Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 29 juin 2017 12:42

Quyền lực của kẻ bị trị

Thật ngạc nhiên, bản PDF từ một cuốn sách cũ của học giả Trần Trọng Kim đột nhiên trở thành thứ được săn tìm trong suốt nhiều ngày ở Việt Nam, kể từ khi có lệnh "ở trên" là phải thu hồi bản in lại của nhà sách Phương Nam từ ngày 26/6/2017. Dù đó là một phiên bản bị kiểm duyệt và cắt xén một cách tồi tệ.

bitri1

Hồi ký của Lệ Thần Trần Trọng Kim - Một cơn gió bụi

Những câu chuyện bị xóa đi, những chi tiết quan trọng liên quan đến những nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp được giấu lại sau lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền. Nhưng chính điều đó, lại khiến vô số người săn tìm và đọc lại những bản in gốc để ngẫm nghĩ về chuyện tình của ông Hồ Chí Minh với cô Đỗ Thị Lạc, rồi chuyện những người kháng Pháp đầu tiên từ chối không muốn theo cộng sản đã bị Việt Minh thủ tiêu… Thậm chí đây là cơ hội-đánh động để nhiều người nhìn thấy lại một chính phủ dân chủ đầu tiên của người Việt với chủ nghĩa quốc gia, chỉ trong 4 tháng tồn tại đã tạo ra những tiền đề cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và văn minh như thế nào.

Bản văn Một cơn gió bụi của ông Trần Trọng Kim cũng nhắc về nguồn gốc của lá cờ vàng ba sọc đỏ - vốn là nguồn cơn của các cuộc tranh cãi giữa phe cộng sản cực đoan với phe chống cộng – đó là lá cờ có từ thời khởi nghĩa đòi độc lập của bà Triệu Thị Trinh. "Lá cờ vàng là từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc sử diễn ca nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng : "Đầu voi phất ngọn cờ vàng". Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc…Chữ ly còn có nghĩa là lửa, là văn minh, là ánh sáng phóng ra bốn phương". (Sách Một cơn gió bụi).

Quả là thú vị, khi sự ngăn cấm lại tạo cơ hội cho lớp người bị trị có được thứ quyền lực to lớn nhất, quan trọng nhất : tri thức và sự thật.

Cũng tương tự như vậy, khi quyển sách về học giả Petrus Trương Vĩnh Ký bị cấm, người ta cũng tìm đọc những bản hiếm hoi, photo chuyền ra ngoài. Thậm chí những dữ liệu khác về Petrus Ký cũng được dò tìm nhiều hơn trên Google. Thế hệ mới lại có dịp học-biết về một trí thức bậc nhất của người Việt bị nhấn chìm vào quên lãng trong một xã hội mà mọi góc nhìn đều phải soi qua lỗ kim tư tưởng cách mạng-cộng sản. Loại lỗ kim mà những bản văn đầy máu và nước mắt ghi chép về Gạc Ma và cuộc xâm lược của Quốc dứt khoát không được phép ấn hành, nhưng sách ca ngợi hết lời Đặng Tiểu Bình, kẻ chủ trương xua quân đánh và dạy "một bài học"cho Việt Nam vào 1979, thì được phát hành bản đẹp và trưng bày trang trọng ở nhiều nhà sách.

Thời đại đang thay đổi. Hôm nay nếu bạo chúa Tần Thủy Hoàng có sống lại và đốt, chôn mọi thứ văn hóa tự do và sự thật của người Việt Nam thì cũng vô ích. Internet đang cứu rỗi mọi thứ. Trong khi kẻ thống trị tìm mọi cách để xây dựng một hệ thống công an hùng hậu, dùi cui, súng đạn, án tù… thì nhân loại đã trao cho nhau món quà vĩ đại, đó là khả năng lưu giữ vô tận quyền được biết về sự thật. Khi mọi rào cản được dựng nên, con người lại càng khao khát hơn nữa sự thật và tri thức về tự do của mình, của thế hệ mình.

