Các cuộc biểu tình năm 1919 đã thúc đẩy đất nước Trung Quốc tiến theo đường hướng hiện đại. Một trăm năm sau (2019), tinh thần chiến đấu lại trở lại ở Bắc Kinh.
Tượng đài tưởng niệm Jiuyiba 18/9/1931, ngày quân đội Nhật đồn trú tại Mukden, miền đông bắc Trung Quốc, ngụy tạo một vụ phá hoại để tạo nguyên cớ đánh chiếm toàn bộ khu vực này
Trong tiếng Hoa, việc đề cập đến chỉ hai hoặc ba con số cũng có thể là đủ để nhắc đến một sự kiện lịch sử lớn lao. Khi quý vị nói Jiuyiba (chín – một - tám) thì người nghe của quý vị sẽ biết rằng quý vị không chỉ nghĩ đến ngày 18 tháng 9 của một năm nào đó, mà là ngày 18 tháng 9 của năm 1931, khi mà các sĩ quan quân đội Nhật đồn trú tại Mukden, miền đông bắc Trung Quốc, ngụy tạo một vụ phá hoại nhắm vào hệ thống đường sắt do Nhật bản chiếm dụng để tạo ra một nguyên cớ cho Nhật Bản đánh chiếm toàn bộ khu vực này. Hay khi quý vị nói Ngũ Tứ (Wusi) – Năm Bốn thì bất kỳ một cô cậu thiếu niên nào cũng sẽ hiểu rằng quý vị đang nói về những gì đã xảy ra đúng vào ngày thứ Bảy của 100 năm trước đó (tức là ngày mùng 5 tháng Tư, 1919).
Vào ngày mùng 4 tháng Năm của năm 1919, một cuộc biểu tình của sinh viên đã diễn ra tại Bắc Kinh, nơi khởi nguồn Phong trào Ngũ Tứ. Ngay sau đó, những cuộc tuần hành tương tự đã được tổ chức tại các thành phố khác của Trung Quốc, với sự tham gia của các thành viên của các phong trào khác. Biến cố này đã phát triển đến đỉnh điểm với cuộc tổng đình công vào tháng Sáu làm tê liệt Thượng Hải, lúc đó là trung tâm công nghiệp hàng đầu Trung Quốc và là hải cảng bận rộn hàng thứ sáu thế giới và một phần cũng đã nằm dưới sự kiểm soát của nước ngoài.
Tượng đài tưởng niệm ngày Ngũ Tứ (Wusi) 4/5/1919 - Tranh minh họa
Hầu hết các bức ảnh còn được lưu giữ đến ngày nay về sự kiện ngày mùng 4 tháng Năm năm 1919, cho thấy hàng ngàn sinh viên, cả nam và nữ, đã tập họp trước cổng Thiên An Môn, đại lộ dẫn đến Tử Cấm Thành, nơi ở của các vua chúa Trung Quốc cho đến năm 1911, khi cuộc Cách mạng Tân Hợi lật đổ triều đại nhà Thanh và thành lập nước Trung Hoa Dân Quốc. Những người biểu tình đã tập hợp tại đây trong sự phẫn nộ về các bài báo về các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Versailles, ngay ngoại ô Paris, về các điều khoản mà sẽ kết thúc Thế chiến I. Lúc đó có tin là quân Đồng minh đã lên kế hoạch trao các lãnh thổ (tô giới) cũ của Đức tại Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, cho Nhật Bản, thay vì phải trả các lãnh thổ này cho Trung Quốc.
Những người biểu tình lập luận rằng Nhật Bản có thể đã là bên thắng cuộc, nhưng Trung Quốc cũng đã gia nhập phe Đồng minh. Vậy những lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson vào năm 1918 vì một kỷ nguyên mới của quyền tự quyết của các quốc gia là gì ? Những gì dường như đang diễn ra ở Versailles được nhìn nhận giống như một ví dụ khác về việc các cường quốc thế giới bắt nạt Trung Quốc – tiếp theo sau cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất kết thúc vào năm 1842, khi người Anh giành được Hồng Kông làm thuộc địa.
