Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các mặt hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu là cảnh báo qua công hàm của Ủy Ban Kinh Tế Á Âu (EEC) thuộc Liên Minh Kinh Tế Á-Âu (EAEU), gửi cho Bộ Công Thương Hà Nội hôm 12/3.

hangdet1

Hình chụp hôm 24/5/2019 tạ một nhà máy may ở Hà Nội - AFP

EAEU cũng là hình thức một Hiệp định Thương mại Tự do FTA là giải thích của nhà nghiên cứu độc lập, kinh tế gia Phạm Chi Lan : 

"Đấy là liên minh 5 nước Nga, Belarus, Armenia, Khazakstan, Kyrgystan. Sở dĩ gọi là Á Âu vì có Khazakstan và Kyrgystan thuộc Châu Á. Nga lập ra liên minh kinh tế đó và Việt Nam ký với họ một FTA có hiệu lực từ năm 2016".

Theo cảnh báo trong công hàm của EAEU, các mặt hàng áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy gilet, áo cardigan cài khuy đằng trướctừ Việt Nam xuất sang EAEU năm 2020 đã vượt mức ngưỡng ưu đãi nhập khẩu quy định cho 2020 là 1.640.902 kg thay vì 1.519.373 kg theo như qui định.

Bên cạnh đó, nhóm hàng váy, áo đầm, y phục nữ cũng đã vượt ngưỡng quy định.

Do vậy, nếu căn cứ trên qui định của VN-EAEU thì hàng dệt may Made In Vietnam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ, tức áp thuế MFN vượt mức ngưỡng hạn ngạch (quota) khi nhập khẩu vào EAEU trong thời gian 6 hoặc 9 tháng.

Cần hiểu hạn ngạch, quota, là qui định của từng quốc gia trên thế giới nhằm bảo hộ cho thị trường nhất định của mình :

"Bởi vì khi hàng nước ngoài tràn vào nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nội địa. Cái này là quyền của tất cả các nước khi ký Hiệp Định đều có thể đưa ra. Có những thị trường họ mở hoàn toàn, không có hạn ngạch. Cũng có những thị trường tính tới hạn ngạch, nếu xuất khẩu nhiều hơn thì vẫn được nhưng phải chịu cái mức thuế quan cao hơn. Thí dụ anh xuất khẩu ngần này thì thuế ưu đãi là 0%, nhưng nếu anh xuất khẩu trội thêm thì tôi đánh thuế gọi là thuế hạn ngạch".

Trường hợp Việt Nam, bị cảnh báo vượt mức ngưỡng hạn ngạch xuất khẩu qua EAEU, theo kinh tế gia Phạm Chi Lan là chuyện hết sức bình thường :

"Đối với thị trường này thì không phải điều gì "ghê gớm" lắm đâu. Dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, sang Châu Âu, sang Nhật Bản, sang các nước khác rất nhiều. Đây chỉ là trong 5 nước thành viên EAEU chứ không phải là toàn cầu đối với Việt Nam, thành ra nó không quá nghiêm trọng".

Chuyên gia ngành May Mặc&Da Giày xuất khẩu, ông Diệp Thành Kiệt, nhận định như sau :

"Trong mấy nước EAEU như Khazakstan hay Belarus, kể cả nước Nga, cũng có những nhà máy may mặc nên là họ cho mình nhập một số lượng nhất định. Việc họ cảnh báo đó là đúng nguyên tắc".

Vì không phải là một thị trường lớn như với EU (EVFTA) hay Anh (UKVFTA), nên EAEU phải có hạn ngạch cho hàng dệt may nhập khẩu để vừa bảo đảm lượng sản xuất nội địa vừa không bị quá tải trong tiêu thụ. Đây là tùy từng thị trường, doanh nhân Diệp Thành Kiệt lý giải tiếp :

"Đối với những doanh nghiệp đưa hàng vào EAEU, khi người ta đã cảnh báo thì phải tính lại bài toán năng lực của mình. Nhưng thực sự thì bài toán năng lực này các doanh nghiệp cũng không thể nào làm được mà phải có sự can thiệp của Nhà Nước và của Bộ Công Thương. Bảo đảm các doanh nghiệp không bị lố hạn ngạch mà EAEU cho là bài toán của Nhà Nước, của Bộ Công Thương".

