Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội nghị Bắc Đới Hà : Khó xử trong đối ngoại, nội bộ Bắc Kinh phân hóa mạnh

Hàng năm vào tháng 8, giới chóp bu Đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức hội nghị không chính thức bàn về các vấn đề lớn của Đảng. Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt : Đại dịch từ Vũ Hán tràn khắp thế giới, Mỹ cứng rắn hơn hẳn với Bắc Kinh : từ Biển Đông đến Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan… Khó xử về đối ngoại, nội bộ chính quyền Bắc Kinh phân hóa mạnh. Mục Theo dòng thời sự giới thiệu phân tích của nhà chính trị học Alex Payette (*).

hoinghi0

Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt : Đại dịch từ Vũ Hán tràn khắp thế giới, Mỹ cứng rắn hơn hẳn với Bắc Kinh

Từ ngày 01 đến 16/8/2020, hội nghị Bắc Đới Hà - cuộc họp không chính thức của những nhân vật trọng yếu của Đảng cộng sản Trung Quốc mỗi dịp hè - diễn ra trong không khí còn bí mật hơn cả năm ngoái. Ngay từ tháng 5, đã có nhiều tin đồn là "hội nghị" truyền thống, có từ thời Mao này, sẽ không diễn ra. Lý do hàng đầu được đưa ra dĩ nhiên là khủng hoảng y tế Covid-19, nhưng cũng do cả việc mâu thuẫn gia tăng giữa thủ tướng Lý Khắc Cường và chủ tịch Tập Cận Bình về chính sách chấn hưng kinh tế, cũng như "vị trí mới" của Trung Quốc trên trường quốc tế. Những tin đồn sau đó tập trung hướng về các căng thẳng giữa Tập và Lý, nhưng đồng thời cả các mâu thuẫn giữa các thành phần kỳ cựu trong Đảng, thế hệ con cái họ - các "thái tử đảng" (hay thế hệ "đỏ" thứ hai - "hồng nhị đại") và ê kíp của Tập Cận Bình, khiến lãnh đạo tối cao Trung Quốc có thể đã không còn muốn tổ chức kiểu hội nghị này trong tương lai, trong lúc chính ông Tập đã nối lại với truyền thống này hồi 2013. Rốt cục hội nghị mùa hè này đã diễn ra, bất chấp những căng thẳng nổi rõ trong nội bộ Đảng và cho dù nhiều nhân vật quan trọng trong Đảng và thành phần kỳ cựu đã không có mặt trong hội nghị này. 

Mỹ - chủ đề chi phối (**)

Trước tiên, cuộc họp trù bị - để chuẩn bị đường hướng cho hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng vào tháng 10 tới - tập trung chủ yếu vào quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Hàng loạt vấn đề cũng được bàn thảo khác là đối phó đại dịch, thiết lập luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, tranh chấp chủ quyền tại biển "Nam Trung Hoa" (tức Biển Đông), vấn đề Đài Loan, cũng như Tân Cương. Tuy nhiên, đại đa số các vấn đề nói trên đều có một mẫu số chung : Hoa Kỳ. Chính Mỹ là quốc gia gây áp lực nhiều nhất để quy trách nhiệm cho Trung Quốc về đại dịch. Cũng chính Washington đã thiết lập nhiều trừng phạt nhất nhắm vào nhiều lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, nhằm gây áp lực với Bắc Kinh trong các hồ sơ Hồng Kông và Tân Cương. Và cũng không thể bỏ qua việc cũng người Mỹ đang đóng vai trò trọng tài trong các tranh chấp tại các vùng biển ven Trung Quốc. 

Vị thế bấp bênh của Bắc Kinh trên nhiều mặt trận hiện nay một phần có thể giải thích bằng chính sách phiêu lưu của chính quyền trung ương, với bước ngoặt "tả khuynh" của ông Tập Cận Bình kể từ năm 2013 - đưa Bắc Kinh hướng hẳn sang lập trường của chủ nghĩa Mao mới. Vị thế này cũng có thể giải thích phần nào bằng những kết quả tệ hại của "chính sách ngoại giao pháo hạm" của ngành ngoại giao Trung Quốc. Mà, chúng ta thấy là kể từ khi hội nghị Bắc Đới Hà kết thúc, và kể cả trước đó, Bắc Kinh và giới ngoại giao Trung Quốc đã cố làm dịu căng thẳng và dường như muốn mở lại đối thoại. 

