vẫn được tổ chức ; chỉ đến khi mạng xã hội có ý kiến thì mới cho dừng tổ chức lễ hội.
Nhưng sau đó, tình hình lại chuyển sang lo lắng tới mức thái qúa, để rồi ra các quyết định thiếu cơ sở khoa học, như cho học sinh nghỉ học trên toàn quốc, người dân đổ xô đi mua khẩu trang dự trữ… Điều đó là lo lắng thái quá, gây thêm tổn thất không đáng có, khó lường về mặt y tế, kinh tế – xã hội và cả chính trị".
Đây là một bệnh viện dã chiến xây dựng thần tốc, nay Tp Vũ Hán đang lên kế hoạch xây thêm 19 bệnh viện nữa, chính quyền địa phương ngày 21/2 cho biết
Hiện nay tại Việt Nam đang có rất nhiều công dân Trung Quốc sinh sống và nhập cảnh ngay khi dịch virus corona bùng phát gây chết người hàng loạt ở Vũ Hán, cộng thêm chiến dịch bưng bít thông tin của nhà cầm quyền tại Hà Nội sẽ làm cho mọi việc trở nên khó lường.
Khi giấu người dân, thì Đảng Cộng sản đã đem tính mạng con người ném vào ván cờ chính trị, nhằm kéo dài thời gian tồn tại của thể chế độc tài trên đầu nhân dân.
Hoàng Lan (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 24/02/2020
Năm mới, sự bùng phát của Coronavirus (hay nCoV) là một tai họa cho Trung Quốc năm 2020. Nó không chỉ là khủng hoảng về vi sinh học và y học, mà còn là khủng hoảng hệ thống chính trị Trung Quốc, làm bộc lộ những tử huyệt của họ. Việt Nam cũng bị vạ lây vì "cùng chung vận mệnh", thậm chí còn nguy hiểm hơn vì hệ lụy "hội chứng Đồng Tâm".
Tàu điện ngầm chật kín người thường ngày ở Bắc Kinh giờ đây vắng vẻ tựa như bỏ hoang vì dịch bệnh hoành hành
Tính đến 21/2/2020, ở Trung Quốc đã có 76.000 người mắc dịch và 2.236 người chết. Theo Bộ y tế, ở Việt Nam đã có tổng số lên 16 trường hợp nhiễm cúm Covid-19. Việt Nam đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế, và ngừng tất cả các chuyến bay đến/từ Trung Quốc (nhưng vẫn chưa đóng cửa biên giới).
Sau ba thập kỷ phát triển nóng, Trung Quốc như người khổng lồ trỗi dậy thành siêu cường kinh tế, vượt Nhật và chỉ đứng sau Mỹ. Nhưng Trung Quốc không "trỗi dậy hòa bình" như Mỹ và Phương Tây mong đợi, mà con rồng Trung Quốc phủ bóng đen của nó lên Biển Đông, bắt nạt các nước láng giềng và độc chiếm Biển Đông như cái ao của họ.
Tập Cận Bình thấy cơ hội đã đến nên từ bỏ chính sách "dấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, và củng cố quyền lực độc tài cá nhân (như thời Mao). Trong nước, Tập bóp nghẹt tự do dân chủ và triển khai "hệ thống cho điểm xã hội". Ngoài nước, Tập triển khai kế hoạch "Vành đai Con đường" để thao túng các nước bằng "bẫy nợ".
Để đối phó với Trung Quốc trỗi dậy, Chính quyền Mỹ mà người đứng đầu là Tổng thống Donald Trump đã điều chỉnh chiến lược, từ bỏ chính sách cộng tác của các chính quyền trước, chuyển sang ngăn chặn và đối đầu như "chiến tranh lạnh kiểu mới". Mỹ phát động chiến tranh thương mại và dùng thuế quan như vũ khí kinh tế làm suy yếu Trung Quốc tại vùng Indo-Pacific.
Trong khi Trung Quốc phân hóa và thao túng ASEAN (như Philippines và Campuchia) thì các nước khác bắt đầu phản ứng (pushback) với kế hoạch "Vành đai Con đường" và "bẫy nợ".
Đối thoại Mỹ-Triều và thay đổi chính phủ ở Malaysia phản ánh xu thế thoát Trung. Những biến động gần đây tại Hong Kong và Đài Loan đang cảnh báo Trung Quốc.
