Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hà Nam : Người dân uất ức vì bị cưỡng chế đất ruộng trong khi chưa đồng ý giá đền bù

Ngày 25 tháng 6, người dân ở làng Chương, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vừa mới hoàn thành đợt reo mạ cho vụ Mùa trên cánh đồng của họ thì chính quyền địa phương đưa đoàn cưỡng chế tới chặn mương nước và lấp lối đi để thu hồi đất ruộng, mặc cho người dân vẫn đang đàm phán giá đền bù với chủ đầu tư.

hanam1

Công an cưỡng chế người dân ở Hà Nam hôm 25/6/2021 - Photo : RFA

Cuộc cưỡng chế xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đang trải quả đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng, các đoạn phim quay từ hiện trường cho thấy cảnh người dân chống cự lại nỗ lực cưỡng chế của chính quyền và dẫn tới xô xát, hậu quả là ít nhất một phụ nữ hơn 70 tuổi đã bị thương và phải nhập viện.

Cánh đồng của làng Chương nằm trong diện quy hoạch khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 1, được Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký quyết định đầu tư vào tháng 11 năm 2019, và giao cho tông ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp và Đô thị Thái Hà làm chủ đầu tư.

Mập mờ số ruộng phải thu hồi

Theo quyết định đầu tư của Chính phủ, khu công nghiệp Thái Hà gia đoạn 1 có quy mô 100 ha tại ba xã Bắc Lý, Chân Lý và Trần Hưng Đạo của huyện Lý Nhân.

Theo người dân làng Chương, khoảng 500 hộ dân ở đây có ruộng thuộc diện bị thu hồi, và vấn đề nằm ở chỗ chủ đầu tư không chỉ dừng lại ở con số 100 ha như thông báo ban đầu, mà muốn lấy thêm 15 ha đất ruộng không thuộc diện quy hoạch, khiến cho người dân nghi ngờ về mục đích thực sự của việc thu hồi đất.

Con số 15 ha không thuộc dự án này, theo người dân nghi ngờ, là để phân lô bán nền cho tư nhân xây dựng nhà cửa, từ đó nảy sinh ra khúc mắc về giá đền bù.

Anh T, một người dân làng Chương cho RFA biết :

"Ai cũng muốn phát triển quê hương, nhưng có trường hợp ở mấy xã bên cạnh họ lấy đất xong nhưng lại chia lô bán làm đất ở chứ không phải làm khu công nghiệp, vì thông tin mập mờ nên người dân không tin".

Trên cổng thông tin điện tử của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam vẫn có thông tin về quy mô của khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 1 là 100 ha.

Phóng viên của RFA đã liên hệ với người đại diện của chủ đầu tư khu công nghiệp để xác minh nhưng không được phản hồi. Còn ông Trần Xuân Dưỡng, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam, sau khi nghe câu hỏi của phóng viên về sự khác nhau giữa số đất quy hoạch và số đất được thu hồi, thì cho biết "đang bận họp" và từ chối trả lời phỏng vấn.

Giá đền bù và giá thị trường chênh lệch quá nhiều

Người dân cho biết họ được thông báo giá đền bù cho mỗi sào ruộng là 73 triệu đồng (một sào Bắc bộ tương đương với 360 m2), và trong 500 hộ dân có ruộng thuộc diện bị thu hồi thì đã có hơn 300 hộ chấp nhập giao nộp đất và nhận tiền đền bù, còn lại 179 hộ dân vẫn chưa đồng ý với giá bền bù do chủ đầu tư đưa ra.

Theo những người dân chưa đạt được đồng thuận với chủ đầu tư thì đất đai ở địa phương có giá cao hơn giá đền bù rất nhiều, và nếu đàm phán tốt thì có thể bán được với giá 250 hoặc thậm chí 300 triệu đồng cho một sào ruộng.

Một người dân địa phương khác (giấu tên vì lý do an toàn) đặt câu hỏi về vấn đề này khi trả lời phỏng vấn của RFA, chị nói :

"Tại sao ở ngoài tư nhân người ta mua đất của dân thì được giá cao mà sao ở trên về mua thì lại giá thấp ?"

Sỡ dĩ người dân đòi hỏi chủ đầu tư phải nâng giá đền bù còn bởi vì ruộng đất là nguồn sống duy nhất của nhiều gia đình, và nhiều hộ dân có toàn bộ ruộng đất thuộc diện bị thu hồi trong dự án này, nếu mất đi thì sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.

"Mang khu công nghiệp về đây để phát triển đất nước thì cũng được thôi nhưng mà phải thoả thuận với giá của dân đưa ra, đã thế lại đòi thu hồi 100% ruộng cách tác của người dân thì chúng tôi sống làm sao ?". Một người dân địa phương giấu tên cho biết.

Cưỡng chế

Sáng ngày 25 tháng 6, chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế ruộng đất của người dân mặc cho đôi bên chưa đạt được thoả thuận về giá cả đền bù.

Theo người dân thì đoàn cưỡng chế đông hơn 100 người, bao gồm cảnh sát cơ động được trang bị khiên, giáp và gậy, công an sắc phục và cán bộ mặc thường phục, đi kèm là máy xúc, máy ủi và xe tải.

Đoàn cưỡng chế tổ chức chặn các lối đi vào khu ruộng không cho người dân tiếp cận khu vực giải toả. Các video quay tại hiện trường cho thấy cảnh người dân gào thét phản đối, và xảy ra xô xát khiến ít nhất hai phụ nữ lớn tuổi bị thương, trong đó có một cụ bà trên 70 tuổi phải nhập viện.

Người dân cho biết chính quyền sẽ tổ chức một đợt cưỡng chế nữa vào ngày 5 tháng 7.

Trả lời phỏng vấn của RFA sau vụ cưỡng chế, một người dân cảm thán "không biết phải đòi công bằng ở đâu ?"

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 30/06/2021

Additional Info

  • Author Trường Sơn
Published in Diễn đàn