Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc luận tội tổng thống Trump đang diễn ra tại thượng viện Hoa Kỳ. Sự kiện này vừa ly kỳ vừa đáng lo.

Nó ly kỳ vì mang tính lịch sử. Trump là vị tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội. Vụ xét xử này rất đặc biệt vì Trump đã lạm dụng quyền lực qua việc ép buộc Ukraine, một cường quốc nước ngoài, tác động đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới, theo chiều hướng có lợi cho chiến dịch tái tranh cử của ông và đã cản trở cuộc điều tra. 

Nó đáng lo vì cho thấy một hệ thống chính trị đang khủng hoảng. Mức độ phân cực giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đến đỉnh điểm khi tất cả các thượng nghị sĩ cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ các quy tắc luận tội do thủ lãnh đa số Mitch McConnell (Cộng hòa) đưa ra, trong khi tất cả các thượng nghị sĩ dân chủ bỏ phiếu chống lại.

senate0

Quốc hội Mỹ có trách nhiệm bảo vệ hiến pháp, có quyền giám sát tổng thống và, trong trường hợp cần thiết, sẽ tiến hành việc luận tội.

100 thượng nghị sĩ sẽ quyết định kết quả phiên tòa xét xử Donald Trump. McConnell và Tòa Bạch Ốc muốn một tiến trình xét xử nhanh chóng, không cần phải có các nhân chứng và tài liệu mới. Đảng Dân chủ muốn mời các cộng sự viên thân cận trước kia và hiện nay của tổng thống, gồm cả cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, làm nhân chứng trước tòa.

Đảng Dân chủ cho rằng các nhân chứng và tài liệu mới sẽ làm sáng tỏ vấn đề và bảo đảm sự công bằng. Đảng Cộng hòa lại cho chính bản thân vụ kiện đã không công bằng và thiên vị.

Thực ra, không ai biết John Bolton, nhân chứng quan trọng nhất, sẽ nói gì. Liệu lời khai của ông ta sẽ củng cố hay làm suy yếu vụ kiện chống lại Trump ? Không ai biết hậu quả chính trị sẽ ra sao khi các thành viên thân tín của Trump phải làm chứng đúng theo lời thề trước tòa.

McConnell sẽ không mạo hiểm mở cửa cho những gì không đoán trước được. Ông ta phải kiểm soát những người cùng đảng với mình. Rất có thể sẽ có người cộng hòa phá rào, không theo đường lối của đảng vì liêm chính hay vì lo sợ cử tri chỉ trích.  

Mặc dù đã cam kết vô tư trong thực tế vụ án, hầu hết các thượng nghị sĩ sẽ thiên vị khi đánh giá vấn đề. Họ sẽ theo chủ trương và đường lối của đảng, bất kể mọi suy luận hay chứng cứ.

Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số tại Thượng viện, với 53 ghế. Đảng Dân chủ chỉ có 45 ghế.

Họ cần thêm 20 phiếu của các thượng nghị sĩ cộng hòa và 2 phiếu trung lập. Tỷ số 2/3 (hay 67 phiếu) chiếu theo Hiến pháp để có thể bãi nhiệm Trump là điều không tưởng. Một vở kịch toàn hảo sẽ diễn ra trong tòa nhà Thượng viện đáng kính. Tổng thống Trump sẽ được tha bổng.

Về mặt chính trị, việc tha bổng chắc chắn sẽ có hậu quả tiêu cực đối với cán cân quyền lực giữa hành pháp và lập pháp. Về mặt pháp lý, nó sẽ tạo tiền lệ cho các tổng thống trong tương lai. Quốc hội có trách nhiệm bảo vệ hiến pháp, có quyền giám sát tổng thống và, trong trường hợp cần thiết, sẽ tiến hành việc luận tội.

Nếu Trump được tha bổng trong vụ kiện Ukraine, các tổng thống sau này sẽ dễ dàng tự tung tự tác. Và, nếu cương quyết đẩy nhanh tiến trình luận tội, không triệu tập các nhân chứng quan trọng, không xem xét một cách khách quan những thông tin của họ và cứ tha bổng tổng thống thì đa số nghị sĩ Cộng hòa đã chôn vùi ý nghĩa và tính pháp lý của việc luận tội.

Chính Trump cũng không che giấu việc ông đã làm. Đội ngũ chuyên gia pháp lý của ông cũng không phủ nhận những gì thực sự đã xảy ra trong bối cảnh cuộc điện đàm của ông với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Một cuộc điện đàm mà Trump cho là hoàn hảo. Nhưng những gì xảy ra trước và sau cuộc nói chuyện đã gây ra tranh cãi và cần sự giải thích hợp lý.

Người dân Mỹ được nghe hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau về cùng một sự kiện. Hai đảng cố gắng thuyết phục cử tri bằng những sự thật thay thế (alternative facts).

Đảng Dân chủ đưa ra bằng chứng là Trump đã lạm quyền và cản trở cuộc điều tra. Đảng Cộng hòa bác bỏ điều này. Họ nói rằng Trump chỉ quan tâm đến tệ nạn tham nhũng ở Ukraine và tổng thống hoàn toàn không làm gì sai.

Đội ngũ chuyên gia pháp lý của Trump tin rằng đảng Dân chủ đang dùng cuộc luận tội để đảo ngược kết quả bầu cử vào năm 2016 và gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử năm 2020.

Họ còn cho rằng đối phương chà đạp nguyên tắc phân quyền và lạm dụng luật pháp quốc gia như công cụ trong chiến dịch bầu cử. Ngược lại, đảng Dân chủ tuyên bố họ đang thực thi Hiến pháp bằng cách kiện Trump.

Chuck Schumer (Dân chủ), lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện, gọi kế hoạch thúc đẩy vội vã tiến trình luận tội của đảng Cộng hòa là "nỗi nhục quốc gia". Mitch McConnell muốn xiết chặt kỷ luật trong đảng và Tòa Bạch Ốc muốn vấn đề chấm dứt nhanh chóng. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi như họ muốn, Trump sẽ được tha bổng và đăng đàn đọc Thông điệp Liên bang vào ngày 4 tháng Hai.

Điều đáng chú ý là Trump luôn miệng quả quyết mình vô tội nhưng lại tìm mọi cách ngăn chặn các thông tin gây bất lợi cho ông trong vụ đàn hạch.

Theo các luật sư của Trump, lời khai của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong vai trò nhân chứng sẽ là mối đe dọa cho an ninh quốc gia, vì nó tiết lộ nội dung các cuộc hội đàm bí mật giữa tổng thống và các nhân viên. Đảng Dân chủ lại cho rằng, trong vụ Ukraine, Trump đã đặt mục đích cá nhân trên lợi ích quốc gia.

Việc đóng cửa không mời các nhân chứng và bỏ qua các tài liệu mới sẽ khiến các thượng nghị sĩ không thể nhận định đúng mức việc Trump có tội hay vô tội. Có lẽ đa số, hay tất cả, các thượng nghị sĩ cộng hòa đã quyết định tha bổng Trump từ lâu do lòng trung kiên với đảng hay áp lực của cử tri.

Cuộc luận tội mang màu sắc chính trị nhiều hơn luật pháp. Đặc biệt lần này nó diễn tiến trong bầu không khí phân cực, nghi kỵ, định kiến, thiên vị và thù hằn.  Trò chơi chính trị đã bóp chết sự thật. Khi thực tế không phù hợp với hoàn cảnh, những sự thật thay thế khác (alternative facts) luôn xuất hiện trong nước Mỹ của Trump.

Hoàng Thủy Ngữ

(26/01/2020)

Published in Diễn đàn

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Iran – Hoa Kỳ đã đi từ đóng băng sang bùng nổ dữ dội sau khi tướng Qasem Soleimani của Iran và một số nhân vật quan trọng của dân quân được Iran hậu thuẫn đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, tại phi trường quốc tế Baghdad ở Iraq.

Ngũ Giác Đài đã xác nhận Soleimani bị giết "theo lệnh của tổng thống" và gọi cuộc không kích là "hành động tự vệ". Tổng thống Trump đã tweet ngay sau đó hình lá cờ Mỹ nhưng không chú thích gì thêm.

solei1

Qasem Soleimani là thiếu tướng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và từ năm 1998 là chỉ huy trưởng lực lượng Quds.

Trong số 11 người khác bị chết trong cuộc ám sát có cả Abu Mahda Al-Muhandis, lãnh đạo phó Ủy ban Huy động Nhân dân, một tổ chức tập hợp 40 nhóm dân quân Iraq, gồm cả Hồi giáo Shia và Sunni, Ki-hữu và Dòng Tên trong hàng ngũ của họ.

Qasem Soleimani là thiếu tướng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và từ năm 1998 là chỉ huy trưởng lực lượng Quds. Đây là một bộ phận của Lực lượng Bảo vệ Cách mạng có vai trò và trách nhiệm chủ yếu trong các hoạt động quân sự bí mật bên ngoài biên giới Iran.

Kể từ khi thành lập vào năm 1979, Quds được coi là một trong những lực lượng quân sự quan trọng nhất của Iran, dùng để tấn công các đối thủ ở Trung Đông. Quads là chuyên gia trong cái gọi là "chiến tranh có cường độ thấp", với mục đích xây dựng mạng lưới gián điệp, thao túng và xâm nhập các cộng đồng xã hội khác nhau.

solei2

Lực lượng Quds được coi là một trong những lực lượng quân sự quan trọng nhất của Iran, dùng để tấn công các đối thủ ở Trung Đông.

Soleimani sinh năm 1957 trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, ông gia nhập Lực lượng Bảo vệ Cách mạng trước khi thực sự bắt đầu sự nghiệp quân sự trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980. Mặc dù không được đào tạo chính quy, Soleimani đã chứng tỏ khả năng xuất sắc trong việc huấn luyện và chỉ huy. Ông ta được nhanh chóng biết đến do sự dũng cảm trong cuộc chiến giành lại các khu vực bị lực lượng Saddam Hussein chiếm đóng. Cuối cùng Soleimani được chỉ huy một sư đoàn riêng trong quân đội Iran, dù lúc đó chỉ mới 20 tuổi.

Soleimani là một trong những tướng lãnh có nhiều quyền lực nhất trong khu vực. Phương Tây gọi ông là "The Shadow Commander" vì ông cầm đầu các hoạt động bí mật ở nước ngoài. Ông ta là nhân vật trọng tâm ở cả Iran và Trung Đông và rất nổi tiếng trong giới bảo thủ ở Iran. Năm 2011, Soleimani được nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran Ayatolla Ali Khamenei thăng cấp thiếu tướng. Hai người này thân nhau đến mức có lần Khamenei gọi Soleimani là "người tử vì đạo sống".

Là người chịu trách nhiệm về tình báo và các hoạt động quân sự bí mật của Iran, ông ta không chỉ là một trong những viên chức quân sự độc lập và xảo quyệt nhất của Iran mà còn là một nhà lãnh đạo đầy tiềm năng của quốc gia này trong tương lai.

Tướng David H. Petraeus, người lãnh đạo lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq và nhà ngoại giao Mỹ Ryan Crocker trong bộ phim tài liệu "Iran’s Military Mastermind" đã nói về ảnh hưởng của Qasem Soleimani trong khu vực. Người Mỹ mô tả ông ta là người lôi cuốn, hiểu biết, rất chuyên nghiệp và độc ác. Ryan Crocker viện dẫn nhân vật phản diện trong bộ phim Star Wars-Univers : "Chúng tôi xem ông ta là Darth Vader trong chính trị Trung Đông đương đại".

solei3

Quasem Soleimani là Darth Vader trong chính trị Trung Đông đương đại

Theo The Guardian, Soleimani đã góp phần định hình khu vực sau chiến tranh Iraq vào những năm 1980 và cuộc cách mạng ở Syria trong những năm 2010. Trong một bài báo, The New Yorker viết rằng Hoa Kỳ và Iran đã hợp tác không chính thức trong một thời điểm để chống lại Taliban. Lý do hợp tác là sự hỗn loạn xảy ra sau khi Al-Qeada tấn công tòa tháp đôi ở New York ngày 11 tháng Chín năm 2001. Ngay sau cuộc tấn công, một số đặc vụ Iran, dưới sự chỉ đạo của Soleimani, đã gặp và giao cho các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Geneve tấm bản đồ đánh dấu các căn cứ của Taliban cần phải ném bom phá hủy. Mục đích của cuộc họp mặt là để thảo luận một mặt trận chung chống lại Taliban.

Việc hợp tác chấm dứt khi tổng thống George W. Bush tuyên bố vào tháng Giêng 2002 Iran là một quốc gia trong "trục ma quỷ". Tòa Bạch Ốc khẳng định Iran là kẻ thù chính trong khu vực.

Soleimani giật dây từ hậu trường các sinh hoạt chính trị và hoạt động quân sự của Iran, Iraq, Syria và Lebanon.

Trong cuộc chiến Iran-Iraq, Soleimani có quan hệ với nhiều nhóm dân quân, trong đó có cả các nhà lãnh đạo người Kurd ở Iraq chống lại Saddam Hussein.

Soleimani được coi là nhân vật chính trong cuộc chiến gia tăng ảnh hưởng của người Shia và Iran ở Trung Đông. Soleimani cũng tác động một phần đến việc thiết lập bộ máy nhà nước Iraq bằng cách ủng hộ cuộc bầu cử của cựu thủ tướng người Shia Nouri Al-Maliki.

Soleimani được nhiều người mô tả là khối óc chiến lược quân sự của Iran ở Trung Đông trong những năm gần đây. Chiến lược này nhằm xây dựng các nhóm dân quân hùng mạnh, như Hezbollah ở Lebanon, hoặc liên minh trực tiếp với các quốc gia như Syria của Bashar Al-Assad.

Năm 2000, ông ta có được chiến thắng đầu tiên khi Israel rút khỏi miền nam Lebanon sau 16 năm chiếm đóng. Đến lúc đó, nhờ được Iran huấn luyện, Hezbollah đã trở nên quá mạnh đối với lực lượng Israel.

Theo những người trốn thoát khỏi Syria, Soleimani đã nhúng tay vào cuộc nội chiến ở Syria vào nửa cuối năm 2012. Vào thời điểm này, Iran lo chế độ Al-Assad không thể một mình đương đầu với các nhóm phiến quân và Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tờ The New Yorker cho biết Soleimani đã lãnh đạo cuộc chiến từ một căn cứ tại Damacus ở Syria. Gần đây, một số người nhấn mạnh đến vai trò của Soleimani trong việc tổ chức và huấn luyện các nhóm phiến quân thân chính phủ. Đây là lý do chính tại sao Bashar Al-Assad vẫn duy trì được quyền lực ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Hoa kỳ và Iran đã từng có một kẻ thù chung ở Trung Đông : Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trong cuộc chiến chống IS, năm 2014, khi đã chiếm được phần lớn miền bắc Iraq, IS tiến công như vũ bão về thành phố Erbil, cửa ngõ dẫn vào Baghdad, hàng trăm ngàn binh lính Iraq phải chạy trốn. Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, lọt vào tay chiến binh IS. Họ thu được rất nhiều vũ khí của Mỹ.

Hoa Kỳ ngưng viện trợ vũ khí cho lực lượng người Kurd mặc dù đã được báo động. Quân đội Iraq lúc đó chỉ có vũ khí lỗi thời của Nga. Trong cơn tuyệt vọng, thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki (2006–2014) phải cầu cứu Iran. Chính Soleimani đã cung cấp vũ khí hiện đại cho lực lượng Kurd và chính phủ Iraq để chặn đứng cuộc tiến công của IS. Trên ý nghĩa nào đó, người Kurd đã bị Hoa Kỳ bỏ rơi và khi tái tham chiến, liên quân cũng là đồng minh không chính thức với Soleimani.

Reuters trước đây cho biết Soleimani đã tới Nga vào tháng Bảy năm 2015 để thuyết phục Nga hỗ trợ nhiều hơn nữa cho chế độ Al-Assad. Những tháng kế tiếp, ông ta trực tiếp có mặt trong các cuộc đụng độ lớn với IS. Khi lực lượng Iraq mở cuộc tấn công giành lại quyền kiểm soát Tikrit năm đó, lực lượng đặc nhiệm Iran đã có mặt trên chiến trường trong khi không quân Mỹ ném bom các cứ điểm của IS trong thành phố. Soleimani đã chỉ huy một phần cuộc tấn công từ một ngôi làng cách đó khoảng 50 km.

Mohammed Marandi, người đứng đầu trong việc nghiên cứu chính sách Mỹ tại Đại học Tehran, nói với đài truyền hình Al Jazeera : "Nếu không có những người như ông ta, chúng ta sẽ thấy nhiều lá cờ đen hơn trong khu vực".

