Cuộc đua sẽ có các tác động tiềm tàng lên cam kết của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, và vấn đề Đài Loan.
Oriana Fenwick Illustration for Foreign Policy
Các vấn đề chính trị cục bộ sẽ quyết định kết quả của các cuộc bầu cử trên toàn thế giới trong năm nay, kể cả ở Mỹ. Các đối tác và đồng minh của Washington đang cảnh giác trước khả năng Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng; đồng thời, họ cũng chưa sẵn sàng để đối mặt với viễn cảnh một thế giới không được điều phối bởi quyền lực và sự lãnh đạo của Mỹ.
Nếu các cuộc bầu cử chủ yếu chỉ được thúc đẩy bởi các vấn đề trong nước, thì sẽ nảy sinh câu hỏi liệu chúng có thực sự tạo ra sự khác biệt cho chính sách đối ngoại hay không.
Một số nhà bình luận cho rằng, khi nói đến chính sách đối ngoại, sự khác biệt giữa các ứng viên hàng đầu hiện nay là không đáng kể. Suy cho cùng, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang tiếp tục các chính sách cứng rắn với Trung Quốc có từ thời Trump, và chương trình nghị sự theo chủ nghĩa bảo hộ của Biden được mô tả là phiên bản cập nhật của thế giới quan "Nước Mỹ trên hết" của Trump. Theo quan điểm này, chính sách của Mỹ phản ánh một sự đồng thuận lưỡng đảng: rằng Washington cần đặt ra những ưu tiên rõ ràng, phản ánh thực tế địa chính trị ngày nay. Ngoài ra còn có sự đồng thuận rộng hơn về sự cần thiết phải điều chỉnh mức độ tham gia kinh tế toàn cầu của Mỹ cho phù hợp với một thế giới ngày càng cạnh tranh và hỗ trợ các công dân Mỹ bị bỏ lại phía sau. Đối với những khía cạnh quan trọng này, Biden, Trump, hay bất kỳ ứng viên nào khác cũng sẽ đặt ra các chính sách tương tự nhau.
Tuy nhiên, có lý do để cảnh giác với những tuyên bố như vậy. Những người cho rằng các chính sách Trung Quốc của Biden chỉ đơn giản là sự tiếp nối của chính sách của Trump đang đơn giản hóa vấn đề. Phong cách của Trump đã, đang, và sẽ luôn là khoa trương, hỗn loạn, và gây mất trật tự. Ngược lại, Biden đã cẩn trọng theo đuổi chính sách ngoại giao cấp cao được thiết kế nhằm quản lý căng thẳng và ngăn ngừa tai nạn hoặc hiểu lầm vô tình dẫn đến xung đột.
Trước đây, chiến lược của Trump nhằm chế ngự ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào thuế quan. Tuy nhiên, sự trở lại của Trump có thể đồng nghĩa với việc ông và đội ngũ của mình sẽ cố gắng phân tách hoàn toàn hai nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Về phần mình, Biden tìm cách giảm thiểu rủi ro, nhưng không tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Và chính quyền của ông đang thực hiện mục tiêu này thông qua chiến lược kết hợp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ nhạy cảm, hạn chế đầu tư, và thuế quan. Các biện pháp kinh tế trong nước được thiết kế nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh công nghệ của Mỹ, đồng thời tạo ra việc làm, cũng là một thành phần thiết yếu của chiến lược rộng lớn này.
Tương tự, quan điểm của cả hai về Đài Loan cũng khác nhau. Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ không bảo vệ hòn đảo tự trị, trong khi Biden đã đưa ra nhiều tuyên bố cho thấy cam kết bảo vệ Đài Loan của ông mạnh mẽ hơn nhiều.
Nếu Trump trở lại nắm quyền, hậu quả đối với quan hệ Mỹ-Trung sẽ rất nặng nề. Các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Châu Âu sẽ cảm nhận được những tác động và buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa một bên là Mỹ và một bên là Trung Quốc, và cả hai đều khoa trương và thích gây gián đoạn.
Rủi ro thậm chí còn lớn hơn bởi vì quyền hành pháp của tổng thống đối với các vấn đề chính sách đối ngoại đang lớn dần. Sự giám sát của Quốc hội Mỹ đã giảm bớt, đặc biệt là trong thời kỳ chính phủ và quốc hội đều do một đảng kiểm soát. Điều này có nghĩa là khả năng một tổng thống với niềm tin mạnh mẽ có thể thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ là rất lớn. Năm 2018, James Goldgeier và Elizabeth N. Saunders từng viết trên tạp chí Foreign Affairs về cái mà họ gọi là "nhiệm kỳ tổng thống không bị giới hạn" và nhắc đến việc Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều tổ chức đa phương lớn với rất ít sự phản đối từ Quốc hội.
