Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gần hai năm trôi qua, kể từ ngày biển Bắc miền Trung nhiễm độc do Formosa Hà Tĩnh xả thải, đến nay, đời sống của người dân Kỳ Anh vẫn chưa có gì phục hồi. Khó khăn, đói kém, tha phương cầu thực, trốn sang Lào, Trung Quốc để làm thuê… Đó là bài ca chung của người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, tình trạng môi trường không khí phía Tây Hà Tĩnh bị ô nhiễm trầm trọng đang gây nhức nhối. Các dự án phía Tây Hà Tĩnh đình trệ kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho đời sống nơi đây.

kyanh1

Formosa vẫn tiếp tục hoạt động sau thảm họa môi trường - TTVN

Tệ nạn xã hội tăng cao

Bà Trần Thị Hà, người buôn bán ở chợ Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, chia sẻ : "Tôi nhận thấy thì hiện tại tiền đền bù trước đó họ tiêu hết rồi, chỉ có một vài người làm ăn nhỏ lẻ, có thêm đồng vốn họ chịu khó làm ăn thì có lên chút. Còn chủ yếu là người dân tiêu hết sạch, thậm chí hiện tại nhiều người còn nợ nần nhiều, không còn gì hết, đời sống khó khăn. Vào làm công ty thì độc hại nhiều, làm ăn không ăn thua. Người dân giờ rất khó khăn, chợ búa chúng tôi có bán được gì đâu, cái gì cũng giảm khoảng 80%".

Bà Mai Thị Lợi, cư dân xã Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ : "Đời sống của thanh niên hiện tại hư hỏng nhiều. Từ lúc Trung Quốc, Đài Loan qua đây thì tệ nạn xã hội nhiều, thanh niên nghiện ngập, phụ nữ thì bỏ chồng bỏ con đi theo Trung Quốc, làm bồ bịch của hắn này, thì nó chơi gái nó cho trả ít tiền rồi ham tiền đi theo hắn, bỏ chồng bỏ con nhiều, ở Kỳ Thịnh, Kỳ Anh này nhiều lắm !"

Bà Lợi chia sẻ thêm là hiện tại, đời sống kinh tế của người dân chung quanh bà không có gì thay đổi kể từ sau vụ biển nhiễm độc đến nay. Nghĩa là đời sống vẫn chưa thể hồi sinh, mọi thứ vẫn còn trong trạng thái chết, nghề nghiệp đánh bắt chết, nghề buôn bán chết, công việc không có, sức mua chết… Với những người buôn bán nhỏ lẻ, đặc biệt là buôn bán hải sản, kiếm được 100 ngàn đồng mỗi ngày là chuyện quá khó khăn, nhưng trước khi biển nhiễm độc, họ kiếm mỗi ngày 500 ngàn đồng một cách dễ dàng.

Trong khi đó, giá thành mọi thứ tăng vọt bởi người Trung Quốc sống ở đây nhiều vô kể và họ xài tiền dễ dãi, chính sức mua không tiếc tiền của họ đã kéo nhiều thứ vật giá leo thang. Người dân bản địa phải chật vật vì thời giá bị lái hoàn toàn bởi sức mua người Trung Quốc. Đời sống khó khăn, kiếm tiền chật vật nhưng tệ nạn xã hội tăng rất nhanh.

Theo bà Lợi, một số thanh niên làm việc thuê cho người Trung Quốc, có được chút tiền lại chuyển sang chơi bời, nhậu nhẹt, phá phách, xài hàng đá, theo con đường xì ke, ma túy. Đặc biệt, một số gia đình có tiền đền bù đất trước đây và còn một ít đất để bán ăn dần có vẻ như họ bị lún tệ nạn xã hội nặng nhất. Hầu hết con cái trong các gia đình này dính xì ke, ma túy, chơi hàng đá và suốt ngày chơi bời, phá phách, không có công việc ổn định.

Riêng vấn đề hôn nhân gia đình ở Kỳ Thịnh nói riêng và Kỳ Anh nói chung có vẻ như đã hết thuốc chữa. Con số các phụ nữ đã có gia đình riêng, có chồng và hai, ba đứa con nhưng do kinh tế suy sụp, họ đã bỏ chồng theo các thanh niên, đàn ông Trung Quốc. Đi theo một thời gian dài thì bị hất hủi, lại quay về gia đình nhưng lúc này chồng con không muốn nhìn họ nữa, họ lại lang thang rày đây mai đó để làm công việc buôn phấn bán hương.