Tối thứ Sáu 3/1/2020, "Darth Vader của Trung Đông", người đàn ông có thể sẽ là nhà lãnh đạo tương lai của Iran, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad.

Hoàng Thủy Ngữ

(07/01/2020)

Published in Diễn đàn
lundi, 09 décembre 2019 08:02

Tranh đấu cho linh hồn Hong Kong

"Five demands, no one less !", "Liberate Hong Kong" ; "Revolution of our Times !", đó là những khẩu hiệu trên Twitter được chia sẻ rộng rãi giữa các thành viên trong phong trào phản kháng.

hongkong1

"Liberate Hong Kong" ;"Revolution of our Times", "Free Hong Kong Democracy Now" là những khẩu hiệu được các thành viên trong phong trào phản kháng biểu dương rộng rãi.

Nguyên nhân đầu tiên của sự phản kháng là dự luật dẫn độ về Trung Quốc.

Các nhà phê bình lo sợ dự luật này làm suy yếu tính độc lập của nền tư pháp Hong Kong và gây nguy hiểm cho những người bất đồng chính kiến nếu họ bị dẫn độ và truy tố trong chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc.

Trong một bài báo đăng trên South China Morning Post, giáo sư He Weifang viết rằng, 28 năm trước  kỳ hạn, nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống" đang tiến dần đến "một quốc gia, một hệ thống".

Các cuộc biểu tình ban đầu phát sinh vì dự luật dẫn độ giờ đã mở rộng thành một phong trào toàn diện với năm yêu cầu :

1. Rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ

2. Rút lại việc gọi các cuộc biểu tình là "bạo loạn"

3. Rút lại cáo trạng và thả những người biểu tình bị bắt

4. Thành lập ủy ban độc lập điều tra sự tàn bạo của cảnh sát

5. Tiến hành quyền phổ thông đầu phiếu cho Hội đồng Lập pháp và bầu lại Đặc khu trưởng Hong Kong

hongkong2

Năm yêu cầu của phong trào phản kháng Hong Kong, chính quyền Hong Kong chỉ thỏa mãn yêu cầu thứ nhất 

Vương quốc Anh giao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997. Trước khi giao trả, chính quyền Anh và Trung Quốc đã thỏa thuận rằng Hong Kong sẽ trở thành "khu vực hành chính đặc biệt", có hệ thống chính trị và kinh tế độc lập theo nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống", với sự cân bằng quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, và người dân được hưởng quyền tự do kinh tế , ngôn luận, hội họp và biểu tình. Tình trạng đặc biệt này không thể thay đổi, có hiệu lực trong 50 năm, tức là đến năm 2047. Điều này có nghĩa, trên lý thuyết, khu vực này không thể là đối tượng của hệ thống cộng sản Trung Quốc trước thời điểm đó.

Ngày 23 tháng Mười, Hội đồng Lập pháp chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ. Tuy vậy, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt và tương lai chính trị của khu vực này vẫn rất mơ hồ.  

Điểm đáng chú ý trong các cuộc biểu tình ở Hong Kong là sự vắng mặt những người lãnh đạo được chọn, một cơ cấu tổ chức và một chương trình nghị sự rõ ràng. Những người biểu tình tập hợp xung quanh một hình thức bất tuân dân sự. Và đa số rất trẻ tuổi. Họ tranh đấu cho linh hồn của Hồng Kông : đó là sự tự do, quyền cơ bản của con người và cũng là tương lai của chính họ.

Không có gì bảo đảm là Bắc Kinh sẽ không đưa quân đội và xe tăng vào để đàn áp biểu tình. Họ đã tắm máu sinh viên Trung Quốc ở Thiên An Môn năm 1968. Ngoài lực lượng vũ trang gồm 10.000 người hiện đang có mặt tại Hong Kong, Trung Quốc đã điều động quân đội dọc biên giới khu vực này. Nếu Trung Quốc can thiệp, bằng cách này hay cách khác, tình hình sẽ kết thúc thảm khốc.

Quân đội Trung Quốc đã chia sẻ trên mạng xã hội một video chiếu những người lính giết chết bọn phiến loạn. Để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng, một quan chức cao cấp nhắc nhở những người biểu tình không nên giải thích sự kiềm chế của Trung Quốc là dấu hiệu của sự nhu nhược với thông điệp "Những kẻ chơi với lửa sẽ bị thiêu rụi".

Những người biểu tình đã trả lời bằng graffiti trên đường phố : "Nếu chúng tôi bị đốt cháy, các người cũng chết cháy cùng chúng tôi". Rồi trong thời gian qua, người ta có cảm giác như Hong Kong đang bùng cháy. Và ít nhất nó cháy trong mắt mọi người mỗi khi cảnh sát bắn khói cay mù mịt, sử dụng vòi rồng và ra tay đàn áp tàn bạo.

Ngày 4 tháng Sáu, người Hong Kong tràn ngập đường phố để tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1986. Ký ức về cuộc tắm máu này vẫn đè nặng tâm hồn người dân Hongkong. Dù dự luật dẫn độ đã được chính thức rút lại, những người biểu tình vẫn chưa hài lòng. Bốn yêu cầu còn lại của họ vẫn chưa được giải quyết.

Sự tàn bạo của cảnh sát đã khiến hàng trăm luật sư mặc áo thụng đen xuống đường trong yên lặng ủng hộ những người biểu tình. Họ đi từ Tối cao Pháp viện đến bộ Tư pháp. Đây là tín hiệu rất mạnh mẽ. Nó muốn nói đến sự độc lập của tòa án, nhà nước pháp quyền và nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật đang bị đe dọa và biểu dương các giá trị dân chủ như tự do ngôn luận và quyền hội họp để bày tỏ chính kiến.

Ngoài ra, nhiều chủ nhân và lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ cuộc biểu tình và cho nhân viên của họ tự do tham gia. Những việc làm này đem lại hy vọng vì nhiều người đang trên đà thất vọng. Nó thổi thêm ngọn lửa đấu tranh, thúc đẩy mọi người kéo nhau ra đường hét to khẩu hiệu "Liberate Hong Kong !", "Revolution now !".

Nhiều người biểu tình còn trẻ, sinh sau ngày Bắc Kinh tiếp quản Hong Kong. Họ lớn lên trong thời đại mà sự khác biệt giàu nghèo tăng lên đáng kể. Kể từ năm 2003, giá nhà đất tăng lên 300%. Việc sống trong nhà ở xã hội rất phổ biến, có khi phải chờ tới 14 năm mới được phân phối. Nhiều công ty than phiền doanh số của họ chạy thẳng vào túi bọn đầu nậu nhà đất vì không có giá nhà theo quy định. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ vào những năm 70, 80 và 90 đã liên tục suy giảm từ đó. Mức tăng trưởng trong năm 2013 chỉ còn 2,9%. Nhiều người không dám kết hôn, khó kiếm việc làm, di chuyển xa nhà quá tốn kém và chi phí gửi con học ở các trường tư quá cao.  Chọn lựa duy nhất còn lại là trường công nhưng ở đó chỉ có sách báo đã được Bắc Kinh phê duyệt.

Đồng thời họ biết cuộc chiến với Bắc Kinh như trứng chọi đá. Họ biết mục tiêu của Trung Quốc là nắm giữ mọi quyền kiểm soát và áp dụng mọi biện pháp nếu cần. Bắc Kinh đã ra tay tàn sát các sinh viên trong lần nổi dậy năm 1989, tiếp tục bức tử người dân Tây Tạng và Tân Cương, đàn áp Pháp Luân Công, Ki Tô giáo và những người bất đồng chính kiến.

Nhiều người trẻ ở Hong Kong đang mất hy vọng. Khi hy vọng không còn, tuyệt vọng chiếm chỗ rồi trở thành hận thù. Nhiều người tìm cách thoát khỏi đất nước. Hậu quả là Hong Kong đang chảy máu chất xám. Cơ hội này không dành cho những người nghèo hay học vấn kém.

Một số người bỏ cuộc hay phản ứng giận dữ. Họ cảm thấy không còn gì để mất, do đó có thể vượt qua ranh giới mà bình thường họ phải tránh. Trước mối đe dọa của Trung Quốc cùng sự tê liệt yếu hèn trong phản ứng của thế giới, tương lai Hong Kong chắc không sáng sủa như mong đợi.  

Hoàng Thủy Ngữ

(09/12/2019)

Published in Diễn đàn

Kể từ tháng Bảy, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một tàu tuần dương hộ tống của Trung Quốc đã có mặt tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ- exclusive economic zone) của Việt Nam ở Biển Đông trong một thời gian dài. Khu vực tranh chấp, xung quanh 3 hòn đảo nhỏ mà Việt Nam chiếm đóng ở bãi Tư Chính, gần Việt Nam hơn bất cứ quốc gia nào khác và Việt Nam tuyên bố là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc tuyên bố khu vực này là lãnh thổ lịch sử, dựa vào cái gọi là đường chín đoạn mà Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2016 đã phán quyết là không có cơ sở pháp lý.

1158210120

Tàu chiến của hải quân Nga ra khơi trong cuộc diễu hành của hạm đội Nga như một phần của lễ kỷ niệm Ngày Hải quân tại St. Petersburg vào ngày 28/07/2019. Ảnh ALEXEY NIKOLSKY / AFP / GETTY

Việt Nam đặc biệt bị sự xâm lược mới nhất này đe dọa và phải chống trả, như đã từng tự vệ nhiều lần trước kia và đã tổn thất lớn về nhân mạng trong trận chiến chống lại Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa (1974), cuộc chiến Việt-Trung (1979) và trận hải chiến Trường Sa (1988). Trong mỗi trường hợp, Trung Quốc đều gây chiến trước và Việt Nam bị thiệt hại nhân mạng và lãnh thổ. Việt Nam đã có thể cải thiện an ninh rất nhiều nếu liên minh với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất trên thế giới có thể đánh bại Trung Quốc một mình. Và Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ việc liên minh bằng cách tăng cường ngăn chặn Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng mặc dù có nhiều lý do để tiến tới một liên minh và cải thiện tình hữu nghị trong hai thập niên qua, cả hai quốc gia đều bị những quan điểm sai lầm ngăn cản tư duy chiến lược về lợi ích quan trọng và chồng chéo của họ : Biển Đông. Việt Nam với chính sách "ba không", chung quy là không liên minh với nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự trên đất của mình. Chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông chỉ đặt trọng tâm vào tự do hàng hải. Lẽ ra ra, thêm vào đó, nên tìm cách làm giảm sức mạnh kinh tế và quân sự tương đối của Trung Quốc, kể cả việc từ chối Trung Quốc tiếp cận các nguồn dầu mới, khí đốt và hải sản vốn sẽ giúp họ gia tăng sức mạnh kinh tế, rồi trao quyền cho quân đội chống lại Hoa Kỳ. Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, những nguồn tài nguyên trong các vùng đặc quyền kinh tế không phải của Trung Quốc là tài sản dành riêng cho các quốc gia ven biển gần đó, gồm cả bờ biển dài của Việt Nam, chứ không thuộc về Trung Quốc thông qua đường chín đoạn bất hợp pháp.

Trung Quốc nhạy cảm với mọi dấu hiệu chiến lược ngăn chặn, nhưng khi sức mạnh, ảnh hưởng và sự xâm lược lãnh thổ gia tăng, việc ngăn chặn ngày càng trở nên rõ ràng như một chiến lược phản công cần thiết của các nước. Ngăn chặn không phải là quay trở về cuộc Chiến Tranh Lạnh, nhưng là một nguyên tắc chiến lược phòng thủ không bao giờ lỗi thời và kéo dài ít nhất từ thời Hy Lạp cổ đại. Việc ngăn chặn Trung Quốc sẽ được hỗ trợ qua việc Hoa Kỳ ủng hộ vật chất và yêu sách lãnh thổ của các quốc gia láng giềng Trung Quốc, kể cả Việt Nam. Nó cũng được hỗ trợ qua việc Việt Nam hủy bỏ chính sách "ba không", dứt khoát liên minh với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc, chào đón các căn cứ quân sự Mỹ như là lực lượng thứ ba để làm nhụt chí nước láng giềng hung hăng phía bắc, như trường hợp Nam Hàn.

Chuyện mời Hoa Kỳ trở lại Việt Nam đặt căn cứ quân sự chắc chắn sẽ gây tranh cãi do xung đột lịch sử giữa hai quốc gia, nhưng giờ đây là lúc hãy gác lại quá khứ. Chúng ta có chung một kẻ thù mới ở Trung Quốc và chúng ta nên tuyệt đối cởi mở trong tình bạn mới được hàn gắn, để tối đa hóa sự răn đe.

Hành động cứng rắn đó có xảy ra hay không phần lớn còn tùy thuộc vào thái độ của Trung Quốc trong việc bành trướng lãnh thổ, và nếu đúng như vậy, Trung Quốc có thể tiếp tục gây ảnh hưởng chính trị quan trọng ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam, nhằm chống lại việc hai quốc gia này thân thiết với nhau hơn. Đặc biệt họ sẽ huy động các nhóm lợi ích, ở cả hai nước, vốn thường hay lấy lòng Trung Quốc trước nguy cơ xung đột quân sự. Các nhóm lợi ích đó luôn tìm cách tác động Hoa Kỳ và Việt Nam dẹp bỏ chiến lược ngăn chặn, dành ưu tiên cho kinh doanh và thương mại hơn là an ninh quốc gia và do đó cho phép các mối quan hệ quyền lực tiếp tục phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Vị trí của Việt Nam

Nếu Trung Quốc thành công trong việc tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ của họ thông qua đường chín đoạn, như đã ghi rõ trong bản ghi chú năm 2009 gửi cho các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam cùng các nước yêu sách khác sẽ mất quyền đánh bắt hải sản và khai thác hydrocarbon rất có giá trị trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Việt Nam sẽ trở thành một vùng đất bị khóa cửa hợp pháp khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng chiến thuật kiểm soát sự tiếp cận hàng hải vào nước này.

Các yếu tố trong chiến lược mới của Việt Nam nên bao gồm :

1. Liên minh với các quốc gia có khả năng ngăn chặn Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân, ví dụ Hoa Kỳ, Pháp và Anh.

2. Liên minh với các quốc gia có đủ sức mạnh quân sự thông thường để răn đe Trung Quốc, ví dụ Hoa Kỳ.

3. Chuyển tăng trưởng kinh tế sang chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc tại địa phương, ví dụ mua tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không.

4. Dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền sẽ khuyến khích việc liên minh kinh tế và quân sự với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhất được chặt chẽ hơn.

Ấn Độ, Nga và Úc, các quốc gia mà Việt Nam đã kêu gọi hỗ trợ, sẽ là các đối tác chiến lược hữu ích nhưng không phải là đồng minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để đánh bại Trung Quốc một mình. Nga có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và dù cả Nga và Ấn Độ đều là những cường quốc hạt nhân có sức mạnh quân sự thông thường đáng kể, họ vẫn không đủ mạnh về kinh tế và quân sự để đối đầu với Trung Quốc một mình. Cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) do Trung Quốc lãnh đạo trong thực tế nên bị sức mạnh của Trung Quốc chi phối. Vì vậy, họ không thể là đồng minh đáng tin cậy.

Úc là đồng minh tiềm năng đáng tin cậy nhưng không có vũ khí nguyên tử hay quy ước răn đe cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Họ cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội yếu kém hơn Trung Quốc, và chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn Hoa Kỳ, Pháp hoặc Vương Quốc Anh. Úc xuất khẩu khoảng 40,8% hàng hóa sang Trung Quốc (gồm cả Hongkong). Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc lớn như thế nào và từ đó tác động đến chính trị Úc. Ngược lại, Hoa Kỳ, Pháp và Anh có ít hàng xuất khẩu tính theo phần trăm GDP sang Trung Quốc hơn nên không chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều. Họ cũng được lợi thế do có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mức độ che chở mà các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam gần như là con số không. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giúp đỡ Việt Nam rất ít, khi các quốc gia thành viên ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc và phủ quyết mọi chỉ trích về Trung Quốc. Tổ chức này chuẩn bị và thực hiện rất ít các kế hoạch quân sự và kinh tế cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi chính sách bành trướng ở Biển Đông. Dù thắng vụ kiện tại The Hague, Philippines, thành viên ASEAN, vẫn phải khuất phục trước ảnh hưởng của Trung Quốc sau khi Trung Quốc phớt lờ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS).