Đó là bối cảnh những thách thức to lớn mà Trung Quốc phải đối mặt như "phúc bất trùng lai", khi xảy ra dịch Corona thì như "họa vô đơn chí".
Trong thế giới bất ổn đó, những biến số khó lường đe dọa làm bộc lộ những tử huyệt của hệ thống chính trị. Sự bùng phát và lây lan của Coronavirus làm người dân nhiều nước tẩy chay Trung Quốc như tội đồ.
Theo Minxin Pei giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Claremont McKenna Hoa kỳ thì "Cơ hội vàng" đã bị mất, Trung Quốc không rút được kinh nghiệm qua đại dịch SARS (2002-2003) và nay tiếp tục không đối phó kịp thời với Virus Corona (2019-2020).
Khi dịch Coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, chính quyền địa phương đã bất lực và lãnh đạo thành phố phải trốn ra đảo, trong khi 5 triệu dân đã sơ tán khỏi thành phố.
Theo Giáo sư Minxin Pei, Bắc Kinh không có khả năng xử lý một đại dịch như vậy. Kể từ thời có dịch SARS (2003), Bắc Kinh vẫn chưa có sự đổi mới cơ bản nào về năng lực xử lý khủng hoảng.
Trong vòng một tháng (từ giữa tháng 12/2019 đến giữa tháng 1/2020) là giai đoạn sống còn gọi là "cửa sổ cơ hội vàng" đã bị mất, khi chính quyền tra hỏi và kỷ luật 8 bác sĩ ở Vũ Hán vì "tung tin đồn nhảm". Trong mấy tuần đó (đến 20/1/2020), số người bị mắc dịch đã nhanh chóng tăng lên gấp đôi, làm cho chính quyền giật mình.
Du khách Trung Quốc tràn vào Việt Nam ngay giữa mùa dịch virus corona nguy hiểm
Nguyên nhân chính là "lỗi hệ thống" do thể chế độc tài bưng bít thông tin để thao túng và che dấu sự thật. Khi phát hiện dịch mới tại Vũ Hán (8/12) chính quyền kiểm duyệt báo chí và các trang mạng (WeChat, Weibo), trấn áp các bác sĩ và nhà báo đưa tin. Khi có người chết (11/1) chính quyền vẫn phủ nhận dịch có thể lây lan từ người sang người.
Vì vậy, dịch Corona đã bùng phát và đến nay đã lan ra 28 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau khi 5 triệu người dân đã rời khỏi Vũ Hán, sẽ rất khó kiểm soát.
Khi thấy tình hình đã nguy cấp, với hàng ngàn người mắc dịch và nhiều người chết (20/1), chính quyền buộc phải thay đổi thái độ và "chỉ đạo quyết liệt" thì đã quá muộn.
Thường mỗi khi các quan chức chính quyền gặp một vấn đề, họ thường phân ra là "kỹ thuật" hay "chính trị". Nếu là chính trị, họ sẽ "đá vấn đề lên trên để chờ quyết định".
Vì vậy, trong hệ thống tập trung cao đó, quá trình ra quyết định rất lâu.
Nhưng khi đã quyết thì họ lại hành xử như thời chiến, mà Giáo sư Minxin Pei gọi là "quân sự hóa chính quyền".
Hậu quả kinh tế của Coronavirus sẽ rất nặng nề đối với Trung Quốc, cũng như các nước phụ thuộc vào họ. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Shanghai composite giảm 7,7%, và Shenzhen Component Index giảm 8,5%.
Khi không thể bưng bít được nữa, chắc nội bộ sẽ bị phân hóa. Lần đầu tiên, dịch Corona dám thách thức quyền lực của Tập Cận Bình.
Trong kinh tế có môn "kinh tế chính trị học". Nhưng nếu người ta lạm dụng để chính trị hóa một cách toàn diện và triệt để các lĩnh vực dân sự (kể cả dịch vụ y tế) nhằm duy trì độc quyền thì sẽ tạo ra ách tắc, như các khối u trong cơ chế quốc gia. Khi phải đối phó với tình thế khủng hoảng như dịch SARS hay Corona, cơ chế đó sẽ bộc lộ những tử huyệt.
