Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 15 février 2022 11:41

Khi Búa (và Liềm) rơi xuống

Vào nửa đêm ngày 31 tháng Mười hai 1991, tiếng chuông từ Tháp Cứu thế trong điện Kremlin ngân vang và pháo hoa thắp sáng bầu trời để mừng sự kết liễu chính thức của Liên Xô, mà từng tuyên bố đã tạo ra thiên đường trên trần thế.

urss0

Trong 70 năm tồn tại chế độ Xô-viết đã giết ít nhất 20 triệu công dân của mình vì những lý do chinh trị. Liên Xô cũng quyến rũ như một ảo ảnh. Công dân phải trở thành diễn viên đóng vai người sống trong thiên đường không tưởng mới cho phù hợp với những điều tiên đoán không thể nào sai của ý thức hệ Mác-Lê.

Tuy nhiên, như lịch sử chỉ ra, Liên Xô không phải bất khả chiến bại. Vào năm 1988 nhà lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev cho phép không gian cho tự do thông tin trong xã hội Xô viết, từ đấy tạo ra mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận và chế độ đặt nền tảng trên bao dối trá. Khi glasnost không bị trấn áp, nó đưa đến sự sụp đổ của chế độ. Cuối cùng, chỉ hiện thực giả mới có thể biện minh cho quyền lực toàn trị.

Hai ảnh hưởng đã khiến Gorbachev bắt đầu những cải cách mà cuối cùng đóng dấu lên số phận của Liên Xô. Đầu tiên là phong trào bất đồng chính kiến, mà đưa ra sự lựa chọn về đạo đức thậm chí trong hoàn cảnh chủ nghĩa toàn trị. Thứ hai là sự chống cự kiên quyết của Phương Tây, bất chấp bao sai lầm và do dự. Cả hai đều thách thức Liên Xô ở cấp độ giá trị.

Các nhà bất đồng chính kiến quan trọng vì họ luôn khẳng định rằng lời có ý nghĩa. Chế độ Xô viết công bố "những quyền dân chủ", rồi dùng khủng bố để bảo đảm công dân không bao giờ thực thi những quyền này. Các nhà bất đồng chính kiến yêu cầu chế độ phải tôn trọng luật pháp của chính chế độ.

Vào tháng Tám 1975, Liên Xô ký Hiệp ước Helsinki, nhằm thừa nhận sự phân chia Châu Âu nhưng cũng bao gồm những lời hứa tôn trọng nhân quyền và tự do thông tin. Các nhà bất đồng chính kiến đã lập ra những ủy ban nhằm kiểm tra sự tôn trọng hiệp ước của chế độ. Đối với Phương Tây những ủy ban này trở thành nguồn thông tin tốt nhất và thường là duy nhất về sự vi phạm của Liên Xô về các cam kết trong hiệp ước Helsinki. Chế độ Xô viết phản ứng bằng cách bắt giam hàng loạt, nhưng lòng can đảm của các nhà bất đồng chính kiến khi thách thức chế độ và sẵn sàng đối mặt với những bản án ở các trại lao động đã trở thành tấm gương cho cả nước.

Đặc trưng của Liên Xô là mạng lưới kiểm duyệt dày dặc. Tất cả mọi thứ được xuất bản, phát thanh hay tuyên bố trên diễn đàn công cộng đều chịu sự kiểm soát của Đảng cộng sản và đều phải khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác-Lê và sự lãnh đạo anh hùng của đảng.

Các nhà bất đồng chính kiến bắt đầu tránh sự kiểm duyệt bằng cách đánh máy những tác phẩm chính trị và văn chương bị cấm đoán ra thành bốn hay năm bản sao bằng giấy than và bí mật lưu hành chúng. Nhà cầm quyền đáp trả phong trào tự xuất bản này, hay samizdat, bằng các cuộc bắt giam. Các nhà bất đồng chính kiến liền công bố các vụ bắt giam này, thường là trong tạp chí được xuất bản chui tên Ký sự những Sự kiện Hiện nay (Chronicle of Current Events), qua đó nuôi dưỡng nên một nền văn hoá nhóm mà không chịu khuất phục và chẳng bao lâu bao gồm phần lớn giới trí thức. Samizdat duy trì môi trường tự do trí thức thách thức sự kiểm soát toàn trị.

