Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồ sơ số 1 những quan chức Việt Nam bị chế tài theo Luật Magnitsky được Ủy ban cứu người vượt biển BPSOS công bố ngày 3/4. Đặc biệt trong hồ sơ này bao gồm 25 nhân vật liên can đến các hành vi tra tấn đối với Mục Sư Nguyễn Công Chính và vợ là Bà Trần Thị Hồng.

hoso1

Công an mặc thường phục đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 22/8/2011. AFP photo

Phản ứng của bà Trần Thị Hồng nói riêng và của những người từng là nạn nhân của đàn áp, đánh đập nói chung như thế nào ?

Một ủng hộ lớn

Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã chính thức chọn hồ sơ số 1 này cho Đề Án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo. Đề án này là nỗ lực của Ủy Hội để cung cấp dữ kiện cho Hành Pháp Hoa Kỳ trong việc đưa một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vào danh sách Quốc Gia Phải Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) và sẽ được công bố vào ngày 6/4 tới đây tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Bà Trần Thị Hồng, vợ của mục sư Nguyễn Công Chính bày tỏ khi nghe tin về danh sách chế tài này :

"Qua sự kiện này rất cám ơn tổ chức BPSOS đã hiệp thông với giáo hội, đặc biệt là với gia đình tôi. Luật Magnitsky chế tài những người vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Ủy hội của tự do tôn giáo Hoa Kỳ trong ngày 6 này có buổi điều trần. rất vui cho các tôn giáo ở Việt Nam, không riêng gì gia đình và giáo hội đâu mà còn các tôn giáo khác nữa.

Việt Nam cần quan tâm đến tự do tôn giáo, là quyền thiêng liêng của mỗi con người. chính quyền Việt Nam đã chà đạp lên quyền thiêng liêng đó thì tất nhiên phải có sự lên tiếng và có tiếng nói công bằng".

Bà Trần Thị Hồng có nhắc lại về những lần bà và gia đình bị đánh đập vào tháng 4/2016, sau khi bà gặp các phái đoàn đặc trách về tự do tôn giáo. Giáo hội và gia đình bà đã làm đơn gửi đến các cấp của chính quyền tỉnh Gia Lai cũng như các cấp trung ương, nêu đích danh những người đã đánh đập bà, nhưng không nhận được phản hồi.

"Họ im lặng, không trả lời đơn tố cáo của gia đình tôi".

Giờ đây, 25 nhân vật có tên trong Hồ sơ số 1 những người bị chế tài theo Luật Magnitsky là những người đã có hành vi đánh đập và đàn áp Mục sư Nguyễn Công Chính, và vợ ông là bà Trần Thị Hồng.

Nữ cựu tù nhân lương tâm, dân oan - nhà đấu tranh dân chủ Bùi Thị Minh Hằng cho biết thông tin này làm cho bà và những người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền trong nước rất vui mừng.

"Mừng ở chỗ là các cuộc đấu tranh trong đât nước này đối với độc tài toàn trị của cộng sản có từ rất lâu rồi, dai dẳng , ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh. Luật này ra hỗ trợ cực kỳ nhiều cho phong trào đấu tranh. Bởi vì phong trào đấu tranh trong nước đều xác địh là bất bạo động, những người đấu tranh dân chủ đều xác định điều đó, và thật sự rất khó để làm điều gì khác để họ (nhà cầm quyền) thay đổi. Cho nên luật này ra và được thi hành một cách triệt để thì nó ủng hộ rất lớn cho người đấu tranh".

Không tác động nhiều ?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS cho biết 25 nhân vật trong hồ sơ số 1 này không chỉ bị cấm nhập cảnh mà cả vợ, chồng, con đều bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, và nếu những người này đang ở Hoa Kỳ thì sẽ bị trục xuất.

Chế tài này được thực thi sẽ là một ủng hộ rất lớn cho người đấu tranh trong nước như lời bà Minh Hằng đã nói, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những băn khoăn khác về ảnh hưởng và tác động lên những người có tên trong danh sách.

US-VIETNAM-HUMAN RIGHTS

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (trái) trong buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm 17/1/2014. AFP photo

Một vị trong Giáo hội là Mục sư Tin lành Nguyễn Trung Tôn, người bị hành hung vào ngày 28 tháng 2 vừa qua cũng bày tỏ vui mừng khi biết tin về Hồ sơ số 1.

"Đối với tôi tôi nghĩ rằng điều luật đó có một số ảnh hưởng kha khá đến suy nghĩ, hành động của một số quan chức cấp cao của Đảng cộng sản trong giới lãnh đạo. Còn đối với hàng quan chức cấp thấp, cấp địa phương hay nhân viên thì gần như họ không bị tác động nhiều. vì họ không có suy nghĩ là họ có cơ hội sang Hoa Kỳ làm gì".

Do đó theo Mục sư Tôn, những quan chức cấp cao nếu sợ bị ảnh hưởng đến việc làm, tài khoản và người thân của họ thì chắc chắn những người này sẽ cố gắng "né tránh và ẩn mặt".