Nhiều gia đình phải tan nát, nhiều số phận bị lún bùn đen, nhiều tương lai bị chặn đứng bởi gia đình, cha mẹ đổ vỡ. Có thể nói rằng có quá nhiều đớn đau đến với người dân Hà Tĩnh kể từ khi các công trình của người Trung Quốc mọc lên ở đây.

Tha hương ngay trên chính đất quê

Chị Lê Thị Cúc, cư dân Kỳ Anh, chia sẻ : "Trước khi có khu công nghiệp vào đây thì còn bán được, chứ hai năm nay không bán được nữa. Thu nhập ngày trăm bạc cả vốn lẫn lãi, trừ vốn thì lãi được khoảng 20 ngàn bạc, không có gì cả. Bão lụt gì họ cho mỗi nhà được 5kg gạo chứ không có gì cả".

Chị Nguyễn Thị Liên, cư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ : "Ở đây thì đời sống kinh tế Việt Nam khó khăn rồi, bởi Trung Quốc sang đây làm ô nhiễm, biển chết, ảnh hưởng đến người dân, chứ nó không qua đây thì biển không bị như vậy, dân còn con cá biển mà ăn".

Hai phụ nữ này chia sẻ thêm là hiện tại, tình trạng sống ngay trên đất quê mà có cảm giác như đang sống nhờ, sống tạm ở một vùng đất nào đó là tình trạng chung của những người dân nghèo nơi đây. Bởi dường như mọi quyền lợi hay tiếng nói đều thuộc về những người đến từ phương Bắc. Người ta nói mạnh vì gạo, bạo vì tiền, hiện tại, người Trung Quốc có đủ cả mạnh vì gạo bạo vì tiền, họ có thể ung dung làm bất kì điều gì họ muốn trên đất Hà Tĩnh, kể cả việc dụ dỗ vợ người khác bỏ chồng, bỏ con chạy theo đồng tiền của họ.

Cũng theo chị Cúc và chị Liên, vấn đề đền bù do xả độc ra biển ở Kỳ Anh có nhiều chuyện bất minh và bất công. Nhiều gia đình không làm gì liên quan đến biển nhưng có người thân làm cán bộ thì được nhận đền bù với số lượng lớn, ngược lại, người buôn bán hải sản và làm nghề biển như gia đình các chị, suốt hai năm nay khó khăn, chồng và con trai lớn các chị phải sang Lào làm thuê, bữa được bữa mất vì trốn chui trốn nhủi trên nước bạn, vì không có thị thực của nước bạn, các chị phải ở nhà tần tảo nuôi con, kiếm tiền vô cùng khó… Nhưng các chị chẳng nhận được đồng tiền đền bù nào.

Và đáng sợ hơn cả, theo các chị là mặc dù đang sống trên quê cha đất tổ nhưng tiếng nói của người bản địa lọt thỏm giữa ồn ào thanh âm người nước lạ. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, đời sống ngày thêm cơ cực và luôn thấy mình giống như người tha hương, sống tạm ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Có thể nói rằng sau gần hai năm, đời sống người dân làm nghề biển và các dịch vụ biển nói riêng, người dân Hà Tĩnh nói chung vẫn chưa hết đảo lộn và chưa hề có dấu hiệu phục hồi sau những mất mát.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Nguồn : RFA, 24/11/2017

Published in Diễn đàn
lundi, 13 février 2017 13:00

Trở lại Kỳ Anh (1-2-3)

Trở lại Kỳ Anh - Phần 3

Phần 3

Ngư dân vùng biển bị nhiễm độc bởi hóa chất mà nhà máy Formosa Hà Tĩnh thải ra, do mất sinh kế buộc phải ra khơi sau cả nửa năm thất nghiệp. Tuy nhiên hải sản họ đánh bắt được về không được kiểm nghiệm mà lại chuyển đi các nơi khác để bán.

kyanh1

Ông Ngô Văn Linh nói về việc vợ ông là bà Nguyễn Thị Liên tử vong do ăn phải hải sản nhiễm hóa chất. 

Dân bị ngộ độc

Đã có những trường hợp bị ngộ độc do ăn phải hải sản nhiễm hóa chất.

"Khi bị ăn tép biển mà nấu với cà chua của mình làm chứ không phải mua ngoài chợ, mà tép biển là tép khô".

