Việt Nam có khoảng 3 triệu người thuộc cộng đồng LGBT, tức là gay-les-chuyển giới và song tính. Trong cộng đồng đó còn có hai chữ IQ với dấu +, tức là những người thuộc nhóm liên giới tính : phi nhị giới (người không tự xếp mình vào nam hay nữ), toàn tính (người có thể yêu và quan hệ tính dục với bất cứ đối tượng nào họ có cảm xúc) và vô tính (không có cảm xúc tính dục) nữa. Dấu cộng dành cho các nhóm khác nữa mà có thể chưa hiện diện đủ rõ rệt, hoặc chưa được định danh tương đối rõ ràng.
Những người tham gia diễu hành cho quyền lợi của người đồng tính và chuyển giới ở Hà Nội hôm 11/11/2018 - AFP
Cách đây hai năm, dự thảo Luật chuyển đổi giới tính và Luật hôn nhân gia đình sửa đổi đã được đưa ra để góp ý. Sau hàng trăm năm, đây là lần đầu tiên quyền của cộng đồng LGBT được nhắc đến công khai và chính thức trên diễn đàn lập pháp Việt Nam. Nó tiến mạnh đến nỗi đã gần sát bước cuối cùng là đưa ra Quốc hội để thảo luận và thông qua.
Khỏi phải nói hàng triệu người LGBT Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã mừng rỡ đến mức nào. Được pháp luật ủng hộ - dù chưa chính thức, là niềm hạnh phúc lớn lao đến nỗi nhiều người không tin là có thật. Động thái ấy trả lại cho họ niềm tin về bản thân, rằng mình không phải là lạc loài, quái vật, hay nhẹ nhất là biến thái, bệnh hoạn, dị dạng. Họ tin mình cũng là con người bình thường và được quyền công nhận, được quyền mưu cầu hạnh phúc.
Từng cá nhân, gia đình (chung sống nhưng chưa kết hôn theo pháp luật), hội nhóm… họ òa khóc, họ bày tỏ hạnh phúc mãnh liệt và niềm tin tuyệt đối. Họ công khai bộc lộ và do vậy, chưa bao giờ xã hội được trông thấy sự hiện diện của nhiều người LGBT đến thế.
Tuy nhiên đã 5 năm kể từ ngày Bộ luật Dân sự thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, nhưng cho đến nay các điều khoản này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Dần dần, những gương mặt hoạt động vận động quyền cho LGBT ít đi và không còn hừng hực như trước. Có những người đổi nghề, có những người "ở ẩn", có những người hoàn toàn không quan tâm đến tiến trình vận động luật nữa.
Nguyên nhân là cùng với thời gian chờ đợi pháp luật, các cá nhân nổi bật này đều đã thu xếp được cách họ chung sống trong một xã hội còn nhiều kỳ thị và thiếu hiểu biết. Thường, họ nỗ lực làm việc để tạo dựng vị trí trong gia đình, trong xã hội ; gầy dựng tài sản đủ để độc lập sống và rèn luyện bản lĩnh để "đập vào mõm những đứa kỳ thị"-như lời một người chuyển giới nam 42 tuổi ở Sài Gòn nói với chúng tôi.
Thế nhưng số những người thành công và ít gặp khó khăn trong cuộc sống đa phần là người đồng tính nam và đồng tính nữ-do sự "ẩn thân"của họ vào cộng đồng dị tính. Còn với khoảng 500.000 người chuyển giới (số liệu từ Bộ Y tế Việt Nam), số người có cuộc sống ổn định không nhiều lắm.
Một khảo sát của tổ chức iSEE (nghiên cứu và vận động quyền của các nhóm yếu thế, có trụ sở tại Hà Nội) trên 408 người chuyển giới phân bố khắp cả nước cho thấy nhóm chuyển giới nam có trình độ học vấn cao hơn chuyển giới nữ : hơn 50% số người thực hiện khảo sát là chuyển giới nam có trình độ đại học hoặc cao hơn. Tỷ lệ này ở nhóm chuyển giới nữ chỉ khoảng 27%.