Mềm với phương Tây, rắn trong nội bộ

Nhìn vào các hành động mới nhất của Trung Quốc, một chiến lược mới với hai tốc độ đang định hình. Theo đó, cùng về một số vấn đề chung, nhưng Bắc Kinh có cách thức xử lý khác nhau. Cụ thể là Đảng cộng sản Trung Quốc dường như đã chọn giải pháp duy trì cứng rắn trong đối nội - bao gồm chính sách đối với hai khu vực Tân Cương và Hồng Kông - cũng như về mặt tuyên truyền. Cùng lúc đó, Bắc Kinh tỏ ra "mềm dẻo" với Mỹ và phương Tây nói chung, cũng như trong các hành động ở bên ngoài. Ngay cả phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, nổi tiếng với các bình luận "hung hăng", ngày 26/08 vừa qua, trong một phát biểu về các sản phẩm của Apple, đã tỏ ra tương đối "mềm dẻo" : "Nếu tập đoàn WeChat bị trừng phạt, thì không có lý do gì Trung Quốc phải duy trì điện thoại iPhone và các sản phẩm của Apple".

Vấn đề là cứng rắn với các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương lại mâu thuẫn trực tiếp với việc tỏ ra mềm dẻo hơn với Mỹ. Tiếp cận mới này mang tính thực dụng là chủ yếu - bởi đơn giản là chính quyền Bắc Kinh không có phương tiện để tiếp tục theo hướng này, cũng không có được sự ủng hộ hoàn toàn của bộ máy quân đội - sẽ khó mang lại kết quả. Phương pháp "giữ im lặng" - tránh đáp trả quá trực diện, thậm chí không phản ứng gì, bắt chước chiến thuật chiến tranh du kích thời Mao khi trước (theo kiểu "địch tiến thì ta thoái") (1) - khó có khả năng áp dụng trong thế giới hậu Covid-19 hiện nay (với dịch bệnh xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, bùng lên khắp thế giới - người dịch), trong một thế giới không còn tin tưởng vào khẩu hiệu "trỗi dậy hòa bình" của Bắc Kinh (2). 

Đối phó lũ lụt bằng "chống lãng phí lương thực" ? 

Ngoài vấn đề nước Mỹ, hai điểm nổi bật khác tại Bắc Đới Hà là lũ lụt và nguy cơ khủng hoảng thực phẩm. Vào thời điểm đó, ban lãnh đạo Đảng đã không có kế hoạch trợ giúp các tỉnh ở miền trung và tây nam, nhiều nơi chìm trong lũ lụt từ tháng 6. Ngoài việc hàng triệu dân cư bị ảnh hưởng - chưa kể các tổn hại -, vấn đề lớn là đây chính là các tỉnh sản xuất lương thực chủ yếu. Trong bối cảnh này, việc truyền thông Trung Quốc nói đến vụ thu hoạch thành công, để lại nhiều hoài nghi. Việc dàn cảnh những cánh đồng ngô tại tỉnh Liêu Ninh (Liaoning) ở vùng đông bắc (vốn là khu vực trồng đậu tương nổi tiếng), trong chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình hồi tháng 7/2020, muốn nói lên điều gì ? Nếu như sản xuất lương thực diễn ra bình thường, thì liệu chủ tịch Trung Quốc có cần đi thăm ? Việc truyền thông đưa tin rầm rộ về chuyến đi này cũng che lấp đi nạn hạn hán đang hoành hành tại vùng đông bắc, cũng như nạn Châu chấu đang đe dọa thu hoạch ở vùng tây nam. Chính quyền trung ương đề xuất giải pháp nào ? Một chương trình vận động chống lãng phí ! Điều này là hoàn toàn phù hợp với chủ trương Trung Quốc tự bảo đảm lương thực thực phẩm, mà ông Tập muốn nêu bật, nhưng giải pháp như vậy sẽ không có tác dụng đáng kể để giải quyết nạn thiếu lương thực. 

