Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có đến 48 tướng lĩnh là con em quê hương và 8 tướng lĩnh là con rể ; cụ thể có 44 tướng quân đội, 12 tướng công an.

hoi1

Khi thành lập hội, những nguyên cán bộ cấp cao này chưa báo cáo xin ý kiến Trung ương, vì vậy đã vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Sức ép của đảng cấp trên

Hôm 13/8/2022, Hội tướng lĩnh huyện Đức Thọ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2022-2027, bầu 7 người vào Ban chấp hành hội.

Vài hôm sau đó – theo một nguồn tin khả tín, có ai đó trong Ban Bí thư Trung ương Đảng ý kiến không đồng tình về chuyện lập hội này, vậy là đến cuối tháng 8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh phải phát hành một văn bản tường trình gửi cấp trên, trong đó có đoạn : "Qua soát xét nhận thấy hồ sơ thành lập Hội tướng lĩnh huyện Đức Thọ chưa đảm bảo các quy định, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Vì vậy UBND huyện Đức Thọ đã ban hành quyết định hủy bỏ các quyết định việc thành lập ban vận động, quyết định cho phép thành lập Hội tướng lĩnh huyện Đức Thọ".

Văn bản giải trình cũng cho biết đối với các tập thể, cá nhân liên quan trong việc tham mưu, quyết định thành lập Hội tướng lĩnh, Ban thường vụ Huyện ủy Đức Thọ sẽ kiểm điểm nghiêm túc.

Sức ép của đảng cấp trên ở đây là trong Hội Tướng lĩnh có một số cán bộ về hưu, với cấp hàm thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý. Theo quy định, khi thành lập hội, những nguyên cán bộ cấp cao này phải xin ý kiến Trung ương, song họ chưa báo cáo, vì vậy đã vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Đảng ủy địa phương giải trình gì ?

Một nguồn tin hành lang cho biết việc giải trình nội bộ trong vụ việc trên, có thể tóm lược như sau : Ông Trần Quang Tuấn, Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ khẳng định, về mặt thủ tục pháp lý, Hội Tướng lĩnh Đức Thọ thực hiện đúng theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội ; và Quyết định 55/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, Hội được quy định trong Nghị định 45 của Chính phủ được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng ; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Theo quy định, thành phần hồ sơ lập hội gồm có đơn đề nghị thành lập hội ; dự thảo điều lệ ; danh sách Ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ; lý lịch tư pháp người đứng đầu Ban vận động thành lập hội ; văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở hội.

Thẩm quyền cho phép thành lập hội được quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, cụ thể Chủ tịch UBND tỉnh cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

Như vậy, về mặt luật pháp thì Hội Tướng lĩnh Đức Thọ có đầy đủ thủ tục pháp lý theo Nghị định 45 của Chính phủ và Quyết định 55 của UBND tỉnh. Ngoài ra, Hội Tướng lĩnh Đức Thọ thành lập là nguyện vọng của các hội viên.

Ghi nhận phần thủ tục hồ sơ hành chính như kể trên, phần lý do đề xuất lập hội nêu rằng Đức Thọ là vùng địa linh nhân kiệt, nơi đây có truyền thống hiếu học nổi tiếng với các địa danh như "làng tiến sĩ", gia đình quân nhân… Việc thành lập hội nhằm tăng cường sự đoàn kết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Phương hướng hoạt động của hội theo tờ trình ở phần thủ tục, là sẽ kết nối với Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên…để hướng về quê hương, kể cả tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hội chú trọng phát huy vai trò của từng hội viên trong từng lĩnh vực công tác của mình để giúp đỡ địa phương là hướng đến hoạt động an sinh xã hội, và ngay tại Đại hội lần thứ nhất, hội đã vận động và trao 200 triệu đồng hỗ trợ Quỹ Khuyến học huyện Đức Thọ. Từ sự hỗ trợ này, Hội Khuyến học đã lập danh sách để trao quà, khuyến khích học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Đúng thủ tục pháp lý thì sao lại vi phạm điều "không được làm" ?

Một thân nhân hội viên của Hội tướng lĩnh Đức Thọ cho rằng việc hủy quyết định hành chính về thành lập hội này với lý do vi phạm những điều đảng viên không được làm, là không thuyết phục.

"Trong văn bản 02-HD/UBKT-TW về hướng dẫn thực hiện những điều đảng viên không được làm, do đồng chí Trần Cẩm Tú Ủy ban Kiểm tra Trung ương ký ban hành, ở điều 7 về "Tổ chức, tham gia các tổ chức, hội trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; biểu tình, tụ tập đông người gây mất trật tự, an ninh", được hướng dẫn cụ thể về việc đảng viên không được :

1. Tổ chức, tham gia hoặc ủng hộ, vận động, xúi giục, ép buộc người khác tham gia các tổ chức, hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn,… không đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Tổ chức, tham gia hoặc xúi giục, kích động, lôi kéo, tuyên truyền, vận động, tiếp tay, ép buộc người khác tham gia biểu tình, tụ tập đông người trái quy định của pháp luật, gây mất an ninh, trật tự.

Còn nếu vì lo ngại trong tương lai Hội của chúng tôi sẽ có thể vi phạm vào điều 8 là "tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng, Nhà nước để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với tổ chức, cá nhân" trong 19 điều đảng viên không được làm, thì đó là một yếm thế, nghi ngại cả đồng chí của mình.

Còn nếu nói có hội viên chưa xin ý kiến Bộ Chính trị khi gia nhập Hội, thì lẽ ra phải yêu cầu vị đảng viên đó phải làm đúng thủ tục, chứ không thể vì lý do này mà thu hồi quyết định thành lập Hội" – vị thân nhân hội viên của Hội Tướng lĩnh Đức Thọ, diễn giải thuần góc nhìn dân sự của một quần chúng am tường pháp luật Nhà nước lẫn quy định của Đảng.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 31/08/2022

Additional Info

  • Author Nguyễn Nam
Published in Diễn đàn