Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một cách đương nhiên và chẳng cần phải hồ nghi, thông tin nóng bỏng về việc "tập thể Đảng cộng sản Trung Quốc" vào ngày 25/02/2018 đề xuất bỏ điều khoản giới hạn chủ tịch nước chỉ nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ trong Hiến Pháp nước này – một thủ pháp âm mưu chính trị để mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền vĩnh viễn – sẽ tác động không ít đến chính trường Việt Nam.

taptrong1

Nguyễn Phú  Trọng tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội tháng 11/2017 : "Trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam" - Ảnh : Người Lao Động

Điều này sẽ khiến một số quan chức cao cấp, đặc biệt là những quan chức đang hoặc sẽ có hy vọng trở thành ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam tại đại hội 13 của đảng này vào năm 2021, phải "lộn tròng mắt" nhìn lại lộ trình của mình có thật sự đáng bỏ công bỏ của và hao tâm tổn trí hay không.

Nhưng sống còn hơn cả là phải nhìn vào "lộ trình Nguyễn Phú Trọng".

"Hoàng đế Tập Cận Bình"

Khi Tập Cận Bình thay thế Hồ Cẩm Đào để trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc tại đại hội 18 vào năm 2012, đã chỉ có quá ít dự đoán cho rằng ông Tập sẽ trở nên một nhân vật sẽ gây sóng gió ghê gớm cho chính trường Trung Quốc và tích hợp được các yếu tố tập quyền cỡ như Mao Trạch Đông.

Nhưng song trùng với thời gian trở thành chủ tịch nước kiêm tổng bí thư vào năm 2013, Tập Cận Bình cũng đồng thời tạo nên một cơn chấn động bằng vụ "trảm" Bạc Hy Lai – ủy viên bộ chính trị và là bí thư tỉnh Trùng Khánh, mở màn cho chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" đảo lộn cả chính trường Trung Quốc.

Sau Bạc Hy lai, đến lượt Chu Vĩnh Khang – bộ trưởng công an khi đó – bị "thịt". Còn sau Chu Vĩnh Khang là Từ Tài Hậu – phó chủ tịch quân ủy trung ương và nhiều quan chức cao cấp khác của đảng…

Chỉ mất có 5 năm "đánh Đông dẹp Bắc", Tập Cận Bình đã tập quyền đến mức không những nắm vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước một cách thực chất và thực quyền, mà còn thực quyền một cách đúng nghĩa trên cương vị "thống lĩnh các lực lượng vũ trang". Nhiều quân khu được chuyển thành đại chiến khu và đều được "đảng chỉ huy súng" bởi họ Tập.

Tham vọng xưng hùng của Tập Cận Bình rốt cuộc đã ghi dấu ấn tư tưởng đầu tiên và chính thức. Tại đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, tên của Tập đã được ghi trong điều lệ của Đảng cộng sảnTrung Quốc, nâng vị thế của ông ta lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, người sáng lập Trung Quốc. Điều lệ sửa đổi bao gồm khái niệm "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc cho thời đại mới".

Chắc hẳn trên con đường tập quyền và độc tôn quyền lực của mình, Tập Cận Bình đã tham khảo rất kỹ cái cách làm thế nào để Vladimir Putin, từ năm 1999 khi Putin trở thành tổng thống Nga đến nay, có thể hoán đảo ngoạn mục từ vai trò tổng thống về vị trí thủ tướng, rồi từ thủ tướng lại trở thành tổng thống nước Nga, nhưng vẫn chưa dừng ở đó mà giờ đây mọi chuyện có vẻ như Putin sẽ "nắm quyền mãi mãi".

Ngay cả khi chưa xảy ra việc Đảng cộng sản Trung Quốc chính thức đề xuất bỏ điều khoản giới hạn chủ tịch nước chỉ nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ trong Hiến Pháp, không ít nhà quan sát, phân tích chính trị và báo chí quốc tế đã vừa mỉa mai vừa lo lắng khi lần đầu tiên dùng cụm từ "hoàng đế Tập Cận Bình".

Còn Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam thì sao ?

"Vua ?"

"Lộ trình Nguyễn Phú Trọng", nếu nên gọi như vậy, có thể đã đi sau nước cờ đầu tiên của Tập Cận Bình khoảng 5 năm – khi so sánh với vụ xử Bạc Hy Lai vào năm 2013 và xử Đinh La Thăng vào năm 2018.