Từ hội nghị không chính thức mùa hè ở Bắc Đới Hà, có thể suy ra các chủ đề trọng tâm của hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 10 tới, đó là vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế và trong lĩnh vực kinh tế, vấn đề "chu kỳ kinh tế nội bộ" (trong một cuộc hội thảo với một nhóm cố vấn chính sách và nhà kinh tế học của chính quyền hôm 24/08/2020, để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14, chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh nhu cầu nội địa "sẽ chi phối chu kỳ kinh tế quốc gia" - người dịch). Như vậy, Bắc Kinh không hề từ bỏ các lập trường trước đó, nếu như có, thì cũng chỉ để tránh làm cho quan hệ với Mỹ căng thẳng thêm. Bất luận thế nào, chưa có gì cho thấy sẽ có sự thay đổi về "phân chia công việc" : Bắc Kinh vẫn tập trung chủ yếu vào đối ngoại hơn là đối nội. Hướng sự chú ý nhiều hơn đến các vấn đề trong nước là điều mà thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần thử điều chỉnh lại, kể từ tháng 5/2020, nhưng vô ích. 

Căng thẳng Tập - Lý chỉ nổi lên thoáng chốc

Trong lúc nhiều tin đồn về "sự trở lại" mạnh mẽ của các thành viên "hồng nhị đại", tức thế hệ con cháu của lớp cán bộ lão thành, để gây áp lực với ông Tập Cận Bình (3), thì vấn đề căng thẳng giữa chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng họ Lý chỉ nổi lên trong thoáng chốc, đặc biệt chỉ sau khi kết thúc hội nghị Bắc Đới Hà. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tìm cách thể hiện sự khác biệt so với những chuyến viếng thăm được chuẩn bị kỹ lưỡng của ông Tập tại các vùng bị lũ lụt : ông đi thẳng đến Trùng Khánh, chân lội trong bùn gặp gỡ người dân, nhằm mang lại hy vọng cho dân chúng địa phương… Cách hành xử của thủ tướng họ Lý để lại rất ít cơ hội mở mày mở mặt cho người có nhiều khả năng kế nhiệm ông Tập : Trần Mẫn Nhĩ, đương kim bí thư đảng tại chính thành phố Trùng Khánh. 

Ông Lý Khắc Cường đã không được mời đến các hội nghị quan trọng ngày 24 và 26/08, tuy nhiên thủ tướng họ Lý vẫn rất được sự ủng hộ của giới cán bộ lão thành có quan điểm cải cách - hay ít thiên tả hơn - trong Đảng, và đôi khi cả trên trường quốc tế. Bởi thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn được coi là một trong các ủy viên Bộ Chính trị có quan điểm chừng mực (4). Mà, với tư cách là người đại diện cho chủ nghĩa Mao mới, chủ tịch Tập Cận Bình không thể ủng hộ những người mà " các kẻ thù của Đảng" hậu thuẫn. Thực trạng này đưa đến câu hỏi như sau : Số phận ông Lý Khắc Cường sẽ ra sao vào năm 2022 ? Nếu như tính đến các hậu thuẫn mà Lý Khắc Cường có được từ một số lãnh đạo lão thành, như cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Lý Khắc Cường có thể tiếp nối con đường của Lý Bằng, tiếp tục là ủy viên thường trực Bộ Chính trị, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng (5). Tuy nhiên, cũng có khả năng là Lý Khắc Cường bị gạt ra, như trường hợp Lý Nguyên Triều (phó chủ tịch Trung Quốc, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị) vào năm 2017. Hãy chờ xem. 

Hội nghị chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XX ?

Cùng lúc đó, tình thế hiện nay của thủ tướng Lý Khắc Cường góp phần soi tỏ tương lai chính trị của ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua). Trong lúc thủ tướng họ Lý rong ruổi khắp nơi ở Trung Quốc kể từ tháng 4/2020, thì tại Trung Nam Hải, đầu não của chính quyền Bắc Kinh, mọi chú ý hướng về chủ tịch Tập Cận Bình và những người thân cận. Điểm gây ngạc nhiên là chính lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã chọn ông Hồ Xuân Hoa làm người thực thi kế hoạch chống tham nhũng. Mà phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa vốn được coi là ứng viên số một vào ghế thủ tướng năm 2022. Tin đồn về khả năng Lý Cường (Li Qiang), bí thư thành ủy Thượng Hải, có khả năng kế nhiệm, dường như ít đáng tin cậy hơn, vì nhân vật này được coi là thiếu kinh nghiệm. 

