Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Úc và Trung Quốc vẫn liên tục cáo buộc và chỉ trích nhau trong bối cảnh một mâu thuẫn kéo dài đem theo nhiều hệ lụy lâu dài.

uc1

Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Lý Khắc Cường vừa gặp mặt tuần nay

Nhưng bên cạnh những chỉ trích về Bắc Kinh, Úc từ lâu đã không tự soi xét lại chính mình, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Úc Kerry Brown viết.

Mao Trạch Đông, người thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (PRC), từng gọi là Úc là "lục địa cô đơn".

Nhưng ngày nay, qua những thăng trầm gần đây trong mối quan hệ song phương, cô đơn chắc chắn không là điều nước Úc đang cảm thấy.

Trung Quốc đang cho Úc một lượng lớn khách du lịch, du học sinh, và kể từ 2010, là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại quốc đảo này cũng tăng theo cấp số nhân nhưng đang đặt ra các vấn đề ngày càng gây lo ngại cho Canberra về vấn đề an ninh và can thiệp nội bộ.

Chuyện gì đã xảy ra với mối quan hệ này ?

Trong thập kỷ qua, Úc đã có tới 5 nhà lãnh đạo quốc gia. Các thủ tướng từ người nói thạo tiếng Quan thoại Kevin Rudd đến Scott Morrison hiện nay đều có một điểm chung - tất cả đều thấy rằng, việc đối phó với Trung Quốc không bao giờ là đơn giản.

Điều này không phải là vì sự thiếu tìm ra phương án thích hợp. Ông Rudd đã thử cách "bạn bè thật sự sẽ nói chuyện thẳng thắn với nhau". Nhưng phương pháp này đã thất bại trước những lời cáo buộc của Bắc Kinh rằng ông thực ra quá gần gũi với Mỹ, khi cho phép lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ luân chuyển đồn trú ở cảng Darwin, Bắc Úc.

Bà Julia Gillard thì đã cố gắng hướng đến một cách tiếp cận toàn diện hơn ở Châu Á. Nhưng thực tế đơn giản là hiện diện của Trung Quốc quá lớn ở Châu này khiến việc đó trở nên khó thực hiện và Tony Abbott đã nhanh chóng loại bỏ cách tiếp cận này khi ông đắc cử năm 2013.

Ông Abbott đã cố gắng đến gần Nhật Bản hơn. Và giải pháp đó có thể thành công nếu như ông tồn tại hơn hai năm trong bầu không khí chính trường tàn khốc ở Canberra, hay nếu như Tokyo thực sự đưa ra một đề xuất tài chính hấp dẫn như Bắc Kinh.

uc2

Bà Julia Gillard đến Bắc Kinh năm 2013

Đối với Malcolm Turnbull, những lời hứa những năm đầu khi ông là một luật sư và chiến lược gia cấp cao về mối quan hệ cân bằng, thực dụng, đã bị nhận chìm bởi những cáo buộc của các chính trị gia bị Bắc Kinh gây ảnh hưởng. Đạo luật chống can thiệp nước ngoài đã theo sau đó.

Bây giờ ông Morrison đang đi theo con đường ngoằn ngoèo tương tự - cứng rắn với Trung Quốc trong lời lẽ, nhưng đang cần chấp nhận thực tế phũ phàng rằng vì sự thịnh vượng trong tương lai của đất nước, Trung Quốc vẫn đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn nhất.

Và như cuộc gặp của ông với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần này cho thấy, thái độ hòa hoãn nhã nhặn luôn luôn trở lại.

Tại sao đây lại là một vấn đề ?

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Úc vào năm 2014, ông đứng trước quốc hội ở Canberra và nói rằng họ cần phải có tham vọng và mạo hiểm hơn trong tầm nhìn với Trung Quốc. Và Trung Quốc thích những thứ như pháp quyền và khả năng dự đoán về thể chế của Úc. Sao Trung Quốc lại tìm cách phá vỡ những điều này chứ ?