Có ít nhất một điểm chung giữa Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình : Cả hai đều chọn "chống tham nhũng" là sách lược cơ bản trong trung hạn và có thể cả dài hạn.

Nhưng có một sự khác biệt cơ bản : Tập Cận Bình đã chọn "chống tham nhũng" ngay vào thời kỳ đầu tiên chấp nhiệm của mình, trong khi Nguyễn Phú Trọng chỉ dám bước vào con đường này khi ông ta đã ngồi ghế tổng bí thư đến 6 năm.

Không hề dễ ăn, "chống tham nhũng" là con dao hai lưỡi và chỉ dành phần thưởng cho kẻ nào có đủ bản lĩnh. Tập Cận Bình, trong 5 năm qua, đã vượt qua một đoạn đường khá dài, xương xẩu, đã phải đối mặt với hàng chục âm mưu ám sát và đã chinh phục được những đỉnh cao quyền lực mà ngay cả Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cũng không thể với tới được.

Ở Việt Nam, chưa có dấu hiệu hoặc thông điệp rõ rệt nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng thể hiện tham vọng "ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi" một cách lộ liễu theo cách Trung Quốc dự định bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước để mở đường cho Tập Cận Bình có thêm ít nhất một nhiệm kỳ thứ ba.

Nhưng đang thấp thoáng những dấu hiệu và biểu hiện cho tương lai "tổng bí thư kiêm chủ tịch nước" ở Việt Nam. Xuất phát điểm của tương lai này là chủ trương "nhất thể hóa", được triển khai ở cấp cơ sở để dần từng bước "đánh lên" cấp trung ương. Từ tháng 10/2017, một hội nghị trung ương có số thứ tự là "6" đã nêu ra và sau đó nhanh chóng triển khai chủ trương này. Hàng loạt tỉnh thành đang nằm trong danh sách "bí thư kiêm chủ tịch ủy ban", thậm chí có thể thực hiện cơ chế "3 thành 1" với bí thư vừa kiêm chủ tịch ủy ban hành chính, vừa kiêm luôn chủ tịch hội đồng nhân dân. Không chỉ đảng "nắm" hết, không chỉ "đảng không làm thay mà làm luôn", mà mỗi bí thư địa phương trên thực tế sẽ trở thành một "lãnh chúa".

Vào thời phong kiến ở Châu Âu và ở Việt Nam, giai cấp quý tộc và lãnh chúa tạo thành một cái đỉnh của nó: Vua.

Nếu cơ chế triển khai chủ trương "nhất thể hóa" là thuận lợi, có thể ngay vào năm 2019 vấn đề "tổng bí thư kiêm chủ tịch nước" sẽ được đặt ra một cách chính thức trong Bộ chính trị và trong các hội nghị trung ương.

Và nếu không có gì cản trở thêm, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể trở thành nhân vật độc tôn quyền lực vào khoảng năm 2019, hoặc chậm hơn thì vào năm 2020. Không những thế, ông Trọng sẽ "thống lĩnh lực lượng vũ trang" – bao gồm vai trò bí thư quân ủy trung ương và đương nhiên phải "nắm" Bộ công an.

Cũng không loại trừ đến khi đó, và nếu cảm thấy sức khỏe "còn đủ để cống hiến cho đảng và dân tộc", ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nảy ra ý tưởng "ngồi mãi" như Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Thế là một bộ sậu nào đó của ông Trọng sẽ hùng hục "đề xuất sửa đổi Hiến pháp"

Nhưng cũng khi đó, những quan chức mà hiện thời được xem là ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư khi điều lệ đảng hiện hành chỉ cho phép một người đứng đầu đảng không quá hai nhiệm kỳ, chắc hẳn sẽ tràn trề thất vọng. Bởi trước mắt họ và trước một hình ảnh độc tôn cá nhân, nhất là trước một người đang mang tham vọng tinh thần được "sử xanh lưu truyền" như Nguyễn Phú Trọng, sẽ chẳng còn cơ hội nào để họ được ghi tên họ vào lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam như một "đảng trưởng". 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 04/03/2018

Published in Diễn đàn

"Hoàng đế" Tập "đóng ấn" tư tưởng đưa Trung Quốc thành đại cường

Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất tại Trung Quốc từ 40 năm qua với "tư tưởng" được đưa vào cương lĩnh của Đảng cộng sản Trung Quốc ngay khi còn sống. Điều này chỉ xảy ra với Mao Trạch Đông, nhà sáng lập chế độ hiện nay, khi còn nắm quyền.

king0

Ông Tập Cận Bình trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 25/10/2017. Reuters/Jason Lee

Tất cả các nhật bào Pháp, trong số ra ngày 25/10/2017, đều đề cập đến sự kiện ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ 5 năm để đưa Trung Quốc thành một đất nước giầu có, hùng mạnh.

