Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Suy thoái ngay tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Lý luận trung ương

Tuần qua, việc phát lộ sai phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (gọi tắt là Viện Hàn lâm), cũng như việc bắt khẩn cấp Nguyễn Quang Linh, trợ lý của Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, đã gây xôn xao dư luận và ngay trong hàng ngũ các đảng viên cộng sản.

vienhanlam1

"Lò ấp tiến sĩ" Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Photo courtesy

Chuyện bê bối ở Viện Hàn lâm đã xảy ra từ lâu. Hàng loạt vi phạm, khuyết điểm trong "lò ấp" thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm đã có từ giai đoạn 2011-2016, dưới thời quản lý của Nguyễn Xuân Thắng, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Đó là sai phạm về quản lý tổ chức bộ máy, chi tiêu vô tội vạ, ăn xén tài sản công và vô trách nhiệm trong đào tạo chuyên môn. Từ đó, mỗi năm viện này "ấp nở" 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ… với những đề tài "trời ơi đất hỡi" xoay quanh chủ đề công tác đảng và chủ nghĩa Mác – Lê.

Lãnh đạo ở viện này mua bán văn bằng kiếm tiền, bất chấp đạo đức và luật pháp. Mỗi ngày, một hội đồng nghiệm thu có khi chấm vài chục đề tài thạc sĩ, tiến sĩ là chuyện thường, nhiều hơn cả số học sinh được cô giáo cấp một dò bài, cả hai buổi học cộng lại.

Các nghiên cứu sinh hầu hết là quan nhưng lắm tiền, nhiều quyền, đã có Cao cấp Chính trị, chỉ thiếu mỗi cái văn bằng tiến sĩ hoặc học hàm phó giáo sư, để leo cao, chui sâu vào trong hệ thống, đục khoét của dân thêm nhiều hơn nữa.

Năm 2016, sau khi lọt vào Bộ Chính trị khóa 12, Nguyễn Xuân Thắng rời Viện Hàn lâm. Người lên nắm chủ tịch Viện, thế chỗ Thắng là Nguyễn Quang Thuấn. Năm 2018, khi là bệnh nhân Covid 19 thứ 21, ông Thuấn lộ đời tư bê bối, khi chu du từ Anh quốc về Việt Nam, xuống phi trường và "chạy" ngay đến nhà bồ nhí ở khu phố R4 Royal City. Công an và nhân viên y tế đã phải đến nơi đây để hốt cô này, cùng đứa con riêng với ông Thuấn đi cách ly.

Nguyễn Quang Thuấn hiện là Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương. Kế nhiệm Nguyễn Quang Thuấn để ngồi vào vị trí chủ tịch Viện Hàn lâm là nhân vật trẻ tuổi Bùi Nhật Quang.

vienhanlam2

Chân dung Bùi Nhật Quang. Photo : Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Bùi Nhật Quang sinh năm 1975, là con trai cố giáo sư Bùi Huy Khoát, từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu, thuộc Viện Hàn lâm. Ông Khoát là bạn thân với ông Nguyễn Phú Trọng và là thầy của Nguyễn Xuân Thắng, nhờ vậy hoạn lộ Bùi Nhật Quang như rải hoa hồng.

Tháng 3/2014, từ Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Bùi Nhật Quang được Ban Bí thư cho luân chuyển về tỉnh Ninh Thuận để tham gia Ban chấp hành đảng bộ tỉnh và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Tháng 1/2016, tại Đại hội 12 của Đảng cộng sản, Bùi Nhật Quang được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương. Sau đó được điều động, bổ nhiệm trở lại làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và ba năm sau, năm 2019, Quang thay Nguyễn Quang Thuấn giữ chức Viện trưởng Viện Hàn lâm cho đến nay. Bùi Nhật Quang cũng kiêm nhiệm chức Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Tại Đại hội 13, Bùi Nhật Quang lọt vào Ủy viên Trung ương.