Tuy nói chuyện Trung Quốc, nhưng cần liên hệ tới Việt Nam, vì đó là "quan hệ nhân quả". Coronavirus càng làm bộc lộ những yếu kém của một hệ thống chính trị bất cập và lỗi thời.
Vì vậy, ông Trần Quốc Vượng có lý khi phát biểu (25/12/2019) "Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình… chẳng ai lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi".
Trong bối cảnh hiện nay, khả năng kiểm soát và xử lý khủng hoảng của Việt Nam còn yếu kém vì thể chế lạc hậu và bưng bít thông tin.
Việt Nam đã bỏ visa đối với người Trung Quốc, nên biên giới hai nước hầu như bỏ ngỏ. Tuy dịch Corona đã bùng phát và WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Việt Nam vẫn chưa đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Trong cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì (30/1/2020), Phó Thủ tướng/Ngoại trưởng Phạm Bình Minh lý giải chưa đóng cửa biên giới là do "Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương".
Nay chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì đã muộn (như chém gió). Sau Tết có nhiều lễ hội đông người, ngành du lịch và các địa phương không thấy hết nguy cơ, nên "trên bảo dưới không nghe". Hệ thống y tế Việt Nam yếu kém vì quá tải nên khó đối phó với dịch đã bùng phát.
Tại Việt Nam, dịch Coronavirus (hay nCoV-Covid-19) xảy ra gần đồng thời với biến cố Đồng Tâm, như "khủng hoảng kép". Tuy hai sự kiện có những biến số khác nhau nhưng lại có hằng số về cơ bản giống nhau. Đó là hai trường hợp điển hình chứa đựng nhiều ẩn số cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ.
Có người nói trong cơn sốc Corona, "biến cố Đồng Tâm gần như chìm vào quên lãng" và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ được Nghị viện Châu Âu quyết định vào 11/02/2020, "chỉ như chuyện của một hành tinh khác".
Đó là nói theo logic hình thức để thấy Coronavirus cấp bách hơn, nhưng thực ra đó là "quan hệ nhân quả".
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc công bố, ngày 17/2, Bắc Kinh quyết định trì hoãn "lưỡng hội" (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc) vốn dự định tổ chức vào đầu tháng Ba. Thực tế, lần này Đảng cộng sản Trung Quốc trì hoãn tổ chức lưỡng hội, nguyên nhân chủ yếu là phòng chính biến hơn là phòng dịch bệnh.
Từ khi dịch viêm phổi Covid-19 bùng phát đến nay, dư luận Trung Quốc theo dõi 2 vấn đề :
1) Nguồn gốc virus là từ đâu ?
2) Vì sao Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ đạo kéo dài, làm lỡ thời cơ tốt nhất để phòng ngừa kiểm soát dịch bệnh, từ đó dẫn đến dịch bệnh mất kiểm soát toàn diện.
Ngoài truy trách nhiệm cho người liên quan ở Hồ Bắc, ông Tập Cận Bình sao lại không bị truy trách nhiệm ?
Điều càng làm chính quyền sợ hãi là gần đây, liên tiếp lan truyền trên mạng xuất hiện các bài viết khuyên ông Tập Cận Bình nên thoái chức hạ đài.
Để có một câu trả lời cho tất cả, ngày 15/2, ông Tập Cận Bình đã công bố một bài viết có tiêu đề "Phát biểu tại Hội nghị nghiên cứu công tác ứng phó dịch viêm phổi virus corona mới của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị". Bài viết này đã sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất – "tôi" một cách hiếm thấy. Nội dung chủ yếu là ông Tập tự biện giải cho mình trong việc tiến hành công tác xử lý dịch bệnh.
Ông Tập nói : "Sau khi bùng phát viêm phổi Covid-19, ngày 7/1, khi tôi đã đề xuất yêu cầu về công tác phòng ngừa và kiểm soát đối với dịch viêm phổi Covid-19.
Ngày 20/1, tôi đặc biệt phê chỉ thị đối với công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch. Ngày 22/1, xét thấy dịch bệnh lây lan nhanh chóng, tôi đã yêu cầu rõ ràng tỉnh Hồ Bắc thực thi quản lý và kiểm soát kiêm ngặt toàn diện đối với người ra ngoài tỉnh".