Với vị trí trung tâm trong đảng, ông Tập Cận Bình rảnh tay thực hiện chương trình đưa Trung Quốc sang "thời kỳ mới" vào năm 2050. Vậy "vị thế mới của Tập Cận Bình có ý nghĩa gì ?". Trả lời câu hỏi này của nhật báo công giáo La Croix, hai chuyên gia Pháp đưa ra ý kiến trái chiều.

"Sẽ không có tự do chính trị"

Theo ông François Bougon, trợ lý bộ phận Quốc tế của nhật báo Le Monde, không như nhiều người nghĩ, việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực đồng nghĩa với việc sẽ không có tự do hóa chính trị và ông Tập sẽ tiếp tục áp đặt một mô hình tân chuyên quyền.

Trước một thế giới hiện nay, ông càng có thêm tính chính đáng, trong bối cảnh các nền dân chủ phương Tây suy yếu, Liên Hiệp Châu Âu không vững chắc và Hoa Kỳ nằm trong tay một lãnh đạo dân túy. Ông Tập Cận Bình sẽ dùng quyền lực của mình để áp đặt "đạo lý" Trung Hoa thành một "mô hình" và một giải pháp cho các vấn đề của một thế giới đa cực phức tạp. Ông sẽ tiếp tục bằng mọi giá kiểm soát xã hội dân sự và tập trung quyền lực.

"Tôi là người mạnh mẽ", theo tư tưởng dân túy, thực dụng trong lĩnh vực kinh tế và chống nạn tham nhũng : Chính những yếu tố này đảm bảo sự nổi tiếng của ông Tập. Dù người ta không biết liệu ông Tập có đảm nhiệm trọng trách này hơn hai nhiệm kỳ hai không, nhưng kể cả khi ông nghỉ hưu, sau khi đã chỉ định người kế nhiệm, hẳn ông Tập sẽ vẫn hoạt động tích cực trong hậu trường.

"Ẩn sau quyền lực mênh mông là sự bất lực"

Nhà nghiên cứu Valérie Niquet, phụ trách khu vực Châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp lại cho rằng chính sách thu mình của Trung Quốc mà ông Tập đang thực hiện là dấu hiệu cho sự bất lực ẩn sau quyền lực mênh mông. Chủ tịch Trung Quốc lợi dụng sự lo lắng, sợ hãi có thể làm sụt giảm mức độ tín nhiệm của công luận đối với đảng. Nếu ông tin chắc vào bản thân, có lẽ ông đã không cần lấy lại quyền kiểm soát tuyệt đối với toàn xã hội - điều gây ra sự bất bình.

Trên thực tế, có rất nhiều cán bộ đang chờ dịp trả thù ông, họ theo dõi mức độ hiệu quả của ông Tập trên quy mô quốc tế, như trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, quan hệ với Hoa Kỳ hoặc cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Nhà nghiên cứu Pháp nhắc lại phát biểu của một cựu tướng Trung Quốc nghỉ hưu rằng "Quyền lực tuyệt đối là tốt nhưng ông ấy sẽ làm được gì với nó ?".

Trong bài diễn văn hơn 3 giờ khai mạc Đại hội Đảng, người ta thấy cựu chủ tịch Giang Trạch Dân ngồi bên cạnh, công khai ngáp dài, nhìn đồng hồ rồi ngước mắt nhìn lên trời… Hành động này được nhiều người suy diễn là "Mặc kệ Tập !".

Tập Cận Bình : Nhà tiên tri mới của chủ nghĩa Marx theo mầu sắc Trung Hoa

Phiên bế mạc đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc ngày 24/10/2017 cũng là "Lễ đăng quang của Tập Cận Bình tại Bắc Kinh", theo Le Monde, vì "Tư tưởng chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Hoa đối với thời kỳ mới" được chính thức đưa vào điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc. Đây là "Một tư tưởng cho một Trung Quốc đại cường", theo nhận định của một bài viết khác, vẫn trên Le Monde.

