Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 01/12/2019, Nghị Viện Iraq chấp thuận đơn từ chức của thủ tướng Adel Abdel Medhi, sau hai tháng người dân Iraq nổi dậy chống chính quyền. Hơn 400 người chết và gần 15.000 người bị thương trong các cuộc đối đầu giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Vì sao Iraq lại rơi vào thảm trạng này ?

iran1

Biểu tình trước lãnh sự quán Iran ở Kerbala, Iraq, ngày 03/11/2019.REUTERS/Stringer

Trước hết, xin giới thiệu đôi nét về đất nước Iraq. Quốc gia sản xuất dầu hỏa hàng thức hai trong khối OPEP, có diện tích rộng khoảng 435 ngàn km², dân số khoảng 42 triệu người. Iraq có những láng giềng là Iran (phía đông), Thổ Nhĩ Kỳ (phía bắc), Syria và Jordani (tây), Saudi Arabia (nam và tây nam) và Koweit (nam).

Hệ thống chính trị - tín ngưỡng và ảnh hưởng của Iran

Năm 2003 được cho là một cột mốc quan trọng. Hoa Kỳ, lấy cớ chế độ Saddam Hussein có vũ khí hóa học, đã huy động một liên minh quốc tế gồm 50 nước dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc tiến hành cuộc chiến chống đảng Baas, người Hồi giáo Sunni, lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein.

Hệ quả của cuộc chiến tranh này là một cuộc nội chiến đầu tiên tại Iraq giữa hai hệ phái Sunni và Shia được Iran hậu thuẫn ba năm sau đó, năm 2006. Cuộc nội chiến này kết thúc vào năm 2008, sau chiến thắng của hệ phái Shia.

Dưới sự bảo trợ của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, một hệ thống chính trị mới được thiết lập trên cơ sở tín ngưỡng và sắc tộc. Trong chính phủ hiện nay, thủ tướng vừa từ nhiệm, Adel Abdel Medhi, là thuộc hệ phái Shia (60% dân số Iraq). Tổng thống cộng hòa, Barham Saleh, là người Kurdistan (20%) và chủ tịch Nghị viện, Mohamed al-Habousi, thuộc hệ phái Sunni (20%).

Ngoài ra, còn phải kể đến hai nhân vật khác có tầm ảnh hưởng quan trọng không kém : Giáo chủ Ali al-Sistani, hệ phái Shia và Moqtada al-Sadr, một chính trị gia mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hệ phái Shia.

Giờ đây, hệ thống chính trị này bị một bộ phận lớn người dân Iraq phản đối. Từ đầu tháng 10/2019, các cuộc biểu tình liên tục diễn ra tại thủ đô Baghdad và nhiều thành phố khác ở miền nam. Phần đông những người biểu tình là giới trẻ, ban đầu thuộc các khu phố nghèo, không việc làm. Rồi làn sóng phản kháng lan rộng, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội khác như sinh viên, giới nghệ sĩ, bác sĩ, thậm chí cả giới luật gia.

Họ phản đối tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng, và sự suy sụp của các hệ thống dịch vụ công. Người biểu tình đòi giải thể cả một hệ thống "tín ngưỡng – chính trị" do Mỹ và Iran lập nên sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Husein. Điểm gây ngạc nhiên là làn sóng phản kháng lần này tập hợp đại đa số những người Hồi giáo hệ phái Shia, chống lại một Nhà nước theo hệ phái Shia giống Iran.

Người biểu tình cho rằng mô hình chính trị hiện nay đã làm biến mất "tinh thần dân tộc Iraq". Về điểm này, nhà xã hội học Adel Bakawan, giám đốc Trung tâm Xã hội học tại Iraq (CSI) trường đại học Soran, trả lời kênh truyền hình France 24 khẳng định ảnh hưởng của Iran tại Iraq là rất lớn :

"Đơn giản bởi vì từ năm 2003-2019, Iran không chỉ tác động lên tầng lớp chính trị của Iraq, mà còn hoạt động rất mạnh trong toàn bộ các lĩnh vực xã hội của Iraq. Tôi nói hoạt động mạnh là vì Iran có nhiều dự án trong các mảng kinh tế, giáo dục, văn hóa, chính trị. Iran đâu chỉ muốn thống trị về chính trị hay quân sự. Iran muốn cai trị toàn bộ xã hội Iraq.