Một người song hành, cùng lãnh đạo Viện Hàn lâm với Bùi Nhật Quang, phải kể đến là Đặng Xuân Thanh.

vienhanlam3

Chân dung Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nguồn : Báo Tin Tức

Đặng Xuân Thanh sinh năm 1965, là con trai cố giáo sư Đặng Xuân Kỳ (1931-2010). Ông Kỳ từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 6 và 7, từng giữ chức Viện trưởng Viện Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm), Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khóa 9 và 10.

Đặng Xuân Kỳ là trưởng nam của ông Trường Chinh, tức Đặng Xuân Khu (1907-1988), lãnh tụ của đảng cộng sản và là ông trùm lý luận Mác xít. Đặng Xuân Thanh chính là cháu nội đích tôn của lãnh tụ cộng sản Trường Chinh.

Đặng Xuân Thanh từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc ; Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Trung. Tháng 3/2014, Thanh được Ban Bí thư luân chuyển, điều động về Lào Cai, giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2011–2016, sau đó tái cử tiếp nhiệm kỳ 2016-2021. Năm 2018, Thanh được bổ nhiệm chức Phó Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Em trai của Đặng Xuân Thanh chính là tiến sĩ Đặng Xuân Phương, sinh 1974, hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của quốc hội khóa 15, đại biểu quốc hội khóa 14 và 15.

***

Nhằm né tránh liên lụy cho Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ "khoanh" sai phạm ở Viện Hàn lâm từ năm 2016 trở về sau. Dễ thấy, "đầu têu" của mọi vi phạm pháp luật trong đào tạo và cấp phát văn bằng, cũng như việc tham nhũng, suy thoái đạo đức và lũng đoạn chính trị… chính là ngài đương kim Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Nguyễn Xuân Thắng.

Cũng cần nói thêm rằng, ở Hội đồng lý luận Trung ương, nơi có chức năng "tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách…", thì chủ tịch Hội đồng Nguyễn Xuân Thắng cũng dính không ít bê bối.

Tháng 8/2017, ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã "bật đèn xanh" giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch AIC hiện đang bị truy nã) ôm gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị phần mềm điện tử cho Học viện Trung tâm và năm Học viện trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với số tiền hơn 38 tỷ đồng.

Trong số bốn phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương thì đã có ba ông được "phong thần".

Nguyễn Quang Thuấn có vợ bé, con rơi. Bùi Trường Giang tòm tem vợ đồng chí, vi phạm "đạo đức và lối sống" đã bị kỷ luật khiển trách và nay là Bùi Nhật Quang. Thế nhưng, đến thời điểm này, cả Nguyễn Xuân Thắng và người kế nhiệm là Nguyễn Quang Thuấn đều bình an vô sự.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật "cảnh cáo" cá nhân Đặng Xuân Thắng và cả Ban Thường vụ đảng ủy Viện Hàn lâm. Xem ra "cái nôi" đào tạo ra những trùm lý luận Mác Lê, cũng như "nền tảng tư tưởng của đảng" tại đây đã tả tơi, rách nát như chính đạo đức suy đồi của các đời lãnh đạo ở Viện Hàn lâm này.

Quyết định mức "cảnh cáo" dành cho Bùi Nhật Quang, mà không đưa ra Ban chấp hành Trung ương xem xét kỷ luật, xem như ông Nguyễn Phú Trọng đã cứu học trò và dành cho Bùi Nhật Quang một ân huệ.

Nhận kỷ luật "cảnh cáo" từ Bộ Chính trị, tức Bùi Nhật Quang vẫn giữ được thân phận Ủy viên Trung ương và có thể vẫn không mất ghế Chủ tịch Viện Hàn lâm.

Theo quy định 80 của Bộ Chính trị ban hành gần đây, "cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo thì trong 30 tháng không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn". Như vậy về lý thuyết, đến năm 2026, Bùi Nhật Quang "hết án" và vẫn còn cơ hội. Tuy nhiên theo diễn biến chính trường, Quang sẽ khó trụ nổi ở Đại hội 14.

