Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại chỉ còn hơn 6% trong năm nay và không có khả năng tăng tốc trong tương lai gần. Trên thực tế, các nhà bình luận kinh tế thường đồng ý rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 – vốn ở mức tồi tệ nhất trong gần 30 năm qua – có thể vẫn là tốt nhất nếu so với cả thập niên tới. Điều mà các nhà quan sát không thể đồng ý là việc Trung Quốc nên lo lắng đến mức nào, hoặc các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì để cải thiện triển vọng tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại chỉ còn hơn 6% trong năm nay và không có khả năng tăng tốc trong tương lai gần.
Những người lạc quan chỉ ra rằng nếu xét quy mô của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, thì mức tăng trưởng GDP hàng năm chỉ 6% thôi cũng đã lớn hơn cả mức tăng trưởng hai con số 25 năm trước. Những người bi quan lưu ý rằng điều đó có thể đúng, nhưng tăng trưởng GDP chậm lại đang cản trở tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người – đây là một tin xấu cho một quốc gia có nguy cơ bị sa lầy trong bẫy thu nhập trung bình – đồng thời làm trầm trọng thêm các rủi ro tài chính xuất phát từ mức nợ cao của các công ty và chính quyền địa phương.
Bất kể quan điểm của bạn là thế nào, thì một điều không thể chối cãi được là sự không nhất quán về chính sách và lỗi quản trị đã góp phần đáng kể vào suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Vấn đề nằm ở tốc độ cải cách cơ cấu chậm chạp. Tăng trưởng dài hạn phụ thuộc vào sự phân cấp quyền lực nhà nước, gia tăng thị trường hóa, tự do hóa kinh tế lớn hơn, cho phép khu vực tư nhân tiếp cận nhiều hơn với tài chính và các yếu tố sản xuất khác.
Việc chính phủ Trung Quốc thiếu nhất quán trong chính sách có thể gây tác động bất lợi ngay lập tức – và thường là như vậy. Hãy xem xét trường hợp gia tăng chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, một phần do giá thịt lợn tăng mạnh, bắt nguồn từ việc các chính quyền địa phương quyết định đóng cửa các trang trại lợn nhỏ vi phạm quy tắc bảo vệ môi trường trong vài năm qua, theo báo cáo của cựu phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các quy định về bảo vệ môi trường và chất lượng không khí đã gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty sản xuất vừa và nhỏ rất quan trọng đối với sự năng động kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Tất nhiên, bảo vệ môi trường là quan trọng, nhất là vì sức khỏe cộng đồng, và những thay đổi về thể chế do chính phủ đưa ra đã cải thiện chất lượng không khí. Nhưng cách tiếp cận từ trên xuống của chính phủ trung ương, trong đó áp đặt một bộ chỉ số cứng nhắc lên chính quyền địa phương, là một công cụ thiếu tinh tế có thể làm suy yếu sáng kiến của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ tăng trưởng thực.
Trung Quốc có được phần lớn thành công trong quá khứ là nhờ cho thử nghiệm và cạnh tranh ở cấp địa phương, được thúc đẩy bởi lời hứa thăng chức cho các quan chức phụ trách những khu vực thành công nhất. Ngày nay, các quan chức địa phương được tưởng thưởng lớn hơn nếu đáp ứng các mục tiêu môi trường thay vì các mục tiêu tăng trưởng – và kết quả như thế nào chúng ta đều thấy.
Những hậu quả ngắn hạn của việc chính phủ Trung Quốc thiếu nhất quán cũng có thể được nhìn thấy trong lĩnh vực tài chính. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ kêu gọi các ngân hàng tăng cường cho vay, và các công ty tích lũy một núi nợ lớn, để bù đắp cho các cú sốc bên ngoài. Trong khi điều này giúp cho kinh tế tăng trưởng, nó cũng khiến rủi ro tài chính tăng mạnh.