Đó là lời ông Ngô Văn Linh - Xóm 11, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nói về nguyên nhân cái chết của người vợ Nguyễn Thị Liên - sinh năm 1959 của ông.

Sau khi bị ngộ độc thức ăn, bà Liên đã được đưa tới Phòng khám đa khoa của Tòa Giám mục Xã Đoài gần nhà. Tuy nhiên, dù được chữa chạy tích cực, nhưng bà Liên đã không qua khỏi và mất sau đó vài ngày, vào hồi 12h ngày 30/5/2016.

Con tép biển mà bà Liên ăn phải không rõ nguồn gốc được đánh bắt ở khu vực nào, do ai đánh bắt, phơi khô, cũng không xác định được con đường vận chuyển, mua bán con tép đó.

Các hoạt động đánh bắt hải sản đã trở lại, tuy dù còn ít so với trước, nhưng được bán đi đâu, làm gì không ai quản lý, không ai biết được - trừ người mua để mang đi bán. Hơn nữa, chưa có bất cứ một sự kiểm nghiệm nào xem hải sản đã an toàn để tiêu thụ hay không.

Ngay tại xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - nơi đánh bắt hải sản trở lại, từ khi xảy ra thảm hoạ môi trường đến nay, đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn hải sản.

Do đó, người dân địa phương đã không dám ăn mà cho chó ăn hải sản đánh bắt về, kết cục, chúng đều nhiễm độc và lăn ra chết, như ông Hoàng Nguyên mô tả.

"Đặc biệt nhất là con chó. Ăn xong vài ngày là lết hai chân sau. Hai chân trước bò bò được vài bữa thì chết".

Theo ông Hoàng Đình Nho - sinh năm 1964, một người bị ngộ độc do ăn hải sản cho biết.

"Mấy người ăn ở trong nhà đều bị hết, nhưng họ đề kháng cao nên bị nhẹ. Riêng tôi thì bị nặng, sốt, tức ngực, đi ngoài. Lên truyền (nước biển) được ba bữa rồi. Người bữa nay đỡ, vẫn lưng lưng".

Soeur Thuyệt - người trực tiếp chăm sóc những người dân bị ngộ độc tại thôn Đông Yên cho biết những triệu chứng thường gặp ở họ là tức ngực, khó thở, đau đầu dữ dội, chân tay co giật, đau bụng, nôn mửa.

Cách chữa trị cho người dân địa phương với điều kiện hạn chế theo Soeur Thuyệt là.

"Bệnh nhân ăn cá bị nhiễm chủ yếu là truyền nước nhiều để thải độc. Rồi các loại vitamin C chua để giải độc".

Chính quyền lấp liếm

Trong khi đó, người dân bị ngộ độc nặng hơn đi khám ở bệnh viện đa khoa của huyện trên, như bệnh viện cấp huyện thì không được cung cấp các kết quả xét nghiệm, nhiều người chỉ được cho biết là "suy nhược cơ thể".

Anh Mai Anh - một ngư dân hơn 30 tuổi tại Kỳ Lợi cho biết về sự quan tâm của chính quyền các cấp khi người dân bị ngộ độc thực phẩm.

"Chính quyền không có trách nhiệm với người dân chúng tôi. Họ chỉ ậm ờ qua mạng, miệng họ nói vậy thôi. Như ông Đặng Ngọc Sơn nói miệng để áp Đảo dân, để dân tiếp tục ăn cá, để ô dù cho Formosa giết hại dân Việt Nam. Ông Đặng Ngọc Sơn cố tình che lấp hết mọi chuyện"

Cho đến nay, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định biển miền Trung đã sạch, mặc dù chính phủ Việt Nam và Formosa Hà Tĩnh chưa có một động thái nào làm sạch môi trường biển, ngoại trừ những cuộc họp và ra nghị quyết.

Không biết được sẽ còn bao nhiêu người dân bị ngộ độc tiếp theo vì hải sản chưa qua kiểm nghiệm, được tự do lưu thông mà không bị cơ quan chức năng nào chặn lại theo đúng qui định mà chính Nhà nước từng ban hành về vệ sinh- an toàn thực phẩm.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

RFA tiếng Việt, 13/02/2017

*******************

Trở lại Kỳ Anh - Phần 2

Phần 2

kyanh3

Tàu đánh cá khu vực biển miền Trung. AFP photo

Kể từ khi những chiếc ghe đầu tiên quay trở lại hoạt động ngoài khơi vào tháng 10/2016, việc mua bán hải sản tại khu vực Kỳ Anh cũng được nối lại.

