Ngày 17/06/2020, Văn phòng Tòa giám mục Vinh thông báo Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long đã quyết định cho Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam nghỉ mục vụ.
Linh mục Đặng Hữu Nam đã kêu gọi toàn dân Việt Nam hãy tôn trọng sự thật, không sợ hãi, không thờ ơ, không lùi bước trước cái xấu, cái ác. Hành động khiếu kiện Formosa, bảo vệ môi trường biển của giáo dân xứ Song Ngọc là một việc làm hoàn toàn đúng đắn
Thông báo số 1320/TB-TGM về thuyên chuyển và bổ nhiệm linh mục tháng 6/2020 của tòa Giám mục Vinh ghi Linh mục Anton Đặng Hữu Nam quản xứ Mỹ Khánh nay được nghỉ mục vụ, điều này được hiểu nghĩa như ông không còn phụ trách bất cứ giáo xứ nào, và được điều động về tòa giám mục.
Thông báo số 1320/TB-TGM
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam sinh năm 1976, thụ phong linh mục năm 2008, làm chánh xứ giáo xứ Mỹ Khánh xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông đã cùng linh mục Nguyễn Đình Thục và một số linh mục khác đứng mũi chịu sào tranh đấu bảo vệ môi trường và bênh vực quyền lợi cho người dân trong vụ công ty Formosa xả thải gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng môi trường biển miền Trung Việt Nam và ảnh hưởng cuộc sống của vô số ngư dân.
Ông đã từng chịu nhiều phiền hà, rắc rối, bắt giam bởi chính quyền Việt Nam hay những nhóm tay chân của chính quyền như hội Cờ Đỏ, thậm chí bị hành hung bởi các nhóm côn đồ do công an xúi giục hoặc giả trang.
Cuối tháng 12/2015, linh mục Đặng Hữu Nam khi còn làm chánh xứ Tân Yên, giáo phận Vinh đã bị một đám đông mặc thường phục, trong đó có một người bị nhận mặt là trưởng công an xã An Hòa, chặn đường đánh đập. Tháng 8/2016, linh mục Đặng Hữu Nam ra Hà Nội chữa bệnh bị một nhóm người mặc thường phục tự xưng là công an huyện Cầu Giấy bắt giữ và giam cầm ông trong 4 tiếng đồng hồ.
Linh mục Đặng Hữu Nam và giáo dân của xứ đạo từng bị tổ chức có tên Hội Cờ Đỏ ‘diệt giặc đạo’ khiêu khích, tấn công. Hội này bao gồm các thành viên của các hội được chính quyền công nhận lâu nay như hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, v.v…
Hội Cờ Đỏ đã nhiều lần kêu gọi Linh mục Đặng Hữu Nam phải rời khỏi giáo xứ đương nhiệm.
Việc Tòa Giám mục địa phận Vinh cho Linh mục Đặng Hữu Nam ‘nghỉ mục vụ’ đã gây hoang mang cho giáo dân trong xứ đạo Mỹ Khánh, xót xa không ít cho nhiều giáo dân trong nước và hải ngoại.
Phóng viên Việt Nam Thời Báo mong muốn được phỏng vấn ông, nhưng ông cho biết đang rất bận việc và hẹn vài ngày nữa.
Chúng tôi được biết ba thành viên của hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và nhà văn Phạm Thành luôn trong các lời cầu nguyện xin bình an của Thiên Chúa đến cho họ của Linh mục Đặng Hữu Nam
Thanh Trì
Nguồn : VNTB, 19/06/2020
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam cho hay bị một thành viên Hội Cờ đỏ nhiều lần dọa giết trong khi lãnh đạo xã phủ định điều này.
Nhóm người trong đó có Hội Cờ đỏ thường xuyên đe dọa linh mục Nam, theo lời linh mục Anton Đặng Hữu Nam
Sự việc vị linh mục kêu cứu do bị dọa giết đã ồn ào trên mạng xã hội vài ngày nay.
"Ông Lê Đình Thọ, Hội trưởng Hội Cờ đỏ xóm Quỳnh Khôi đã ba lần đột nhập vào nhà thờ Giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, nơi tôi đang quản nhiệm, đe dọa giết tôi", linh mục Anton Đặng Hữu Nam nói với BBC hôm 24/10.