Mặc dù các sinh viên bày tỏ sự phẫn nộ đối với các nhà đàm phán ngoại quốc cách Trung Quốc đến nửa vòng trái đất, nhưng họ thậm chí còn bày tỏ một sự phẫn nộ lớn hơn đối với các nhà lãnh đạo của họ - những tướng lĩnh quân phiệt mà họ nghĩ là độc đoán và tham nhũng, những người đã thất bại trong việc bảo vệ đất nước Trung Hoa. Ngay trong năm 1915, sinh viên đã phản đối Viên Thế Khải (1859 - 1916), tướng quân phiệt mạnh nhất thời đó, vì hai tội : 1 - đã cho phép Nhật Bản mở rộng phạm vi đến vùng đông bắc Mãn Châu ; 2 - tự tấn phong mình làm hoàng đế của một triều đại mới. Đó cũng là vào năm 1915, khi một trí thức trẻ tên là Trần Độc Tú (1879 - 1942) sáng lập tờ báo Tân Thanh niên (Xin Qingnian), một xuất bản phẩm tiến bộ mà trong vài năm tới sẽ xuất bản nhiều bài tiểu luận phê phán chủ nghĩa đế quốc, phê phán ách cai trị của các lãnh chúa quân phiệt và các mô hình văn hóa bảo thủ.
Trần Độc Tú và một người nổi tiếng khác của Tân Thanh niên, Lý Đại Chiêu (1888 - 1927), đã truyền cảm hứng cho những người biểu tình của phong trào Ngũ Tứ, và vì vậy trong khi các biểu ngữ phấp phới tung bay vào ngày 4 tháng Năm năm 1919 tập trung vào vấn đề Sơn Đông, họ cũng bày tỏ một sự phản đối rộng lớn hơn. Sự yếu kém về ngoại giao của Trung Quốc chỉ là triệu chứng của một căn bệnh đã di căn ra toàn thân, lập luận được đưa ra là : Nếu cuộc Cách mạng Tân Hợi, năm 1911, đã phá bỏ hệ thống cai trị đế quốc cổ xưa, thì Trung Quốc hầu như chưa phải là một quốc gia hiện đại. Để trở thành một quốc gia hiện đại, Trung Quốc sẽ phải có một sự đột phá triệt để nhằm thoát khỏi các truyền thống Nho giáo phân chia đẳng cấp và bảo thủ. Đặc biệt là Trần Độc Tú, đã lập luận rằng người Trung Quốc hiện đại cần phải nắm lấy "ngài Khoa học" và "ngài Dân chủ" thay vì nhất mực đòi hỏi người trẻ phải nghe theo người già và phụ nữ phải vâng lời đàn ông.
Cuộc biểu tình ở Thiên An Môn là biến cố quan trọng duy nhất xảy ra vào ngày 4 tháng Năm, năm 1919. Học sinh, sinh viên tràn vào dinh thự của các quan chức mà họ cho là đặc biệt đớn hèn. Nhà đương cục đã đàn áp và bắt giữ hàng chục thanh niên sinh viên ; trong đó có một người bị đánh đập rất tàn nhẫn đến nỗi sau đó người này đã chết vì các vết thương.
Trung Quốc có một truyền thống lâu đời là nhìn nhận các học giả là những người cần phải lên tiếng trong những thời điểm động loạn. Việc một sinh viên, một học giả đang trưởng thành, hy sinh trong sự nghiệp yêu nước đã kích động các thành viên của của các phe nhóm và tầng lớp xã hội khác ủng hộ các cuộc biểu tình của phong trào Ngũ Tứ. Họ cùng nhau tổ chức nhiều cuộc tuần hành, tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và tổ chức các cuộc đình công, cho đến tận tháng Sáu (năm 1919), khi chính phủ Trung Quốc nhượng bộ ba yêu cầu chính yếu.
Chính quyền Trung Quốc lúc đó đã chỉ thị cho các đại diện tại Pháp từ chối ký Hiệp ước Versailles. Họ cũng đã bãi chức ba quan chức mà những người biểu tình coi là đặc biệt tham nhũng. Và thả tất cả những học sinh sinh viên đã bị giam giữ.
Các cuộc biểu tình của phong trào Ngũ Tứ đã không đạt được mục tiêu ngoại giao trọng tâm của họ : Khi Hiệp ước Versailles có hiệu lực vào tháng Một năm 1920, các tô giới do nước Đức sở hữu trước đây tại Trung Quốc đã được trao lại cho Nhật Bản. Nhưng dù sao phong trào cũng trở thành huyền thoại cho những thành tựu khác - một biểu tượng cho hoạt động quần chúng tiềm tàng do sinh viên lãnh đạo.
Qua nhiều thập kỷ, nó đã có một ý nghĩa nhiều hơn thế. Rất giống với ngày tháng và cụm từ "Tháng Năm 68" của nước Pháp, ở Trung Quốc, phong trào Ngũ Tứ gợi ra ý tưởng về cả một thế hệ, và một thế hệ đặc biệt.