Đây là một điều đáng quan sát vì cũng theo khảo sát trên, mức độ phiền muộn giới của nhóm chuyển giới nam cao hơn hẳn so với nhóm chuyển giới nữ. Thế nhưng họ vẫn chịu đựng được qua thời gian khá dài để tranh thủ được giúp đỡ tài chính của gia đình trong việc học hành, và hầu hết đều có cơ hội việc làm tốt hơn trong doanh nghiệp, văn phòng.
Nhóm chuyển giới nữ có một khuôn mẫu khác phổ biến hơn, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên : do không chịu được kỳ thị-nhiều lúc mạnh đến nỗi bị đánh đập- nhiều người không học hết cấp 3, rời gia đình sớm để theo các gánh hát lô tô, hoặc buôn bán lặt vặt.
Đấy là cuộc sống đầy bấp bênh : Chỉ vài tháng dịch Covid vừa qua đã đủ khiến đa số các gánh lô tô ở tỉnh vào bờ vực tan rã. Ở Bình Dương, các cô đào vốn sống trôi nổi theo gánh hát, không có nhà cửa vốn liếng nhiều, đã phải dạt ra các bờ sông cắm lều ở tạm ; vét cạn những đồng tiền cuối cùng để sống, cũng như nhờ người hảo tâm và sự cưu mang của những người trong cộng đồng khá giả hơn.
Hình chụp hôm 27/6/2020 : những người biểu diễn thuộc nhóm Sài Gòn Tân Thời ở Thành phố Hồ Chí Minh - AFP
Ở nhiều nơi, những cô đào lô tô có tuổi thay phiên nhau gặp sự cố về sức khỏe : những bờ mông, bộ ngực tự tiêm silicon sau 10, 20 năm không được bảo dưỡng, silicon bắt đầu vón cục trong da thịt, gây viêm nặng đến nỗi phải nhập viện để nạo sạch chúng ra. Các cô chẳng dành dụm được bao nhiêu tiền ; đổ vào son phấn, trang phục biểu diễn và những cơn bệnh thường xuyên do dễ viêm nhiễm, do sức khỏe yếu… hết rồi. Gia đình cũng thường không quan tâm vì đã ngứa mắt với việc "đua đòi chơi pê đê, sống bệnh hoạn". Nên, khi gặp sự cố, họ thường không đối phó nổi. Lúc này chỉ còn có cộng đồng và những người hảo tâm giúp tiền thuốc men, chăm sóc.
Từ khoảng năm năm về trước, đời các cô gái chuyển giới cơ bản là buồn.
Tuy nhiên, xã hội thay đổi đã kéo theo sự đổi thay cụ thể về thân phận người chuyển giới.
Cách đây ba năm, đoàn lô tô Sài Gòn Tân thời được thành lập bởi một người trước đó chưa từng biết về lô tô : Lộ Lộ.
Trong một số show diễn mang tính tâm sự, Lộ Lộ từng nói mình có cùng hoàn cảnh với "Cô gái Đan Mạch"- người chuyển giới nữ công khai đầu tiên trên thế giới, chỉ nhận ra bản dạng giới của mình rất muộn, khi đã ngấp nghé 30 tuổi. Trước đó, Lộ Lộ làm "trai thẳng văn phòng", đã có vợ và hai con, cho đến khi nhận ra bản dạng giới thật sự.
Đoàn lô tô Sài Gòn tân thời được thành lập dưới sự dẫn dắt của một người có học vấn và tầm nhìn, quyết tâm xây dựng hình ảnh lô tô đẹp và sạch. Các cô đào bị cấm nói tục hoặc giao đãi quá lố gây phản cảm và ăn mặc hở hang. Họ hay mặc áo dài kín tận cổ nhưng rất đẹp và gợi cảm.
Với hình ảnh mới mẻ, đầy tính chất giải trí nhưng đẹp đẽ và sang trọng, đoàn Sài Gòn Tân thời đã được mời sang Úc và Đài Loan lưu diễn. Họ cũng có các show diễn trong bar, một địa điểm cố định vào cuối tuần ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minhvà một địa điểm khác ở Bình Dương.
Dù chỉ mới là thiểu số vô cùng nhỏ nhưng những sự có mặt của người chuyển giới nữ thông qua các đoàn lô tô Sài gòn Tân thời, Jes’s Band (biểu diễn drag queen) và các nhóm khác đang chứng minh sống động về sự hiện diện chiếm được nhiều thiện cảm của người chuyển giới.