Trong hội nghị Bắc Đới Hà, ông Tập Cận Bình ắt hẳn đã phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XX của Đảng vào năm 2022. Ví dụ như, về việc chuyển tiếp quyền lực, ông Tập ít có khả năng đảm nhiệm cả ba chức vụ cao nhất của chính quyền trung ương : tổng bí thư Đảng, chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương. Do không ai có khả năng đảm nhiệm cả ba chức vụ, có thể Tập Cận Bình sẽ đảm nhiệm một chức vụ, và giao hai chức còn lại cho những người thân tín. Tuy nhiên, điều này không hề làm thay đổi cấu trúc quyền lực, chủ yếu vẫn do các cộng sự của Tập Cận Bình - thường là những người "thiên tả" - đảm nhiệm. Bước ngoặt về ý thức hệ hồi 2013 là nguyên nhân của tình trạng hiện nay. Năm nay cũng là một năm bản lề đối với những người có khả năng tham gia vào Ban Chấp Hành Trung ương năm 2022. Ngay sau đây, Tập Cận Bình sẽ phải nỗ lực đưa các nhân sự thân cận vào vị trí thuận lợi, để họ có thể lọt vào Ban Chấp Hành khóa tới 2022 (6). 

Rốt cuộc hội nghị Bắc Đới Hà không giúp chúng ta hiểu thêm điều gì thực sự mới về tình hình hiện nay : thế đối đầu với Mỹ vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa, không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách với Hồng Kông được nới lỏng và chính sách " tự túc lương thực" vẫn là khẩu hiệu chủ đạo. Ngay cả kế hoạch "Made in China 2025" (được coi là một trong các nguyên do dẫn đến cuộc đối đầu Mỹ - Trung) vẫn được tuyên truyền rộng rãi, cũng như chủ trương thực hiện thành công " xã hội tiểu khang" từ đây đến cuối 2020 (chủ trương được đề ra năm 2012, tức từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, có mục tiêu đưa GDP của Trung Quốc tăng gấp đôi vào năm 2020 - người dịch). Đảng Cộng Sản Trung Quốc, bất luận ra sao, vẫn tiến về hướng tả, với phong trào đôi khi được gọi là "cuộc đại nhảy vọt của Tập Cận Bình", với các khẩu hiệu tuyên truyền mỗi ngày một đỏ hơn. 

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 19/09/2020

Ghi chú :

(*) Bài "Chine : à Beidaihe, "l'université d'été" du Parti, les tensions internes à fleur de peau», đăng tải trên trang mạng chuyên về thời sự Châu Á Asialyst, ngày 05/09/2020. 

(**) Tựa nhỏ do người dịch bổ sung. 

Chú thích :

(1) Ngược lại với cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản trước đây, rất ít có khả năng là Mỹ sẽ duy trì nguyên trạng hay "sẵn sàng tháo chạy". Trên thực tế, chính quyền Trump đã đưa ra một loạt trừng phạt mới, trước kỳ bầu kỳ tổng thống ngày 03/11/2020.

(2) Quan điểm chiến lược này đã được thay thế bằng "tư tưởng Tập Cận Bình về quan hệ quốc tế". 

(3) Thành phần được coi là "đỏ", dù theo quan điểm " tự do" hay không, như Nhậm Chí Cường, có thể căm ghét ông Tập Cận Bình, nhưng không phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng (…). 

(4) Ví dụ như ông Lý Khắc Cường từng gợi ý là Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông cần được giới hạn trong phạm vi đặc khu Hồng Kông, chứ không thể mở rộng áp dụng với dân cư toàn cầu. 

(5) Có dự báo là ông Lý có thể thay thế chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc Lật Chiến Thư. 

(6) Theo quy tắc "hai năm tối thiểu" giữa hai lần phong chức, nếu một quan chức đã được thăng cấp năm 2021, thì tối thiểu phải đợi đến năm 2023 mới được phong lần nữa. Nếu ông Tập Cận Bình muốn đưa người vào Bộ Chính trị và Ban chấp Hành Trung ương, thì phải làm sớm nhất, ngay từ bây giờ. 

