Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa quý thính giả, chúng ta lại bước vào cuối Tháng Tư khi nhiều người kỷ niệm biến cố 30 Tháng Tư năm 1975 cho nên Nguyên Lam xin đặt lại biến cố đó vào khung cảnh thời gian để yêu cầu chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nói về hiện tại.
Là một viên chức kinh tế tài chính cao cấp của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn ở trong Nam, ông nghĩ sao về biến cố này ?
Việt Nam xuất khẩu 3,2 tấn gạo trong năm 1996 - AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ ta cần nhìn vào hai trục không gian và thời gian lâu dài thì mới đánh giá cho đúng.
Ngược dòng thời gian, sau khi bị Pháp đô hộ từ năm 1883, khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc năm 1945 với sự tan rã của bộ máy thực dân Pháp và sự thất trận của Nhật, Việt Nam có lại nền độc lập lần đầu tiên với Chính phủ Trần Trọng Kim. Nhưng vào giai đoạn đầy biến động ấy, chính phủ độc lập đầu tiên kể từ năm 1883 lại bị lật đổ qua vụ Việt Minh cướp chính quyền vào Tháng Tám 1945. Sau đó, vào năm 1955, Việt Nam lại có nền độc lập trên hai nửa lãnh thổ, là Việt Nam Cộng Hòa ở trong Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại miền Bắc. Nhưng 20 năm sau là biến cố 1975 mà nhiều người đang kỷ niệm.
Nói về miền Nam thì nhìn từ lịch sử người ta có một nền tự do non trẻ tồn tại được 21 năm trước sức ép của miền Bắc cộng sản và cả khối cộng sản quốc tế.
Nguyên Lam : Thế hệ của Nguyên Lam chưa thể biết hết những khúc mắc kinh tế vào thời kỳ đó.
Là chuyên gia kinh tế, xin ông đánh giá nền kinh tế của miền Nam trong giai đoạn 1955-1975, gồm Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Cụ thể là thách thức và thành tựu 20 năm đó là những gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì thời lượng có hạn, tôi cố trình bày ngắn gọn bài toán và các thành quả kinh tế của miền Nam từ năm 1955 đến 1975. Người ta phải tái thiết và xây dựng lại một nền kinh tế lần đầu tiên có độc lập ngay trong thời chiến, với hai đợt di cư và di tản vào các năm 1954 và 1972 trên một nền tảng dân chủ còn phôi thai.
Tôi xin bắt đầu với nền kinh tế của Đệ nhất Cộng Hòa, từ sau 1954, với các nan đề mà nhiều người quên rồi. Thứ nhất, phân nửa lãnh thổ trước kia là thuộc địa của Pháp, được khai thác cho nhu cầu của Pháp, có chừng 15 triệu dân và bộ máy hành chánh do Pháp để lại, đột nhiên nhận được ít ra hai triệu người di cư từ miền Bắc vào. Làm sao tổ chức lại nền sản xuất và phân phối ấy ? Đã vậy, vài năm sau là miền Nam lại bị chiến tranh phá hoại và sinh hoạt kinh tế tất nhiên bị cản trở.
Vậy mà miền Nam vẫn định cư và khẩn hoang lãnh thổ để bảo đảm cuộc sống cho mọi người trong một nền kinh tế đang ra khỏi hình thái tập trung của Pháp và hồi phục sau 10 năm chiến tranh, từ 1945 tới 1955. Nổi bật là kế hoạch Cải cách điền địa năm 1956 và sự xuất hiện của nền kỹ nghệ nhẹ và dịch vụ, trong khi ít ai biết sự thật bi đát của việc cải cách ruộng đất tại miền Bắc. Tôi cho rằng đời sau nên nhớ lại việc miền Nam đã tư hữu hóa cho người dân có phương tiện canh tác riêng, trong tinh thần có làm thì có hưởng chứ không bị bóc lột. Duy trì được tôn chỉ đó trong thời chiến là khó.
Nguyên Lam : Bây giờ xin ông chuyển qua bài toán và thành quả kinh tế của nền Đệ nhị Cộng Hoà từ 1967-1975. Người ta cho là kế sách đầu tư từ thời Đệ nhất Cộng Hòa đã đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế thị trường.