Trong một số doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, nhiều người chuyển giới nữ và nam đã được bình đẳng làm việc và tự do thể hiện bản dạng giới thật sự. Chúng tôi từng gặp một số cô gái chuyển giới nữ đang làm việc ở các công ty của Nhật, của Hàn Quốc… Họ thường mặc y phục nam giới để đi làm vào ngày thường (vì mặc đồ nữ phải trang điểm và phụ kiện rất nhiều công), còn khi tiệc tùng thì lên đồ nữ lộng lẫy choáng ngợp. "Mà công ty tụi em thích lắm. Mấy anh chị khen đẹp, kêu mặc đồ nữ hoài hà"-K, một người chuyển giới nữ làm công việc quản lý nhãn hàng ở một công ty Nhật kể.
Thế nhưng, với sự trì hoãn của Luật chuyển đổi giới tính (giúp người chuyển giới được thay đổi họ tên, nhân thân theo giới tính đúng của mình, công nhận về mặt luật pháp sự hiện diện của người chuyển giới, giúp họ dễ dàng hơn trong tìm việc làm) và Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi (mọi người đều được bình đẳng trong kết hôn chứ không phải chỉ nam nữ dị tính), một động lực giúp xây dựng xã hội nhân văn hơn, phát huy được tiềm lực của nhiều người hơn, đã không được khởi động.
Như mọi năm, Tháng 6 bắt đầu chuỗi hoạt động hiện diện và vận động quyền của người LGBTIQ+ trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, hoạt động này còn rất manh mún và đơn giản. Trước giờ, nó chỉ phổ biến là diễu hành cầu vồng, và chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ ở thành phố lớn. Năm nay, dưới sự tổ chức mới của iSEE, các tổ chức vận động quyền cho LGBTIQ+ quy mô nhỏ và rất nhỏ vừa tái khởi động các chương trình cụ thể,
đi sâu vào từng nhóm đối tượng đích ở từng địa phương, với các hoạt động có hiệu quả thiết thực hơn.
Tuy vậy, ở các thành thị nhỏ hay nông thôn, nơi cộng đồng LGBTIQ + vẫn còn bị kỳ thị nhiều (do thiếu kiến thức), nó hầu như không thể diễn ra, hoặc chỉ rón rén trong các phòng kín, với một nhóm người trong cộng đồng và người ủng hộ nhỏ đã quá rõ về nhau và do vậy không cần gì phải vận động.
Tại nhiều nước, Pride rất thiết thực. Ở Mỹ từ nhiều chục năm nay đã có thêm một chỉ số bình đẳng giới cho doanh nghiệp, là bình đẳng với các cá nhân LGBTrung Quốc. Đạt được chỉ số này giúp chứng minh doanh nghiệp xây dựng được môi trường làm việc tin tưởng và đoàn kết, đánh giá cao sự đa dạng của nhân viên và khiến doanh nghiệp thu hút và giữ chân người lao động tốt hơn.
Pride không chỉ là ngày lá cờ cầu vồng tượng trưng cho sự đa dạng của loài người được kéo lên tự hào tại quảng trường nào đó. Pride, hay việc công nhận và tôn trọng sự đa dạng của con người là thiết lập môi trường bình đẳng với tất cả các nhóm thiểu số, cho dù nhóm đấy nhỏ đến thế nào đi nữa. Trong xã hội hiện đại, đó cũng là một tiêu chí của văn minh, nhân bản và tiến bộ.
Quay lại Việt Nam. Việc các cá nhân LGBTIQ + đã bớt bị kỳ thị ở khắp nơi, có nhiều chương trình truyền thông đại chúng (chủ yếu là game show) giúp tăng sự hiện diện của cộng đồng này và từng bước đưa kiến thức về LGBTIQ+ đến xã hội, có nhiều người nổi tiếng công khai thuộc LGBT… đang khiến nhiều người lầm tưởng rằng cộng đồng này đã thực sự bình đẳng. Nhiều người trong cộng đồng LGBT- nhất là những người đồng tính nam và đồng tính nữ- cho rằng họ đủ thỏa mãn với cuộc sống, được công khai sống với người yêu, come out thoải mái ở chỗ làm và bạn bè. Và không cần gì khác nữa.