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Diễn đàn
mardi, 30 juillet 2019 14:04

Hội nghị Bắc Đới Hà

Hội nghị tuyệt mật

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, giới quan sát quốc tế cho rằng lãnh đạo của Trung Quốc đang có hội nghị tuyệt mật tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà bên biển Bột Hải cách Bắc Kinh gần 300 cây số về hướng Đông. Theo dõi tin tức Trung Quốc, ông cho rằng nghị trình của cuộc họp này sẽ là những gì ?

bacdoiha1

Ảnh minh họa : Trung Quốc đang lui về trạng thái "toàn trị" như dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông với sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta cho là hội nghị đề cập tới các hồ sơ nóng bỏng, như trận thương chiến với Hoa Kỳ, tình hình gay go tại Hong Kong và quan hệ căng thẳng với Đài Loan. Nhưng tôi lại nghĩ hơi khác một chút.

Trước hết, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn có hội nghị hàng tháng của Bộ Chính Trị dưới sự chủ tọa của Tổng bí thư Tập Cận Bình để thảo luận và giải quyết các hồ sơ nóng của Trung Quốc. Nhưng hội nghị tại Bắc Đới Hà lại do một bộ phận khác tổ chức và bảo vệ. Nó còn quy tụ các lão đồng chí đã về hưu nhằm góp ý với Bộ Chính Trị. Vì vậy, hội nghị tích lũy kinh nghiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo trước sau và đề cập tới nhiều vấn đề sâu xa lâu dài.

- Sau hai Đại hội đảng thuộc Khóa 18 và 19 vào cuối năm 2012 và 2017, người ta thấy một chuyển biến lớn là lãnh đạo đảng dần dần trao phó tối đa quyền lực cho ông Tập Cận Bình nhằm giải quyết nhiều bài toán gai góc và đầy mâu thuẫn của Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của họ Tập, chế độ độc tài này đang lui về trạng thái "toàn trị" như dưới thời Mao Trạch Đông với Tập Cận Bình là nhà tư tưởng lớn.

Thứ hai, tôi ngờ rằng khi hội nghị Bắc Đới Hà có sự tham gia của các thế hệ lãnh đạo trước, từ Giang Trạch Dân tới Hồ Cẩm Đào, nghị trình đặt ra phải có viễn cảnh xa. Xa nhất là từ năm 1921, khi đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời.

Nguyên Lam : Tức là ông dự đoán rằng các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc đang bàn về những chuyện xảy ra trăm năm về trước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khác với các chế độ dân chủ vài ba năm lại thay đổi sau mỗi kỳ bầu cử, lãnh đạo Trung Quốc nhìn sâu hơn về lịch sử và có nhiều dấu mốc lâu dài, như trăm năm sau ngày thành lập đảng vào năm 1921 hay 100 năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời vào năm 1949. Làm sao tuyên truyền và huy động quốc dân cho các nhiệm vụ lịch sử đó khi đảng đang phải đối phó với nhiều mâu thuẫn cơ bản mà ông Tập Cận Bình đã đề ra và nói tới ? Tôi nghĩ hội nghị Bắc Đới Hà sẽ tập trung vào các bài toán này.

Nguyên Lam : Ông nêu ra một ý lạ là tham vọng lịch sử của Trung Hoa Cộng sản đảng đối chiếu với các mâu thuẫn thật ra lại khá nan giải của xứ này. Thưa ông, vì sao như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có ý thức lịch sử sâu xa, lãnh đạo Bắc Kinh hiểu bài tóan muôn thuở là Hoàng đế ở trên có nhiều quyền lực mà thiếu thông tin về thực tế ở dưới và bộ máy hành chính của triều đình lại không chịu trách nhiệm về những tai họa mà Hoàng đế không biết. Ông Tập Cận Bình có thể trở thành Hoàng đế vĩnh viễn sau hai nhiệm kỳ năm năm mà cũng biết nhược điểm ấy. Nhưng làm sao giải quyết bài toán này ?

Chuyện thứ hai là thế giới đổi thay với nhiều thách đố kinh tế cho đảng đã được các thế hệ lãnh đạo thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo nêu lên từ gần hai chục năm trước, như không cân đối, không phối hợp, bất công và thiếu bền vững. Làm sao đảng có thể thay đổi để giải quyết các mâu thuẫn đó mà không mất quyền ? Thí dụ cụ thể, trước khi bùng nổ trận thương chiến với Hoa Kỳ, thì đà tăng trưởng đã chậm lại và chính thức chỉ còn khoảng 6-7%, thực tế có khi chỉ bằng một nửa.

