Một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam cho rằng cách giải quyết vụ Đồng Tâm và các diễn biến xoay quanh ông Võ Kim Cự có hệ lụy tới Hội nghị trung ương Đảng sắp tới.
Giáo sư Tương Lai nói vụ Đồng Tâm là thắng lợi của người dân.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 25/04, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, mô tả các quyết định kỷ luật ông Võ Kim Cự và việc ông tự động xin rút tư cách đại biểu quốc hội thể hiện điều ông gọi là "một cuộc giằng co giữa các thế lực quyền lực" tại Hội nghị Trung ương 5.
"Có một cái rất buồn cười là cách chức tất cả những chức vụ không còn nữa. Còn việc ông Cự xin thôi tư cách đại biểu quốc hội thì cái đó chỉ là động tác rửa mặt thôi vì ai cũng biết rằng đây là keo vật mà đã lấm lưng rồi. Mà ở đây không phải là Võ Kim Cự bị lấm lưng mà là người bảo kê, đỡ đầu, ỉm đi cho ông ta.
"Do đó tôi thấy keo vật này đang ở vào hồi gay cấn trước Hội nghị Trung ương 5", Giáo sư Tương Lai nói.
Trả lời câu hỏi của BBC vì sao những sai phạm có tính nghiêm trọng của quan chức lại không bị coi là sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế hay cần truy tố hoặc bắt khẩn cấp mà chỉ dừng lại ở hình thức kỷ luật, Giáo sư Tương Lai nói bắt tạm giam một ủy viên trung ương mặc dù đã rút lui khỏi chính trường là "chưa có tiền lệ".
Ông Võ Kim Cự (phải) nói chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại một phiên họp quốc hội ở Hà Nội ngày 20/5/2014
"Tuy nhiên theo tôi nếu mà cuộc đấu tranh hay keo vật đang đến hồi gay cấn ở Hội nghị Trung ương 5 mà dấn thêm nữa thì có khi lại đi tới việc truy cứu trách nhiệm hình sự vì gây tai họa môi trường, hiểm họa nghiêm trọng.
"Cho nên nếu xét về những diễn biến đối với ông Võ Kim Cự từ lúc nhởn nhơ, rồi tới bị Ban Bí thư kỷ luật, rồi tới việc ông xin rút tư cách đại biểu quốc hội, thì đó là những bước đi của một nhà nước không có luật pháp."
Bình luận về vụ việc Đồng Tâm mới đây, Giáo sư Tương Lai mô tả điều ông gọi là đây là một "bước ngoặt quan trọng" của tiến trình dân chủ hóa trong xã hội Việt Nam hôm nay.
"Đó là vì đây là lần đầu tiên có một cuộc đối thoại không cân sức giữa dân và chính quyền. Đây là một thắng lợi của người dân Đồng Tâm trong một cuộc đấu tranh quyết liệt."
"Ông Chung Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã giải quyết khôn khéo và tháo ngòi nổ để đi tới một kết quả đáng mừng là không đổ máu."
"Tuy nhiên tôi lo là ông Chung có thể gặp khó khăn nếu trong Hội nghị Trung ương tới đây thế lực bảo thủ, giáo điều lấn át", Giáo sư Tương Lai nói.
Theo dự kiến, hội nghị trung ương 5 khóa 12 Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Cho đến lúc này báo chí trong nước hầu như vẫn chưa nói gì nhiều về những nội dung chính sẽ được bàn thảo trong hội nghị tới, tuy nhiên những nhà quan sát chính trị ở Việt Nam cho rằng hội nghị lần này sẽ phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức bắt buộc các lãnh đạo đảng phải bàn thảo.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (trái) tại lễ bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Những khó khăn của nền kinh tế, cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách thể chế được cho là những vấn đề chính có nhiều khả năng sẽ được thảo luận trong hội nghị trung ương 5 lần này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nhà phân tích chính sách thuộc Bộ Kế Hoạch Đầu từ của Việt Nam nói với đài Á châu Tự do :
Thứ nhất là công tác cán bộ, học tập nghị quyết trung ương 4 đợt vừa rồi chắc chắn cũng được nêu lên xem là việc kiểm điểm, rồi khó khăn, kết quả đến đâu. Cái thứ hai thì trong cải cách thể chế bây giờ thì phải đặt ra một cách quyết liệt hơn. Nếu không quyết liệt hơn thì sẽ làm cho quá trình đổi mới đang gặp nhiều khó khăn trở ngại, trong đó có khắc phục những hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng cũ, rồi hướng đi mới cho phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Do đó cải cách thể chế phải được đặt ra. Đảng và chính phủ cũng đặt ra bước làm thí điểm ở một số tỉnh thành là nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo của đảng và chính quyền ở một cấp nào đó. Ví dụ như cấp phường xã, cấp huyện thị. Người ta đã làm ở một số tỉnh thí điểm như Quảng Ninh. Các đoàn đi khảo sát về thì bây giờ cũng đang tích cực để có báo cáo cuối cùng để xem là kết quả ra sao, để xem có thể mở rộng.