Đó là một cái bẫy tư duy nguy hiểm. Nó khiến cả người trong cộng đồng LGBT và xã hội nói chung không còn đủ sự quan tâm để tiếp tục đòi hỏi những công cụ sẽ tạo ra sự bình đẳng thật sự và bền vững, từ nhân thân đến gia đình, tài sản, con cái, việc làm… Đó là những bộ luật Chuyển đổi giới tính và Hôn nhân gia đình như đã nói phần trên.
Mà một khi những bộ luật thiết lập nền tảng cho sự bình đẳng của cộng đồng LGBTIQ+ chưa được ra đời thì sự "bình đẳng" và những đổi thay về thiện cảm ban đầu mà xã hội dị tính phổ biến dành cho cộng đồng này sẽ rất mong manh. Nó có thể vỡ tan với bất cứ một con người hay một sự kiện không kiểm soát được nào đó.
Vũ Ngọc Mai
Nguồn : RFA, 29/06/2020
Không nam-không nữ : Cuộc cách mạng "thầm lặng" về giới ở Pháp
Anh rối loạn trong cuộc Brexit ; Bellamy, nhân vật mới nổi trước kỳ tranh cử Nghị Viện Châu Âu ; Pháp trước thách thức tiếp nhận hàng trăm quân thánh chiến. Trên đây là tít lớn của tuần báo Pháp số cuối tháng 3/2019. Đặc biệt đáng chú ý có chủ đề "cuộc cách mạng thầm lặng" về giới tính trên L'Obs.
Festival đầu tiên tại Châu Á của "người xuyên giới" do cộng đồng LGBT phối hợp tổ chức, nhân 100 năm ngày sinh nhà toán học Alain Turing (một người xuyên giới), tháng 7/2012, Madurai, Ấn Độ. Wikipedia
Tuần báo L'Obs với tựa đề "Ni fille, ni garçon", dành hồ sơ chính cho "cuộc cách mạng thầm lặng" trong lĩnh vực giới tính đang diễn ra, với số lượng ngày càng đông người không chấp nhận khuôn theo mô hình truyền thống. Họ tự khẳng định "không là đàn ông", cũng "không là đàn bà", như những gì mà xã hội áp đặt.
Tiếp theo cuộc cách mạng dẫn đến việc thừa nhận người đồng tính - người chuyển giới, xã hội đương đại lại đang đứng trước một thay đổi lớn. Các quy ước của xã hội khiến mỗi người sống suốt đời với chỉ một giới tính, hoặc nam - hoặc nữ (binaire), đang ngày càng không được coi là chuyện hiển nhiên, đặc biệt trong giới trẻ. Tuần báo L'Obs tìm gặp các nhân chứng.
"Hãy là chính mình !"
Val, 20 tuổi, sinh viên tại Paris, cho đến năm 12 tuổi được sống trong bầu không khí rất ít phân biệt giới tính. Ở trường, cậu bé Val chơi nhiều hơn với các bạn gái. Ưa các trò đóng vai, hơn là bóng đá. Val không hề chịu áp lực phải trở thành con trai. Tuổi dậy thì là một cú sốc với Val, khi người bố muốn Val chơi thể thao, và yêu cầu con phải đàn ông hơn. Ở trường học, Val thường xuyên bị miệt thị là đồ ái nam, ái nữ.
Trước áp lực xã hội, Val co mình lại, tránh mọi biểu hiện có thể bị đánh giá là nữ tính, tìm mọi cách để ra dáng mày râu. Val đã sống qua suốt thời trung học như vậy, cho đến khi vào một trường sân khấu. "Em có quyền sống đúng với mình", câu nói đơn giản của một người thầy đã khiến Val tỉnh ngộ.