Vì sao ư ? Bởi vì Iraq không đơn giản chỉ là một nước láng giềng, mà còn là ʺlằn ranh đỏʺ của Iran. Đất nước Iraq còn là vấn đề an ninh quốc gia đối với IranTehran có thể bỏ rơi việc kiểm soát các nước khác như Lebanon, Yemen, Syria nhưng Iran không thể từ bỏ việc thống trị Iraq, do nước này còn là vấn đề an ninh quốc gia của Iran".

Mức độ bạo lực của các vụ biểu tình ngày càng lớn. Tại thành phố thánh Najaf, người phản đối phóng hỏa tòa lãnh sự của Iran, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong các vụ xung đột. Tại sao người dân Iraq lại xuống đường phản đối ? Iran có ảnh hưởng gì tại Iraq ? Vì sao Mỹ lại vắng bóng trong cuộc xung đột này ? Phải chăng đây là thất bại của Iraq, thậm chí của Mỹ và Iran thời hậu Saddam Hussein ?

Trong chương trình truyền hình do hai kênh France Info và đài truyền hình quốc tế France 24 đồng thực hiện, chuyên gia về Iraq, bà Myriam Benraad cho rằng nguyên nhân sâu xa của tình hình hỗn loạn hiện nay tại Iraq bắt nguồn từ cuộc chiến do Mỹ gây ra.

Thất bại của Iraq và chính sách can thiệp của Tehran

Đầu tiên hết, khi nhận định về sự ủng hộ của giáo chủ Ali al-Sistani đối với phong trào phản kháng của người dân, chuyên gia Myriam Benraad lưu ý, ông cũng là người góp phần quyết định tạo dựng mô hình chính trị hiện nay tại Iraq.

"Đó là một nhân vật quan trọng, có tính biểu tượng cao, đồng thời, đó cũng là một gương mặt già nua, gần 80 tuổi, ngày càng ít ảnh hưởng trong vai trò mà người ta muốn gắn cho ông ta. Thực ra, nhân vật này chơi trò hai mặt. Bởi vì chúng ta nên nhớ là Sistani không ngừng ủng hộ dân chúng chống lại những kẻ tham nhũng, trộm cắp công quỹ trong cuộc đấu tranh hiện nay, nhưng đồng thời, cũng chính ông ta vào năm 2003, đã đồng thuận với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc thời đó để lập ra cái hệ thống chính trị hiện đang trở nên suy yếu và vô hiệu quả".

Việc các lực lượng an ninh của Iraq trấn áp đẫm máu người dân cũng được cho là có bàn tay của Iran. Hồi cuối tháng 10/2019, dưới sự chủ trì của tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Al-Qods của Vệ binh Cộng hòa ở bên ngoài lãnh thổ, các đảng cầm quyền đã nhất trí duy trì chính phủ của thủ tướng Adel Abdel Medhi và phải dập tắt làn sóng phản đối, kể cả bằng vũ lực. Sự việc hiện nay cho thấy đây là một thất bại của Iran trong kế hoạch thống trị Iraq.

"Liên quan đến Iran, sự kiện đánh dấu thất bại của Iran trong hành động can thiệp này. Bởi vì, vào năm 2003, Iran có thể nói là đã thỏa thuận với các chính đảng cũ, thuộc hệ phái Shia, trước đây chống lại Saddam Hussein, để điều hành Iraq.

Giờ đây, chúng ta thấy là sự can dự đã thất bại bởi vì, người dân Iraq, nhất là những người ở miền nam cuối cùng nhận thấy là sự can thiệp đó đã gây tổn hại đến các lợi ích và cuộc sống ấm no của họ".

Nhắc lại lịch sử, việc Saddam Hussein bị bắt và hành quyết, mở đầu cho một giai đoạn phục thù của người Hồi giáo Shia, từng bị trấn áp dã man dưới thời chính quyền độc tài do hệ phái Sunni lãnh đạo.

"Vào thời điểm hành quyết Saddam Hussein, đó rõ ràng là một sự trả thù của phe Shia chính trị vốn trong một thời gian dài là lực lượng đối lập chính chống lại chế độ Saddam Hussein và bị chế độ của đảng Baas cầm quyền trấn áp tàn bạo.

