Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong tháng 5 này, lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm tiền phương của họ đều đồng loạt tiến hành "các hoạt động ứng phó dự phòng" ở Tây Thái Bình Dương để hậu thuẫn chính sách "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Lầu Năm Góc.

Động thái này là để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng phần nào bác bỏ quan niệm cho rằng Hải quân Hoa Kỳ đã bị suy yếu vì đại dịch virus corona chủng mới đang diễn ra, theo National Interest.

my1

Tàu ngầm tấn công lớp SSN 789 - USS Indiana của Hoa kỳ

Trung Quốc trong khoảng 2 tháng gần đây bị cáo buộc là gia tăng việc củng cố các đảo nhân tạo và "bắt nạt" các quốc gia khác trong khu vực giữa lúc phần lớn thế giới tập trung vào chống đại dịch.

Tàu ngầm Mỹ đã hiện diện tại Biển Đông như một răn đe đáng kể đối với những động thái leo thang gần đây của Trung quốc.

National Interest dẫn lại một phóng sự của Honolulu Star-Advertiser cho hay ít nhất 7 tàu ngầm Mỹ, nhưng cũng có thể nhiều hơn, trong đó có 4 tàu ngầm tấn công đóng quân ở đảo Guam, tàu USS Alexandria đóng quân ở San Diego và các tàu đóng quân ở Hawaii, tham gia vào hoạt động biểu dương sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời cũng cho thấy rõ rằng Lầu Năm Góc có thể tiến hành các hoạt động linh hoạt và không thể đoán trước được.

Thông thường, ít khi người ta nhìn thấy các tàu ngầm Mỹ. Vì vậy, khi Hải quân Hoa Kỳ quảng bá về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm, điều đó có nghĩa là Hải quân Hoa Kỳ có chủ ý đưa ra một thông điệp với đối phương. Ngoài ra, trong trường hợp này, động thái của Mỹ cũng có thể nhằm thể hiện rằng Mỹ vẫn linh hoạt tuy phải đối phó với đại dịch.

Hải quân Mỹ tuyên bố rằng các tàu ngầm của họ đang tiến hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sử dụng các khả năng tác chiến trong lòng biển để hỗ trợ cho một loạt các nhiệm vụ.

Lực lượng tàu ngầm chiến lược

"Lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác là họ sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi", Tư lệnh Lực lượng tàu ngầm, Chuẩn Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Blake Converse nói, theo bản tin của National Interest.

Ông khẳng định : "Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn có sức mạnh hủy diệt, đa năng và sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay".

Tàu ngầm được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông, và lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của Hải quân Hoa Kỳ vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ba trong số các tàu ngầm thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã tham gia một cuộc tập trận tác chiến tiên tiến trong tháng này ở Biển Philippines, trong đó bao gồm thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, kịch bản chiến đấu trên mặt nước và trong lòng biển.

Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ có năng lực tác chiến chống ngầm, chống hạm, tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất, hoạt động tình báo, do thám, trinh sát và cảnh báo sớm, cũng như có khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược trên toàn thế giới.

"Hoạt động của chúng tôi là một minh chứng rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng ta theo luật pháp quốc tế", Chuẩn Đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương, đóng quân ở Trân Châu Cảng, nói trong một thông cáo hôm 8/5.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tái xuất

Sức mạnh của Hải quân Mỹ tiếp tục hồi phục với việc tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ ra khơi trở lại vào cuối tuần này, trước ngày lễ Chiến sĩ Trận vong 25/5, các quan chức Hải quân cho biết hôm thứ 19/5, được Fox News dẫn lại.

Trước đó, dịch virus corona làm chiếc tàu chiến khổng lồ bị loại khỏi vòng chiến đấu trong gần hai tháng vì hơn 1.000 thủy thủ có kết quả xét nghiệm dương tính.

Kể từ giữa tháng 3, cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ tấp vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Đông Nam Á, nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Các hành vi khiêu khích của Trung Quốc đã không chỉ diễn ra trên trời.

my2

Tuần dương hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) tuần tra trên Biển Đông ngày 20/3/2020.

Khi tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê giàn khoan West Capella để khai thác tại vùng biển chồng lấn mà Malaysia và Việt Nam cùng yêu sách chủ quyền, Trung Quốc bèn điều chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) cùng với một đoàn tàu hải giám và dân quân biển đến (địa điểm West Capella hoạt động nằm bên trong đường lưỡi bò do Bắc Kinh vẽ ra).

