Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc : Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường sử dụng tiếng Quan thoại ở Nội Mông

Thùy Dương, 06/03/2021

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 05/03/2021 kêu gọi tăng cường sử dụng "ngôn ngữ quốc gia chung" - tiếng Quan thoại - ở Nội Mông và thúc đẩy "công cụ giáo dục quốc gia" ở các trường học trong vùng này.

tap1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, ngày 04/03/2021, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh. Reuters – Carlos Garcia Rawlins

Tân Hoa Xã nhấn mạnh lời kêu gọi của chủ tịch Tập Cận Bình là nhằm điều chỉnh "những tư tưởng sai lầm" về văn hóa và quốc gia. Đây là lập luận của ông Tập với các đại biểu của Nội Mông, bên lề phiên họp Quốc hội Trung Quốc.

Nội Mông, vùng lãnh thổ rộng lớn phía bắc Trung Quốc, từng bị rung chuyển hồi năm 2020 bởi các cuộc biểu tình phản đối chính sách ngôn ngữ mới mà người dân Nội Mông coi là mối đe dọa đối với văn hóa bản địa. Nội Mông có khoảng 25 triệu dân, 1/5 dân số là người Hoa thuộc tộc người Mông Cổ. Đa số họ vẫn tự hào là có sự gần gũi về văn hóa và ngôn ngữ với Mông Cổ, quốc gia độc lập nằm xa hơn về phía bắc Trung Quốc.

AFP nhắc lại kể từ khai giảng năm học, tất cả các trường học trong khu vực phải dạy tiếng Trung ngay từ khi học sinh còn nhỏ tuổi. Chính sách mới của Bắc Kinh gây tác hại cho tiếng Mông Cổ và đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt hồi tháng 09/2020. Nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở khu vực trước đây không thường xảy ra biểu tình. Nhiều phụ huynh từ chối cho con đến trường để phản đối chính quyền Bắc Kinh. Nhiều người Nội Mông lo sợ sẽ bị đồng hóa.

Các chính sách tương tự đã được đưa ra ở các khu vực có đông sắc dân khác, đặc biệt là ở Tây Tạng (sắc dân Tây Tạng) và Tân Cương (sắc dân Duy Ngô Nhĩ), nơi Bắc Kinh tìm cách kiềm chế các phong trào bảo vệ bản sắc. Nhà chức trách Trung Quốc lập luận rằng, với việc sử dụng tiếng Quan thoại, người dân thuộc các sắc tộc thiểu số có nhiều cơ hội hơn để phát triển, tìm việc làm và thuyên chuyển công tác ở Trung Quốc.

Thùy Dương

*********************

Mỹ : Cải cách bầu cử do Trung Quốc áp đặt là "tấn công trực tiếp" vào quyền tự trị của Hồng Kông

Thụy My, RFI, 06/03/2021

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 05/03/2021 tố cáo cải cách về bầu cử mà Trung Quốc muốn áp đặt cho Hồng Kông là một cuộc "tấn công trực tiếp" vào quyền tự trị, các quyền tự do và tiến trình dân chủ của Hồng Kông.

tap2

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price, hôm qua 05/03/2021 từ Washington lên án Trung Quốc tấn công không ngừng nghỉ vào các định chế dân chủ của Hồng Kông.  Reuters - Pool

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ned Price, trong cuộc họp báo đã lên án "các cuộc tấn công không ngơi nghỉ của Trung Quốc vào các định chế dân chủ của Hồng Kông". Bắc Kinh ngày càng bóp nghẹt Hồng Kông với việc "cải tổ" bầu cử nhằm loại trừ những ứng cử viên đối lập. Theo ông Ned Price, việc cải cách này "hạn chế sự tham gia của đại diện dân chủ và bóp nghẹt tranh luận, đi ngược lại ý nguyện của người dân Hồng Kông".