Tuy nhiên, tới năm 2016, chính phủ đã đảo ngược quan điểm. Ngay cả khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ chính sách ở mức trung tính, các ngân hàng vẫn được lệnh phải giảm dư nợ và tín dụng, và khu vực ngân hàng ngầm (shadow banking) quy mô lớn của Trung Quốc đã suy giảm đáng kể. Cách tiếp cận mạnh tay này đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ. Nó cũng thúc đẩy vốn chảy ra ngoài đáng kể và làm suy yếu đầu tư tư nhân, bao gồm cả trong ngành bất động sản, qua đó giảm tăng trưởng GDP danh nghĩa. Vì vậy, tỉ lệ cung tiền trên GDP nói chung của Trung Quốc vẫn không hề giảm.
Ngoài những rào cản tăng trưởng xuất phát từ cách chính phủ theo đuổi các mục tiêu của mình, còn có vấn đề là các mục tiêu này thay đổi thất thường. Điều này phá vỡ kỳ vọng của nhà đầu tư và làm xói mòn niềm tin của thị trường. Các công ty không chỉ ngần ngại đầu tư ; mà nhiều trong số đó còn đang giảm quy mô lực lượng lao động của họ. Trong những năm gần đây, việc sa thải ngày càng trở nên khó tránh khỏi ngay cả đối với những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc.
Thay vì mở đường cho tiến trình cải cách cơ cấu, những can thiệp từ trên xuống quá mức của chính phủ Trung Quốc đang tăng cường sự mất cân bằng cấu trúc. Các mệnh lệnh từ trên xuống bừa bãi và không thể đoán trước làm tổn thương tất cả các doanh nghiệp, nhưng các công ty tư nhân phải chịu đựng nhiều nhất. Rốt cuộc, các doanh nghiệp nhà nước được hưởng các biện pháp bảo vệ chính thức mạnh mẽ, khiến họ có nhiều khả năng sống sót hơn dù thiếu hiệu quả.
Giống như một phụ huynh bảo vệ con mình quá mức, chính phủ Trung Quốc cần phải học cách buông tay. Vâng, một cách tiếp cận truyền thống về quản lý kinh tế vĩ mô có thể chứa đựng một số rủi ro. Các công ty có thể quyết định tích lũy nợ quá mức và các ngân hàng có thể cung cấp tín dụng quá nhiều hoặc quá ít. Nhưng các biến động phát sinh phần lớn chỉ là tạm thời.
Về lâu dài, một cách tiếp cận như vậy sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường, cho phép các công ty năng động nhất phát triển và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ổn định, điều cần thiết để Trung Quốc trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền trung ương cuối cùng có thể phải giảm can thiệp để tránh ngáng đường họ.
Zhang Jun
Nguyên tác :"China’s Damaging Policy Disruptions", Project Syndicate, 30/12/2019.
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 03/01/2020
Zhang Jun là Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Phục Đán, và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, một viện nghiên cứu tư vấn chính sách tại Thượng Hải.
Kinh tế chỉ huy : Lá bài chủ đạo của công nghệ Trung Quốc
Phụ trang Kinh tế báo Le Monde (ngày 18/01/2019) có bài phân tích đáng chú ý của ông Arnaud Massonie, chuyên gia về công nghệ mới, nêu rõ làm thế nào Trung Quốc xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số đi tiên phong, đồng thời vẫn tăng cường kiểm soát xã hội người dân. Bài viết có tựa đề "Lãnh đạo theo kiểu chỉ huy tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc".
Khách tham quan triển lãm Hội nghị Internet di động toàn cầu (Global Mobile Internet Conference - GMIC), Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/04/2018 - Reuters/Damir Sagolj
Cổ phiếu ảo, đồng tiền ảo hay những trái phiếu số hóa... trong tương lai sẽ là những thách thức quan trọng. Càng phát triển mạnh, công nghệ càng làm nổi rõ nhiều vấn đề đạo đức và gây ra nhiều biến động cần phải theo sát. Thế nhưng, tại Trung Quốc, việc phát triển công nghệ là do chính quyền quyết định với hai mục tiêu rất rõ ràng : Siết chặt kiểm soát xã hội và xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số tiên phong.