Bùi Nhật Quang là nhân tố được quy hoạch "nhân sự cấp chiến lược". Nếu không bị các cán bộ ở Viện Hàn lâm và quần chúng tố cáo, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc phanh phui sai phạm, thì Bùi Nhật Quang sẽ vào Bộ Chính trị khóa 14 và nhảy lên ghế Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2026-2031.

***

Nhìn lại, thượng tầng Đảng cộng sản Việt Nam đang bế tắc về lý luận và loay hoay trong thực tiễn. Những "nền tảng tư tưởng" mà đảng cố hô hào trong gượng ép, đã bị chính những đảng viên cấp cao phá vỡ và ngồi xổm lên. Nạn tham nhũng, bè phái, chà đạp lên học thuật và vi phạm nguyên tắc dân chủ trong đảng đã trở thành dịch bệnh lây lan trong hàng ngũ những nhà lý luận, có học hàm học vị và chỗ đứng cao ngất trong cơ quan đầu não.

Đến như cháu đích tôn của ông Trường Chinh còn suy thoái, thì lý luận chính trị của Đảng cộng sản đã rách bươm không còn chỗ vá. Thêm nữa, bệnh "thoái hóa và suy đồi" giờ đây đang hiện diện rõ ở các "cậu ấm", "cô chiêu", con cưng và là những "hạt giống đỏ" của đảng một cách không chối cãi.

Thu Hà

Nguồn : Việt Luận, 01/10/2022

Additional Info

  • Author Thu Hà
Published in Diễn đàn

Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam khóa mới với nhiệm kỳ từ 2021/2026 vừa ra mắt và có phiên họp đầu tiên.

lyluan1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mới thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021/2026

Cùng thời gian, các phát biểu của quan chức thuộc hội đồng này vẫn không thay đổi nhiều so với lập luận phê phán chủ nghĩa tư bản, đứng đầu là Hoa Kỳ, của khối Đông Âu thời Liên Xô hơn 30 năm trước.

Hội đồng trong nhiệm kỳ mới này gồm có 50 thành viên, do ông Nguyễn Xuân Thắng, Giáo sư Tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Hội đồng, Giáo sư Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận trung ương nhiệm kỳ trước (2016 - 2021) làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng.

Trong số các Phó Chủ tịch chuyên trách, có ông Nguyễn Văn Thành, ông Thành là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, ông từng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Theo trang mạng của Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng này hôm 12/9/2021, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đề cập một số điểm, trong đó yêu cầu cơ quan nghiên cứu, lý luận này của Đảng cộng sản Việt Nam tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận nền tảng, cốt lõi trong đường lối chiến lược của Đảng cộng sản Việt Nam, sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế...'.

Ông cũng yêu cầu Hội đồng chủ động phối hợp 'tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm, những đặc trưng cơ bản, những vấn đề có tính quy luật của mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo tiền đề quan trọng cho việc bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh của Đảng trong giai đoạn 2021/2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Hôm 13/9 từ Hà Nội, hai nhà quan sát chính trị Việt Nam, nhân dịp này đã chia sẻ với BBC News tiếng Việt nhận định trên quan điểm riêng của mình về Hội đồng nói trên trong nhiệm kỳ mới và một số khía cạnh liên quan nhân sự và nội dung chức năng, vai trò cũng như mô hình liên quan Hội đồng này trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Vũ Bình, nguyên Biên tập viên Tạp chí Cộng sản bình luận :

"Công bố quyết định thành lập và nhân sự nhiệm kỳ mới của Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLtrung ương) trực thuộc Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2021/2026 không có gì mới về nội dung, hình thức và đường lối so với trước đây. Có chăng là vấn đề nhân sự, việc thay thế con người cũng là bình thường. Ý nghĩa của việc này là vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của một cơ quan mà đảng cộng sản cho là cần thiết. Ông Nguyễn Phú Trọng đi lên từ Tạp chí Cộng sản, cơ quan Lý luận và chính trị của đảng cộng sản, cũng đã từng là chủ tịch Hội đồng Lý luận này, nên việc duy trì và ưu tiên cho cơ quan này là điều dễ hiểu".

