Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đã đến lúc chứng tỏ Việt Nam cũng xuất sắc trong giải quyết các thách thức kinh tế

Theo những ước tính mới của ILO, các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu.

laodong0

Ở Việt Nam, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đối với người lao động nữ

Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) mới đây mới đây đã đưa ra những dự báo cập nhật về tình trạng mất việc làm và giảm số giờ làm việc nghiêm trọng trên toàn thế giới. Theo đó, phần về Việt Nam, như sau :

"Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.

Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam. Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chúng ta chỉ đang nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động.

Điều này cũng đem lại hàm ý chính sách rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam. Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp và trình độ kỹ năng thấp. Đây cũng là những lĩnh vực mà phụ nữ chiếm phần đông.

Điều đó có nghĩa rằng khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ.

Bốn lĩnh vực được xác định có nguy cơ bị tác động nặng nề nhất theo Báo cáo nhanh của ILO hiện sử dụng 44,1% số lao động nữ của Việt Nam (trong khi đó chỉ có 30,4% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên).

Vì vậy, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Điểm đáng quan ngại là diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ làm suy yếu thêm vị thế của phụ nữ trên thị trường lao động".

…"Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này. Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới.

Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức Liên Hợp Quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn" – Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, phát biểu như vậy.

Câu hỏi đặt ra : Chính phủ Việt Nam đang tính toán các gói hỗ trợ ra sao để chứng tỏ Việt Nam cũng xuất sắc trong giải quyết các thách thức kinh tế ?

Ông Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng các quốc gia phát triển đã dành tiềm lực rất lớn để hỗ trợ cho người dân bởi nguồn ngân sách, khả năng tài chính cũng như sức chịu đựng của họ lớn. Thậm chí, có những quốc gia chuyển hẳn tiền vào tài khoản của từng người như ở Mỹ chẳng hạn.

"Chúng ta sẽ cố gắng để gói hỗ trợ tốt nhất đến tay người dân, song tiềm lực có giới hạn nên chưa thể làm được như các nước. Thay vào đó, chúng ta đẩy nhanh gói hỗ trợ để làm sao chi đúng đối tượng, hướng đến những người đang gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ để họ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo, và điều quan trọng là trên cơ sở công khai, minh bạch.

Điều này tác động rất lớn đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống chính trị của chúng ta. Trong các chính sách, việc giảm thuế thu nhập cá nhân để tất cả người dân có thể tiếp tục được thụ hưởng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tuy nhiên, với gói hỗ trợ mới đang được dự tính đợt này mà Bộ Chính trị thông qua, Chính phủ nên mạnh dạn tăng quy mô gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động khi quy mô GDP đã tăng trên 340 tỉ USD năm 2020 bởi lẽ tại thời điểm này, Chính phủ cần chấp nhận tăng bội chi ngân sách năm nay để tăng gói hỗ trợ đủ liều khi ‘bệnh’ đã nặng hơn sau một thời gian Covid-19 tấn công doanh nghiệp, người dân.

Ở một số nước, hỗ trợ tài chính có thể tương ứng 15/20% GDP, do đó việc nới lỏng hơn các điều kiện, tiêu chí nhận hỗ trợ để nhanh chóng đưa tiền, kích cầu tiêu dùng cho nền kinh tế cũng là vấn đề cần ưu tiên trong gói mới này".

Một ý kiến khác : Đâu phải chúng ta không có tiền.

Mặc dù ngân sách căng thẳng, vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021.

Mặt khác, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 34,15% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020.

Điều đó nghĩa là Việt Nam còn những khoản "dự định chi" nhưng chưa được chi có thể điều chỉnh. Hơn nữa, nếu cần thiết, Chính phủ có thể vay thêm nợ, bớt đi những lãng phí, di chuyển những khoản tiền định đầu tư vào một số dự án khổng lồ mà không giải ngân được sang cứu trợ kinh tế trước đã.