Liên Xô cũng đối mặt với một Phương Tây mà sự chính trực và các định chế của nó hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hỏa tiễn khổng lồ của Liên Xô SS-18 chính xác cao đến mức khiến cho các nhà phân tích CIA rất kinh ngạc vì họ tưởng trong vòng 10 năm Liên Xô không thể chế tạo ra hỏa tiễn chính xác đến như thế. Kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô có đến từ 45.000 đến 60.000 bom và đầu đạn. Rõ ràng để chuẩn bị cho chiến tranh, Liên Xô cũng xây dựng đường tàu điện ngầm thứ hai dài gần 350 km thật sâu bên dưới tàu điện ngầm Mạc Tư Khoa và những hầm trú ẩn sâu hơn 600 mét dưới mặt đất để bảo vệ tầng lớp lãnh đạo cao nhất của đảng.

Tổng thống Reagan bác bỏ quan điểm cho rằng Phương Tây không có cách nào khác ngoài thỏa hiệp. Theo lời cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, tổng thống tấn công trên "phương diện ý thức hệ và chiến lược địa chính trị". Ngân sách quốc phòng tăng gần gấp đôi từ 158 tỷ đô la vào năm 1981 đến 304 tỷ đô la vào năm 1989. Tiền bạc dành cho nghiên cứu và sáng chế tăng gấp đôi từ năm 1981 đến năm 1986. Về chiến lược, Reagan nói một câu rất đơn giản : "Ta thắng. Họ thua".

Nỗ lực của Liên Xô nhằm buộc Phương Tây lùi bước chứng tỏ không thành công. Liên Xô đặt những hỏa tiễn SS-20 di động và chứa nhiều đầu đạn nhắm vào Tây Âu. Mỹ đáp lại bằng những kế hoạch triển khai hỏa tiễn Pershing với tầm tương tự ở Tây Đức và hỏa tiễn hạt nhân tự hành Tomakawk bắn từ đất liền ở tại ba nước thành viên khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. 

Liên Xô phát động chiến dịch tuyên truyền rầm rộ chống lại sự triển khai này. Nhà văn Đức Gunter Grass so sánh chiến dịch tuyên truyền này với Hội nghị Wannsee của Quốc xã Đức nhằm chuẩn bị cho cuộc diệt chủng người Do Thái. Tổ chức Phái Hồng Quân ở Đức được Stasi, cơ quan mật vụ Đông Đức, huấn luyện và cung cấp vũ khí, đã thực hiện những cuộc tấn công vào các cơ sở của Hoa Kỳ và NATO. Bất chấp những cuộc biểu tình rất lớn, Phương Tây vẫn kiên định và các hỏa tiễn được triển khai như kế hoạch.

Đồng thời, cuộc chạy đua tái vũ trang của Hoa Kỳ bắt đầu có kết quả. Vào tháng Sáu năm 1982, các phi công Do Thái -lái máy bay phản lực Mỹ F-15 và F-16 và lợi dụng những tiến bộ mới nhất về vi điện tử và kỹ thuật computer- đã tiêu diệt 81 máy bay phản lực MiG-21 và MiG-23 của Syria do Liên Xô sản xuất trên bầu trời Thung lũng Bekaa ở Lebanon mà không tổn thất một máy bay nào. Vào ngày 23 tháng Ba, 1983, Reagan tuyên bố Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI), nhắm vào việc đón chặn hỏa tiễn Nga trên không gian.

Sửng sốt trước những diễn biến này, Liên Xô chung cuộc quyết định phải liều thực hiện những cuộc cải cách lớn lao.

Ba mươi năm sau, chúng ta không còn phải đối mặt với một kẻ thù như Liên Xô, kẻ đe dọa xâm lược Châu Âu và có thể làm cho ảnh hưởng của nó lan rộng ra khắp thế giới. Tuy nhiên, sự kiên trì và cảm giác vinh dự đã đánh bại Liên Xô vẫn còn cần thiết cho đến ngày nay.

Sự việc Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Afghanistan là một nhắc nhở đau đớn rằng chúng ta đã đi quá xa. Chủ nghĩa cộng sản và Hồi giáo cực đoan là những hệ tư tưởng phân chia thế giới giữa những người được bầu chọn và người báng bổ, phủ nhận tính cá nhân và đàn áp ý chí tự do (free will). Cả hai đều coi giáo điều do con người tạo ra là chân lý không thể sai lầm và tìm cách áp đặt nó bằng vũ lực.