Đáp lại, Hoa kỳ cho tàu tuần duyên tác chiến USS Gabrielle Giffords đến khu vực và tuần tra từ ngày 26 đến 28/04.)

Ông Werner cũng nhắc đến vụ quấy rối đối với tàu khu trục mang tên lửa có điều hướng USS Mustin đóng quân ở Nhật Bản hồi tháng trước khi tàu này ở gần một nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc đang tuần tra qua Biển Đông. Một tàu hộ tống của Trung Quốc đã chạy "một cách không an toàn và không chuyên nghiệp" gần tàu của Mỹ, ông Werner nói với Fox News.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 18/5, nói từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, Thuyền trưởng Carlos Sardiello bày tỏ rằng ông tự tin về khả năng con tàu sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ sau 2 tháng tạm dừng hoạt động ở đảo Guam.

Ông nói : "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện để có xác suất thành công cao, chúng tôi sẽ ra khơi và thực hiện nhiệm vụ của mình", theo tin của AP.

Các quan chức khác của Mỹ không muốn nêu tên cho AP biết trong vài ngày tới nếu mọi việc suôn sẻ, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ tiến hành các hoạt động hải quân ở khu vực Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian trước khi trở về cảng nhà ở San Diego.

Không lực Hoa Kỳ nhập cuộc

Không lực Hoa Kỳ cũng không đứng ngoài cuộc, theo tin của South China Morning Post. Quân chủng này của Mỹ gần đây tăng cường các chuyến bay bằng máy bay ném bom B-1B Lancer bên trên các vùng biển gần Trung Quốc.

Các chuyến bay đó diễn ra giữa lúc cả Hải quân lẫn Không quân Mỹ đều gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Hoàng Hải trong năm nay.

South China Morning Post dẫn lại thông báo mới nhất của Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đăng trên Twitter hôm thứ Ba 20/5 cho biết các máy bay ném bom B-1 đã thực hiện một phi vụ ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện cùng Hải quân Hoa Kỳ gần Hawaii.

Phi vụ này "thể hiện độ tin cậy của lực lượng không quân Hoa Kỳ để xử lý một môi trường an ninh đa dạng và bất định".

Không lực Hoa Kỳ đã điều hai chiếc B-1B Lancer tiến hành chuyến bay hai chiều kéo dài 32 giờ ở bên trên Biển Đông vào ngày 29/4.

Lực lượng này luân phiên triển khai các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, ba loại máy bay ném bom chiến lược của không quân, bên cạnh các máy bay quân sự khác bay qua vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc.

Ông Song Zhongping, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự, có văn phòng ở Hong Kong, được South China Morning Post dẫn lời nói rằng các chuyến bay thường xuyên của B-1 và B-52 không chỉ nhằm thể hiện sự hiện diện của quân đội Mỹ mà còn là những cuộc thao dượt hướng tới những trận chiến tiềm tàng trong tương lai.

"B-1, đang dần thay thế B-52, cần phải bay quanh vùng biển để biết rõ các điều kiện chiến trường", ông nói.

"Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào một cuộc cạnh tranh toàn diện và tình hình còn xấu hơn thời Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ. Không thể loại trừ rủi ro xung đột quân sự ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Và các nguy cơ vẫn đang tăng lên", ông Song nói.

Biển Đông căng thẳng gia tăng : Hải quân Hoa Kỳ triển khai 20 tàu chiến để cảnh báo Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông (Courtesy of Dot Com News, 18/5/2020)

Khả năng cuộc chiến Biển Đông định hình lại Châu Á

"Một cuộc chiến có thể nổ ra bất kỳ lúc nào ở Biển Đông có thể định hình lại Châu Á nói riêng và thế giới nói chung, trong bối cảnh cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đang chuẩn bị cho kịch bản này.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là phi pháp, nhưng các quan chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Bắc Kinh vẫn không ngừng khuyến khích các lực lượng của mình tấn công tàu hải quân Mỹ hoạt động hợp pháp tại vùng biển này.

Có vẻ như Trung Quốc đang kích động chiến tranh - một cuộc chiến mà rất có thể sẽ khiến nước này phải gánh chịu hậu quả. Thế nhưng, cuộc chiến đó sẽ không chỉ giới hạn ở vùng biển này mà cuối cùng có thể kết thúc bằng sự thay đổi chính trị ở Bắc Kinh".

Đó là nhận định của Giáo sư Kerry K. Gershaneck là học giả tham cứu tại Viện nghiên cứu Đông Á (Đại học Chính trị Quốc gia, Đài Loan), cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và nghiên cứu viên cao cấp tại Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS.