Lịch sử cũng cho chúng ta nhiều bài học để suy ngẫm. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 đã gặp nhiều khó khăn, nhưng Tối cao Pháp viện cuối cùng cũng giao Nhà Trắng cho George W. Bush, trong một điều có thể là một trong những quyết định có hậu quả lớn nhất từ trước đến nay của tòa án đối với chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai. Vụ tấn công 11/9 đã tạo cơ hội cho Tổng thống Mỹ đưa ra những lựa chọn chính sách táo bạo. Quyết định xâm lược Afghanistan không hẳn là đáng ngạc nhiên, nhưng thật khó để hình dung Al Gore tham chiến ở Iraq nếu đắc cử.
Cuộc bầu cử năm 2024 cũng có thể trở thành điềm báo tương tự cho con đường chính sách đối ngoại của Mỹ. Tác động lớn nhất đối với thế giới có lẽ nằm ở sự khác biệt về phong cách và cách thức tiến hành ngoại giao. Trong giới chính sách đối ngoại, điều này rất quan trọng, và nơi chịu tác động nhiều nhất có lẽ là Châu Âu.
Biden là tổng thống ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng chứng kiến kể từ Chiến tranh Lạnh. Ngược lại, Trump đã liên tục cáo buộc Châu Âu ngồi không hưởng lợi từ sự hào phóng của đất nước mình. Ông đã đe dọa rằng, nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ đột ngột dừng hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine và rút Mỹ khỏi NATO. Ngay cả khi ông không làm vậy, thì lời đe doạ về việc Mỹ rời khỏi tổ chức vẫn sẽ gây bất ổn và gián đoạn, làm giảm đáng kể lợi ích mà NATO mang lại cho các thành viên.
Hai ứng viên cũng có quan điểm hoàn toàn khác biệt về vấn đề biến đổi khí hậu và Đài Loan, nơi khả năng có thay đổi chính sách là rất lớn. Và điều đáng lo ngại nhất là dưới thời chính quyền Trump thứ hai, cam kết của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương sẽ bị tấn công trực tiếp, cả về nguyên tắc và trên thực tế.
Suốt bảy thập niên, Mỹ đã đóng vai trò trụ cột cho một trật tự đa phương. Và nền tảng cho trật tự này là vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn. Washington tin rằng cơ hội thành công sẽ lớn hơn nếu họ hợp tác cùng các đối tác thay vì hành động đơn độc. Dù trật tự đa phương do Mỹ hậu thuẫn không hoàn hảo, nhưng nó đã tạo ra một bộ nguyên tắc và quy tắc giúp mang lại khả năng dự đoán, tính minh bạch, và mức độ tin cậy cao hơn.
Thế giới ngày nay được định hình bởi những vấn đề mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được, dù họ có hùng mạnh đến đâu. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã chứng tỏ sức mạnh và sự cần thiết của sự đoàn kết phương Tây. Biến đổi khí hậu đang tàn phá nhiều quốc gia vốn không phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này. Hầu hết các giải pháp sẵn có đều đòi hỏi sự hợp tác quốc tế.
Đại dịch Covid-19 đã chứng minh rằng dịch bệnh sẽ luôn có phạm vi toàn cầu lớn hơn phạm vi của những phản ứng được thiết kế để đánh bại chúng. Chủ nghĩa dân tộc về vaccine không giúp ích gì nhiều trong việc thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu. Thay vào đó, nó khiến các quốc gia phương Nam trở nên xa cách hơn, theo đó làm giảm khả năng phương Tây đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình. Những nguy cơ xuất phát từ tình trạng di cư không được quản lý, dù ở biên giới phía nam nước Mỹ hay tại khu vực Địa Trung Hải, sẽ không chỉ gây ra các vấn đề nhân đạo, mà còn gây ra khủng hoảng chính trị ở Châu Âu và Mỹ. Nhu cầu về một nỗ lực đa phương mới để giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội quan trọng này đang ngày càng cấp thiết.