Qua nền Đệ nhị Cộng Hòa thì cũng là lúc chiến cuộc gia tăng và Hoa Kỳ đổ quân vào ngày một đông kể từ 1965. Thưa ông, khi ấy bài toán kinh tế của miền Nam là gì và có những thành tựu gì là đáng nhớ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Những nan đề và giải pháp của miền Nam khi ấy là gì ?
Thứ nhất, việc an ninh bị đe dọa gây vấn đề cho kinh tế vì phá hoại thì dễ, chứ đầu tư sản xuất và gieo trồng cho một dân số cỡ 18 triệu người mới là khó. Vậy mà vào hoàn cảnh đó, miền Nam vẫn cố gắng phát triển kinh tế thị trường và hữu sản hóa người dân.
Thứ hai, một thách đố mới là sự hiện diện của quân đội Mỹ, nếu có tạo thêm cơ hội kinh tế cho cư dân thành phố thì cũng gây nan đề xã hội và đe dọa khả năng ổn định kinh tế và vật giá trên toàn quốc. Trong hoàn cảnh ấy, thành tựu đáng kể nhất của miền Nam là đạo luật Người Cày Có Ruộng ban hành ngày 26 Tháng Ba năm 1970 và những áp dụng của chương trình Lúa Thần Nông. Đấy là kế hoạch hữu sản hóa và cải tiến nông nghiệp ngay thời chiến, trên một vùng lãnh thổ thường xuyên bị phá hoại. Sự thật thì chỉ cần sáu tháng không giao tranh là Việt Nam đã có thể tự tức về lương thực và một năm sau sẽ là một nước xuất cảng gạo đáng kể của Đông Nam Á.
Nguyên Lam : Sau năm 1975, chính là thành tựu về canh nông của miền Nam mới làm dân chúng so sánh và thất vọng với việc hợp tác hóa nông nghiệp của chế độ mới.
Thưa ông, phải chăng vì vậy mà hơn 10 năm sau Việt Nam mới tìm lại vị thế xuất cảng gạo kể từ 1987 ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng lực đẩy ấy là kinh tế của miền Nam. Ngoài ra, miền Nam trước 1975 còn nhiều thành tựu khác về sản xuất kỹ nghệ nhẹ và hàng tiêu thụ và Chính quyền còn muốn giải tư một số công ty quốc doanh để phát triển tư doanh nữa.
Trong khi ấy, ta khó quên được tình hình chiến sự với vụ Mậu Thân 1968 và nhất là Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 khiến cả triệu người di tản từ miền Trung vào các thành phố ở trong Nam. Việc cứu trợ, định cư và kiếm việc làm cho bà con là một thách đố rất lớn.
Nguyên Lam : Thưa ông, Hoa Kỳ có đóng vai trò lớn với nền Đệ nhị Cộng Hòa ở trong Nam qua hai việc, là đổ quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam kể từ năm 1965 cho đến 1973 ; thứ hai là viện trợ kinh tế trong cả chục năm rồi sau cùng lại cắt cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ trước đà tấn công của Bắc Việt, lúc đó được Liên Xô và Trung Quốc cố vấn và yểm trợ.
Vào hoàn cảnh phức tạp đó, giới làm kinh tế trong Nam phải đối phó và quản lý nền kinh tế như thế nào, và viện trợ Mỹ giúp được gì và gây ra vấn đề gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ ta phải làm một chương trình riêng thì mới nói hết nhược điểm của viện trợ Mỹ như ta thấy ngày nay tại nhiều nơi có chiến tranh.
Về đại thể, viện trợ Mỹ cho miền Nam, chừng 6-700 trăm triệu đô la một năm, là để bù vào thiếu hụt sản xuất do chiến tranh gây ra, chứ cả hai nền Cộng hoà đều ý thức nhu cầu tự túc để tự lập chẳng khác gì Đài Loan hay Nam Hàn. Các chuyên gia kinh tế trong Nam đều cùng trình độ với giới chuyên gia của hai xứ đó và thường xuyên cộng tác và học hỏi với nhau.
Thứ hai, Hoa Kỳ là xứ dân chủ và viện trợ của Hành pháp vẫn do Quốc Hội chấp thuận hàng năm và kiểm soát theo luật lệ của Mỹ vì quyền lợi của nước Mỹ. Tương tự như trong lãnh vực quân sự, khi tham gia thì Hoa Kỳ tổ chức lại quân đội của Việt Nam Cộng Hòa và cũng muốn tổ chức lại hệ thống kinh tế miền Nam theo quy cách của họ. Đấy là bài toán thực tế gây khó khăn cho giới quản lý kinh tế vì phải dung hợp với điều kiện của nước cấp viện là Mỹ, giải quyết được nạn khan hiếm và lạm phát dễ xảy ra vào thời chiến mà vẫn tôn trọng tinh thần dân chủ và quy luật thị trường.