Thu nhập bằng 1 phần 10 trước đây

Bà Mai Thị Hương - sinh năm 1964, buôn bán hải sản đã 15 năm cho biết lượng mua bán hải sản của bà từ khi mua bán trở lại :

"Mấy ngày mới có hàng nhiều, cá nhiều chứ trước đây ghẹ ít, mấy ngày trước đây thì nhiều có ngày 2 tạ, bình thường 1 tạ hoặc 1 tạ rưỡi. Trước mua ghẹ cân 180 đến 200 mà bán 250, một tạ ghẹ lời được 5 triệu mà hiện tại 1 tạ ghẹ chỉ được 500 ngàn".

Theo bà Mai Thị Hương, số hải sản được bà thu mua sẽ bán đi các tỉnh khác như Nghệ An, Quảng Bình. Xe máy được dùng để chuyển hải sản đến những nơi có xe đông lạnh. Sau đó, những chiếc xe đông lạnh đưa hàng đi đâu thì không biết được.

Một điều đáng nói là các loại hải sản trong vùng biển Kỳ Anh được đánh bắt trong phạm vi từ 12 hải lý trở vào bờ - vùng biển đã từng được khuyến cáo không nên đánh bắt do nghi vấn nước còn bị nhiễm độc.

Hầu hết những người đánh bắt và thu mua hải sản mà chúng tôi hỏi chuyện đều cho biết, hải sản không được cơ quan nào kiểm nghiệm.

Bà Mai Thị Hương : "Về thì mua thôi, cũng Không biết họ kiểm nghiệm hay không".

Ông Hoàng Văn Tĩnh : "không ai kiểm nghiệm gì cả".

Ông Hoàng Nguyên : "Không có ai kiểm nghiệm gì cả".

Chính vì hải sản đánh bắt tại khu vực này không được kiểm nghiệm, trong khi có nhiều trường hợp ăn xong bị ngộ độc, nên người dân địa phương ở Kỳ Anh không mua sử dụng.

Một người buôn bán hải sản tại chợ Kỳ Lợi cho chúng tôi biết : "không ăn cá biển vì ăn vào là bị đau, tức ngực, buồn nôn".

Bà Mai Thị Uy : "Cá là họ không mua".

Ông Hoàng Nguyên : "Dân địa phương đây họ không ăn, họ đã thử cho chó và gà vịt cho lợn ăn đều chết cả, đặc biệt nhất là chó, ăn xong là 2 chân một vài ngày lết lết, hai chân trước bò một vài bữa là chết".

Hải sản không được kiểm nghiệm

Trong khi đó, theo người dân địa phương, chính quyền các cấp không đưa ra bất cứ khuyến cáo hay giải pháp nào về việc tránh đánh bắt, mua bán và sử dụng hải sản tại khu vực Kỳ Anh.

Một số thành viên nhóm Green Trees đã vào Kỳ Anh để thu thập mẫu cá mú, cá nâu, cá ghẹ với sự hỗ trợ của ngư dân địa phương để mang đến Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia ở Hà Nội để kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, khi dược sĩ  Nguyễn Anh Tuấn - thành viên Green Trees mang mẫu tới, một người phụ nữ tên Giang - phụ trách bộ phận tiếp nhận của cơ quan kiểm nghiệm này cho biết "máy đang bảo dưỡng" và năng lực của phòng xét nghiệm có hạn nên phải trả kết quả chậm trong vòng 1 tháng. Một người đàn ông tên Hải, được cho biết là phó giám đốc Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia đứng ra nhận trách nhiệm về việc này.

Ở Hà Nội, năng lực cơ quan chuyên môn còn vậy, thì huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh sẽ thế nào ? Trong khi hải sản vẫn được đánh bắt, mua bán tự do, vận chuyển đi đâu không rõ, thì người dân còn phải đối diện với nguy cơ tổn hại về sức khoẻ.