Tên tuổi Sadr được nói đến. Đó là một gia đình thuộc giới chức sắc. Một số thành viên trong gia đình này bị chế độ của Saddam Hussein giết hại. Như vậy, có một sự trả thù của hệ phái Shia. Nhưng thực ra, sự trả thù này đã bắt đầu từ năm 2003 khi phe đối lập cũ quay lại Iraq. Phe đối lập này đã phải rời khỏi Iraq trước đó 30 năm và họ đã trở về Iraq cùng với xe tăng của Mỹ.

Tâm lý trả thù này vẫn còn thể hiện trong thời gian gần đây, ví dụ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Đây là sợi chỉ xuyên suốt cuộc chiến tranh. Những người đã từng tiến hành và ủng hộ cuộc xung đột giữa các hệ phái tôn giáo, giờ đây quay sang phản đối chế độ, bởi vì họ coi đó là một hành động tự đào mồ chôn nước Iraq mới".

Mỹ : Kẻ đập phá đất nước Iraq ?

Những gì đang diễn ra ngày nay, phải chăng đó còn là thất bại của Nhà nước Iraq mới, hậu Saddam Hussein do Mỹ ủng hộ ?

"Vâng. Đó là một sự thất bại tại Iraq. Thậm chí, tôi có thể nói rằng đó là sự thất bại của thời kỳ hậu Saddam mặc dù được Mỹ hậu thuẫn. Tôi không rõ Mỹ đã ủng hộ đến mức nào nhưng rõ ràng chính Mỹ đã tiến hành phá hủy đất nước này ngay từ năm 2003, thời kỳ hậu Saddam.

Tôi xin nhắc lại là khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, nhà độc tài này chạy trốn và ba năm sau đó, đã bị bắt rồi bị treo cổ. Thế nhưng, khi chế độ này bị lật đổ, không hề có một kế hoạch chuyển tiếp và tái thiết. Lúc đó, phe đối lập cũ quay lại chính trường và lên cầm quyền cho đến hiện nay.

Phe này lãnh đạo đất nước theo phương pháp trả thù, tìm cách tính sổ với phe cầm quyền trước đây. Họ không có dự án chính trị cho người dân và cho đến lúc này, động lực cầm quyền của họ vẫn như vậy. Do đó, có thể nói, ngay từ năm 2003, cả Mỹ và phe đối lập cũ đã từng bước đặt ra những cột mốc đánh dấu tiến trình dẫn đến thảm bại hiện nay".

Năm 2003, dầu hỏa được cho là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến Iraq. Giờ đây, ngành công nghiệp này là tâm điểm chỉ trích nhắm vào mạng lưới tham nhũng đang hoành hành tại Iraq. Tuy nhiên, bà Myriam Benraad cho rằng Hoa Kỳ cũng có một phần trách nhiệm.

"Đúng như vậy. Từ 2003, các quỹ trong chương trình dầu lửa đổi lấy lương thực thực phẩm do Liên Hiệp Quốc quản lý trong giai đoạn cấm vận và sau đó được chuyển cho Hoa Kỳ và chính Hoa Kỳ đã hợp tác với các nhà đối lập cũ, trước đây chống lại chế độ Saddam Hussein, thao túng phung phí các quỹ này.

Trong thời kỳ hậu Saddam Hussein, các nhà đối lập cũ, khi lên cầm quyền, đã lập ra một hệ thống tham nhũng, bè phái xâu xé các quỹ này. Tham nhũng đã gặm nhấm, hủy hoại tất cả các cấp chính quyền trong bộ máy Nhà nước Iraq, từ cấp quản lý thấp nhất ở địa phương cho đến cấp bộ ở trung ương. Tham nhũng đã trở thành một thứ văn hóa và ngăn cản tiến trình tái thiết. Các nạn nhân đầu tiên, đó chính là những người mà chúng ta nhìn thấy đang biểu tình rầm rộ trên đường phố đòi tính sổ với chế độ hiện đang cầm quyền".

Khủng hoảng không có hồi kết ?

Giờ đây, trước tình hình bất ổn của Iraq, Hoa Kỳ, tuy vẫn còn một số căn cứ quân sự tại đây nhưng không lên tiếng ủng hộ một phe nào. Quan hệ giữa Mỹ và Iraq ngày càng xấu đi trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang dần khẳng định thế mạnh tại khu vực Trung Đông. Phải chăng tại Iraq, Hoa Kỳ đang có chính sách co cụm lại ?