Ngăn cấm giờ đây thật dễ bộc lộ gương mặt trơ trẽn của kẻ thống trị, và nhanh chóng tạo quyền lực nhận thức cho kẻ bị trị.

Nếu không có những cấm đoán, những cuộc săn lùng và hủy diệt, chưa chắc nhạc vàng đã có được một giai đoạn được hàng triệu người dân miền Nam gìn giữ một cách lặng lẽ trong trí nhớ và tiếng hát, dẫu phải thì thầm, để rồi có hôm nay, khi nhạc vàng trở thành đặc trưng và một phần sức sống không thể chối bỏ trên mọi nẻo đường miền Nam.

Nếu không có sự kiện thu hồi giải thưởng và bức tranh Biển Chết của họa sĩ Nguyễn Nhân vào ngày 1/6/2017 (ngày Ban thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh ra văn bản), chắc không phải ai cũng có dịp hiểu về sự thối nát và thô bỉ của các hiệp hội nô tài được nhà nước cho bú mớm. Sự thối nát nhắc lại nhiều thứ, thậm chí có thể vẽ lại từ đầu bức tranh tăm tối về nhiều thế hệ trí thức Việt Nam bị bóp nghẹt tự do và nhân cách từ thời Nhân văn Giai phẩm cho đến tận hôm nay.

Và nếu không có sự kiện bức tranh Biển Chết bị "tịch thu làm tang vật", chắc nhiều người đã quên hơn 200 cây số biển miền Trung hôm nay giờ đã ra sao. Nhiều người chắc cũng không nhớ được bao nhiêu thanh niên miền Trung phải tha hương đi lao động nước ngoài khi biển quê mình đã chết, Formosa được bảo vệ trùng trùng cho tội ác của nó, và những mưu mô đồi bại của chính quyền Nghệ An đang bủa vây các linh mục dám lên tiếng vì quyền con người.

Nhiều năm trước, có lẽ chúng ta đã thở dài trước những hàng rào kiểm duyệt ngăn cản, những mệnh lệnh với âm mưu chặt đứt sinh lộ tinh thần của con người.

Nhưng giờ đây, có lẽ chúng ta cũng nên cám ơn những sự kiểm duyệt tầm thường và tội nghiệp đó. Vì bởi hôm nay, không có gì có thể ngăn cản chúng ta đến với tri thức và sự thật nữa, ngoài sự hèn yếu từ chính bản thân mình.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 29/06/2017 (tuankhanh's blog)

******************

Chặng đường đạn lửa

Nghĩ đến Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883-1953) là nghĩ đến những giáo khoa thư từng lay động ký ức lứa học trò trước 1945. Nghĩ đến Lệ Thần Trần Trọng Kim là nghĩ đến học giả uyên thâm và đức độ của giới khảo cứu nước nhà. Phải đó, những ai nhập môn văn sử triết đều tìm đến Nho giáo (3 quyển, 1930, 1932, 1933), Việt Nam văn phạm (1940, cùng Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ) và nhất là Việt Nam sử lược (1920)... Từ độ tiếp xúc với cẩm nang ấy, trong tôi, ông đã tạc khắc một mẫu hình tiêu biểu vào nền học thuật nước nhà.

bitri2

Hồi ký của Lệ Thần Trần Trọng Kim - Một cơn gió bụi

Thành ra, đọc một mạch hồi ký Một cơn gió bụi (1), một thoáng bỡ ngỡ về một Trần Trọng Kim với đoạn đời khuất khúc và nghịch lý. Và tôi chắc rằng đó là một thứ “của tin" chứng nghiệm tấm lòng thành mà ông ký thác cho thế hệ sau.

Bằng thái độ bình thản và khiêm xưng, tác giả thành thực suy tưởng sự tình và việc làm mà bản thân có đóng góp hoặc kinh qua trong quãng đời tham chính (1943-1949). Chướng căn đưa đẩy một người không màng chính sự, không có chân trong phe nhóm vào cuộc cờ rối ren. Lòng người ly tán. Chi này, hệ nọ, phái kia bất đồng.