Cùng với các bài tập kịch, những xúc cảm tự nhiên bị chôn vùi lần lượt sống dậy. Val dần dần hiểu rằng cái gọi là "nam tính" thực ra "không phải là điều cố định, mà là một hiện thực trôi chảy và rộng mở". Kể từ đó, Val không còn bị ức chế và câu nệ. Từ hai năm nay, Val tự coi mình là người "non-binaire / genderqueer", tức người không theo mô hình xã hội nam nữ nhị phân truyền thống (tạm dịch là người xuyên giới). Val để người tiếp xúc tùy chọn đối xử như là trai hay gái. Mẹ Val rất thông cảm khi hiểu chuyện, trong lúc người bố lại hoàn toàn không chấp nhận, nhưng Val tin tưởng trong khoảng 15 năm nữa, hiện tượng "người xuyên giới" sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, sẽ được xã hội đồng cảm nhiều hơn.
L'Obs cũng nêu trường hợp của Ana, 18 tuổi, học sinh trung học tại Nancy, sinh ra là gái. Ngay từ khi học trung học, Ana đã cảm thấy mình là đàn ông. Mẹ Ana hoàn toàn ủng hộ con sống thật với chính mình. Khi còn là học sinh, Ana thường yêu cầu các bạn nói chuyện với mình như với con trai. Tuy nhiên, đối lập giữa cơ thể phụ nữ với tính cách đàn ông dần dần biến mất, giờ đây, Ana không còn cảm thấy bị giằng xé. Ana không thích bị khuôn vào một giới tính nào. Những quy ước bó buộc của xã hội về giới tính khiến Ana phẫn nộ. Câu nói ưa thích của Ana là : "Hãy quan tâm đến nhân cách con người, chứ đừng nhìn vào bộ phận sinh dục của người ấy".
14% không thuộc hẳn giới nào
Hiện tượng những người không phải là nam, cũng không là nữ có quy mô như thế nào trong xã hội Pháp ? Hồ sơ "Cuộc cách mạng giới tính" cho biết, theo một điều tra của YouGov (đầu năm 2019), 14% trong lứa tuổi 18 đến 44 cho biết tự coi mình là "non-binaire". Nhiều hơn gần gấp đôi so với lớp người trên 44 tuổi (8%).
Cảm nhận về giới tính của những người "non-binaire" rất đa dạng. Có người cùng một lúc thấy mình là đàn ông và đàn bà ; hoặc khi là nam, lúc là nữ ; có người cảm thấy ở vị trí trung gian ; có người lại không cảm thấy thuộc về giới nào… Hiện tại có khá nhiều từ dùng để gọi nhóm xã hội rất đa dạng này : bigenre (lưỡng giới), intergenre (liên giới), genderfluid (giới tính trôi chảy), agenre (phi giới), neutrois (phi nam, phi nữ), pangenre (xuyên giới), androgyne (song giới), demi-boy hay demi-fille… Đồng thời cũng có hàng loạt đại từ ngôi thứ ba thay cho "il" và "elle", như : "ul", "ol", "iel", "ele" hay "ille".
Nhiều người thuộc nhóm này muốn áp dụng mô hình giới tính "trung lập", như thành phố New York bắt đầu thực thi kể từ tháng Giêng năm nay, hoặc thậm chí xóa bỏ việc phân biệt nam, nữ trong giấy tờ. Theo L'Obs, cho dù các đề xuất nói trên có vẻ như hoang tưởng, hoặc chỉ thuộc về một bộ phận bên lề xã hội, nhưng trên thực tế, sự trỗi dậy của những người non-binaire đang thách thức chính cái cốt lõi của mô hình xã hội chủ lưu, vốn dựa nhiều trên việc đối lập nam-nữ.
Cách mạng chống trọng nam-khinh nữ ?
Việc phân biệt giới tính, dựa trên sự khác biệt về giới mang tính bẩm sinh, tưởng như là điều tự nhiên, nhưng các nghiên cứu khoa học ngày càng cho thấy : giới tính là kết quả của giáo dục trong xã hội. Nữ văn sĩ Simone de Beauvoir từng viết : người ta không sinh ra đã là phụ nữ (hay đàn ông), mà trở thành sau đó. Mà, các chuẩn mực dẫn đến sự phân biệt giới tính thường gắn liền với các quan hệ mang tính quyền lực.
