Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Luận bàn về pháp lý của tội danh lây truyền dịch bệnh

Hoài Nguyễn, VNTB, 08/06/2021

Khá nhiều ý kiến có vẻ trái chiều khi báo chí dùng cụm từ định danh mang tính địa lý của nơi được cho là ‘ổ dịch’, bởi khi nói đến bất kỳ chuyện gì liên quan tôn giáo, đều là nhạy cảm chính trị.

hoithanh1

Ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện từ ngày 26/5 hiện được ghi nhận là lớn nhất từ trước đến nay ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết này chỉ luận bàn về tính pháp lý của tội danh lây truyền dịch bệnh, và nếu có dẫn chứng trường hợp bà Võ Xuân Loan, thì đây là tư cách công dân Võ Xuân Loan, không phải nữ mục sư Võ Xuân Loan.

Pháp luật quy định gì ?

Bộ luật Hình sự (tu chỉnh 2017), Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người :

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm :

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác ;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người ;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm :

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế ;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm :

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (tu chỉnh năm 2018), Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm :

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Dấu hiệu nào để xác định bị can ?

"Những ngày này, trên giường bệnh, chúng tôi đau xót về thể chất lẫn tinh thần về những việc đang diễn ra. Tình hình lây lan dịch bệnh lại diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và đời sống không biết bao nhiêu người. Thật đau lòng, một trong những ổ dịch khởi phát từ Hội thánh chúng tôi".

Trích thư xin lỗi của mục sư Phương Văn Tân cùng với vợ là mục sư là bà Võ Xuân Lan (còn gọi là Võ Xuân Loan), đại diện Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, gửi đến các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, thành viên các Hội thánh Tin Lành và người dân.

Hiện tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh "lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng để tiến hành điều tra vụ án.

Điều đó có nghĩa, việc khởi tố vụ án liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là khởi tố một vụ án làm lây lan bệnh dịch chứ không khởi tố một tôn giáo. Nếu có bị can thì đây là việc xử lý một cá nhân với tư cách là công dân chịu trách nhiệm trước pháp luật. Về tố tụng, công tác quản lý của các cấp cơ sở, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể địa phương có thể được xem xét được vào vòng tố tụng.

Diễn biến của ghi nhận dịch tễ cho thấy bà Võ Xuân Loan từng đi bằng máy bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/4, đến ngày 13/5, bà Loan có triệu chứng đầu tiên liên quan nhiễm Covid, nhưng không đi điều trị. Quá trình khai thác thông tin dịch tễ ở khu vực gia đình bà Võ Xuân Loan rất khó khăn khi không nhận được sự hợp tác của một số người thân của bà Loan.

Vào đầu tháng 6, nhà chức trách cho biết về khai thác dịch tễ thì ban đầu nhóm này khai có 22 thành viên, sau đó ngành y tế phát hiện thực tế 55 người, hiện 40 trong số họ đã dương tính nCoV (tính thời điểm đầu tháng 6), sinh sống ở 20 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

"Thậm chí có tình huống khi lực lượng chức năng kiểm tra sổ hoạt động của Hội Thánh, một hội viên cố tình xóa danh sách hội viên chỉ để lại tên 20 người để đủ tiêu chuẩn hoạt động không tập trung đông người" – trích "Gia đình Mục sư Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng không hợp tác truy vết" "VOV, thứ Sáu, 28/05/2021).

Từ lời khai của 40 bệnh nhân này, lực lượng chức năng biết được người đầu tiên trong nhóm có triệu chứng mắc Covid-19 vào ngày 13/5 là bà Võ Xuân Loan. Ngày 16/5, nhóm tổ chức sinh hoạt, có 28 người đã tiếp xúc với nhau. Các ngày 18, 19 và 20/5 nhiều người xuất hiện triệu chứng nhiễm Covid-19.