"Vâng. Hoa Kỳ đã chủ trương co cụm, biệt lập ngay từ khi Barack Obama được bầu làm tổng thống. Trong suốt cuộc vận động tranh cử, Obama đã hứa rút quân ra khỏi Iraq. Cần phải nói rõ, Hoa Kỳ chủ trương biệt lập, co cụm bởi vì họ đã thất bại trong cuộc chiến tranh tại Iraq. Tổn thất nhân mạng rất lớn, một bộ phận công luận và nhiều gia đình Mỹ bị chấn thương tinh thần. Người ta so sánh và nói đến một cuộc chiến tranh Việt Nam thứ hai, một cuộc chiến tranh gây chấn động mạnh về tinh thần đối với người dân Mỹ.

Đúng là Donald Trump giữ khoảng cách khá lớn trong quan hệ với giới lãnh đạo chính trị tại Baghdad. Vả lại, ông không đi theo lô gích tăng cường quan hệ ngoại giao. Nhìn chung, Donald Trum chủ trương rút quân ra khỏi Trung Đông, thế giới Ả Rập. Chính sách này của Donald Trump không chỉ liên quan đến Iraq mà còn được áp dụng rõ ràng tại Syria. Có thể nói, ông không thực sự tìm cách duy trì mối quan hệ này. Thực ra, vấn đề này đã bắt đầu từ thời Obama và Donald Trump chỉ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm".

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Nếu Hoa Kỳ thoái lui khỏi khu vực thật sự, nước nào sẽ được hưởng lợi ?

"Việc rút quân chỉ mang tính tương đối mà thôi bởi vì việc giải trừ binh bị và hợp tác quân sự giữa hai nước vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Hiện vẫn còn một số lính Mỹ tại Iraq và vẫn có một số lợi ích kinh tế mà chính quyền Trump quan tâm.

Về phía Iraq, đúng là có một sự đa dạng hóa quan hệ. Chính quyền Baghdad tìm kiếm quan hệ đối tác và liên minh với một số cường quốc, như với Nga và kể cả Trung Quốc. Người ta ít nói đến trường hợp Trung Quốc nhưng nước này có thị phần ngày càng lớn tại Iraq, nhất là trong lĩnh vực bán vũ khí, khí tài, dầu lửa.

Và Iran là nước được hưởng lợi nhiều nhất ngay từ đầu cuộc chiến tranh 2003. Trước khi xẩy ra cuộc chiến tranh này, Saudi Arabia đã lưu ý chính quyền Bush rằng nước sẽ trục lợi nhiều nhất là Iran.

Iran coi Iraq là kẻ thù truyền kiếp. Trong những năm 1980 đã xẩy ra chiến tranh kéo dài giữa hai nước. Do vậy, Iran luôn quan tâm đến việc làm chủ, thao túng được Iraq, thông qua các hoạt động can thiệp rất sâu vào nội tình Iraq. Một mặt, Iran ngăn chặn Iraq trở thành kẻ thù, trở thành một quốc gia hùng mạnh có thể tiến hành chiến tranh như đã xẩy ra dưới thời Saddam Hussein. Mặt khác, Iran cũng quan tâm đến các lợi ích kinh tế tại Iraq và hiện nay, Iran là nhà đầu tư số một tại Iraq".

Làm thế nào để thoát khủng hoảng ? Đa số các chuyên gia Pháp cho rằng đất nước đang rơi vào bế tắc. Liệu còn có thể cải tổ đất nước hay không ? Người ta nói nhiều đến các chương trình cải cách nhưng là những cải cách nào mới được ? Nhà nghiên cứu Myriam Benraad cho rằng trong tình trạng đất nước hiện nay người ta khó có một tham vọng nếu không muốn nói là rất hạn hẹp.

Về phần mình, chuyên gia David Rigoulet-Roze trên đài France 24 cũng có cùng quan điểm khi nghĩ rằng chính phủ Iraq khó có thể lấy lại kiểm soát ngoài trừ dùng vũ lực, một lần nữa nhấn chìm làn sóng phản đối trong biển máu. Người biểu tình đòi cả hệ thống chính trị - tín ngưỡng phải ra đi, chứ không chỉ đơn giản chỉ là những yêu cầu chống tham nhũng hay cải cách luật bầu cử. Từ góc nhìn này, ông David Rigou-Roze kết luận tình hình Iraq hiện nay thật sự nguy hiểm hơn bao giờ hết !

Minh Anh

Nguồn : RFI, 05/12/2019

Additional Info

  • Author Minh Anh
Published in Diễn đàn