Trong bối cảnh đó, cuộc chiến Afghanistan đã thua ngay khi người Mỹ bắt đầu lặp lại rằng "không còn cuộc chiến tranh nào không có hồi kết" và, lờ đi một cách ích kỷ những người bị chúng ta bỏ rơi khi tuyên bố rằng chúng ta hướng tới các lối thoát khác.

Liên Xô đã thuộc về quá khứ, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là rút ra những bài học đúng đắn từ sự sụp đổ của nó. Thay vì thế, Hoa Kỳ đã và đang hướng nội. Việc bảo vệ các giá trị phổ quát đã được thay thế bằng các cuộc đấu tranh chính trị nội bộ về các vấn đề như biến đổi khí hậu và nhận dạng giới tính (gender identity). Đó là một tình huống bi thảm và nguy hiểm. Chủ nghĩa cộng sản Xô viết đã bị đánh bại, nhưng lịch sử lại vận động theo chu kỳ. Thật là ngây ngô khi nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải đối mặt với sự thử thách ý thức hệ nào nữa.

David Satter

Nguyên tác : When the Hammer (and Sickle) fell, The Wall Street Journal, 30/12/2021

Trần Quốc Việt dịch (15/02/2022)

**********************

Niềm tin chiến thắng 

Trần Quốc Việt, 15/02/2022

Vào năm 1984, ngay giữa lòng chế độ toàn trị khắc nghiệt Romania, nữ thi sĩ Ana Blandiana đã viết ra những lời thơ sau :

"Tôi tin chúng ta là nhân dân thực vật,

Có ai từng thấy

Cây cối nổi loạn bao giờ ?"

Lớp băng tưởng chừng như vĩnh cửu liệm kín tâm hồn của những xã hội ở Đông Âu cộng sản trong thời gian rất dài. Tuyệt vọng thấm sâu vào máu tim của người dân. Họ bắt đầu sống vô cảm và sống theo bản năng, sống để quên mình và thực tại. Ngày hôm nay chỉ là ngày hôm qua kéo dài ra từ những ngày hôm qua vô tận. Con người sinh vật hay thực vật đã thay thế hoàn toàn con người xã hội. Sống để chờ cái chết sau cùng sẽ đến như cây đứng chờ lá rụng theo mùa.

helsilki1

Người tác nhân chính của Hiệp ước Helsinki, ảnh chụp ngày 01/08/1975. Từ trái : Ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev, Tổng thống Mỹ Gerald Ford và ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko.

Năm 1975 Nadezhda Mandelstam, vợ của thi sĩ quá cố nổi tiếng Osip Mandelstam, nói với nhà bất đồng chính kiến Nga Andrei Amalrik, tác giả của cuốn sách được in ở Tây Phương vào năm 1970 với tựa đề "Liệu Liên Xô sẽ tồn tại đến năm 1984 ?".

"Tôi nghe anh đã viết rằng chế độ này đến năm 1984 sẽ không tồn tại nữa. Vô lý ! Nó sẽ tồn tại ngàn năm nữa !"

Andrei Amalrik kể lại trong hồi ký rằng lúc ấy ông nghĩ : "Thật thương thay cho bà cụ. Rõ ràng ta thấy rằng chế độ này đã lừa bà suốt sáu mươi năm trời, nếu bà tin vào sự tồn tại vĩnh viễn của nó".

Trong những năm hoàng hôn cuối cùng của Liên Xô, người ta nhận thức rằng chính họ đúc nên cỗ máy toàn trị. Một cỗ máy được một xã hội băng hoại, nhiễm độc, và đạo đức suy tàn góp phần dựng lên. Nadezhda Mandelstam tuyệt vọng vì theo lời bà từ lâu bà đã nhìn thấy "Vấn đề không phải ở Stalin. Vấn đề là chúng ta".

Hay nói một cách hình ảnh, chế độ toàn trị là đầu máy xe lửa còn dân chúng là hàng triệu tấn than tạo ra năng lượng cho đầu máy của chuyến tàu tàn phá toàn diện đất nước và con người. Cuối cùng khi chuyến tầu số phận ấy nằm hoen gỉ trong bãi rác của lịch sử, tất cả còn lại chung quanh họ là một đất nước hoang tàn, một xã hội thối nát và thiên về bản năng hơn tinh thần, và những thế hệ bị hoen ố và rạn vỡ về tâm hồn. Những thế hệ mà chế độ toàn trị chỉ cần ba mươi năm làm cho băng hoại, nhưng như theo lời nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn "Ba trăm năm cũng chưa đủ để hàn gắn lại".