Trước đó, Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu chính quyền Bắc Kinh chú ý xem xét "những hậu quả chính trị và kinh tế" của mọi quyết định cải cách hệ thống bầu cử có thể làm hại cho "các quyền tự do căn bản, đa nguyên chính trị và các nguyên tắc dân chủ".

Tại Hồng Kông, hôm qua 4 nhà đấu tranh đã được tại ngoại hầu tra, sau khi viện công tố rút kháng cáo. Bốn người này nằm trong số 47 nhà hoạt động bị cáo buộc "nổi dậy", gồm cựu dân biểu, giảng viên đại học, luật sư, nhân viên xã hội… Đón họ trước tòa án, những người ủng hộ hô vang "Không có nổi dậy, chỉ có bạo chúa !"

Cựu ngoại trưởng Pompeo ủng hộ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022

Từ Hoa Kỳ, cựu ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 05/03/2021 đã đứng về phía các nhân vật trong đảng Cộng Hòa, đòi hỏi tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 vì Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Trả lời đài phát thanh Hugh Hewitt, ông Mike Pompeo nhấn mạnh "Thế vận hội là nơi biểu lộ sự tự do và tài năng của các vận động viên, việc tổ chức tại Bắc Kinh hoàn toàn không phù hợp"  "Chúng ta không thể cho phép các vận động viên đến Bắc Kinh và tưởng thưởng cho Đảng cộng sản trong khi Trung Quốc có nhiều hành động gây hại cho toàn thế giới".

Nhân vật diều hâu trong chính quyền Donald Trump cho đến ngày cuối trong vai trò ngoại trưởng vẫn chưa bày tỏ quan điểm về việc tẩy chay. Hôm qua, ông Pompeo khẳng định đang nghiên cứu chủ đề này để tìm ra biện pháp tốt nhất nhằm "trừng phạt tối đa Đảng cộng sản Trung Quốc".

Những lời kêu gọi liên tục được đưa ra, nhất là từ Hạ Viện, đề nghị tổng thống Joe Biden quyết định tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh, do Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ mà Washington đã đánh giá là "diệt chủng". Sự kiện này trên nguyên tắc sẽ khai mạc vào ngày 04/02/2022, chưa đầy 6 tháng sau Thế vận hội mùa hè ở Tokyo - bị dời lại vì đại dịch Covid.

Thụy My

*********************

Quốc hội Trung Quốc họp với trọng tâm là cải tổ bầu cử để loại bỏ phe dân chủ ở Hồng Kông

Thanh Phương, RFI, 05/03/2021

Hôm 05/03/2021, Quốc hội Trung Quốc khai mạc kỳ họp thường niên, với trọng tâm là cải tổ bầu cử ở Hồng Kông, nhằm mục tiêu loại trừ các ứng cử viên thuộc phe đối lập dân chủ ở đặc khu hành chính này.

tap3

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Carrie Lam (trái) trong phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 05/03/2021.  Reuters - Carlos Garcia Rawlins

Dự luật về cải tổ bầu cử ở Hồng Kông trên nguyên tắc sẽ được các đại biểu Quốc hội Trung Quốc thông qua vào thứ Năm 11/03. Văn bản dự luật chưa được công bố, nhưng theo một quan chức cao cấp của Hồng Kông, mục tiêu chính là thay đổi thể thức bầu cử Hội Đồng Lập Pháp, nghị viện của Hồng Kông.

Bắc Kinh đã từng báo trước là sẽ chỉ có những người "yêu nước" mới xứng đáng lãnh đạo đặc khu hành chính 7 triệu dân này. Nói cách khác, với luật bầu cử mới, Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết đối với những ứng cử viên bị xem là không thân chế độ Bắc Kinh.

Theo hãng tin AFP, các nhà đối lập xem dự luật này là "cái đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài của nền dân chủ Hồng Kông".