Giờ đây, trong khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia ương ngạnh nhất trong nỗ lực duy trì nền độc lập của mình. Tuy vậy, vì Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đến thượng tầng cơ cấu quyền lực Việt Nam và là đối tác thương mại lớn, một số mặt hàng Trung Quốc được trung chuyển bất hợp pháp để tránh thuế quan của Hoa Kỳ. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, với quyền phủ quyết của Trung Quốc, không đủ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Điều này cho thấy một liên minh hay thậm chí các mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ cũng sẽ giúp Việt Nam củng cố sức mạnh trong nước để chống lại Trung Quốc và tăng cường ngăn chặn trong trường hợp xung đột quân sự xảy ra, thông qua một người bạn hùng mạnh.

Hoa Kỳ có tất cả các điều kiện cần thiết của một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ để chống lại Trung Quốc : một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết các nghị quyết của Trung Quốc ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, khả năng quân sự cần thiết để tiến hành cuộc chiến tranh quy ước chống Trung Quốc và vũ khí hạt nhân để răn đe và tự vệ trong trường hợp Trung Quốc định trả đũa bằng vũ khí nguyên tử.

Không có Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc, nền an ninh của Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Hoa Kỳ là điều kiện thiết yếu đối với bất kỳ liên minh nào trên thế giới chống Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ dành đặc quyền cho những quốc gia tôn trọng giá trị dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, để có được liên minh với Hoa Kỳ, và cả việc Hoa Kỳ sẵn sàng hy sinh cho Việt Nam, chấp nhận rủi ro trước một cường quốc nguyên tử,Việt Nam tối thiểu cũng phải cải thiện từ từ nhưng vững chắc nền dân chủ và nhân quyền.

Vị trí của Hoa Kỳ

Một liên minh Việt-Mỹ không chỉ lợi cho Việt Nam mà còn lợi cho cả Hoa Kỳ. Khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ bằng một số biện pháp, bao gồm GDP tuyệt đối bằng sức mua tương đương, tăng trưởng GDP, gia tăng chi tiêu quân sự, tầm bắn của tên lửa chống hạm, quân số, số lượng tàu hải quân mới, tình báo nhân tạo và siêu máy tính, Hoa Kỳ và phần còn lại trên thế giới nên cân nhắc thật kỹ cách kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trước khi nó vượt các cấu trúc quyền lực cơ bản hiện hành như chủ nghĩa dân tộc, Liên Hiệp Quốc và G7. Ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Trung Quốc được sức mạnh kinh tế hỗ trợ đang gia tăng và một phần được phân phối cho giới tinh hoa nước ngoài, gồm cả giới tinh hoa Mỹ, nhằm đạt được lợi ích chính trị.

Một liên minh mới với Việt Nam sẽ đảo ngược làn sóng chiến thắng ngoại giao mới của Trung Quốc và sẽ khiến Trung Quốc phải chấm dứt khai thác dầu khí và đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nó sẽ là một ví dụ giúp các quốc gia khác trong khu vực biết cách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu liên minh được mở rộng từ Việt Nam đến Indonesia và Ấn độ, những nước đang có chính sách không liên kết, dần dần Trung Quốc sẽ bị đẩy vào sân sau của chính họ.

Anders Corr

Nguyên tác : Can Viet Nam Be Amerira’s New Ally Against China ? The National Interest, 07/11/2019

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

(14/11/2019)

Published in Diễn đàn
mercredi, 25 septembre 2019 20:38

Hoàng đế đỏ họ Tập

15/01/2017 là ngày đáng nhớ trong lịch sử thế giới. Lần đầu tiên, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Đây là một sự kiện rất đặc biệt do sự có mặt của người lãnh đạo một quốc gia cộng sản lớn nhất thế giới. Ông ta đã cho giới tinh hoa kinh tế thế giới một bài học về thị trường tự do. Tập tuyên bố : "Chúng ta phải mở rộng tự do mậu dịch và đầu tư toàn cầu và thúc đẩy tự do kinh tế".

tap1

Tháng 3/2018, Tập bất ngờ thông báo là ông ta không rời bỏ quyền lực, nhưng sửa đổi hiến pháp để trở thành chủ tịch trọn đời.

Đây là biến cố lớn vì Trung Quốc luôn có cái nhìn tiêu cực về thị trường tự do. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với quan điểm bảo hộ và bà Angela Merkel, người được coi là trụ cột chính của Châu Âu không tham dự diễn đàn lần này. Do đó, nó tạo cơ hội cho Trung Quốc "củng cố vị thế của mình như một cường quốc trưởng thành, đáng tin cậy, cởi mở và gần gũi hơn với các mối quan hệ song phương cũng như mở rộng vai trò lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế", theo nhận xét của giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell, Ithaca, New York, Hoa Kỳ.

Tập là chính khách rất lão luyện và có sức lôi cuốn của một nhà lãnh đạo. Ông ta chụp ngay những cơ hội có được. Ông ta giành được mọi sự chú ý tại Liên Hiệp Quốc và tại những quốc gia ông đến thăm, đặc biệt ở Châu Phi. Và nhân dịp này, Tập đã đưa ra mục tiêu của mình. Trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Trung Quốc, Tập tuyên bố "Chúng ta sẽ cải tạo hệ thống kiểm soát toàn cầu". Tháng 3/2018, Tập bất ngờ thông báo là ông ta không rời bỏ quyền lực, nhưng sửa đổi hiến pháp để trở thành chủ tịch trọn đời. Lần đầu tiên Trung Quốc có một nhà lãnh đạo có quá nhiều quyền lực và đầy bí ẩn. Theo François Bougon, ký giả của tờ báo Le Monde, "Đây là sự kết hợp giữa một hệ thống độc tài với Silicon Valley". Và Kerry Brown, chuyên gia về lịch sử Trung Quốc viết : "Tập Cận Bình là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền khổng lồ và vô cùng hiệu quả của đảng cộng sản".

Trước kia Trung Quốc chưa bao giờ có uy thế mạnh mẽ và đầy tham vọng như vậy. Quốc gia này hiện đang tìm cách khuynh đảo cán cân quyền lực trên thế giới.

Như vậy, Tập Cận Bình là ai và xuất thân từ đâu ? Ông ta muốn làm đảo lộn thế giới như thế nào ? Và Tập có những kế hoạch gì ẩn giấu sau mối quan hệ đôi bên cùng có lợi (win-win situation) ?

Để hiểu được Tập, chúng ta cần đào sâu vào đảng cộng sản Trung Quốc. Đối với Tập, trở thành đảng viên đảng cộng sản giống như một phần của giáo hội. Sau khi được bầu làm lãnh đạo đảng, ông ta đến Đại Lễ Đường Nhân Dân để tuyên thệ nhậm chức như vào một thánh đường : "Tôi hứa bảo vệ các bí mật của đảng. Tôi hứa đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản". Theo Tân Hoa Xã, đây là lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc thề trung thành với Hiến Pháp khi tuyên thệ nhậm chức.

Kerry Brown nói : "Tập Cận Bình là người phục vụ cho chính sách của đảng, gần giống như một linh mục công giáo. Vì vậy ông ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ông ta là một phần của hệ thống, được đào tạo để sẵn sàng làm công việc này".

Yu Jie, tác giả và là người đấu tranh cho dân chủ nói rằng "Tập Cận Bình đã nói rõ chủ nghĩa cộng sản là con đường duy nhất của sự thật, chủ nghĩa này phải lan rộng khắp thế giới chứ không chỉ ở Trung Quốc".

Tập Cận Bình là nhân vật số một, cầm đầu một đảng cộng sản lớn nhất thế giới với trên 90 triệu đảng viên. Họ phải tuyệt đối trung thành với đảng và với chính cá nhân Tập - trên tất cả mọi thứ.

Vài tháng sau ngày nhậm chức, vào cuối năm 2012, những cái mặt nạ đầu tiên bị rơi xuống. Các đối thủ chính trị lén giao cho báo chí một tài liệu nhạy cảm liên quan đến học thuyết của Tập. Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Hongkong Baptist University, cho biết "ngay sau khi lên cầm quyền Tập đã bí mật đưa ra "Tài liệu số 9" (Document N°9). Chúng tôi nghe đến nó vào mùa xuân 2013. Đó là cuộc tấn công toàn diện vào các giá trị tự do. Tài liệu cho thấy Tập lo lắng về các thế lực thù địch nước ngoài và liệt kê bảy ý tưởng của phương Tây gây nguy hiểm nhất cho Trung Quốc như dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí…". Điều này có nghĩa Tập xem phương Tây như mối hiểm họa.

Cũng theo Yu Jie, "Tài Liệu số 9" là cái nhìn đầu tiên về cương lĩnh của riêng Tập. Nó dập tắt ảo tưởng của một vài người đã dành cho ông ta".

Căn nguyên tư tưởng chiến tranh và nhân cách của Tập xuất phát chính từ lý lịch bản thân ông ta trong bối cảnh chung của lịch sử Trung Quốc.

Cũng như xã hội cộng sản trước kia, thời niên thiếu của Tập đầy sóng gió. Ông ta từng được gọi là "thái tử đỏ". Tập là con của một quan chức hàng đầu trong đảng. Cha ông, Tập Trọng Huân, là đồng chí thân thiết của Mao Trạch Đông và cùng với Mao thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Những năm đầu, Tập sống chung với giới tinh hoa cộng sản ở Tử Cấm Thành và được đi học ở một trong ba trường nổi tiếng nhất Bắc Kinh. Nhưng cha Tập rất nghiêm khắc và độc đoán, chẳng hạn như bắt Tập tắm với nước lạnh vào mùa đông.

Năm 1962, khi Tập lên 9 tuổi, Tập Trọng Huân bị thất sủng. Ông bị Mao kết tội âm mưu chống đảng. Đợt thanh trừng toàn diện trong cuộc cách mạng văn hóa bắt đầu. Ông bị đánh đập và phải tự kiểm điểm trước quần chúng. Giờ đây Tập không còn là "thái tử đỏ" nữa mà là kẻ phản bội. Ông ta phải kết tội cha mình trong các buổi họp tự kiểm điểm và chính bản thân cũng bị vệ binh đỏ hành hạ. Một cơn ác mộng sẽ mãi mãi ám ảnh Tập, mặc dù nó chỉ được nhắc qua loa trong phần tiểu sử của ông ta.

Vào năm 2000, trong cuộc phỏng vấn do một tạp chí Trung Quốc thực hiện, Tập kể lại : "Vệ binh đỏ nói hàng trăm lần họ sẽ bắn tôi. Họ đe dọa xử tử tôi. Rồi bắt tôi đọc những câu trích dẫn của Mao cả ngày".

Li Datong, một nhà báo Trung Quốc nói : "Khi đó ông ta mới 9 tuổi. Cha ông bị kết tội phản cách mạng. Để sống còn, ông ta phải chứng tỏ mình còn cách mạng hơn những người khác. Để chứng minh mình là "đứa con ngoan của Mao", ông ta học tập rất cần mẫn tất cả những lời nói của Mao. Vì vậy, di sản của Mao luôn khắc sâu trong tâm trí ông. Khi ông ta phát biểu, đó là những lời của Mao tuôn ra".

Tập đã đứng trước một sự chọn lựa khó khăn : hoặc tránh xa người cha để sống còn hay quay lưng với đảng rồi bị thanh toán.

François Bougon, ký giả của Le Monde nhận xét : "Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đánh giá quá cao chuyện cha ông ta bị hạ nhục đã tác động đến Tập nhiều như thế nào. Người ta tin rằng Tập căm thù đảng cộng sản, nhưng ông ta đã không làm như vậy. Có hai loại con cái : những đứa muốn tìm cách trả thù và những đứa muốn làm tốt trở lại. Tập muốn sửa chữa những gì đã xảy ra, xóa bỏ sự nhục nhã".

Cũng theo Yu Jie, "Cha ông ta đã bị hành hạ tàn nhẫn trong cuộc cách mạng văn hóa và Tập đã quyết định sẽ không bị kết thúc như ông bố. Mao trở thành tấm gương để ông noi theo. Ông ta không muốn chịu chung số phận với cha mình".

Ít năm sau, Tập lại phải nếm cay đắng mùi đời thêm một lần nữa dưới cuộc cách mạng văn hóa. Cùng với hàng triệu thanh thiếu niên có học vấn, ông ta bị đẩy đi cải tạo lao động ở vùng quê. Mao muốn họ phải biết thế nào là công việc đồng áng khổ cực của nông dân. Lúc đó, Tập mới 15 tuổi nhưng sốt sắng ra đi. Tập thuật lại là gia đình đã theo tiễn ông tại sân ga và mọi người đều khóc, nhưng ông thích đi vì muốn thoát khỏi cái không khí chính trị đầy thù hận.

Tập bị đày một mình về làng Lương Gia Hà. Đó là một vùng quê hẻo lánh nghèo khổ, trên cao nguyên hoàng thổ màu vàng, nơi người dân đào xuống đất để làm nhà, được gọi là nhà hang (cave home). Tiếng xấu của người cha cũng bay theo đến đó và Tập bị gọi là "kẻ thù của nhân dân", liệt vào danh sách đen - những kẻ cần phải theo dõi quản lý và xử dụng vào công việc lao động. Tập đã cố chạy trốn nhiều lần.

François Bougon cho biết thêm : "Tập không thích ứng được. Ông ta đuối sức trên ruộng đồng và trong cuộc sống ở thôn quê. Suốt 7 năm góp phần vào công việc nặng nhọc cùng những nông dân nghèo khổ, ông ta sống trong một cái nhà hang tối tăm không điện nước và đi lao động mỗi ngày".

Nhà sử học Kerry Brown nói : "Dưới cuộc cách mạng văn hóa, Tập đa phần sống như một tù nhân trong nhà giam. Người ta như không còn bản sắc riêng. Họ làm việc theo chỉ thị và thường bị đối xử tàn bạo. Tôi tin rằng có thể thấy ở Tập và nhiều người cùng thế hệ với ông ta một dạng hiệu ứng muộn, sau khi bị tổn thương tâm lý".

Trong thời gian đó, hàng triệu nạn nhân của cuộc cách mạng văn hóa chết vì đói, kiệt lực hay bệnh dịch.

Người chị cả của Tập tự tử nhưng Tập sống sót.

Tập trở về từ kiếp lưu đày, quyết chí trả thù và phục hồi danh dự cho gia đình. Nay Tập đã 22 tuổi và nuôi một tham vọng : sự nghiệp chính trị. Và để không trở thành nạn nhân thêm một lần nữa, Tập phải nắm được quyền lực bằng cách áp dụng các phương pháp của Mao. Có thể nói Tập là một mini Mao Trạch Đông.

Một người bạn đã giúp Tập "tô son điểm phấn" lý lịch cá nhân và xóa bỏ cái quá khứ phản động của cha mình ra khỏi hồ sơ. Nhờ đó, Tập được kết nạp vào đảng, sau 9 lần bị từ chối.

Tập thuật lại : "Khi đặt chân đến "vùng đất hoàng thổ màu vàng", lúc mới 15 tuổi, tôi đã sững sờ và sợ hãi. Khi trở về, năm tôi 22 tuổi, mục tiêu đời tôi đã rõ ràng và tràn đầy tự tin".

Năm 1979, Tập Trọng Huân được Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm Mao, thả và cho phục chức. Tập được cha mình giúp bước chân lần đầu vào con đường chính trị. Ông ta trở thành thư ký riêng của một tướng lãnh cao cấp và cũng là bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Nhưng ở tuổi 29 Tập đã biết rằng kinh nghiệm lao động thực tế là yếu tố quyết định nếu muốn xóa hẳn hình ảnh thái tử. Vì vậy, để thuyết phục cấp lãnh đạo, ông ta đã áp dụng chiến lược : bắt đầu từ nấc thang thấp nhất rồi leo lên dần, từng bước một, từ các địa phương. Đó là bước khởi đầu của sự nghiệp chính trị và nó sẽ đưa ông đến đỉnh cao quyền lực.

Zhang Lifan, một sử gia Trung Quốc nói : "Cấp lãnh đạo đảng không thích những nhân cách mạnh mẽ bởi vì, theo quan điểm của giới lãnh đạo già, họ khó bị kiểm soát hơn. Do đó họ thích chọn những người bình thường. Và họ đã chọn Tập, một người không hề có tì vết nào trong sự nghiệp chính trị".

Để tách mình ra khỏi đám đông và được đảng tín nhiệm, Tập luôn tuyệt đối trung thành.