Các ấn phẩm định kỳ mới, các công trình nghiên cứu về xã hội và các tổ chức chính trị mọc lên như nấm. Các tạp chí cho đăng tải những bình luận chính trị quan trọng ; các tác phẩm văn học thực nghiệm ; các thiên khảo luận báng bổ của trí thức Trung Quốc chống lại các giá trị truyền thống ; và bản dịch các tác phẩm của các nhà tư tưởng phương Tây, Nhật Bản và Nga. Các hội đoàn nghiên cứu đã cổ suý các lý thuyết nước ngoài, từ chủ nghĩa tự do của John Dewey (người bắt đầu đi thỉnh giảng tại Trung Quốc ngay trước cuộc biểu tình năm 1919) cho đến các hình thái vô chính phủ và chủ nghĩa xã hội.
Lý Đại Chiêu là một trong những người cổ vũ sớm nhất và nhiệt tình nhất cho chủ nghĩa Bôn-sê-vích và lời kêu gọi của chủ nghĩa Bôn-sê-vích chống chủ nghĩa đế quốc và lật đổ chủ nghĩa tư bản thông qua cách mạng. Năm 1921, Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú là một trong những người sáng lập đảng cộng sản Trung Quốc. Một người sáng lập khác cũng là một nhà hoạt động của phong trào Ngũ Tứ xuất thân từ tỉnh Hồ Nam và là tác giả của các bài báo lên án hôn nhân Nho giáo vì không công bằng đối với phụ nữ. Tên ông ta là Mao Trạch Đông (1893 - 1976).
Vào những năm 1930, khi những học sinh sinh viên, vốn được hỗ trợ bởi các đảng viên hoạt động bí mật của đảng cộng sản Trung Quốc (lúc đó vốn là một tổ chức bất hợp pháp), đã xuống đường để yêu cầu Quốc dân đảng – đảng cầm quyền của Tưởng Giới Thạch làm nhiều hơn để bảo vệ Trung Quốc trước sự xâm lược của Nhật Bản, họ đã khơi lên "tinh thần Ngũ Tứ". Quốc dân đảng cũng tuyên bố rằng họ là hiện thân rõ ràng nhất của tinh thần đó. Một cuộc tranh đua khai thác các di sản của phong trào Ngũ Tứ đã diễn ra.
Đến năm 1989, chính các nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc – tính đến thời điểm đó đã nắm giữ chính quyền được một thời gian dài – những người bị nhắm đến bởi một thế hệ sinh viên mới đang kêu gọi một "Phong trào Ngũ Tứ mới".
Một lần nữa, địa điểm quan trọng nhất của các cuộc biểu tình vẫn là Thiên An Môn. Vào những năm 1950, khu vực trước cổng tử cấm thành này đã được chuyển thành một quảng trường với rất nhiều tượng đài kỷ niệm, ở giữa có một tượng đài vinh danh anh hùng cách mạng Trung Quốc. Bức phù điêu dưới chân tượng đài trung tâm đó mô tả cảnh nam nữ thanh niên đã xuống đường hồi năm 1919. Ngay phía trước phù điêu này, sinh viên năm 1989 đã thiết lập một trụ sở để điều phối các hoạt động.
Vào ngày 4 tháng Năm năm đó (1989), trong khi đảng cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 70 năm phong trào Ngũ Tứ bên trong Đại lễ đường Nhân dân, ở phía bên kia của Quảng trường Thiên An Môn, những người biểu tình đã tổ chức một sự kiện tranh đua trên quảng trường. Một lần nữa, hai phe chính trị đối lập đều tuyên bố là biểu tượng của phong trào Ngũ Tứ năm 1919. Đúng một tháng sau, Quân Giải phóng Nhân dân đã tràn vào, giết chết hàng trăm, có thể hàng ngàn người biểu tình và dân thường.
Cuộc biểu tình ở "Quảng trường Thiên An Môn" được biết đến ở Phương Tây được gọi là "Phong trào Lục Tứ" - Phong trào ngày mùng 4 tháng Sáu, theo tiếng Hoa - tất nhiên ám chỉ ngày đã xảy ra vụ thảm sát năm 1989 nhưng cũng là một tiếng vọng của cuộc nổi dậy năm 1919.
Và ngày hôm nay, trong khi "Ngũ Tứ" xuất hiện trên nhiều ấn phẩm trực tuyến và in ấn trên khắp Trung Hoa đại lục, thì "Lục Tứ" lại là điều cấm kỵ.