Ánh nắng đầu tiên chiếu xuống lớp băng vô cảm liệm kín tâm hồn các xã hội Đông Âu đến vào ngày 1 tháng Tám, 1975 khi tất cả các nước Châu Âu (ngoại trừ Albania) cùng Hoa Kỳ và Canada ký Hiệp ước Helsinki. Đây là hiệp ước do Liên Xô vận động kiên trì trong hai năm rưỡi trời để hợp pháp hóa các biên giới họ đã chiếm đóng bất hợp pháp trong Đệ Nhị Thế Chiến và để thúc đẩy thương mại và sự hợp tác kinh tế với thế giới tự do Tây Phương nhằm cứu vãn nền kinh tế ngày càng yếu kém của khối cộng sản. Hoa Kỳ miễn cưỡng tham dự vào các cuộc hội đàm về hiệp ước, nhưng các nước Tây Âu đã nhất mực yêu cầu Liên Xô phải nhượng bộ về nhân quyền. Cuối cùng Liên Xô và các nước cộng sản khác đồng ý thực thi Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và thực thi điều VII của hiệp ước : "Tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do cơ bản, bao gồm tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng". Hiệp ước còn bao gồm quyền của công dân "để biết quyền của họ và để thực thi những quyền ấy".

Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn gọi việc Tây Phương ký hiệp ước là một "sự phản bội mới" vì như nhiều người khác cùng thời ông tin các nước cộng sản ký để mà ký chứ không thực hiện những cam kết về nhân quyền. Liên Xô coi đây là thắng lợi lớn và quan trọng nên cho đăng toàn văn hiệp ước trên tờ Pravda. Theo lời bà Jeri Laber, một người đồng sáng lập ra tổ chức Human Rights Watch, hiệp ước thay vì là phương tiện củng cố chế độ cộng sản lại trở thành phương tiện kết liễu chế độ cộng sản ở Đông Âu.

Từ đấy nhiều người dân bắt đầu biết đến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và điều VII của Hiệp ước Helsinki.

Lớp băng vô cảm tuyệt vọng bắt đầu rạn nứt. Các công dân can đảm bắt đầu đứng ra lập các tổ chức dân sự để quảng bá nhân quyền và yêu cầu chính quyền phải thực thi những cam kết về nhân quyền mà họ đã ký với quốc tế. Tại Liên Xô, Nhóm Helsinki Mạc Tư Khoa tổ chức cuộc họp báo tại căn hộ của Viện sĩ Sakharov để tuyên bố sự ra đời của nhóm vào ngày 12 tháng Năm, 1976. Noi gương họ các nhóm Helsinki khác mấy tháng sau mọc lên ở Ukraine, Lithuania, Georgia và Armenia. Nhóm Helsinki Mạc Tư Khoa do Giáo sư Yuri Orlov, nhà vật lý Xô viết trước đấy từng hoạt động bảo vệ nhân quyền ở Liên Xô, lập ra. Ludmila Alexeyeva, một thành viên sáng lập của nhóm, hồi tưởng :

"Đây là ý kiến của Yuri Orlov. Ông ấy suy nghĩ kỹ và lập ra nhóm này và ông khuyến khích mọi người tham gia. Ông nói riêng với từng người một, gọi họ ra ngoài nhà để nói chuyện vì không chỉ điện thoại mà các căn hộ của chúng tôi đều bị đặt máy nghe lén. Tất cả chúng tôi đều nhận thức rằng chúng tôi có nguy cơ bị trấn áp rất dã man. 11 thành viên lập ra nhóm như thế, họ đều không có quyền như tất cả những người dân khác, và tài sản của chúng tôi chỉ là hai chiếc máy chữ cũ kỹ". Mục tiêu chính của tổ chức dân sự này là buộc chính quyền phải tôn trọng Hiến pháp, nhân quyền và nhân phẩm công dân.

Trong cùng thời gian các tổ chức dân sự được thành lập ở các nước cộng sản Đông Âu để yêu cầu chính phủ họ phải tôn trọng Hiệp ước Helsinki như nhóm Ủy ban Bảo Vệ Công nhân (KOR) ở Ba Lan và nhóm Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc.