Ngày 15/1, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, ngày 7/1, ông Tập Cận Bình đã biết tình hình dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’, đồng thời triệu tập hội nghị và đưa ra yêu cầu đối với công tác phòng ngừa kiểm soát dịch, có thể thấy ông Tập rất coi trọng vấn đề này.
Vậy vì sao ngày 11 – 17/1, Hồ Bắc vẫn còn tiếp tục triệu tập "lưỡng hội" cấp tỉnh ?
Vì sao ngày 18/1 Chính quyền tỉnh Hồ Bắc vẫn tổ chức bữa tiệc linh đình "Vạn gia yến" với hơn 40.000 hộ gia đình tham dự ? Vì sao ngày 21/1, lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc còn cùng các giới trên toàn tỉnh cùng nhau xem biểu diễn văn nghệ mừng năm mới ? Lẽ nào tỉnh Hồ Bắc có ý đối kháng với Trung ương ? Vì sao ngày 23/1 Bắc Kinh vẫn còn tổ chức đoàn thăm viếng năm mới ?
Tuy nhiên, tờ Apple Daily tại Hồng Kông có bài viết nói, khi Tân Hoa Xã đăng bài vào ngày 7/1, hoàn toàn không hề đề cập đến dịch bệnh tại Vũ Hán, phát biểu của ông Tập Cận Bình từ đầu đến cuối đều là nói về vấn đề tình hình chính trị khác, thậm chí khi phát biểu với đoàn viếng thăm năm mới ngày 23/1, ông Tập không hề có chữ nào nhắc đến "dịch bệnh Vũ Hán".
Điều càng khiến cho ông Tập Cận Bình khó xử là Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng trong cuộc trả lời phỏng vấn của CCTV hôm 27/1 có nói : "Ngày 27/12 chúng tôi phát hiện trường hợp đầu tiên, đồng thời đã có báo cáo đầu tiên đối với cơ quan hữu quan Bắc Kinh, trong tình huống chưa được trao quyền, thành phố Vũ Hán không có quyền công bố dịch bệnh".
Ý của ông Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng rất rõ ràng : Trách nhiệm trì hoãn công bố dịch bệnh không phải nằm ở địa phương. Đài phát thanh Trung ương cũng có bài viết ám chỉ ông Tập Cận Bình đang "đẩy trách nhiệm".
Trong tình hình hiện nay, nhiều mũi nhọn của các bài viết trên truyền thông chỉ trích trực tiếp vào việc ông Tập Cận Bình không làm gì. Có thể thấy, nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc có rất nhiều người bất mãn với ông Tập Cận Bình. Đây cũng là nguyên nhân bức bách buộc ông Tập Cận Bình phải đăng bài tự biện giải cho mình.
Từ khi dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ bùng phát đến nay, thế lực chống đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nội bộ đảng vẫn luôn gây rối. Nếu triệu tập "lưỡng hội" vào đầu tháng Ba, không chỉ có rủi ro khiến dịch bệnh lan rộng, mà cục diện chính trị cũng có khả năng xuất hiện nhân tố bất ổn. Đây mới là nguyên nhân thực sự khiến "lưỡng hội" trì hoãn.
Hiện tại ông Tập Cận Bình đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng nguy ngập, ông Tập cần nhanh chóng khởi động cải cách chính trị, vứt bỏ gánh nặng Đảng cộng sản Trung Quốc, không nên tiếp tục đàn áp nhân quyền, trả lại tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng cho người dân, để Trung Quốc khôi phục lại xã hội chính thường không có Đảng cộng sản Trung Quốc.
7 năm trước, ông Tập Cận Bình có 3 con đường có thể đi : Thượng sách là cải cách chính trị, đi con đường lớn dân chủ hiến chính, là anh minh ; trung sách là tiếp tục duy trì đường lối của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, là trung dung ; hạ sách, ngược lại là đi theo đường lối Mao Trạch Đông, là hại nước hại dân.
Nhưng ông Tập Cận Bình vẫn nhiều lần do dự không quyết đoán, bỏ qua thời cơ.
Ông cho rằng duy trì sự thống trị của Đảng cộng sản Trung Quốc là bảo vệ quyền lực của mình, nhưng cuối cùng dân Trung Quốc đang chờ đợi ông trở thành "con dê thế tội" cho Đảng cộng sản Trung Quốc, với kết cục bi thảm.
Hoàng Lan (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 22/02/2020