Nguyên Lam : Chưa kể rằng cộng sản càng tấn công thì càng đẩy kinh tế miền Nam tới chỗ nương tựa vào viện trợ mà người dân thành phố lại không biết trong khi chính quyền phải lo cho binh lính, công chức và nông dân ở mọi nơi. Thưa ông, có phải như vậy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngẫm lại thì ngoài nhiều lý do khác, miền Nam và Hoa Kỳ không thể thắng được chính là vì nguyên nhân kinh tế. Tôi xin thu hẹp vào chuyện lúa gạo như một thí dụ. Vì chiến cuộc, miền Nam thiếu gạo và phải nhập khẩu và trông chờ vào viện trợ Mỹ. Nhưng miền Nam cũng theo chế độ tự do kinh tế và dân chủ chính trị, nên không thể ban bố tình trạng khẩn cấp để trưng thu lúa gạo hầu ưu tiên cung cấp cho các đơn vị tác chiến ngoài tiền tuyến khi ấy đã lan rộng và các chiến binh đang thiếu gạo chứ chẳng thiếu có súng đạn xăng nhớt. Nếu trưng thu như vậy thì ta hãy tượng tượng ra phản ứng của báo chí và truyền thông !
Nếu cưỡng bách công nhân bốc rỡ gạo cũng là vi phạm quyền tự do đình công và gặp phản ứng chống đối chính đáng của các nghiệp đoàn. Phải lo gạo cho lính, cho dân, cho thành phố, phải thu mua tồn trữ và ổn định giá cả trong khi vẫn phát huy vai trò của tư nhân chứ không thể quốc hữu hóa và lập ra chế độ khẩu phần và tem phiếu được !
Nguyên Lam : Bây giờ, Nguyên Lam xin mời kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa nói về kinh tế Việt Nam sau 1975, nhìn từ một khía cạnh rộng lớn hơn, bao trùm lên chính trị.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngẫm lại thì ta thấy ra ba giai đoạn của nền kinh tế thống nhất dưới chế độ cộng sản. Thứ nhất là “xây dựng xã hội chủ nghĩa” với hàm ý cải tạo và xóa bỏ những gì không thuộc chủ nghĩa xã hội, lại còn lồng vào 10 năm chiếm đóng Kampuchia khiến sản lượng bị mất chừng 5% mỗi năm. Kết quả là khủng hoảng và lãnh đạo biết là sai, nhưng thế nào là đúng thì chưa biết, hãy đọc các văn kiện của Đại hội 6 thì chúng ta hiểu. Thứ hai là năm năm đổi mới có tính tự phát để người dân bung ra làm ăn, từ dưới lên, là thời 1987-1991. Thứ ba, khi Liên Xô tan rã năm 1991 thì lãnh đạo Việt Nam ngả theo Bắc Kinh, và đổi mới từ trên xuống theo kiểu Trung Quốc, là nới lỏng kiếm soát kinh tế mà vẫn tăng cường kiểm soát chính trị trong chế độ gọi là “trưng thu”. Kết cuộc thì người dân có dễ thở hơn trước, nhưng đảng viên cán bộ mới làm giàu mạnh trên một xứ gần trăm triệu dân và họ củng cố chế độ vì quyền lợi của họ.
Nguyên Lam : Nguyên Lam biết là không thể trình bày hết ngần ấy vấn đề trong một chương trình có hạn, nên xin đề nghị ông tổng kết qua vài nét chính.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau một thời gian cộng sản cai trị dài gấp đôi cả hai nền Cộng Hòa ở trong Nam, là điều chưa từng có trong cả thế kỷ, Việt Nam đã có thay đổi khả quan hơn trên cái trục thời gian. Nhưng trên cái trục không gian là nếu so với các xứ khác thì Việt Nam vẫn là nước nghèo và thua các lân bang cùng kích thước. Cụ thể là lợi tức bình quân vẫn còn quá thấp và chưa ra khỏi trình độ làm gia công cho thiên hạ. Đấy là một lãng phí oan uổng sau mấy chục năm giết nhau vì ý thức hệ sai lầm.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 25/04/2018