Ông Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nói :

"Năm 1996, Hội đồng Lý luận Trung ương được thành lập nhằm giúp Đảng cộng sản Việt Nam tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận chứng khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước. Tóm lại, tổ chức này được lập ra nhằm nâng cao tư duy lý luận của Đảng không chỉ trong lĩnh vực xây dựng Việt Nam theo mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn đấu tranh chống các quan điểm "sai trái", các "thế lực thù địch"...

lyluan2

Đối chiếu với thực tế kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Covid-19, các ý kiến quan sát tỏ ra băn khoăn về tính phù hợp của mô hình và vai trò của Hội đồng Lý luận trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam

Với ý nghĩa này, việc Đảng cộng sản Việt Nam vừa công bố thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021/2026, theo tôi cũng là không mới, nếu có 'mới' thì chỉ là một số gương mặt mới xuất hiện trong Ban lãnh đạo và thành viên của Hội đồng".

Con đường lên chủ nghĩa xã hội 'còn xa'

Về tính phù hợp của mô hình và đặc biệt về tính hữu ích của Hội đồng này trước những vấn đề then chốt, cũng như những yêu cầu cụ thể của thực tế phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới thể chế hay phát triển giáo dục, đào tạo, văn hóa, truyền thông của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước những thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các nhà quan sát này bình luận tiếp với BBC.

Ông Nguyễn Vũ Bình nói :

"Mô hình này trong thực tế không phù hợp với Việt Nam, vì thực ra hiện nay Việt Nam không ai quan tâm đến vấn đề lý luận, và những lý luận của hội đồng này cũng không liên quan gì đến thực tế (thực chất) ở Việt Nam. Hội đồng Lý luận này tồn tại, một phần vì các nước cộng sản rất ưa thích 'giả khoa học', ưa thích lý luận Marxist-Leninist.

"Tổng bí thư đi lên từ lý luận, lại từng là là chủ tịch Hội đồng này, nên muốn nâng tầm quan trọng và duy trì nó. Mặt khác, cũng có thể dùng Hội đồng này như một cơ quan ủng hộ tuyệt đối các quyết định của Tổng bí thư, giúp duy trì và khuyếch trương quyền lực của Tổng bí thư".

lyluan3

Covid-19 đang là thách đố không nhỏ đối với khả năng xử lý, ứng phó vĩ mô của đảng, nhà nước và toàn thể bộ máy chính trị, chính quyền của Đảng cộng sản Việt Nam từ trung ương tới địa phương

Liên quan phát biểu chỉ đạo của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam với Hội đồng Lý luận trung ương nhiệm kỳ mới, hai nhà quan sát nêu góc nhìn của mình :

Ông Nguyễn Vũ Bình nói :

"Tất cả những nội dung được phát biểu chỉ đạo đó gần như không có gì mới, đều là các nội dung cũ gắn thêm với hoàn cảnh mới làm nhiệm vụ cho Hội đồng Lý luận. Nhưng cả một Hội đồng Lý luận lớn quan trọng như vậy, tại sao có một khái niệm "Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa" mà bao nhiêu năm cũng không định nghĩa, làm rõ nổi. Vậy Hội đồng Lý luận tồn tại để làm gì ?"