Trong phóng sự tiếp theo, chúng tôi sẽ nói về sinh mệnh của người dân khi ăn hải sản đánh bắt tại Hà Tĩnh.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

RFA tiếng Việt, 06/02/2017

*******************

Trở lại Kỳ Anh - Phần 1

Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là nơi Nhà máy Gang thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tình từng xả hóa chất độc hại trực tiếp ra biển gây nên thảm họa môi trường dọc theo các tỉnh miền Trung kể từ tháng tư vừa qua.

kyanh1

Ngư dân vẫn chưa thể đánh bắt hải sản gần bờ - Photo courtesy of phununews.vn

Ngay sau khi xảy ra thảm họa, phái viên RFA đã đến tận nơi ghi nhận tình hình hải sản chết hằng loạt và đời sống người dân bị tác động. Thực tiễn hiện nay cũng được tìm hiểu qua chuyến trở lại mới đây.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi

Vào trung tuần tháng 11/2016, chúng tôi quay trở lại xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - địa phương nằm ngay cạnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Trái với quang cảnh của 3 tháng trước lúc thuyền phủ bạt xếp hàng dài trên bãi, thì nay người dân đã sửa sang, đóng mới những chiếc ghe để chuẩn bị ra khơi. Ngoài biển đã có những chiếc hoạt động trở lại ; dù là ít, không nhộn nhịp bằng thời gian trước khi xảy ra thảm hoạ môi trường.

Ngư dân địa phương cho chúng tôi hay, họ mới đi biển trở lại được khoảng hơn 1 tháng, tức là từ đầu tháng 10, sau hơn 6 tháng không có việc làm. Ông Hoàng Văn Tỉnh - 51 tuổi, với 24 năm kinh nghiệm đi biển, cho biết về tình trạng các loài cá trong khu vực biển anh đánh bắt như sau : "Cá còn chết nhiều lắm"

Anh Điểu - một người thợ lặn cho biết ghi nhận của anh : "Rạn san hô nhiều bây giờ chết hết chẳng còn gì cả. kể cả ông bộ trưởng có nói rằng biển sạch, san hô được ổn định lại, để ông về đây mà xem" .

Những người ngư dân đi biển về cho biết, thu hoạch được số lượng hải sản rất ít so với trước đây, cùng với giá giảm mạnh.

kyanh2

Hôm 16/11/2016 Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bắt đầu thực hiện chi trả cho người dân tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạnh. Courtesy Thanh Niên

Ông Hoàng Nguyên - sinh năm 1960, đi biển từ năm 12 tuổi chia sẻ : "Lượng thu hoạch của tôi đi về cũng được gần 1 chục ký ghẹ và khoảng gần 20 ký cá, lượng tôm cá đánh bắt cũng rất nhiều, tuy nhiên lượng thu hoạch và phần bán thì rất ít".

Ông Tỉnh cho biết thêm về việc thu hoạch sau mỗi chuyến đi biển : "Cá thì nhiều tiền thì không được ăn thua. Cá nhỏ thì đi 1 tạ 2 tạ thôi, đi 1 chuyến được 15 cân. Mọi hồi chuyến được vài 3 triệu bây giờ may được khoảng 1 triệu bạc là nhiều".

Vì không còn đường nào khác

Dù thu hoạch ít, bán không được giá, có khi không ai mua cho, nhưng ngư dân vẫn quay trở lại với nghề truyền thống. Lý do là vì họ không có nghề nào khác.

Dù chính phủ có Quyết định số 1880 của Thủ tướng bồi thường cho những đối tượng chịu tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên ; thế nhưng đến nay chưa thấy khoản bồi thường đâu cả, mà chỉ mới dừng ở kê khai danh sách các đối tượng được nhận.

Với phần lớn người dân ở đây, dù đền bù, hỗ trợ bao nhiêu cũng là không đủ, bởi cái họ cần là môi trường sạch trở lại. "Điều mong đợi nhất là làm thế nào cho biển sạch để chúng tôi có quyền tự do đi lại làm như trước để con em buổi chiều ra tắm biển rồi chúng tôi đi biển về cũng khỏi khi ăn con cá con ghẹ con tôm nó khỏi nghi ngờ trong vấn đề độc hại cả".

Hải sản đánh bắt lên được tiêu thụ ra sao và lý do gì khiến thị trường "lạnh nhạt" với hải sản đánh bắt từ Kỳ Anh sẽ là nội dung phần kế tiếp của loạt phóng sự "Biển và sinh mệnh người dân".

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

RFA tiếng Việt, 20/01/2017

Published in Việt Nam