Mâu thuẫn bên ngoài và bên trong

Nguyên Lam : Nếu như vậy thì vấn đề không chỉ là mâu thuẫn mậu dịch với nước Mỹ mà còn là những mâu thuẫn bên trong của Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mâu thuẫn căn bản nhất mà có lẽ ông Tập Cận Bình cũng ý thức được vì ông nắm vững nhiều thông tin là làm sao dung hòa các yêu cầu trái ngược ? Cụ thể là làm sao hiện đại hóa xứ sở, vừa du nhập quy luật tự do của thị trường vừa bảo vệ quyền kiểm soát của đảng ? Tôi e rằng Tập Cận Bình vẫn cứ loay hoay trong các mâu thuẫn ấy khi đảng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng để các đảng viên thực hiện cho bằng được với nhiều tham ô lãng phí và gây hậu quả xấu cho đà tăng trưởng thiếu phẩm chất. Tại hội nghị Bắc Đới Hà, nhiều lão đồng chí đã về hưu tất nhiên nêu ra các câu hỏi gay go ấy.

Nguyên Lam : Đấy là khi người ta không nêu ra nhiều vấn đề khác như gánh nợ quá nặng, tình trạng vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp, vị trí bấp bênh của đồng bạc Trung Quốc, hoặc nạn lão hóa dân số với tốc độ nhanh nhất trong các nước đang phát triển và cái mà giới kinh tế gọi bẫy sập của lợi tức trung bình. Ông nghĩ sao về các vấn đề này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau bảy tám chục năm cải cách, các nước tiên tiến đều lên tới trình độ phát triển cao, với lợi tức bình quân một đầu người ở khỏang 40 nghìn đô la một năm. Trung Quốc chưa lên tới đó vì sản lượng hay năng suất của một người chỉ ở khỏang 12 ngàn đồng. Khi đảng chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày lập đảng trong một hai năm tới thì con số bình quân đó chưa thay đổi nhiều, cho tới năm 2025 may lắm lên tới 14 ngàn đô la một người. Nếu vậy, thành tích của đảng là gì ? Thành tích đó là dời cột mốc nhằm đề cao thành tựu của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, là chủ nghĩa Hán tộc ngụy danh và sự hùng mạnh quân sự làm các nước kiêng nể.

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua khía cạnh quốc tế của hồ sơ Trung Quốc, với các bài toán nổi cộm như Hong Kong hay Đài Loan và vùng biển Đông Nam Á mà nhiều người cho rằng sẽ thuộc nghị trình của hội nghị tại Bắc Đới Hà. Ông nghĩ sao về những chuyện đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có vấn đề thật và vấn đề giả ! Bắc Kinh đã nắm Hong Kong trong tay từ năm 1997 mà thôn tính chưa nổi và nay còn hăm dọa sẽ thống hợp Đài Loan bằng giải pháp quân sự. Tôi cho là trong hội nghị tuyệt mật tại Bắc Đới Hà, các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc sẽ nói thật nói thẳng, rằng "Trung Quốc Mộng" do Tập Cận Bình đề ra nhằm xây dựng một trật tự mới của thế giới dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc để "bình thiên hạ" chỉ là một ảo vọng.

Sự thật thì "người dân Trung Quốc chưa giàu mà đã già" và "nhà nước Bắc Kinh chưa hùng mà đã hung" khiến các nước lại liên kết với nhau để phòng ngừa. Các thế hệ lãnh đạo trước đây của đảng sẽ nhắc nhở ông Tập Cận Bình về thực tế khá phũ phàng này. Một thí dụ ít ai nhắc tới là Trung Quốc có tỷ lệ học sinh trung học cao nhất thế giới làm ai cũng sợ, nhưng gần một phần tư lại phá ngang, bỏ học. Tuyên truyền về các thời điểm lịch sử như 1921 hay 1949 thì khá huy hoàng, nhưng thực tế lại chẳng như vậy và kinh tế xứ này vẫn quá lệ thuộc vào việc nhập khầu kiến năng hay "know how" của nhiều nước khác. Vì vậy, hội nghị Bắc Đới Hà sẽ là phút nói thật ở bên trong.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi thú vị tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 30/07/2019

Published in Diễn đàn