Lời kêu cứu của linh mục
Linh mục Đặng Hữu Nam là một trong các tu sĩ hướng dẫn người dân biểu tình phản đối Formosa gây thảm họa môi trường
"Trong tuần các giáo dân thường có hoạt động cầu nguyện liên gia (tập trung đọc kinh tại nhà) nên nhà thờ thường vắng người. Ông Thọ biết lịch làm việc của nhà thờ nên thường đột nhập lúc chỉ có một mình tôi trong nhà xứ".
"Ông ta đã ba lần chửi bới và lớn tiếng nói sẽ đoạt mạng tôi trong khu nhà xứ. Lúc đó có lớp học Kinh thánh của trẻ nhỏ trong nhà thờ. Các em rất sợ hãi, đã đổ ra sân. Lúc đó ông Thọ cùng người của ông lên xe rút lui. Ngoài ra ông Thọ cũng có phát ngôn công khai như vậy nhiều lần khác ở các nơi công cộng". Linh mục Đặng Hữu Nam thuật lại với BBC.
Nhiều giáo dân ở Nghệ An viết lên Facebook tố cáo sự việc ông Nguyễn Đình Thọ, Hội trưởng Hội Cờ đỏ Quỳnh Khôi, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An", có âm mưu và hành dộng giết linh mục Anton Đặng Hữu Nam".
Người dân cũng cáo buộc ông Thọ là "công an xóm Quỳnh Khôi và có nhiều thành tích bất hảo". Ngoài ông Thọ, còn có sự tham gia của ông Phan Đình Đệ, công an viên Xóm Đồng Chùa sát cạnh xóm Quỳnh Khôi.
Linh mục Nam nói lý do khiến ông bị dọa giết là vì ông đã lên tiếng nhiều năm về gánh nặng thuế phí đè lên đầu người dân ở đây.
Bị đe dọa vì phản đối đóng nhiều loại thuế ?
Theo đó, nông dân xã Khánh Thành, Yên Thành, Nghệ An nhiều năm nay đã phải gồng gánh đóng gần 20 khoản thuế 'trái phép', theo lời linh mục Anton Đặng Hữu Nam.
Gánh nặng thuế lên tới 3 - 4 triệu đồng/năm/hộ gia đình, "trong đó chỉ có khoảng 3 - 4 trăm ngàn là thuế được thu theo đúng luật", vẫn theo lời linh mục Nam.
Người đội mũ cối, mặc áo kẻ, được cho là ông Nguyễn Đình Thọ - người đột nhập vào nhà thờ đe dọa linh mục Anton Đặng Hữu Nam
Danh sách các khoản thuế bị thu sai gồm thuế môi trường, thuế xây dựng nông thôn mới, thuế nông nghiệp, lạm thu tiền học của học sinh, và cả tiền phạt sinh con thứ ba.
"Nhiều nông dân chỉ trông vào mảnh ruộng, thu nhập trung bình mỗi ngày tính ra nghe khó tin, chỉ 200 VNĐ. Có gia đình không có tiền nộp thuế thì họ [chính quyền] đến dỡ cửa sổ, cửa chính (bằng gỗ). Nếu không thì bắt lợn, bắt gà".
Hầu hết các khoản thuế này chính phủ đã bãi bỏ không thu từ năm 2017, nhưng đến nay xã vẫn thu của dân, linh mục Nam cho biết.
"Từ khi tôi quản nhiệm Giáo xứ Mỹ Khánh ở xã Khánh Thành, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và bắt đầu chương trình 'Bảo vệ người dân'. Tôi cùng bà con phản đối quyết liệt nhiều khoản thu thuế trái phép, nên tôi thường nhận được nhiều lời đe dọa, thậm chí cắt điện, cắt internet".
"Trong những ngày vừa qua khi tôi cùng bà con giáo dân tuần hành cầu nguyện cho tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, chính quyền đã cử hàng ngàn người tới bao vây nhà thờ. Có một bộ phận trong đó là thành viên Hội Cờ đỏ", linh mục Đặng Hữu Nam cho hay.
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam nói với BBC rằng điều đáng lo ngại là Hội Cờ đỏ này được chính quyền bảo hộ.
Hội Cờ đỏ là gì ?
Hội Cờ Đỏ tụ tập ngày 29/10 tại xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Đây không phải lần đầu vấn đề về Hội Cờ đỏ tại Nghệ An được nêu lên.