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gởi về bài tường trình :

"Bắc Kinh vẫn chưa nói rõ chi tiết về những cải tổ luật bầu cử mà họ muốn áp đặt ở Hồng Kông, nhưng theo các thông tin rò rỉ được đăng trên báo chí địa phương, 5 ghế được bầu "một cách dân chủ nhất" sẽ bị loại bỏ, và tổng số ghế trong Hội đồng Lập pháp sẽ tăng từ 70 lên 90. Các nghị viện cấp quận sẽ không còn được quyền bầu lãnh đạo hành pháp, hậu quả của chiến thắng áp đảo của phe đối lập trong cuộc bầu cử cấp quận năm 2019.

Hội đồng cử tri bầu chọn lãnh đạo hành pháp sẽ tăng từ 1.200 ghế lên 1.500 ghế, chắc là nhằm "pha loãng" hơn nữa những tiếng nói dân chủ trong diễn đàn này.

Để những thay đổi đó có thời gian được thực hiện, cuộc bầu cử lập pháp, vốn đã bị dời lại một năm vào tháng 09/2020, sẽ bị dời lại thêm 1 năm nữa.

Tóm lại, đó là tất cả những biện pháp mà Bắc Kinh có thể tưởng tượng ra được để kiểm soát một cách rất chặt chẽ đời sống chính trị ở Hồng Kông, nhưng vẫn cố duy trì một cái vỏ dân chủ".

Trung Quốc tăng ngân sách quân sự

Bên lề kỳ họp thường niên ngày 05/03 của Quốc hội, bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo ngân sách quân sự của nước này trong năm 2021 sẽ tăng nhẹ, tức là tăng 6,8%, trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn với Hoa Kỳ về Đài Loan và Biển Đông. Cụ thể, năm 2021, Bắc Kinh dự trù chi ra 209 tỷ đô la cho quốc phòng, một ngân sách vẫn còn thấp hơn từ ba đến bốn lần so với chi phí quân sự của Mỹ.

Về kinh tế, trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội, thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng cho năm nay là 6%, trong bối cảnh kinh tế nước này đang gượng dậy từ cú sốc đại dịch Covid trong năm 2020.

Thanh Phương

**********************

Trung Quốc : 5.000 đại biểu dự họp Chính Hiệp và Quốc hội

Thụy My, RFI, 04/03/2021

Gần 5.000 đại biểu và cố vấn của Đảng cộng sản Trung Quốc họp đại hội trong tuần này ở Bắc Kinh. Hôm 04/03/2021 khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp). Ngày mai Quốc hội Trung Quốc chính thức họp, với các quy định chặt chẽ về y tế như năm ngoái.

tap4

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/03/2021.  Reuters - Carlos Garcia Rawlins

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài phóng sự :

"Các đèn tín hiệu giao thông cho khách bộ hành tự chuyển mầu trong buổi sáng sớm ở thủ đô Bắc Kinh. Chẳng có mấy người qua lại trên những giao lộ gần đại lộ Tràng An, nơi có những khách sạn lớn đón tiếp các đại biểu của Lưỡng Hội (Liang Hui), tức hai kỳ họp của Quốc hội và Chính Hiệp như người Trung Quốc thường gọi.

Mặc áo phản quang bên ngoài bộ cảnh phục, công an kiểm soát các lối vào quảng trường Thiên An Môn, những cư dân trong khu vực được yêu cầu trình thẻ căn cước, lối ra các trạm xe điện ngầm gần Đại sảnh đường Nhân Dân đã bị đóng từ vài ngày qua. Một người giao hàng xuất hiện trong sương mù với hai tô mì, đã bị công an chận lại, không cho đi xa hơn.

Người này nói : "Nếu khu vực giao hàng bị hạn chế, thì chúng tôi đã được báo trước. Chúng tôi sẽ gọi cho khách để họ đến lấy món hàng đã đặt mua. Giờ đây thì gắt gao hơn, thậm chí còn có những nơi mà bản đồ định vị chỉ hiện lên toàn một màu trắng, thường là gần các tòa nhà chính phủ".