Tập cưới Bành Lệ Viện, nữ ca sĩ nổi tiếng của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc. Nhờ vậy, ông được nhiều người biết đến hơn. Trong một cuộc phỏng vấn, bà ta đã nói đùa là mình nổi tiếng hơn chồng vì đã là ca sĩ của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc. Theo Xia Ming, một cựu đảng viên đảng cộng sản : "Bà ấy là người mở cánh cửa cho Tập. Bà ấy đã giúp ông ta có được hình ảnh dễ thiện cảm hơn. Mỗi khi họ đi ra ngoài, chính bà ấy bảo ông ta sẽ làm gì. Khi nào ông ta phải cười, khi nào vỗ tay v.v… Người ta có thể thấy bà ấy ra dấu".

Tập tạo cho mình hình ảnh hoà nhã, cấp tiến và tự do để thu hút lòng người. Do đó, vào năm 2008, khi đảng cộng sản Trung Quốc tìm người kế vị Hồ Cẩm Đào, Tập là người xứng đáng nhất để được chọn.

Đây là sự nghiệp chính trị điển hình trong guồng máy đảng cộng sản, cả về mặt chiến thuật, đấu đá tranh giành quyền lực và lòng trung kiên với ý thức hệ.

Ngày 15 tháng 11/2012, Tập Cận Bình đã loại được mọi đối thủ và tận hưởng chiến thắng. Hiện nay, ông ta là Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc và là Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tập đã trả được thù nhà và đang muốn trả thù cho dân tộc, đồng thời nỗ lực thực hiện mục tiêu to lớn của đảng.

Tạo chính danh và Giấc mơ Trung Hoa

Tập muốn kết hợp lịch sử của đế chế Trung Hoa với chủ nghĩa cộng sản. Ông ta cố gắng tạo ra chính danh mới cho chế độ cộng sản. Chính danh ưu việt của đảng cộng sản đã bị mất dưới thời Mao, sau cuộc Cách mạng Văn hóa và chiến dịch Đại nhảy vọt. Giờ đây Tập phải tìm một chính danh mới cho đảng bằng cách khai thác chủ nghĩa dân tộc và thổi phồng sự vĩ đại của đất nước.

Để đoàn kết nhân dân, Tập lập ra chương trình "Giấc mơ Trung Hoa". Đến năm 2049, khi nền Cộng hòa nhân dân tròn 100 tuổi, ông ta muốn Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới, cả về kinh tế và quân sự. Tập kêu gọi : "Tất cả con dân trai gái của quốc gia Trung Quốc sẽ cùng cộng tác để hiện thực hóa giấc mơ Trung Quốc, đổi mới quốc gia. Trung Quốc sẽ chiếm vị trí trung tâm trên thế giới và cống hiến nhiều hơn cho nhân loại".

Tập khích động tự ái dân tộc bằng cách nhắc lại tất cả những nỗi nhục mà người Trung Quốc đã gánh chịu trong thế kỷ 19. Cuộc chiến tranh nha phiến do phương Tây gây ra đã làm sụp đổ đế chế Trung Hoa, dẫn đến bao tủi nhục cho người Trung Quốc. Mặc cảm ăn rất sâu trong tâm hồn dân tộc này. Nay họ muốn làm Trung Quốc vĩ đại trở lại. Tập đã yêu cầu toàn dân gác bỏ mọi chống đối, nhắm mắt tin tưởng tuyệt đối vào ông ta, như tin một đấng tiên tri, cùng đồng hành tiến về "Giấc mơ Trung Hoa", chinh phục thế giới.

Kerry Brown nói : "Tập muốn trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại thực hiện được việc này. Đôi mắt Tập biểu hiện một người có niềm tin lớn vào định mệnh và rất đáng sợ. Câu chuyện lịch sử này chỉ nói đến một thứ về ông : Trung Quốc sẽ không thất bại".

Con đường tơ lụa

Tập đề ra một dự án vô tiền khoáng hậu : con đường tơ lụa. Đây là dự án của một pharaon, sẽ bao phủ trái đất với những con đường thương mại của Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc cho tiến hành một dự án khổng lồ ngoài nước.

Tập phê chuẩn chi 1.000 tỷ dollar để xây dựng hệ thống hỏa xa và đường hàng hải - ưu tiên trước cho Châu Á thiết lập cơ sở hạ tầng. Sau đó đến lượt Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ. Mục đích đơn giản chỉ để gia tăng thương mại, bán thật nhiều sản phẩm Trung Quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Theo Jean-Pierre Cabestan : "Dự án con đường tơ lụa nhằm vượt mặt Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác, dần dần sẽ làm suy yếu chỗ đứng của phương Tây trên khắp thế giới – trước tiên ở Trung Á, sau đó Pakistan và Đông Phi".

Cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, ông Max Baucus nói : "Một vành đai, một con đường. Đây là tầm nhìn quan trọng của chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là một kế hoạch trường kỳ. Ở Hoa Kỳ, chúng ta không có kế hoạch dài hạn nào. Các quốc gia phương Tây khác cũng thế - cho dù Trung Quốc có trỗi dậy hay không ".

Bài học Sri Lanka

Tập sẵn lòng cho các quốc gia nghèo vay tiền để xây dựng cơ sở mậu dịch hạ tầng. Hơn 60 quốc gia bị cám dỗ do ước muốn hiện đại hóa. Sri Lanka là một trong những quốc gia đầu tiên đã hớn hở vay tiền của Trung Quốc để xây dựng một cảng thương mại khổng lồ ở phía Nam hòn đảo. Một viễn cảnh tốt đẹp trước mắt. Nhưng khi quốc gia này không có khả năng trả món nợ kếch xù với khoản tiền lãi cắt cổ, Trung Quốc đề nghị một hợp đồng mới, dựa vào việc tái cơ cấu nợ. Thay vì nhận tiền, Bắc Kinh sẽ làm chủ hải cảng trong 99 năm. Đây là ví dụ một quốc gia từ bỏ chủ quyền của mình để đổi lấy cơ sở hạ tầng quan trọng.

Giấc mơ của Tập đã biến thành cơn ác mộng cho Sri Lanka. Quốc gia này mất cả chì lẫn chài : một hải cảng trong 99 năm và tất cả chỗ làm trong khu vực kỹ nghệ rộng 100 000 mẫu.

Tiến vào Châu Âu

Tập tiếp tục tiến bước sang Châu Âu với các hợp đồng và chiến thuật khác.

Ông ta bắt đầu mua các cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng Piraeus của Hy Lạp và phi trường Toulouse ở Pháp và đề nghị mọi hình thức trao đổi. Lúc ban đầu, các nhà lãnh đạo Châu Âu rất hứng khởi và thường xuyên gặp Tập để lôi kéo Trung Quốc đầu tư. Trong chuyến thăm Pháp vào tháng Ba 2014, Tập đã ký 50 hợp đồng trị giá 18 tỷ dollar với nước chủ nhà. François Hollande, tổng thống Pháp (2012 – 2017) nhấn mạnh : "18 tỷ dollar nghĩa là tạo việc làm và tăng trưởng". Đổi lại, Trung Quốc và Pháp hợp tác chế tạo 1000 chiếc trực thăng, tập đoàn Đông Phong Trung Quốc góp vốn vào hãng xe hơi Pháp PSA Peugeot Citroen. Tập thông báo ông ta đã ký được nhiều hợp đồng và thỏa thuận với Châu Âu về nguyên tử, hàng không, kỹ nghệ xe hơi, năng lượng, tài chính… trong chuyến đi của mình.

Phản ứng tốt xấu của các quốc gia Châu Âu nhiều ít khác nhau. Một vài quốc gia tích cực ủng hộ và tin rằng họ sẽ có lợi trong việc hợp tác và nếu nó giúp sự phát triển toàn cầu được cân bằng thì cũng là điều tốt.

Đức là quốc gia đầu tiên đánh chuông báo động, vào tháng Chín 2016, sau khi Trung Quốc mua Kuka, một hãng chế tạo robot công nghiệp hàng đầu của Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai vạch mặt Con Đường Tơ Lụa. Sigmar Gabriel, cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Đức (2017 – 2018) nói trong Hội nghị an ninh thường niên lần thứ 54 tại Munich, ngày 16 tháng Hai 2018, như sau : "Không như một số người đã nghĩ, Con Đường Tơ Lụa không phải là một dự án tình cảm Marco Polo. Trung Quốc nỗ lực thiết lập một hệ thống toàn cầu để phục vụ quyền lợi của họ. Nó không chỉ thuần túy về kinh tế. Trung Quốc phát triển một hệ thống toàn diện, không giống như mô hình của chúng ta vốn dựa vào tự do, dân chủ và nhân quyền".

Năm 2018, Trung Quốc đã kiểm soát 10% hoạt động của các hải cảng Châu Âu. Đó là 1 trong 10 hải cảng.

Đối với những quốc gia có kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc như Hy Lạp, Hungary và Serbia, đường lối chính trị của họ cũng không thể thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc. Những quốc gia này phá vỡ mối liên hệ với Châu Âu và ngả về Trung Quốc nhiều hơn.

Hy Lạp là trường hợp điển hình. Đây là con ngựa thành Troy đầu tiên của Tập ở Châu Âu. Năm 2018, lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) không thể đệ trình báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì Hy Lạp phủ quyết.

Ủy ban Châu Âu (European Commission), ngày 23 tháng Sáu 2017 tại Bruxelles, đã thông qua đạo luật không cho phép Trung Quốc mua các doanh nghiệp chiến lược.

Bước sang Úc Châu

Trung Quốc đầu tư rất mạnh ở Úc, tập trung chính vào các lãnh vực xã hội. Úc và New Zealand là hai phòng thí nghiệm giúp cho Trung Quốc xâm nhập vào quốc gia dân chủ, bằng một chiến lược hoàn hảo đã được nghiên cứu kỹ để gây ảnh hưởng chính trị.

Jean-Pierre Cabestan nhận định : "Chiến lược của các đảng cộng sản là huy động các thế lực không cộng sản bằng cách vô hiệu hóa họ và mua chuộc để họ trở thành đồng minh. Người Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện để tác động đến chính sách đối nội của quốc gia đối tác".

Cuối năm 2017, nước Úc rúng động vì một vụ bê bối chính trị khi một thượng nghị sĩ phải từ nhiệm vì đã nhận hối lộ của Trung Quốc. Trung Quốc đã có thể hối lộ thành công các chính trị gia để họ có quan điểm tích cực đối với các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc.

Sau cơn địa chấn chính trị này, nước Úc đã thông qua một đạo luật cấm người Trung Quốc đầu tư vào các đảng phái chính trị và các cơ sở kinh doanh chiến lược.

"Chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc rất có hiệu quả trong xã hội dân sự, thương trường và giới khoa bảng. Nó tác động đến cộng đồng người Trung Quốc ở các quốc gia khác và hỗ trợ tài chính cho các cuộc tranh cử của các ứng cử viên có quan điểm thân Trung Quốc"… "Trung Quốc có thể dùng sức mạnh kinh tế để ngăn cản những chỉ trích về chế độ mình. Cái họ muốn xuất khẩu là ảnh hưởng và đặt ưu tiên hàng đầu là sự im lặng. Họ không muốn nghe những gì trái tai. Họ muốn các nước phải chấp nhận đường lối chính trị quốc tế của mình", theo ông Stein Ringen, nhà khoa học chính trị và xã hội học.

Châu Phi và tham vọng bá quyền

Giấc mơ Trung Hoa của Tập có nhiều triển vọng nhất ở Châu Phi. Con đường tơ lụa mới hiện đã chạy khắp nửa lục địa. Ông ta thường bay đến đây để rao giảng giấc mơ chính trị của mình. Ông ta gọi đây là "giải pháp của Trung Quốc", một kế hoạch trong đó sự phát triển kinh tế là quan trọng nhất cho nhân quyền.

Ý tưởng của Tập được François Bougon giải thích như sau : Chỉ sau 30 năm, Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Trung Quốc không làm theo cách của phương Tây. Hệ thống chính trị không mở cửa cho dân chủ nhưng quốc gia giàu có và phát triển. Vì vậy hệ thống tồn tại. Đây là giải pháp của Trung Quốc. Các nước khác nên học hỏi và thực hiện giống như vậy.

Trung Quốc đã đi bước trước. Họ đứng sau và xây dựng hầu hết các dự án hạ tầng ở Châu Phi, từ 30 đến 50 phần trăm. Để bảo đảm cho việc trao đổi mậu dịch với Châu Phi và tiến hành đầu tư, Tập bạo gan hơn những người tiền nhiệm : ông ta thiết lập một căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, tại Djibouti. Quốc gia Đông Phi này có vị trí chiến lược, ngay cạnh một trong những con đường thương mại tấp nập nhất thế giới. Ngày 1/8/2017, cả thế giới sửng sốt khi Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự này. Chuyện xảy ra quá nhanh. Căn cứ được hoàn thành chưa đến một năm. Từ lâu Trung Quốc vẫn thường xuyên bác bỏ tin đồn là họ sẽ xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Họ sẽ không làm giống như người Mỹ.

Jean-Pierre Cabestan cho biết thêm : "Mọi người đều ngạc nhiên vì Djibouti nhỏ và quân đội phương Tây đã có mặt ở đó từ trước. Mỹ, Pháp, Ý, Nhật. Có quá nhiều người tập trung tại một nơi nhỏ và để mắt đến nhau. Tập gửi 10.000 quân đến đó, gấp đôi số lượng quân nhân Mỹ. Ông ta tuyên bố có vai trò giữ an ninh cho lục địa Châu Phi".

Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Đây là một biến chuyển quan trọng vì chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục những kế hoạch như vậy. Họ sẽ theo bước Hoa Kỳ mặc dù luôn chỉ trích chính sách quân sự của Mỹ.

Tập dự trù đến năm 2049, Trung Quốc sẽ có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, hơn cả Hoa Kỳ. Cũng như Mao, ông ta tin rằng quyền lực đến từ nòng súng. Trong vòng 4 năm, số tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc đã nhiều bằng số lượng tàu của hải quân Pháp. Tập luôn phô trương sức mạnh quân sự trong những dịp lễ lớn. Hải và không quân Trung Quốc đã diễn tập ở Biển Đông và Thái Bình Dương, gần các khu vực Mỹ đã xây dựng căn cứ quân sự từ sau thế chiến thứ Hai.

Trung Quốc yêu sách lãnh hải và các hòn đảo thuộc chủ quyền của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Brunei và Philippines. Họ chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012. Với tấm bản đồ đường chín đoạn và bất chấp phán quyết của toà án trọng tài quốc tế tại The Hague, Tập tuyên bố có chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi gần 90% Biển Đông. Ông ta đã âm thầm cho bồi đắp, xây dựng căn cứ quân sự, phi đạo, hải cảng trên các hòn đảo, bãi đá nổi chiếm được của Việt Nam, gửi quân đội, điều động tàu chiến và máy bay chiến đấu đến đó. Những tháng giữa năm 2019, tình hình trở nên rất căng thẳng và có thể xảy ra xung đột. Tập đặt thế giới vào sự đã rồi.

Trật tự mới

Bây giờ Tập đã sẵn sàng dọn đường cho một trật tự mới trên thế giới. Để tiến đến mục tiêu đó, ông ta dùng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation - SCO) của mình. Đây là tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh liên chính phủ Âu-Á gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan. Tháng Sáu 2018, hội nghị thượng đỉnh của Tập diễn ra cùng thời điểm với G7 của các cường quốc dân chủ. Dự án con đường tơ lụa của Trung Quốc giờ được liên minh chính trị và quân sự SCO hỗ trợ. Tập chủ trì hội nghị thượng đỉnh SOC, bên cạnh là Vladimir Putin, người đã bị trục xuất khỏi G7, sau khi xâm chiếm Crimea của Ukraine. Ngoài bốn quốc gia thành viên khác, lần này, Tập đã mời và hoá giải được mối hận thù giữa Ấn Độ và Pakistan. Hai quốc gia nguyên tử này gia nhập SOC. Tập tuyên bố "đây là hội nghị lịch sử vì lần đầu tiên tám nhà lãnh đạo cùng tham dự và SOC sẽ lớn mạnh". Nhiều quốc gia Âu-Á khác như Israel, Saudi Arabia, Egypt, Ukraine, Turkey… cũng quan tâm tìm hiểu hay muốn gia nhập tổ chức này.

Jean-Pierre Cabestan nhận định : "Chiến lược của Tập Cận Bình là thành lập một trật tự mới, theo cách "đi nước đôi" như Mao từng nói. Điều này có nghĩa là tạo nhiều ảnh hưởng hơn trong các tổ chức đa phương hiện có và thành lập các tổ chức đa phương phi tây phương mới, lấy cảm hứng từ Trung Quốc - ở cấp độ ý thức hệ phản ánh lợi ích và giá trị của Trung Quốc. Cách tốt nhất để vô hiệu hóa một tổ chức lớn là thành lập những tổ chức mới và gây ra một sức ép nhất định".