Theo nhà nhân chủng học Françoise Héritier, đa số các xã hội đối lập nam – nữ cũng thường là trọng nam, khinh nữ. Chuyên gia về giới tính Karine Espineira, Đại học Paris 7, nhấn mạnh là cổ vũ cho việc làm nhòa đi sự đối kháng về giới cũng chính là chống lại chế độ phụ quyền, chống bất bình đẳng giới. Đây là một vấn đề "mang tính chính trị, hơn là bản sắc cá nhân". Đối với Karine Espineira, đang có một "cuộc cách mạng thầm lặng" diễn ra, làm thay đổi sâu sắc quan niệm về giới tính truyền thống.
Phản bác lại ý nghĩa chính trị được đánh giá là hết sức to lớn nói trên theo quan niệm của nhiều người, nhà triết học nữ quyền Geneviève Fraisse (tác giả cuốn "Les Excès du genre") nhấn mạnh nhiều hơn đến "sự tự chủ về kinh tế", mới chính là điều kiện chủ yếu cho phép phụ nữ nổi dậy để đòi hỏi các quyền của mình.
Dù sao, L'Obs cũng lưu ý là có rất nhiều gương mặt nổi bật trong các phong trào xã hội quan trọng hiện nay là những người "người xuyên giới", đơn cử như Emma Gonzalez, 19 tuổi, đại biểu phong trào đòi kiểm soát súng tại Mỹ, hay Anuna De Wever 17 tuổi, người Bỉ, gương mặt tiêu biểu của phong trào bãi khóa vì khí hậu. Giáo sư Bruno Perreau thuộc Viện Massachusetts đặc biệt chú ý đến việc được sống thực với chính mình trong lĩnh vực giới tính có thể giúp khơi dậy những động lực to lớn, khiến người ta có sức mạnh dấn thân trong nhiều lĩnh vực.
Hồ sơ của L'Obs khép lại với nhận xét của Oliver, trạc 40 tuổi, người sáng lập nhóm "người xuyên giới" Pháp ngữ đầu tiên trên Facebook (năm 2013), với khoảng 4.000 thành viên : "Chúng tôi không hề có ý định áp đặt ai cả. Vẫn sẽ luôn luôn có những người rất hạnh phúc với tư cách đàn ông, hoặc đàn bà. Nhưng chúng tôi mong rằng người ta sẽ không kỳ thị những ai không chịu khép mình vào khuôn khổ (giới tính do xã hội quy định). Mong sao người ta để cho họ được tìm tòi, thử nghiệm".
Anh Quốc chìm tàu với Brexit
"Anh Quốc chìm tàu với Brexit" là tựa lớn trang bìa của Courrier International với hình ảnh làm nền là biển nước mênh mông, chiếc xe chở khách du lịch biểu tượng của Luân Đôn bập bềnh trong nước, tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng chỉ còn chiếc đỉnh nhấp nhô. Tiểu tựa của Courrier International là với Brexit, nước Anh dường như "đang mất đầu, xã hội chia rẽ hơn bao giờ hết".
Courrier International dẫn bài viết của nhà triết học John Gray trên báo Anh New Statesman, theo đó vụ Brexit đã làm tan nát hệ thống chính trị Anh Quốc, được coi là "một mẫu mực của sự ổn định từ nhiều thế kỷ nay". Theo tác giả, điểm mấu chốt dẫn đến thất bại của giới chính trị Anh là họ đã không chấp nhận đối diện với hiện thực, để kịp thời thay đổi cách suy nghĩ. Lên án của tác giả nhắm cả vào những người ủng hộ giải pháp Brexit "cứng rắn", có nguy cơ dẫn đến cuộc ly dị không thỏa thuận, cũng như những người vẫn tìm mọi cách để ở lại với Châu Âu, bất chấp quyết định của cử tri.
Nhìn chung, theo một thăm dò của kênh truyền hình Sky News, 90% người Anh đánh giá cách thức mà giới chính trị quản lý việc rời khỏi Liên Âu là "một nỗi nhục" quốc gia.