Còn về nhân sự mới của Hội đồng, ông Lê Văn Sinh nêu nhận định :

"Tôi thì cho rằng nhìn vào Ban lãnh đạo Hội đồng nhiệm kỳ 2021/2016, tôi không dám chắc họ sẽ làm được việc gì đó khác thường. Tôi đồ rằng, rồi mọi sự cũng như các Hội đồng trước đó, kiên trì và bảo vệ học thuyết Marx- Lenine, một học thuyết chính trị - xã hội đã chứng tỏ tính bất khả thi của nó trong hiện thực tại Liên Xô và nước Đức, những nơi sản sinh học thuyết này. Thành ra con đường đổi mới chính trị cho xã hội Việt Nam sẽ còn nhiều trắc trở và xa vời. Dù sao, tôi vẫn hy vọng, sẽ đến lúc các vị nhận ra rằng, cải cách chính trị, xây dựng nền dân chủ, tự do thực sự mới là con đường giúp đất nước phát triển hùng cường và bền vững", nhà nghiên cứu lịch sử từ Đại học Quốc gia Hà nội nói với BBC trên quan điểm riêng.

lyluan4

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp các quan chức chính phủ Việt Nam tại Hà Nội hôm 25/8/2021. Các quan chức hàng đầu của Hội đồng Lý luận trung ương tuy vậy vẫn công khai phê phán chủ nghĩa tư bản

'Tư bản cải thiện được là nhờ giai cấp công nhân'

Trong một bài đăng trên Tạp chí Cộng sản 11/09/2021, Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng nói chính quyền của Đảng cộng sản Việt Nam "khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì hạnh phúc của nhân dân".

Dù Việt Nam nhận nhiều viện trợ vaccine từ các nước tư bản hàng đầu, Hoa Kỳ, Anh, EU, Nhật Bản cũng như đầu tư nhiều tỷ USD vào kinh tế nước này những năm qua, ông Tấn vẫn tin vào mâu thuẫn, khác biệt giữa hai hệ thống : chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

Thậm chí ông còn cho rằng người dân các nước tư bản có "đời sống được cải thiện" cũng là vì lợi ích "các ông chủ tư bản" :

"Nếu như có những cải thiện nhất định nào đó đối với những người dân sống trong chế độ tư bản chủ nghĩa ấy thì đó là những cải thiện đó là nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích của các ông chủ tư bản. Hay nói cụ thể hơn, thứ nhất, những cải thiện đó là kết quả của quá trình đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đạt được, thứ hai, những cải thiện đó nhằm nâng cao năng xuất lao động để mang lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cao hơn và lại phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản".

Ông nhắc lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng "bản chất của chế độ thống trị tư bản chủ nghĩa là không đổi" :

"...những cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, những phong trào phản kháng của quần chúng nhân dân bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ và các nước phương Tây như phong trào "99 chống 1" đã chứng tỏ bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa là chế độ thống trị của số ít giàu có và những thứ tự do, dân chủ mà họ vẫn rêu rao vẫn chỉ là lớp son phấn che phủ cho thực chất chuyên chế của những tập đoàn tư bản độc quyền".

Nguồn : BBC, 13/09/2021

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam

Cháy nhà ra… mặt Hội đồng !

Cánh Cò, RFA, 12/03/2020

Nếu quốc tế có duy nhất Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một tổ chức được dựng lên để bảo vệ và trợ giúp thế giới trên nhiều lĩnh vực thì Việt Nam lại có rất nhiều "Hội đồng" nhưng việc giúp đỡ cho nhân dân từ các Hội đồng này vẫn còn là câu hỏi rất lớn trong đời sống dân chúng.

hoidong1

Ông Nguyễn Quang Thuấn - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đương kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ - tự khoe là thành viên của sân golf Vân trì tọa lạc tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội - Ảnh minh họa 

Thứ nhất là Hội đồng Nhân dân, được dựng lên để… làm vì thay vì làm việc. Người dân không biết sự hiện diện của Hội đồng này vì mục đích gì bởi cả đời họ chưa bao giờ thấy cái Hội đồng này xuất hiện để bênh vực, trợ giúp hay chia sẻ nỗi lo của quần chúng, ngược lại, một vài ông bà Hội đồng có biểu hiện rất tiêu cực mà trường hợp bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là một thí dụ về chiếc dép của chị Dương ném thằng vào mặt bà khi bà tham gia tiếp dân tại Thủ Thiêm vào năm 2018.