Tập mơ tái tạo trật tự toàn cầu. Ông ta muốn tập hợp cả thế giới - với Trung Quốc là trung tâm. Nhưng phía sau những lời hứa hẹn về một tương lai huy hoàng là âm mưu vô cùng thâm hiểm của đảng cộng sản. Ngay từ thời Mao, Trung Quốc đã mơ một thiên đường cộng sản trên khắp thế giới. Thiên đường này sẽ nằm dưới sự chỉ đạo của một đảng cộng sản toàn năng. Nó đóng vai trò nhà nước và có toàn quyền sinh sát, đưa ra đường lối chính sách, luật lệ mà không ai được chỉ trích chống đối. Đó là một thế giới mà các ý tưởng dân chủ, tự do, nhân quyền không có cùng ý nghĩa như ở phương Tây. Và chuyện này cũng không cần phải đợi lâu. Nó đã đang diễn ra ở những nơi chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam là một ví dụ.

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tập đã thanh toán hàng loạt đối thủ chính trị. Ba cơ quan truyền thông lớn nhất ở Trung Quốc giờ có tên chung là The Voice of China. François Bougon kể : "Ông ta nói với các nhân viên : Họ của các đồng chí là đảng. Đảng cộng sản ! Đừng quên là các đồng chí đang ở đó để phục vụ gia đình này, đó là đảng cộng sản ".

Tập đã đập tan mọi hy vọng về dân chủ ở Trung Quốc. Tự do báo chí, ngôn luận, tôn giáo, internet, mạng xã hội bị kiểm soát chặt chẽ. Chỉ trích đảng là phạm pháp. Một sai phạm nhỏ nhất cũng bị xử phạt. Để nắm vững quyền lực, Tập loại bỏ các đối thủ bằng cách nhân danh chiến dịch bài trừ tham nhũng.

Kerry Brown nhận xét : "Về mặt đạo đức, đảng theo chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism). Điều này có nghĩa 99% người dân được xem là ok và 1% phải biến mất trong cái hố đen. Trong xã hội chúng ta, đây là vấn đề. Chúng ta bị phê phán do cách chúng ta đối xử với kẻ xấu hay với những người phải bị cách ly như thế nào. Đối với đảng, chuyện đó không quan trọng và những người này bị đối xử rất tàn nhẫn".

Để thiên đường cộng sản sẽ được hoàn hảo và duy trì sự ổn định của chế độ, Tập theo dõi và xếp hạng công dân bằng một hệ thống có tên là "tín dụng xã hội". Với sự trợ giúp của công nghệ nhận diện khuôn mặt và hệ thống tín dụng xã hội, thông tin cá nhân của tất cả mọi người trong nước đều bị lưu trữ. Hệ thống camera - con mắt của nhà nước - theo dõi họ suốt ngày đêm và ở khắp mọi nơi. Khởi đầu mỗi công dân được cấp 1000 điểm. Số điểm này tăng hay giảm tùy vào cách cư xử của họ trong cuộc sống riêng tư hay ngoài xã hội. Điểm tăng được thưởng. Điểm giảm bị phạt.

Đây là một hệ thống kiểm soát toàn hảo giúp nhà cầm quyền quyết định vận mệnh của con người. Tương lai cá nhân nằm trong tay nhà nước. Trung Quốc đang hiện đại hóa thế giới của Orwell.

Vấn đề này sẽ quyết định số phận thế giới. Các công ty công nghệ thông tin Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập các quốc gia khác. Yu Jie cho biết, Facebook thông báo đóng tài khoản của ông 24 tiếng, sau khi ông đăng một bài viết chỉ trích đảng cộng sản, mặc dù ông đang sống ở Mỹ. Facebook đã theo chỉ thị của Bắc Kinh. Chuyện này cho thấy bàn tay lông lá của Bắc Kinh đã thò vào lòng các quốc gia dân chủ. Nó đang tìm cách lũng đoạn quyền tự do ngôn luận trên khắp thế giới.

Hiện nay, rất nhiều người Trung Quốc đang ôm chung giấc mộng vàng sẽ đến vào năm 2049 cùng với Tập. Từ đây đến năm đó, Trung Quốc là mối đe dọa toàn cầu.

Một câu hỏi được đặt ra : Các quốc gia dân chủ phải làm gì trước một Trung Quốc độc tài và đầy tham vọng như vậy ? Bài học của Hitler vẫn còn đó.

Hoàng Thủy Ngữ

(25/09/2019)

Tham khảo :

Kerry Brown : "The World According to Xi : Everything You Need to Know About New China"

Published in Diễn đàn
mercredi, 18 septembre 2019 12:44

Dối trá và hậu sự thật

Khi chọn tin vào những gì bạn muốn nghe hơn là nhìn vào sự thật, bạn cúi đầu trước bạo quyền (1).

Timothy Snyder

big1

Lời dối trá lớn là một kỹ thuật tuyên truyền và mánh khóe ngụy biện


Lời dối trá lớn (The big lie)

Khi đề cập đến lời dối trá lớn, trước tiên có lẽ chúng ta cần nhắc đến một đoạn trong quyển sách Mein Kampf (cuộc tranh đấu của tôi) của Adolf Hitler, nhà độc tài có cái nhìn đáng sợ về tâm lý con người và đã khai thác nó vô cùng hiệu quả.

Trong lời dối trá lớn luôn có một sức mạnh đáng tin cậy nhất định. Đa số quần chúng luôn dễ dàng bị lung lạc vì cảm xúc hơn là vì có ý thức và tự nguyện. Từ bản năng đơn giản nguyên thủy đó, họ dễ trở thành nạn nhân của lời dối trá lớn hơn là lời dối trá nhỏ, bởi lẽ chính họ vẫn thường nói dối nhỏ trong những vấn đề nhỏ nhưng lại xấu hổ khi phải nói dối lớn. Do đó, họ không dám bịa đặt quá mức và không tin là có những người có thể trơ trẽn xuyên tạc sự thật một cách vô liêm sỉ. Ngay cả khi sự thật đã phơi bày, họ vẫn nghi ngờ, lưỡng lự và tiếp tục cho rằng sẽ có những lối giải thích khác. Vì thế, những lời dối trá trắng trợn luôn để lại dấu vết dù chúng đã bị lột mặt – một sự kiện mà những kẻ nói láo điêu luyện và những người lập thuyết âm mưu đều biết trong nghệ thuật dối trá. Họ biết rất rõ cách tận dụng dối trá cho những mục tiêu bỉ ổi (2).

Trong các chế độ độc tài toàn trị cổ điển, từ những đồ tể chính trị tiêu biểu như Lenin, Stalin, Hitler, Mao và hiện nay nước Nga với Putin, Trung Quốc với Tập, Việt Nam với Trọng - những quốc gia độc tài hậu toàn trị - dối trá là sách lược để duy trì chế độ, và cũng là điều kiện bắt buộc người dân phải chấp nhận. Điều bất ngờ lớn nhất là nước Mỹ, đầu tàu của các quốc gia dân chủ trên khắp thế giới, hiện cũng có một tổng thống đã thể hiện nhiều thái độ độc đoán : đó là Donald Trump. Lẽ tất nhiên Trump không phải là nhà độc tài, hay đúng hơn, không thể độc tài trong một quốc gia có truyền thống dân chủ và thể chế pháp quyền vững chắc. Trump không thể hành xử giống như Putin hay Tập. Ông ta cũng không có một hệ tư tưởng, tính tình lại bất nhất, thay đổi ý kiến và quan điểm chính trị liên tục. Điểm tương đồng chính giữa Trump và các nhà độc tài là khả năng vượt trội trong việc khai thác nghệ thuật dối trá. Trong 928 ngày tại chức, Trump đã nói dối hay đưa thông tin sai lệch hơn 12019 lần, trung bình khoảng 13 lần mỗi ngày, theo Washington Post, Fact Checker (3).

Vaclav Havel, chính trị gia người Séc và là nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, trong tiểu luận nổi tiếng "Power of the Powerless" năm 1978 đã viết :

Hệ thống hậu toàn trị va chạm con người ở mọi tầng lớp nhưng bằng găng tay ý thức hệ. Đây là lý do tại sao cuộc sống trong hệ thống này mang đậm tính chất đạo đức giả và dối trá : chính quyền quan liêu được gọi là chính quyền nhân dân, công nhân làm việc như nô lệ được nhân danh là giai cấp công nhân, chà đạp hoàn toàn giá trị cá nhân được trình bày như cuộc giải phóng, tước đoạt thông tin được gọi là sẵn sàng cung cấp thông tin, thao túng quyền lực được gọi là quyền lực kiểm soát công cộng, tùy tiện lạm quyền được gọi là bảo vệ luật pháp, đàn áp văn hóa được gọi là phát triển nó, mở rộng ảnh hưởng đế quốc được biện minh là trợ giúp những người bị áp bức, thiếu biểu hiện tự do trở thành hình thức tự do cao quý nhất, trò hề bầu cử trở thành hình thức dân chủ đúng nghĩa nhất, cấm tư tưởng độc lập trở thành thế giới quan có tính khoa học nhất, xâm lược quân sự trở thành trợ giúp anh em.

Vì bị giam cầm trong những dối trá của chính mình, chế độ phải ngụy tạo tất cả mọi thứ. Nó ngụy tạo quá khứ, hiện tại, tương lai và số liệu thống kê. Nó giả vờ không có một bộ máy công an trị bất lương, tôn trọng nhân quyền. Nó giả vờ không hãm hại ai, không sợ hãi gì cả và giả vờ như không hề giả vờ (4).

Đặc điểm của hình thức dối trá này là nó có mục đích rõ ràng : đưa ra một hệ tư tưởng và bắt buộc người ta phải trung thành sống chung với nó.

"Các cá nhân không cần phải tin tất cả những trò lừa gạt này nhưng phải hành xử như thể họ đã tin, hoặc tối thiểu cũng phải im lặng chịu đựng chúng và hòa đồng với những người làm việc chung với mình. Vì vậy, họ phải sống với dối trá. Họ không cần phải chấp nhận dối trá. Nó đủ để họ chấp nhận sống chung và ở trong đó với nó. Vì trên thực tế, họ xác nhận hệ thống, hoàn thành hệ thống, làm việc cho hệ thống và cũng là hệ thống" (5).

Trong hoàn cảnh đó, người dân vô tình xác nhận đã chấp nhận dối trá. Đây là điều kiện lý tưởng để các lừa lọc chính trị tiếp tục gia tăng, chế độ độc tài càng được củng cố và các thế lực phản dân chủ có cơ hội trỗi dậy ngay trong các quốc gia đã có nền dân chủ lâu đời.

Thủ đoạn chính trị trong xã hội hậu sự thật ngày nay

Trước hết, để hiểu hậu sự thật là gì, chúng ta có thể nhắc lại chuyện Trump tuyên bố Obama không sinh ra ở Mỹ . Mặc dù đã có chứng cứ xác minh là Trump vu khống nhưng cho đến nay, nhiều người hãy còn hoài nghi hay vẫn tin chắc là Trump nói đúng. Họ đã để cảm tính thương ghét chế ngự lý trí phán đoán và không cần quan tâm đến sự thật. Đây là trường hợp được gọi là hậu sự thật.

Thuật ngữ hậu sự thật thường gắn liền với cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ và cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ly khai khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit). Nó được hiểu là các dữ kiện khách quan (sự thật) ít có ý nghĩa bằng cảm xúc và niềm tin cá nhân trong việc định hình dư luận. Nó bật đèn xanh cho việc hợp thức hoá dối trá như công cụ chính trị. Và Trump đã thực hiện việc này. Ông ta khởi đầu sự nghiệp chính trị bằng dối trá, biết cách khai thác cảm xúc của nhóm cử tri bất mãn vì tình trạng nhân khẩu học hay thua thiệt kinh tế.

Cùng với những làn sóng thông tin dồn dập xuất hiện trên mạng trong thời đại tin học, Trump và Steve Bannon, cựu cố vấn của ông, đã áp dụng những thủ đoạn chính trị vô cùng hiểm hóc. Bên cạnh việc đả phá báo chí, gọi họ là kẻ thù của nhân dân, và đấu võ mồm với những người chỉ trích mình, Trump liên tục tung ra thật nhiều tin tức, không cần biết thật giả, hay cứ tuyên bố sai lệch nhằm đánh lạc hướng báo chí, làm rối loạn thông tin và phá vỡ khả năng phán đoán của quần chúng. Nhà lãnh đạo độc đoán này rất vui mừng khi tin tức trong ngày luôn thay đổi, khi báo chí chưa kịp kiểm chứng những gì vừa mới xảy ra hôm qua nhưng lại phải vội vã chạy theo các sự kiện tiếp theo. Và chỉ cần một câu trên Twitter, ông ta trở thành tâm điểm của dư luận trong và ngoài nước .

Khi tin tức tràn ngập ngoài mức kiểm soát thật giả, nó có thể dập tắt mối quan tâm và khả năng của người dân trong việc theo dõi và đánh giá thông tin. Từ đó, họ không hiểu được các biến cố chính trị thật sự diễn ra như thế nào. Rồi hoặc họ sẽ thờ ơ với chính trị hoặc có thể trở thành nạn nhân của sự dối trá. Phản ứng của họ không dựa vào các dữ kiện khách quan để phân định đúng sai mà thuần túy chỉ vì cảm tính. Họ chọn tin vào những gì họ muốn nghe hơn là sự thật. Cuối cùng là một xã hội với rất nhiều người tích cực đồng lõa với dối trá, thách thức các nguyên tắc cơ bản của sự thực, gạt bỏ chứng cứ và luận lý và rất dễ bị xách động. Vô tình họ đã mở đường cho quyền lực độc đoán.

Khó có thể tìm thấy động lực ý thức hệ phía sau những lời nói dối của Trump. Ông ta tấn công sự thật chỉ vì tham vọng quyền lực. Trump không có một hệ tư tưởng. Nhưng dù bị phát hiện đã dối trá hay đưa thông tin sai lệch, ông ta vẫn được nhiều người tin vì họ muốn nghe những gì họ thích, sai không thành vấn đề. Và ông ta cũng không buồn đính chính.

Trump hưởng lợi khi phá vỡ sự ổn định của nền dân chủ bằng cách làm người Mỹ không còn tin tưởng vào các thể chế dân chủ, triệt hạ uy tín báo chí, tấn công những người dẫn chứng sự thật, gây xung đột chính trị trong và ngoài nước, tiếp tục mạnh miệng nói dối và tung thông tin sai lệch vì biết rằng lời nói dối khó bị bác bỏ hoàn toàn một khi nó đủ lớn và được liên tục lặp lại. Cũng như Putin, ông ta biết rõ cơ cấu dân chủ phương Tây dễ bị tổn thương như thế nào. Nước Nga của Putin đã thao túng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 khi tung ra hàng loạt tin giả, gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Robert Mueller, công tố viên đặc biệt, đã xác định chuyện này trong bản báo cáo của mình.

Trump tái định nghĩa sự thật, gọi tất cả các dữ kiện khách quan là fake news, đơn giản chỉ vì chúng không vừa ý ông. Đây là chỉ dấu cuối cùng của sự độc đoán. Nó xác định vị trí quyền lực thực sự. Ông ta đã thành công trong việc chia dân tộc Mỹ thành ba nhóm : những người theo ông, phủ nhận sự thật ; những người chống ông, tôn trọng sự thật và những người chán ngán, không còn quan tâm đến chính trị. Hơn một triệu người Mỹ không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là ví dụ điển hình cho trường hợp sau cùng này.

Hậu sự thật là bước đầu của chế độ độc tài toàn trị kiểu mới

Hiện nay, chế độ độc tài toàn trị cổ điển khó có thể xuất hiện ở Hoa Kỳ hay Âu Châu nhưng tại vài quốc gia đã có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Ai cũng biết sự dối trá và thông tin sai lệch tác động đã đến nền chính trị Mỹ. Ở Âu Châu, đặc biệt tại các quốc gia Đông Âu và Nga, thông tin sai lệch được sử dụng để khích động quan điểm chống dân chủ. Tuyên truyền đặt nặng vào dối trá và cố ý phổ biến thông tin sai lệch. Ở Á Châu, Trung Quốc và Việt Nam là phù thủy trong lãnh vực này. Với mục đích phá vỡ niềm tin vào nền dân chủ Tây Phương, Putin dập tắt tiếng nói của truyền thông và các cuộc thảo luận dựa trên dữ kiện khách quan trong nước, đồng thời phổ biến thông tin sai lệch, châm ngòi hay gây thêm căng thẳng các biến động chính trị trên thế giới và tìm cách khai thác các yếu điểm của thể chế dân chủ để chống phá. Bằng cách này, ông ta cho người Nga thấy nền dân chủ Tây Phương "què quặt" như thế nào.