Trong khi đó, báo New York Times thì nhấn mạnh đến sự phân hóa sâu sắc trong xã hội, gần như trong một "cuộc nội chiến". Theo một thăm dò dư luận, hơn một phần ba người muốn ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, bất bình trước việc một người thân lập gia đình với một người ủng hộ Brexit. Tỉ lệ bất hòa trong nội bộ gia đình vì vấn đề Brexit tăng vọt. Ủng hộ hay chống Brexit thậm chí còn được so với cuộc đối đầu tôn giáo khốc liệt tại Pháp, giữa Công giáo và Tin Lành hồi thế kỷ XVI.
Châu Âu : Không có dấu hiệu mùa xuân đang đến
Khủng hoảng Anh cũng gắn liền với khủng hoảng của Liên Âu. Chủ đề chính của xã luận Courrier International là "Không có dấu hiệu cho thấy mùa xuân đang đến với Châu Âu". Courrier International ghi nhận là việc quản lý hết sức tồi tệ tiến trình chia tay với Liên Âu đã nhấn chìm nền dân chủ Anh Quốc, nhưng cũng không vẻ vang gì cho Liên Âu.
Mối đe dọa chính với Châu Âu không đến từ phía Tây mà từ phía Đông. Courrier International lên án hơn 20 năm "ngây thơ" trước tham vọng của Trung Quốc. Tuần báo Pháp thốt lên đau đớn : chính tại Roma, nơi khởi sự công cuộc xây dựng cộng đồng Châu Âu năm 1957, giờ đây "tinh thần Châu Âu đã bị hòa tan trong chén trà Trung Quốc". Chính phủ Ý – quốc gia đứng thứ tư của khối - đã một mình ký kết các thỏa thuận làm ăn riêng rẽ với Bắc Kinh, bất chấp những cảnh báo của các thành viên khác.
Trung Quốc đặt Liên Âu trước thách thức chưa từng có
Trung Quốc đang đặt Liên Âu vào thách thức chưa từng có là một bài phân tích của báo Nhật Nikkei Asian Review, được Courrier International trích lại. Nikkei so sánh tình hình hiện tại của Châu Âu với Trung Quốc đầu thế kỷ XX. Dưới áp lực của các đại cường thực dân, Trung Quốc đã buộc phải đi vào kỷ nguyên cách mạng. Tương tự Châu Âu cũng buộc phải tìm thấy một cơ chế hiệu quả hơn để giải quyết các xung đột chính trị nội bộ, để hội nhập mạnh mẽ.
Cánh cửa tái đắc cử với Trump mở rộng
Trong lúc nước Anh chìm đắm trong bế tắc Brexit, Châu Âu đang gặp khó, thì ở bên kia Đại Tây Dương, tổng thống Mỹ dường như đang tìm được thế thượng phong. Courrier International điểm lại báo chí Hoa Kỳ với : Cánh cửa tái đắc cử 2020 với Trump mở rộng, sau kết luận sơ bộ của cuộc điều tra do chưởng lý Mueller tiến hành, không cho thấy có sự đồng lõa giữa ê-kíp tranh cử của ông Trump với Nga.
Theo tờ báo The Washington Examiner, thì phe Dân chủ giờ đây phải để cho chính phủ Donald Trump điều hành đất nước trong bình yên. The Washington Examiner lên án phe Dân chủ và các tập đoàn truyền thông lớn từ hai năm nay đã tập trung tấn công vào tổng thống Trump trong vấn đề này.
Ngược lại tờ The Washington Post khẳng định, cho dù không có bằng chứng về sự đồng lõa, nhưng cuộc điều tra cũng không khẳng định là tổng thống vô tội. Theo The Washington Post, một khi toàn bộ kết quả cuộc điều tra chưa được công bố thì các nghi vấn vẫn còn. Bên cạnh đó, việc ông Trump liên tục sỉ nhục các cơ quan tư pháp tiến hành điều tra trong hai năm qua, cũng đặt ra các vấn đề trách nhiệm của tổng thống. Việc tổng thống Trump tỏ ra quỵ lụy trước nguyên thủ Nga cũng là một điều gây hoài nghi, và đáng lo ngại.
Người Công giáo tái chinh phục xã hội
Tuần báo Le Point dành nhiều trang cho chủ đề Bellamy, nhân vật mới nổi lên trong cánh hữu Pháp. Vị giáo sư ngành triết học, trạc 30 tuổi này, được đảng cánh hữu LR chọn làm người dẫn đầu cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu. François-Xavier Bellamy được coi là một thách thức đáng gờm đối với đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống và đảng cực hữu của bà Le Pen.