Không chỉ kiểm tra an ninh mà còn kiểm soát về y tế. Việc ra vào thủ đô trong thời gian nghỉ Tết âm lịch bị hạn chế, tất cả nhằm tránh nguy cơ con virus quay lại Bắc Kinh. Những camera kiểm tra thân nhiệt được bố trí ở khu vực tiếp tân, các thang máy, phòng họp của các khách sạn đều được khử trùng hai tiếng đồng hồ một lần.

Các đại biểu Quốc hội đều đã xét nghiệm và đa số đã được tiêm chủng, như 200 đại biểu Hồng Kông thân Bắc Kinh đã được chích ngừa tại Thâm Quyến. Tương tự đối với các tài xế xe buýt và xe hơi chuyên đưa đón đại biểu từ các khách sạn đến Đại sảnh đường Nhân Dân. Cũng như năm ngoái, các đoàn đại biểu được yêu cầu không ra ngoài trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội".

Thụy My

*******************

Nhân quyền : Bắc Kinh "thảo luận" với Liên Hiệp Quốc về chuyến khảo sát Tân Cương

Trọng Thành, RFI, 03/03/2021

Từ nhiều tuần nay chính quyền Bắc Kinh liên tục chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế về các cáo buộc giam giữ tùy tiện, bạo lực tình dục và lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương. Hôm 02/03/2021, Trung Quốc cho biết đang thảo luận về chuyến thăm khu vực Tân Cương của lãnh đạo Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. 

tap5

Bà Michelle Bachelet, khi còn là tổng thống Chile gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ngày 14/05/2017, tại Bắc Kinh trong một hội nghị về dự án "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc.  AP - Aly Song

Hãng tin Anh Reuters cho hay, Bắc Kinh đang thảo luận về chuyến đi của cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, nhưng đồng thời nhấn mạnh là cơ quan này không nên lên án trước các chính sách của Trung Quốc. Ông Tưởng Đoan (Jiang Duan), đại diện Trung Quốc tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ở Genève, tuyên bố : "Cánh cửa đến Tân Cương luôn rộng mở, và chúng tôi hoan nghênh cao ủy đến thăm vùng Tân Cương. Liên lạc vẫn được duy trì giữa hai bên, và mục đích của chuyến thăm là để trao đổi và hợp tác hơn là ... cái gọi là tiến hành điều tra dựa trên ‘‘việc khép tội trước khi được chứng minh’’".

Đại diện Trung Quốc phản đối việc mà ông gọi là "chính trị hóa" lĩnh vực nhân quyền và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này, đồng thời bác bỏ các lo ngại của Úc, Thụy Điển và Hoa Kỳ tại diễn đàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ở Genève.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu 26/02 vừa qua khẳng định cần có các đánh giá toàn diện và độc lập về những cáo buộc liên quan đến tình trạng giam giữ tùy tiện, ngược đãi, bạo lực tình dục và lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Nhưng giới bảo vệ nhân quyền hoài nghi về ý nghĩa thực sự của chuyến thị sát sắp tới của cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bởi bà Michelle Bachelet khó có thể được tới các địa điểm theo yêu cầu, mà không bị chính quyền Trung Quốc cản trở. Lần cuối cùng một cao ủy phụ trách Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đến Trung Quốc là vào tháng 9/2005.

