Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 03 novembre 2021 01:01

Khát vọng 2045

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

khatvong1

Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, nhân sự kiện 100 năm ngày khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa.

Tại lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương (1996/2021), thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng có bài diễn văn phát biểu, trong đó có đoạn :

"Đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới ; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới ; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng ; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam".

Sở dĩ chọn cột mốc 2045 là nhằm ‘số đẹp’ của sự kiện 100 năm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay.

Tạm gọi đó là khát vọng 2045.

Trong Báo cáo Phát triển Việt Nam đã dành một chương nói về việc hội nhập thị trường trong nước, trong đó nêu bật yếu tố gia tăng tầng lớp người tiêu dùng trung lưu ở Việt Nam. Báo cáo là sản phẩm của đội ngũ chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) và các chuyên gia tư vấn ngoài ngân hàng.

Theo đó, có dự báo một nửa dân số của Việt Nam, tức khoảng 52 triệu người sẽ thuộc nhóm trung lưu vào năm 2045. Con số này tương đương dân số Hàn Quốc hiện tại.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá tầng lớp trung lưu là "xương sống" của xã hội, là nhân tố một mặt thúc đẩy kinh tế phát triển, mặt khác đảm bảo ổn định xã hội, gia tăng mối liên kết giữa các nhóm xã hội khác nhau. Việc nhóm trung lưu ngày càng gia tăng cũng là điều kiện để kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, vươn lên trở thành một nước phát triển vào năm 2045 như ‘định hướng’ mà Đại hội Đảng XIII đã xác định.

Như vậy, để quyền lực của điều 4, Hiến pháp 2013 được thực thi, cần thiết đến việc phát triển Đảng trong nhóm cư dân khá giả, trung lưu.

Là người có nhiều năm làm công tác tổ chức, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương, nhắc lại thời kỳ cách mạng, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất tin tưởng và trọng dụng những nhà tư sản dân tộc, nhà trí thức thời đó. Nhiều người trong số họ sau khi đi theo cách mạng, được giác ngộ lý tưởng rồi đứng trong hàng ngũ của Đảng, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Bởi vậy ông cho rằng ở mỗi thời kỳ đều có những đặc điểm và bối cảnh riêng. Ngày nay khi đất nước ngày càng phát triển, người dân ngày càng khá giả, thì việc phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, đặc biệt là những người thuộc nhóm khá giả để đứng vào hàng ngũ của Đảng là vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Vị nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương cho rằng nhiều người thuộc nhóm khả giả là những người làm kinh tế giỏi, đã khẳng định được địa vị xã hội, nhiều người có kiến thức, được đào tạo bài bản, có lý tưởng sống… Do vậy, nếu phát hiện, bồi dưỡng những người này phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng thì giống như tìm được người tài, giúp ích nhiều hơn cho Đảng, cho đất nước.

… Giờ nếu xâu chuỗi loạt số liệu ở trên rồi biện giải sẽ tạm cho ra các ý tứ ít nhiều nhạy cảm như sau : trước hết, nếu đến năm 2045 thu nhập của người dân Việt vẫn chưa thể gọi là "cao", thì Việt Nam sẽ vẫn lại loay hoay lo ngại "đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".

Tiếp nữa, với dự báo của WB là Việt Nam sẽ có 52 triệu người sẽ thuộc nhóm trung lưu vào năm 2045, giả dụ như không thu hút được những người thuộc nhóm trung lưu và giàu có vào Đảng, coi như khát vọng 2045 cùng chung số phận của lo ngại đúng như nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 03/11/2021

Published in Diễn đàn