Ông Nguyễn Văn Đua. Ảnh : Trường Nguyên
Vi phạm của ông Đua, ông Việt đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách
Tại kỳ họp thứ 43, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và một số tổ chức, cá nhân liên quan đến các vi phạm đã được kết luận tại Kỳ họp 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong đó, ngoài việc đề nghị xem xét kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân, kỷ luật khiển trách với nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Hồng... Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định : Vi phạm của ông Nguyễn Văn Đua , nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, song đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Liên quan đến thông tin này, nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn, chưa hiểu việc hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng với ông Đua và ông Việt được quy định cụ thể như thế nào ?
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, việc xem xét thời hiệu xử lý kỷ luật đối với ông Đua và ông Việt được thực hiện theo quy định số 102 ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm.
Theo đó, tại Khoản 1, Điều 3 quy định : "Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật".
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1 nêu rõ, thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng được quy định như sau :
- 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
- 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Bà Ngà nêu rõ, Đảng viên vi phạm ở bất cứ thời điểm nào đều phải được tổ chức Đảng có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ, kết luận và biểu quyết hình thức kỷ luật cụ thể.
Sau đó căn cứ vào kết quả biểu quyết và đối chiếu với quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật để quyết định thi hành hoặc không thi hành kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm.
Đối chiếu với trường hợp của ông Đua và ông Việt có vi phạm cách thời điểm xem xét kỷ luật trên 5 năm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau khi xem xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, biểu quyết quyết định kỷ luật với kết quả là khiển trách.
Đối chiếu với quy định về thời hiệu kỷ luật thì tại thời điểm quyết định kỷ luật đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên Đảng viên đó không bị thi hành kỷ luật về Đảng. Tuy không kỷ luật nhưng vẫn chỉ rõ vi phạm, yêu cầu Đảng viên phải nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.
Thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng được tính từ khi nào ?
Còn tại văn bản 04 năm 2018 hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102 về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành cũng nêu rõ : Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 Quy định 102 nêu : "Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm a Khoản này, Đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới".
Ví dụ, Đảng viên có vi phạm vào ngày 2/5/2015 và còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật, đến ngày 8/9/2017 lại có vi phạm mới, thì thời hiệu đối với vi phạm cũ được tính lại từ ngày 8/9/2017. Tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm đến thời điểm tổ chức Đảng có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật Đảng viên ; trường hợp vi phạm xảy ra liên tục kéo dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Ví dụ, Đảng viên có hành vi vi phạm liên tục kéo dài trong thời gian 3 năm (từ ngày 8/3/2013 đến ngày 8/3/2016), đến nay mới bị phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian đó, thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi phạm ngày 8/3/2016 đến khi tổ chức Đảng có thẩm quyền quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật.
Không tính lại thời hiệu đối với Đảng viên đã bị thi hành kỷ luật nhưng sau đó tổ chức Đảng cấp trên quyết định lại (chuẩn y, tăng hoặc giảm) hình thức kỷ luật đối với Đảng viên đó.
Ví dụ, Đảng viên bị kỷ luật khiển trách, Đảng viên đó khiếu nại lên các tổ chức đảng cấp trên ; tổ chức Đảng giải quyết khiếu nại cuối cùng quyết định chuẩn y hình thức kỷ luật khiển trách đối với Đảng viên đó (thời gian từ khi có hành vi vi phạm đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là trên 5 năm), vì không tính lại thời hiệu nên đảng viên đó vẫn phải chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức Đảng cấp trên.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 42, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội.
Các ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố, ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của Ban cán sự đảng UBND Thành phố và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Hoàng Đan
*******************
Đuổi viên chức, cảnh sát vòi tiền người vi phạm được hay không, ai xử ?
Thanh Trúc, RFA, 04/03/2020
Qui định đuổi việc công chức, viên chức nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng, có hành vi lợi dụng chức quyền để sách nhiễu, đòi, nhận tiền hay tài sản hối lộ từ người vi phạm, sẽ đi vào hiệu lực ngày 31/3/2020.
Hình minh họa - cảnh sát giao thông có hành vi nhận tiền hối lộ sẽ bị đuổi việc - Courtesy of luatvn
Mức độ khả thi và hiệu quả nhằm chống tham nhũng vặt của biện pháp này đến đâu ?
Sai phạm của người đứng ra xử lý vi phạm hành chính hay vi phạm giao thông, dẫn đến mức bị đuổi việc, được ghi rõ trong Điều 28 và Điều 29 của Nghị Định Chính Phủ số 19/2020. Nghị định này sẽ có hiệu lực ngày 31/3 tới đây :
Xưa nay Luật hình sự của Việt Nam đã có qui định về tội tham nhũng rồi, là giải thích của luật gia Hoàng Việt :
"Qui định này nằm ở mặt chính trị, nó làm rõ thêm công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng thôi. Thực ra ở Việt Nam thì khó lắm, Luật qui định như vậy nhưng mà ai diễn giải Luật ? Diễn giải như thế nào ? Nếu như ở Hoa Kỳ chẳng hạn thì câu chuyện diễn ra ở tòa án thì nó lại khác. Còn ở Việt Nam, cái này có thể tìm trên báo, một ông thiếu tướng công an phụ trách giao thông mà bảo là cảnh sát giao thông đâu có tham nhũng, nhận của người ta dăm ba chục thì đâu thể gọi là tham nhũng, ông trả lời trên báo đàng hoàng thế.