Cách đây không lâu, Internet được xem là kỷ nguyên của nền dân chủ theo đó tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe và loài người có thể vượt biên giới liên lạc với nhau. "Tôi đã xem thế giới web như một nền tảng mở, nơi mọi người, ở khắp mọi nơi, nên chia sẻ thông tin, tiếp cận được cơ hội và cùng cộng tácvượt qua ranh giới địa lý và văn hóa", Tim Berners-Lee (6).

Từ một ý tưởng dân chủ cởi mở, nó đã trở thành công cụ hoàn hảo cho các chính phủ hay chính trị gia lợi dụng phát tán thông tin sai lệch. Steve Bannon đã sớm biết chuyện này và bắt tay thực hiện trong chiến dịch vận động bầu cử cho Trump. Nga cũng dùng công nghệ hiện đại này của Mỹ để quậy phá Mỹ. Thế giới mà Aldous Huxley từng lo sợ, trong tác phẩm Brave New Word (7), nay đã hiện nguyên hình.

Hoàng Thủy Ngữ

18/09/2019

Phụ chú :

(1) On Tyranny : Twenty lessons from the Twentieth Century, Nhà xuất bản : Penguin Random House, 28/02/2017

(2) Excerpts from Mein Kampf

(3) The Washington Post

(4) Havel, Power of the Powerless, 1978

(5) https://history.hanover.edu/courses/excerpts/165havel.html

(6) Tim Berners-Lee (2017) Web Foundation https://webfoundation.org/2017/03/web-turns-28-letter/.

(7) Brave New World

Published in Diễn đàn
jeudi, 15 août 2019 22:29

Vui thú để đi vào chỗ chết

Neil Postman, giáo sư và là nhà nghiên cứu về truyền thông tại đại học New York, đã thu hút rất nhiều sự chú ý khi ông chỉ trích không ngừng vai trò của truyền hình. Ông tin rằng sức mạnh và ảnh hưởng của truyền hình là mối đe dọa lớn cho nền dân chủ. Theo ông, truyền hình đã định hình lại tất cả mọi cơ chế xã hội, do đó các sự kiện hay quyết định chính trị, kinh tế hoặc xã hội được trình bày ngắn gọn trên cơ sở giải trí thay vì tổ chức những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và sâu sắc. Nó đã biến mọi sự kiện thành chương trình giải trí. Theo thời gian, nhiều người cho rằng ông đã tiên đoán đúng : chúng ta vui thú để đi vào chỗ chết.

chet1

Trang bìa sách "Amusing Ourselves to Death"của Neil Postman - Ảnh minh họa

Năm 1985, ông cho xuất bản cuốn sách Amusing Ourselves to Death (Chúng ta vui thú để đi vào chỗ chết). Đây là một trong những khảo luận rất quan trọng về truyền thông và xã hội. Những gì Postman mô tả về truyền thông Mỹ vào thời gian đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là cơ sở giúp chúng ta có được cái nhìn tỉnh táo hơn về xã hội và bản thân mình trong sinh hoạt hàng ngày.

Truyền hình tác động đến nhận thức về thực tế của chúng ta như thế nào ? Nó là nguồn thông tin trung lập hay đã trở thành công cụ của hệ tư tưởng riêng ?

Đó là những câu hỏi Postman đã đặt từ năm 1985 nhưng lại rất phù hợp với thời đại này. Màn ảnh TV, máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại di động v.v... vừa là cửa sổ để chúng ta nhìn ra thế giới bên ngoài vừa là công cụ giải trí. Các công ty cung cấp dịch vụ internet, các đài phát thanh và truyền hình, bằng cách kết hợp sự kiện với giải trí, đã tạo cho chúng ta thói quen lệ thuộc, tiếp nhận thụ động và yêu thích kịch tính. Tin tức, chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, quảng cáo… tất cả phải đáp ứng nhu cầu giải trí. Giải trí là yếu tố để thành công và nắm giữ truyền thông sẽ có được quyền lực.

Trong cuốn sách Amusing Ourselves to Death, Postman có đề cập đến hai quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng : 1984 của George Orwell và Brave New World (Tân thế giới tuyệt vời) của Aldous Husley. Cả hai đều nói về xã hội nô lệ tăm tối nhưng hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau.

Quyển tiểu thuyết của Orwell thường được viện dẫn như lời khuyến cáo về những gì sắp xảy ra và được dùng như một ví dụ khi chính phủ giám sát công dân. Đây là câu chuyện về nhân vật chính Winston Smith và Julia, người yêu của ông. Smith làm việc trong Bộ Sự Thật. Ông có trách nhiệm kiểm duyệt, biên tập lại lịch sử theo chỉ thị của đảng, ông Anh Cả. Vì không chấp nhận sự giả dối và tàn bạo của Bộ Sự Thật, Winston và Julia chống lại đảng. Cả hai bị bắt và bị tra tấn. Winston phản bội Julia và tố giác người yêu. Julia bị phẫu thuật não còn Winston trở thành thân tàn ma dại với một nhân cách tàn lụi.

Điểm đặc biệt trong tác phẩm là nỗ lực phá vỡ ngôn ngữ của ông Anh Cả, theo nguyên lý không có gì là đúng và một từ có thể mang hai ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Những thuật ngữ vô nghĩa như "than sạch" hay "khí đốt tự nhiên" thường được một vài chính trị gia Mỹ (cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ) hay các đại diện vô liêm sỉ của những công ty năng lượng sử dụng là vài thí dụ. Chúng làm người ta liên tưởng đến những khẩu hiệu của ông Anh Cả : "chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, vô minh là sức mạnh". Ông Anh Cả không chỉ nói nước đôi, lắt léo kiểu lưỡi không xương mà còn thao túng, tha hóa, loại bỏ sắc thái và sự phong phú của ngôn ngữ. Giới hạn ngôn ngữ là giới hạn tư duy. Nhưng đó cũng chính là thâm ý của những kẻ mị dân độc tài.

Tuy vậy, theo Postman, tác phẩm của Aldous Huxley phù hợp với tình hình thế giới ngày nay hơn. Huxley mô tả một xã hội hưởng thụ hời hợt, nơi mọi người được giáo dục và khuyến khích yêu thích cuộc sống thoải mái. Trong Tân thế giới tuyệt vời, hai nhân vật chính Bernard và Lenina uống soma, một chất kích thích giúp họ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái, say sưa mà không gây phản ứng phụ. Nhưng Bernard hoài nghi và muốn biết cảm xúc thật sự, thể hiện sự tức giận và ghen tuông, những thứ không hề có trong thế giới tuyệt vời. Từ lúc nhỏ, tất cả mọi người đã được học tập yêu thích những gì họ được phép làm hay phải tôn kính. Họ được dạy phải ghê tởm văn học và nghệ thuật, những thứ sẽ tạo ra thắc mắc, phản kháng khi họ trưởng thành. Những kẻ hay "đặt lại vấn đề" hoặc không tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng trong xã hội hài hòa sẽ bị đày đến các hòn đảo xa xôi.

chet2

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Brave New World (Tân thế giới tuyệt vời) của Aldous Husley - Ảnh minh họa

Neil Postman đã khuyến cáo những hậu quả do sự phát triển công nghiệp gây ra và xã hội Mỹ là trường hợp điển hình. Theo Huxley, con người không cần một Anh Cả độc đoán nếu họ ngưỡng mộ một nền công nghệ làm thui chột khả năng suy nghĩ và khiến họ hài lòng sống chung với áp bức.

Cái Orwell lo sợ là sách báo bị cấm đoán. Cái Huxley lo sợ là chẳng cần cấm sách báo vì không còn ai muốn đọc. Orwell lo sợ quyền truy cập thông tin của chúng ta bị tước đoạt. Husley sợ thông tin tràn ngập nhiều đến mức chúng ta bị ngụp lặn trong biển thông tin, mất cái nhìn toàn diện và khả năng phán đoán, trở nên thụ động, chán nản rồi thờ ơ. Orwell sợ sự thật bị che giấu. Huxley sợ sự thật không còn giá trị và bị đánh tráo, đồng nghĩa với giả dối. Orwell sợ một nền văn hóa mất tự do, Huxley sợ một nền văn hóa tầm thường, chỉ trôi dạt theo cảm xúc, tràn ngập những thú vui sa đọa vô nhân tính.

Trong thế giới của "1984", mọi người bị khống chế bằng bạo lực. Trong Tân thế giới tuyệt vời, mọi người bị kiểm soát bằng việc thả lỏng, cho phép tha hồ hưởng thụ.

Không khó để nhận diện các dấu hiệu nguy hiểm trong thế giới của Orwell vì nó vốn đã hàm chứa sự giám sát, kiểm soát, cưỡng bách và bạo lực. Thế giới của Huxley nguy hiểm hơn nhiều vì tâm địa hiểm hóc khó dò của kẻ cầm quyền trong việc duy trì quyền lực bằng cách ru ngủ và định hướng quần chúng.

Từ 1984 đến Tân thế giới tuyệt vời, chúng ta thấy gì ở Việt Nam ?

Không khó để chỉ ra những gì nhà nước Việt Nam đã và đang làm đối với người dân trong nước. Đất nước này là phiên bản tổng hợp thực tế của cả hai cuốn tiểu thuyết nói trên. Từ viễn tưởng đã trở thành sự thật.

Sau biến cố ở Bãi Tư Chính, nhà cầm quyền cộng sản đã thực hiện thành công điều Aldous Huxley từng lo sợ : "Chiến thắng lớn nhất mà việc tuyên truyền đạt được không phải là cách khiến mọi người làm việc gì đó nhưng là cách khiến họ không làm gì cả" (1).

Thế hệ cha anh – những người còn quan tâm đến tương lai dân tộc - bất lực hay ngậm miệng ăn tiền. Vài tiếng nói phản kháng chỉ xuất hiện trong thế giới ảo dăm ba ngày rồi đi vào kho lưu trữ. Đa số đàn trẻ lớn lên chạy theo những cám dỗ vật chất, hòa nhập vào các trò chơi, chương trình giải trí mà chính quyền dọn sẵn trên TV. Rồi thể thao, showbiz, ca nhạc, thời trang, hội hè… ! Những cái bã soma dưới hình thức khác. Mọi thứ còn lại đã có Đảng và Nhà nước lo. Người Việt đang sống trong một thế giới tuyệt vời, sẵn lòng sống kiếp nô lệ tình nguyện, giao vận mệnh đất nước vào tay một thiểu số thống trị bằng dối trá và bạo lực.

Việc Trung Quốc thiết lập hệ thống tín dụng xã hội cho thấy sự thất bại hoàn toàn trong chính sách giáo dục. Việt Nam chắc chắn sẽ đi theo con đường đó, có thể với quy mô nhỏ hơn vì không đủ tài lực. Cái thòng lọng đang xiết dần vào cổ người Việt. Vui thú đi để đi vào chỗ chết !

Hoàng Thủy Ngữ

(15/08/2019)

---------------------

Published in Diễn đàn
mardi, 13 août 2019 00:05

Giám sát và sỉ nhục

Một hệ thống xếp hạng, gọi là "tín dụng xã hội", đang được thử nghiệm tại một số nơi ở Trung Quốc. Hệ thống, dựa trên xếp hạng tín dụng của Hoa Kỳ, nhưng mở rộng để đánh giá tất cả mọi hành vi đã khiến mọi người ở Hàng Châu và Sơn Đông thay đổi cách hành xử.

giamsat0

Một hệ thống xếp hạng, gọi là "tín dụng xã hội", đang được thử nghiệm tại một số nơi ở Trung Quốc.

Một cảnh tượng đã xảy ra trước mắt chúng tôi, gần lối vào bệnh viện Nhân Dân số 1 ở Hàng Châu, tỉnh Kiết Giang, phía Nam Thượng Hải. Một phụ nữ lớn tuổi đứng trên vỉa hè, cách đường xe chạy bằng một hàng rào nhỏ cao khoảng đầu gối. Dường như bà ấy đang đợi taxi. Trên đường có nhiều cái ụ để giảm vận tốc và một chiếc xe Đức đang lăn bánh cẩn thận. Đột nhiên, người phụ nữ nhảy qua hàng rào, nằm xoài lên ca-pô xe, trước khi bật dậy và ngồi bệt xuống đất, khoanh hai tay lại. Người tài xế trẻ tuổi bước vội ra khỏi xe, cuống cuồng đi đến chỗ bà ta ngồi. Trước sự có mặt cùng mối lo lắng của các y tá và một nhân viên cảnh sát tình cờ đi ngang qua, họ cãi nhau cả tiếng đồng hồ trước khi đi đến thỏa thuận một khoản bồi thường.

Kiểu tống tiền này, gọi là peng ci (đụng vào đồ sứ) phổ biến ở Trung Quốc nhiều đến mức trên các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những video trào phúng và thường đầy kịch tính. Người ta ngày càng căm giận những nỗ lực tống tiền này cùng những vụ bê bối về y tế, lừa đảo thực phẩm và hàng giả nhan nhản trên thị trường. Vì vậy, bất cứ biện pháp nào có thể quét sạch bọn lừa đảo đều được người Trung Quốc hoan nghênh. Nó giúp cho hệ thống giám sát, gọi là tín dụng xã hội, có thể dẫn nhập mà không gây ồn ào. Từ mùa hè năm ngoái, các từ "thanh liêm" (cheng) và "uy tín" (xin) cũng đã tô điểm các áp phích tuyên truyền của các cơ chế tư nhân và công quyền để đánh giá các cá nhân, quan chức, doanh nghiệp và các ngành nghề chuyên môn, với việc tưởng thưởng người tốt và trừng phạt kẻ xấu.

Xã hội orwellian ?

Nhà nghiên cứu Lin Junyue ở Bắc Kinh đã làm việc với một hệ thống như vậy từ năm 1999, khi ông là kỹ sư trưởng của một nhóm nhân viên do cựu thủ tướng Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) thành lập. Lin thuật lại "Các công ty Hoa Kỳ đã yêu cầu Chu làm ra các công cụ giúp họ có thêm thông tin về các công ty Trung Quốc để họ sẽ mua dịch vụ. Tôi và các đồng nghiệp sang Mỹ và Châu Âu nghiên cứu và đã nhanh chóng nhận thấy rằng chúng tôi phải tạo ra một thứ tốt hơn : một hệ thống vững chắc để chứng minh giá trị tín dụng của Trung Quốc và các công ty Trung Quốc. Bản báo cáo "Hướng tới một hệ thống quản lý tín dụng quốc gia" được đưa ra vào tháng Ba năm 2000, ngay trước các cuộc họp thường niên của Lưỡng Hội (Nhân Đại và Chính Hiệp). Thuật ngữ "tín dụng xã hội" xuất hiện vào năm 2002 theo đề xuất liên kết nó với thuật ngữ "an sinh xã hội".

Năm 2006, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – ngân hàng trung ương – quyết định áp dụng nguyên tắc ghi điểm tín dụng của Mỹ, theo đó thang điểm thường bắt đầu từ 300 (kém) lên đến 850 (rất tốt). Vì thế, Lin có thể tiếp tục công việc của mình : "Chúng tôi muốn khai thác tín dụng theo nghĩa rộng bằng cách thu thập dữ liệu lớn hơn nhiều, chẳng hạn từ Bộ An ninh nhà nước hoặc Bộ Viễn thông và Dữ liệu. Ủy ban Phát triển và Cải cách phê duyệt dự án vào năm 2012 và tìm ra các thành phố, nơi chúng tôi có thể thử nghiệm dự án".

Lin bác bỏ mọi so sánh việc làm này với bộ phim TV Orwellian Black Mirror, mô tả một xã hội bị hệ thống xếp hạng xã hội cai trị. Ông cũng phủ nhận chuyện xếp hạng tất cả người dân Trung Quốc trên toàn quốc : "Chúng tôi không làm việc đó mặc dù đã đi xa hơn tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng. Theo thời gian, mọi thông tin cá nhân và doanh nghiệp sẽ được thu thập. Nó ưu tiên cho những người đứng đắn hay các công ty không có tiền sử xấu về tài chính vay tiền, đấu thầu và tham gia nhiều thứ khác nữa".