Dưới thời Tập Cận Bình, các nỗ lực kiểm soát ý nghĩa của các cuộc biểu tình của Đảng cộng sản Trung Quốc về phong trào Ngũ Tứ vẫn không hề suy giảm. Phong trào Ngũ Tứ chiếm giữ một vị trí tôn kính trong các biên niên sử chính thức, như một điểm ngoặt và một sự khởi đầu của thời hiện đại ở Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc, trong khi lợi dụng một loại tự hào dân tộc đề cao năm 1919, đã tự hào rằng Trung Quốc không còn phải đi theo chủ nghĩa cầu hòa nữa, mà đang dẫn hướng trên trường quốc tế.
Đảng cộng sản Trung Quốc cũng tiến hành nhiều những hoạt động khác, nhưng mang ít chất Ngũ Tứ hơn. Đảng cộng sản Trung Quốc đã bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước và đã đưa ‘tư tưởng" của ông Tập vào Hiến pháp. Đảng cộng sản Trung Quốc đã trấn áp trí thức vì đã gọi những động thái như vậy là một sự tụt lùi. Thỉnh thoảng, Đảng cộng sản Trung Quốc thậm chí còn cấm đoán hình gấu Winnie-the-Pooh trên mạng, vì chế giễu ngoại hình của Tập Cận Bình. Các nhà hoạt động nữ quyền Trung Quốc bị giam giữ vì đòi hỏi bình đẳng giới. Các nhà hoạt động sinh viên đã bị bắt giữ khi bênh vực các giá trị cộng sản, bao gồm cả việc bảo vệ các quyền của công nhân.
Hồi tháng 8 năm 2014, khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng chỉ những ứng cử viên được lựa chọn trước mới đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử tiếp theo để bầu ra cơ quan hành chính cao nhất ở Hồng Kông, đã khiến bùng nổ một chuỗi các cuộc biểu tình và toạ kháng hay Phong trào Dù vàng khiến nhiều khu vực của Hồng Kông bị tê liệt trong nhiều tuần. Những người biểu tình, mà đa số là học sinh sinh viên, đã yêu cầu chính quyền Bắc Kinh tôn trọng các quy chế đặc biệt hiện đang điược áp dụng tại đặc khu Hồng Kông.
Hồng Kông và những gì mang lại cho nó một quy chế tự trị và các quyền dân chủ vốn chưa hề được biết đến trên đại lục. Chính quyền Trung Quốc không bao giờ nhượng bộ. Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), chỉ mới 17 tuổi khi trở thành gương mặt quốc tế của Phong trào Dù vàng, đã đưa một thông điệp thanh lịch lên Twitter vài tuần trước đó. Thông điệp chỉ có ba mốc thời gian "2014, 1989, 1919" - và ba bức ảnh về các cuộc biểu tình lịch sử được tổ chức trong những năm đó.
Vào ngày 24 tháng Tư, tám thủ lĩnh khác của các cuộc biểu tình năm 2014 tại Hồng Kông đã bị kết án với nhiều bản án khác nhau theo cách diễn giải khắc nghiệt khác thường đạo luật lỗi thời và hiếm khi được sử dụng. Các bị cáo xuất hiện bên ngoài phòng xử án, không hề hối hận và vẫn bào chữa cho sự bất tuân dân sự và dân chủ. Vào ngày 28 tháng Tư, hàng chục ngàn người Hồng Kông đã tuần hành để phản đối một dự luật cho phép dẫn độ người dân Hồng Kông về xét xử tại Hoa lục.
Chỉ vài ngày sau, ông Tập đã có bài phát biểu kỷ niệm thế hệ Ngũ Tứ. Ông ta cảnh báo rằng "thanh niên Trung Quốc trong thời đại mới phải tuân theo lời đảng và đi theo đảng". Tinh thần chiến đấu đã trở lại ngự trị tại Bắc Kinh.
Lễ kỷ niệm chính thức phong trào học sinh sinh viên năm 1919 sẽ diễn ra vào cuối tuần này trên khắp Trung Quốc đại lục - dưới sự bảo trợ của các nhà lãnh đạo, người ủng hộ nhiều chính sách và giá trị mà những sinh viên thời đó phản đối. Họ dường như không nhận ra rằng tinh thần thực sự của phong trào Ngũ Tứ vẫn tiếp tục.
Jeffrey N. Wasserstrom
Nguyên tác : May Fourth, the Day That Changed China, The New York Times, 03/05/2019
Mai Hưng dịch
Nguồn : VNTB, 27/06/2019
Ông Wasserstrom là giáo sư lịch sử chuyên về Trung Quốc.