Thực ra vấn đề khó khăn của Việt Nam là thực sự không có một động lực về tư pháp hoàn toàn. Ở Việt Nam thì cơ quan công an rất mạnh, làm sao để công an khởi tố là một chuyện khó khăn, việc diễn giải luật nằm trong tay cơ quan hành pháp. Trong Luật Việt Nam phòng chống tham nhũng cũng đều có hết nhưng quan trọng nhất là thi hành luật như thế nào, ai có quyền sử dụng và diễn giải luật đó cũng như thi hành cho nó tử tế. Và trong cuộc sống gọi là tham nhũng quá nhiều thì người dân họ quen họ chấp nhận đấy là một phần trong cuộc sống. Đấy là cái yếu của Việt Nam".
Về câu hỏi liệu có khả thi với qui định đuổi việc công chức hành chính mà nhũng nhiễu, vòi tiền, nhận tiền người vi phạm, hoặc cảnh sát giao thông khảo tiền người đi đường, thạc sĩ luật Hoàng Việt trả lời rằng đừng quên là theo luật thì người vi phạm mà đút lót hay đòi chia đôi tiền phạt cho qua cũng chính là đang phạm luật :
"Ngay cả những quốc gia có thể chế dân chủ khá tốt như Philippines thì lực lượng cảnh sát giao thông Philippines cũng nổi tiếng là tham nhũng. Nhưng mà như Đài Loan chẳng hạn thì lực lượng cảnh sát tương đối tốt hơn.
Vậy thì cũng không phụ thuộc vào cái việc thể chế hay không mà quan trọng là có giữ được một hệ thống pháp luật nghiêm minh hay không. Và khi người cảnh sát có lương đủ sống và nếu vi phạm thì anh phải trả giá rất lớn thì chắc chắn cảnh sát đó không dại gì mà vi phạm. Nếu cảnh sát không làm khó dân thìchắc chắn người dân chả dại gì mà vi phạm. Chỉ có điều cơ quan chấp pháp ở Việt Nam và hệ thống pháp luật rất yếu, cho nên người ta phải đi tìm cách khác, hệ thống khác…".
Chuyện công chức, viên chức hay cảnh sát giao thông mà nhũng nhiễu, vòi tiền người vi phạm được ghi nhận xảy ra hằng ngày ở Việt Nam.
Theo blogger Lã Việt Dũng, có 2 khía cạnh của một vấn đề, đầu tiên là từ cán bộ và công nhân viên chức, và thứ hai là phía người dân. Hối lộ và đưa tiền đút lót là chuyện thường ngày ở huyện, anh nói tiếp, thành thử người dân chọn cách thôi thì hối lộ một chút để khỏi lằng nhằng. Đó là bất cập của Việt Nam hiện nay.
"Không hối lộ thì bị làm khó dễ, góc độ đó vô hình chung tạo khó khăn cho người dân, không hối lộ thì bị phiền toái rất nhiều".
Đối với quyết định có hiệu lực trong tháng Ba này như báo chí trong nước loan tin, người quan tâm mà nhất là cộng đồng mạng, không chỉ tỏ ra hoài nghi mà còn kháo nhau hay nhắc lại với nhau về những tai tiếng đã qua mà chừng như sự ngăn chận hay xử lý về phía các cơ quan công quyền không mấy hiệu quả.
Thí dụ một trong những vụ đưa và nhận tiền được cho là quá lộ liễu hồi tháng 3/2018, qua một video clip lan truyền trên mạng, thu được trên một tuyến đường liên tỉnh giữa thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây, cho thấy một người vi phạm giao thông đã rút trong ví ra các tờ giấy có hình thù, màu sắc giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 hay 200.000 đồng. Chính người vi phạm này đã trực tiếp nhét những tờ tiền đó vào tập hồ sơ của cảnh sát giao thông chận xe ông ta lại.
Video còn cho thấy cảnh sát giao thông trong clip đứng yên cho người vi phạm nhét những tờ tiền vào tập hồ sơ của mình, sau đó dùng tay rút các tờ tiền ra khỏi tập hồ sơ rồi mang cất đi.
Vụ việc quá rõ như vậy khiến 26 cán bộ tỉnh thành từ cấp chỉ huy trở xuống trong lực lượng Cảnh sát giao thông bị đình chỉ công tác để điều tra.