Trong vấn đề thứ nhất, bức tường lửa Vạn Lý Trường Thành là một công cụ hữu hiệu để ngăn cấm người dân tiếp cận các trang mạng nước ngoài, mà Bắc Kinh cho là hay kêu gọi lật đổ chế độ, như Twitter hay Facebook. Tại Trung Quốc không có nguồn tin giả nào khác ngoài những thông tin do chế độ đưa ra.
Từ trí thông minh nhân tạo cho đến công nghệ sinh học, mọi lĩnh vực đều có liên quan. Ví dụ như trong lắp ráp xe ô-tô điện, các nhà sản xuất buộc phải lắp cố định hệ thống định vị cho phép theo dõi hành trình của xe. Đương nhiên, đó là mối lo về an ninh…
Trong lúc chờ đợi hệ thống chấm điểm công dân, chính phủ chăm chút cơ sở dữ liệu hạ tầng của mình và các thí nghiệm để có thể rút ngắn khoảng cách giữa thông tin về hoạt động cụ thể (nhận diện khuôn mặt dựa trên dữ liệu thu được từ 200 triệu camera giám sát, định vị địa lý những người điều khiển xe) và các thông tin lưu trữ (nhờ vào các dữ liệu của các nhà khai thác mạng viễn thông, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội) của các công dân.
Theo tác giả, việc tăng cường ý thức đại chúng này là một thách thức, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc gia tăng nỗ lực phát minh. Chính vì thế, liên quan đến các tiến bộ công nghệ, trên nhiều lĩnh vực, Trung Quốc vượt qua mặt Châu Âu và Hoa Kỳ. Ví dụ, hiện nay, Trung Quốc chiếm tới 50% tổng số xe hơi điện trên toàn thế giới, hạn chế mạnh mẽ việc cho đăng ký sử dụng xe hơi dùng xăng dầu, áp đặt tỷ lệ chế tạo xe hơi điện đối với các tập đoàn Trung Quốc.
Đương nhiên, phương pháp lãnh đạo đất nước, điều hành nền kinh tế quốc gia theo phương pháp chỉ huy, mệnh lệnh này gây tranh cãi, nhưng lại tạo ra cho các doanh nghiệp Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh thực sự. Chính kiểu lãnh đạo này đã giúp làm xua tan những lo ngại, đắn đo về mặt đạo lý đối với các doanh nghiệp Trung Quốc khi đầu tư phát triển, sử dụng các công nghệ mới. Các đắn đo thắc mắc về đạo lý này đã làm chậm sự phát triển của các doanh nghiệp phương Tây.
Vào lúc mà các tập đoàn tin học khổng lồ GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) có thể nói chuyện "bằng vai phải lứa" với các quốc gia, thì vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt. Nhất là khi một số doanh nghiệp phương Tây có thái độ lấp lửng để có thể thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc đầy hấp dẫn.
Ví dụ, Google đang xem xét dự án lập một trang tìm kiếm thông tin phù hợp với các đòi hỏi của chính quyền Bắc Kinh, thanh lọc được 1% các tìm kiếm và nhận diện được người tìm kiếm qua số điện thoại di động của họ. Tóm lại, phương Tây cần phải ý thức được là muốn phát triển công nghệ thì phải chấp nhận có những lựa chọn. Là tác nhân độc tôn lãnh đạo và quyết định, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn hiểu rõ điều này.
Mạnh Hoành Vĩ : Tiểu thuyết trinh thám của Trung Quốc ?
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo thiên tả Libération trở lại vụ mất tích bí ẩn của cựu chủ tịch Interpol tại Trung Quốc. Tờ báo xem vụ việc này chẳng khác gì một "Tiểu thuyết trinh thám của Trung Quốc về Interpol".