Nói một cách đầy đủ thì phải tùy theo thị trường để xử lý và có sự điều chỉnh phù hợp. Tuy là không nghiêm trọng lắm, ông Diệp Thành Kiệt nhắc lại, nhưng vấn đề phải nhìn ra ở đây là :

"Thứ nhất, rõ ràng các nhà thương lượng Việt Nam cũng chưa đánh giá được hết năng lực của hàng dệt may Việt Nam đi vào EAEU, cho nên có thể đã thương lượng với mức hạn ngạch không dám nói là thấp mà nói là không cao. Không cao cho nên không đủ dung lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào".

Có một thời gian rất dài, do thị trường của Nga và các nước Đông Âu đóng cửa, hàng Việt Nam phải xoay sang Châu Âu và Mỹ :

"Thực ra Đông Âu và Nga là thị trường truyền thống của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam trước đây nhưng do không có các Hiệp đinh Thương mại vì vậy không vào được. Chính vì vậy có thể hai bên khi đàm phán đã dựa trên con số thu thập được khi chưa có Hiệp đinh Thương mại Tự do nên số lượng suy ra không đúng. Bây giờ, khi chuyện xảy ra, Việt Nam phải tích cực đàm phán để nới lỏng hạn ngạch đó ra, để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu thêm vào EAEU"

"Đương nhiên khi làm việc này thì chúng ta phải nhượng bộ phải mở cửa cho họ cái gì đó. Việc này chính phủ sẽ cân nhắc, sẽ quyết định".

Việc thứ hai tạm thời và trước mắt, để tránh sự vi phạm thì Chính phủ và Bộ Công Thương phải xác lập quota hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong khi chờ đợi có số liệu đàm phán mới, là ý kiến của chuyên gia ngành May Mặc & Da Giày Diệp Thành Kiệt.

Đối với kinh tế gia Phạm Chị Lan, nhà nghiên cứu độc lập, nguyên Phó trưởng Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam trước đây, từ những điểm vừa được phân tích thì cần nhìn lại bản chất, viễn ảnh, thách thức cùng những điều phải thực hiện cho ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam.

"Rõ ràng ở một số thị trường thì Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn về hàng dệt may. Tuy đang sản xuất và cung ứng được nhiều nhưng sự cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng vẫn còn ghê gớm lắm, nhất là ngành này chủ yếu vẫn là ngành lao động giá rẻ. Những nước nghèo hơn hoặc khó khăn hơn Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên, có thể cung cấp lao động giá rẻ thì hoàn toàn có thể cạnh tranh với Việt Nam"

"Ngành dệt may Việt Nam hiểu rất rõ là phải liên tục cạnh tranh thì mới có thể vươn ra thị trường này, thị trường khác được. Ở chỗ nào mà có vướng về cái gì thì ngay lập tức phải tính, phải phối hợp với nhau mà điều chỉnh".

Mặt khác, trong những thách thức của tương lai gần thì lớn nhất là sự thách thức về tự động hóa, bà Phạm Chi Lan khẳng định :

"Các nước có thể chuyển sang sản xuất tự động chứ không cần đặt hàng bên ngoài, không sử dụng lao động giá rẻ ở các nước khác nữa. Như vậy thì nhu cầu về lãnh vực này có thể giảm xuống trên thị trường thế giới, nhất là các nước công nghệ tiên tiến có thể sẽ áp dụng tự động hóa".

Là một nước đang có những đội ngũ lao động giá rẻ thuộc nhiều lãnh vực chứ không chỉ ngành may mặc và giày dép, kinh tế gia Phạm Chi Lan nói bà tin Việt Nam ý thức rất rõ khái niệm tự động hóa mà ILO - Tổ Chức Lao Động Quốc Tế từng nhiều lần đề cập đến trên các diễn đàn thế giới.

Đã lên tới mức như ngày hôm nay nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ bao năm qua, ngành dệt may Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong những ngày tới nếu không muốn tụt hậu trước xu hướng đương nhiên của thế giới. Chuyển đổi và tự động hóa là hướng duy nhất mà Việt Nam phải chọn lựa, bà Phạm Chi Lan kết luận.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 17/03/2021

Published in Diễn đàn