Nhưng bất chấp những kỳ vọng tăng cao, các tổ chức đa phương lại đang gặp khó khăn trong việc cung cấp giải pháp. Do đó, thế giới quan cơ bản làm nền tảng cho cách tiếp cận chính sách đối ngoại này đang bị lung lay.
Năm 2016, Trump trở thành một trong những người mạnh mẽ chỉ trích chủ nghĩa đa phương, liên kết nó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa đối với tầng lớp lao động Mỹ – đặc biệt là tình trạng mất việc làm trong ngành chế tạo. Ông đổ lỗi cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như NAFTA.
Khi lên nắm quyền, ông đã hành động dựa trên những lời chỉ trích này. Dưới thời Trump, khả năng dự đoán các cam kết đa phương của Washington gần như đã biến mất chỉ sau một đêm sau quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định khí hậu Paris. Kịch bản tiếp tục lặp lại khi Trump liên tục đe dọa chấm dứt sự tham gia của Mỹ tại WTO và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông đã rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đẩy các cuộc họp G-7 vào hỗn loạn hơn là cố gắng hợp tác. Và trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trump đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công nhắm vào NATO, nền tảng của an ninh xuyên Đại Tây Dương, đồng thời đe dọa sẽ phát động một cuộc chiến thuế quan với Châu Âu. Quyết định đột ngột của ông khi rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng đã tạo ra bất ổn trong quan hệ của Mỹ với Châu Âu, vốn vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
Kể từ khi Trump rời nhiệm sở vào năm 2021, sự kết hợp của nhiều yếu tố đã khiến sự bất bình của các nước nghèo hơn đối với Mỹ ngày càng sâu rộng hơn. Chủ nghĩa dân tộc về vaccine của phương Tây và thất bại trong việc cung cấp hỗ trợ vật chất đầy đủ cho các quốc gia phương Nam để đối phó với tác động của lạm phát và nợ đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xâm lược Ukraine của Nga và các lệnh trừng phạt sau đó.
Với hai cuộc chiến tranh lớn đang hoành hành ở Ukraine và Trung Đông, nhu cầu đối với sự lãnh đạo và các giải pháp đa phương từ Mỹ là rất lớn. Phương Nam toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những hạn chế chính trị trong nước có nghĩa là hàng hóa công toàn cầu sẽ khó được cung cấp hơn và khả năng tiếp cận thị trường cũng ngày càng bị hạn chế. Việc cắt giảm nợ và hỗ trợ tài chính cũng đang bị thiếu hụt, đặc biệt là ở lĩnh vực cần chúng nhất: giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nhu cầu về sự lãnh đạo của Mỹ lại đang đi kèm các cáo buộc ngày một nhiều về thói đạo đức giả của nước này. Nhiều người ở các nước đang phát triển chỉ trích Washington vì đã áp đặt một loạt chuẩn mực quốc tế mà bản thân họ chưa tuân thủ, chẳng hạn như tôn trọng chủ quyền quốc gia và bảo vệ dân thường.
Các nhà phê bình chỉ trích Washington thúc đẩy các chuẩn mực này một cách có chọn lọc và không công bằng. Cuộc chiến mới nhất giữa Israel và Hamas đã thúc đẩy tình cảm đó. Sự ủng hộ trung thành của Mỹ dành cho Israel, với rất ít bằng chứng về các biện pháp kiềm chế Israel, và số người Palestine thiệt mạng ngày càng leo thang, đã kích động tình cảm chống Mỹ và làm dấy lên nhiều cáo buộc đạo đức giả. Đối với nhiều người ở phương Nam, hành động này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng chính sách của Mỹ rất thiên vị. Trước tiên là người Afghanistan, và bây giờ là người Palestine đã bị Mỹ bỏ rơi, trong khi Ukraine vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể.
Nhưng Mỹ cũng bị chỉ trích vì điều mà nhiều người cho là vai trò quá lớn của nước này trong các thể chế quốc tế hàng đầu, và đặc biệt là việc nước này không giải quyết được vấn đề tiêu chuẩn không đồng đều dành cho tư cách thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh hưởng không cân xứng mà Mỹ đang có tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, một phần do sự phân bổ quyền bầu cử sai lệch, cũng làm tăng thêm cáo buộc đạo đức giả.