Kể từ ngày ông Mạnh Hoành Vĩ bị bắt tại Bắc Kinh ngày 25/09/2018, chính quyền Trung Quốc không hé lộ một thông tin nào về sự sống còn của vị chủ tịch cảnh sát quốc tế, đồng thời cũng không cung cấp một bằng chứng nào chứng thực các cáo buộc "tham nhũng" nhắm vào ông Mạnh.
Không những phương Tây tỏ ra bất lực trước số phận của ông Mạnh mà còn phải liên tục chịu áp lực từ phía Trung Quốc. Đầu tiên hết là Interpol. Bắc Kinh liên tục đưa ra các yêu cầu, buộc tổ chức cảnh sát quốc tế này phải tiến hành ngay quy trình từ nhiệm của ông Mạnh. Tiếp đến là phải phối hợp cùng với chính quyền Bắc Kinh trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, đưa ra các lời bình hay các bài đăng về chủ đề này.
Về phía Pháp, cảnh sát nước này cũng chịu nhiều áp lực từ phía các đồng nghiệp Trung Quốc, nhiều lần đến đề nghị phía Pháp thuyết phục bà Mạnh trở về Bắc Kinh để làm chứng...
Libération cho biết hiện bà Grace Meng và hai cô con gái phải sống dưới sự bảo vệ thường trực của cảnh sát Pháp. Bà thật sự lo lắng cho bản thân và hai con của mình. Trả lời phỏng vấn báo Libération bà khẳng định : "Ngay tại Pháp, tôi cũng sợ bị bắt cóc".
Việt Nam : Điểm hẹn lần hai cho Donald Trump và Kim Jong-un ?
Thời sự Châu Á hôm nay khá phong phú. Báo công giáo La Croix dự báo "Khả năng thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un lần hai ở Hà Nội".
Năm 2019 được cho là mang tính quyết định cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Một bước thương lượng mới giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ mở ra trong vài tuần nữa với cuộc gặp lần hai giữa nguyên thủ Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Giờ mọi cặp mắt đều đổ dồn về chủ nhân Nhà Trắng. Trên nguyên tắc, sau cuộc gặp giữa Kim Yong-chol, cánh tay đắc lực của lãnh đạo Kim Jong-un với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Donald Trump, ngày giờ và địa điểm cho thượng đỉnh lần hai sẽ được thông báo. Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng cuộc gặp Trump – Kim lần hai có nhiều khả năng diễn ra ở Việt Nam vào khoảng trung tuần tháng Hai hay đầu tháng Ba này.
Theo La Croix, thượng đỉnh lần hai sẽ phải làm sáng tỏ nhiều điểm mập mờ. Giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên không có cùng một quan điểm về khái niệm "phi hạt nhân hóa bán đảo". Đây chính là rào cản lớn nhất làm tê liệt cả một quá trình thương lượng phức tạp mà mục đích cuối cùng là đi đến ký kết một hiệp ước hòa bình.
Trang nhất các báo Pháp
Tình hình trong nước là chủ đề chính trên trang nhất một số nhật báo Pháp số ra ngày 18/01/2019. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khởi động cuộc thảo luận toàn quốc hôm thứ Ba 15/01. Trong cuộc hội ý này, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến vấn đề "Chi tiêu công và những hướng của cuộc thảo luận".
Trong lúc phe Áo Vàng rục rịch chuẩn bị hồi X vào cuối tuần này, bất chấp cuộc thảo luận đã được khởi động. Libération chỉ trích việc lực lượng an ninh sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm như LBD40, lựu đạn GLI-F4 để đối phó với người biểu tình. Tờ báo ghi nhận : "Hơn 100 người bị thương nặng", rồi mỉa mai đặt câu hỏi "Đi đi, chẳng có gì để coi hết".
Nhật báo công giáo La Croix lo lắng cho số phận "Các tác phẩm nghệ thuật bị mất của nước Cộng hòa". Một báo cáo báo động hiện tượng ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng và các định chế của Pháp bị biến mất.