Trả lời qua ứng dụng Messenger, ông Đức, một cư dân Sài Gòn, kể rằng công an ngoài đường khó mà lấy được tiền của ông vì ông không bao giờ vi phạm, nhưng rồi vẫn bị họ moi tiền bằng cách :
"Tôi bị rồi, ban đêm tôi đi về, đường vắng nó ngoắc vô. Tôi hỏi có vấn đề gì không, nó nói ‘xin tiền uống cà phê thôi’. Tôi móc 50 ngàn hoặc 100 ngàn cho nó. Mở miệng xin tiền uống cà phê tôi sẵn sàng cho !".
Trao đổi về chuyện này, một độc giả giấu tên viết cho RFA như sau :
"Có lẽ chưa ở một quốc gia nào có chuyện Cảnh sát giao thông nhận và vòi tiền mãi lộ trắng trợn như ở Việt Nam, cũng có lẽ chưa ở đâu mà người ta coi chuyện Cảnh sát giao thông lấy tiền và không đưa biên lai phạt là chuyện bình thường như ở Việt Nam. Tệ nạn ăn bẩn này có lẽ các vị lãnh đạo không thể nói là không biết được. Nhưng chưa từng có bất cứ biện pháp hữu hiệu nào được thực thi triệt để. Có chăng chỉ là vài vụ nhỏ lẻ không thể bưng bít nổi buộc phải làm cho ra lẽ, và hình thức thì cũng "giơ cao đánh khẽ", thiệt thòi vẫn là người dân, XH ngày càng nhiễu nhương bởi chính cái lực lượng này. Nếu không mau chóng cải tổ đám sâu mọt này thì chính chúng khiến mọi người dân mất lòng tin vào Đảng, vào chính quyền".
Anh Thiện, cư dân Sài Gòn, nói rằng làm sao xử phạt khi mà nguyên nhân của việc nhũng nhiễu, vòi tiền người vi phạm xuất phát từ một lý do đã ăn sâu bén rễ lâu nay :
"Căn nguyên phải xử lý là chuyện chạy chức chạy quyền. Em quen nhiều trong ngành công an, em biết xin vô ngành công an giao thông tốn cả tỷ bạc mới vô được, nếu không lấy tiền thì tìm đâu ra ? Còn những ngành như là ủy ban muốn vô đâu phải dễ, cũng phải tốn cả tỷ bạc. Đó là cái nguyên tắc của xã hội này. Nó ăn nhậu, nó đá gà, chơi cờ bạc búa sua hết, nó phải lấy tiền !".
"Cái đó là trống đánh xuôi kèn thổi ngược thôi. Chẳng hạn ông thủ tướng ra cái đó cho hoành tráng, ông có hiểu nguồn gốc căn nguyên của nó không ? Rồi như ông Thanh Hải ở quận Nhất đó, cũng ra lớn tiếng đòi dẹp lòng lề đường giống như "sport" vậy, rốt cuộc có dẹp được đâu, cũng y chang như vậy lại thôi. Anh là cấp lãnh đạo, anh ra tuyên bố đó nhưng người ở dưới có theo anh có nghe lời anh không ? Ô dù một đám, người ta sẽ chơi cho anh mất chức luôn".
Đuổi việc cán bộ viên chức, cảnh sát công an ăn hối lộ, vòi tiền đút lót là biện pháp tất yếu không thể không thực hiện, là nhận định của anh Tuấn ở Hà Nội :
"Một cách khách quan và nhìn nhận theo góc độ tổng quan thì đó là biện pháp tất yếu phải đưa ra để xử lý cái thực tế tồn tại rõ ràng và không thể phú nhận. Nếu không có thực tế tồn tại đó thì người ta không cần phải ban hành chính sách này. Đó là một chính sách tốt và cần thiết.
Tuy nhiên để nói rằng có khả thi hay không thì lại phải xem xét trong bối cảnh môi trường chính trị ở Việt Nam thì rất là chuyên chính,chỉ còn sự giám sát rất là mong manh nơi người dân, mà bản thân người dân lại không có hội đoàn, không có truyền thông riêng mà chỉ là những tiếng nói yếu ớt trên các trang cá nhân Facebook. Thực tế là hiệu quả của chính sách này vẫn là câu chuyện tham nhũng của nội bộ, giống như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng chống tham nhũng tức là ta đánh ta. Nên là về tổng quan tôi nghĩ nó chỉ hạn chế phần nào tiêu cực, rồi để bảo vệ tốt hình ảnh cán bộ trước con mắt người dân. iệc thực thi pháp luật ở Việt Nam trở nên nghiêm túc hơn, hạn chế hơn hành vi nhũng nhiễu dân. Tuy nhiên hiệu quả của nó thì tôi thật sự nghi ngờ vì nó giống như câu chuyện tự mình đánh mình thôi".
Tưởng cần nhắc từ lúc lên nhậm chức tổng bí thư, về sau kiêm luôn chức chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần tuyên bố quyết tâm chống tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô mà ông cho là đã lây lan từ thượng tầng đến cấp thừa hành trong bộ máy Nhà nước.
Người dân thì cho rằng lò đốt củi của ông Trọng khói nhiều mà củi ít nên tro than còn lại không được bao nhiêu.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 04/03/2020
*