Bằng giọng văn khoan thai và từ tốn nhưng tác giả vẫn gợi đến cung bậc gập ghềnh của những năm 1940 ngột ngạt và ngầu đục. Bao phen tỵ địa hết nơi này đến nơi kia. Đã bôn ba sang Chiêu Nam đảo (Singapore).

Đã vòng qua Bangkok rồi về lại Sài Gòn. Đã ra Huế thành lập nội các. Đã cùng các chí sĩ khác phiêu lưu sang Hương Cảng tránh cuộc xung đột Pháp Việt và hy vọng giúp ích chút gì cho đất nước. Đã thu xếp về Sài Gòn lần nữa vận động thành lập chính phủ mới nhưng mộng ảo tan tành. Đã quạnh quẽ bên Nam Vang cách trở.

Rồi thầm lặng ở Đà Lạt cho đến ngày cuối đời.

Và chưa phải đã hết, còn nhiều thứ khác nữa... Cần thêm một độ lùi thời gian và hơn nữa là một khoảng cách của người ngoài cuộc mới bàn thảo và luận giải đúng mức được.

Có thể ai khác e ngại học giả viết bằng xúc cảm của người trong cuộc thì chắc gì thoát khỏi mạch nghĩ chủ quan? Mà có lẽ chẳng riêng tôi đồng cảm chút gì nghẹn ngào và nhiệt tâm của con người ân tình với vận nước. Phải chăng đó là tâm thế day dứt với dân tình, quốc kế và ước vọng góp cái gì đó hữu ích cho nhân quần nhưng đâu dễ gì dời núi ngăn sông.

Nội các Trần Trọng Kim đối mặt với những định công và luận tội khác nhau. Chỗ này nói ngược, phê hết lời. Là chính quyền bù nhìn, thân Nhật, vừa phản dân tộc, vừa phản dân chủ. Chỗ kia nói xuôi, đề cao hết mực. Là chính phủ dân tộc của những nhà cải cách kỹ trị tên tuổi đương thời, đấu tranh vì nền độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Một thời gian ngắn, chỉ hơn bốn tháng từ (17/4 đến 23/8/1945) mà đã gặt hái một ít thành tựu. Ban hành đạo dụ chiêu vời hiền tài ra giúp nước, thực thi chính sách trị quốc an dân, khuấy động và cỗ vũ lòng yêu nước. Lẽ dĩ nhiên, mọi thứ rồi đây sẽ được ghi nhận rạch ròi và thấu đáo.

Một cơn gió bụi chứa đựng những sử liệu xác thực, góp phần phục hiện bức tranh quá khứ mà tác giả là chứng nhân nắm giữ trọng trách ở khúc quanh lịch sử đặc biệt đó. Tác phẩm vén màn vô minh soi rõ một ít khúc mắc về những biến cố có thực và những con người có thực mà lâu nay sách vở dường như vô tình vùi lấp hay cố ý làm sai lệch. Và hậu sinh có thể nhận diện một ít sự việc và tình tiết của trận cuồng phong nghiền nát quê hương.

Nguyễn Duy Long

Nguồn : TBKTSG, 14/05/2017

(1) Một cơn gió bụi (Kiến văn lục) viết năm 1949, được NXB Vĩnh Sơn (Sài Gòn) xuất bản năm 1969. Mới đây, tháng 4/2017, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội) tái bản nhưng lược bớt khá nhiều và cũng không lưu ý "nhà xuất bản cắt bỏ" như thông lệ.

Bản 1969 có những chỗ sai chính tả, nhân danh, địa danh... mà không rõ nguyên bản nhầm hay do lỗi in ấn.

Chẳng hạn, "Phan Anh (đúng ra là Vũ Ngọc Anh) Bộ trưởng Bộ Y tế" (trang 78). Hay "(...) từ Đồng Đăng đến Nam Kinh (đúng ra là Nam Ninh) chỉ độ hơn 200 cây số (...)" (trang 137). Bản 2017 vẫn giữ nguyên, lẽ ra nên chỉnh sửa và ghi chú cụ thể.

Additional Info

  • Author Tuấn Khanh
Published in Diễn đàn