Về vấn đề này, trong một thông điệp trên Twitter hôm qua, bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách hồ sơ Trung Quốc của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, lưu ý là trên thực tế chính quyền Bắc Kinh đã tìm mọi cách ngăn chặn giới quan sát tiếp cận với sự thực tại vùng Tân Cương, và kinh nghiệm hai năm thất bại vừa qua cho thấy là cao ủy Nhân Quyền và các cộng sự của định chế này phải thay đổi quan điểm.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Mỹ Trung đấu khẩu dữ dội về chính sách triệt sản người Duy Ngô Nhĩ

Trọng Nghĩa, RFI, 03/10/2020

Trung Quốc vào hôm 02/10/2020, đã lên tiếng tố cáo Mỹ dối trá và tìm cách "đưa thế giới trở về thời kỳ rừng rú". Đả kích trên được đưa ra sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc cưỡng ép phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương triệt sản và phá thai.

tancuong0

Người biểu tình Duy Ngô Nhĩ trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫm lên ảnh bí thư Tân Cương, Trần Toàn Quốc, bị coi là thủ phạm trực tiếp của các đàn áp nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Ảnh tư liệu chụp ngày 01/10/2019. © Reuters/Huseyin Aldemir/File Photo

Theo hãng tin Anh Reuters, ngày 01/10, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bộ trưởng Giáo Dục Mỹ Betsy DeVos đã ra tuyên bố cáo buộc Trung Quốc là cưỡng ép phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và nhiều sắc dân thiểu số khác phải phá thai, triệt sản hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai khác.

Một phát ngôn viên phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã lập tức ra thông cáo phản đối, cho rằng cáo buộc của Mỹ là "ngụy tạo", đúng với "thói quen nói dối và lừa đảo" của một số chính trị gia Mỹ. Theo nhân vật này, động thái đó của Mỹ đi ngược lại xu thế của thời đại, và thể hiện ý muốn đưa thế giới trở về "thời kỳ rừng rú".

Reuters ghi nhận là phía Mỹ cũng đồng thời cáo buộc Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA -United Nations Population Fund) về vấn đề này, buộc định chế Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng phản bác. Quỹ UNFPA hôm qua đã lên tiếng lấy làm tiếc về những cáo buộc mà bộ trưởng Giáo Dục Mỹ đưa ra hôm 01/10 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lên án chính sách kiểm tra dân số thô bạo của Trung Quốc, đã ''sát hại hàng triệu bé gái… với sự tiếp tay của các cơ quan Liên Hiệp Quốc''.

Giám đốc điều hành Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc Natalia Kanem khẳng định trước báo giới rằng cơ quan này chống lại mọi hành vi cưỡng bức phụ nữ, và luôn mời quốc tế đánh giá về việc làm của mình tại Trung Quốc. Bà Natalia Kanem nhấn mạnh vấn đề là ''trong bốn năm qua, Hoa Kỳ đã không đến thăm các chương trình của chúng tôi''.

Từ năm 2017, chính quyền của tổng thống Donald Trump đã cắt tài trợ cho Quỹ UNFPA, với cáo buộc là định chế này ''hỗ trợ ... một chương trình cưỡng ép phá thai hoặc triệt sản không tự nguyện''. Cáo buộc này đã bị Liên Hiệp Quốc bác bỏ. 

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 03/102020

*********************

Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc ngang nhiên vì không sợ bị xét xử

Thu Hằng, RFI, 23/10/2020

Khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các "trung tâm dạy nghề" mọc lên như nấm ở Tân Cương trong thời gian nhanh đến chóng mặt từ năm 2013. Mức tăng dân số ở Tân Cương đã giảm 84% từ năm 2015 đến 2018 vì chính sách cưỡng ép triệt sản… Tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo đang bị Hán hóa, thậm chí bị "diệt chủng" theo một số cáo buộc gần đây.

tancuong0

Quân đội Trung Quốc luyện tập tại căn cứ Bayingol, vùng tự trị Tân Cương. Ảnh tư liệu 21/01/2016. Reuters- China Stringer Network

Chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ được thi hành khẩn trương và mạnh tay kể từ năm 2013 khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Trong nhiều năm, chủ đề này chỉ được truyền thông đề cập, giới chính trị gia phản ứng dè dặt. Nhưng dường như "gió đã đổi chiều" : Sau khi Mỹ trừng phạt nhiều quan chức và công ty Trung Quốc liên quan đến chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, một số nước phương Tây đã lên tiếng, dù còn hạn chế.