Kế đến là Hội đồng quản trị, tuy được lập ra để điều hành một công ty hay một tập đoàn nhưng rất nhiều khuôn mặt trong đó làm lem luốc cho cái chức danh này. Không biết có bao nhiêu ông Chủ tịch Hội đồng quản trị của những tập đoàn nhà nước hay tư nhân đã vào tù vì tham ô, móc ngoặc. Tiếng thơm của cái job này đang bị xú uế hơn nữa khi mới đây ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần điện gió H.T, có mặt trên chuyến bay Việt Nam 1547 từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế, ông là hành khách bị nhiễm Covid-19 nhưng đã không khai báo chính xác với cơ quan chức năng ; thậm chí để cho nhân viên đi cách ly thay mình.

Còn một loại Hội đồng nữa mà không thấy thế giới tư bản có nó, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là đưa nó lên hàng thượng tầng kiến trúc, được trọng vọng và cung kính khi nhắc tới nó, được ưu đãi và kinh phí cấp cho nó cũng là một con số khủng so với các cơ quan khác, nó là Hội đồng lý luận Trung ương.

hoidong2

Ngày 18/05/2020, ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chính phủ trao Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng chính phủ bổ nhiệm Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Vai trò của Hội đồng này là tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị. Có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Hội đồng này còn có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Giữ mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các Đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới.

Hội đồng Lý luận trung ương khóa XII nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 44 người : 1 Chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch, 1 Tổng thư ký và 35 Ủy viên Hội đồng.

Trong 44 người chuyên săn lùng và nghiên cứu lý luận đấu tranh chống lại những kẻ phản động ấy có ông Nguyễn Quang Thuấn - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đương kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ.

ca3

Ông Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Quang Thuấn là bệnh nhân Virus Corona số 21 : sở hữu 3 căn nhà mặt tiền ở Hà Nội, bay hạng thương gia, ăn ở khách sạn 5 sao, đi đánh golf, mời ca sĩ về hát trong buổi tiệc liên hoan sang trọng. Ảnh minh họa 

Xưa nay người dân cứ ngây thơ nghĩ rằng mấy ông lý luận chính trị chỉ là vật tế thần cho Đảng cộng sản. Họ sống trong liêm khiết và tư tưởng chỉ nghĩ đến lợi ích của Đảng mà thôi, cho tới khi vụ ông Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Quang Thuấn đổ bể thì người ta mới ngơ ngác hỏi nhau : Vậy là chúng cùng một giuộc hay sao ?

Ông Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Quang Thuấn là bệnh nhân Virus Corona số 21 : sở hữu 3 căn nhà mặt tiền ở Hà Nội, bay hạng thương gia, ăn ở khách sạn 5 sao, đi đánh golf, mời ca sĩ về hát trong buổi tiệc liên hoan sang trọng. Từ việc ông Thuấn tự khoe là thành viên của sân golf Vân trì báo chí phanh phui ra rằng nó tọa lạc tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội và được mô tả ở vị trí rất thuận tiện, đảm bảo an ninh, là sân golf đáng chơi nhất tại miền Bắc. Sân golf Vân Trì được coi là có mức phí cao nhất ở miền Bắc. Với mức phí này, những khách chơi tại Vân Trì golf club được coi là những người có điều kiện, thuộc giới thượng lưu.

Báo Dân Việt dẫn lại biểu phí của sân golf này cho thấy mỗi hội viên phải trả phí ghi danh 3,6 tỉ đồng tương đương 155.706 USD cho thời hạn 30 năm, chưa kể phí thường niên 50,5 triệu đồng . Mức phí này được giải thích là các thành viên phải chi "để tận hưởng không gian riêng tư", vì sân golf này giới hạn chỉ 400 hội viên.