Cơ quan y tế nhận định, nếu tính từ ngày người đầu tiên xuất hiện triệu chứng, thì đến nay chuỗi lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4, tức F4 (tiếp xúc vòng thứ 4) thành F0 (nhiễm). Hiện, thành phố ghi nhận hàng trăm ca Covid-19 trong cộng đồng, xuất phát từ 40 F0 đầu tiên, với nhiều nhánh lây nhỏ khác nhau. Một số nhánh lây có F3 đã dương tính.

Như vậy, nếu bà Võ Xuân Loan thực hiện theo đúng yêu cầu của cơ quan y tế là khi bà đã đến nơi đang có dịch là Hà Nội, sau đó bà có triệu chứng về hô hấp như các dấu hiệu mô tả ban đầu của ngành y tế đã đưa ra khuyến cáo từ đầu dịch cho đến nay, bà phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan y tế và cả những người tiếp xúc với bà.

Lý do nào để bà Võ Xuân Loan không thực hiện theo các khuyến cáo y tế trong bối cảnh Việt Nam vẫn duy trì các lệnh liên quan về dịch Covid-19,… điều đó sẽ được cơ quan điều tra làm rõ khi củng cố việc sẽ khởi tố ai là những bị can.

Ngoài ra việc khai báo về các thành viên đã tụ tập tại gia đình bà Võ Xuân Loan, cũng sẽ được làm rõ trách nhiệm.

Tạm kết

Cá nhân người viết bài này cho rằng khi vụ án xác nhận những ai sẽ trong danh sách khởi tố bị can, và những người có nghĩa vụ – quyền lợi liên quan, thì vấn đề khác đáng quan tâm hơn nhiều, là công tác bầu cử hôm Chủ nhật 23/5 đã tầm soát dịch ra sao để đưa đến hệ lụy có thể sẽ là các ổ dịch rải rác khi những F1 liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không chỉ là cử tri, mà còn là nhân viên trong tổ bầu cử.

Do đó, để tránh những hệ lụy của domino, rất có thể tùy vào ‘thời cuộc chính trị’ mà đây sẽ là vụ án bỏ ngỏ, vì khởi tố bị can không phải là giai đoạn tố tụng, mà chỉ là hành vi tố tụng tại giai đoạn điều tra. Dĩ nhiên, nếu ở đây có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị bị can. Quyết định khởi tố bị can phải được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với cơ quan điều tra.

***

Chiều ngày 29/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi "những người tham gia Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo kể cả khi không có bất cứ dấu hiệu mắc bệnh, không đợi đến khi có dấu hiệu bệnh mới đi khai báo.

Gia đình, người thân nếu biết con em mình sinh hoạt tại Hội thánh này hãy vận động họ khai báo y tế càng sớm càng tốt. Cuối cùng, nếu bạn có thông tin về những trường hợp liên quan đến Hội thánh này thì hãy cung cấp cho chính quyền địa phương".

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 08/06/2021

**********************

Nhóm chức sắc tôn giáo lên tiếng về lệnh khởi tố những người liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng

Trường Sơn, RFA, 08/06/2021

Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng tại thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành tâm điểm của dư luận trong nước khi các thành viên của nhóm tôn giáo này bị nhiễm Covid-19. Cơ quan chức năng cho rằng Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng là nguyên do khiến cho làn sóng dịch bệnh bùng phát ở địa phương, tạo ra làn sóng chỉ trích dữ dội nhắm đến nhóm này. Công an quận Gò Vấp sau đó đã ra quyết định khởi tố hình sự về tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" đối với những người liên quan. Trước những diễn biến trên, một nhóm các chức sắc từ các tôn giáo khác nhau đã ra một tuyên bố chung bày tỏ quan điểm về sự việc. 

hoithanh2

Trụ sở của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 - State Media

Trả lời phỏng vấn của RFA, mục sư Tin Lành Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những người tham gia ký tên, nói về mục đích của việc ra tuyên bố :

"Nói chung là vì Nhà nước Việt Nam độc quyền về thông tin. Người dân coi thông tin của Nhà nước là chính và tưởng thật. Nếu như người ta xem được bản tuyên bố này thì người ta sẽ thấy là có nhiều nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh chứ không chỉ đến từ hội thánh này mà thôi".