Phương Tây chỉ trích rời rạc

Nhật báo Công giáo Pháp La Croix nhận thấy cộng đồng quốc tế đã thức tỉnh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng chỉ dừng lại ở mức "lên án" và đơn phương trừng phạt. Những biện pháp này không đủ trọng lượng vì "thiếu đồng bộ" giữa các nền dân chủ, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Marc Julienne, thuộc Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI).

Bắc Kinh phủ nhận tất cả mọi "cáo buộc sai lạc", những "lời vu khống" của phương Tây và gần như "ăn miếng trả miếng" ngay lập tức. Ngày 30/06/2020, 27 nước Châu Âu, trong đó có Anh Quốc, đã cùng trình lên Liên Hiệp Quốc một tuyên bố chung kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để chống chiến dịch trấn áp ở Tân Cương. Đáp lại, Bắc Kinh huy động được 46 nước ủng hộ "chiến dịch chống khủng bố" của Trung Quốc. Điều này cho thấy Bắc Kinh có ảnh hưởng như thế nào trong Liên Hiệp Quốc, theo nhận định của nhà nghiên cứu Pháp Marc Julienne.

Một số tiếng nói bảo vệ nhân quyền cho rằng chính sách trấn áp ở Tân Cương là tội ác chống nhân loại và diệt chủng, thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ở La Haye, được thành lập theo Quy chế Roma năm 1998 và hoạt động từ năm 2002.

Luật pháp quốc tế bất lực ?

Tuy nhiên, luật sư Clémence Bectarte, giám đốc Nhóm hành động tư pháp của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) bác ngay khả năng một Nhà nước bị đưa ra tòa án này, vốn chỉ xét xử những cá nhân và quan chức đã ra lệnh hoặc phạm tội ác.

Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể can thiệp khi có thủ tục tố tụng ở Trung Quốc và điều này hiện không xảy ra. Một điểm quan trọng khác là Trung Quốc không phê chuẩn Quy chế Roma 1998, giống như các nước Mỹ, Nga, Israel… Nhóm 5 nước thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có thể thay đổi tình hình, như trường hợp đối với Sudan và Libya (hai nước không phê chuẩn Quy chế Roma). Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.

Dù tư pháp quốc tế bất lực trong trường hợp này, luật sư nhân quyền Clémence Bectarte cho rằng vẫn có thể tính đến hai khả năng. Thứ nhất, tương tự với những tội ác ở Syria, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thành lập một cơ chế điều tra vào năm 2016 để lách phủ quyết của nhóm năm nước thường trực Hội Đồng Bảo An. Nhiều đội điều tra đang thu thập tài liệu và chứng cứ nhắm vào tổng thống Bachar Al Assad với hy vọng ngày nào đó lãnh đạo Syria bị đưa ra xét xử.

Trường hợp thứ hai là đưa hồ sơ ra Tòa Án Công lý Quốc tế (CIJ, có thẩm quyền liên quan đến cấp Nhà nước). Ví dụ gần đây nhất là vào mùa hè năm 2019, Gambia kiện Miến Điện trong hồ sơ người Hồi Giáo Rohingya, vì đã không tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng. Tháng 01/2020, Tòa Án Công lý Quốc tế đã ra lệnh cho Miến Điện đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ người Rohingya. Về lý thuyết, quyết định của Tòa mang tính ràng buộc, nhưng nước liên quan có thực hiện hay không lại là một chuyện khác.

Vì vậy, hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương khó có thể đi xa hơn ngoài những biện pháp trừng phạt và lên án, vì đối với những cường quốc, chủ quyền quốc gia còn có trọng lượng hơn nhiều, như nhận định với La Croix của luật sư Clémence Bectarte.

Thu Hằng

Nguồn : 23/07/2020

Published in Diễn đàn