Về vị trí toàn năng của chủ tịch Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Tập Cận Bình sánh vai Mao trong đền thờ danh nhân cộng sản Trung Quốc". Tương tự, nhật báo Le Figaro nhận định : "Tập Cận Bình đi vào đền danh nhân cộng sản". Nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc, Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), cho rằng với việc tư tưởng Tập được đưa vào điều lệ đảng sẽ trao "quyền tối cao" cho nhà lãnh đạo và gần như không thể chống đối được "vì ý nguyện của ông từ giờ sẽ là ý nguyện của đảng".

Nhật báo thiên hữu Pháp cũng cho rằng cần phải chờ đến lúc danh sách chính thức 7 ủy viên thường trực Bộ chính trị để đánh giá tác động thật sự của ông Tập đối với Đảng. Nếu phần lớn Bộ chính trị là những người thân cận của ông, lúc đó ông có thể hoàn toàn kiểm soát được Đảng. Ông Tập sẽ có trong tay cả "tư tưởng và thể chế để trở thành "hoàng đế suốt đời" như Mao" theo nhận định của nhà nghiên cứu Willy Lam.

Với Libération, "ông Tập Cận Bình là một nhà tiên tri mới của chủ nghĩa Marx theo mầu sắc Trung Hoa". Hiểu theo một cách cụ thể là tên và tư tưởng của ông Tập sẽ được nhắc trong mọi bài diễn văn quan trọng, kể cả trong các bài diễn văn của các đời chủ tịch đảng hay các thủ tướng tương lai. Trong trường học, các thế hệ trẻ trên khắp Trung Hoa sẽ học nội dung "tư tưởng" Tập. Cuối cùng, mọi chỉ trích chống lại Tập Cận Bình sẽ có thể bị diễn giải là chống lại Đảng cộng sản Trung Quốc.

Cuộc thiên di kinh hoàng của người Rohingya sang Bangladesh

Thoát khỏi địa ngục tại Miến Điện, hàng ngày vài chục nghìn người Rohingya tìm cách chạy sang Bangladesh. Đặc phái viên của Le Figaro tường trình cuộc thiên di của sắc dân thiểu số Hồi giáo sang nước láng giềng, nơi họ được đón tiếp và chí ít cũng giữ được tính mạng.

Câu chuyện của họ kể lại đều giống nhau : Quân đội Miến Điện đốt nhà của người Rohingya, cưỡng hiếp phụ nữ và bé gái, giết người trước mặt trẻ con, giằng những đứa trẻ khỏi tay cha mẹ rồi ném vào lửa.

Nhưng ở Cox’Bazar (Bangladesh), tình trạng cũng trở nên quá tải và "như một tổ kiến thật sự" với khoảng 1 triệu người lánh nạn thường vẫn trong tình trạng hoảng sợ. Các tổ chức phi chính phủ mỗi ngày phải đối mặt với những thách thức mới : những nhóm người mới đến đôi khi ba ngày không ăn uống, thiếu nước sạch, lương thực, đảm bảo an ninh…

Trong bản báo cáo ngày 18/10, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nêu lên 6 tội ác chống nhân loại mà chính quyền Miến Điện có thể bị cáo buộc : "giết người, giam hãm, tra tấn, cưỡng bức, truy bức và các tội ác phi nhân tính khác như không cho ăn uống".

Bà Aung San Suu Kyi trấn an công luận quốc tế rằng người tị nạn Rohingya có thể hồi hương, nhưng ở Cox’Bazar, không ai có ý định đó, như thổ lộ của một người tị nạn với phóng viên của Le Figaro : "Làm sao tôi có thể về đó ? Ở đây, ít nhất tôi được an toàn. Tôi đã mất tất, họ đã cướp mất cuộc sống của tôi".

Glyphosate : Thuốc trừ sâu khuấy động Châu Âu

Ngày 25/10/2017, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu bỏ phiếu thông qua việc triển hạn hay không giấy phép sử dụng thuốc trừ sâu Glyphosate, được dùng phổ biến trong ngành nông nghiệp. Đây là chủ đề được đề cập nhiều trên các nhật báo Pháp, cùng với hồ sơ lao động biệt phái ở Châu Âu.

Trang nhất của Le Figaro là hàng tựa lớn : "Glyphosate : cuộc chiến hoành hành tại Châu Âu"vì "Thuốc trừ sâu Glyphosate đã trở thành vấn đề quốc gia". Từ vài tháng nay, ngay trong hậu trường, các nhà khoa học, nghị sĩ, những thế lực vận động ủng hộ và các hiệp hội bất đồng về tính độc hại và nguy hiểm của loại thuốc trừ sâu bán chạy nhất thế giới này. Theo dự kiến, Châu Âu định triển hạn thêm 10 năm, nhưng trước sự phản đối từ khắp nơi, Ủy Ban Châu Âu có thể sẽ rút ngắn xuống còn 5 đến 7 năm.