Khó khăn về kinh tế và đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Nội dung tái cơ cấu kinh tế và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước được các nhà quan sát chính trị tại Việt Nam đánh giá là nội dung đầu tiên quan trọng phải được đề cập trong hội nghị lần này. Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, đây là nội dung rất lớn bao gồm nhiều khó khăn mà ngay cả các chuyên gia kinh tế của nhà nước cũng có thể thấy bế tắc
Có ba vấn đề lớn, nợ xấu, nợ công và ngân sách quốc gia. Thứ 4 là liên quan đến các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước nợ đầm đìa. Tình trạng lỗ là phổ biến. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước cho tới nay là khoảng 237 tỷ đô la, là một con số rất lớn.
Tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội vào hồi đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải lên tiếng thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần. Ông cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng nợ công tăng nhanh không chấm dứt. Nợ công của Việt Nam hiện được ước tính tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 5 năm qua và hiện chiếm khoảng 64.73% GDP vào cuối năm ngoái, theo số liệu của Bộ Tài Chính. Ngưỡng cho phép là 65% GDP. Ngân Hàng Thế giới đánh giá nợ công của Việt Nam tăng nhanh là do tham hụt tài khóa. Ngoài ra các chuyên gia kinh tế trong nước cũng nói đến việc sử dụng kém hiệu quả trong chi tiêu đầu tư công.
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội ngày 21 tháng 01 năm 2016. AFP photo
Việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lâu dài của chính phủ thể hiện qua tiến trình cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tiến trình này vẫn còn diễn ra quá chậm.
Tiến trình rất chậm. Nó chậm bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là nhiều doanh nghiệp nhà nước muốn giữ thế độc quyền của họ và không muốn cổ phần hóa vì sẽ làm mất thế độc quyền và lợi ích của họ. thứ hai họ chỉ cổ phần hóa khi có lợi cho một số nhóm cá nhân nào đó, lãnh đạo doanh nghiệp.
Ví dụ như những tập đoàn lớn độc quyền của nhà nước như tập đoàn điện lực Việt nam, dầu khí, than khoáng sản mặc dù dư luận đã kêu gào rất nhiều là phải cổ phần hóa và bỏ độc quyền và quốc tế cũng yêu cầu như vậy nhưng cho đến giờ vẫn không nhúc nhích. Việc cổ phần hóa gần như thuần túy phụ thuộc vào mức độ và lợi ích của nhóm lãnh đạo. Họ chỉ buông những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước khi nó không làm ra lợi ích cho họ nữa hoặc nó quá bi đát.
Mới đây, báo Thanh Niên đưa tin trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận báo cáo và sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến về 12 dự án ngàn tỷ bị thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những dự án thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả với những khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước được ước tính lên đến hàng trăm tỷ đô la đang khiến cho việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thêm khó khăn đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng vì khó kiếm được các doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại các doanh nghiệp nhà nước đang gánh trên mình những khoản nợ xấu khổng lồ.
Chống tham nhũng chưa có kết quả
Vấn đề chống tham nhũng cũng được cho là một nội dung có thể phải được đề cập đến trong hội nghị trung ương 5. Tuy nhiên dường như những kết quả của chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ tháng 6 năm ngoái đến giờ chưa đạt được kết quả gì. Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định :
Những vụ xử lý tham nhũng thì Tổng Bí thư đã phát động rồi và vẫn đang làm nhưng chính ông ấy cũng nói việc này là ta đánh ta nên rất khó khăn, rất nhạy cảm. Những vụ phát động thì đều chưa có kết quả cuối cùng. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh thì chưa có kết quả cuối. Những cái mà Tổng Bí thư nói như vụ bà Hồ Thị Kim Thoa thì cũng chưa có kết quả có thể chưa phải là đánh giá cuối cùng để người ta đưa ra những giàn xếp. Tất nhiên người ta cũng đồn đoán sự chuẩn bị cho nhân sự giữa kỳ hay cho đại hội tới thì cũng là một bước để người ta bàn đến nhưng chưa phải là đánh giá về kết quả chống tham nhũng ở hội nghị này được mà chỉ là những kiểm điểm hoặc có thể đánh giá sơ bộ thì có thể đặt ra, vì nghị quyết trung ương 4 có vẻ quyết liệt, nhưng có lẽ không có đánh giá thì nó cũng không đi đến đâu cả.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Bí thư tỉnh Hậu Giang, người đã từng có thời nắm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí hiện đang lẩn trốn ở nước ngoài với cáo buộc tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Thanh nhưng vẫn chưa có kết quả. Hồi đầu năm nay, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu phải làm rõ tài sản của thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, người mà theo thông tin của báo chí trong nước có nhiều tài sản đáng ngờ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi phát động đến nay đã không có thành công. Vì vậy, theo ông hội nghị trung ương 5 lần tới sẽ là một trong những cơ hội ít ỏi để ông Tổng Bí Thư có thể tạo một dấu ấn không quá mờ nhạt trước khi rời chính trường. Theo dự kiến, ông Trọng sẽ chỉ giữ chức Tổng Bí thư cho đến hết giữa nhiệm kỳ này tức là tới khoảng cuối năm 2018.
Việt Hà, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 13/04/2017