Thêm một vấn đề được Mục sư Nguyễn Trung Tôn đưa ra là dựa trên cơ sở nào để liệt kê những đối tượng vào danh sách bị chế tài. Băn khoăn này được Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) nêu rõ về ba đối tượng được xem là tội phạm phải chịu chế tài của Luật Magnitsky :

Thứ nhất là những giới chức chính quyền và những thuộc hạ của họ hoặc những người ngoài chính phủ hợp tác với giới chức chính quyền vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà được quốc tế ghi nhận.

Thứ hai là những giới chức quyền cướp đoạt tài sản của người dân.

Và thứ ba là những giới chức chính quyền can dự vào những vụ tham nhũng lớn và đàn áp những người lên tiếng vạch trần những sự việc ấy.

Cả ba đối tượng được mà Tiến sĩ Thắng nêu lên đều là những quan chức trong bộ máy nhà nước, những người có ảnh hưởng nhiều đến các chính sách phát triển của quốc gia, cả kinh tế lẫn chính trị.

Đề xuất mở rộng thành phần

Ủng hộ, vui mừng, hy vọng là những phản ứng chung của các nhà đấu tranh và cụ thể là nạn nhân của những sự đàn áp về tôn giáo, nhân quyền dân chủ. Bên cạnh đó, nữ cựu tù nhân lương tâm Minh Hằng, qua chính câu chuyện của bà đã đưa ra đề nghị Luật Magnitsky nên "mở rộng thành phần hơn nữa"

"Ở Việt Nam các quan chức nhà nước hình thành một hệ thống cướp bóc người dân. Bởi vì chắc chắn doanh nghiệp cũng như các nhân ở Việt Nam đã bị hệ thống ăn cướp có chỉ đạo từ Đảng cộng sản trở xuống, cho nên các cơ quan chính quyền từ an ninh mật vụ cho đến ngân hàng…cướp của dân rất bài bản,

Vì thế tôi đề nghị thêm về mặt chế tài đối với những thành phần quan chức trong nước là những người liên quan đến kinh tế nữa chứ không phải chỉ những kẻ đánh đập người dân không. Mình chỉ nhìn vào tình trạng công an thôi là một điều hết sức sai lầm. trong kinh tế họ cướp một cách kinh tế. Hệ thống kinh tế liên quan tiền bạc mới là nơi chứa chấp những tài sản của quan chức".

Bấm vào đây để đọc nguyên văn 'Hồ Sơ Số 1 do BPSOS chuyển sang Quốc Hội Hoa Kỳ'

Hồ sơ số 1 được Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo chọn cho Đề Án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo. Năm bộ hồ sơ còn lại sẽ lần lượt được công bố vào những thời điểm phù hợp trong những tháng sắp tới. Hiện tại BPSOS vẫn đang thu thập thêm hồ sơ mới để mở rộng tầm ảnh hưởng cho cuộc vận động chế tài các thủ phạm đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 05/04/2017

*******************************

Công bố một số quan chức bị đề nghị chế tài theo luật Magnitsky (RFA, 05/04/2017)



Hồ sơ số 1 những quan chức Việt Nam bị chế tài theo Luật Magnitsky được Ủy ban cứu người vượt biển BPSOS công bố ngày 3/4. Hồ sơ này bao gồm 25 nhân vật liên can đến các hành vi tra tấn đối với Mục Sư Nguyễn Công Chính và vợ là Bà Trần Thị Hồng. Một số nhân vật điển hình trong hồ sơ như Đại Tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai, Đại Tá Nguyễn Văn Long, Giám Đốc Sở Công An Thành Phố Pleiku, Đại Tá Nguyễn Văn Trạch, nguyên Phó Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai, Ông Lê Văn Hà, Chánh Án Toà Án Nhân Dân Tỉnh Gia Lai,…

hoso3

Đại Tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Gia Lai trong một lần trả lời phóng viên trong nước. Photo courtesy of gialaitv.vn

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS cho biết 25 nhân vật trong hồ sơ này không chỉ bị cấm nhập cảnh mà cả vợ, chồng, con đều bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, và nếu những người này đang ở Hoa Kỳ thì sẽ bị trục xuất.

Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế chính thức chọn hồ sơ số 1 này cho Đề Án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo. Đề án này là nỗ lực của Ủy Hội để cung cấp dữ kiện cho Hành Pháp Hoa Kỳ trong việc đưa một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vào danh sách Quốc Gia Phải Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) và sẽ được công bố vào ngày 6/4 tới đây tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

5 bộ hồ sơ còn lại sẽ lần lượt được công bố vào những thời điểm phù hợp trong những tháng sắp tới. Hiện tại BPSOS vẫn đang thu thập thêm hồ sơ mới để mở rộng tầm ảnh hưởng cho cuộc vận động chế tài các thủ phạm đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

6 bộ hồ sơ năm nay được lựa chọn dựa theo các tiêu chuẩn : Sự đàn áp nghiêm trọng vì xảy ra hành vi tra tấn hay đánh chết người, Nạn nhân là những người tranh đấu cho nhân quyền, Hồ sơ khả tín vì đã được quốc tế, nhất là chính quyền Hoa Kỳ, công nhận, Vấn đề trách nhiệm có thể truy cứu đến những giới chức chính quyền.

Luật Magnitsky Toàn Cầu có mục đích để chế tài từng cá nhân giới chức chính quyền liên can đến hành vi đàn áp nhân quyền một cách trầm trọng. Các biện pháp chế tài bao gồm cấm thủ phạm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ của họ.

Published in Diễn đàn