Trong bản tuyên bố, các chức sắc tôn giáo nhấn mạnh, các thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng chỉ là nạn nhân của đại dịch, chứ họ không cố ý làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Ngoài ra bản thân những người đứng đầu hội thánh cũng khẳng định là họ đã tuân thủ các quy tắc chống dịch do Nhà nước ban hành. Như vậy, việc cơ quan công an khởi tố vụ án theo điều 240 của Bộ Luật Hình sự là không hợp lý.

Linh mục Công Giáo, Đinh Hữu Thoại, thì nghi ngờ rằng Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng là nạn nhân của một nỗ lực che đậy thông tin, ông nói :

"Rõ ràng đây là việc bắt dê tế thần, họ muốn che lấp một nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh khác, cụ thể là các cuộc tụ tập đông người trong dịp 30/4-01/5, sau đó là ngày 23 tháng 5 khi họ bắt người dân phải đi bầu bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh."

Cũng trong bản tuyên bố, các chức sắc tôn giáo lập luận rằng nếu quy kết trách nhiệm cho Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng trong việc làm lây lan dịch bệnh, thì cũng cần phải quy trách nhiệm cho các cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp, và các cá nhân "thiếu trách nhiệm" dẫn đến xảy ra lây lan dịch bệnh trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5, và kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua.

hoithanh3

Một buổi sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vào năm 2020. Hình FB của Hội thánh

Chứng kiến cách chính quyền xử lý vụ việc liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, các chức sắc tôn giáo nhận định rằng Nhà nước vẫn nghi kỵ các tôn giáo.

"Trước hành động của quận Gò Vấp, chắc chắn là đã được ở trên chỉ đạo xuống, thì tôi thấy rằng não trạng kỳ thị tôn giáo vẫn còn ở trong nhà cầm quyền này. Họ luôn luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với các tôn giáo", Linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết.

Theo mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Nhà nước đang "lợi dụng dịch bệnh để đàn áp tôn giáo".

Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng có trụ sở ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, địa điểm này ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 25 tháng 5 và sau đó tăng lên hơn 200 ca.

Ngày 29 tháng 5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Gò Vấp ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với cáo buộc "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo điều 240 của Bộ luật Hình sự 2015 đối với những người liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Ngày 6 tháng 6, một nhóm gồm 17 chức sắc tôn giáo ra tuyên bố bao gồm năm điểm nhận định và ba điểm tuyên bố, trong đó cho rằng các thành viên của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng chỉ là "nạn nhân của đại dịch" chứ "không cố ý làm lây lan dịch bệnh", và yêu cầu nhà nước đối xử công bằng với những người này trên tinh thần pháp luật và hiến pháp.

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 08/06/2021

************************

Hội thánh Việt Nam đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự

VNTB, 07/06/2021

Cơ quan giám sát nhân quyền, Christian Solidarity Worldwide (CSW) đang kêu gọi chính quyền đối xử công bằng với một hội thánh sau khi có báo cáo về những chỉ trích và cáo buộc của cả phương tiện truyền thông nhà nước và người dùng mạng xã hội đối với một giáo hội độc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.

hoithanh4

Revival Ekklesia Mission (REM) – Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự sau khi 211 trường hợp nhiễm vi rus corona được xác nhận là có liên quan đến nhà thờ trong khi Việt Nam phải đối mặt với sự gia tăng số trường hợp.

Tỷ lệ lây nhiễm ở Việt Nam tăng đột biến đã khiến nhà chức trách bắt đầu tiến hành xét nghiệm Covid trên 9 triệu dân của Thành phố Hồ Chí Minh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, CSW lo ngại rằng giới hạn tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng vì lý do sức khỏe cộng đồng đang được áp dụng phân biệt đối xử đối với Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.

Theo Morning Star News, mặc dù Hội thánh đăng ký với chính quyền địa phương để thực hiện các hoạt động tôn giáo, nhưng không được "công nhận hợp pháp" là một tổ chức tôn giáo. Báo cáo cho biết thêm rằng vào ngày 30 tháng 5, các nhà chức trách đã tạm thời đình chỉ đăng ký của Hội thánh này.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng là Chủ tịch Ban Tôn giáo Chính phủ, tuyên bố rằng Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng không phải là một nhà thờ và các lãnh đạo của hội thánh không thể tự gọi là "tôn kính" hay "mục sư".