"Làm thế nào nuôi sống 10 tỷ dân vào năm 2050" là câu hỏi lớn của nhật báo Le Monde. Một nghiên cứu được công bố trên The Lancet hôm thứ Năm 17/01 khẳng định Trái Đất vẫn còn đủ sức nuôi sống ngần ấy người dân nhưng với điều kiện con người phải thay đổi chế độ ăn uống : Bớt ăn thịt đỏ hay đường, ăn nhiều rau củ.
Pháp và Ý : Anh em bất hòa
Về phần mình, Le Figaro trên trang nhất báo động "Giữa Pháp và Ý, mối bất hòa lớn". Kể từ khi Emmanuel Macron và Matteo Salvini lên nắm quyền lãnh đạo tại Pháp và Ý, danh sách các điểm bất đồng không ngừng kéo dài giữa hai nước, trên bình diện chính trị cũng như là kinh tế.
Người dân Ý rất thích phong trào Áo Vàng đang diễn ra tại Pháp và sự kiện được truyền thông Ý theo dõi sít sao. Một thăm dò do Demos thực hiện, công bố ngày 14/01 cho thấy có đến 60% số người Ý được hỏi nói ủng hộ phe Áo Vàng tại Pháp. Bản thân hai phó thủ tướng Ý, ông Luigi Di Maio – lãnh đạo phong trào M5S (phong trào 5 Sao) và ông Matteo Salvini – lãnh đạo Liên Đoàn Phương Bắc, công khai lên tiếng ủng hộ những người Áo Vàng và mời gọi họ thành lập một liên minh cho kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới.
Đối với Le Figaro, đây là một hành động can thiệp vào nội bộ của Pháp ở một mức độ chưa từng thấy. "Chưa bao giờ người ta thấy một vị bộ trưởng đang tại vị ủng hộ những phong trào phản đối và gây bạo lực, và ủng hộ khả năng từ nhiệm một tổng thống như vậy", sử gia chuyên nghiên cứu về Ý, ông Marc Lazar nhận xét.
Mối bất hòa này đã có từ nhiều tháng qua đến mức nguyên tắc ngoại giao thường có giữa hai nước đôi khi cũng bị phá vỡ. Lĩnh vực tranh cãi giờ không chỉ trong chính trị mà lan sang cả các vấn đề khác như nghệ thuật chẳng hạn. Gần sắp đến ngày kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Léonard de Vinci, sinh ra và lớn lên ở Ý, nhưng sau đó sống và mất ở Pháp, đôi bên đã tranh cãi dữ dội xung quanh thỏa thuận Ý cho Pháp vay mượn một số bức họa để tổ chức triển lãm.
Kinh tế : Nguồn cội của xung khắc
Vẫn theo Le Figaro, nguồn cuội của những bất đồng này đã có từ nhiều năm qua, trước khi cả phe dân túy lên cầm quyền. Nước Ý có một mặc cảm tự ti đối với nước Pháp, dù rằng thặng dư thương mại của Ý với Pháp trong năm 2017 là 7 tỷ euro.
Bởi vì, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giới tư bản Pháp đã ồ ạt mua lại nhiều doanh nghiệp Ý. Điều này gây ra cảm giác "nước Pháp đã lợi dụng cuộc khủng hoảng để mua lại những doanh nghiệp tốt nhất của Ý", theo như nhận xét của nhà báo Il Foglio Stefano Cingolani.
Theo số liệu thống kê của KPMG, trong giai đoạn 2006-2016, các doanh nghiệp Ý mua lại của Pháp chỉ ở mức 7,6 tỷ euro so với con số 52,3 tỷ trong các phi vụ Pháp mua lại các doanh nghiệp Ý. Một sự chênh lệch quá lớn. Một thái độ ngạo nghễ, trong con mắt người dân Ý.
Minh Anh