Ông Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương trên danh nghĩa có mức lương gần hai mươi triệu hàng tháng nhưng thích chốn riêng tư thì ông lại có thừa. Đánh golf riêng tư chưa đủ ông còn có bồ nhí cho đủ bộ riêng tư. Mới đây báo chí lại tung tin công an Hà Nội đã truy ra ông hội đồng Thuấn đã từng ghé chung cư Vincom thăm bà Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm và phát hiện mối dây liên hệ của bà này và ông hội đồng. Chính ông Nguyễn Quang Thuấn đã công bố Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, và nhiều người còn cho rằng chính ông là người đề bạt bà Nguyễn Thị Phương Châm vào chức vụ Viện Trưởng viện Văn hóa.

hoidong3

Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn trao quyết định bổ nhiệm Phó Giáo sư Nguyễn Thị Phương Châm vào chức vụ Viện Trưởng viện Văn hóa ngày 22/05/2017

Virus Corona như một trận hỏa hoạn kinh thiên động địa, nó không những gây cho hàng ngàn người chết mà còn làm những chú chuột quen chui rúc trong bóng tối nay phải lộ mặt trước cuộc đời.

Tại Việt Nam, chẳng những chuột bị lộ mặt mà các hội đồng cũng không thoát cơn thịnh nộ của cúm Tàu, nhất là Hội đồng Lý luận trung ương có con chuột cống mang tên Nguyễn Quang Thuấn.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 12/03/2020 (canhco's blog)

*********************

Sau Corona là gì ?

Cánh Cò, RFA, 10/03/2020

Thông tin dồn dập về những bệnh nhân mới nhiễm cúm Corona tại Việt Nam đang góp phần làm cho xã hội không còn yên ắng như vài ngày trước đây khi chuyến bay từ Anh của 12 quan lớn cùng vài người cả Việt lẫn Anh đáp xuống phi trường Nội Bài và sau đó có hai con số làm cộng đồng mạng ồn ào như vỡ tổ đó là 17 và 21.

hoidong4

Con số 17 là số của cô gái 26 tuổi - Nguyễn Hồng Nhung từ Anh về sau khi tham gia một sự kiện trang phục. Còn số 21 là của ông Nguyễn Quang Thuấn - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đương kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cả hai người đều bị xác nhận là dương tính với virus Corona.

Cô Hồng Nhung ít bị chú ý hon ông Nguyễn Quang Thuấn một chút bởi vì ông này có những hoạt động sau khi về Việt Nam khiến người ta căm phẫn. Thứ nhất ông tham dự một buổi dạ tiệc do đích thân ông Bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khoản đãi được gọi là tiệc tẩy trần cho phái đoàn sang nhiều nước nhằm chuẩn bị văn kiện Đảng. Ông Dũng dẫn đầu phái đoàn và may mắn chưa bị nhiễm Corona.

Ông Thuấn còn khoe đi đánh golf và thăm gặp gần 400 người trong hệ thống cầm quyền. Vời tính cách này người dân ngao ngán cho một cán bộ tuyên giáo suốt ngày mài răng bằng những cụm từ hoa mỹ đánh bóng cho chế độ nhưng ăn chơi không hề thua kém bất cứ đại gia đỏ nào. Người dân nặng nể lên án ông Thuấn và 11 người cùng đi với ông không phải vì sự tởm lợm của họ nhưng do sự thù hằn từ trong tâm thức của người nghèo đối với cán bộ lần này hiện rõ hơn. Chiếc mặt nạ vì dân của họ đã bị rơi xuống và không ai cảm thấy có lỗi khi lên án hành vi ăn trên ngồi trốc bất kể cộng đồng chung quanh đang chắt chiu từ chiếc khẩu trang hay lặn lội chờ từ giọt nước ngọt của những chiếc xe bồn chở nước ở miền Tây… Tất cả hình ảnh phản chiếu ấy nói lên một đất nước mục ruỗng từ bên trong nhưng bên ngoài vẫn không ngớt những khẩu hiệu trấn áp sự thật đang lừng lững xuất hiện trên mọi miền đất nước.