Luật Việt Nam, bắt buộc đối một loạt các hoạt động tôn giáo phải đăng ký hoạt động và việc công nhận chính thức có thể mất vài năm.

Chủ tịch, người sáng lập CSW Mervyn Thomas cho biết : "Chúng tôi lo ngại trước các báo cáo về những lời chỉ trích và cáo buộc chống lại hội thánh và nhà lãnh đạo của hội cả trên phương tiện truyền thông nhà nước và người dùng mạng xã hội, và đặc biệt là các báo cáo về việc hội thánh bị chính quyền ‘loại bỏ’, rõ ràng là có liên quan với việc lây lan dịch bệnh này.

"Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách đảm bảo rằng bất kỳ giới hạn nào trên cơ sở sức khỏe cộng đồng đều được áp dụng không phân biệt đối xử và chúng không phải là công cụ để làm suy yếu việc hưởng các quyền và tự do cơ bản trong tương lai. Chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan chức năng đảm bảo rằng mọi cuộc điều tra hình sự được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo vệ quyền của những người có liên quan, phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên. "

Các mục sư của hội thánh, hiện đang nằm viện do các biến chứng sức khỏe liên quan đến covid, đã đưa ra lời xin lỗi công khai và kêu gọi các thành viên nhà thờ hợp tác với chính quyền.

Nguyên tác : Christian human rights organisation calls for fair treatment of Vietnamese church facing criminal charges for Covid outbreak, P remier Christian News , 05/06/2021

************************

Đừng ‘chính trị hóa’ một hành vi hình sự

Hà Nguyên, VNTB, 07/06/2021

Tổ chức nhân quyền Thiên chúa giáo kêu gọi đối xử công bằng với Hội thánh Việt Nam đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì làm lây lan Covid

Bài viết này chỉ giới hạn trong phạm vi được cho là các phát biểu được trích từ ghi âm qua điện thoại của bà mục sư Võ Xuân Loan trong bài viết đăng trên trang web RFA.

(Nói theo câu từ của giới thầy cãi, đây là tin tức làm xấu đi tình trạng pháp lý của thân chủ !).

hoithanh5 (2)

Dường như đang có một thuyết âm mưu của việc chụp chiếc mũ chính trị trong vụ án về vi phạm Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

"Tôi thấy nó rất lạ vì trên đất nước Việt Nam thì ổ dịch nó bùng lên rất là nhiều nơi. Chúng tôi không may bị nhiễm bịnh. Tôi đang là nạn nhân của Covid-19 mà lại bị chụp luôn cái tội là làm lây lan dịch bệnh thì chúng tôi rất là ngạc nhiên. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó chúng tôi vẫn cúi xuống chịu trách nhiệm về cái tổ chức nhỏ của mình. Tôi vẫn đang ở trên giường bệnh và ao ước nếu có điều tra hay làm điều gì đó thì cũng rất cần để mọi việc được sáng tỏ.

Tất cả những tin tức trên báo đài thì thú thật tôi cũng không biết nó ở đâu ra. Con gái của tôi, tín hữu của tôi bị rượt đuổi, bị nhắn tin vào điện thoại đòi giết, đòi chém, đòi đốt… làm chúng tôi bị tổn thương rất là nặng nề. Mọi người cho tôi là F0, có nghĩa là người đầu tiên lây truyền dịch bệnh nhưng tôi nghĩ mình là F1.

Có một số anh em bên ngoài cũng khuyên tôi nên mời luật sư vào cuộc nhưng thật sự tôi cũng chưa biết phải làm như thế nào vì cũng đang bị bịnh, nhưng nhà tôi thì lại suy nghĩ là luật sư có thể làm gì được trên đất nước Việt Nam này. Ông cũng suy sụp. Tôi nói với nhà tôi rằng cho dù thế nào đi nữa, nếu có một người biết luật đứng bên cạnh mình thì vẫn tốt hơn là người ta cứ chụp hết cái mũ này đến cái mũ kia mà mình không thể nói được lời nào hết".