Một phần của vấn đề chỉ đơn giản là kích thước. Sự xuất hiện của Trung Quốc như một siêu cường quan trọng, có khi là siêu cường chính, đối với Úc - một quốc gia chỉ có 24 triệu người để kiểm soát một không gian rộng lớn bao quanh là bờ biển, và hải quân chỉ có 27.000 người - thì sẽ luôn thấy mất phương hướng.

Thêm vào đó hiện tượng này phơi bày một số lỗ hổng sâu sắc, nhưng thường được che giấu, đó chính là tâm lý quốc gia dễ bị tổn thương của Úc. Đây là một quốc gia chưa bao giờ, cho đến gần đây, tự coi mình là một đất nước Châu Á, mặc cho vị trí địa lý của nó.

Châu Âu là nguồn dân di cư chính của Úc cho đến những thập kỷ gần đây và Mỹ là nguồn đảm bảo về an ninh và phần lớn sự tăng trưởng kinh tế. Bây giờ Úc đang tiếp nhận một số lượng lớn công dân mới có gia đình đến từ nhiều khu vực, gồm cả từ Trung Quốc.

Các trường đại học Úc là một trường hợp điển hình. Một số trường có hàng ngàn sinh viên Trung Quốc, có nghĩa là những học viện thường cấp tiến này phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ từ một quốc gia có các giá trị rất khác.

Một bộ phim tài liệu trong chương trình Four Corners gần đây của đài truyền hình quốc gia ABC có nhiều tuyên bố gần như hoang tưởng rằng, một số lượng lớn của lực lượng này đang gây ra nguy cơ về bảo mật bằng sự can thiệp chính trị của họ và họ có khả năng là gián điệp công nghệ.

Và phóng sự có nói về một số học giả Úc đã bị gây áp lực về các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong hoặc Tân Cương. Chính phủ Trung Quốc và các đặc vụ của họ đôi khi đã có một số hành động tác động.

Dù vậy, thật dễ dàng để hiểu tại sao một số người Trung Quốc có thể cảm thấy hoang mang khi sự đóng góp của họ cho đất nước mà họ đang theo học và đào tạo được diễn giải theo cách đáng ngại như vậy.

Thử thách cho Úc

Một thực tế đơn giản là không có nhà lãnh đạo Úc nào thực sự đề cập đến phần khác của phương trình Trung Quốc. Họ rất muốn nói, nhưng chỉ khi thuận tiện cho họ, về những mối đe dọa từ đối tác mới to lớn này và và sự khác biệt về các giá trị và thế giới quan. Nhưng họ ít quan tâm về những nỗi sợ hãi của đất nước họ, và những vấn đề của nước Úc với chính nước Úc.

Chỉ có ông Abbott mới đưa ra cái nhìn sâu sắc thực sự nào về vấn đề này. Trong một khoảnh khắc chân thực không được công khai, khi ống kính camera đã tắt, ông nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel, rằng thái độ của Úc đối với Trung Quốc được đánh dấu bằng "sự sợ hãi và tham lam".

uc3

Úc đang chứng kiến một dân số lớn đến từ gốc Trung Quốc

Úc có thể tránh nhận nguồn đầu tư, sinh viên và cơ hội từ Trung Quốc, và thực tế đã làm điều này như Huawei là một ví dụ. Nhưng một nỗ lực làm như thế một cách toàn diện và tìm kiếm sự hợp tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, có nghĩa là một hy sinh lớn và một tái định hướng quan trọng.

Có vẻ như tại thời điểm này, ông Morrison đang đi theo bước chân của những người đi trước và có thái độ rất mâu thuẫn. Đó có thể là một thực tế khắc nghiệt rất đơn giản rằng, mặc cho tất cả những lời tuyên bố tự tin trước mối đe dọa Trung Quốc, chính quyền và đất nước của ông, không có lựa chọn nào khác.

Kerry Brown

Nguồn : BBC, 07/11/2019

Kerry Brown là giáo sư nghiên cứu Trung Quốc và là giám đốc của Viện Lau China tại Đại học King, London. Từ năm 2012 đến 2015, ông là giáo sư chính trị Trung Quốc và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney.

Additional Info

  • Author Kerry Brown
Published in Diễn đàn