Chính trị gia Bellamy sinh trưởng tại Versailles, thành phố mà ông làm trợ lý cho thị trưởng. Trước đó Bellamy từng là chỉ huy hướng đạo sinh, và tham gia vào nhiều hiệp hội tái hòa nhập người thất nghiệp. Bellamy công khai khẳng định đức tin và nền giáo dục Công giáo đã hun đúc nên con người ông.
Chính trị gia Bellamy là một tín đồ Công giáo. Đối thủ của chính trị gia LR trong cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu là Nathalie Loiseau, nguyên bộ trưởng phụ trách Châu Âu, lãnh đạo nhóm Cộng Hòa Tiến Bước. Theo Le Point, bà Loiseau cũng là một tín đồ Công giáo sùng đạo, nhưng gần như không bao giờ phát biểu trước công chúng về đức tin của mình. Tuần báo Le Point trong số này cũng dành nhiều bài vở để giới thiệu về chủ đề "những người Công giáo" đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong xã hội Pháp, về văn hóa hay chính trị, ngược hẳn với Giáo hội Công giáo đang lâm vào khủng hoảng.
Quân thánh chiến về nhà : Đối phó thế nào
Nước Pháp chuẩn bị đón hàng trăm người từng đứng trong hàng ngũ của Daesh tại Syria. Chính quyền đã chuẩn bị sẵn hàng loạt biện pháp để đối phó. Trước hết là tạm giữ những cựu binh thánh chiến trong vòng 96 giờ.
Bài về "Chương trình của Nhà nước" quản lý cựu binh thánh chiến trên L’Express cho biết về mặt chính thức tất cả đã sẵn sàng. Từ nhiều tháng nay, bộ Tư pháp đã tích cực chuẩn bị cho việc tiếp nhận. Danh sách khoảng 20 trại giam – an ninh nhất – đã được lập ra. Một số phần tử được coi là nguy hiểm bị cách ly tại một số nơi giam giữ đặc biệt trong khoảng bốn tháng, để xác định mức độ "cuồng tín" của họ, nhằm có biện pháp đối phó tương xứng. Từ tháng 6/2014 đến nay, nước Pháp đã phải khá thường xuyên quản lý sự trở về của nhiều cựu binh thánh chiến, bằng phương tiện của riêng họ, hoặc bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất.
Vi khuẩn đường ruột suy kiệt : Dân công nghiệp phải nhờ dân hái lượm
Đa dạng sinh học trên Trái đất đang lâm nguy, tuy nhiên một điều ít được biết đến khác là "đa dạng sinh học trong hệ thống đường ruột con người" cũng bị đe dọa. Courrier International dẫn lại bài phỏng vấn một khoa học gia Viện Massachusetts (Anh Quốc), giới thiệu về công trình thống kê các vi khuẩn trong ruột người.
Mục tiêu là nhằm chuẩn bị đối phó với các khủng hoảng y tế trong tương lai, do tình trạng vi khuẩn trong ruột người suy kiệt. Theo nhà khoa học Eric Alm, việc hệ vi khuẩn đường ruột suy kiệt là một trong những nguyên nhân khiến các căn bệnh viêm đường ruột, dị ứng hay suy giảm hệ miễn dịch tăng vọt tại các nước phát triển, nguồn gốc của nhiều dịch bệnh. Chương trình xây dựng một "thư viện" thế giới về vi khuẩn đường ruột đặc biệt chú ý đến dân cư các nước nghèo, dân cư thuộc các vùng có lối sống truyền thống, như các cộng đồng săn bắt, hái lượm, sống gần thiên nhiên, xa lạ với xã hội công nghiệp hiện đại.
Nguyên tắc của Global Microbiome Conservancy, cơ sở sưu tập các vi khuẩn này, là rõ ràng. Cộng đồng dân cư nơi tìm được một loại vi khuẩn nào thì coi như là chủ nhân. Một công ty muốn khai thác tài nguyên này vào mục tiêu trị liệu chẳng hạn trước hết phải được sự cho phép của cộng đồng.
Trọng Thành