Nhân dịp mười năm kỷ niệm ngày ký Hiệp ước Helsinki, Jeri Laber chỉ ra rằng : "Hiệp ước là ngọn cờ tập hợp cho những người đấu tranh cho tự do và hòa bình. Tôi đã nhìn thấy những thành tựu của tinh thần Helsinki trong các cuộc gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền ở Mạc Tư Khoa, Prague, Warsaw, Budapest, Belgrade và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ có thể nói giọng nhỏ lại nhưng mắt họ sáng lên khi nhắc đến từ "Helsinki". Đối với những người này, "Helsinki" có nghĩa là hy vọng".

Helsinki đã khích lệ can đảm dấn thân của những nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến gần như trên toàn cõi Đông Âu. Họ đã trả giá rất đắt cho sự nghiệp, mà theo lời của Vaclav Havel, là "chân chính và đáng đau khổ". Yuri Orlov bị kết án 7 năm tù và 5 năm lưu đày, Vaclav Havel bị kết án 5 năm tù, và rất nhiều nhà hoạt động khác ở Đông Âu bị kết án nặng nề, bị trấn áp, bị đuổi việc, bị mất nhà, bị sách nhiễu không ngừng, bị trục xuất ra nước ngoài, con cái không được đi học. Họ bị báo chí chế độ bôi xấu và lăng mạ. Và có nhiều người như Anatoly Machenko, thành viên sáng lập của Nhóm Helsinki Mạc Tư Khoa chết trong cuộc tuyệt thực trong tù hay nhà triết học Jan Patocka của Nhóm Hiến Chương 77 chết dưới tay mật vụ. Đúng như lời tuyên bố của nhà lãnh đạo đảng cộng sản Đức Eric Honecker để trấn an các cố vấn của ông khi họ bày tỏ quan ngại về việc thông qua các nguyên tắc nhân quyền trong Hiệp ước Helsinki : "Stasi sẽ luôn luôn có mặt" để lo vấn đề nhân quyền.

Nhưng các làn sóng trấn áp khốc liệt vẫn không dập tắt được tinh thần Helsinki vì Helsinki luôn luôn có nghĩa là can đảm và hy vọng. Hơn thế nữa Helsinki đã tạo ra hiện tượng xã hội dân sự bùng phát từ dưới đáy và trong bóng tối giữa lòng các chế độ toàn trị tại Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan và Hungary. Một xã hội dân sự đầu tiên của những nhà hoạt động nhân quyền sẵn sàng lên tiếng cho những nạn nhân của các chế độ. Họ ra hàng trăm bản tuyên bố về các vi phạm nhân quyền tại nước họ, xuất bản hàng trăm cuốn sách được lưu hành bí mật, những cựu giáo sư đại học tổ chức những buổi thuyết trình về các chủ đề cấm kỵ ngay trong phòng khách nhà họ, nhà thờ làm lễ riêng cho những giáo dân, âm nhạc và kịch nghệ bị cấm vẫn được trình diễn kín đáo tại nhà riêng...

Chính Hiệp ước Helsinki đã góp phần quan trọng đưa đến những cuộc cách mạng ở Đông Âu vào năm 1989. Toàn bộ lớp băng vô cảm liệm kín tâm hồn Đông Âu tan rã dưới niềm khích lệ và hy vọng sinh ra từ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các điều khoản về nhân quyền trong hiệp ước.

Di sản và sức mạnh lớn nhất của Helsinki là niềm tin bất diệt về chính nghĩa và lẽ phải của sự nghiệp nhân quyền của những người dưới đáy và không có quyền lực. Họ không có tiền bạc và vũ khí để đương đầu với chế độ toàn trị. Đối diện với sức mạnh bạo quyền vô nhân tính, họ chỉ có hy vọng, can đảm, lời nói và niềm tin về sức mạnh của công dân của mình. Suối nguồn sức mạnh ấy xuất phát từ niềm tin bất diệt về các giá trị nhân quyền phổ quát mà tất cả công dân trong tất cả chế độ tại tất cả mọi nơi đều phải được hưởng.

Khác biệt giữa những thế hệ thực vật và những thế hệ đứng dậy là sự nhận thức trọn vẹn về nhân phẩm và giá trị của con người mà đã thể hiện sâu sắc qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Niềm tin, can đảm, và hy vọng mọi thứ có thể thay đổi tốt hơn là những chất men làm dậy lên các cuộc cách mạng nhân quyền trong những chế độ chà đạp nhân quyền mà Việt Nam là một điển hình mới nhất. 

Trần Quốc Việt tóm lược

(15/02/2022)

Published in Diễn đàn