Cây gậy và củ cà rốt

Hệ thống này hiện đang được thử nghiệm tại 43 thành phố cho đến năm 2020. Mỗi đô thị có tiêu chí riêng, hệ thống xếp hạng hay tính điểm riêng và tên riêng : tín dụng hoa mận ở Tô Châu, tín dụng hoa nhài ở Hạ Môn... Hầu như tất cả đều thu thập dữ liệu từ các phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng điện thoại cùng với hệ thống video giám sát ngày càng tân tiến. Đến năm 2020, mọi địa điểm công cộng lớn trong thành phố sẽ có camera nhận diện khuôn mặt thông qua hệ thống Skynet. Ở nông thôn, dự án "Đôi Mắt Sắc Bén" đã được thực hiện, nông dân có thể kết nối TV hoặc điện thoại của họ với camera giám sát ở lối vào làng.

"Cảm giác an toàn là món quà tốt nhất mà một quốc gia có thể dành cho người dân của mình", chủ tịch Tập Cận Bình nói trong một bộ phim tài liệu phát trên đài truyền hình Trung Quốc ngay trước Đại hội thứ 19 của Đảng cộng sản vào tháng Bảy 2017. Bộ phim cũng nói rằng 42% trong tổng số các camera giám sát trên thế giới được đặt tại Trung Quốc.

Lin Junyue hiện đang giám sát các thành phố thí điểm sử dụng các hệ thống tín dụng xã hội như thế nào. "Tại khu vực Suqian, vi phạm giao thông trở nên quan trọng trong việc đánh giá. Ở Vinh Thành (Rongcheng), người ta tập trung vào đạo đức và phép lịch sự trong khi Hàng Châu (Hangzhou) tìm cách tạo ra hình ảnh một thành phố sáng tạo. Nhóm của chúng tôi theo dõi sát, đồng thời làm việc để thiết lập quyền riêng tư, vì cần có khung pháp lý. Tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 290 cũng có ở đây nhưng nó che chở quá mức nên gây trở ngại cho nền kinh tế". Ông nói rằng "Vào năm 2020, các quy định sẽ được áp dụng và sẽ có các hình phạt và phần thưởng. Cơ sở hạ tầng sẽ hoàn tất và cả nước sẽ tham gia hệ thống. Hệ thống này sẽ mở đầu ở Bắc Kinh vào năm sau.

Những cá nhân đầy triển vọng

Từ năm 2015, thành phố Hàng Châu đã có hai hệ thống xếp hạng : một hệ thống thuộc về thành phố, còn trong giai đoạn thử nghiệm và những người chúng tôi nói chuyện ở đây không biết. Hệ thống thứ hai thuộc về tư nhân, phổ thông và được nhà cầm quyền ưa thích. Đó là Sesam Credit từ Ant Financial, chi nhánh tài chính của Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, đặt trụ sở chính tại Hàng Châu. Hệ thống xếp hạng tư nhân này cung cấp cho người tiêu dùng một ứng dụng thanh toán cực kỳ phổ biến với điểm số từ 350 đến 950 : Alipay. Người có điểm số cao nhất sẽ nhận được "đặc quyền" và được phép truy cập các sản phẩm sinh lợi cũng như dịch vụ cho vay Jie Bel của Alipay.

Z Space, do các kiến trúc sư ở Seatle thiết kế, là công trình địa ốc mới thứ hai của Ant Financial trong bốn năm. Hiện nay công ty "chỉ có" 3.600 nhân viên nhưng tòa nhà được thiết kế cho 8.000 người. Các nhân viên bảo vệ, mặc đồng phục như quân đội đi diễu hành, trông chừng đám nhân viên trẻ tuổi mặc quần short bermuda, tai đeo headphone Beat kiểu mới nhất, đến làm việc bằng xe đạp điện hay ô-tô thể thao. Alipay là một trong những viên ngọc quý của tập đoàn, với hơn 700 triệu người tích cực dùng trong tháng Chín, con số này tăng lên từ 500 triệu vào năm trước. Việc thanh toán được thực hiện thông qua mã QR và phổ biến đến mức ngay cả người ăn xin cũng quàng một mã QR trên cổ khi đi.

Khi bạn sử dụng Alipay, Ant Financial thu thập một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ, chẳng hạn như nơi bạn đi taxi, những gì bạn mua sắm tại cửa hàng, hóa đơn y tế và thậm chí ngay cả quà tặng. Tương tự như cách Facebook nhắm quảng cáo vào hoạt động của người dùng, Sesam Kredit được thiết lập dựa trên giao dịch mua hàng của Alipay". Với sự đồng ý của người dùng, Sesam thu thập và phân tích 5 loại dữ liệu từ Alipay và các dịch vụ liên quan. Chúng bao gồm các giao dịch mua hàng hóa, thanh toán khoản vay tín dụng, tài sản, hồ sơ người dùng (trình độ giáo dục và sinh hoạt giải trí) và chuyển tiền cho người dùng Alipay khác", phát ngôn viên của Alipay nói "Sesam không quan tâm đến dữ liệu GPS, tin nhắn hay lịch sử các cuộc gọi điện thoại của người dùng".

Tháng Hai năm 2015, Li Jingyun, giám đốc công nghệ của Sesam đã giải thích với tạp chí kinh doanh Trung Quốc Caixin về cách đánh giá được tính toán như thế nào : " Ví dụ một người chơi game 10 tiếng một ngày sẽ bị đánh giá là kẻ lười biếng và một người thường mua tã cho con được xem là bậc phụ huynh có ý thức trách nhiệm". Ngoài ra, không có thông tin nào khác về những gì thuật toán nắm bắt được.

Ant Financial không phải là tổ chức duy nhất quan tâm đến những người có điểm Sesam tốt. Các công ty và thậm chí các lãnh sự quán nước ngoài cũng cố gắng thu hút các cá nhân đầy triển vọng này, trong khi dịch vụ hẹn hò trực tuyến Baihe giới thiệu những người độc thân có điểm số tốt. Đối với các công dân có trên 650 điểm, những chuỗi khách sạn, nhà quản lý xe đạp thành phố và các công ty cho thuê xe hơi chỉ đòi số tiền đặt cọc thấp. Họ cũng được quyền truy cập dịch vụ cho thuê máy chụp ảnh, video và thiết bị máy tính. Với điểm số Sesam tốt, người ta có thể nộp đơn xin thị thực chiếu khán đi Singapore hay Canada.

Nâng cao tinh thần

Năm 2003, Thành phố Hàng Châu đã cấp "thẻ công dân" cho tất cả cư dân trên 16 tuổi. Thẻ từ hoạt động như thẻ y tế, thẻ vận chuyển, phương tiện thanh toán tiền phạt liên quan đến một số lỗi vi phạm giao thông nhất định và vào cửa các công viên thành phố miễn phí. Khi tung ra thẻ này, chính quyền cho biết mục tiêu là tạo ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ để xác định nhu cầu của cư dân. Từ tháng Sáu năm ngoái, chủ thẻ có thể sử dụng một ứng dụng điện thoại có cùng dịch vụ. Người dùng và tín dụng Sesam của họ được xác định qua hệ thống nhận diện khuôn mặt – một bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa Alibaba và chính quyền Hàng Châu. Trong mắt chính quyền, điểm số Sesam tốt cho thấy bạn là người tốt.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc, trong năm 2015, chỉ mới xếp hạng tín dụng được 1/4 dân số, nhưng từ lâu, đã cho Sesam và 7 công ty tài chính khác truy cập thông tin về tài khoản ngân hàng và thuế má của người dân. "Tháng 5 năm ngoái, ngân hàng trung ương đã đưa ra bảng xếp hạng tín dụng của riêng họ, được gọi là Baihang, với 8 công ty là cổ đông thiểu số", Lin Junyue nói.

Chúng tôi phải đi lên phía Bắc, đến thành phố cảng Vinh Thành (Rongcheng) thuộc tỉnh Sơn Đông, để tìm một xã hội tín dụng sinh hoạt hoàn toàn dưới sự điều hành của thành phố. Trong khi Hàng Châu xây dựng nhãn hiệu của mình xung quanh các công ty công nghệ và chủ yếu dựa vào tín dụng Sesam thì Vinh Thành nổi danh là thành phố tích cực quản lý xếp hạng công dân. "Thành phố tập trung vào việc nâng cao tinh thần cư dân và đưa ra nhiều khích lệ", Lin Junyue nói. Ở Vinh Thành, lòng nhiệt thành và niềm tin trộn lẫn với rất nhiều cái véo tai.

Hàng xóm xấc xược và những chiếc xe hạng sang

Vào buổi chiều, công viên bên ngoài tòa thị chính gần như vắng tanh. Một cặp vợ chồng già giải thích : "Mọi người vội về nhà để xem chương trình Cuộc sống của mọi người 360". Mỗi đêm, kênh truyền hình địa phương chiếu các hành vi mà các camera giám sát đã thu được trong ngày qua : quần lót treo trên hàng rào khu dân cư, một cái ghế bành cũ bỏ trên vỉa hè, tài xế không thắng xe nhường người đi bộ hoặc người không sử dụng lối đi dành cho người đi bộ. Biển số xe, khuôn mặt và đôi khi tên của những kẻ gây rối được hiển thị giữa lúc một nhân viên cảnh sát lạnh lùng dán mắt vào máy nhắc chữ, đọc những lời khuyến cáo.

Chào mừng bạn đến Vinh Thành, nơi nổi tiếng về câu cá, công nghiệp nhà lưu động và là nơi đàn thiên nga Mông Cổ đến trú đông. Một ngôi làng sau 6 năm đã trở thành thành phố và đã nuốt chửng tất cả các ngôi làng phụ cận trong vòng 20 cây số. Tín dụng xã hội được thực hiện ở Vinh Thành và gần như ở tất cả 919 ngôi làng trong khu vực hợp pháp của thành phố ngay từ năm 2013. Điều này đã làm hành vi của người dân thay đổi rõ ràng.

Cư dân bắt đầu từ 1000 điểm và xếp hạng A. Họ leo lên hạng A+ nếu được thêm điểm hay tụt xuống hạng B, C hoặc D nếu mất điểm. Chỉ cần mất một điểm, xuống còn 999, xếp hạng B, thì họ không thể vay tiền ngân hàng để mua nhà. Mọi người nhận đánh giá ở tòa thị chính, dưới dạng một chứng chỉ được đóng dấu cẩn thận.

Xả rác sẽ bị mất 3 điểm vì thế cả vỉa hè lẫn trong xe buýt sạch sẽ một cách đáng kinh ngạc. Ngay cả mảnh giấy hay cái lon trống cũng không thấy. Bạn không cần phải bị bắt quả tang rồi lãnh giấy phạt tại chỗ : các máy camera của Hekvision, một công ty camera giám sát hàng đầu thế giới mà nhà nước Trung Quôc là cổ đông chính, sẽ làm việc này. Băng qua đường không còn là "môn thể thao mạo hiểm". Tài xế dừng ngay xe khi thấy người đi bộ đến gần – điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Nếu không làm như vậy, họ sẽ bị phạt 50 nhân dân tệ và mất ít nhất 3 điểm trong tín dụng xã hội. Một khách qua đường nói : "Chuyện này đột ngột xảy ra vào mùa xuân năm 2017. Chỉ qua một đêm, mọi chiếc xe đều dừng lại nhường chúng tôi. Tôi không biết phải làm gì nữa !".

Nhiều khu vực trong thành phố cũng đưa ra các quy tắc trật tự mà cư dân đã ký kết. Ở Quingshan, chúng xuất hiện trên những tấm áp phích màu xanh. Trong số những mục ưu tiên đề ra gồm có : dẹp bỏ sách truyện và phim ảnh khiêu dâm, không được trồng rau trên đường phố, đi các nhà thờ không-đăng-ký, thô lỗ với hàng xóm, khoe khoang những chiếc xe sang trọng trong đám cưới hay đám tang. Nếu bạn vi phạm quy tắc, điểm số của bạn có nguy cơ bị giảm.

Con hàu và bình dầu

Tác động của tín dụng xã hội còn rõ ràng hơn nữa tại các ngôi làng nhỏ ngoài thành phố. Nhiều làng đã có quảng trường riêng chưng bày các áp thích đầy màu sắc, thông báo các mệnh lệnh và treo hình những công dân xuất sắc trong tháng qua.

Mỗi đêm, đài truyền hình địa phương chiếu lại các hành vi xấu do máy camera giám sát thu được.

Ngày 10 tháng Bảy năm ngoái, tại Dongdao Lu Jia, một ngôi làng ấm cúng với những con đường nhỏ mới trải nhựa, dân cư trong làng nhận được một tập tài liệu 12 trang nói về hệ thống xếp hạng với nội dung như sau : 

Cắt tỉa cây trái giúp hàng xóm được 1 điểm, theo người già đến bệnh viện hay đi chợ được 1 điểm (tối đa hai lần trong một tháng), giúp xe hơi thoát khỏi mương nước 1 điểm, đọc đồng hồ nước 1 điểm, cho mượn dụng cụ 1/2 điểm.

Thả gà chạy rong bị phạt 200 nhân dân tệ và bị trừ 10 điểm. Đánh nhau bị phạt 1000 nhân dân tệ và bị trừ 10 điểm. Ném rác xuống sông bị phạt 500 nhân dân tệ và mất 5 điểm, vẽ hay dán hình chỉ trích chính phủ bị phạt 1500 nhân dân tệ và mất 15 điểm. Những người đi biểu tình chống chính quyền cấp cao hơn mà không thông qua lãnh đạo làng sẽ bị phạt 41.000 nhân dân tệ và tự động bị hạ xuống hạng B.

Sỉ nhục công khai

"Trước đây, làng trả tiền cho người quét dọn nhưng họ làm không tốt. Bây giờ chúng tôi tự làm, vừa được điểm lại vừa tiết kiệm", ông Liu Jian Yi nói. Người nông dân này đã đi nhiều nơi trong nước, nay quay trở về định cư trong ngôi nhà gạch màu xám nơi ông sinh ra. "Tôi vừa sửa cái ống khói cho nhà hàng xóm. Nếu tôi báo cáo lên lãnh đạo đảng và người hàng xóm xác nhận bằng hình ảnh, tôi sẽ được một điểm. Xếp hạng của chúng tôi sẽ được công bố trên trang WeChat vào cuối tháng, nhưng tôi không có điện thoại thông minh".

Ông cho biết những người có xếp hạng cao sẽ nhận được giỏ hàu và can dầu dành cho dịp Tết của Trung Quốc". Một hôm người hàng xóm nói với tôi là trưởng làng tập hợp một nhóm người già đi lên thành phố để xây một cái xưởng cho người khuyết tật. Không ai có bằng cấp hay khả năng để làm việc này. Nhưng rồi mọi chuyện cũng xong - với một chút hối lộ. Và chính anh ta là người cho chúng tôi điểm !".

Ximu Jia, ngôi làng lân cận có 250 cư dân. Trên nóc bê tông của căn nhà nhỏ ở đầu làng có một cây thánh giá lớn. Đó là nhà thờ Tin Lành, một tuần mở cửa hai lần cho 20 tín đồ vào cầu nguyện.

Một người đàn bà mở cửa bước ra. Trên cánh cửa có tấm biển nhỏ với hàng chữ : "Gia đình tín dụng xã hội gương mẫu". Hàng xóm cũng có những tấm biển giống như vậy. Bà Mu kể : "Ba năm trước, không biết vì nguyên nhân nào, chính quyền thưởng cho phía Đông làng mấy tấm biển này, rồi phía Tây làng được thưởng vào năm sau. Họ làm theo chỉ tiêu. Năm nay, chuyện này nghiêm trọng hơn. Tất cả bà con chúng tôi nhận được tập tài liệu hướng dẫn những gì có thể hay không có thể làm. Việc này giống như đi học lại vậy. Trong tập tài liệu có kèm thông tin liên lạc của những người có trách nhiệm đánh giá để chúng tôi báo cáo những việc làm tốt và đòi thêm điểm".

Mu không có tên trong danh sách bình bầu những người samaritan tốt bụng trong tháng được treo trong sân đình làng, nơi người ta tụ tập chơi cờ từ buổi sáng chỉ vì vài đồng nhân dân tệ". Tôi chưa kịp gọi điện thoại cho họ để báo là tôi đã giúp hàng xóm thoát khỏi tình trạng khó khăn". Bà hạ giọng nói nhỏ : "Chồng một người bạn gái của tôi mượn nợ nhưng không thanh toán được số tiền trả góp hàng tháng nên bị ghi vào sổ đen. Ai cũng biết chuyện này. Sau đó họ phải chia tay".