Khi người ta vui mừng vì bị chính phủ vặn vẹo thông tin đến nỗi cả tin Việt Nam sắp không còn bị Corona khống chế và lại cố tình phớt lờ rằng chung quanh Việt Nam không một nơi nào an toàn nữa. Không ai tỉnh táo đặt câu hỏi tại sao Việt Nam lại may mắn như thế để khi hai con số 17 và 21 xuất hiện cả nước mới tỉnh ngộ ra và bắt đầu nhốn nháo.

Cũng vậy, không ai lo lắng sau cơn dịch này đất nước sẽ bị tàn phá đến đâu khi cả miền Tây đang oằn mình chống cái hạn hán kinh hoàng cùng những cánh đồng ngập mặn không phương cứu vãn. Không một chuyên gia nào trong hệ thống lên tiếng cho biết kinh tế Việt Nam sẽ rơi xuống tới đâu khi sàn chứng khoán tiếp tục bị nướng cháy một màu đỏ bao trùm.

Chỉ trong một ngày thứ Hai, tất cả các mã đều giảm kịch sàn và 10,5 tỉ USD vốn bốc hơi cùng với con Corona..

Đã thế, ông Thủ tướng vẫn tiếp tục tin rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng đạp lên khó khăn mà trỗi dậy chứ ông không cảnh báo kinh tế Việt Nam sắp rơi tự do nếu tình trạng Corona không được khống chế. Ngược lại với tình cách hài hước của ông, báo chí len lén đánh giá rằng nếu dịch Corona kéo dài đến 6 tháng, 74% doanh nghiệp sẽ phá sản. Từ khách sạn, du lịch, giáo dục, dệt may, da giày, đồ gỗ... do không thể bù đắp các chi phí trả lương, lãi vay, thuê mặt bằng...

Hình ảnh đen tối đó không làm cho guồng máy chột dạ, nhất là nhân vật cao nhất, nhiều lý luận nhất và giỏi im lặng nhất là ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Từ khi dịch bệnh xảy ra không thấy ông có một lời nào quan ngại đến sự an toàn của nhân dân hay cán bộ đảng viên, ông im lặng một cách đáng ngờ và nỗi nghi ngờ lớn nhất của nhân dân là liệu ông có còn sống trong Phủ chủ tịch hay đã được lặng lẽ mang đến một quốc gia nào đó ẩn mình… chờ hết dịch.

Bây giờ thì Việt Nam không còn ngạo nghễ trước con Corona nữa nhưng có vẻ đất nước đang tự lật mình nằm sấp để bớt nghe những than vãn, thống hận của nhân dân trước bộ máy cầm quyền.

Bởi rồi đây sẽ có phái đoàn đi Ý học tập cách chống dịch của họ nếu may mắn đất nước này thoát qua dịch bệnh và chúng ta không ai lên tiếng la ó họ nữa tuy biết rất rõ rằng bọn chúng chỉ tìm cách móc túi công quỹ còn số phận chúng ta do thượng đế quyết định.

Đừng vội cám ơn nhờ Corona mà chúng ta biết bộ mặt thật của Ban tuyên giáo. Còn hàng ngàn bộ mặt thất khác không bao giờ xuất hiện nếu chúng ta vẫn ngây thơ tin rằng có người tốt có người xấu. Nếu còn tin như vậy thì hãy tin rằng Corona nó chừa bạn ra vì biết bạn là người tốt.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 10/03/2020 (canhco's blog)

Additional Info

  • Author Cánh Cò
Published in Diễn đàn