Một sĩ quan của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã hô hào tàu hải quân PLA đâm chìm các tàu hải quân Mỹ đang thực thi các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Một sĩ quan khác thì kêu gọi đánh chìm hai tàu sân bay của Mỹ và tiêu diệt 10.000 lính thủy Mỹ để buộc nước này phải rời khỏi vùng biển tranh chấp này.

Tại một hội thảo ở Bắc Kinh do tờ Thời báo Hoàn Cầu tài trợ ngày 8/12/2018, Đại tá Không quân PLA Đới Húc, Viện trưởng Viện nghiên cứu an ninh và hợp tác hàng hải Trung Quốc, tuyên bố : "Nếu tàu Mỹ còn tiếp tục xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc, đề nghị điều hai tàu chiến : một để ngăn chặn và một để đâm chìm".

Một sĩ quan cấp cao của Hải quân PLA sau đó đã kêu gọi đánh chìm hai tàu sân bay của Hải quân Mỹ để dọa cho Mỹ phải sợ mà rời khỏi Biển Đông.

Trong một bài phát biểu ngày 20/12/2018, Chuẩn đô đốc La Viện, Phó viện trưởng Viện khoa học quân sự Trung Quốc, khẳng định yếu tố then chốt để Trung Quốc kiểm soát tình hình tại Biển Đông là sử dụng tên lửa hành trình đánh chìm hai tàu sân bay, tiêu diệt càng nhiều lính thủy Mỹ càng tốt.

Trong lời hô hào tiêu diệt 10.000 lính Mỹ, ông tuyên bố : "Điều khiến Mỹ lo sợ nhất là bị thương vong. Chúng ta sẽ thấy Mỹ sợ hãi như thế nào".

Có thể có những ý kiến bao biện rằng thái độ hiếu chiến như vậy của các sĩ quan PLA cấp cao không phản ánh chủ trương chính thức của Trung Quốc hoặc đơn giản đây chỉ là một cuộc chiến tranh thông tin, nhưng những lời biện hộ như vậy là không thỏa đáng. Không một ai trong số các sĩ quan cấp cao nói trên bị Trung Quốc công khai chỉ trích vì kích động chiến tranh, và Hải quân Trung Quốc vẫn có những hành động ngày càng nguy hiểm trên Biển Đông.

Năm 2020 : Những dấu hiệu, cảnh báo và chiến tranh từ Trung quốc ngày càng gia tăng

Trung Quốc đã để lộ các báo cáo cho rằng Tập Cận Bình ra lệnh cho PLA dùng vũ lực để giành lại Đài Loan vào năm 2020. Bước sang năm 2020, Tập Cận Bình đã để mắt tới Biển Đông và coi đó là mục tiêu cũng có thể đạt được trong năm nay. Hai mục tiêu đan xen mật thiết với nhau. Trong đó, Biển Đông là mục tiêu cần đạt trước.

Ngày 26/1, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm 1 tàu sân bay, 15 tàu chiến mặt nước và 10 tàu ngầm từ đảo Hải Nam tiến về phía Nam. Đồng thời, Không quân PLA đã triển khai máy bay chiến đấu tới đảo Hải Nam và các căn cứ dọc bờ biển Đông Nam của Trung Quốc, bao gồm các phi đội Su-27 Flankers và FB-7 Flounders có khả năng thực hiện các cuộc tấn công trên biển. Lực lượng tên lửa của PLA được bố trí ở Đông Nam Trung Quốc, đối diện với Đài Loan, cũng được đặt trong tình trạng báo động cao và được bổ sung nhiều trung đoàn với các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Trên phạm vi toàn cầu, Bắc Kinh đã dàn dựng các cuộc biểu tình hòa bình quy mô lớn thông qua các tổ chức thuộc Mặt trận thống nhất của họ tại những thành phố lớn. Đồng thời, nước này cũng tăng cường các cuộc tấn công mạng và bắt đầu các hoạt động phá hoại tại những nước thù địch nhằm làm gián đoạn các hoạt động quân sự và tiến trình ra quyết định cấp quốc gia.

Chiến tranh lạnh Mỹ Trung đã định hình, cán cân quyền lực thế giới thời hậu Covid-19 đang xoay chuyển và những ngòi nổ dường như đã phát đi những tia lửa từ Biển Đông chứ không phải từ nơi nào khác.

Hoàng Trung

Nguồn : Thoibao.de, 22/05/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Trung
Published in Diễn đàn