Với đoạn trích băng ghi âm qua điện thoại như trên cho thấy rất có thể ở đây đương sự đang phải chịu nhiều áp lực của dư luận và cả giới truyền thông, do đó bà đã bỏ qua việc tìm hiểu pháp luật liên quan đến vấn đề này, vì cho đến nay vẫn chưa khởi tố bị can, nên về mặt pháp lý không ai quy chụp cụ thể tội danh hình sự nào với đương sự cả.

Đoạn trích băng ghi âm cũng cho thấy dường như đương sự chưa có thời gian bình tỉnh để tìm hiểu về việc khả năng phải đối mặt với luật chuyên ngành là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, phiên bản tu chỉnh 2018.

Theo diễn giải của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì thời điểm mà đương sự có mặt ở Hà Nội, thì nơi đây là có đến hai yếu tố được ghi trong Điều 2, đó là "Vùng có dịch", và "Vùng có nguy cơ dịch".

Các khoản 2, 3, 4 của Điều 8 "Những hành vi bị nghiêm cấm", ghi : "Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm".

Như vậy, rõ ràng là khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội danh "lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng để tiến hành điều tra vụ án, cho thấy đây sẽ là căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự những ai liên quan trong vị trí bị can.

Ngay cả khi là bị can, thì về nguyên tắc, người đó vẫn là công dân chưa có bất kỳ vi phạm pháp luật nào được xác lập, vì có thể bị can này là ‘vô tình phạm tội’, hay vì gì đó mà sau này sẽ được cho là chưa rõ ràng tội danh để truy cứu hình sự.

Hơn nữa, trong số hành vi được cho là vi phạm, thì phía cơ quan quản lý địa phương chịu trách nhiệm liên đới ra sao ?

Và ở đây cái đáng ngại hơn nhiều là những thuyết âm mưu dẫn đến việc đương sự đang ám ảnh của ‘chính trị hóa’.

"Nếu mình nói thẳng suy nghĩ của mình thì nó có nhiều cái nhạy cảm lắm. Ví dụ chuyện chúng tôi bị bắt bớ vì đạo Chúa suốt bao nhiêu năm tháng nay tại Việt Nam thì đây là cơ hội để sự bắt bớ lên đến tột cùng. Bao nhiêu ổ dịch trong thành phố đâu có ai bị truy tố gì đâu mà một hội thánh nhỏ bé, một cuộc đời giảng đạo của chúng tôi bị phơi ra giữa chợ chỉ trong một đêm. Bao nhiêu người xỉ vả, nhục mạ từ đức tin cho đến cuộc đời chúng tôi.

Nếu xét về phương diện tôn giáo, giả sử một vị sư trên một ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc bị như vậy thì có bị rút giấy phép không ? Có truy tố vị sư trụ trì không ? Một người vô thần có bị truy tố không ?

Tôi nghĩ rằng khi đặt ra những câu hỏi như vậy thì nhiều người cũng có ngay câu trả lời. Tôi bây giờ như cá nằm trên thớt, bị kết cái án nào cũng phải chấp nhận, không nói được gì cả".

Đoạn trích băng ghi âm trên được phát công khai trên kênh RFA , cho thấy sự việc đã chuyển hẳn sang một ý khác, và điều này nếu tiếp tục được chuyển tải với các suy luận lẫn suy diễn, khả năng sẽ đưa đến một vụ án khác liên quan đến Điều 116 "Tội phá hoại chính sách đoàn kết" của Bộ luật Hình sự (tu chỉnh 2017). Điều luật này nằm trong nhóm "Các tội phạm xâm hại an ninh quốc gia", tức thuộc nhóm án liên quan chính trị.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 07/06/2021

Additional Info

  • Author Hoài Nguyên, Trường Sơn, Hà Nguyên
Published in Diễn đàn