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 01/07/2021

Published in Diễn đàn

Tất cả các đại biểu có mặt tại phiên họp Quốc hội vào ngày 14/06 đã bỏ phiếu đồng ý với việc phê chuẩn Công ước ILO 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

ilo1

Kết quả biểu quyết của Quốc hội Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước ILO 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organization - ILO) đã chúc mừng Việt Nam về quyết định quan trọng trong việc phê chuẩn một trong những công ước cơ bản của tổ chức này để thúc đẩy thương lượng tập thể.

Vào ngày 14/6, tất cả 452 đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu đồng ý với hồ sơ của Chính phủ để phê chuẩn Công ước ILO 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Công ước 98 là một trong tám công ước cốt lõi của ILO theo Tuyên bố 1998 của ILO về Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc, bao gồm : quyền tự do lập hội và công nhận quyền thương lượng tập thể ; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc ; xóa bỏ lao động trẻ em ; và loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Tất cả các quốc gia thành viên ILO nên tôn trọng và áp dụng các nguyên tắc theo Tuyên bố năm 1998.

Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc Chính sách của ILO phát biểu "Chúng tôi chúc mừng Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước 98. Đây không chỉ là quyền cơ bản mà còn là một quyền cho phép tạo điều kiện bảo vệ các quyền khác của người lao động".

Được thông qua vào năm 1949, Công ước 98 có ba phần chính để đảm bảo rằng thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể diễn ra một cách hiệu quả. Chúng bao gồm bảo vệ công nhân và cán bộ công đoàn chống lại hành vi phân biệt đối xử của người sử dụng lao động, bảo đảm cho các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động không bị can thiệp hoặc chi phối lẫn nhau, và yêu cầu các biện pháp thể chế và pháp lý do Nhà nước cung cấp để thúc đẩy thương lượng tập thể.

Một thay đổi đáng kể mà Việt Nam sẽ cần phải thực hiện để phù hợp với quy ước này là tránh xa tình trạng phổ biến hiện nay khi các công đoàn cơ sở bị chi phối bởi cơ quan quản lý. "Trong nhiều nhà máy, không khó để tìm một người quản lý cấp cao hoặc giám đốc nhân sự đóng vai trò là chủ tịch công đoàn", Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Leenói. Đưa các hiệp hội công đoàn độc lập ra khỏi sự thống trị hoặc can thiệp của giới quản lý là chìa khóa để xây dựng các mối quan hệ công nghiệp hài hòa, ổn định và tiến bộ để phát triển bền vững.

Ông nói rằng công nhân, công đoàn và người sử dụng lao động Việt Nam đã chứng minh được ý chí và năng lực của họ đối với thương lượng tập thể thực sự, như thể hiện trong sự phát triển đột phá gần đây của thương lượng tập thể của nhiều chủ lao động trong ngành điện tử ở Hải Phòng, ngành du lịch ở Đà Nẵng và ngành nội thất ở Bình Dương.

Việc phê chuẩn Công ước 98 sẽ thúc đẩy sự lan truyền của thương lượng tập thể đích thực cho các giải pháp cùng có lợi tại nơi làm việc của Việt Nam, có khả năng dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn và thịnh vượng chung, góp phần phát triển bền vững, ông nói thêm.

Tám công ước cốt lõi của ILO, bao gồm Công ước 98, theo các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, đã trở thành một phần trung tâm của thế hệ hiệp định thương mại tự do mới, bao gồm Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPPTPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam, cũng như hầu hết các chính sách có trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đa quốc gia.

Công ước 98 là công ước cơ bản thứ sáu mà Việt Nam đã phê chuẩn. Các công ước khác là Công ước 29 về chống lao động cưỡng bức, Công ước 100 và 111 về không phân biệt đối xử và Công ước 138 và 182 về lao động trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam cũng sẽ chuẩn bị phê chuẩn hai công ước còn lại, Công ước 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước 87 về tự do lập hội vào năm 2023.

Nguyên tácILO welcomes Viet Nam's vote to ratify ILO fundamental convention on collective bargaining, ILOnews, 14/06/2019

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 15/06/2019

Published in Diễn đàn