Libération khẳng định trên trang nhất : "Người ta có thể hoàn toàn bỏ qua thuốc Glyphosate", trái hẳn với lời quả quyết của các tập đoàn công nghiệp vì đây là một thị trường đầy lợi nhuận đối với họ. Với Libération, Glyphosate vô cùng độc hại cho sức khỏe.

La Croix đặt câu hỏi "Các cuộc nghiên cứu về thuốc Glyphosate được tiến hành như thế nào ?"để giải thích những ý kiến trái chiều về tính độc hại đối với loài người. Theo nhật báo Công giáo, lý do đầu tiên là chưa có một tổ chức quốc gia hay quốc tế nào làm nghiên cứu từ A đến Z để khẳng định Glyphosate có nguy cơ gây ung thư. Lý do thứ hai, các cơ quan khác nhau không có cùng cách nghiên cứu. Thứ ba là các cơ quan này cũng không có cùng tiêu chí để đánh giá kết quả khoa học.

Một số tác hại của chất này được ghi nhận là nguy cơ đáng kể về ung thư máu đối với một số nông dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Tại Pháp, bệnh ung thư máu này, cũng như bệnh Parkinson, được công nhận là các bệnh nghề nghiệp, có liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu. Sắp tới có thể đến lượt các bệnh Alzheimer, ung thư tuyến tiền liệt được đưa vào danh sách. Tuy nhiên, dường như chất Glyphosate không gây tác động đặc biệt đến công chúng.

2017 : Mùa rượu vang thế giới thất thu

Thời tiết thất thường đã khiến mùa rượu vang năm 2017 giảm 8% sản lượng. Đây là mùa thu hoạch thấp nhất kể từ năm 1961, theo nhật báo Le Figaro.

Nguyên nhân chính là "hiện tượng khí hậu cực đoan, từ đông giá đến hạn hán, tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất rượu vang tại Tây Âu. Dự báo sản lượng của ba nước sản xuất chính trên thế giới sẽ giảm rõ rệt so với năm 2016". Đứng đầu 3 năm liên tiếp vẫn là Ý, nhưng giảm hẳn 23% so với năm 2016, tiếp theo là Pháp (giảm 19%) và cuối cùng là Tây Ban Nha (giảm 15%).

"Mùa thu hoạch tại Mỹ, Nam Phi và Úc, dù tốt hơn nhưng cũng không bù được khối lượng giảm của ba nước sản xuất hàng đầu thế giới", theo nhận định của ông Jean-Marie Aurand, giám đốc của Tổ chức Quốc Tế Vùng Trồng Nho và Rượu Vang (OIV).

Hoa Kỳ vẫn là nước tiêu thụ nhiều rượu vang nhất thế giới. Pháp cũng đang đứng ngấp nghé các nước tiêu thụ nhiều nhất với mức trung bình 42 lít rượu/năm/người.

Brexit làm du lịch Pháp lo lắng

Một số nhà hoạt động trong lĩnh vực du lịch Pháp bắt đầu lo ngại vì hậu quả của Brexit tác động đến số du khách Anh. Trong năm đầu tiên ngành du lịch Pháp phục hồi sau loạt khủng bố, chỉ có lượng du khách Anh sụt giảm (-1,5% trong 8 tháng đầu năm).

Tại vùng Normandie, nơi du khách Anh chiếm đa số, lượng du khách giảm từ hai năm nay do giá trị của đồng bảng Anh bị sụt giảm so với đồng euro. Theo đánh giá của giám đốc Ủy Ban Du Lịch của vùng, đây mới chỉ là hiện tượng "xói mòn" chưa đến mức "thảm họa" nhưng đáng quan ngại.

Không phải người Anh ngừng đi du lịch, nhưng họ chọn những điểm đến rẻ hơn tại Châu Âu, như Tây Ban Nha, Hy Lạp hoặc Bồ Đào Nha. Chính vì vậy, vùng Normandie đã tung ra nhiều chiến dịch quảng cáo, giảm giá để thu hút du khách Anh. Thế nhưng, giám đốc một hãng lữ hành tỏ ra lo ngại : "Điều tồi tệ nhất còn chưa tới".

Thu Hằng

Published in Châu Á