Khi cuộc bầu cử năm 2024 đến gần, nhiều người lo ngại rằng sự lãnh đạo của Mỹ sẽ không tồn tại lâu, và rằng Washington có thể thực hiện các bước không thể đảo ngược nhằm hướng tới chủ nghĩa biệt lập nếu Trump trở lại Nhà Trắng.
Sự suy tàn của chủ nghĩa đa phương là điều không thể tránh khỏi, ngay cả khi cử tri Mỹ chịu nghĩ về chính sách đối ngoại, chứ chưa nói đến chủ nghĩa đa phương, khi đi bỏ phiếu vào năm 2024.
Các ứng viên hàng đầu cho vị trí tổng thống Mỹ tiếp theo mang lại hai tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về trật tự thế giới trong tương lai. Trật tự do Biden đề xuất đặt các đối tác và quan hệ đối tác lên hàng đầu trong chiến lược của Mỹ. Nó tìm cách cải cách khuôn khổ đa phương nếu có thể, hoặc tìm giải pháp thay thế khi cần thiết, nhưng sẽ thực hiện mục tiêu đó với sự hợp tác của các bên khác.
Còn trật tự thứ hai, được Trump tán thành, xem trật tự hiện tại là đi ngược lại với lợi ích của nước Mỹ. Thay vì cố gắng cải cách khuôn khổ hiện tại của các thể chế đa phương, hoặc tạo dựng các thể chế nhỏ hơn và linh hoạt hơn, trật tự này lại theo đuổi các chính sách dựa trên từng lĩnh vực cụ thể và ủng hộ một hệ thống kiểu "ủng hộ chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi" nhằm phá vỡ trật tự quốc tế. Sự nghi ngờ của nó đối với chủ nghĩa đa phương vừa mang tính ý thức hệ, vừa mang tính thực tiễn.
(Điều thú vị là ứng viên Đảng Cộng hòa sắp trở thành đối thủ nặng ký nhất của Trump, Nikki Haley, lại đưa ra một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa quốc tế, trong đó Mỹ sẽ sử dụng quyền lực theo những cách táo bạo mà ngay cả Biden cũng chần chừ chưa dám áp dụng.)
Hai thế giới quan này không chỉ đơn thuần là những cấu trúc lý thuyết. Những tác động thực tế của chúng đã hiện rõ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống hiện tại và nhiệm kỳ trước đó. Trong năm đầu tiên nắm quyền, Biden đã nhanh chóng khôi phục sự tham gia của Mỹ tại WHO, hiệp định Paris, và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ông cũng tìm cách trấn an các đối tác NATO về cam kết hiện tại của Mỹ đối với liên minh.
Nhưng có một lĩnh vực mà dường như không có sự khác biệt đáng kể về chính sách đối ngoại giữa Trump và Biden. Vì tầng lớp lao động Mỹ đã phải gánh chịu những tác động của quá trình toàn cầu hóa không bị cản trở và ảnh hưởng của nó đối với ngành chế tạo, đồng thời chứng kiến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập tiếp tục gia tăng, nên chủ nghĩa bảo hộ đã làm lu mờ thương mại, vốn từng là trọng tâm của chủ nghĩa quốc tế của Mỹ.
Tuy nhiên, tạm dừng là một chuyện, còn từ bỏ lại là một chuyện khác. Nếu Trump quay trở lại Nhà Trắng, viễn cảnh Mỹ rời khỏi WTO hoàn toàn sẽ trở thành hiện thực. Và việc chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ sẽ có một bước tiến xa hơn nếu Trump thực hiện đúng theo tuyên bố của mình, là áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu.
Quả thực, việc Trump trở lại Nhà Trắng sẽ là hồi chuông báo tử cho cam kết của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương. Trong khi Biden tìm cách thúc đẩy lợi ích của Mỹ thông qua quan hệ đối tác, thì Trump, theo bản năng, lại từ chối và sẽ tìm cách phá hoại chủ nghĩa đa phương. Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có nghĩa là cam kết chính thức của Mỹ nhằm giải quyết thách thức sống còn nhất của thời đại chúng ta – biến đổi khí hậu – có thể sẽ sụp đổ chỉ sau một đêm. Tương tự, chính sách ngoại giao thận trọng mà chính quyền Biden theo đuổi đối với Trung Quốc sẽ được thay thế bằng chủ nghĩa đơn phương dễ bộc phát.