Mu đóng cửa lại. Danh sách bà ta nói đến có lẽ là danh sách những người "sai phạm tài chính" mà nhà nước Trung Quốc cập nhật hàng tháng trên Creditchina.gov.cn. Không ai biết rõ tổng số công ty và những người nằm trong danh sách đen là bao nhiêu vì chỉ có danh sách mới nhất được hiển thị. Trong tháng Chín, 228 000 cá nhân và 55 000 công ty vỡ nợ, thiếu thuế hay không trả tiền phạt.

Họ bị sỉ nhục công khai trên Weibo : doanh nghiệp không thể tham dự đấu thầu, cá nhân không được phép đặt phòng khách sạn, gửi con học tại các trường tốt vào buổi tối, đi máy bay hay tàu cao tốc trong một năm. Thanh toán trả hết nợ để được xóa tên khỏi danh sách là điều quá sức. Có những nơi, như tại làng Teng Jia ở vùng Sơn Đông, tên người mất điểm bị đọc trên loa phóng thanh vào mỗi tối thứ Sáu. Việc này khiến người dân phải đi sang làng bên cạnh để giải quyết những tranh chấp hay uống rượu thoải mái, tránh sự dòm ngó của hội đồng thẩm định, nay đã trở thành cảnh sát đạo đức. 

Cơn ác mộng

Jeremy Daum, nhà nghiên cứu tại đại học Yale và là chuyên gia về luật pháp Trung Quốc, cố gắng thu thập và dịch tất cả các quy tắc tín dụng xã hội ở Trung Quốc trên trang blog China Law Translate. "Khi đến một nhà hàng, bạn có thể tìm hiểu trước đánh giá vệ sinh của Cơ quan thực phẩm về nhà hàng như thế nào. Bạn không cần biết người đầu bếp đã chở bà nội của anh ta đến chợ bốn lần hay đã đi lậu xe lửa. Các ngân hàng cũng không cần biết bạn có phân loại rác hay không khi xét đơn bạn xin vay tiền. Daum mỉa mai : "Có thể đến một ngày nào đó, một phân tích dữ liệu cho thấy việc đi tàu lén lút trở thành vi phạm quy tắc vệ sinh, hoặc những người không quan tâm đến việc tái chế trở thành người trả tiền không đúng hẹn, nhưng lúc đó, một điểm số chung không có ý nghĩa nhiều đối với chính quyền. Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất của hệ thống là danh sách đen và sự sỉ nhục công khai".

Đã có danh sách cụ thể liệt kê những đối tượng tốt hay xấu trong các công ty xuất nhập khẩu, trong ngành xây dựng, vận tải đường sắt và hàng không, cơ quan thống kê, dịch vụ pháp lý, tổ chức sự kiện, kế hoạch đám cưới, tiếp thị, bảo hiểm y tế và sở hữu trí tuệ. Nhưng đối với người Trung Quốc bình thường, những hệ thống mơ hồ này có thể biến tín dụng xã hội thành cơn ác mộng.

René Rafael & Ling Xi

Ngun tác : Overvåkning og YdmykelseFeb. 2019, Le Monde Diplomatique, 02/2019

Hoàng Thủy Ngữ dịch

(13/08/2019)

Published in Diễn đàn

Trong nỗ lực uốn nắn chế độ Iran theo ý mình, về cơ bản, chính quyền Trump đã làm suy yếu một trong những nguồn lực và ảnh hưởng toàn cầu chính của Mỹ. Với việc Hoa Kỳ không còn được tin tưởng trong việc giám sát dòng tài chính toàn cầu, các mạng lưới liên kết mới đang xuất hiện để giúp các quốc gia thay thế đồng đô la.

post1

Hoa Kỳ đang nắm giữ tiền tệ dự trữ chính yếu của thế giới và tận hưởng vai trò trung tâm trong các mạng tài chính toàn cầu. Nhưng nó đang sử dụng vị thế đó để theo đuổi các mục đích trong chính sách đối ngoại. Việc làm này có khả năng làm suy yếu vai trò trung tâm và sức mạnh đòn bẩy của Mỹ trong dài hạn.

Trên thế giới ngày nay, việc truy cập vào các mạng toàn cầu là nguồn lực quan trọng, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau cũng có thể tạo ra những lỗ hổng nguy hiểm. Quyền lực đến từ trung tâm, là cái trục chính nối kết với tất cả (hoặc hầu hết) các mạng khác. Bị đe dọa từ chối truy cập vào các trung tâm như vậy có thể là một hình phạt nặng nề đối với các tác nhân xấu. Nhưng, nếu quyền lực đó bị lạm dụng – nếu quan hệ phụ thuộc bất đối xứng và bị đe dọa bẳng vũ khí – thì những người tham gia một mạng kết nối có thể quyết định tạo ra các mạng thay thế của riêng họ.

Đó là sự rủi ro Hoa Kỳ hiện đang đối mặt. Quốc gia này nắm giữ tiền tệ dự trữ chính yếu của thế giới và tận hưởng vai trò trung tâm trong các mạng tài chính toàn cầu. Nhưng nó đang sử dụng vị thế đó để theo đuổi các mục đích trong chính sách đối ngoại. Việc làm này có khả năng làm suy yếu vai trò trung tâm và sức mạnh đòn bẩy của Mỹ trong dài hạn.

Ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng đang gia tăng với Iran, bắt đầu vào tháng 5 năm 2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tên gọi chính thức là Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA). Tồi tệ hơn nữa, Mỹ đã áp đặt quyết định của mình lên các bên ký kết khác – Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Liên minh Châu Âu – bằng cách đe dọa trừng phạt thứ cấp đối với các bên thứ ba tôn trọng JCPOA.

Trên lý thuyết, các bên còn lại tham gia JCPOA lẽ ra vẫn có thể tiếp tục làm ăn với Iran. Nhưng Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận hợp tác với EU, nguyên thủy được soạn ra cho cuộc chiến chống al-Qaeda, nên có thể thực thi các biện pháp trừng phạt thứ cấp, thông qua Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - SWIFT) có trụ sở tại Bỉ.

Dưới áp lực của Mỹ, SWIFT đã phải ngăn chặn các ngân hàng Iran tham gia hệ thống thanh toán toàn cầu mà họ có quyền giám sát, loại Iran ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu một cách hiệu quả và hạn chế khả năng tiến hành kinh doanh của Iran ngay với các quốc gia không thừa nhận lệnh trừng phạt.

Giống như nhiều công ty Châu Âu, SWIFT hiện diện hợp pháp và có một trung tâm dữ liệu tại Hoa Kỳ. Nếu không tuân thủ lệnh trừng phạt, công ty có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt đáng kể, mất thị thực Hoa Kỳ cho nhân viên của mình hoặc bị từ chối tiếp cận với đô la Mỹ.

Pháp, Đức và Vương quốc Anh sau đó đã công bố kế hoạch làm ra một phương tiện có mục đích đặc biệt mang tên Instrument in Support of Trade Exchanges (INSTEX) để kết nối xuất khẩu và nhập khẩu, cho phép hàng hóa lưu thông giữa Châu Âu và Iran mà không cần dòng tiền song phương trực tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch của INSTEX chỉ giới hạn vào các mặt hàng nhân đạo vốn không chịu sự trừng phạt của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã đóng băng hiệu quả việc tham gia trong thỏa thuận.

Nhưng cho dù Hoa Kỳ có thành công trong việc uốn nắn Iran theo ý mình muốn hay không – một kết quả hiện nay có vẻ rất khó xảy ra – chính quyền Trump đã tạo động cơ cho các nước khác tìm cách vượt qua toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ.

Đáp trả lại các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, sau khi can thiệp vào Ukraine năm 2014, Nga đã giảm bớt các lỗ hổng nguy hiểm ở bên ngoài. Đây là thị trường quan trọng mới nổi duy nhất có thặng dư tài chính và tài khoản vãng lai, nợ chính phủ thấp và dự trữ cao. Nó không còn lo sợ mất quyền truy cập vào thị trường tài trợ toàn cầu. Nga cũng củng cố mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Hai nước gần đây đã công bố một hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới để giải quyết thương mại song phương bằng đồng Nhân dân tệ và Rúp, với các giao dịch ban đầu được lên kế hoạch cho năm nay. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia.

Trong khi đó, Ấn Độ và Nhật Bản đã có hệ thống thanh toán nội bộ độc lập và Nga đã đưa ra hệ thống thanh toán thẻ để phá vỡ các mạng lưới tín dụng có trụ sở tại Hoa Kỳ. Tương tự, tại Trung Quốc, các ứng dụng thanh toán di động như Alipay của Alibaba và Tencent của WeChat Pay cho phép người tiêu dùng từ bỏ hoàn toàn thẻ tín dụng, thanh toán trực tiếp bằng điện thoại thông minh của họ. Không bị tụt hậu, Facebook tuyên bố đã tạo ra một loại tiền điện tử mới, có lẽ sẵn sàng dành cho tất cả người dùng của mình, vốn sống ở ngoài Hoa Kỳ nhiều hơn trong nước Mỹ.

Những động thái như vậy từ các đối thủ của Mỹ có thể dự đoán được, nhưng ngay cả Châu Âu cũng đang tìm giải pháp thay thế. Một số quốc gia Châu Âu duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga, và một số nước đã đăng ký tham gia "Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường "của Trung Quốc. Liên kết với hệ thống thanh toán Nga-Trung có thể là cách tự vệ tốt nhất trước việc Hoa Kỳ nỗ lực xử phạt các dự án rất quan trọng đối với lợi ích của Châu Âu, chẵng hạn như đường ống dẫn khí Nord Stream 2 giữa Nga và Đức.

Hơn nữa, EU đã trở nên quyết đoán hơn trong việc tuyên bố chủ quyền kinh tế của mình, và đã mời các đối tác khác trong JCPOA tham gia INSTEX. Quan điểm chính thức của EU từ lâu là không khuyến khích hay ngăn cản vai trò quốc tế đối với đồng euro. Nhưng Ủy ban Châu Âu gần đây đã phác thảo các đề xuất mở rộng việc sử dụng đồng euro trong khối cư dân ngoài EU, bao gồm cả trao đổi thương mại trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm và hàng không vũ trụ. Mong muốn giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính Mỹ của Châu Âu có thể tạo động lực cho việc hội nhập tài chính và tiền tệ sâu sắc hơn, đặc biệt là đến năm 2020, khi các nhà lãnh đạo mới của EU nhậm chức và Brexit của Anh hoàn tất.

Như Barry Eichengreen tại Đại học Berkeley ở California đã chỉ ra, việc tái cân bằng quyền lực bên trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể xuất phát từ thảm họa lịch sử, như chiến tranh thế giới, hoặc từ những thay đổi thể chế. Việc thành lập Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã chuyển trung tâm tài chính toàn cầu từ Anh sang Mỹ là một ví dụ.

Lần này, người chơi chính trong hệ thống đang lạm dụng vị trí của mình, theo những cách khiến những người khác – gồm cả các đồng minh của chính mình – phát triển các mạng thay thế. Trong một thế giới kết nối, nơi sức mạnh kinh tế buộc phải phụ thuộc vào các mạng lưới kết nối cụ thể, thì bản thân các kết nối là nguồn tài nguyên quý giá. Nhưng chúng không phải là những tài nguyên thiên nhiên ; chúng phải được xây dựng và duy trì thông qua việc quản lý có trách nhiệm. Chính quyền Trump không nên coi các kết nối tài chính luôn dành cho Mỹ và luôn phục vụ ý muốn của Hoa kỳ.

Anne-Marie Slaughter, Elina Ribakoval

Nguyên tác : Post American Networks, Project Syndicate, 22/07/2019

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

(10/08/2019)

Published in Diễn đàn

Chủ nhật 14/07/2019 Trump tung ra trên Tweeter con bài chủ về chủng tộc khi ông yêu cầu bốn dân biểu dân chủ ở Quốc hội quay trở về quốc gia gốc của họ, những nơi hoàn toàn bị phá hủy  và nhiễm đầy tội phạm” (…the totally broken and crime infested places from which they came) mà không cần biết cả bốn đều là công dân Hoa Kỳ và ba người sinh ở Mỹ.

Résultat de recherche d'images pour "Melania trump slovenia"

Melanie Trump và quê hương sinh trưởng cũ Slovenia

Trump không nêu tên nhưng ai cũng biết ông muốn ám chỉ đến các nữ dân biểu dân chủ như Alexandria Ocasio- Cortez, Ilhan Omar, Rashida TIaib và Ayanna Pressley. Trong số những người này, chỉ có Omar sinh ở Somalia. TIaib thuộc thế hệ di dân thứ hai và sinh ở Mỹ trong khi Pressley là người da đen và bố mẹ của Cocasio-Cortez đến từ Puerto Rico, vùng đất suốt 120 nămđược coi là một phần của nước Mỹ và mọi người dân ở đó đều có quốc tịch Mỹ.

Nancy Pelosi, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ Viện nói rằng Trump muốn “làm nước Mỹ trắng trở lại” và Kalama Harris, một trong các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ viết trên tweeter : “Chúng ta hãy gọi cuộc tấn công phân biệt chủng tộc của tổng thống là phản giá trị Mỹ”.

Các nghị sĩ dân chủ ôn hòa khác cũng chỉ trích những phát biểu có tính cách kỳ thị và gây chia rẽ trầm trọng.

Beto O’Rourke, ứng cử viên tổng thống lên tiếng : “Đây là kỳ thị chủng tộc. Những nữ dân biểu quốc hội này cũng giống như ông và họ đại diện cho các giá trị của chúng ta tốt hơn những gì ông từng làm”, Beto O’Rourke, ứng cử viên tổng thống nói.

Ocasio- Cortez cho rằng Trump “không thể tưởng tượng nổi một nước Mỹ bao gồm cả chúng ta” và nhấn mạnh : “tôi đến từ một đất nước, nơi mọi người đều thề trung thành với, là USA”.

Từ lâu Trump  vẫn có những câu tuyên bố kỳ thị chủng tộc. Khi bắt đầu cuộc tranh cử năm 2015, ông gọi dân Mễ là bọn hiếp dâm và tội phạm (trong thực tế, tỷ lệ phạm pháp của người Mỹ trắng cao hơn nhiều). Năm 2017, sau biến cố ở Charlotteville, nơi một thành viên tân phát xít đã lái xe đâm vào đoàn người biểu tình không cùng quan điểm, gây thương tích cho nhiều người và cán chết một người, Trump cho rằng “đó là những người tốt ở cả hai phía”. Ông luôn gọi việc nhập cư vào Mỹ là cuộc tấn công vào đất nước này. Năm 2017 ông hỏi tại sao Hoa Kỳ lại nhận nhiều dân nhập cư đến từ các nước “shithole” ở Châu Phi và bắt đầu cuộc tranh cử tổng thống bằng cáo buộc ngụy tạo là Obama không sinh ở Mỹ.

Có lẽ lần này các sắc tộc thiểu số ở Mỹ phải cảm ơn Trump. Cái tuýt của Trump là lời nhắc nhở để họ suy ngẫm lại chỗ đứng của mình trong xã hội Mỹ. Trong mắt Trump và những người dân túy, họ chỉ là công dân hạng hai vì không phải là “real American”, chủng tộc da trắng thượng đẳng, mặc dù đã góp phần xây dựng sự phú cường cho nước Mỹ. Cho đến ngày nào còn gọi dạ bảo vâng, họ sẽ được yên, tiếp tục kiếp sống ăn nhờ ở tạm. Vàng, đỏ, đen với cái hộ chiếu Mỹ chưa đủ để được gọi là thuần Mỹ. Đây là cái đích Trump muốn nhắm tới.

Giấc mơ Mỹ không chỉ để được giàu có nhưng chính là giá trị Mỹ. Giá trị này được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và bài diễn văn Gettysburg của tổng thống Abraham Lincoln cùng những điều ghi trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà Trump là người đang đập phá. Trong một cuộc phỏng vấn, cựu cố vấn của Trump và cũng là người thành lập trang mạng Breitbart, Steve Bannon, nói về chiến lược của mình : “Bọn dân chủ không nghĩa lý gì cả. Truyền thông mới là bọn chống đối thật sự. Cách đối phó hay nhất là cho chúng ngụp lặn trong đống cứt” (Michael Lewis : Has anyone seen the president).  Và lần này là đống cứt rất nặng ký vì nó công khai tấn công một thể chế dân chủ và giá trị Mỹ.  

Một đề nghị : hãy gửi Melania Trump về Slovenia trước !

God Bless America !

Hoàng Thủy Ngữ

16/07/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2