Cuộc 'ra quân' rầm rộ nhất, thu hút nhiều sự chú ý của dư luận của hội này, được cho là vào ngày 29/10, với hàng trăm người mang theo cờ đỏ sang vàng tuần hành tại xã Sơn Hải, Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An để "ra mắt Liên minh Hội Cờ đỏ Bảo vệ An ninh Tổ quốc".
Đây cũng là thời điểm Nghệ An đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thăm và làm việc tại Quân khu 4.
Nhiều video công bố rộng rãi trên mạng xã hội thời điểm đó cho thấy một đám đông cuồng nhiệt ủng hộ một người đàn ông mặc quần áo và thắt băng rôn cờ đỏ sao vàng trên trán, đang đọc diễn văn.
Bài diễn văn nhắc tới "linh mục quạ đen Anton Đặng Hữu Nam" đã 'lừa bịp giáo dân, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước".
Thời điểm đó, linh mục Nam đang quản nhiệm Giáo xứ Phú Yên tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và từng có các hoạt động phản đối công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường biển tại miền Trung.
"Những người này được trả lương, với thành phần gồm công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, và các thành phần bất hảo ở địa phương", linh mục Nam nói với BBC hôm 24/10.
"Chính vì được chính quyền thành lập, nên khi họ đến đe dọa giết tôi, và nhiều lần bao vây nhà thờ, chính quyền không can thiệp".
"Tôi cũng đã báo cáo sự việc bị đe dọa giết, cùng với gửi hình ảnh và video tới chính quyền xã và công an xã Khánh Thành, nhưng không ai phản ứng gì".
"Những người thuộc Hội Cờ đỏ khi tụ tập đến nhà thờ thường khoác lên vai lá cờ đỏ sao vàng. Cũng có khi họ mặc thường phục".
Linh mục Nam nói ông không biết ở xóm Quỳnh Khôi có bao nhiêu người thuộc Hội Cờ đỏ vì ông mới được giao quản nhiệm giáo xứ tại đây một thời gian, nhưng ở Quỳnh Lưu ông biết Hội Cờ đỏ ra mắt chính thức năm 2017 với 700 thành viên.
Chính quyền nói gì ?
Hội Cờ Đỏ diễu hành trên địa bàn xã Sơn Hải ngày 29/10
Ông Nguyễn Đào Quý, chủ tịch xã Khánh Thành nói với BBC hôm 24/10 rằng ông biết sự việc linh mục Anton Đặng Hữu Nam kêu cứu.
Tuy nhiên ông phủ nhận việc ông Nguyễn Đình Thọ tới nhà thờ với mục đích 'đoạt mạng' linh mục Nam.
"Đúng là họ lên nhưng mà họ chưa làm gì. Có vấn đề gì thì họ lên để trao đổi thôi chứ không phải là họ làm gì cả", ông Quý nói.
Khi hỏi chính quyền xã đã giải quyết sự việc này như thế nào, ông Quý nói :
"Họ vào nhà thờ để gặp linh mục thôi chứ họ có dọa giết gì đâu. Họ chưa có hành động gì cả".
"Ông Thọ này ông ấy mất đồ gì đó ở nghĩa trang, ông ấy nghĩ là bà con giáo dân lấy thì ông ấy vào [nhà thờ] thôi chứ không phải vào để làm gì".
Khi được hỏi ông Thọ có thuộc Hội Cờ đỏ hay không, ông Quý nói xã Khánh Thành không có Hội Cờ đỏ. Và ông Thọ chỉ là một dân thường.
Tuy nhiên, khi phóng viên BBC tiếp tục hỏi đánh giá của ông về vai trò của Hội Cờ đỏ ở Nghệ An, ông Qúy từ chối trả lời, nói "đang bận họp".
Báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam không đưa tin tức nào về Hội Cờ đỏ. Nhưng các hình ảnh và video clip về hoạt động của Hội này tại nhiều địa phương trên cả nước được đăng tải rộng rãi trên Facebook và Youtube.
Chính quyền nơi có Hội Cỏ đỏ hoạt động không khẳng định có trả ngân sách, hay hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào hay không.
Vào thời điểm hàng ngàn người mặc trang phục cờ đỏ sao vàng diễu hành ở Nghệ An hôm 29/10/2017, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải thừa nhận với BBC về sự tồn tại và hợp pháp hóa của hội này.
Đây là một tổ chức "tự phát", "nhưng họ có xin phép", ông Hùng nói.
BBC tiếng Việt, 25/10/2018