Trong số tất cả các khu vực trên thế giới, Châu Âu được hưởng lợi nhiều nhất từ hơn 7 thập niên đầu tư của Mỹ vào một trật tự quốc tế tuân theo chủ nghĩa đa phương. Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể nhanh chóng thay đổi tình trạng này. Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đã mang lại sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương và khẳng định cam kết của Mỹ đối với NATO và an ninh xuyên Đại Tây Dương. Nhưng Trump có thể sẽ phá bỏ tất cả, và một lần nữa tìm cách biến Đức thành một quốc gia bị bài xích và biến Tổng thống Nga Vladimir Putin thành bạn bè. Việc Mỹ rút khỏi Châu Âu sẽ khiến vận mệnh của Ukraine đảo ngược hoàn toàn, từ đó khiến Châu Âu dễ bị tổn thương và phải gánh chịu nhiệm vụ nặng nề là giúp bảo vệ và sau đó là giúp tái thiết Ukraine.
Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng cảnh giác với nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Những người bất bình trước ảnh hưởng của Mỹ và trật tự đa phương do phương Tây lãnh đạo có thể sẽ thích thú chứng kiến trật tự này bị chia cắt thành hai khối – một khối dành cho phương Tây và khối kia dành cho phần còn lại của thế giới. Trung Quốc đứng đầu danh sách này, và Nga là một cái tên khác.
Nhiều quốc gia có thể mong đợi về quyền tự chủ lớn hơn trong một thế giới không phụ thuộc vào những thăng trầm của quyền lực của Mỹ hoặc áp lực phải chọn phe. Ấn Độ đã khẳng định vai trò lãnh đạo của mình và sử dụng vai trò chủ tịch G-20 để nâng cao quyền lực trên trường quốc tế. Họ cũng tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng New Delhi cũng đồng thời tham gia các cuộc họp của BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, chỉ để đảm bảo rằng nước này có vai trò kiềm chế tham vọng của các nền tảng đa phương đang giúp Trung Quốc có chỗ đứng trong việc định hình trật tự quốc tế.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước phương Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu. Tháng 06/2021, G-7 đã nhóm họp tại Cornwall, Anh. Tuyên bố về cam kết chung đối với Sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (sau này được khởi động lại với tên gọi Quan hệ Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu) đã chứng minh rằng Biden đang tìm cách tập hợp các nền kinh tế hàng đầu phương Tây lại với nhau để hỗ trợ sự phát triển dựa trên giá trị. Nỗ lực này tiến triển rất chậm, nhưng nó có thể bị đình trệ hoàn toàn trong trường hợp có sự chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng.
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ có tác động toàn cầu, và – với tầm quan trọng của nó – phần còn lại của thế giới cảm thấy như thể họ cũng nên có lá phiếu của riêng mình. Nhưng dù không có quyền bỏ phiếu, thì cũng không nên chỉ đứng nhìn.
Bây giờ là lúc để suy nghĩ một cách chiến lược cũng như chiến thuật về việc làm thế nào có thể khai thác sức mạnh của Mỹ. Châu Âu phải tìm cách để có thể trở thành một đối tác thiết yếu của Mỹ, chứ không thể chỉ phụ thuộc vào một vế của phương trình. Ngoài Ukraine, các nước G-7 cũng nên nhanh chóng thực hiện mục tiêu của mình ở phương Nam. Việc chỉ trích các nhà lãnh đạo Châu Phi, Châu Á, và Nam Mỹ về thành tích nhân quyền kém cỏi – hoặc tình trạng tham nhũng dai dẳng – sẽ chẳng thể gây được tiếng vang nếu thiếu đi một nền dân chủ thực sự và một cam kết hỗ trợ vật chất để giảm bớt tác động của nợ, các thảm họa do biến đổi khí hậu, sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng trị giá 40 nghìn tỷ USD, và tình trạng thiếu thốn lương thực. Trên hết, Châu Âu không thể đứng bên lề trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas, mà nên nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hướng tới một giải pháp chính trị thực tế và bền vững.
Phần còn lại của thế giới có thể không có quyền bỏ phiếu, nhưng cũng phải chuẩn bị cho một chính phủ Mỹ thất thường, khó đoán, và ngỗ ngược – nhưng lại có tham vọng toàn cầu.
Leslie Vinjamuri là Giám đốc chương trình Mỹ và Châu Mỹ tại Viện Chatham và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học SOAS ở London.
Leslie Vinjamuri
Nguyên tác : "What Another Trump-Biden Showdown Means for the World," Foreign Policy, 03/01/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/01/2024